Chuyện đời tôi (kỳ 20)

Hồi ký của Nguyễn Minh Nhị

“Tai biến sản khoa

Thời gian giúp huyện tổ chức Đại hội Đảng rất nhiều việc và cũng là thời điểm vợ tôi sanh đứa con thứ hai (27.7.1986). Nhưng do bệnh viện tắc trách để xảy ra sự cố làm vỡ dạ con, thai nhi bị ngột oxy, làm cho tôi và đại gia đình ba má tôi lâm vào khủng hoảng chưa từng có. Hậu quả của sai lầm bệnh viện là: vợ tôi phải triệt sản ngoài ý muốn vì vỡ dạ con, thằng con trai đích tôn duy nhất sinh ra bị ngột thở nên bại não rồi chết sau 10 năm dằng dặc trong các bệnh viện. Họ lý sự với nhau rằng, đó là “tai biến sản khoa”; có người còn lố bịch rằng, thằng nhỏ (con tôi) “bị bệnh bẩm sinh”; mà sự thật là do tắc trách của bệnh viện và của bác sĩ KTS trực ca, khi hình dạng cái bụng có dấu hiệu vỡ dạ con – như “trái bầu có eo” và không còn nghe tim thai được mà không chịu xử lý, đúng là do lười biếng, và là tội ác!

Số là… vợ chồng tôi kế hoạch hóa vì gia cảnh khó khăn. Khi muốn sanh thì làm kế hoạch sanh theo ý muốn để có con trai nên kéo dài ba năm sau mới có mang. Khi có thai, chúng tôi giữ gìn không để vợ tôi bị lây nhiễm bịnh, cho dù cảm cúm thông thường, không hề uống một viên thuốc nào. Khi chuyển dạ, tôi đưa vợ tôi đến bảo sanh phường gần nhà. Xui rủi, gặp các chị y, bác sĩ quen trong kháng chiến đang làm ở Bệnh viện Trung tâm đa khoa tỉnh la tôi qua trời, rồi đem vợ tôi vào Khoa sản Bệnh viện tỉnh. Dù lần đầu sanh tự nhiên suôn sẻ, nhưng như có “linh tính”, tôi vẫn chưa yên tâm, nên nhờ anh Năm Đình lo thuốc mê và chỉ may phẫu thuật sẵn sàng; các chị nghe còn cười tôi “lo xa”, vậy mà, họ không nghe lời tôi yêu cầu mổ bắt con sau khi tôi thấy họ cho thuốc giục sanh quá sớm, lúc 12 giờ, vợ tôi đau oằn oại. Do để lâu, đến 19 giờ thì vỡ dạ con mới ra thảm cảnh. Phải cắt bỏ dạ con mới cứu được mẹ, còn con trai tôi phải chập chộ cả nửa giờ sau mới thở được. Từ sự cố này, tôi đọc gần thuộc hết cuốn Sản khoa; và khi con trai tôi lên cơn động kinh, tôi cũng đọc hết cuốn sách nói về động kinh của Trần Đình Xiêm, đến nỗi, nhìn điện não đồ của con lần đầu tôi biết nó mắc chứng động kinh thể Oét – ác tính. Tôi như điên như dại, nhưng vì là đàn ông, tôi không đổ ngã để còn lo cho vợ cho con tôi. Song tôi cũng khô nước mắt! Tôi dành dụm tiền, bán hết thứ gì mình có, để có tiền. Anh em bạn bè tiếp sức. Anh Mười Trị mấy lần lãnh lương tháng đem hết cho tôi. Cảnh tôi, ai mà không thương tâm, làm động lòng cả Đấng Từ bi. Ban quản tự Miếu Bà Chúa Xứ cử người mang tiền cứu độ… Đặc biệt vợ chồng Lê Máy, được tôi cho phiếu (chế độ của tôi) mua 5m3 gỗ cây dầu, bán được, đem một giỏ xách bàng tiền chênh lệch – lãi, do tiền mệnh giá thấp và đang mất giá nên hơi cồng kềnh, đến nhà tặng lại tôi, nhưng tôi kiên quyết không nhận, chỉ nhận tấm thạnh tình bè bạn.

clip_image002

Vợ tôi những năm sau “tai biến sản khoa”

clip_image004

Chị Ba và con tôi trong lễ Thôi nôi tại nhà chị. Chị đặt lại tên Minh Tài.

