Một nơi cao và cô quạnh nhất (1)

Truyện Nguyễn Thanh Văn

Để tưởng tiếc văn tài và chí khí bất khuất của cố văn hào Nguyễn Huy Thiệp

Dải đất nửa bản, nửa làng. Nhà và nhà sàn cách nhau cả dăm bảy mẫu đất. Chỗ trồng ngô bắp, đậu mè thì trống trơ, hoang vắng. Chỗ xen giữa toàn cây cao hàng chục thước, xanh mướt, y như các ngón chân của rừng thiêng lén thò vào vùng có hơi người cho bớt cô đơn. Ngước đầu lên là cõi giới của thần, thuần những núi và rừng miên man không ngớt. Không dùng tiếng người, nhưng các thần cũng ham chuyện, gào thét hầu như chẳng bao giờ dứt. Mấy bà già địa phương móm mém kể vào đêm gió lặng, khi các thần ngơi chuyện thì chỉ tổ thêm bồn chồn trong dạ.

Các bô lão râu dài nói người nghe quen có thể phân biêt được giọng thần bà, thần ông. Khách tò mò phải phân biệt ra sao, cụ ông có bộ râu dài nhất thủng thẳng trả lời “Gió the thé, riết róng là gió thần bà. Gió ngắt, giật từng chặp nghe như tiếng chửi thề là gió thần ông”.

Có chuyện kể rằng hai mẹ con – bà mẹ tên Lành và cậu con trai tên Cu Lặn (theo lời bà mẹ trẻ thật thà kể, nguyên cha nó đặt tên là Đặng, khi hắn bỏ hai mẹ con, bà chỉnh lại thành Lặn; Lành và Lặn nối kết vui buồn, hy vọng cùng nhau) – vốn người kẻ chợ cách đấy vài năm líu ríu dẫn nhau lên ngàn, tấp vào chỗ cao nhất trong vùng, nơi khu đồi sát với ngọn núi thấp nhất. Bà con thương người hiền lành, neo đơn giúp trẩy nương, cho giống, chia ít thịt tươi khi bẫy được cheo, heo rừng… Thiếu phụ có nét đặc biệt đoan trang, khuôn mặt như hoa tươi, dạng phụ nữ đêm thường hiện về mà bọn đàn ông vừa nể nang vừa muốn rờ mó, nhưng sờ sợ khó bảo đảm khi rụt lại, bàn tay có còn đủ mười ngón hay không. Quên nói người nhà của mẹ Lành còn có Tiền và Phong, hai con chó trông đô con hơn hẳn chủ và đây có thể là lý do chính nâng tư cách đạo đức của đàn ông địa phương lên hẳn một bậc.

Những chi tiết qua các cô các bà là thế hệ sau còn nhắc, chuyện tài thêu thùa có hạng với cả nét phăng kiểu “thị thành” mê hoặc đám phụ nữ liên thôn, liên bản và liên… đồi. Và các món ăn núi đồi pha yếu tố kẻ chợ của địa phương – nay đã thành các thị xã có cả tên in trong các catalogue của ngành du lịch – được nhiều người cho là có gốc từ bàn tay khéo léo của Mẹ Lành. Hư thật ra sao người kể chuyện không dám chắc, chỉ chắc một điều là hẳn do các chị em vùng cao lưu giữ, thậm chí có khi vẽ vời thêm hay chăng: nhan sắc thần tượng phải hơn hẳn người, lại trung trinh chung thuỷ nhằm răn đe đàn ông trong nhà và thường gắn với khả năng thành thạo nữ công. Chi tiết cuối về phẩm hạnh người đàn bà dân tộc Kinh sau này được bà con vùng sơn cước thần hoá, đấy là chuyện uy tín của bà được tất cả bọn đàn ông có lòng kính cẩn: bà rành chữ Nho, giúp thảo văn khế, văn tự cho dân mù chữ. Chi tiết lạ này với tôi lại hợp lý. Đàn bà miền ngược xưa quyết không thể bịa ra chi tiết liên quan thứ mà họ sợ đệ nhất: chữ nghĩa. Sợ e chỉ ngang với hai, ba đối thủ còn lại: quan lang (sau này là quan lại) và thần linh. Đối tượng thứ ba cụ thể và có lẽ xuất hiện sớm nhất, không cần so sánh: thú dữ. Tôi ngờ rằng trong vô thức họ lây lan niềm tự hào về người cùng giới – dù gốc Kinh mà đa phần họ còn không ít nghi ngại – đã khuất phục được sức mạnh gớm ghiếc của bùa chú chữ nghĩa, nghĩa là đồng thời dám thách thức với những nguồn gieo sợ hãi trong tâm thức bị ức chế của họ: quan lại và thần linh. Và có thể ngờ thêm rằng trong ý chí đấu tranh nữ quyền sâu trong vô thức mông muội của họ thì thần linh, quan lại toàn là một đám đàn ông cu dái lòng thòng cả thôi! Cu Lặn cùng Tiền và Phong sáng sớm theo Mẹ Lành xuống chợ. Nói là đội tiền phong, nhưng Tiền co giò chạy trước, lâu lâu lại vòng trở lại y như để báo tin tình hình quân địch, trong khi Phong thủng thẳng đoạn hậu. Cậu chủ nhỏ gùi hũ nước chấm cho mẹ nhẹ gánh, đi huỳnh huỵch như quan vệ uý, thỉnh thoảng huýt sáo điều khiển hai chú chó khôn ngoan. Chúng cũng nổi tiếng như bà chủ và cậu chủ nhỏ. Canh giữ nhà – và canh Mẹ Lành – sốt sắng và quyết liệt thế nào thì khi tới chợ lại hiền tới lạ. Cứ nằm phơi râu cho trẻ con theo mẹ ra phiên chợ kéo chân, giật đuôi mà chỉ cười ăng ẳng rung cả bụng.

