Tiểu truyện Khuất Đẩu
Tôi yêu văn ông trước khi yêu con người thật của ông. Chuyện đó giống như yêu một mùi hương lạ trước khi biết được nó từ đâu tới.
Trong khi ông thai nghén và sản sinh ra tác phẩm đầu tay của mình, thì ở một nơi cách xa trên bốn trăm cây số cũng có một người đàn bà đang hoài thai đứa con gái đầu lòng. Mẹ tôi khi đó yêu những tác phẩm tinh thần của ông, đâu biết rằng bốn mươi năm sau ông lại yêu tác phẩm bằng xương bằng thịt của bà.
Có một truyện ngắn của ông được bà cứ tấm tắc khen hoài. Truyện kể một người đàn bà sống đến tám mươi tuổi mà không được ai yêu, mãi đến khi chết mới có một người bạn cũ đến khóc và than rằng, “Tôi yêu em mà em đâu có hay”! Truyện đó cứ ám ảnh tôi mãi, biết đâu cũng có thể, chính là truyện của đời mình!
Tôi sinh ra và lớn lên bên bờ biển đầy cát trắng. Từng đêm tôi nghe tiếng sóng vỗ miên man. Và, cũng miên man từng ngày, tôi nghĩ đến những con sóng của cuộc đời. Sóng cứ ngày đêm xô mãi như thế, thì thứ gì dù cứng đến mấy rồi cũng sẽ vỡ tan. Bao nhiêu cát trắng xóa kia phải chăng là những mảnh vỡ của cuộc đời?
Có lẽ vì thế mà tôi trầm ngâm ít nói. Dưới cái nhìn của mọi người tôi có vẻ xa cách, lạc lõng. Ngay từ khi còn bé, tôi đã không chơi trò chơi của những đứa cùng tuổi. Lớn lên, trong khi bọn họ chuyền tay nhau thơ văn của các nhà văn thời thượng, thì tôi âm thầm đọc hết những tác phẩm của ông mà mẹ tôi đã có được. Văn của ông so với các nhà ấy, cứ như cơm nhà nghèo so với cao lương mỹ vị. Nó mộc mạc, đơn sơ, rất đời thường nhưng lại hợp với khẩu vị của mẹ con tôi.
Ông thường khen tôi đẹp, đương nhiên rồi, người đàn ông nào mà chẳng khen người yêu của mình đẹp, nhất là khi người đó là nhà văn thì lại càng không tiếc lời. Tôi rất thích nhưng tin chỉ một nửa hay nhiều hơn một chút. Nếu đẹp như ông nói, tôi đã có chồng từ những năm hai mươi chứ đâu mãi đến năm bốn mươi mới được ông “tuyển vào hậu cung!”.
“Tuyển vào hậu cung”, là cách chúng tôi đùa cợt khi đã yêu nhau.
Cái đêm mà Ôn Như Hầu không biết gọi “Đêm ấy là đêm gì” tôi đã đem cái “nghìn vàng” ra “phụng quân vương”*. Khi biết tôi hãy còn trinh, ông nửa ngạc nhiên thích thú, nửa ngại ngùng xót xa.
“Nếu biết thế này, anh đã không làm thế!”, ông nói.
“Nghĩa là sao?”, tôi hỏi.
“Nghĩa là phải để dành”.
“Để dành cho ai?”.
“Cho chồng em chớ cho ai nữa!”.
“Thế anh không phải là chồng em sao?”.
“Không, anh chỉ là một người tình già!”.
“Anh là một quân tử Tàu thì có!”.
Ông sống mực thước cũng như văn của ông. Từ tóc tai đến áo quần không một thứ gì ra vẻ, hay cố làm ra vẻ, của một nhà văn. Lại càng không giống với những kẻ lập dị râu tóc dài thậm thượt hay cạo trọc nhẵn thín như nhà sư. Ông như một công chức mẫu mực, lúc nào tay áo cũng cài cúc, cổ thắt cà vạt nghiêm chỉnh.
Tuy không phải che giấu ai vì vợ ông đã ly dị, nhưng ông cũng rất ít khi cùng tôi đi dạo ngoài phố. Nếu có phải đi mua sắm, ông cũng không cho tôi khoác tay và thường rảo bước thật nhanh để tôi theo không kịp. Ông cố tạo ra một khoảng cách giống như khoảng cách tuổi tác giữa ông và tôi. Mặc dù tôi cố tình làm cho mình già trước tuổi bằng cách búi tóc, một đôi khi ăn trầu, nhưng ông bảo, dù làm cách gì chăng nữa, thì em cũng vẫn là em, một công nương trẻ và đẹp. Còn anh, dẫu có cưa sừng cũng khó mà thành nghé được.
Bốn mươi năm sau ngồi nhớ lại, tôi thấy ông nói khá đúng, nhất là khi ở trên giường. Trong khi tôi tuôn trào như một con suối sau cơn mưa rừng, thì ông như một con sông lững lờ khi đã ra tới biển. Dù vậy, chúng tôi vẫn là hai người tình gắn bó tưởng chừng chẳng thể nào xa nhau. Tôi thì phơi phới thật sự khi yêu và được yêu lần đầu, còn ông thì ngậm ngùi tiếc nuối vì cái quỹ thời gian còn lại quá ít ỏi.