Tôi rước thầy, từ Đông – Tây y trong nước đến bác sĩ ngoài nước như Nga, Pháp, Việt kiều Mỹ, v.v. đến các lương y và cả thầy bói. Đau chân thì há miệng, vậy thôi. Đọc báo Tuổi Trẻ thấy giới thiệu ở Matx-cơ-va có Bệnh viện nhi chuyên trị trẻ em bại não do Giáo sư Igor A. Kvortosov làm Tổng giám đốc, nhân chuyến tìm bán gạo ở Nga, anh Ba Đức, Chủ tịch đốc thúc tôi đi “một công hai việc”. Gặp và rước được ông sang, nhưng mọi việc đã muộn màng! Trong thơ tuyệt mạng, bị tôi phát hiện ngăn chặn, vợ tôi viết lại cho Minh Tú: “Mẹ tin cả thần linh mà cũng vô vọng. Sống phải thọ ơn quá nhiều người làm sao trả nổi”…!!!

clip_image006

Bác sĩ Igor A. Kvortosov tại Bệnh viện của ông ở Mát-xcơ-va đầu tháng 10/1993. Ảnh: Bảy Nhị chụp tại Văn phòng của Bác sĩ.

Tôi không ngờ số phận mình đen đủi vậy, luật “nhân quả” nào mà vậy? Tôi làm Bệnh viện huyện Phú Tân lo cho con em của dân suýt bị kỷ luật, vậy mà vợ con mình bị Bệnh viện tỉnh gây ra thảm cảnh. Một bà “lão thành”, có lần, kêu hỏi một giám đốc công ty xem có cho tiền nuôi thằng con bệnh hoạn của tôi không. Có người còn xì xầm rằng, tôi ăn ở sao… mà bị quả báo! Tất cả dị nghị đều là từ người của “phe ta”. Tôi lại nhớ lời chú Sáu Thanh thợ mộc nói khi chú đang cất nhà cho tôi, như người cha “dát đác” về thế thái nhân tình cho tôi, bằng sự trải nghiệm bản thân ông. Đúng là tôi “trồng cây ngọt, ăn quả đắng”! Có lúc chạy xe máy trên đường, tôi muốn đâm vô cột đèn cho xong, nhưng nhớ đến Minh Tú, nhớ đến vợ và thằng con trai sống không ra sống, tôi không còn đủ dũng cảm để chết! Trong chiến tranh, gia đình vợ chồng tôi, cả hai bên đều bị cảnh ly tán, chết chóc, tù đày, tra tấn… nhưng chưa có nỗi đau về tinh thần, chấn động tâm lý nào đối với cá nhân hai chúng tôi thê thảm như thế này. Cái ác, cái trái ngang, tại sao nó đến với tôi từ phía sau lưng tôi mà không phải từ trước mặt vậy? Hồi đụng tàu Mỹ ở kinh Vĩnh Tế (10/69) cách trước họng đại liên cực nhanh không hơn 30-40 mét mà sao tôi không chết cho vẻ vang, sống chi chịu cảnh nhọc nhằn như thế này?! Nó nằng nặng, dằng dặc và dai dẳng vô cùng, vô lượng định. Mười năm và di chứng dài lâu, có lẽ, đến cuối đời cũng không đo đếm được, vì khổ đau cũng có linh hồn! Nhưng bù lại, tôi cũng gặp nhiều người tận tình, thay tôi nuôi thằng con bệnh tật ấy cho. Nhờ vậy mà tôi còn sống và chiến đấu cho đến kỳ cùng!

clip_image008

Từ phải qua: BS Phong, mẹ, vợ và con trai BS Phong (ảnh gia đình cung cấp).

clip_image010

Hai mẹ con, lúc Minh Tuấn về thăm nhà!

