Những sai lầm của PGS.TS Nguyễn Công Lý trong sách “Giải thích từ ngữ Hán Việt trong sách giáo khoa…” (kỳ II)
Hoàng Tuấn Công
PGS.TS Nguyễn Công Lý cho biết:“Khi giải nghĩa từ, chủ yếu chúng tôi dựa vào Hán Việt từ điển của học giả Đào Duy Anh, Từ điển tiếng Việt của Viện ngôn ngữ học do GS. Hoàng Phê chủ biên và Đại từ điển tiếng Việt của Trung tâm ngôn ngữ và Văn hoá Việt Nam-Bộ Giáo dục và Đạo tạo do GS. Nguyễn Như Ý chủ biên”.
Theo đó, chúng tôi tưởng (và lẽ thường) thầy Lý sẽ làm như sau:
-Tham khảo cách giải nghĩa trong 3 cuốn Từ điển, tổng hợp thành cách giải nghĩa chính xác, dễ hiểu nhất, phù hợp với trình độ, khả năng tiếp thu của giáo viên, học sinh.
-Ngoài tham khảo 3 cuốn Từ điển, bằng kiến thức ngôn ngữ, văn hóa lịch sử, phương pháp sư phạm và kiến văn của mình, thầy Lý sẽ cập nhật, bổ sung thêm thông tin, đưa ra cách giải nghĩa chính xác, đầy đủ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc dạy và học của giáo viên, học sinh.
-Cuối cùng, (ít nhất) Thầy cũng tham khảo rồi “chọn” (chép lại) một trong ba cách giải nghĩa chính xác, phù hợp nhất của 3 cuốn Từ điển.
Nhưng, có lẽ thầy Lý cho rằng, đã là từ “Hán Việt” thì phải căn cứ vào “Hán Việt từ điển” tham khảo mới chính xác. Bởi vậy, Thầy cứ “Đào Duy Anh” mà chép [1] Mà từ điển của cụ Đào Duy Anh thì sao? Đây là cuốn Hán Việt từ điển giản yếu thuộc diện cổ xưa nhất ở Việt Nam. Cổ tới mức nào? Sách biên soạn xong 1931, xuất bản lần đầu 1932, (trước cả cuốn Hán Việt tự điển-Thiều Chửu xuất bản sau đó 10 năm-1942) tái bản nhiều lần, không sửa chữa bổ sung. Bởi vậy, Từ điển này không chỉ thiếu nhiều từ, tự (như chúng tôi đã chỉ ra trong kỳ I bài viết) mà cách hiểu, cách dùng từ Hán Việt nói riêng và từ ngữ tiếng Việt nói chung thời điểm đầu thế kỷ XX so với bây giờ đã khác đi nhiều. Chúng ta có thể dẫn một số từ trong sách do NXB Trường-Thi ấn hành năm 1957 (tại Sài Gòn) và bản do NXB Khoa học xã hội-tái bản năm 2000 làm ví dụ:
-Vần B, mục từ “Bảo Đại” vẫn còn nguyên nghĩa: “Hiệu vua nước ta hiện nay (1924-)”.
-Vần K, từ “Khốn nạn” giải nghĩa “Khó khăn, lúng túng” (nghĩa từ Hán Việt đầu thế kỷ XX về trước). Trong khi từ này ngày nay được hiểu: “hèn mạt, không có chút nhân cách, đáng khinh bỉ, nguyền rủa” (Từ điển tiếng Việt).