Chuyện xưa kể lại ai cũng thích món ăn Mẹ Lành làm. Nấu cháo ngô hay đậu đen cũng nhừ và bùi hơn người, cái món bánh bột gạo dạng như bánh ướt miền xuôi chấm với nước chấm lấy từ cái hũ quan vệ uý gùi sái cả vai thì hết biết. Cu Lặn cũng khoái ra chợ, được các bà mẹ xoa đầu và cho quà. Có lần được một ông cụ cho một con két biết nói tới mấy chục tiếng, biết cả chửi thề (do được cậu chủ quá sủng ái, nên bị Tiền và Phong xực mất, cũng có thể họ tộc nhà chó ít cảm tình với dân trí thức sính chữ với nghĩa). Cu Lặn được mẹ khai tâm có dạy vỡ lòng ít tiếng Hán. Một lần hiếu kỳ, dòm yết thị của nhà quan – câu chuyện có bối cảnh đời Nguyễn, lúc đang có hoạ thực dân – đứng đọc lõm bõm, có người biết chữ phát hiện liền có tiếng “thần đồng” (danh xưng dân gian phong tặng thường dễ dãi, đại khái chỉ không táo tợn bằng đại danh “thần đồng triết học” mà tôi có dịp nghe – trong lĩnh vực triết học mà có “thần đồng” y như trong âm nhạc hay ảo thuật thì quyết là do người không am hiểu triết học phong tặng!).

***

Mấy buổi chợ liền chuyện buôn bán có phần lộn xộn. Có sạp còn dẹp hàng. Yết thị chữ nghĩa lằng nhằng, cả xứ chỉ dăm ba người đọc được. Đến tấm hình nguệch ngoạc – đoán là vẽ phạm nhân nào đó – cũng chẳng ra nhân dạng. Khi một viên quan tuần ở miền xuôi lên oang oang giải thích bằng tiếng Kinh và có người trịnh trọng diễn dịch lại bằng hai ba thứ tiếng địa phương trong phiên chợ. dân mới hiểu, đại khái chuyện liên quan Đội Lâm, con hùm xám xứ Thạch Sơn, khởi binh chống người Pháp được tám năm nay.

Dãy Thạch Sơn hiểm trở nối dãy núi phía Tây, có thung lũng vào được xứ Lào. Hai năm trở lại nghe nói người Pháp đã phối hợp quân binh từ Cao Miên và Lào đánh tập hậu vào hai cánh, tiêu diệt quân chủ lực của Đội Lâm, đốt sạch sơn trại. Nhưng trong nhóm chỉ huy Thạch Sơn nhiều người trốn thoát được, trong đó có nhân vật chủ chốt đang bị lùng sục rất ngặt nghèo. Có người kể, xuống huyện tận mắt thấy lính tráng lố nhố, có cả người mắt xanh mũi lõ.

Hôm đó, Mẹ Lành mặt mũi tái xanh, lấy vội đồ ăn phát không cho người ta, ba chân bốn cẳng giục con trai và bọn Tiền Phong chạy nhanh về nhà. Hồi đó không có nhật báo và iPhone, dọc đường cứ nghe dân í ới mà biết đại khái Đội Lâm và đồng chí đang toả ra các nơi, lén tìm cách gây dựng lực lượng trở lại. Có người ở xuôi mới tiếp đón Đội Lâm, người này đã bị hỏi cung và bị chém chết ngay tại sân nhà, trước mặt cha mẹ, vợ con. Nghe nói các vùng phụ cận cho tới bản làng xa đều có lệnh cảnh giác. Có tin lợi dụng dân chúng lo sợ, chuyện làm ăn bị ảnh hưởng, bọn trộm đêm hôm lại ngóc đầu trở lại. Chỉ tạm nghỉ vài buổi chợ là thiếu tiền, thiếu thức ăn, Mẹ Lành liều gánh quà bán tận nhà dân, nhặt nhạnh đổi ít lạng gạo thơm, tí tôm tí cá bồi dưỡng cho con trai. Người mẹ trẻ liều để Tiền và Phong ở nhà bảo vệ Cu Lặn. Hai tráng sĩ chó can đảm và trung kiên có thừa, chỉ phiền là chúng quyến luyến nhau, quyết chẳng rời nửa bước. Thế là có sự cố. Nửa chiều đang thoăn thoắt về đồi, Mẹ Lành bị hai tên vô lại bịt mặt đi ngược chiều xồ tới. Thằng mập cao vặn tay, thằng lùn ốm thọc tay vào ngực nạn nhân. Sau tiếng “phựt!”, sợi dây chuyền giấu dưới hai lần áo, nhét trong chiếc yếm đã nằm gọn lỏn trong bàn tay hắn. Mẹ Lành cắn hụt thằng khốn, vừa há miệng định la lớn thì nghe tiếng gừ gừ, giống tiếng thú hơn người: “Câm họng. Không thì tao ghé nhà cắt chim thằng cu nhà mày ngay!”.

Chợ búa bình thường trở lại. Không ai bàn tán vụ giật dây chuyền vì không ai biết có một vụ như vậy. Chỉ Mẹ Lành là thỉnh thoảng buột miệng “Trời đất cứ cho bình an là như cho gia tài”, rồi vừa cười vừa ứa nước mắt.

