Cái tôi độc lập của Trần Đĩnh trong Đèn Cù

Cái tôi độc lập của Trần Đĩnh trong Đèn Cù

 

Đinh Quang Anh Thái/Người Việt (thực hiện)

LTS: Ông Trần Đĩnh năm 15 tuổi đã tham gia cuộc tổng khởi nghĩa do Cộng Sản lãnh đạo ngày 19 Tháng Tám, 1945. Ông trở thành đảng viên năm 19 tuổi, lúc đó, đảng Cộng Sản Đông Dương rút vào bóng tối, đổi tên thành Hội Nghiên Cứu Chủ Nghĩa Mác và xuất bản tờ báo Sự Thật, ông được điều về viết cho báo này. Sau đó, ông đưọc đưa qua học tại đại học Bắc Kinh. Trong thời gian học, ông tham gia một cuộc họp chống phái hữu, và chính nhờ vậy, ông rút tỉa được nhiều bài học quí báu. Bài học đó là, các đảng viên chân chính, tích cực đã nghe lời đảng khuyến khích họ phê bình đảng. Nhưng khi họ phê bình thì bị đảng quay lại đánh. Theo lời ông Đĩnh thì đó là âm mưu của Mao Trạch Đông. Học xong, ông về Hà Nội làm việc một thời gian, thì xẩy ra việc đảng Cộng Sản Việt Nam đưa vấn đề chọn lựa tư tưởng Mao để chống xét lại, tức là chống lại chủ trương sống chung hoà do tổng bí thư đảng Cộng Sản Liên Xô lúc bấy giờ là ông Nikita Khrushchev đưa ra. Ông Trần Đĩnh ủng hộ lập trường của ông Khrushchev và chống tư tưởng Mao, nên bị khép vào tội chống đảng. Mặc dù không bị bắt như anh ruột ông là nhà báo Trần Châu, hay như những người khác như ông Hoàng Minh Chính, Vũ Thư Hiên, hoặc phải sống lưu đày như Nguyễn Minh Cần, v.v… ông Trần Đĩnh cũng bị khai trừ khỏi đảng và chịu nhiều trù dập về mặt tinh thần cho mãi tới ngày nay. Hiện nay, ông Trần Đĩnh đang sống tại Sài Gòn. Nhân dịp Đèn Cù cuốn 2 của Trần Đĩnh sắp ra mắt độc giả, ông dành cho nhật báo Người Việt cuộc phỏng vấn sau đây, do Đinh Quang Anh Thái thực hiện.

 

TranDinh-4



Tác giả Trần Đĩnh. (Hình: Trần Đĩnh cung cấp)

 

Đinh Quang Anh Thái (NV): Ông viết Đèn Cù bằng lối văn “truyện tôi,” có gì, nhớ gì thì ghi lại, bình thản, không để cảm tính chen vào; nhưng độc giả vẫn cảm được những nỗi đau vô cùng to lớn của ông, của gia đình ông, và lớn hơn, của Việt Nam: Nỗi đau như những giọt máu nhỏ xuống từng trang giấy.  Không biết cảm nhận như thế có nói được phần nào tâm tư của ông không ạ?

Trần Đĩnh: Tôi nghĩ tâm tư có lẽ chính là sự lắng đọng của những điều ta từng sống hết mức, từng lăn lóc lâu dài với chúng. Tới mức lắng đọng nào đó, tâm tư của người viết sẽ trở thành hơi thở của hắn và khi được thể hiện thì tâm tư đó sẽ ra tự nhiên, bình thản như hơi thở. Việc nhào nặn ở vô thức và ý thức này chính là  công trình làm giả – hay đúng hơn, sáng tạo – vì nó là hậu-trải nghiệm, sống lại, và về chất, nó có khác đôi phần với diện mạo ban đầu vốn dĩ thường thô mộc của trải nghiệm. Trong điện ảnh có diễn viên đóng thế nhưng không ai chê bộ phim là giả. Viết bình lặng nỗi đau cũng là một kiểu đóng thế. Thế cho tiếng khóc, tiếng gầm. Chắc hẳn nhiều người đọc thấy tôi có lúc đuối giọng. Đã từ lâu, chả hiểu sao khi nghĩ, khi nhìn,  tôi luôn cố tìm sự bình lặng.

Nhận là “truyện tôi,” tôi có ý khoanh những điều tôi đã sống, đã trải vào phạm vi cá nhân. Như thế tôi hy vọng sẽ tránh lên mặt “ta đây nạn nhân,” thân phận vốn dễ được đồng tình, bảo hộ. Và đồng thời tôi cũng không gây hận. Đôi lúc chợt nhẩn nha viết về cái đẹp của thiên nhiên, về cảm thụ riêng của bản thân là tôi muốn cho chính tôi rồi người đọc lảng đi được một thoáng những giây phút nặng nề bày ra trước đó. Một làn gió thoảng mơn trớn vết đau.

Tôi nhiều cái xấu. Như chậm mở mắt (trước cái Ác). Như hay sợ. Tôi đã viết trong Đèn Cù: “Nếu tát cạn được bụng mình thì tôi sẽ thấy vô số xác cái sợ ở đó.” Song có một cái xấu hình như lớn hơn mà tôi luôn cố lìa cho xa là thói không ngay thẳng với bản thân. Nhờ đó tôi đã không tự vẽ mình thành kẻ vừa nhận thấy cái xấu liền phủi nó sạch bong. (Tức là vừa mạnh mẽ lên án người dối trá vừa cho bản thân mạnh bạo bịa đặt, tự tô vẽ mình, điều mà khi cầm bút hình như ta để bỏ quên đi mất). Vâng, một thời gian tôi còn le lói hy vọng vào một thứ Cộng Sản có mặt người.        

