Huỳnh Như Phương
Người báo hiếu cho quê hương
Hè năm nay tôi có dịp đi cùng với gia đình đến thăm nhà văn Võ Hồng ở Nha Trang. Ông vẫn ở ngôi nhà trên đường Hồng Bàng như từ mấy chục năm nay, chỉ có khác là số nhà 53 đã đổi thành 51 và hàng chữ “Kéo chuông gọi Võ Hồng” đã sửa thành “Nhấn chuông gọi Võ Hồng”. Nhà văn vừa trở về sau một tháng nằm bệnh viện, người gầy xanh và như cao hơn. Nhưng trong câu chuyện trên sân thượng buổi chiều nắng xế, ông chẳng hề đả động gì đến sức khỏe của mình. Một chút rượu nho do ông tự pha chế như hòa thêm niềm say sưa của chúng tôi vào những kỷ niệm của nghề dạy học sống dậy trong ông. Ông cho chúng tôi xem những trang giấy úa vàng được lưu giữ cẩn thận, trong đó ghi lại những nhận xét mà học sinh một lớp học viết cho nhau theo sự gợi ý của ông, hay lời tâm sự của một người học trò cũ lưu lạc phương xa, khi gặp bi kịch, đã viết thư “xin Thầy hãy cầu nguyện cho con”.
Võ Hồng về hưu đã lâu, nhưng cuộc sống hàng ngày của ông gắn liền không chỉ với cây bút mà còn cả với viên phấn. Ông viết trên tấm bảng, trên nền xi-măng để dạy cho mấy đứa cháu nhỏ học chữ Hán, học cách làm thơ. Trong những cuốn sách của ông xuất bản gần đây, sinh hoạt học đường vẫn là đề tài vô cùng thú vị và sống động. Thương mái trường xưa có thể xem là một cuốn cẩm nang đúc kết những kinh nghiệm giáo dục bằng ngôn ngữ hình tượng. Một bông hồng cho cha, ấn phẩm đẹp ra mắt vào dịp Vu Lan, cũng là cuốn sách đọc suốt năm dành cho tất cả mọi người. Ở đây toàn là những câu chuyện dễ khiến người viết lên giọng giáo huấn, thế nhưng Võ Hồng đã truyền đến ta thông điệp của tình yêu thương bằng một giọng văn bình dị và trong trẻo như nước suối tuôn ra từ kẽ đá.
Ngồi bên Võ Hồng với đôi mắt lấp lánh và nụ cười hóm hỉnh mà tôi nghĩ đến tấm ảnh Võ Hồng với gương mặt sầu não đứng cạnh ba người con thơ dại bên ngôi mộ người vợ vừa khuất. Ba mươi bảy năm nay Võ Hồng gà trống nuôi con, và khi các con trưởng thành, du học rồi định cư ở nước ngoài, ông lại một mình với niềm vui lặng lẽ trên trang giấy. Võ Hồng đúng là một cây rừng trầm mặc như nhan đề một tập truyện ngắn đặc sắc của ông.
Trên căn gác bừa bộn sách vở, Võ Hồng sống với các nhân vật của mình. Đặc biệt, những nhân vật nông dân miền Trung của Võ Hồng chắc chắn chiếm một vị trí quan trọng trong phòng triển lãm hình tượng những người nhà quê của văn học Việt Nam. Đó là những bà Xự, bà Kinh, lão Túc, ông Trùm Đạt…, những người trông bề ngoài thật thà, đơn giản nhưng trong tận cùng tâm hồn luôn luôn ấp ủ một tình yêu sâu nặng đối với đất đai quê kiểng và chứa đựng một cái gì rất vững chãi của phong hóa Việt Nam.
Năm qua, nhà xuất bản Hội Nhà văn đã ấn hành tuyển tập truyện ngắn Võ Hồng, đây là tác phẩm phản ánh sinh động những đóng góp của nhà văn cho văn xuôi hiện đại. Rất tiếc là sách in quá nhiều lỗi. Viết thư cho tôi, Võ Hồng than phiền: “Mắt tôi kém, sức khỏe kém, mấy hôm rồi dò lại một mình, vậy mà đã phát hiện hơn 130 lỗi… Nghe nói sách sẽ phân phối về các thư viện, tôi vui vì bà con miền Bắc đọc và biết sinh hoạt của bà con miền Nam. Nhưng in sai kiểu này thì nội dung trúc trắc khó hiểu, bạn đọc nổi xung bỏ sách xuống chứ đâu còn nhẫn nại đọc tiếp”.
