Một nỗi buồn của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh khi rời xa cõi thế…

Đạo diễn Mai An Nguyễn Anh Tuấn

01ddfad1-7f6e-4726-6f89-4d7846ef418f

Ông chưa lần nào nói tên ra nỗi buồn này, nhưng trong những lần tôi được gặp ông ở nhà đạo diễn Tự Huy, ở tại nhà ông trong một ngõ hẻm phố Trần Khát Chân, hoặc trong một cuộc Hội thảo khoa học – như Hội thảo về danh nhân Nguyễn Diêu ở Bình Định, v.v, tôi đều đọc thấy nó qua tâm sự của ông…

Và giờ đây, khi rời Cõi Tạm, ông đã mang theo nỗi buồn ấy tới thiên thu…

Có lần ông bảo tôi: “Cái ông Marquez cũng lạ, nhiều lần người ta muốn chuyển thể tác phẩm của ông sang màn ảnh, ông ta đều nói: Hãy để tôi chết đi đã hẵng làm… Tớ và phần lớn người viết tiểu thuyết nước mình thì đều mong nhìn thấy nhân vật của mình sống trên màn ảnh, để nhiều người hơn biết đến tâm tư của kẻ sĩ viết văn…”. Lần ấy, tôi đã hưởng ứng với ông như một kẻ học trò “ngựa non háu đá”: “Đúng vậy thưa bác! Điện ảnh ngay từ thời thơ ấu đã mau chóng tìm đến văn học và kịch mục sân khấu; các nhà sản xuất phim chẳng đã đặt hàng các nhà văn lớn nhất của Pháp viết kịch bản phim hoặc mua bản quyền tác phẩm của họ là gì?”. Ông cười: “Cậu với tay đạo diễn Tự Huy đúng là những kẻ làm phim mơ mộng hão! Ở nước mình thì còn lâu mới có một nhà sản xuất phim như thế!”.

Nhưng chính ông lại rơi vào quỹ đạo của “những kẻ mơ mộng hão” như vậy, khi đành bán bản quyền những tác phẩm ông tâm đắc nhất – như Mẫu Thượng ngàn, Đội gạo lên chùa… để lấy ít tiền sinh sống, cho một số người nhiều tiền “đánh hơi” được giá trị Điện ảnh và tính ăn khách của chúng, và ông đã chờ mong đến tuyệt vọng lúc chúng đến được với đông đảo khán giả xem phim!

Không chỉ những người trong nghề mới nhận thấy chất Điện ảnh ngồn ngộn trong các tiểu thuyết của ông – qua những hình tượng nhân vật sống động chứa đựng bao triết lý thâm thúy và lẽ đời ngổn ngang, qua những câu chuyện thấm đẫm tình người đầy xung đột kịch tính, những lời thoại mang sức nổ nội tâm… Và thế là, từ đã rất lâu, cuộc đón đợi, “săn lùng” tác phẩm của ông đã diễn ra một cách âm thầm, quyết liệt – trong thế giới làm phim và kinh doanh phim ảnh, dù nền Điện ảnh Việt ấy đã/ đang chết lâm sàng để nhiều năm tung hoành loại phim “mì ăn liền” chụp giật và phim thương mại lấy thân xác phụ nữ và các trò hề nhảm nhí làm bùa phép mê hoặc khán giả…

Lần cuối cùng tôi được trò chuyện khá lâu với ông tại làng Mơ cũ – nơi đã cung cấp nguồn cảm hứng và chất liệu “mê ly” cho không ít trang tiểu thuyết lịch sử hay thế sự của ông, ông nhỏ nhẹ bảo tôi: “Bà đạo diễn Bạch Diệp thích cuốn Hồ Quý Ly của tớ lắm, nhưng bà ấy không kịp thực hiện… Cậu tìm nhà sản xuất đi, tớ cũng mong nó lên màn ảnh, tớ cho không bản quyền để cậu chuyển thể đấy!”. Tôi gần như chắp hai tay lạy ông: “Cảm ơn sư phụ đã tin cậy! Nhưng em không muốn bác lại thêm một lần nữa chờ đợi, rồi thất vọng ê chề, như hai cuốn Mẫu Thượng ngàn, Đội gạo lên chùa mà người ta đang “ngâm dấm” không biết đến bao giờ. Em sẽ đi tìm nhà sản xuất đã, rồi khi đó xin được mua bản quyền cuốn Hồ Quý Ly một cách xứng đáng và đàng hoàng…”. Đôi mắt hiền từ của ông thoáng mây buồn mênh mông, rồi ông rót rượu mơ cho tôi: “Thôi, tạm quên đi đã, chú mày! Điện ảnh lúc này chỉ là thứ yếu so với nhiều điều đang làm nhức nhối, vò xé tâm can người Việt…”.

Trong ngày tiễn đưa ông, tôi xin thắp nén nhang thơm tưởng nhớ ông và thầm mong những Hồ Quý Ly, Mẫu Thượng ngàn, Đội gạo lên chùa, Trư cuồng, Rừng sâu, Miền hoang tưởng nhất định sẽ lên màn ảnh đến được với hàng chục triệu khán giả, để hương hồn ông mãi mãi mỉm cười nơi CÕI PHẬT…

Comments are closed.