Mong được ngay thẳng, tôi dành một chương thú nhận lỗi lầm với vợ.

Đèn Cù là tiếng kêu đau của tôi. Nó không mang mục tiêu chính trị rõ rệt. Vâng, đúng vậy. Tôi đau, vợ tôi, anh ruột tôi, bố vợ tôi và các bạn bè thân thiết của tôi đau. Quốc tế Cộng Sản có câu ca tập hợp “hỡi những ai cực khổ bần hàn” nhưng chúng tôi, những chiến binh của quốc tế (Cộng Sản) đã bị đẩy vào biển khổ và bị gạt bỏ hết sức dửng dưng, không được hưởng qua cảnh tượng dù là kệch cỡm của pháp đình (Cộng Sản).

NV: Khi thấy đứa con tinh thần, Đèn Cù, ra mắt độc giả, ông có nguôi ngoai chút nào không, vì đã trút được những u uất chất chứa bao năm nay trong lòng?

Trần Đĩnh: Tôi không thấy rõ điều này. Vì tôi không bao giờ thấy đau khổ của mình là ghê gớm. Trong đất nước biết bao người còn khốn nạn hơn gấp bội. Tôi cố đánh giá đúng chỗ của mình ở vùng đất đẫm nước mắt này. Tôi không mượn cái khổ để tự nâng cấp. Tất nhiên tôi rất sung sướng khi nhiều người ái ngại, áy náy cho tôi. Còn gì bằng được nhiều người quan tâm, chia sẻ. Mà quan tâm là yêu, chia sẻ là yêu. Được trăm nghìn người yêu là hạnh phúc vô cùng. Viết “truyện  tôi,” tôi mong  được xã hội chìa ra cho tôi một bàn tay anh chị em, bạn bè. Từ đó cùng đứng bên nhau ngăn chặn tệ nạn dày xéo cuộc đời người khác để thực hiện cái lý tưởng chưa từng tỏ lộ hình thù nhưng được bảo là giải phóng nhân loại thiêng liêng lắm, huy hoàng lắm.

Tôi thích khái niệm người hiền. Hay người khôn ngoan. Vì khôn (ở trí tuệ sáng) và ngoan (ở lòng nhân ái từ bi). Viết Đèn Cù, tôi chỉ thấy hài lòng vì đã làm được một điều mình hằng tâm nguyện.

NV: Đèn Cù được xuất bản ngoài nước, nhưng cũng phổ biến rộng rãi trên mạng Internet và bản truyền tay cũng được đón nhận nồng nhiệt tại quê nhà; tâm trạng ông ra sao khi thấy mọi người đọc ông?

Trần Đĩnh: Được đông người ân cần đón nhận quyển sách mình viết về đời mình, cái cảm thụ ấy, cảm thụ bát ngát về một nhân quần thân thiện, bầu bạn, giao hòa, chính là một bù đắp, một nuôi dưỡng hết sức to lớn cho kẻ viết. Ở Đèn Cù, cái tôi Trần Đĩnh hiện ra nguyên vẹn, không chung vai diễn với bất kỳ ai.

NV: Một số người nhận định, Đèn Cù là liều thuốc “trục độc” chủ nghĩa Cộng Sản khỏi cơ thể Việt Nam; có người nói Đèn Cù là lời “giải thiêng” huyền thoại Hồ Chí Minh. Ông có tâm đắc với những cảm nhận này không?

Trần Đĩnh: Nhận xét này vượt khỏi ý định cầm bút viết Đèn Cù ở tôi. Ý định tôi là viết sự thật. Cho thấy nên xa lìa chủ nghĩa Cộng Sản coi thường con người. Cho thấy công cuộc thần thánh hóa một cá nhân là đòi hỏi phải dìm một số đông cá nhân khác vào trạng thái đầu óc mụ mị, thấp kém. Và phải nói dối, v.v… Còn ở tôi, những mục tiêu “trục độc” và “giải thiêng” chưa hình thành rõ như thế. Song các nhà văn, nhà báo đã nhận ra ý tại ngôn ngoại này. Tôi xin chịu tầm nhìn và sức cảm của các vị. Phóng cây lao đi, người viết có mấy khi biết nó sẽ lao bao xa. Giới phê bình đo cái đó.

NV: Đèn Cù toàn tập là một công trình nhiều năm; sau Đèn Cù, ông có dự tính gì không?

Trần Đĩnh: Tôi không quen báo trước sẽ viết cái gì. Rất dễ thành anh Cả Phiệu, viết bằng miệng. Dĩ nhiên anh viết nào cũng đều muốn viết liên tục nhưng trước tiên cần xem tâm tư đã đủ chứa chan chưa.

NV: Cảm ơn ông trả lời phỏng vấn nhật báo Người Việt nhân dịp Đèn Cù II ra mắt độc giả.

 

 

 

Đèn Cù II của Trần Đĩnh do Người Việt Books xuất bản sẽ ra mắt độc giả ngày Thứ Sáu, 21 Tháng Mười Một.

 

Nguồn: http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=198152&zoneid=1#.VGWr5bRD-fR

Comments are closed.