Dưới chân đồi, chỗ có chợ dân gọi là chợ Tổng, thì lại có chuyện. Một tối, tại một quán nhậu nơi tương đối hẻo lánh, hai người khách khi trả tiền đã móc ra một sợi dây chuyền và đòi tiền thối. Chủ quán sợ, không rõ giá trị món nữ trang và lỡ miệng hỏi có dấu gì y như máu người, đã bị đánh toét cả mồm.

Hai bên đang đôi co, bên khách đòi đốt quán, phía thân nhân chủ quán xin lỗi và đề nghị không tính tiền nhậu thì từ đâu trong bóng tối – chỗ để cái bàn nhỏ kê sát mấy bụi chuối tàu – một bóng khách cao lớn, dềnh dàng, mặt bịt khăn nâu, vụt ra như một luồng gió núi. Hai tiếng “bịch! bịch!” vang lên và hai cái bóng còn lại lập tức lăn kềnh trên mặt đất sền sệt nước bùn. Tên to mập lập tức chồm dậy thì nhận ngay một cú đạp thẳng thừng và không tí xót thương ngay ống quyển. Trong số ít khách địa phương có mặt hôm đó, có một ông lão khai với chánh tổng là nghe một tiếng“rắc” không khác chi nửa đêm nghe tiếng cành cây bị bão phạt ngang. Lão ông có tiếng điếc đặc nên lời khai báo đầy ấn tượng không ghi vào biên bản.

***

Người bịt khăn kéo ghế ngồi, phất tay ra hiệu cho hai người khách hung hăng nay đã mất hẳn nhuệ khí cùng an toạ. Họ xệch ghế, lum khum ngồi, mặt nhăn nhó, vừa xuýt xoa như khỉ ăn ớt.

– Khai ngay. Chúng bây cướp sợi dây chuyền của ai? Vừa cướp vừa giết người diệt khẩu phải không? Tiếng khách lạ trầm mà không lên giọng, y như có lãnh khí vờn quanh. Lạ thay giọng càng nhỏ lại thì cường độ hăm doạ càng cao, phản ảnh trong cái rùng mình và tiếng rên rõ tiếng của gã thấp gầy.

– Thưa, cướp thì có, giết người thì không. Do người ta nhét dây chuyền dưới mấy lần áo, giật quá mạnh mà có dấu máu. Mong ngài đại lượng xét cho.

– Chúng bây từ đâu tới? Nói!

– Chúng con dân miệt biển. Bị bắt đi đào vàng tận biên giới Lào Việt. Không đủ ăn, bị đánh đập, liều mình bỏ trốn. Nhớ nhà, nhớ cha mẹ, vợ con, mà về lại quê hương e liên luỵ gia đình. Vượt biên giới cũng chẳng thoát, tự xử thì không đủ can đảm. Lạy ngài… thiệt tình có bận quẫn bách quá chúng con cứ mong cho gặp quân khởi nghĩa thì có chết dưới gươm giáo triều đình và quan Đại Pháp cũng đành xin theo mà tồn tại.

– Im mồm. Chớ nói năng lung tung mà mang đại hoạ. Bọn cướp đường cướp sá như chúng bây mà đòi làm nghĩa sĩ cứu nước. Mang tiếng nhơ cho các bậc anh hào cái thế.

Gã nhỏ con cúi gằm, xìa bàn tay lẩy bẩy trước mặt người khách lạ. Vật gã nắm trong lòng tay lóng la lóng lánh dưới ánh đèn hắt ra từ góc quán. Cái đầu to bịt khăn dày cúi xuống, quờ sợi dây chuyền là vật chứng. Không nhận rõ mặt, nhưng thân người đang tra hỏi như lay động, nghe sắc giọng chợt lạc hẳn, tợ như ngân ngấn tí nước mắt, thật mâu thuẫn với lời lẽ hăm doạ. Hai tay chống đầu gối, khách lạ hất hàm:

– Chúng bây định giữ của cải của người ta hay đem trả lại đây!

Hai tên cướp đường cùng hai cái bóng chờn vờn trên tường thụp xuống, rên rỉ:

– Chúng con xin trả lại, quyết không dám giữ của bất nghĩa… Ngài đã dạy, không dám cãi.

– Nói rõ chỗ, người, giờ gây án… rồi theo ta tới tận nơi trả của, lạy tạ người ta.

Hai tấm thân khốn khổ và khốn nạn lết tận gối hiệp khách lí nhí không thành tiếng. Chỉ thấy người bịt mặt gật gù như có ý bằng lòng, giọng trầm lại:

– Xét cho chuyện an nguy của chúng bây hiện tại, tự thân ta sẽ làm chuyện đáng lẽ chúng bây phải làm, trả của lại cho kẻ bị hại. Từ rày trở lại làm người lương thiện, chớ làm chuyện bỉ ổi với đồng bào như lũ quan binh đê tiện, đầu hàng giặc mà tưởng là vinh dự. Nhớ!

Hai cái đầu thụp nhanh xuống sàn đất. Hai cái bóng chờn vờn trên vách cũng lật đật làm cử chỉ y hệt. Hiệp khách chợt vùng dậy, hất đầu:

– Chủ quán, tính tiền!

Cả nhà chủ lố nhố góc quán, chủ quán chắp tay:

– Lạy ông lớn, xin ban cho chúng con một vinh hạnh được đãi khách cõi trên một chầu nhậu và cũng xoá phần rượu của hai người đồng bào đang lâm cảnh cùng mạt. Hôm nay không có ơn của đức ông thì gia quyến vạ to.

Khách lạ tợ như không thèm nghe lời nói có phần chí thành của chủ quán, lôi từ trong quảy một cột tiền đồng, gạt non một nửa ra bàn, hỏi:

– Đủ chưa?

