Hồ nước thẳm sâu

Yōko Ogawa

Trần Vũ lược dịch

clip_image002Sinh năm 1962 tại thủ phủ Okayama, Yōko Ogawa vào năm 13 tuổi khám phá những hình khuyên của chữ, các nét đồ tự trong tiếng Nhật có khả năng sao lại những gì lạnh lẽo đau đớn nhất. Giống Haruki Murakami, Yōko Ogawa theo học đại học Waseda-Đông Kinh rồi trở về sinh quán lập gia đình, bắt đầu nghiệp văn. Tiểu thuyết đầu tay Khi cánh bướm vỡ đoạt giải thưởng Kaien dành cho những tiểu thuyết gia trẻ. Rồi đến Hồ nước thẳm sâu, rồi Mang thai đoạt giải thưởng văn chương Akutagawa. Ogawa tiếp tục từng lúc quẫy động văn học Nhật bằng các tiểu thuyết Bầy nhện, Ngón tay đeo nhẫn, Khách sạn Diên vĩ

Trong Hồ nước thẳm sâu, ám ảnh nước và thực vật xoắn vào cảm giác lo lắng sẫm thu. Câu văn ám tối từng lúc gợi lên một ham muốn rõ rệt: Jun. Giữa các chi tiết to lớn của nhà thờ, học viện và giữa những chi tiết nhỏ bé của hồ nước, gốc sung, miệng giếng, Jun là kết nối. Nhưng Jun vẫn chỉ là nền của một thiếu nữ bất hạnh khám phá ra nguyên nhân độc ác đến từ tình cảm ghê tởm trong lòng mình, chỉ vì mình đã không thật sự là một trẻ mồ côi. Ước ao “vô thừa nhận” ấy đã đủ làm nên sự khác thường.

Chương nhập của Hồ nước thẳm sâu thể hiện khả năng điêu luyện của tác giả: trong vài trang gom hết bối cảnh cùng lúc giới thiệu hết nhân vật với tất cả bí mật sẽ khai diễn. Khởi đầu bằng Jun và kết nhập bằng Jun, trên một hồ nước đầy chật màu xanh mà giọng văn thường trực phập phồng của Ogawa, với cấu trúc câu ngắn xen kẽ những câu dài một khi chủ ý sáng tạo nối liền những hình ảnh-ý tưởng vào thời gian, làm cất vang nội tâm những vết nứt. Hồ nước thẳm sâu là câu chuyện của một thiếu nữ vừa thoát tuổi vị thành niên hãy còn chịu ám ảnh bởi những tưởng tượng kỳ lạ, về trật tự, về phân loại, đến tàn ác. Thế giới của Ogawa là một thế giới tật nguyền của những con người mang vóc dáng lành lặn.

Trích đoạn tiểu thuyết dịch từ bản Pháp văn La Piscine của Rose-Marie Makino-Fayollem, Nxb Babel 1998, với tham khảo bản Anh văn The Diving Pool của Stephen Snyder, Nxb Picador 2008.

Trần Vũ

clip_image004Trời rất ấm. Khi đến đây, tôi luôn cảm giác đã bị quái vật nuốt chửng. Tôi ngồi xuống, và mái tóc, lông mày và áo lót bên trong đồng phục hấp nhiệt trở nên ẩm ướt. Tôi tắm trong một độ ẩm nhẹ hơn toát mồ hôi, sự nhớp nháp dậy mùi riêng biệt của thuốc tẩy trùng.

Lớp bên trên của nước xanh xao, run rẩy dưới chân. Tôi hoài công vô ích nhận diện đáy hồ, bị ngăn bởi những bong bóng li ti không ngừng nổi lên. Trần nhà, toàn kính, rất cao. Tôi đang ngồi, giống bị treo, ở giữa khán đài dành cho công chúng.

