Thuật ngữ chính trị (123)

Phạm Nguyên Trường

292. League of nations – Hội Quốc Liên. Hội Quốc Liên là tổ chức liên chính phủ tiền thân của Liên Hợp Quốc, được thành lập ngày 10 tháng 1 năm 1920, sau Hội nghị hòa bình Paris chấm dứt Thế chiến I. Đây là tổ chức quốc tế đầu tiên với nhiệm vụ chủ yếu là duy trì hòa bình thế giới. Theo công ước thành lập, mục tiêu chủ yếu của tổ chức này là ngăn ngừa chiến tranh bằng các biện pháp an ninh tập thể và giải trừ quân bị, và giải quyết những tranh chấp quốc tế bằng đàm phán và trọng tài. Những vấn đề khác trong công ước Hội Quốc Liên và những hiệp định liên quan bao gồm điều kiện lao động, đối xử thích đáng với dân cư bản địa, buôn bán người và ma túy, buôn bán vũ khí, y tế toàn cầu, tù nhân chiến tranh, và bảo vệ các nhóm thiểu số ở châu Âu. Trong giai đoạn mở rộng nhất từ ngày 28 tháng 9 năm 1934 đến ngày 23 tháng 2 năm 1935, Hội Quốc Liên có 58 thành viên.

Hội Quốc Liên không có quân đội riêng mà dựa vào những cường quốc để thi hành những nghị quyết của mình. Tuy nhiên, các cường quốc thường thực hiện một cách miễn cưỡng. Sau một số thành công đáng chú ý và một số thất bại ban đầu trong thập niên 1920, Hội Quốc Liên cuối cùng đã không thể ngăn chặn được những cuộc xâm lăng của Phe Trục trong thập niên 1930. Đức rút khỏi Hội Quốc Liên, sau đó là Nhật Bản, Ý, Tây Ban Nha và những thành viên khác. Thế chiến II bùng nổ, mục đích chủ yếu của Hội Quốc Liên là ngăn ngừa chiến tranh đã thất bại. Hội Quốc Liên tồn tại trong 26 năm; Liên hiệp Quốc thay thế Hội Quốc Liên sau khi Thế chiến II kết thúc, kế thừa một số cơ quan và tổ chức do Hội Quốc Liên lập ra.

293. Left – cánh tả. Thuật ngữ “tả” hoặc “cánh tả” ám chỉ khuynh hướng chính trị xã hội chủ nghĩa hoặc cấp tiến, xuất hiện ngay trước Cách mạng Pháp (1789-1799). Trong giai đoạn này, Hội nghị các Đẳng cấp (Estates-General – gần tương đương với nghị viện) được lệnh nói rằng những người ủng hộ nhà vua và cơ cấu xã hội truyền thống ngồi bên phải phòng họp, còn đối thủ của họ thì ngồi bên trái. Trên thực tế, sự liên kết giữa “trái” hoặc “thuận tay trái” với những người không hoàn toàn chính thống là một yếu tố sâu sắc hơn hẳn trong văn hóa châu Âu – tay trái luôn bị người ta gắn với sự khác thường hoặc hiện tượng không được xã hội chấp nhận. Tả khuynh và hữu khuynh, đối thủ của nó, thường được người ta sử dụng, nhưng trong nền chính trị hiện đại, đây là những khẩu hiệu không còn ý nghĩa gì nữa. Hầu hết những người có thể gọi một cách an toàn là những người tả khuynh muốn thay đổi mọi thứ trong xã hội và thay đổi theo hướng bình đẳng hơn và ít mang tính truyền thống hơn so với những người hữu khuynh. Toàn bộ ý tưởng về việc tác bạch tả/hữu dựa trên giả định cho rằng có thể quy giản đời sống chính trị vào khuôn khổ đơn giản, một chiều. Trong thuật ngữ chính trị phương Tây, quan điểm “tả khuynh” là niềm tin vào việc nhà nước can thiệp vào lĩnh vực xã hội và kinh tế nhằm thúc đẩy tự do kinh tế và chính trị cũng như quyền bình đẳng giữa người với người, ngược lại, “cánh hữu” luôn luôn nhấn mạnh khả năng của từng người trong việc tìm kiếm và duy trì những điều kiện thuận lợi nhất cho mình. Tuy nhiên, trong những xã hội cựu cộng sản, nhãn “tả khuynh” trong mắt người phương Tây, lại có ý nghĩa ngược lại: chống lại giới quyền uy.

294. Legislatures – Cơ quan lập pháp. Cơ quan lập pháp là cơ quan ban hành luật pháp chính thức của hệ thống chính trị, ngược lại, các thiết chế (institutions) chịu trách nhiệm thực thi pháp luật hoặc xét xử những bị cho là vi phạm pháp luật. Sẽ là sai khi đánh đồng các cơ quan lập pháp với các nghị viện dân cử; bản chất ở đây là chia tách quyền lực, vì vậy, đất nước phi dân chủ vẫn có thể có cơ quan lập pháp. Tuy nhiên, thông thường, đó là cơ quan dân cử – nghị viện hoặc quốc hội – được gọi là cơ quan lập pháp, nhưng, ví dụ Quốc hội Hoa Kỳ hoặc Nghị viện ở Vương quốc Anh không phải là cơ quan lập pháp thuần túy, mà còn có một số quyền đối với nhánh hành pháp. Một lượng lớn văn kiện là các quy tắc mang tính ràng buộc và có hiệu lực pháp luật trong các xã hội hiện đại không phải do quốc hội hoặc cơ quan lập pháp mà do nhánh hành pháp ban hành sau khi được cơ quan lập pháp tái thẩm một cách sơ sài. Một số hệ thống, đặc biệt là Đệ ngũ Cộng hòa ở Pháp và nước Ý sau Thế chiến II, nhánh hành pháp thường ban hành luật – các sắc lệnh chứ không phải luật mà không được cơ lập pháp tái thẩm. Tuy nhiên, ý tưởng về chức năng lập pháp, ngay cả khi không có cơ quan duy nhất nào thực hiện chức năng này, là sự phân biệt mang tính khái niệm quan trọng.

Comments are closed.