– Thưa, ông lớn không xét cho thỉnh cầu của chúng con.

– Đủ chưa?

– Thưa, bằng tiền thu một chục ngày vất vả của cả nhà chúng con ra đấy.

– Vậy thì tốt!

Phác một cử chỉ không rườm rà nữa, khách bước thẳng tới góc hai tội phạm đang co ro, dáng vẻ đầy cay đắng. Đẩy xâu tiền còn lại trước mặt chúng, ông nói, giọng hình như cố tình gọn ghẽ, khô khốc:

– Đây là phần chúng bây. Cầm và xéo ngay khỏi xứ đồi này, trước khi bị bọn lính tóm và chết rũ trong tù.

Thấy vẻ chần chừ, hoài nghi của người đối diện, giọng ông mềm mại hơn:

– Muốn giữ thân thì đừng ham trò rượu mồi dọc đường nữa. Tìm đường sinh mà đi, tránh đường tử. Lánh thân mà chờ có biến dịch thì may ra toàn mạng. Con người ta cốt ở cái tâm biết sám hối. Hừ… Đi đi!

Khách thốt mấy chữ “đi đi” bằng một sắc giọng thân thiện anh em bất ngờ làm hai gã cùng đường bỗng gập mình, nấc lên một tiếng và giữ tư thế y như vậy khi lần từng bước qua cái bóng to lớn của ân nhân, tuồn ra khỏi quán. Im lặng một lát, chỉnh lại tay quảy, nhân vật của chúng ta nói rõ tiếng trước khi quăng mình vào bóng tối đang rả rích mưa.

– Ta đi đây!

Tiếng cả nhà chủ quán còn to hơn nữa:

– Dạ, ông lớn!

Bà cụ cầm bó nhang nghi ngút khói, đang lom khom tiến về cái án bày độc một bát hương to tổ bố, bỗng quay ngoắt về cái chỗ trống người đi vừa để lại, vái lia lịa.

***

Hai con chó cùng xồ vào người đàn ông vừa thình lình bước ra từ hẻm đồi nhỏ, Tiền trước và Phong sau chỉ một giây. Tất cả cùng lúc với tiếng “Suỵt!… A la…la…” kèm tiếng cười khẽ, bình tĩnh và tự tại. Một bàn tay với những ngón to tròn, sâm sẫm đen vẫy theo một dáng nhún nhảy y như một công tử điệu đà con cái quan Mường. Lần đầu tiên cả Mẹ Lành lẫn Cu Lặn là huấn luyện viên kiêm ông chủ nhỏ chứng kiến cảnh Tiền và Phong không cất tiếng sủa trước người lạ. Chúng rối rít lên, xoắn quanh cái dáng xồ xề, to cao mới xuất hiện một cách thiếu tự trọng. Khi Cu Lặn vọt tới gần, vẻ mặt muốn gây gổ, một giọng trầm đục cất lên:

– Chào người anh em. Hai chú chó tuyệt đẹp, nhưng ta chỉ có quà cho chủ của nó.

Người lạ rút từ dưới cái áo chàm vật gì đó và kề vào môi. Chi tiết sau đây là qua dân gian truyền lại, tôi lưu ý để người đọc tiện nhận xét: khi tiếng kèn cất lên lần đầu, lũ chim đang rúc rích trong bọng cây quanh đó bỗng đồng loạt cất tiếng đáp lại. Khi điệu kèn rún rẩy qua lại khoé môi, dìu dặt, gấp gáp hơn lần đầu, những loài chim hiếm đủ màu đâu trên những vòm cây cao vút, thường khi không thấy, đảo cánh sà xuống thấp, ríu rít đinh cả tai. Tới hồi thứ ba và lần cuối cùng, khi người chơi kèn khòm người, vai, chân và cánh tay không ngừng lắc lư và tiếng kèn vụt bay lên tăm tắp giữa trời thì tất cả loài chim có mặt im phăng phắc, và các truyền kỳ làm chứng rằng đám vạc, diệc, cộc… đang thẳng đường bay chợt chấp chới bay vòng trở lại, như bị trúng thương hay vừa chợt nghe ai cất tiếng gọi tên từ tiền kiếp (thuở chưa là thân vạc cò cô độc). Tiếng kèn chợt ngưng, người lạ dúi chiếc kèn vào tay Cu Lặn đang há hốc mồm, nói: “Chớ dùng thường xuỵên mà hại sinh lực, đừng thổi kèn khi có mặt phàm nhân, chớ làm hại chim muông chúng sinh của trời đất mà mang tội”. Thằng bé giật mạnh món quà như sợ khách đòi lại, phóng tràn một lần với hai chú chó lên phía trước, quên béng cả mẹ đàng sau…

Đang nhìn theo con, mặt bừng lên vì xúc động, người mẹ hốt hoảng giật gánh lên vai, đuổi theo con. Giọng người lạ trầm trầm ngăn lại:

– Cái này là của cô. Trả lại cho cô. Từ nay không phải sợ, có người bảo vệ cô.

Mẹ Lành nấc thành tiếng, bàn tay nắm sợi dây chuyền run bần bật.

– Thưa, ông là người trời!

– Không, ta sinh ra từ mặt đất này. Sợi dây này ta đã từng thấy mẹ đẻ ra ta đeo ở cổ từ ngày ta còn thơ bé.

Người thiếu phụ buông quang gánh, gần như khuỵu xuống.

– Ông vừa nói gì? Thưa, ngài vừa nói chi? Là của mẹ ngài, xin ngài cứ giữ cho. Tôi không thắc mắc. Dù sao tôi cũng đội ơn ngài. Đây, xin ngài cầm lấy!