Jun đi đến trên chiếc giàn nhào cao mười thước. Hắn mặc quần tắm tam giác đỏ sẫm mà hôm qua tôi đã thấy máng dưới hiên cửa sổ phòng hắn. Đến đầu tấm ván, hắn quay lưng từ từ về phía mặt nước và xếp thẳng gót chân. Tất cả các bắp thịt trên người hắn cương đến cực điểm, như thể hắn đang nín thở. Vào lúc ấy, trên cơ thể hắn tôi thích đường cơ bắp chạy từ mắt cá chân lên đến đùi. Bắp thịt hắn có sự thanh nhã lạnh lùng của một bức tượng đồng.

Tôi từng muốn thử định nghĩa sự khoái lạc mà mình cảm nhận khi hắn giơ hai tay như muốn nắm bắt một vật gì đó trong không khí trước khi hắn ụp xuống nước. Nhưng tôi chưa bao giờ tìm ra chữ thích hợp. Có phải vì hắn chìm vào một thung lũng giật lùi vào thời gian, nơi từ ngữ không bao giờ đến?

Tôi thì thầm:

“Cú phóng của vầng trăng khuyết nguy hiểm”.

Thất bại. Ngực hắn đập xuống mặt nước trong một tiếng ầm lớn. Sự va chạm nối tiếp bằng vô tận những bông nước trắng.

Pha biểu diễn dù thất bại như lúc này hay hoàn hảo không làm tung một tia nước, vẫn không thay đổi tâm tư tôi. Chính vì sao tôi không bao giờ cầu nguyện cho hắn thành công, không thất vọng hoặc vỗ tay hoan nghênh. Thân thể mềm và dẹp của Jun đâm xuyên qua lớp cảm xúc hời hợt của tôi đã được hấp thụ vào trong sâu kín. Ngay khi vóc dáng hắn trồi lên giữa các bong bóng, mặt nước rung động viền quanh vai hắn, che phủ như một cánh buồm. Với cánh buồm trên vai, hắn bơi chậm đến thành hồ, bằng sải tay rộng và chính xác.

Tôi đã nhìn thấy trên truyền hình các cuộc thi lặn với một máy quay phim được cài đặt dưới nước. Các đối thủ đâm vỡ nước chúi xuống tận đáy khi nhào phóng. Hồ nước đầy chật màu xanh. Các lực sĩ cong mình cuộn tròn để bật ngược và đạp xuống nền gạch để trồi lên bề mặt. Động tác họ hoàn mỹ so với phần còn lại của cuộc thi. Mắt cá chân và bàn tay vạch nước lan truyền theo các động tác đàn hồi, và toàn bộ cơ thể trầm giữa trong sạch của môi trường nước. Nếu là một người đàn bà, mái tóc lượn sóng như trong gió. Nét mặt họ thanh bình như đang yên tĩnh hít thở sâu.

Nhiều đối thủ phóng mình rồi bơi qua trước máy quay phim chìm trong một vận động đẹp của khí động lực. Tôi muốn họ bơi chậm hơn để có thời giờ quan sát vóc dáng họ bao bọc bằng nước, nhưng hai hay ba giây đủ để gương mặt họ tuôn ra. Chứng kiến họ như thế, nhắc nhở tôi là tất cả mọi người đã từng tắm trong nước ối.

Có phải Jun cũng vậy, hắn đang thả nổi các cơ bắp tự do dưới đáy hồ như còn là một bào thai trong bụng mẹ hắn? Tôi sẽ dễ chịu hơn, nếu có thể chiêm ngưỡng thật lâu như tôi muốn thân thể hắn đã mềm duỗi.

Tôi ngồi trên khán đài sát cạnh hồ dành cho môn nhảy cầu này đã lâu. Tôi đã ngồi đây ngày hôm qua, ngày trước hôm qua, như đã cách đây ba tháng. Tôi không nghĩ gì hết, tôi không trông chờ gì hết, tôi không biết điều gì đem tôi đến đây. Tôi hài lòng ngắm nhìn thân thể ẩm ướt của Jun.