clip_image012

Cháu Bích và Minh Tuấn (Tài) 4 tuổi ở Sài Gòn

Vợ tôi bị khủng hoảng tâm lý kéo dài, nhất là từ hơn một năm sau sự cố, khi biết mình không còn khả năng sanh nở, do tôi cố giấu, bị trầm cảm nặng; có lần toan tự vẫn, rồi sau đó sống nội tâm, xa lánh chốn đông người. Bà ngoại vợ tôi vì tội nghiệp tôi mà bảo má vợ tôi lên nói với vợ tôi, cho tôi “có vợ hai để có thêm con trai nối dòng”. Tâm lý người Bắc hình như quí con trai lắm, nhưng qua đó, cũng nói lên sự thông cảm vô cùng của bên vợ đối với tôi! Trong những ngày lang thang trong bệnh viện, tôi hút ba gói thuốc lá An Giang/ngày đêm, đồng thời phải tham gia tích cực phục vụ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 4. Tôi không ngờ tôi có đủ sức làm việc và vượt qua mọi nghịch cảnh như thế này.

Ngày 12-4-1996, nhằm ngày 25-2 Âm lịch, lúc 23 giờ, Bác sĩ Phong gọi điện giục tôi đến nhà gấp. Tôi biết chuyện không lành. Đến nơi thì con trai tôi vừa ra đi, toàn thân còn ấm như đang nằm ngủ. Tôi hoang mang không biết phải làm sao, định giấu vợ tôi vì sợ không chịu nổi, nhưng chị Ba tôi nói làm vậy tội nghiệp, là mẹ mà không thấy mặt con lần cuối. Tôi về nhà đưa vợ tôi đến thì y như rằng vợ tôi xỉu bên con trai mình. Tôi đưa con về nhà và điện cho chị Hai nó báo tin và dặn khỏi về, nhưng Tú nói ba đừng liệm em, chờ con về. Tôi hỏi: Bây giờ là 12 giờ khuya rồi con về bằng gì? Nó trả lời “Xe đò”! Hồi này xe đò không phải dễ. Tôi cảm thông và cảm động tấm lòng con gái, có em 10 năm chưa được một lần gọi tiếng “Chị Hai”! May sao công ty Afiex có xe ở thành phố tôi nhờ. Tú về đến nhà là 4 giờ sáng nhưng toàn thân Minh Tuấn (Minh Tài) vẫn còn ấm mới lạ! Đưa con về theo con đường Lộ Tẻ – Tri Tôn – Nhà Bàn và nằm dưới chân ông bà nội, tôi khóc thầm:

Ba tiễn con về chốn cố hương

Nơi lòng ba nặng nợ vấn vương

Để con yên giấc ngàn thu ấy

Nghe tiếng chuông ngân hóa kiếp buồn!

Nhớ sau khi sanh, dù nằm viện suốt, nhưng hôm lễ đầy tháng Minh Tuấn đẹp lạ lùng, ai cũng trầm trồ còn tôi dù mừng nhưng không dám chụp ảnh cho cháu vì trong tâm linh có cái gì hơi bất an. Thì ra hôm mới sanh, anh em đưa cháu đi cấp cứu ở Nhi Đồng I, Bác sĩ Trần Tấn Trâm giám đốc không chịu cấp cứu và nói: “Nó sống là thảm họa cho gia đình”! Anh em thuyết phục ông: “Nó là cháu đích tôn, mẹ nó đã triệt sản, gia đình chấp nhận mọi giá”. Hôm tiễn tôi đưa vợ con tôi xuất viện về nhà, anh nói: “Có gì anh lên thẳng đây, đừng ngại”. Sau mấy tháng không nghe tin tức, anh nói với anh em ở Bệnh viện: “Bảy Nhị trúng số độc đắc sao mà không thấy đem con lên” – ý là nếu không động kinh thì hơn là trúng số còn gì? Chớ anh đâu ngờ tôi bấn loạn chạy như “chó đạp lửa” dưới tỉnh!

Con trai tôi dù sống chỉ được 10 năm nhưng cũng là một kiếp người. Một kiếp người bất hạnh trong hoàn cảnh bất hạnh! Mười năm đó cũng gần giống như cuộc đời tôi thu gọn ở cực điểm của thử thách toàn diện, là con trốt thời gian trong suốt cuộc hành trình. Vợ tôi nuôi con tại nhà, tại bệnh viện Long Xuyên được một năm và cháu Bích nuôi một năm tại bệnh viện Nhi Đồng I; chị Ba tôi nuôi hai năm; vợ chồng Bác sĩ Phong nuôi và trị bịnh cho cháu gần sáu năm. Còn tôi lang thang qua các nhà thương Long Xuyên, Sài Gòn. Tôi thọ ơn không biết bao người!

