Năm điều ít biết về Erich Maria Remarque

Hôm nay (22/6/2018) sinh nhật lần thứ 120 của nhà văn Đức vĩ đại thế kỷ XX Erich Maria Remarque (1898 – 1970), tác giả của những tác phẩm nổi tiếng: “Phía Tây không có gì lạ”, “Chiến hữu”, “Khải hoàn môn”, “Thời gian sống và thời gian chết”… Báo Nga “Nhân chứng và Sự kiện” (www.aif.ru) đăng tải năm sự kiện ít biết về ông.

1. Từ chối huân chương Thập tự sắt

Erich Maria Remarque là một người theo chủ nghĩa hòa bình nhiệt thành, nhưng không quan tâm đến các pháp luật Đức hồi ấy. Vì vậy tháng 11/1916 nhà văn tương lại bị gọi nhập ngũ và bị đưa ra chiến đấu ở mặt trận phía Tây. Thực ra thì Remarque phải tham chiến ở mặt trận không lâu. Tháng 7/1917 Erich Maria bị liền năm vết thương trong đó có một vết ở tay. Chính vết thương ở tay phải này đã khiến Remarque đau khổ nhất. Hồi ấy ông đang mơ theo con đường âm nhạc và đặt nhiều hy vọng vào kế hoạch này. Sau hơn một năm điều trị ở quân y viện, Remarque được chuyển về tiểu đoàn bộ binh dự bị. Trong khoảng thời gian ấy Hội đồng công nhân và binh lính đã quyết định trao cho ông huân chương Thập tự sắt hạng nhất. Remarque đã lịch sự từ chối.

Trong hình ảnh có thể có: 1 người, đang ngồi

2. Viết truyện tranh tình ái và sống với người Zigan

Có học vấn tốt, duyên dáng và nhiều tài khác, nhưng vào thập niên 1920 khó khăn Remarque đã phải làm nhiều nghề rất khác nhau không dính gì đến hình ảnh của ông hiện nay. Chẳng hạn có thời ông đã lang thang trên phố bán từng mảnh vải. Sau đó chuyển qua hãng làm bia mộ. Vào các ngày chủ nhật ông chơi đàn organ tại bệnh viện dành cho những người tâm thần ở nhà thờ. Ngoài ra ông còn viết lời cho các truyện tranh tình ái, giữ mục hướng dẫn pha cocktail trên báo. Khi chán tất cả những thứ đó ông thu tóm đồ đạc đến sống trong trại dân Zigan.

3. Trở thành kẻ thù riêng của Goebbels

Remarque viết cuốn tiểu thuyết bất tử của mình “Phía Tây không có gì lạ” chỉ trong vòng sáu tuần. Cuốn sách thành công vang dội. Chỉ trong năm đầu đã bán được hơn 1,5 triệu bản. Tức khắc Remarque trở thành triệu phú. Dĩ nhiên là ông cũng lại có những kẻ thù ghét và tị hiềm. Họ buộc tội ông lấy cắp ý tưởng tác phẩm từ một người bạn đã chết. Thậm chí họ còn nói ông không chỉ lấy cắp ý tưởng, mà cả văn bản. Nhưng tất cả những chuyện đó là vụn vặt so với sự truy nã của ban lãnh đạo quốc xã đối với ông. Chiến dịch nhằm tiêu diệt Remarque với tư cách một nhà văn, một cá nhân và một con người bình thường do đích thân Joseph Goebbels (Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền của nước Đức quốc xã từ 1933 – 1945) đứng đầu. Họ coi nhà văn là tên phản bội tổ quốc và ném các sách của ông vào lửa.

Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người

4. Tôi không biết để tiền vào đâu

Năm 1932, khi ấy đã thành triệu phú, Remarque vĩnh viễn rời bỏ nước Đức đến sống ở Thụy Sĩ. Tại đấy ông mua cho mình một ngôi nhà sang trọng và sống cuộc đời êm đềm của một người giàu có và nổi tiếng. Không biết tiêu tiền vào việc gì Remarque nghĩ ra một thú vui cho mình: sưu tập các thứ đồ cổ khác nhau và mua tất cả những thứ có giá trị nghệ thuật và văn hóa. Ông mua tranh của Renoir, Van Gogh, Degas. Ông mua các tấm thảm Ba tư, các tấm gương cũ, các vật dụng bằng đồng của Trung Hoa xưa. Nói chung là mua tất những gì có thể mua được. Nhưng ít lâu sau ông lại chán thú vui này và Remarque quyết định sang Mỹ ở. Tại đấy bao giờ cũng tìm được chỗ để tiêu khoản nhuận bút kiếm được một cách trung thực.

5. Suýt chết vì Marlene Dietrich

Ở Mỹ Remarque dành phần lớn thời gian đến nhà nữ diễn viên Marlene Dietrich. Họ quen biết nhau ngay từ năm 1930 ở Đức. Giữa hai con người nổi tiếng này đã có một cuộc tình say đắm. Dietrich say mê nhà văn, gọi ông là người đàn ông đẹp nhất và nồng nàn nhất trong số những người nàng từng gặp. Đến lượt mình Remarque cũng rất thờ phụng Marlene. Đối với ông nàng là hiện thân lý tưởng của sắc đẹp phụ nữ. Nhưng quan hệ của họ không phải lúc nào cũng ngọt ngào, êm đềm. Cuộc tình của Dietrich và Remarque có khi tắt lặng, có khi lại bùng lên mạnh mẽ. Cuối cùng nhà văn quyết định cầu hôn người nữ diễn viên. Đáp lại lời cầu hôn, Dietrich cúi mặt xuống thú nhận với vị hôn phu rằng nàng vừa đây đã đi nạo thai, bỏ đi đứa con với một diễn viên Hollywood nổi tiếng. Lúc ấy Remarque hiểu ra là ông khó có thể có được một cuộc hôn nhân bền chặt với người phụ nữ này. Và ông đề nghị Marlene cứ coi hai người là bạn. Chuyện nghe có vẻ ngạc nhiên nhưng họ thực sự đã là bạn của nhau và đều đặn viết thư cho nhau tận đến khi nhà văn qua đời. Dù cho sau khi chia tay với người nữ diễn viên Remarque bị trầm cảm nặng nề và phải tìm cách thoát ra bằng cuộc tình mới với một nữ diễn viên nổi tiếng khác: Paulette Goddard (vợ cũ của Charlie Chaplin).

Trong hình ảnh có thể có: 3 người, mọi người đang cười, đêm và trong nhà

Remarque và Dietrich

Ngân Xuyên dịch từ tiếng Nga
(Nguồn: www.aif.ru, 22/6/2018)
Nguồn: https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=1867083870015006&id=100001402346694

Comments are closed.