Chúng tôi sống hơn mười năm dưới cùng một mái nhà và học chung trường. Chúng tôi chạm mặt nhau hằng ngày và trao đổi lời nói thường xuyên, nhưng tôi cảm giác hắn gần gũi mình thêm nữa ở hồ tắm. Không khả năng tự vệ trong vỏn vẹn chiếc quần tắm, hắn nhào xuống và phóng xuống không ngừng, thân thể hắn khai triển trong đủ mọi chiều kích: thẳng, co chụm, chập mũi giáo. Tôi đặt cặp sách xuống chân và ngồi xuống các bậc thềm khán đài, trong váy xếp li đã ủi thẳng với áo lót mình tươi mát đã giặt sạch. Tôi không thể ngay cả đưa tay về phía hắn.

Dù sao hồ tắm vẫn là một chốn ưu đãi. Một tháp canh dành riêng cho tôi sử dụng, cho phép tôi nhìn thấy hắn. Hắn đang bơi xuyên qua tôi không chệch đường của mình.

Cuốc bộ qua hết phố mua sắm của khu nhà ga, ngay khi tôi rẽ vào đường phố nhỏ đầu tiên, nằm phía Nam nếu đi từ quốc lộ dọc theo đường ray, những kích động của thị dân bất chợt lùi xa. Vào Tháng Năm như hôm nay, khi tôi ra khỏi sân ga sau khi rời hồ bơi nơi Jun đã chấm dứt tập luyện, hãy còn chút ánh sáng của buổi chiều.

Sau vuông đất có một bể cát và một vòi nước máy, một chung cư dành cho thợ thuyền độc thân và một bảo sanh viện hoang vắng, bày ra duy nhất chuỗi nhà ở tầm thường. Tôi đã đi bộ hai mươi lăm phút trong căn phố thẳng tắp này trước khi về đến nhà mình. Làn sóng dân chúng ào ra khỏi nhà ga cùng lúc với tôi ban nãy giảm dần. Chút ánh sáng ngày còn sót lại ít ỏi bị hoàng hôn ập đến nuốt mất. Cuối cùng, chỉ còn lại mình tôi.

Trước tiên là một cánh rừng, tiếp nối là dãy hàng rào làm bằng cây tươi, rồi một bức tường khối đặc bao phủ phần lớn dây leo. Những khoảng trống chưa phủ cây leo mang màu sắc của bọt, làm khúc tường mang dáng vẻ gần như thực vật. Cánh cổng mở rộng và một dây xích han rỉ buộc chặt để ngăn cổng đóng lại.

Tôi chưa bao giờ thấy cổng đóng kín. Chiếc cổng luôn luôn mở rộng để tiếp đón đủ hạng người tìm đến một vị cứu tinh giải thoát nỗi đau đớn cùng những lầm than của họ. Ở đây không ai bị từ chối. Kể cả tôi nữa, tất nhiên.

Dọc theo cổng, dựng một tấm biển lát kính được chiếu sáng bằng một bóng đèn điện- Giới Luật trong tuần: Ai, tôi hay kẻ khác, là quý giá hơn? Chúng ta cùng là nhân loại. Không ai làm kẻ xa lạ trên trái đất này.- Mỗi chiều Thứ Bảy, cha bỏ nhiều thời giờ tìm tòi trong Thánh kinh trước khi cẩn thận mài mực và viết xuống Giới Luật. Hộp chứa thư pháp cũ kỹ và đẵm mùi mực. Cha rót một chút nước lên đá, quết chậm rãi cán gỗ được cầm thật thẳng, nhúng đầu cọ lông. Các thao tác chậm, gần như lê lết, và mang hình thức của một lễ nghi. Tôi luôn bước ngang văn phòng làm việc của cha mình không gây tiếng động, để không làm phiền sự cứng nhắc này.