Con “Misa”

clip_image014

Bảy Nhị chụp.

Anh Năm Thắm, Huyện đội Trưởng Phú Tân có con chó bẹc-giê rất khôn; đây là chiến lợi phẩm lúc anh tấn công, rượt bọn Pol Pot chạy khỏi Takeo; chúng bỏ lại hai con, nghe nói của cố vấn Trung Quốc. Anh đem về đơn vị nuôi. Con cái bị anh em làm thịt lúc anh đi vắng; còn con đực, anh căn dặn anh em phải trông giữ nó lúc anh vắng cơ quan.

Con chó có đặc điểm hay la cà các cơ quan, đơn vị, nhất là thấy ai mặc quân phục thì gần gũi, thân thiện. Tình cờ, nó đến Văn phòng Huyện ủy, gặp tôi và đồng chí Bí thư hay mặc đồ Giải phóng, càng quyến luyến hơn. Lúc này, tôi đang là Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy (9.1979). Bữa nọ, khoảng 9-10 giờ tối, tôi nghe điện thoại, đầu bên kia là giọng anh Ba Bảo, Trưởng đoàn Văn công huyện:

– Anh Bảy ơi, lính Huyện đội vây Phòng Văn hóa – Thông tin, tìm con chó của ông Năm Thắm. Họ rượt đánh anh em mình.

– Tại sao vậy?

– Chiều hôm qua, anh Năm Lợi và anh em trong Phòng làm thịt con chó của Huyện đội, mà không biết.

– Anh có biết, con chó tôi nuôi trong kháng chiến nó chết cách đây bảy năm rồi, mà tôi còn nhớ. Các anh hết còn cái gì để ăn rồi hả? Ăn ẩu, chúng đánh là vừa.

– Anh nói vậy, tôi còn biết kêu cứu ai đây…

Tôi bực mình cắt máy.

Mấy tuần sau, anh Năm Thắm đến chỗ tôi chơi. Tôi và anh lai rai vài xị rượu đế. Rượu vào lời ra, anh bộc bạch:

– Con chó chết, tôi buồn quá. Nhưng cho anh hay: Con đó nó nhảy con chó của Huyện đội An Phú (loại chó ta) đẻ ra duy nhất có một con. Tôi bắt đem về hơn tuần nay, còn cho uống sữa bò.

Nghe anh nói, tôi bắt đầu động lòng ham:

– Anh “đi mây, về gió”, ở nhà tụi nó cũng ăn thịt nữa thôi. Anh đưa đây tôi nuôi cho. Ở đây, trong vòng rào cơ quan Huyện ủy, không mất đâu

Nghe tôi nói, anh đáp lại rất có tình:

– Anh nuôi cũng như tôi thôi.

Tàn rượu, tôi theo anh về để bắt con chó liền hôm ấy. Sợ tỉnh rượu anh đổi ý. Thấy chú cảnh vệ ôm con chó ra, tôi mừng như được cái gì quí lắm. Nó mới hơn một tháng mà to và đẹp vô cùng. Anh trao tận tay tôi rồi nói:

– Thôi, giao cho anh đó. Thỉnh thoảng tôi đến chơi với anh, thăm nó luôn.

Lúc này mọi người đang tập trung theo dõi Olympic Moskva – 1980. Tôi đặt tên nó theo biểu tượng của Olympic – Misa – “Gấu Misa”. Lúc tôi dời về Long Xuyên, hai năm sau đó, lần đầu tiên có nhà riêng, có con chó cũng thật ấm cúng. Mới một tuổi mà nó nặng đến gần 40kg, cân bàn cân lúa. Tuy to con nhưng trông nó như chó ta lớn con vậy thôi, không ai nghĩ là bẹc-giê lai. Nó rất khôn và hiền nên ai cũng thích nên tôi mới dám nuôi. Tâm lý dân mình nhiều người không thích ai nuôi chó bẹc-giê vì nó trông “quan quyền” và hung dữ quá.