Nói Võ Hồng là người viết truyện tình của giới trung lưu như Cao Huy Khanh cũng đúng. Nhưng những trang văn xúc động nhất của ông vẫn là những trang viết về quê hương, ông có biệt tài thổi cái hồn vào sinh hoạt của làng quê miền Trung. Đọc ông, nhiều khi ta ứa nước mắt khi nghe một tiếng chim chèo bẻo trên cành cây, tiếng giun dế râm ran trong vườn hay tiếng người gọi nhau í ới trên con đường đầy phân trâu. Võ Hồng vẫn thường chế giễu cách nói trịnh trọng không phải lối của người bây giờ, khác với cái giọng nhà quê chân chất mà ông yêu mến và ông sợ rằng vài ba chục năm sau, cái giọng đó sẽ không còn thuần khiết nữa.
Lưu giữ được những vẻ đẹp thầm lặng ấy, Võ Hồng viết văn rõ ràng là để báo hiếu cho quê hương. Ông đã thay chúng ta đền đáp những gì mà chúng ta hưởng được từ thiên nhiên đất nước này.
(Báo Người Lao Động Xuân Ất Hợi, 1995).
Hoa bươm bướm một mùa hè
Mùa hè năm 1995 là một mùa hè khó khăn đối với tôi. Từ Nha Trang, thầy Võ Hồng gửi vào một lá thư dài, sẻ chia và an ủi. Cầm lá thư của thầy, nhìn vào góc trái ở đầu trang, bao giờ cũng gặp một bông hoa với vài chiếc lá cách điệu do chính tay thầy vẽ bằng bút chì màu. Khi thì một đóa hồng. Khi một chùm hoa cúc. Khi lại một nhành lan. Để đem thêm một niềm vui cho người nhận thư – như thầy thường bảo.
Bên trong lá thư lần ấy còn kèm theo một phong bì nhỏ xíu dán kín. Phía ngoài thầy ghi: “Đây là hạt hoa bươm bướm, em tìm chỗ đất trống, lấy que xoi từng lỗ nhỏ gieo hạt vào, hằng ngày trông chừng tưới nước, tháng sau sẽ có hoa”.
Tôi biết đây là thuốc thầy gửi cho tôi. Và tôi làm theo lời thầy dặn. Trên sân thượng trước phòng làm việc có một bồn hoa, những ngày căng thẳng và mệt mỏi tôi bỏ bê chẳng thiết gì chăm sóc. Bây giờ tôi xới đất, gieo hạt và chiều chiều ngồi một mình chờ hạt nẩy mầm. Quả như thầy nói, chỉ mấy ngày sau những mầm xanh bé tí đã nhú ra và lớn dần lên. Chờ hơn tháng nữa là hoa nở kín bồn, một màu vàng dịu làm mát lòng giữa mùa hè nóng bỏng. Cái màu hoa mà tôi chỉ gặp bâng quơ trong tiểu thuyết của thầy hay lơ đãng bên những bậc thang dẫn lên phòng văn trong ngôi nhà 51 đường Hồng Bàng, giờ đây đã thành bè bạn. Màu hoa đã che chở tôi vượt qua những phiền trược suốt năm tai ương và nhọc nhằn đó.
Biết ơn thầy, tôi chăm chút giữ gìn cái bồn hoa đã gầy nên từ những hạt giống vào mùa hè năm ấy. Hoa bươm bướm như con nhà nghèo dễ tính, không dám đòi hỏi chi nhiều, thân lá mỏng manh mà chịu đựng được cả những cơn mưa xối xả lẫn những ngày nắng gắt. Hạt hoa rơi vãi xuống đất rồi thi nhau mọc lên. Cứ lứa hoa này tàn thì lứa hoa khác xuất hiện. Trong khi mấy chậu bông đắt tiền phải tốn công bón phân, tỉa lá, nhặt sâu thường xuyên mà vẫn đến lúc cằn cỗi thì hoa bươm bướm cứ điềm nhiên tồn tại. Sự điềm nhiên đó, không ngờ, cũng lan đến chính tôi, và ngẫm nghĩ lại điều quý giá nhất mà tôi có được từ bài thuốc này không hẳn là những nụ hoa rất chóng mãn khai mà là những khoảnh khắc đợi chờ hạt giống nảy mầm và xanh lên, với một cõi lòng bình thản.
Năm ngoái gia đình tôi chuyển về một căn nhà nhỏ hơn. Những cây hoa đang nở ở nhà cũ chúng tôi tặng hết lại cho người chủ mới. Nhưng tôi đã kịp mang theo một nhúm hạt hoa bươm bướm để trong cái phong bì như ngày trước thầy Võ Hồng gửi vào. Về nhà mới không có bồn hoa lớn, chúng tôi gieo hạt hoa trong những chậu đất nung đặt trước sân nhà. Và mỗi buổi sáng, tôi lại có dịp ngồi dõi xem các mầm xanh mọc lên mà ngỡ như một điều gì đó đã phục sinh giữa cuộc đời và năm tháng đang trôi đi không ngưng nghỉ này.
(Báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật số 17, ngày 30-4-2000).
Võ Hồng trong trí nhớ
Mặc dù có dịp liên lạc qua thư từ với Thầy Võ Hồng nhiều năm trước, mãi đến mùa hè năm 1994 tôi mới có cơ duyên gặp ông lần đầu tiên. Lần đó gia đình tôi hẹn đến thăm ông cùng với các anh chị học viên trong lớp cao học do Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh tổ chức ở Nha Trang. Lần đầu gặp ông mà tôi cảm thấy như mình đã quen từ lâu cái dáng người cao ráo mảnh mai, đôi mắt tinh anh giấu sau cặp kiếng lão, nụ cười hóm hỉnh và giọng nói Phú Yên thuần chất đó. Đúng như trong hình dung của tôi khi đọc văn ông và xem tấm ảnh ông đăng trên bìa tạp chí Văn, ông là một nhà giáo thuần thành và một nhà văn đôn hậu.
Hai năm sau, lớp học ấy hoàn thành luận văn và bảo vệ tốt nghiệp ngay tại Nha Trang. Các thầy giáo từ Sài Gòn ra chấm thi đến thăm và mời ông dự lễ. Đó cũng là dịp Đài Truyền hình Việt Nam làm cuốn phim về nhà văn, nhà giáo Võ Hồng. Ông cười vui: “Lâu lắm rồi qua mới ăn mặc trịnh trọng đi dự lễ như thế này. Sáng nay anh đạo diễn còn bắt qua đi dạo ngoài bờ biển để quay phim. Ui chao, từ năm 75 đến giờ qua mới lại ra biển!”.
Trước đó khá lâu, khoảng năm 1985 tôi chọn giúp cho nhà xuất bản Cửu Long một tập sách gồm 15 truyện ngắn của các nhà văn miền Nam. Sau nhiều lần đắn đo, giữa hàng chục truyện ngắn của Võ Hồng, tôi quyết định chọn Bên đập Đồng Cháy. Nhưng văn bản mà tôi có từ một tờ báo cũ bị kiểm duyệt cắt mất mấy câu, thế là tôi mạo muội viết thư xin ông bản thảo gốc truyện ấy để đăng nguyên vẹn tác phẩm. Chỉ mươi ngày sau tôi nhận được thư trả lời: ông bảo Nhẹ hơn cơn gió thoảng mới là truyện ngắn ông thích hơn cả. Nhưng ông vẫn gửi kèm theo bản đánh máy rõ ràng toàn văn truyện Bên đập Đồng Cháy với nhan đề ghi bằng bút chì màu.
Những lần gặp gỡ ngắn ngủi, tôi luôn học được ở ông tính cẩn trọng và chu đáo của nghề viết. Có lần ông hỏi tôi: “Em hay viết báo, có bao giờ em giở ra đọc lại những bài báo của mình đăng mười năm trước không, có bao giờ đọc rồi thấy đỏ mặt không?”. Tôi thú thật với ông là có. Thi thoảng ông nhờ tôi chuyển bản thảo cho một tờ báo hay một nhà xuất bản nào đó. Ngoài những truyện ngắn về tuổi thơ, ông còn viết một loạt bài về chuyện học văn trong nhà trường mà ông bảo tôi đề nghị báo Yêu Trẻ đăng liên tục nhiều kỳ. Theo ý ông, tôi đưa bản thảo tập truyện đồng thoại Chúng tôi có mặt cho một nhà sách chuyên in sách Phật học mà ông tin cậy. Có một lần tôi ân hận mãi vì sơ suất của mình: tôi mang từ Nha Trang vào bản thảo truyện vừa viết về tấm gương một nữ sinh sợ môn văn đã tìm cách khắc phục nỗi sợ ấy như thế nào. Lúc đầu Võ Hồng đặt tên truyện là Gập ghềnh sỏi đá. Sau không ưng ý, ông gọi điện thoại vào bảo đổi lại là Vượt bao gập ghềnh. Tôi chủ quan, chỉ gọi điện thoại báo lại cho người biên tập mà không đến tận nhà xuất bản xem kỹ bản thảo, nên khi sách ra, tên sách trở thành Bước qua gập ghềnh! Tuổi già, không sử dụng máy vi tính, ở xa trung tâm xuất bản, lại không có một người học trò thân tín bên cạnh chăm sóc bản thảo, nhiều lần ông khổ tâm vì sách in nhiều lỗi, phải làm đính chính trước khi tặng người quen. Đó là chưa kể bệnh mất trí nhớ không tha bất cứ người cao tuổi nào. Lần gần đây nhất, cùng đến thăm ông với các anh Giang Nam, Thanh Hồ, Chinh Văn, Phạm Chu Sa, Trần Vạn Giã, tôi đã thấy ông để sẵn cuốn sổ và cây bút cạnh đầu giường, để có ai đến thăm thì hỏi tên và ghi vào đó như một thứ “nhật ký tiếp khách”.