-Từ “bảo dưỡng” cụ Đào Duy Anh hướng dẫn xem từ: “bảo dục” nghĩa là: “giữ gìn nuôi nấng”. Trong khi “bảo dưỡng”, “Từ điển tiếng Việt” giải nghĩa phù hợp với cách hiểu ngày nay: “đgt-trông nom, giữ gìn, sửa chữa [thiết bị, cầu đường,v.v…] khi cần thiết, giữ ở trạng thái có thể sử dụng bình thường”. (Theo tôi, Từ điển tiếng Việt nên bổ sung ý: bảo dưỡng để giữ cho thiết bị có độ bền sử dụng lâu dài)
v.v…
Nhiều từ, cách giải nghĩa của cụ Đào Duy Anh chỉ mang tính chất đối dịch, dùng từ Hán Việt này để giải thích từ Hán Việt khác, nên rất khó hiểu, đặc biệt là đối với giáo viên và học sinh Trung học cơ sở. (Trong phần Phàm Lệ, chính cụ Đào Duy Anh đã thừa nhận: “Có khi vì vụ giản tiện hoặc vì tình thế không thể tránh được, mà trong phần giải thích phải dùng đến từ-ngữ Hán-văn hoặc phải mượn một từ-ngữ đồng nghĩa mà giải-thích một từ-ngữ khác…”)
Như vậy, với giáo viên và các em học sinh, người biên soạn không nên sao chép nguyên xi cách giải nghĩa của cụ Đào Duy Anh, mà tùy từng trường hợp có thể lựa chọn hoặc đưa ra cách diễn đạt, giải thích phù hợp, dễ hiểu hơn. Tuy nhiên, “giải thích từ ngữ Hán Việt trong sách giáo khoa” của thầy Lý thực chất là chép lại cách giải nghĩa cách đây gần 1 thế kỷ. Bởi vậy, đôi khi giống như thầy Lý làm sách cho những người “muôn năm cũ” dùng vậy. Một vài so sánh, ví dụ:
-Cụ Đào Duy Anh (Đào Duy Anh): “Hoài cổ: nhớ việc đời xưa”.
-Thầy Nguyễn Công Lý (Nguyễn Công Lý): “Hoài cổ: nhớ việc đời xưa.”
Nghĩa Hán-Việt của “hoài” trong “hoài cổ” không phải là “nhớ” chung chung mà là “nhớ tiếc”. “Từ điển tiếng Việt” (TĐTV) – sách nằm trong danh mục tham khảo của thầy Lý giải nghĩa cụ thể, sát đúng hơn: “hoài cổ: nhớ tiếc cái đã thuộc về một thời xa xưa. Người già thường hay hoài cổ”; và “Đại từ điển tiếng Việt”-Nguyễn Như Ý (ĐTĐTV): “hoài cổ đgt. Luyến tiếc, tưởng nhớ cái thuộc về thời xưa cũ: Bài thơ phảng phất tâm trạng hoài cổ”. Thế nhưng, một trong hai cách giải nghĩa chính xác này đã không được thầy Lý sử dụng.
-Đào Duy Anh: “Tử nạn–Vì quốc gia có hoạn nạn mà chết”
-Nguyễn Công Lý: “Tử nạn: chết do giặc giã, loạn lạc”
Đây là nghĩa từ dùng của người Tàu (xưa, nay) và “người Ta” hồi đầu thế kỷ XX. Ví dụ: “Việt Nam tự điển” (Khai trí Tiến đức-Hà Nội): “Tử nạn: Chết vì nạn nước–Trong khi kinh thành thất thủ, nhiều người tử nạn.” Có lẽ thầy Lý căn cứ vào “Hán Việt từ điển” và “giải thích” “rõ” hơn: “vì quốc gia có hoạn nạn mà chết” thành “chết do giặc giã, loạn lạc”, nhưng không tránh khỏi phiến diện, thiếu chính xác. Trong khi nếu theo cách giải nghĩa của “ĐTĐTV”: “tử nạn đgt. Chết do giặc giã, loạn lạc. (cũ); tử nạn đgt. Chết vì tai nạn. (mới); hoặc “Từ điển tiếng Việt” “Tử nạn: 1.Chết do chiến tranh–nhiều dân thường tử nạn trong cuộc chiến. (Đồng nghĩa: thiệt mạng). 2.Chết do tai nạn–12 học sinh đã tử nạn trong vụ đắm đò”, sẽ chính xác, đầy đủ hơn. (Ví dụ của TĐTV nghe “ghê” quá !)
-Đào Duy Anh: “Cầu toàn trách bị: Cầu cho được toàn, trách cho được đủ, cố ý bắt buộc người khó làm xong”.
-Nguyễn Công Lý: “Cầu toàn trách bị: Cầu cho được toàn, trách cho được đủ. Ý nói: cố ý bắt buộc người khác làm xong”.