Hồi nhỏ tôi học lóm thợ săn coi lựa chó. Con Misa tuy to con mà lông ngắn như chó Phú Quốc, có đủ các xoáy, đuôi bỏ đúng cách, duy nhất chỉ có một sợi râu. Theo sách (sách miệng) coi chó, con Misa xếp vào loại “Rồng”, tức là loại một. Càng lớn, nó càng khôn. Sợ nó đi theo cái bị người ta ăn thịt như cha nó. Tôi rước thợ thiến cho yên tâm. Sợ bị đánh thuốc độc hoặc bọn đi xe giựt vòng bắt chó bán thịt, tôi cho nó ngủ trong nhà. Thà mất đồ, chớ không để mất chó.

Cái khôn thông thường của nó, mỗi khi nghe tiếng xe máy tôi về gần đến, dù đang chơi các nhà trong xóm, nó đều cắm đầu chạy về trước, nằm tại cầu thang lên xuống như lúc nào cũng ở nhà. Bà con lối xóm nói lại, tôi để ý đôi lần mới thấy đúng vậy. Nhà nuôi gà vịt rất nhiều, muốn bắt con nào lấy cục đất chọi trúng con đó, nó rượt và bắt chỉ mỗi con đó thôi, nhưng không cắn mà lấy chân trước đè lên, hoặc ngậm tha đưa tận tay tôi. Của trong nhà không ai lấy được. Cái bàn máy may của vợ tôi, hôm dời nhà từ Phú Tân xuống, gởi tạm nhà anh tôi, đi ngang ngửi mùi sao mà nó biết, thế rồi nó nằm tại đó chờ tôi đến khiêng bàn máy, nó mới theo về. Ai ẳm con gái tôi mà nó khóc thì Misa ôm cạp (chớ không phải cắn) vào mông hoặc vào chân người đó. Lúc tôi ngồi nhậu, nó nằm cạnh bên, thỉnh thoảng đưa “tay” khều xin ăn. Ai cặp cổ đổ rượu tôi, nó “cạp” liền. Có hôm, vợ tôi tiếp chú thợ đến đào hầm cá, gỡ con chó con chui vào tụng cơm của chú. Hai người giằng co với một con chó con. Misa hiểu lầm, nên “cạp” anh ta tuột quần, trầy một đường to như lằn roi sau đít. Vợ tôi la hoảng, tôi phải ra la nó mới yên. Tôi có cảm nhận: Nó biết nghe và biết làm theo vợ chồng tôi nói với nó; hơn thế nữa, nó còn cảm nhận được tình cảm vui buồn, giận dỗi của chủ.

clip_image016

Nhà có khách, Misa cùng”Chia vui, xin ăn” và như “nằm lắng nghe chuyện đời”. Ảnh: Bảy Nhị.

Tuy ở giữa thành phố Long Xuyên mà tôi cất nhà sàn theo kiểu nông thôn Nam bộ. Dưới sàn lúc còn bùn đất, mỗi lần Misa lên nhà thì giẫm dấu chân to, bùn đầy mặt ván. Thấy vợ tôi lau nhà, nó nhìn vào chân nó rồi co giò nhảy xuống đất, trốn mất, không đợi nghe bà cằn nhằn nó và cả tôi nữa. Cái khôn đầu tiên mà tôi phát hiện, hồi còn ở Văn phòng Huyện ủy Phú Tân, tuy nó mới khoảng gần một tuổi mà đã phát khôn rồi. Hôm đó như thường lệ, tôi nằm võng dưới gốc ô môi trước mái hiên nghỉ trưa. Misa từ Văn phòng Huyện ủy vừa sủa vừa chạy về, hết khều tôi rồi lại bươi đất và day mỏ về phía nhà bếp Văn phòng mà sủa. Rồi nó chạy về hướng đó, chốc rồi quay lại làm y như tuồng cũ. Tôi hồ nghi, theo sau nó, lên nhà bếp Văn phòng. Gặp hai cậu Bảo vệ đứng bên cái lu trùm bao bố, tôi hiểu ngay:

– Bộ tụi mày làm thịt chó hả? – Vừa nói, tôi vừa kéo cái bao ra, nhìn thấy một con chó phèn chết nằm gọn trong lu chờ trụng nước sôi cạo lông. Lúc này, tôi gọi, con Misa mới chịu theo tôi về nằm yên. Gặp ai làm thịt chó, nó nhớ đời và tỏ ra hung dữ lắm. Vì vậy, nó không bao giờ ăn thịt chó, cả rắn, ếch, chuột… mình ăn mà nó cũng không ăn.