– Đừng manh động. Ta chỉ muốn nói trên mảnh đá quý này có tên mẫu thân ta và gia huy dòng tộc năm xưa của ta.

Người phụ nữ dáng dấp nõn nà đoan trang nhưng thấp bé đang sửng sốt ngước nhìn bộ mặt bịt khăn nâu in trên bầu trời cao nguyên xanh thăm xanh thẳm ngày hôm đó, mếu máo không rõ tiếng trong sợ hãi. Cả hai chợt rùn lại, nghe tiếng người láo nháo xa xa.

– Nó là của con, con gái à. Giữ lấy. Ta có điều muốn hỏi con, nhưng có người đang đến. Không muốn giấu, ta ở đây khá nguy hiểm và liên luỵ cho con. Vài ngày nữa ta sẽ đi xa – ông thấp giọng – chỉ cần con hứa giúp người già này trả lời một câu hỏi. Cho phép ta ghé qua nhà hai mẹ con một lần duy nhất. Biết đâu câu trả lời hệ trọng cho cả ta lẫn con, con gái à!

Người bịt mặt quay ngoắt lại, đâm đầu vào xó rừng.

– Khoan… xin ngài…

Thiếu phụ đổi ý, quành ngay lại, nói gấp gáp như đang hoảng loạn:

– Thưa ngài, liệu ngài có nhầm không… Tôi may mắn cũng được thân phụ dạy cho dăm ba chữ thánh hiền. Danh tính này là của tổ mẫu. Gia huy này là của dòng tộc bên ngoại tôi!

Người khách, nửa người đã hoà vào bờ bụi, khòm lưng định bước tiếp. Đang ngơ ngác, người phụ nữ như choàng tỉnh, chồm theo. Tiếng kêu nghẹn lại, bi thương:

– Cậu… Cậu ơi!… Cậu Lâm!

Vạt cây vùng mạnh như có thú dữ. “Suỵt!”. Cái áo chàm lẫn vào lá rừng cỏ lạ, chỉ cái đầu bịt khăn nâu đột ngột hiện ra. Không một lời, không một tiếng thở, chỉ nhìn thấy hai con mắt y hệt hai chiếc lá nhỏ đen biếc mở trừng trừng, liên tục đổ ra những giọt nước mắt câm lặng li ti những vằn sáng của sương rừng.

***

Chỉ nghe tiếng chân của Tiền và Phong, không tiếng sủa. Mẹ Lành ba hôm liền không ngủ, canh động tịnh tỉnh táo hẳn, mắt căng lên, dán vào cánh cổng gỗ nêm chặt với mấy thanh sắt gỉ. Một cái bóng sẫm lờn vờn rồi vụt lên. Lùm cây sát cổng lào xào như gặp gió nhẹ, rồi lao xao tiếp trong bọng cây sát thềm. Người đàn bà quả quyết bật cửa hông, bước ra. Dẫu chưa hề có một phúc đáp thành lời cụ thể, bà khát khao sự thật và tin đã nắm được sự thực. Mắt đăm đăm nhìn lên vòm cây y như tư thế cầu nguyện, bà gọi:

– Cậu… cậu Lâm của con!

Đội Lâm – bây giờ ta có thể gọi cái tên của ký ức lịch sử trăm năm lưu lại được rồi – từ đâu sau hông nhà sừng sững trước mặt Mẹ Lành. Mọi sợ hãi, nghi hoặc tan biến trong trái tim người đàn bà nhỏ nhoi, đang liều lĩnh tra vấn số phận của người và chính mình, khi trả lời bà giữa đêm núi rừng cô quạnh, lạnh cóng chỉ có mấy chữ đơn sơ:

– Con là Dịu hay Lành, hở con?

Người cháu lọt thỏm, gọn lỏn, gần như biến mất trong vòng tay rộng, ôm cả nước non của người cậu tạo phản, nấc lên từng hồi. Và đáp lại, con người gần thập kỷ gây điên đảo cho nhà nước thực dân – phong kiến trên cả một vùng sơn địa mênh mông cũng run bần bật, gừ gừ gì trong cổ họng như muốn nuốt bao nỗi niềm cay cực, xót đau mà một cá nhân tự nguyện chọn lựa con đường lẻ loi đấu tranh cho Dân Chúng và Lẽ Phải buộc phải cắn răng cam chịu. Vở kịch câm không khán giả. trừ tiếng vỗ tay lao xao, không đều của gió rừng đang ngái ngủ, kéo dài cả khắc đồng hồ. Những cái ôm siết càng ngày càng chặt của những người tìm lại được thịt da ruột rà thất lạc của mình trong thời buổi can qua, ly loạn và bất hạnh của cả một dân tộc.

***

– Tin tức bà ngoại con mất, rồi cha con bị hại và tiếp đó là tin mẹ con, chị ruột của ta, trên này đều nhận được. Thằng lý trưởng làng Nam Thôn đã phản bội và chỉ điểm cho Tây sát hại cha con, bị chính người của ta gửi về trừng trị.

Bếp lửa nhỏ lờn vờn hóng tai nghe chuyện. Giọng người nói đều đều chuyển qua sắc thái xót thương:

– Ở trên đó ta lại nhận tin chậm… liên quan chuyện con thằng tiên chỉ làng Chài nghe cha, phản thầy, bỏ mẹ con của con khi cháu còn đỏ hỏn – người cậu choàng tay qua vai cháu gái khi nghe tiếng nấc ai oán – Nghe nói cha con hắn còn được quan trên cho chiếm thêm phần ruộng nương từng do dân làng ta khai phá. Chúng dùng độc kế phân tán các dòng tộc, chia rẽ để trị. Tiếc cho những họ tộc vì sợ giặc, hám lợi mà quên cả danh tiết.