Đây lại là một câu thành ngữ được “Hán Việt từ điển” giải nghĩa đơn giản theo kiểu “đối dịch”. (trường hợp này cụ Đào Duy Anh gọi là: “vì vụ giản tiện hoặc vì tình thế không thể tránh được, mà trong phần giải thích phải dùng đến từ-ngữ Hán-văn hoặc phải mượn một từ-ngữ đồng nghĩa mà giải-thích một từ-ngữ khác…”). Chữ “trách” 責 có nghĩa là yêu cầu, đòi hỏi, đã không được cụ Đào giải nghĩa, đến lượt thầy Lý tiếp tục để nguyên. Bởi vậy “trách cho được đủ” trở nên rất khó hiểu với giáo viên và học sinh. Mặt khác, nguyên văn cụ Đào Duy Anh viết: “…, cố ý bắt buộc người khó làm xong”, khi chép lại, không biết do thầy Lý nghĩ cụ Đào viết sai nên sửa chữ “khó” thành chữ “khác” (hay do chép sai, in sai ?). Thế là ý cụ Đào: Ai đó cố ý đưa ra yêu cầu khắt khe, mọi thứ phải thật hoàn hảo để gây khó khăn, khiến cho người khác khó thực hiện, khó làm cho xong, thầy Lý lại biến thành: “…cố ý bắt buộc người khác làm xong (!)
Về câu “Cầu toàn trách bị” “Từ điển tiếng Việt” giải nghĩa dễ hiểu hơn: “Cầu toàn: đòi hỏi hoàn toàn tốt, hoàn toàn trọn vẹn, theo ý muốn chủ quan của mình. Cầu toàn trách bị [cũ] như cầu toàn [nhưng nghĩa mạnh hơn]”.
-Đào Duy Anh: “Phỏng vấn 訪問: Hỏi thăm”.
-Nguyễn Công Lý: “Phỏng vấn: Hỏi thăm để nắm tình hình, nắm vấn đề”.
Đây cũng là cách hiểu, cách dùng từ của người Tàu (xưa, nay) và người Ta cách nay gần thế kỷ. Thế nên “Từ điển Việt-Hán” (phục vụ cho người học tiếng Trung Quốc-NXB Giáo dục-2002-GS Đinh Gia Khánh hiệu đính) viết: “Thăm hỏi: 訪問 (phỏng vấn-HTC phiên âm); thăm nghèo hỏi khổ 訪貧問苦 (phỏng bần, vấn khổ-HTC phiên âm). Thăm viếng: 探 訪, 拜訪, 訪問 (thám phỏng, bái phỏng, phỏng vấn-HTC phiên âm).
Trong khi “Từ điển tiếng Việt” giải nghĩa: “phỏng vấn: Hỏi ý kiến một nhân vật nào đó để công bố trước dư luận. phỏng vấn vị thứ trưởng; phỏng vấn trực tiếp trên truyền hình”; và “Đại từ điển tiếng Việt”: “phỏng vấn đgt. Hỏi ý kiến một nhân vật nào về một vấn đề được nhiều người quan tâm để công bố lên đài báo: phỏng vấn Thủ tướng chính phủ về chính sách đối ngoại, đối nội của chính phủ ~ trả lời phỏng vấn của các nhà báo.” Đây mới chính là “giải thích từ ngữ Hán Việt” cho thầy cô giáo và các em học sinh nói riêng và người Việt hiện nay nói chung. Còn cách giải nghĩa của thầy Lý nên dành cho người học Hán ngữ hiện đại, muốn “bút đàm” với người Tàu hoặc người Việt hồi đầu thế kỷ XX.
Thầy Lý là người đương thời, hàng ngày đọc sách báo, nghe đài, tiếp xúc với mọi người, dĩ nhiên thừa biết nghĩa những từ Hán Việt chúng tôi vừa dẫn trên đây không còn (hoặc rất ít) được dùng, được hiểu trong thực tế. Có người sẽ nói, đó là Thầy giải nghĩa từ Hán Việt trong sách, chứ không phải từ Hán Việt dùng trong thực tế đời sống. Tuy nhiên, những từ trên đây thuộc diện được thầy Lý “mở rộng vốn từ Hán Việt”. Mặt khác, “Lời nói đầu”, thầy Lý đưa ra một số nguyên tắc dạy, học từ Hán Việt, trong đó đặc biệt nhấn mạnh “Nguyên tắc thực hành”: “Trong giờ dạy từ ngữ nói chung, dạy từ Hán Việt nói riêng, giáo viên phải vận dụng nguyên tắc thực hành thường xuyên qua những bài tập nói, tập viết trình bày suy nghĩ,v.v…Gắn với đời sống là yêu cầu quan trọng nhất của việc dạy từ ngữ, bởi nó giúp cho các em mở rộng vốn từ…” Rồi: “Khi giảng dạy, giáo viên cần có hệ thống bài tập tích cực hóa vốn từ, nhằm làm giàu vốn từ cho học sinh và giúp các em kỹ năng sử dụng từ đúng, chính xác, hợp văn cảnh…”
Vậy, liệu các em có thể đem nghĩa của những từ Hán Việt được dùng cách nay gần thế kỷ mà thầy Lý “giải thích” để thực hành, áp dụng trong cách nói, cách viết ngày nay được không? Sao Thầy không lựa chọn cách “giải thích” có cả nghĩa cũ và nghĩa mới giống như từ điển để giáo viên và học sinh tham khảo?