Bốn côn trùng nhỏ bị thu hút bởi ánh điện trắng, bò giữa những mẫu tự cha vừa kẽ.

Đêm xuống lúc nào tôi không nhận biết. Sau chiếc cổng, dường như còn đen tối hơn bên ngoài. Chính vì nơi chốn ngập trong thảm thực vật. Người ta đã trồng những bụi cây đơm lá dai dẳng bên cạnh những bụi khác trơ trụi trong một thứ tự tối đa phi thống nhất dọc theo chiều dài của khuôn tường đóng kín. Những cành lá chen lấn vô tình khi trổ vươn. Còn khoảng sân, mảnh sân phủ tràn sự hỗn độn của màu xanh mà không một ai biết là cỏ dại hay những khóm hoa trồng.

Ở giữa chúng, tàn lá của hai cây bạch quả lớn cắt sẫm lên nền trời đêm. Mỗi năm vào mùa Thu, đám trẻ nhỏ mang găng tay lao động lượm những quả hạt. Jun làm anh cả, ngồi dạng trên một cành lớn, rung cây và làm rụng một hỗn hợp trái ngọt pha lẫn với lá úa vàng, trong lúc lũ trẻ chạy nhặt tứ tán trong tiếng giành giật. Mỗi khi đến gần những gốc cây này, tôi đều nhớ đến vị nhân của quả hạt bị đập vỡ nát như mảnh thủy tinh dưới gót giày của lũ trẻ và mùi của hạt quả dậy hương.

Bên trái của hàng cây bạch quả là nhà thờ, nối tiếp học viện Hikari bằng một hành lang thông qua tận trong cùng. Tôi ngụ ở đây.

Hơi ẩm xanh nhạt hô hấp sự sạch sẽ mà tôi đã hấp thu trên khán đài của hồ nước đã hoàn toàn bốc hơi trong lúc tôi về đến đây, tôi cảm tưởng ngay chính những tình cảm của mình cũng đã khô đi. Luôn luôn là như vậy. Đọc “Giới Luật Trong Tuần”, đi qua cánh cổng mở rộng cho mọi người, đẩy cánh cửa vào học viện Hikari cùng lúc nhớ lại mùi hạt của cây bạch quả, là những việc thật giản dị mà tôi không sao làm được mà không suy nghĩ. Gì đó khô khan cào xước lồng ngực ngăn tôi lại.

Cảnh quan của học viện Hikari chìm giữa cây xanh hoàn toàn hiện thực mà tôi vẫn thấy đầy mờ ảo. Hoặc ngược lại, các giác quan cá nhân, chuốt nhọn đến mức đau đớn, đã không hấp thụ hết tận cùng cảnh vật. Dù sao đi nữa, có một sự biến dạng cong oằn không thể vượt qua giữa tôi và học viện, chính điều này khiến tôi ngạt thở.

Vậy mà đây lại là chốn cư ngụ của tôi. Gia đình tôi trú ở đây. Jun cũng vậy. Tôi tự nhủ với mình điều này khi đẩy cánh cửa học viện sau khi nhắm mắt băng qua tấm màn cây xanh.

Bằng vào phân loại kỷ niệm, tôi nhận ra chính những ký ức đầu đời của mình khắc ghi vào trong sâu thẳm nhất của trí nhớ mình.

Vào một buổi chiều đầu Hạ, khi những tia mặt trời đã hấp nhiệt, tôi đang đùa giỡn với Jun gần giếng trong vườn sau. Miệng giếng đã lấp đất từ khá lâu và mọc trổ một gốc sung. Chúng tôi chừng bốn hay năm tuổi và Jun mới vừa được đón nhận vào học viện. Hắn là một trẻ sơ sinh ngoài giá thú của một bà mẹ nghiện rượu nặng, rồi một tín hữu nhiệt tâm chọn nhà thờ gửi gắm hắn.