Nên ông rất đỗi dịu dàng, rất đỗi nâng niu.
Sinh nhật thứ bốn mươi của tôi được ông tổ chức ở một nhà hàng sang trọng. Có hoa hồng vàng, có rượu vang đỏ, có nến trắng và cốc thủy tinh trong veo. Ngồi đối diện trên hai chiếc ghế bọc nhung, chúng tôi có vẻ như hai ông tây bà đầm nào đó ở Paris.
“Mời em”, ông nói khi ra hiệu cho tôi thổi nến.
Tôi phải thổi đến hai lần mới tắt hết bốn mươi cây nến nhỏ cắm đầy trên chiếc bánh sinh nhật. Đến khi cắt bánh, tôi run tay đánh rơi con dao, ông phải cắt giúp. Rồi ông khéo léo và ân cần đưa phần bánh đã cắt sang đĩa tôi.
“Mừng sinh nhật em”, ông nói.
“Cảm ơn anh”, tôi nói.
Chúng tôi nâng ly, trong khi bản nhạc Happy Birthday ở đâu đó vang lên êm ái và bên ngoài trời thì mưa.
Thật là lãng mạn nếu có thêm một nụ hôn. Nhưng ông không hôn, dù tôi rất muốn, điều đó thật quá khó đối với ông lúc này.
Rồi tiệc tan, mưa tạnh.
Đêm đẹp và thơm tho vì hãy còn mùi hương của nước mưa. Tôi muốn đến một quán cà phê nào đó để nghe nhạc, nhưng ông bảo cà phê khó ngủ, nên đưa tôi về. Đến lúc này ông mới kéo tôi lại gần, hôn một cách hờ hững, hôn cho đúng thủ tục vậy thôi.
Hóa ra, tiệc mừng sinh nhật cho tình nhân mà tinh khiết quá, cứ như tiệc mừng sinh nhật của con gái.
Đến khi xa nhau, tôi tự hỏi có phải vì khoảng cách hai mươi năm sâu quá không lấp nỗi chăng, hay vì cái ý tưởng trông như cha và con đã khiến cho cả hai không thể đi chung một con đường?
Có thể như thế lắm.
Cách ông chăm sóc, cách ông yêu thương khiến cho tôi xúc động, nhưng chỉ vì tôi không có cha chứ không phải vì ông là một người tình. Còn ông, chỉ có hai người con trai, một theo mẹ, một ở với cha. Tôi là hình bóng đứa con gái ông mong muốn mà không được sinh ra chứ đâu phải là “thứ phi”.
Thế nên, cái ly rượu tình tưởng là nồng nàn, uống vào sẽ ngây ngất say hóa ra càng uống càng thấy đắng, càng uống càng thấy tỉnh, để biết rằng “phải sớm liệu mà xa nhau ”.**
Những buổi hẹn hò thưa dần.
Những phút giờ trên giường ngắn lại.
Chẳng ai đến cướp mà vẫn cứ mất đi từng chút một.
Và rồi, đến lúc không còn gì nữa ngoài chút dư vị ngẩn ngơ.
“Quả thực anh đã làm hại đời em, một hôm ông nói. Chính vì cái tham lam của đàn ông đã khiến anh muốn chiếm đoạt em dù biết rằng không giữ được. Dù sao, mọi sự cũng đã rồi, anh không thể nói lời xin lỗi mà chỉ muốn nói cảm ơn. Cảm ơn em đã đến với anh như một bất ngờ tuyệt hảo. Cảm ơn em đã cho anh trẻ lại dù không phải cưa sừng”.
“Anh đang ca vọng cổ đấy à?”, tôi cay đắng mỉa mai.
Sự tham lam của ông giống như một người đã rụng gần hết răng nhưng thấy đồ ăn ngon vẫn cứ muốn động đũa. Ăn không được thì bỏ mứa. Tôi là món ăn ông động vào rồi bỏ đó, đến nỗi ế thiu ế chảy đến tận bây giờ.
Cảm ơn!
Cảm ơn!
Tôi sợ hai tiếng đó cho tới già.
Nhưng rồi, nhớ tới người đàn bà bất hạnh trong truyện của ông, chẳng những tôi hết giận mà còn biết ơn, biết ơn chứ không phải cảm ơn, rằng nhờ có ông mà tôi cũng có được một người ngỏ lời yêu khi còn sống chứ không đợi đến lúc chết mới nói, “Anh yêu em mà em đâu có hay”!
Tôi viết những dòng này thay cho bó hoa tưởng niệm đặt trên mộ ông. Xin hãy yên nghỉ, hỡi người tình già của em.
Những ngày đầu năm 2018
*mượn chữ của Đoàn Phú Tứ
**mượn thơ Phan Khôi