-Đào Duy Anh: “Minh khí 冥 器-Những đồ giấy người ta đốt cho người chết”.
-Nguyễn Công Lý: “Minh khí: Những đồ giấy (vàng mã) để đốt cho người chết” (tr.52)
Thầy Lý đã chép lại cách giải nghĩa thiếu chính xác và không đầy đủ của cụ Đào Duy Anh. Bởi “minh khí” không chỉ là “đồ giấy”, (thầy Lý chú thêm “vàng mã”) mà còn làm bằng rất nhiều chất liệu khác; không chỉ “đốt cho người chết” mà còn tùy táng, (chôn theo người chết).
Từ và yếu tố Hán Việt trong sách “Giải nghĩa từ và ngữ Hán Việt…” |
Tham khảo: Nếu đồ tùy táng gọi chung tất cả các vật dụng chôn theo người chết (kể cả đồ thực dụng hàng ngày) thì đồ “minh khí” lại chỉ riêng những vật dụng mang tính tượng trưng, (được làm riêng với kích thước nhỏ hơn bình thường) chôn theo, hoặc dùng lửa “hóa” (để) người chết mang theo “sử dụng” ở thế giới bên kia (minh khí 冥器: minh 冥 = cõi âm phủ; khí 器 = khí cụ, đồ dùng). Do quan niệm “trần sao âm vậy” nên đồ “minh khí” rất phong phú. Người sống dùng thứ gì, người chết có “minh khí” như vậy. Riêng thời đồ Đồng có loại “minh khí” rất nổi tiếng là trống đồng minh khí, đường kính mặt chỉ độ 20cm, chiều cao 16-17 cm (có trống chỉ nhỏ bằng cái chén, cốc hay ngón chân cái). Các nhà khảo cổ học còn tìm thấy nhiều đồ minh khí khác, từ bát đĩa, nồi niêu, đến nhà cửa, binh khí, cung tên, giáo mác… bằng đủ mọi chất liệu như: gốm, đất nung, sắt, đồng…
Trống minh khí. Ảnh do TS Khảo cổ học Nguyễn Văn Đoàn -PGĐ Bảo tàng Lịch sử, gửi Tuấn Côngthư phòng |
Theo chúng tôi, từ “minh khí”, thầy Lý nên tham khảo và chép lấy cách giải nghĩa của “Từ điển tiếng Việt”: “minh khí: vật dụng thu nhỏ tượng trưng cho đồ dùng hàng ngày, người xưa thường chôn theo trong mộ người chết”, thay vì theo “Hán Việt từ điển”. (Dĩ nhiên, cũng không nên theo Đại từ điển tiếng Việt: “minh khí dt. Đồ dùng trong việc tang lễ: chuẩn bị minh khí để đưa đám”, vì cách giải nghĩa này chưa chính xác, thiếu cụ thể).
Vậy, với những từ Hán Việt không có trong từ điển của cụ Đào Duy Anh, thầy Lý tham khảo hai cuốn từ điển tiếng Việt còn lại thế nào? Chúng tôi thấy, thầy Lý vẫn với cách làm là chép lại sách này thì bỏ sách kia, không cần biết sách nào có lý hơn sách nào; hoặc đã chính xác hay chưa. Ví dụ:
–“Đại từ điển tiếng Việt”: “sinh ngữ dt. Tiếng nói hiện đang được dùng của nhân dân một nước; trái với tử ngữ: Thế giới có hàng nghìn sinh ngữ”.
–“Từ điển tiếng Việt”: “sinh ngữ d 1- ngôn ngữ đang được dùng hiện nay; phân biệt với tử ngữ. 2 [cũ] ngoại ngữ, về mặt là ngôn ngữ đang được học tập, sử dụng. giờ học sinh ngữ. giỏi sinh ngữ”.