Tôi đã bẻ gẫy một cành sung rồi nhìn chất lỏng trắng sền sệt hiện ra ở đoạn gẫy. Dung dịch dầy hơn tôi nghĩ và dính vào đầu ngón tay. Tôi gọi hắn, trong lúc bẻ gẫy thêm một cành khác:

“Đến mau, đến giờ bú sữa!”.

Tôi bắt Jun ngồi trên đùi mình, với một tay quàng quanh vai hắn, tôi dùng tay kia đút cành sung vào miệng hắn. Thời ấy, chưa có gì trên thân thể hắn gợi lên những đường nét cơ bắp ửng sáng phủ nước trong suốt của hồ tắm. Trên khuỷu tay tôi, hắn chỉ có sự mềm dẻo của một đứa trẻ bình thường. Chụm môi, hắn bắt đầu bú như một đứa trẻ. Hai bàn tay đặt lên tay tôi, hắn giả vờ đang bú một bình sữa tưởng tượng. Nhựa sung có mùi đất đắng.

Bất thình lình, tôi cảm thấy sự kìm kẹp của một cảm giác vừa kinh khủng vừa thiếu liền lạc. Sự việc đã bắt đầu như vậy. Có thể vì nhựa sung hay từ sự mềm dẻo cơ thể của hắn đã kích hoạt điều gì đó. Trừ phi đã bắt nguồn từ xa xăm, và điều xấu xa ấy đã ăn nhấm vào trong tôi, có thể ngay cả trước khi tôi sinh ra.- Mà trước tiên, Jun là ai? Một ngày hắn đột ngột bước vào đời sống tôi và chúng tôi sống chung. Tuy chúng tôi không là anh em. Và Jun không duy nhất. Trong nhà tôi đầy những kẻ không thể xác định cư xử giống như bọn họ là thành viên của gia đình. Lẽ ra, chúng tôi chỉ nên là ba người: Cha, mẹ và tôi. Chúng tôi khác biệt với bất kỳ một gia đình bình thường nào. Gia đình chúng tôi không giống những gia đình khác.

Tình cảm ghê tởm mà tôi cảm nhận đang trở nên hữu hình kỳ lạ. Tôi bẻ gẫy một cành lớn hơn mà dường như với tôi, sẽ cho nhiều sữa hơn, rồi chà lên phần miệng của hắn. Hắn liếm môi hơi cau mày. Chính vào thời điểm chính xác này mà những tia mặt trời trở nên dầy thêm và mạnh mẽ thêm, làm mất dần cảnh quan trở nên sáng trắng, khiến cuốn phim cũ xưa nhất của tôi chấm dứt.

Từ bấy, hiện tượng lạ lùng này đã không biến mất mà lặp lại. Tôi không thể dửng dưng trước những từ “gia đình” hay “mái ấm” khi tôi nghe thấy, như chúng đến từ một trả giá đặc biệt. Nhưng trong thực tế, chúng sáo rỗng và lăn dưới chân tôi tựa những vỏ lon không.

Cha mẹ tôi cai quản nhà thờ và làm trung gian giữa Thượng đế với những tín hữu, cũng là đồng hiệu trưởng của học viện Hikari. Học viện là một cô nhi viện mà tôi là nội trú sinh duy nhất đã sinh ra ở đây không mồ côi. Chính điều này đã làm biến dạng gia đình tôi.

Lâu lâu tôi mở những tập ảnh lưu niệm xếp trên kệ thấp của tủ sách trong phòng sinh hoạt, giống như tôi muốn kiểm tra lại bản chất của thứ cảm giác đã ám ảnh mình. Tôi ngồi xuống, thu chân vào mình, giữa những tập hình và những đồ chơi hình khối vung vãi trên đất, và tôi cầm lấy một tập trong tầm tay.