Nó rất có nghĩa. Hồi ở Phú Tân, anh Tư Hương (Bí thư Huyện ủy) rất thương nó. Mỗi sáng, nó lên phòng thăm anh, đang ăn xôi sáng, một vắt cũng chia đôi với nó nên nó rất mến. Có bữa, nửa đêm, nó lên nằm ngoài cửa đến sáng. Sau này, khi về Long Xuyên, mỗi lần anh đến thăm, nó mừng đến rách áo. Có lần anh và tôi đang ngồi phòng khách nhưng không mở cửa. Đi đâu về, nó nghe hơi, nghe tiếng thế nào mà quào cửa, sủa vang trời. Tôi mở cửa, nó ập vào ôm anh như đứa con nít mừng cha. Nhưng chú Thức, phó Ban Tuyên huấn huyện, một lần, nó thấy chú mần thịt chó, nó thù cho đến lúc nó chết mới thôi. Hễ mỗi lần chú đến nhà, tôi phải giữ nó, không thì mang họa. Xóm tôi, nhà nào nó cũng đến chơi. Ai đuổi một lần, nó không đến lần hai. Ai cho ăn hoặc vuốt ve, nó đến hoài. Có lần vợ chồng chị Tư Um rầy lộn, nghe tiếng chị oang oang, nó đang bị cột mà lồng lộn lên, chắc là nó bênh vực chị, sợ chị bị hành hung. Thấy vậy, có bữa tôi nói vợ tôi thử xem nó bênh ai. Tôi nắm tay chân vợ tôi, “diễn” cảnh bạo hành gia đình. Vợ tôi kêu: “Misa tiếp!”. Từ ngoài, nó hậm hực chạy vào, thấy hai người, không biết binh ai, nó vừa sủa vừa ngoắc đuôi thân thiện. Thường, hàng xóm hay ghét chó của nhau vì cái tật ăn vụng, cắn bậy mà nhất là cái tội tè hoặc ị trước cửa hoặc hàng rào nhà người ta. Đàng này, con Misa, cả xóm ai cũng thương. Có lần, chạng vạng tối, anh Hai Hón (nhà đối diện) chạy qua kêu tôi: “Anh Bảy ơi! Con Misa bị ai đánh mà đi bê bê ngoài đường kìa”. Tôi chạy ra, nó cũng vừa tới cổng. Toàn thân nó ướt sũng và lấm bùn. Cổ còn sợi dây. Có lẽ bị trấn nước làm thịt mà thoát được. Có lần, bọn “cẩu tặc” ngồi xe lôi, quăng vòng bắt, bị nó giựt lật xe, cả bọn bỏ chạy. Trong khi đó, cháu rể tôi làm Công an Hình sự, bị người ta bắt trộm con bẹc-giê to tướng mà không hay.

Misa có cái nghĩa với chủ mà cả đời tôi không quên được. Hồi còn bao cấp, nghèo quá, chăn nuôi tự túc. Nuôi heo heo chết, chuồng bỏ không, tôi nuôi gà. Bị trộm vào bắt hết bầy gà hơn 10 con mái đẻ. Chỉ còn lại một bầy gà 10 con cỡ cườm tay. Khi gà lớn lên gần 1 ký/con, một hôm, tự dưng tôi nghi đêm nay kẻ trộm sẽ vào bắt gà. Tôi không sập cửa sổ để gài lại như mọi khi. Cửa sổ có song sắt, đối diện với chuồng gà. Đúng như dự đoán: Khoảng 2 giờ sáng, tôi đang ngon giấc, con Misa vào phòng, lấy chân trước khều tôi. Tôi tỉnh giấc. Nó nhìn tôi, rồi đi ra sau bếp. Tôi một tay cầm đèn pin, một tay cầm khẩu súng Ru-lô nòng ngắn, đi theo sau. Đến cửa sổ, Misa chồm hai chân trước lên, khịt khịt mũi chứ không sủa, sợ làm động. Tôi bất thần rọi đèn vào chuồng gà. Thấy cặp chân kẻ trộm đứng núp vào ba cái bao cám cũ treo phía trên. Hắn không dám chạy, tôi cũng chưa dám bắn vì nhớ chuyện cán bộ mình bắn chết kẻ trộm vào nhà, bị dư luận phê phán quá, tôi nói:

– Mầy ỷ nghèo, ăn trộm vô đạo đức vậy hả. Bắt của anh tao, của tao hết hai bầy rồi. Bây giờ, mấy con mới lớn mầy cũng bắt nữa sao?

Hắn vẫn đứng yên. Tôi tiếp:

– Tao sẽ bắn, cho mầy chạy gãy giò, để sau mầy không đi ăn trộm nữa.

Vừa dứt lời, tôi bắn liền ba phát xuống đất. Hắn chạy một cái rẹt mất hút, bỏ lại cái bao và đôi dép Lào cũ mòn hết gót. Tôi mở cửa rượt theo, con Misa xung phong chạy trước. Theo dấu đến tận nhà tên trộm, nó khịt khịt đi vào đến tận hàng ba nhà, tôi kêu nó:

– Thôi về, con ơi! Biết nhà rồi.

Tôi nói, ngụ ý cho lối xóm nghe, như để làm chứng. Lúc này tôi mới hiểu thêm: Chỉ có Misa là không sợ nguy hiểm nên không bỏ chủ!

Sáng ra kể lại ai cũng khen con Misa. Còn vợ tôi thì châm biếm:

– Tôi đang ngủ, giật mình, nghe ổng nói chuyện như cán bộ Tuyên huấn lên lớp. “Ỷ nghèo đi ăn trộm”, tôi mới nghe lần đầu. Còn ăn trộm có đức đâu, mà “vô đạo đức”.

Mà nghĩ cũng mắc cười cho mình. Bởi trong thâm tâm tôi, “nghèo là một lợi thế” về thành phần Cách mạng, nên mới ỷ mà đi ăn trộm không sợ bị trừng phạt! Công an phường Mỹ Bình nghe tôi kể, biết ngay tên trộm và cho biết nó đi cải tạo mới về, vì tội ăn trộm chuyên nghiệp. Từ đó về sau kẻ trộm không dám bén mảng đến nhà tôi.

Lúc vợ tôi sanh thằng con trai gặp sự cố do bệnh viện để vỡ tử cung. Con trai tôi ngạt thở và bị bại não. Tôi phải trải qua mười năm nuôi con trong tình cảnh căng thẳng, lo buồn. Chuyện đưa con đi bệnh viện là chuyện thường tình. Mỗi ngày đêm, tôi hút ba gói thuốc lá An Giang. Một hôm, trời mưa tầm tã. Nửa đêm, tôi mặc áo mưa từ bệnh viện về nhà. Con Misa nằm ngoài cửa chờ tôi. Nhà vắng tanh, chỉ một mình nó. Xúc cảm cho thân tôi đang cô đơn và cảm vì cái nghĩa của Misa, tôi ôm nó vào lòng như ôm đứa con, khóc nức nở như để san sẻ bớt nỗi buồn đang đè nặng đời tôi lúc này. Nó lấy tay khều khều tôi, rồi liếm lên mặt tôi và rên ư… ử… tuồng như an ủi. Mười năm ấy (1986-1996), tôi vừa chữa chạy lo cho con, vừa phải lo công tác ngày một nặng nề hơn và cũng phải thường xuyên sống trong không khí căng thẳng nội bộ mà nguyên nhân là do cuộc đấu tranh nội bộ của anh tôi (Phó Bí thư Tỉnh ủy) mà tôi và cả gia đình, con cháu bị vạ lây! Một chiến dịch vu cáo chính trị “Diễn biến hòa bình” được tung ra, mỗi bước đi, việc làm của tôi, kể cả lúc ở nhà đều có kẻ bí mật giám sát, nhất là khi tôi được phân công đi tiếp xúc với các tôn giáo, nên không bao giờ một mình tôi dám gặp riêng họ. Bạn bè, đồng chí không ai dám bén mảng đến nhà, trừ vài ba anh em thân thiết không nghĩ đến con đường tiến thân. Có người là cán bộ chủ chốt, một thời quen thân với tôi từ hồi cùng dân tự lực làm bệnh viện ở Phú Tân (1980), khi gặp tôi, không dám chào hỏi lớn tiếng mà chỉ nói khao khao làm ai biết cũng mắc cười! Tôi đang ngao ngán cho tình người, thế thái và cảm thấy cô đơn. Con Misa trở thành bạn trung thành, chung thủy, là niềm an ủi. Có lúc, cả tháng trời, tôi thấy nó ở nhà hàng xóm đối diện, nằm nhìn về nhà, chỉ lúc ăn nó mới về. Anh Tư Rồng, Tổ trưởng dân phố, nhà đối diện, thông cảm, nói nhỏ với tôi: “Tôi biết, anh lúc này suy lắm, mà con Misa không bỏ chủ; nó đi vòng vòng xóm này, chớ không bỏ anh đi hẳn như những con chó khác gặp lúc chủ nhà suy vi”! Tôi cảm động ứa nước mắt! Theo dân gian, chủ nhà gặp suy thường là chó bỏ chủ (?).