-Nguyễn Công Lý: “Sinh ngữ: Tiếng nói hiện đang được dùng của nhân dân, một nước (trái với Tử ngữ: tiếng nói đã chết, không còn dùng nữa) (tr.57)
Ngữ hay ngôn ngữ nghĩa là nói, tiếng nói. Nhưng tiếng nói có khi lại không đồng nghĩa với ngôn ngữ. (Cũng như vĩ đại nghĩa là to lớn, nhưng to lớn không có nghĩa là vĩ đại). Trường hợp “sinh ngữ”, “Từ điển tiếng Việt” giải nghĩa chuẩn, đầy đủ hơn, nhưng không được Thầy sử dụng.
Có những từ, “Từ điển tiếng Việt” giải nghĩa chưa chuẩn, đáng lẽ thầy Lý phải phát hiện ra và bổ sung, điều chỉnh rồi mới đưa vào sách của mình. Tuy nhiên, Thầy cũng cứ thế chép lại. Ví dụ “Điền dã”, nghĩa 2. “Từ điển tiếng Việt” giải nghĩa: “Vùng xa thành phố, là nơi tiến hành những cuộc điều tra, khảo sát trong nghiên cứu khoa học. đi điền dã; tư liệu điều tra điền dã”.
Cách giải nghĩa này máy móc. Bởi “điền dã” nghĩa là nơi đồng ruộng, thôn dã, nhưng thuật ngữ “điền dã” lại được hiểu là những cuộc điều tra, khảo sát, thu thập số liệu từ thực tế, thực địa (không phải từ sách vở, tài liệu). Và địa bàn “điền dã” có thể diễn ra ngay tại thành phố, không dứt khoát phải “vùng xa thành phố”. Ví dụ khi nghiên cứu về các di tích, danh thắng ở Hà Nội, việc khảo sát, tìm hiểu, thu thập số liệu, diễn ra ngay ở khu vực hồ Hoàn Kiếm vẫn được gọi là “điền dã” như thường. (PGS.TS Nguyễn Công Lý hướng dẫn luận văn, luận án nhiều, chắc hẳn hiểu rõ điều này). Thế nhưng, thầy Lý cứ thế chép lại:“Điền dã: 2.Vùng xa thành phố, và là nơi tiến hành tại chỗ những cuộc điều tra, khảo sát khoa học”
v.v…
Ngoài ra, nhiều mục từ, tự, thầy Nguyễn Công Lý cứ “tiện tay” chép liền liền theo từ điển của cụ Đào Duy Anh mà không quan tâm nó có ích gì đối với giáo viên và học sinh hay không. Thầy cũng không so sánh, tham khảo xem sách nào đúng, sách nào chưa đúng, hay diễn đạt lại cho dễ hiểu hơn. Ví dụ, ngoài từ “cận” 近 nghĩa là “gần”, thầy Lý liệt kê một loạt “Từ đồng âm khác nghĩa” (chính xác phải gọi là yếu tố Hán Việt (chữ Hán) đồng âm, khác nghĩa. Có lẽ muốn cho ngắn gọn nên thầy Lý gọi là “từ” cả) như: “cận 饉-mất mùa, đói không có rau ăn; cận 覲-yết kiến người trên; cận 槿-một loài cây…”. Từ “ái” nghĩa là yêu, Thầy còn kể đến: “ái 靄 -mây đen, mây mù”…; “tiếu” 笑 ngoài nghĩa “cười”, Thầy còn kể: “tiếu 峭-Dáng núi cao lởm chởm; Nghiêm khắc”; “tiếu 肖-giống nhau, như nhau”. Cũng xin nhắc lại: nhiều mục từ, yếu tố Hán Việt có từ, tự đồng âm rất thông dụng, nhưng thầy Lý lại kết luận không có (như chúng tôi đã nói trong kỳ I).
Sách của thầy Lý có tên “Giải thích từ ngữ Hán Việt…”. Nghĩa là Thầy sẽ không dừng lại cách “giải nghĩa” ngắn gọn của Từ điển mà sẽ “giải thích”, giảng giải kỹ lắm. Tuy nhiên, thực tế lại hoàn toàn ngược lại. Sách của Thầy chỉ nặng về liệt kê, sao chép theo “Hán Việt từ điển” giản yếu của cụ Đào Duy Anh là chính, và loại bỏ hoàn toàn bước phân loại từ Hán Việt, trích dẫn, ví dụ mà các nhà biên soạn từ điển tiếng Việt đã dày công đưa vào minh họa. Ví dụ:
-“Từ điển tiếng Việt”: “Vệ quốc đgt bảo vệ tổ quốc. chiến tranh vệ quốc; d [kng] vệ quốc quân [nói tắt] gia nhập vệ quốc”.
