Tạ Duy Anh
Đều là làm nghệ thuật, nhưng so với đám viết văn thì những người làm điện ảnh quá sướng, được Bộ trưởng Bộ văn hóa kéo cả Quốc hội vào bảo vệ. Thậm chí ông Bộ trưởng còn dùng diễn đàn oai phong hàng đầu này làm hậu thuẫn để dọa những kẻ dám bôi xấu bộ phim Đát rừng phương Nam (ĐRPN). Giá mà những cuốn sách xuất bản đúng luật, nội dung không phạm luật nhưng bị quân anh Hùng thông tin cấm, cũng được ông Hùng văn hóa bảo vệ thì đám văn nghệ sĩ chắc tế sống ông chứ chả chơi.
Xin trích ý kiến rất dân chủ của ông Hùng văn hóa:
"Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tôn trọng Hội đồng thẩm định phim quốc gia".
Báo điện tử Vnexpress sau đó dẫn lời ông Hùng khẳng định lại một lần nữa là cá nhân ông và Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tôn trọng nguyên tắc này, (tức tôn trọng chuyên môn của Hội đồng thẩm định).
Bèn nhớ lại một chuyện đã lâu.
Khi đó tôi đang là Trưởng ban biên tập. Một hôm tôi đang đi chơi, thì cô bé phòng hành chính gọi điện, giọng hốt hoảng:
– Chú ơi, chết rồi. Chú biên tập cuốn "Thương nhớ mười hai" của cụ Vũ Bằng phải không ạ?
– Thì sao?
– Chú kiểm tra lại xem bản thảo bên mình cấp phép có còn đoạn liệt kê các loại người bị chết, trong phần "Tháng bảy xá tội vong nhân" không?
– Cuốn đó mình cấp phép tái bản lần thứ bao nhiêu, còn vấn đề gì đâu.
Tuy nói thế nhưng tôi vẫn về xem lại. Chả hiểu bên nhà sách dùng bản thảo nào mà phần đó đã bị cắt từ ở đâu đó, chứ tôi không hề động bút. Bố ai dám hỗn với cụ Vũ Bằng. Cụ mà cáu, về bóp cổ cho lè lưỡi.
– Không có đoạn đó cháu nhé he he – tôi trả lời cô bé hành chính.
Cứ tưởng nó sẽ reo lên như kiểu may mắn thoát nạn, nhưng cô bé vẫn nói bằng giọng nghiêm trọng:
– Chú kiểm tra nốt phần nội dung in trong "Bộ sách giải thưởng nhà nước" xem, cháu ngờ lắm.
Trong bộ sách vừa nói, cụ Vũ Bằng có tới ba hay bốn cuốn dày cộp. Và quả nhiên cái đoạn bị coi là "nhạy cảm" vẫn còn. Nó đã được xuất bản từ mấy chục năm trước, tái bản không biết bao nhiêu lần. Rồi chả hiểu sao có ai đó nhận ra đó là đoạn văn "có vấn đề". Xin trích nguyên văn nội dung và cả cách hành văn của tác giả:
"Chẳng cần phải suy nghĩ vẩn vơ, ai mà lại không biết số người chết hẳn phải rất nhiều. Đem cộng con số này với bao nhiêu người Việt Nam đã chết vì bom của "Đồng minh", đến "giải phóng" chúng ta khỏi ách của "phát xít" Nhật, bao nhiêu người chết đói năm 1945, bao nhiêu người chết vì bệnh tật, súng đạn của Pháp đến "cứu" ta ra khỏi "nanh vuốt" của Cộng sản, rồi lại bao nhiêu người chết vì "chống Cộng", bao nhiêu người chết vì bom Mỹ, súng Mỹ ở ngay tại miền Nam, bao nhiêu người bị đột kích, pháo kích, truy kích, xung kích, oanh kích, công kích, xạ kích, phục kích… Ờ, nhiều quá sức là nhiều, thế thì những oan hồn cứ kéo nhau đi hằng hà sa số, trường kỳ bất tận cũng không có gì lạ hết.
Nhưng mà họ đi đâu? Họ cứ đi mãi thế à?"
(Trang 136-137, Vũ Bằng, phần "Thương nhớ mười hai", thuộc bộ sách được giải thưởng Nhà nước, Nxb Hội nhà văn 2015).
Vài hôm sau thì các "cơ quan chức năng" đến Nxb làm việc, về cái đoạn văn đó. Mặc cho tôi và lãnh đạo giải thích rằng đoạn văn đó đã tồn tại trong các bản sách mấy chục năm nay, có vấn đề gì đâu, nhưng "cơ quan chức năng" vẫn lạnh lùng cho rằng Nxb thiếu trách nhiệm, đáng lẽ khi biên tập phải cắt đoạn đó đi. Nghe họ lải nhải tức như bò đá, tôi bảo:
– Này, chúng tôi lấy nguyên si nội dung đã được Hội đồng quốc gia thẩm định và với Giải thưởng Nhà nước dành cho tác phẩm đó, liệu Nxb Hội nhà văn có dám thay đổi? Chủ tịch nước mà đã kí duyệt công nhận, thì chúng tôi là cái thá gì mà dám trái lệnh?
Tuy thế, sau cả tháng "rà soát thủ tục biên tập, cấp phép, in ấn, lưu chiểu, cấp lệnh phát hành, kiểm điểm trách nhiệm…tơi bời, cuối cùng Nxb phải "nghiêm khắc rút kinh nghiệm và phải cắt bỏ đoạn văn CÀO BẰNG các kiểu chết đó mới được cấp phép ở những lần tái bản sau".
Nghĩa là Hội đồng giải thưởng Quốc gia và chữ kí của Chủ tịch nước cũng chả là cái đinh gì!
Tiếc hồi đó ông Hùng chưa làm Bộ trưởng.
T. D. A