Người Pháp quy định sử dụng sách giáo khoa như thế nào ở Đông Dương?

Trịnh Minh Tuấn

106 năm trước, Toàn quyền Đông Dương đã ban hành Nghị định số 904 ngày 06-4-1917 quy định các loại giáo trình được đưa vào giảng dạy tại các trường học ở Đông Dương. Nghị đình gồm 2 phần, 11 điều:

Sách giáo khoa (SGK) dành cho học sinh được đưa vào sử dụng tại các trường học ở Đông Dương phải tuân theo những quy định sau:

+ SGK được đưa vào sử dụng tại trường công phải có tên trong danh sách được Toàn quyền phê chuẩn. Danh sách này đăng công khai trên Công báo.

+ Tác giả hoặc nhà xuất bản hoặc hiệu sách hay một thành viên ngành học chính đăng ký các SGK. Trong bản đăng ký nêu rõ lợi ích của việc sử dụng những ấn phẩm (SGK) đó.

+ Mọi tác giả, nhà xuất bản, hiệu sách muốn đăng ký tên ấn phẩm (SGK) vào danh sách phải nộp 2 bản lưu chiểu.

+ Các tác giả có SGK trong danh mục đăng ký thì không được tham gia các ủy ban xét duyệt SGK.

+ Ủy ban xét duyệt SGK gồm các thầy cô dưới sự chủ trì của hiệu trưởng để lập danh sách SGK phù hợp phát cho học sinh của trường.

+ Các tác giả, nhà xuất bản, hiệu sách đăng ký SGK dạy ở trường mà bị loại thì có thể kháng nghị quyết định lên Toàn quyền.

+ Với trường tư, hiệu trưởng có quyền lựa chọn SGK phát cho học sinh, trừ những cuốn sách bị cấm tại Pháp.

Một vài bình luận về nghị định 904 năm 1917 của Toàn quyền Đông Dương:

Toàn quyền Đông Dương xây dựng nghị định về sử dụng SGK ở Đông Dương dựa trên các tiêu chuẩn ở chính quốc và thông lệ quốc tế đương thời.

Các cá nhân, nhà xuất bản hay hiệu sách tự do viết SGK theo chương trình của Nha Học chính Đông Dương (như Bộ GD). Cá nhân và pháp nhân này có quyền đăng ký SGK do mình viết/sở hữu gửi lên Ủy ban để Ủy ban xét duyệt.

Để đảm bảo quyền lợi cho tác giả thì nghị định minh thị: tác giả có quyền kháng nghị yêu cầu Ủy ban trả lời tại sao lại không sử dụng sách của tôi, của nxb hoặc của hiệu sách.

Sau khi xét duyệt, Toàn quyền sẽ đăng Công báo. Các trường mua sách dựa trên danh mục trên Công báo theo các giao dịch dân sự.

Và ta cần lưu ý rằng, nếu quay trở lại một bộ SGK thì Việt Nam là một trong vài nước ở châu Á và trên thế giới vẫn trung thành với hệ thống một bộ SGK. Ở phương Tây, từ khởi thủy, đã là nền giáo dục đa dạng về học liệu. Ở châu Á, thì từ khoảng 40 năm trước, phần lớn các quốc gia đã chuyển đổi từ mô hình một bộ SGK sang nhiều bộ SGK rồi. Vậy tại sao ta cứ một mình một đường vậy?

Nghị định 904 (4/1917) được ban hành trước Bộ Học chính Tổng quy (như Chương trình giáo dục phổ thông chuẩn) 8 tháng (12/1917). Và khi đọc Bộ Học chính Tổng quy thì trời ơi, tại sao Bộ học chính Tổng quy được soạn thảo đẹp như công thức Toán học Fuler vậy?!

Một trong những di sản tuyệt vời nhất mà người Pháp để lại cho chúng ta chính là hệ thống giáo dục bao gồm Học chính Tổng quy; quy hoạch các trường từ phổ thông, cao đẳng và đại học; chương trình giảng dạy… Cái tuyệt vời của họ, là không chỉ bê nguyên mô hình của Pháp rồi máy móc áp vào Đông Dương, mà sau này, họ không ngừng chỉnh lý để adapt nó với bản địa.

Chính vì vậy, không phải tự nhiên mà giáo dục Pháp ảnh hưởng sâu rộng tới Việt Nam. Hệ thống giáo dục của Việt Nam Cộng Hòa sau này, căn bản, kế thừa từ di sản này. Những nhà khoa học lớn nhất của Việt Nam cho tới nay, hầu hết, được đào tạo, ảnh hưởng bởi nền giáo dục Pháp.

Vậy, câu hỏi cuối cùng đặt ra, chúng ta học hỏi được gì từ cách người Pháp biên soạn, xuất bản, phê duyệt, phân phối SGK từ 106 năm trước?

Nguồn: FB Trịnh Minh Tuấn

Comments are closed.