– Thưa cậu, còn hiện nay thì làm sao? Con nghe chúng nó giăng bẫy ở dưới xuôi, lùng sục núi đồi. Thế gian toàn những bọn người bé mọn, phản phúc. Cậu ơi, đây có phải là thời của nghĩa sĩ hay không?

Lưng người đàn ông dựng thẳng dậy, nhìn nghiêng qua người cháu gái, năm xưa trước khi giã nhà đi làm việc quan binh, còn bé xíu mà ông rất cưng và thường lóc cóc cõng cháu ra đình làng xem hội, tận bờ sông cùng thả diều, nay ăn nói những lời dạn dĩ, rành rọt, đưa ra câu hỏi quả quyết đến dường này. Lòng người hào kiệt đang lâm thế bỉ vừa thương xót vừa tự hào về người cháu gái.

– Con người ta khổ vì biết phân biệt phải trái. Ta lo cho con. Nay là thời lận đận cho những người tôn trọng danh dự và lương tri như ta và các đồng chí của ta. Cảm ơn con đã thốt ra lời nói trung thực mà quá xót xa! Có trái tim trung thực nào trước vận nước điêu linh mà không chua xót, đau đớn hả con…

– Cậu! – tiếng kêu thảng thốt, bất ngờ của người đàn bà làm người đàn ông choàng người đưa tay bịt miệng, nhưng lời lẽ lí nhí vẫn tràn qua kẽ tay – Có cách gì hai mẹ con này đi theo chăm sóc cho cậu. Cậu nay là cha của con, là ngoại tổ của Cu Lặn. Người ta đang tìm cách giết cậu, cậu ơi, cậu biết không! Gia tộc ta mỏi mòn lần, chỉ còn cậu là bậc trưởng thượng, xin cậu dừng tay, dạy dỗ con trai của con thành người, nhận bát cơm phụng thờ ngày ngày của con. Cậu cháu mình còn một trách nhiệm lớn: phải gìn giữ dòng máu đỏ sắp cạn rồi của họ tộc.

Trăng lưỡi liềm xuyên qua kẽ lá lờ mờ soi gương mặt đen sạm, rắn rỏi, trầm tư và uy nghi của Đội Lâm – ông đã tháo khăn bịt mặt theo yêu cầu của cháu gái. Người cháu gái thở hổn hển vì xúc động, đang ái ngại liệu có lỡ lời xúc phạm người trên, bỗng kinh ngạc nhìn thấy trên bộ mặt với vầng trán rộng, lưỡng quyền cao, mày rậm, ánh mắt sắc như gươm và cặp môi dày đầy kiêu hãnh – những nét làm nên bộ dạng, cá tính của những người đàn ông của một dòng nghĩa sĩ miền Trung – bừng nở một nụ cười rạng rỡ.

– Cha con, người bạn lớn của ta, là học trò giỏi của ông ngoại con, đã không uổng phí danh tiết để lại dòng máu trung trinh, sáng dạ đang chảy trong máu huyết của con, đấy là những phẩm giá mà ta cần và tôn trọng trong khi phụng sự đại cuộc. Nhưng con hãy tự thân bảo toàn và truyền cho con trai của con. Con là nhi nữ là một điều hay. Chúng nó không để mắt, đó là cái may lớn cho dòng họ. Con theo ta trong bước đường cùng sẽ vô ích mà tiệt cả huyết tộc. Hãy giữ đốm lửa hồng truyền đời trong trái tim đầy kiên nghị của con. Cầu Rừng Thiêng chở che cho cháu gái yêu quý của Đội Lâm này. Con vừa gợi cho ta mở ra một hy vọng, một tia bình minh. Nó ý nghĩa với ta – giọng Đội Lâm nhỏ lại, tợ như không muốn người đối diện nghe – trong bước khổ nạn này.

– Cậu ơi, con phải làm gì cho cậu? Xin cậu bảo ngay cho con biết.

Tợ như không nghe tiếng kêu thảng thốt, với âm sắc âu lo, dự cảm vô lường của cháu gái, khuôn mặt người anh hùng mạt lộ dưới trăng rừng vẫn rạng rỡ, xúc cảm một cách khó hiểu. Rồi ông chuyển đề tài, gục gặc đầu như đã suy nghĩ trước:

– Cậu đã tính cả cho mẹ con cháu… Mấy hôm rồi cả ta và Tú Tráng đã bàn xong kế hoạch – Đội Lâm mỉm cười, cũng mơ mơ hồ hồ như những câu chuyện ngắt đầu, ngắt đuôi nãy giờ – Con phải rời chỗ ở bất trắc này sớm. Người của ta đã lo liệu hết cho con. Nơi ở mới không quá xa đây, đẹp hơn, an toàn hơn và quan trọng là gần những người tử tế, từng chịu ơn ta. Chỗ đó thuận tiện cho ta ghé thăm nếu còn dịp quay trở lại.

Cháu gái Đội Lâm rùng mình, mếu máo như một bé gái:

– Không, con đi với cậu. Cậu không bằng lòng hai mẹ con cũng bám theo cậu – nhận ra ánh mắt người cha đang tủm tỉm nhìn mình, cô lắc đầu, tay đập vào ngực áo, phụng phịu – Cậu nè, xưa mẹ vẫn nói cậu rất chiều cháu gái, cậu thương nhất là con kia mà.