Ở miền Nam trước đây, ít có nhà văn nào viết về cuộc kháng chiến chống Pháp vừa chân thực, vừa khẳng khái như Võ Hồng. Những kỷ niệm kháng chiến được lưu giữ và thăng hoa trong Hoa bươm bướm, Như cánh chim bay… Với Võ Hồng, cuộc kháng chiến đó là một vận hội của sự đoàn kết dân tộc lẽ ra không nên bỏ lỡ. Những nhà văn, nhà phê bình ở miền Nam thuộc nhiều khuynh hướng khác nhau khi nói về tác phẩm của Võ Hồng đều tỏ ra trân trọng suy nghĩ đó của ông.
Có lẽ ít ai biết rằng nhà văn có những đóng góp quan trọng cho văn học hiện đại như Võ Hồng, nổi tiếng từ những năm 1960, mà sau ngày hòa bình đã được “kết nạp” lại vào Hội Nhà văn Việt Nam. Trong một phụ san của báo Văn Nghệ in danh sách các nhà văn hội viên, Võ Hồng cùng với Sơn Nam nằm trong số những “hội viên dự bị”. Được xếp vào khuynh hướng văn học “yêu nước và tiến bộ” mà sau ngày thống nhất hơn mười năm, ông mới chính thức “tái xuất giang hồ” với tiểu thuyết Thiên đường ở trên cao.
Võ Phiến có lần trách móc một cách tế nhị: “Võ Hồng quả được an thân. Chế độ này qua chế độ kia, thế cuộc bao phen đổi thay, ông vẫn an, vẫn nhàn, vẫn khỏe. Vẫn viết lách để răn đời. Răn toàn điều lành…”. Thật ra thì Võ Hồng đâu có bao giờ phủ nhận rằng ông làm văn học cũng là làm giáo dục và ông đâu có đối lập nghệ thuật với đạo đức. Đến lúc xã hội suy đồi đầy ung nhọt, người ta mới thấy văn chương của ông có ý nghĩa như thế nào. Từ năm 1973, trong truyện ngắn Mong manh một thoáng ông đã tả một người phụ nữ đoan chính quyết từ bỏ mối tình sâu đậm với một viên chức chỉ vì chứng kiến anh ta lạnh lùng nhận lấy những đồng tiền xương máu của một bà cụ nghèo khó lo lót xin tha cho người con bị bắt oan. Câu chuyện có vẻ lý tưởng hóa, nhưng ngày nay đọc lại bỗng giật mình: xã hội bây giờ hình như đã quen sống với những viên chức như vậy và liệu còn bao nhiêu những người phụ nữ nhạy cảm như cô Bạch Huệ?
Trước Tết Quý Tỵ, tôi đến chơi với một người bạn thân ở Trạm Hành, Cầu Đất, cách Đà Lạt 25 cây số trên quốc lộ 20 dẫn về Phan Rang. Đứng trên triền dốc nhìn xuống bạt ngàn đồi chè và cà-phê xanh mượt, tôi nhớ đến tiểu thuyết Hoa bươm bướm của Võ Hồng. Câu chuyện về một người thanh niên đi tản cư đến Trạm Hành, mong có cơ hội làm việc gì có ích cho kháng chiến và khi cơ hội ấy đến thì lại quyến luyến trước khi xa lìa cảnh vật và con người nơi đây. Không biết trong ấy có bao nhiêu yếu tố tự truyện, nhưng chắc chắn Võ Hồng đã thông thuộc miền đất này mới miêu tả được như vậy. Từ ấy đến nay, người không thiết gì ra đến biển dù chỉ cách mấy con phố, chắc cũng không có dịp nào trở về núi đồi chốn cũ.
Nghe tin Võ Hồng tạ thế, Đặng Tiến bảo rằng cần phải có thời gian để giải mã văn chương Võ Hồng. Có lẽ cũng cần phải có thời gian để hiểu con người Võ Hồng, xem đằng sau cuộc đời lặng lẽ, trầm mặc đó có thật là sự an thân, an nhàn hay không; hiểu được tại sao ông chấp nhận dừng chân một chỗ, trụ lại trong tín ngưỡng nghệ thuật của mình, giam mình trong thế giới đó để “hoài cố nhân”. Ông đã dành cho những người con của mình đi xa thay cho cha. Và dành cho những đứa con tinh thần của ông đi xa thay cho người khai sinh ra nó.
(Báo Người Lao Động thứ Tư, ngày 03-4-2013)