Lúc già, Misa hay bệnh. Bệnh gì mà nổi u to bằng quả cam trên đùi sau. Phải mổ hai lần. Mỗi lần mổ thật đơn giản. Chỉ có khớp mỏ nó lại, còn tôi thì đè bốn chân nó và nói chuyện cho nó nghe để Bác sĩ Dũng làm phẫu thuật cắt lấy cục bướu, mà chỉ có dùng thuốc tê thôi. Lần thứ ba, nó tái phát, sưng lên toàn thân rồi chết. Vậy mà trước khi chết, nó lết vào tận ngạch cửa nhà, nhìn vợ tôi. Vợ tôi pha sữa đút cho nó được vài muỗng, thì nó gục đầu chết. Tôi làm việc về lúc chiều, thấy nhà mình có đông người hàng xóm. Bà con, nhất là mấy đứa nhỏ bạn con gái tôi đến thăm con Misa và phụ tiếp chôn cất nó. Tôi lấy bao vải bố, gói cái thân đồ sộ của nó lại rồi chôn cạnh phía sau nhà, không dám chôn xa, sợ sau này đất có xây dựng hoặc cắt bán cho ai thì nó không được yên thân. Cả nhà tôi không ăn thịt chó từ đó!

clip_image018

Chị Ba, em Phượng và tôi “trò chuyện” với Misa

Misa làm bạn với cả nhà tôi được hơn mười năm. Hình ảnh nó vẫn còn trong những tấm ảnh gia đình, hay chạy lăng xăng trong phim video những khi nhà có đám tiệc. Những người biết nó, lâu lâu gặp tôi, đều nhắc tới nó, nhớ cả tên nữa. Còn cả nhà tôi xem nó như thành viên một thời với gia đình. Bây giờ, sau hơn mười năm, xương thịt nó chắc đã thành đất, nhưng giữa hai gốc dừa sau nhà, tôi nghĩ là nó vẫn còn nằm đó. Nó được nhiều người thân quen thỉnh thoảng gặp tôi hay hỏi thăm và lấy tên đặt cho chó cưng của họ. Nó như được lưu danh: “Con chó có nghĩa”!

Viết lại chuyện này, cũng là để nhớ anh Năm Thắm – người đồng chí, người bạn vong niên một thời sống có tình có nghĩa với nhau nay đã thành thiên cổ. Cám ơn anh lần nữa về món quà anh tặng tôi, một món quà quí giá có nhiều ý nghĩa – một con chó có lòng trung thành, dũng cảm, khôn ngoan biết nghe lời chủ và được lòng cả xóm. Chó mà không ăn thịt chó! – Đó là Misa!

N.M.N.

Comments are closed.