Ánh trăng nghe gì, hiểu gì mà tự dưng sáng lên, soi rõ khuôn mặt cả hai người, soi rõ riềm mi như lấp lánh đăng ten trên khuôn mặt thanh tú của của người cháu, soi rõ bộ mặt như biến dạng vì hạnh phúc của người cậu đang cúi xuống, trừng trừng nhìn sâu vào đáy mắt người thân cuối cùng, như cố khắc vào lòng một lần và từ khoé mắt dữ dội rơi những giọt nước mắt yêu thương, đắng cay, nóng bỏng kềm chế bao năm. Giọng Đội Lâm bình thản trở lại, pha chút lạnh lùng:

– Đây là quà ta dành cho cháu gái của ta. Cầm lấy. Nó rất cần cho hai mẹ con sau này. Hạ tuần tháng này, sau khi ta đã vắng, có người do sư Tráng – để tiện hoạt động, Tú Tráng, quân sư trẻ của ta, đi lại với hành trạng nhà sư, du sĩ – sẽ bảo vệ hai mẹ con đến tận chỗ mới. Tráng có chùa riêng không xa điền trang do con làm chủ. Y tạm thay vai trò thủ lĩnh vùng này khi ta vắng mặt. Đấy là chỗ tin cậy. Nhớ! Cha đẻ của Tráng là lương y nổi tiếng một vùng Ô Châu, đồng môn với ngoại tổ của con, cùng dòng hào kiệt.

Trên bộ mặt lẫm liệt bỗng hằn những nét khắc kỷ, khắc khổ, mắt chợt nhắm nghiền, Đội Lâm gằn giọng:

– Dù thế nào, con gái thương yêu của ta, con phải chăm giọt máu còn lại của dòng họ, dạy dỗ nó nên người trung liệt, tử tế. Dạy nó coi Tú Tráng là thầy, là sư phụ của nó. Ta đã dặn dò phó tướng của ta. Y sẽ coi nó như con, huấn luyện nó trở thành bậc trượng phu văn võ kiêm toàn hữu ích cho mai sau.

Lần dưới tay áo rộng, Đội Lâm gỡ ra một chuỗi hạt màu đen tuyền, đặt vào tay cháu gái, dặn:

– Ta có một cặp chuỗi hạt hệt nhau do một bậc hào phú là nghĩa sĩ tri âm tặng. Mặt đá sù sì, thô tháp nhưng ngầm giá trị. Ta đã ban cho quân sư của ta một chuỗi, khi gặp nhau, lấy chuỗi hạt này đọ chiếu làm tin. Dòng đời vô lường, lỡ lúc ly loạn, gặp cảnh không may, tách ra từng hạt, dùng búa đập thật mạnh mới vỡ được, ắt có ích lợi.

Thiếu phụ nãy giờ không hó hé một lời, như linh cảm cuộc chia tay không tránh khỏi, hay bất động vì cuộc hạnh ngộ mừng mừng tủi tủi là mảnh hạnh phúc duy nhất sót lại Trời Phật ban cho họ tộc mình. Khuôn mặt con người đã thành huyền thoại từ khi bà còn ở tuổi thơ, rươm rướm ký ức vinh quang và tủi cực, đanh lại như đang dần hoá đá. Bà chợt biết đã cạn lời lẽ. Thần linh đã có phán quyết, cả bà và con người trước mặt đồng có trách nhiệm thực hiện. Thần linh thuở nguyên khai và bọn vua chúa độc tài không quen hỏi ý kiến. Và ngay lúc đó một cảm giác bàng hoàng dấy lên trong tâm trí bà: cả người cậu thiết thân từ thuở thơ dại, người hoá ra vẫn giữ trong trái tim một phần ký ức về bà, đã bất kể hiểm nguy và dù chỉ thoáng qua một tia sáng và cơ hội nhỏ nhoi mỏng như sợi tóc, đã quyết tìm tới như một ông Bụt trong cổ tích, bỗng dưng như cắt đứt mọi tín hiệu liên lạc, bản thân đã thuộc về một cõi giới xa lạ khác, cõi giới của thần linh và tượng đá. Và bà mơ hồ nghe tiếng nói ai như đang trong giấc mơ, khó hiểu và chỏi lại nỗi đau đớn mà một mình bà đang gánh chịu thay cho cả dòng tộc.

– Đã có ngôi sao sáng nhất xuất hiện cận kinh thành, ngôi sao sẽ dẫn đạo cho một tân vương dựng lên một thành quách mới, một vương quốc mới. Kinh nghiệm Cần Vương còn bổ ích cho Đức Vua và cả dân tộc vong quốc. Binh đội theo ta đã trả giá bằng máu. Giá quyết sinh cho một dân tộc có rẻ bao giờ. Ta chờ một ngày lập Đàn Lớn tế hồn nghĩa sĩ từng nằm gai nếm nật cùng ta. Từ cõi trên họ sẽ về. Đàn Lớn sẽ có Đức Tân Vương đích thân làm chủ tế. Con thử nhìn về phía trời miền xuôi. Nào, nhìn ngôi sao sáng nhất!

Không bận tâm chờ tiếng trả lời, Đội Lâm càng nói càng say sưa.

