“Gia đình” của Phan Thúy Hà

Lê Thanh Trường

Thích cái tên sách quá!

"Gia đình". Nghe thì tầm thường thiệt. Thường quá thường nếu xét về triển vọng "ăn khách", trong cái thời thuở thứ gì cũng nên kêu loảng xoảng mới hay. Nhưng khi một cuốn sách viết về Cải cách ruộng đất mà lấy tên là "Gia đình", thì nó không thường chút nào. Nó xoi đúng ngay cái chỗ trầm trọng nhất của cuộc tàn phá "long trời lở đất" kia.

Nhiều người nói rồi, cuộc cải cách ruộng đất trong mấy năm trước sau 1954 ở miền Bắc đã phá hủy xã hội tận gốc rễ, bởi nó phá ngay trong từng "đơn vị cơ bản" cấu tạo nên xã hội: đó là gia đình. Ở đó, cha mẹ con cháu ông bà không còn được ràng buộc với nhau bằng tình, bằng nghĩa, bằng lễ – những mối rường làm bền vững cấu trúc gia đình, sau đó mới nở nang ra tầm xã hội.

Một cuộc "cách mạng" dạy người ta đấu tố, sỉ nhục nhau; dạy người ta sổ toẹt tình làng nghĩa xóm; dạy người ta dựng chuyện điêu toa; dạy người ta sợ hãi không dám yêu thương thân thích ruột rà thậm chí khuyến khích/ bắt buộc người ta quăng vùa hương xô bàn độc mà trung thành với Đảng với Đội…

Không có mô tả ảnh.

Cuốn Gia đình, tác giả Phan Thúy Hà, NXB Phụ nữ Việt Nam, 2020

Tuy vậy, cuốn sách của Phan Thúy Hà không nói tới mấy điều to tát đó.

Chỉ là những lời kể của người sống sót, ở cái tuổi sửa soạn cho chuyến đi cuối cùng. Trong những câu chuyện đó, có rất ít chỗ cho cảm tưởng và phê phán. Chỉ có chi tiết diễn biến. Không có bức tranh phông nền của thời đại sục sôi cách mạng, chỉ có những thân người tả tơi. Rách nát, sợ hãi, đói khát, chết dúi, trốn chạy. Rất ít nước mắt. Không có căm thù. Những tình tiết cá nhân hóa tới nơi tới chốn, lại tập họp trong một cuốn sách mang cùng một giọng kể – không phải là giọng kể của tác giả, cũng không phải là giọng kể của nhân vật – giọng kể đó bật lên từ sự thật.

Sự thật có thể phủ màu lên bức tranh, phủ chữ lên trang giấy bằng một sức mạnh không có quyền lực nào chi phối nổi. Nhưng nó chỉ có thể làm thế nhờ vào sự cảm thông và tôn trọng. Đó là lý do mấy chục năm qua, cơn ác mộng Cải cách ruộng đất vẫn là một đề tài dang dở, với phần nhiều là những nét phác đại cương chứ rất ít tiếng nói riêng, như một vài tiếng được ghi lại trong "Gia đình" lần này.

Những chuyện đau đớn trong "Gia đình", một mặt cung cấp thêm chi tiết cho các bản phác họa của lịch sử, mặt khác lại không định giãi bày điều đó. Điều sau cùng người ta nhìn thấy sau 270 trang sách ngất ngư đó, là "cách mạng" đã giết rất nhiều người, nhưng không giết chết được "gia đình" và những con người của gia đình!

Mặc dù nhiều nạn nhân cho đến giờ phút này vẫn còn run rẩy, vẫn không dám kể lại cho con cháu những tai kiếp của gia đình, nhưng chính sự tồn tại của họ – có không ít thành đạt nữa – đã biểu thị cho sức sống tự nhiên và mầm mống tư cách mà họ được huân dưỡng trong quãng thiếu thời ngắn ngủi. Những cuộc đời mang nặng ký ức oan khiên và tình thương nhớ người thân đã mất, họ không biết mình là những biểu trưng có thể sờ chạm được của một khái niệm: văn hóa. Nhìn ở góc độ đó, cuốn sách dường như đã bênh vực không chỉ sự bền vững của các giá trị nhân tính và gia đình, mà còn là sự di truyền lạ lùng của văn hóa. Cái hột mầm đó chưa bao giờ bị đập nát, nó chỉ cần được giữ gìn và gieo lại trên đất đai thích hợp.

Ý tưởng đó khi đọc “Gia đình”, thực sự là niềm an ủi cho ngày hôm nay. Có biết bao nhiêu hột giống cần ôm giữ cho một ngày mai làm xanh lại đám tro tàn.

L.T.T

Comments are closed.