Tất cả các tấm ảnh đều được chụp vào những dịp lễ lạt của học viện Hikari. Tấm những cây dâu Tây nở hoa, tấm đánh bắt cá ngoài khơi, nướng vĩ hay nhặt quả hạt. Các tấm ảnh đầy những trẻ mồ côi. Những gương mặt trẻ nít tiếp nối như trên những tấm hình chụp kỷ yếu trong những chuyến dã ngoại. Tôi đứng giữa chúng. Buổi cắm trại chấm dứt, các học sinh tản mác, nhưng những đứa trẻ mồ côi này lại theo tôi về nhà. Chúng luôn vây quanh tôi.

Thông thường, cha mẹ tôi đứng sau nhóm, tươi cười. Nụ cười của cha trầm tĩnh, thanh thản, đồng đều, và sau hết nhẹ nhàng nghi lễ. Tôi không ngạc nhiên vì phần lớn cuộc đời của cha cống hiến cho những nghi thức tôn giáo. Cha luôn trầm trong những câu kinh thánh vô tận. Tôi nhìn những tấm hình có cha mình bằng với cùng một đôi mắt dùng chiêm ngưỡng bàn thờ, như tôi đang quỳ trên bục nguyện.

Tôi lật tập ảnh với sự dửng dưng. Tôi nhìn những tấm hình chụp nguyên nhóm không khi nào khác biệt. Tôi nhìn chằm chằm một cách đau đớn tập ảnh không chứa chiều cao, trọng lượng của mình khi sinh ra, cũng không cả khuôn chân tôi in bằng mực Tàu hay những khoảnh khắc bất chợt giữa cha mẹ và tôi. Và tiếng động khô khan mà tôi gây ra khi đóng lại, giống như tiếng động vang lên của gia đình tôi bị sức nặng của lũ trẻ mồ côi đè bẹp.

Đôi khi tôi nghĩ thà mồ côi thật sẽ tốt hơn cho mình. Tôi sẵn sàng chấp nhận ít nhất một trong những tai ương đầy rẫy nơi đây: mẹ nghiện rượu, cha giết người, phụ huynh chết sớm, vô thừa nhận. Như thế, tôi sẽ có thể trở thành một đứa trẻ mồ côi hoàn hảo. Chắc chắn tôi sẽ phát huy kho tàng trí tưởng tượng của mình để nhìn ông bà hiệu trưởng như cha mẹ ruột, hay giả vờ ngây thơ để được một gia đình hảo tâm nhất khả dĩ nhận nuôi. Cuộc đời tôi chắc chắn sẽ rõ ràng hơn với cách này.

Trong thâm sâu của ký ức về gốc sung mọc trên nền giếng đổ nát, tôi không ngừng làm một thiên thần, thiết kế cùng một mơ ước. Một ngôi nhà bình thường, giản dị, kín cổng.

Đúng lúc Jun biến mất vào trong dẫy phòng thay đồ, tôi cầm lên cặp sách đặt dưới chân, trong lúc nhìn mặt hồ nước đã tìm lại yên tĩnh, tôi chờ đợi vào chiều Chủ Nhật, bất động để không hụt hắn, tiếng động của Jun trở về từ cuộc tập luyện khi hắn tìm cách xẻ một lối đi xuyên qua tấm màn thực vật chìm trong mờ tối, cảm giác ham muốn của mình dựng dậy như tấm màn sương. Khi lồng ngực thắt lại không lý lẽ, tuy dù cảm giác này chưa thật đủ mạnh để thật buồn bã, sự thuần ham muốn của tôi vẫn vươn lên chậm rãi, cho đến khi tôi không còn đuổi kịp.

Tôi biết không thể làm gì khác, nhưng tôi vẫn mò mẫm tìm cách. Trong đời sống xảy đến nhiều thứ mà con người bất lực, song tôi biết, sự tàn tệ nhất của đời mình, chính là học viện.

[…]

Comments are closed.