-Sách của thầy Lý: “Vệ quốc-bảo vệ giữ gìn tổ quốc”
-“Từ điển tiếng Việt”: “tâm can d tim và gan, được coi là biểu tượng của những tình cảm sâu kín tận đáy lòng của con người, nói chung-thấu hiểu tâm can; bày tỏ tâm can”.
-Sách của thầy Lý: “tâm can–Tim và gan”.
…, v.v…
Giá như thầy Lý bớt những mục từ và yếu tố Hán Việt không cần thiết, để giải thích kỹ hơn và lấy (hoặc giữ lại) ví dụ cách dùng những từ Hán Việt ấy cho giáo viên và học sinh sẽ tốt hơn nhiều (thầy Lý làm công tác giảng dạy, tất sẽ hiểu phương pháp sư phạm quan trọng tới mức nào)
Chỉ chừng ấy dẫn chứng cũng đủ thấy phần lớn các từ, ngữ Hán Việt trong 3 cuốn sách “Hán Việt từ điển”; Từ điển tiếng Việt; Đại từ điển tiếng Việt dường như chưa hề “đi qua” tư duy, nghiền ngẫm, chắt lọc để trở thành kiến thức nhuần nhuyễn của thầy Lý, mà “chạy” thẳng tuột vào sách “Giải thích từ ngữ Hán Việt…”. Bởi thế món “ăn dặm” “từ và ngữ Hán Việt trong sách giáo khoa…” của thầy Lý chẳng những nhiều “hạt sạn” mà kiến thức hãy còn rất sống sượng. Nếu thầy và trò cứ theo cách “Giải nghĩa từ ngữ Hán Việt” của thầy Lý mà thi đua “dạy tốt học tốt” thì “bổ dưỡng” chưa thấy đâu, nhưng kiến thức ngày càng bị còi đi mà thôi… [2]
Đến đây, hẳn độc giả sẽ đặt dấu hỏi: vậy, thầy Lý không có chút gì gọi là kiến thức của riêng mình để “trình làng” hay sao? Thưa rằng có. Vì bài đã dài nên chúng tôi xin được nói đến trong phần III, cũng là phần cuối loạt bài “Những sai lầm của PGS.TS Nguyễn Công Lý trong sách “Giải nghĩa từ và ngữ Hán Việt trong sách giáo khoa Ngữ văn Trung học cơ sở”
HTC/10/11/2014
Chú thích:
[1]-Sau khi đăng kỳ I: Những sai lầm của PGS.TS Nguyễn Công Lý trong sách “Giải thích từ ngữ Hán Việt…” có độc giả góp ý với chúng tôi, nên dùng từ “sai sót”, dùng “sai lầm” nghe “nặng nề” quá. Còn nhớ tháng 9/2013, chúng tôi gửi bài “Những sai sót của Nguyễn Đức Dương trong từ điển tục ngữ Việt” cho Tạp chí Văn hóa dân gian-Viện nghiên cứu Văn hóa-Viện KHXH Việt Nam. Chúng tôi dùng từ “sai sót” vì “đề phòng” sách báo, tạp chí xuất bản ngại đụng chạm, “kiêng” những từ chỉ đích danh, nêu đúng bản chất vấn đề. Tuy nhiên, Ban biên tập Tạp chí này đã đề nghị sửa “sai sót” thành “sai lầm” bởi (theo BBT) xét thấy vấn đề không chỉ dừng ở mức độ “sai sót” thường gặp (có vẻ “không khí” trao đổi học thuật ngày càng được cởi mở hơn?) Với sách “Giải thích từ ngữ Hán Việt trong sách giáo khoa Ngữ văn Trung học cơ sở”, theo chúng tôi thầy Lý sai về phương pháp luận, kéo theo hàng loạt cái sai mang tính hệ thống khác. Bởi vậy, chúng tôi xin được giữ nguyên từ “sai lầm” thay vì “sai sót” mà độc giả đề nghị.
[2]-Lưu ý độc giả, cuốn sách này PGS.TS Nguyễn Công Lý biên soạn dành cho đối tượng là giáo viên và học sinh trung học cơ sở. Bởi vậy, nếu giáo viên căn cứ vào sách để tham khảo giảng dạy, cái sai, cái thiếu chính xác sẽ được truyền đạt theo cấp số nhân.
Nguồn: http://tuancongthuphong.blogspot.com/2014/11/nhung-sai-lam-cua-pgsts-nguyen-cong-ly.html