– Ta một mình lần theo đường núi, tìm tàn quân ta các xứ, kết nối cơ sở quần chúng năm cũ chờ phò trợ Tân Vương. Những đồng chí còn náu lại quanh đây – trưởng giả, điền chủ, nông dân, thợ săn, nhà buôn, thổ phỉ, buôn lậu, chủ đường dây ma tuý…– sẽ bảo vệ con, chở che cháu gái yêu quý của ta. Tú Tráng là thủ lĩnh, tạm ém mình chờ tin tức của ta. Con là dòng máu của Đội Lâm, sẽ được kính trọng, con cần khuyên họ tuân phục gã “sư giả” này. Tương lai nằm trong lớp thủ lĩnh có học, nhìn xa trông rộng như phó tướng trai trẻ của ta – một cái mỉm cười chợt thoáng qua, không dễ hiểu cho lắm – cái y thiếu là một người đàn bà. Làm sư giả nhiều năm đâm lãnh cảm với đàn bà. Y có một nhược điểm là thích một phụ nữ miền xuôi, không chịu nổi phụ nữ vô học, thứ vốn là đặc sản của núi đồi như thịt cheo và rượu cần. Thói lãng mạn, uỷ mị mà cuộc chiến đấu tử sinh và sân khấu chùa chiền không xoá nổi. Người duy nhất ta muốn đi cùng là chính y, nhưng người duy nhất thay ta cầm chịch công việc, điều hành hậu cứ bí mật và giữ vững tinh thần đồng đội ở lại là chính y. Ta có đủ uy danh để gặp gỡ đối tác bốn phương, điều mà y chưa kham nổi, nhưng còn một điều nữa ta chỉ thú nhận với cháu ruột của ta: nếu ở lại, chần chờ thêm nữa lúc thoái trào, tiến thoái lưỡng nan ta có nguy cơ thành một tay thổ phỉ vô lại, một tên buôn lậu… không thành công lẫn thành nhân – có tiếng cười gượng – trên vùng đồi núi mênh mông ta từng đặt chân qua, không đếm được những giọt máu ta để lại, trở thành cháu ngoại các quan châu, lấy họ mẹ. Bỏ thì thương, vương thành nợ. Một đống vợ và đống con trong thời bình không buôn lậu, không tham gia thanh toán các băng nhóm nha phiến thì vo phân mà ăn như lũ bọ cánh cam. Họ nhà ta khéo lại mở ra một dòng miền ngược đời đời là thổ phỉ, rặt quân thất đức.

Viên cựu võ tướng của triều đình, bóng ma tạo phản ám ảnh quan binh thực dân, nghiêng người nhìn người cháu gái đã thiếp đi, hơi thở đều đều, hạ giọng xuống:

– Ta phải đi, tiếp tục cuộc chiến dù còn hy vọng hay vô vọng. Không thể dẫn ai theo. Ngoại trừ Tú Tráng, mỉa mai thay, tất cả cơ sở bí mật hôm nào không ai tỏ ý hành động. Chủ đề của họ dần dà là mối lái làm ăn, mồi chài cả bon quan binh sẵn sàng nhận quà hối lộ làm đối tác. Nhầm phương tiện làm mục đích, nhạt dần giấc mơ đại sự… Quân đốn mạt!

Có tiếng gà rừng ong óc xa xa. Người đàn ông rùn người, gỡ nhẹ bàn tay cháu gái, nhưng còn nán lại, với dòng tư tưởng miên man, bất quyết, thỉnh thoảng bật thành lời.

– Thất bại về tương quan vũ khí, thua trên chiến hào chưa phải là kết thúc. Thua về con người mới là tuyệt vọng, mới bại vong hoàn toàn. Tú Tráng bàn rất xác đáng. Có sự nhầm lẫn lớn gì ở đây? Không thể xây một giấc mơ lớn trên nền tảng là sự căm hờn của kẻ thiếu ăn, đơn thuần đòi cơm gạo và sở hữu kho lẫm như bọn bóc lột mình, giai cấp mình. Những con người dám xả thân đòi lại cái bị cướp giật, để hả hê ngủ quên trên cái mà mình vừa cướp giật lại và cướp giật thêm. Tốt lắm, phó tướng của ta! Nói nữa đi! Như trong một vở kịch độc thoại, nhưng không rõ vai nào thực sự đang nói – Một cuộc cách mạng của chủ nghĩa chiến lợi phẩm! Cuộc nổi dậy của đám người có một giấc mơ: được ở trong điền trang, sở hữu đám gia súc và ngủ với vợ con của kẻ địch trên giường của chúng. Quân đê mạt!

Con người hình như bắt đầu thấm thía nỗi cô đơn của thời đại và nhà cách mạng chợt nhận ra cuộc tắm máu phi-cương-lĩnh mà mình là một bên tham chiến, thở dài:

– Nhưng ta đã già rồi. Ta phải làm gì? Kẻ sa cơ đang gặm nhấm chính da thịt mình còn hữu ích gì cho nhân quần kia chứ. Chuyến đi dài ngày tới cập bến nào ta còn chưa rõ… và còn bao nhiêu người sẽ chết cùng ta, vì ta – người thủ lĩnh Cần Vương chí cao như núi, gan đúc bằng sắt, lòng như sông đang sắp nhập về biển lớn mênh mang, bỗng nghiến chặt răng, môi tươm máu – Và ngôi sao phía đông đang rỡ sáng kia có thật là thánh nhân, thiên tử xứng cho thiên hạ quy về hay không! Thiên hạ mà đức vua chỉ có lòng nhớ mỗi khi xã tắc lâm nguy, giặc đã đặt chân tới tận hoàng thành.

Lại một tiếng gà đồi lẻ loi, lần này gần hơn. Đội Lâm giật thột mình, giằng chiếc khăn quàng cổ, gượm nhẹ đắp lên ngực cháu và đứng choàng dậy, nghiêng người không dám nhìn thẳng mặt. Vĩnh biệt con gái, vĩnh biệt bé thơ yêu dấu của cậu Lâm!

(Còn tiếp)

Comments are closed.