Trong buốt pha lê

Nam Dao

 image001

Màu lam nhạt pha loáng thoáng tím ngắt là màu sáng một chiều đông rơi mau ngoài cửa sổ.

Tôi đứng dậy. Ông ta lí nhí cám ơn rồi theo chân. Bước ra khỏi nhà quàn, tôi bảo “Thôi về, tôi chở ông”.

Lên xe, ông ta im lặng.

Ông thờ thẫn nhìn ra trời tuyết. Trắng xóa. Trống vắng. Trùng trùng điệp điệp màu trắng và trống. Sự im lặng bỗng hóa ra bao la đến ghê rợn. Tôi nói lơ đãng “Mùa dài tựa như không bao giờ dứt, ông nhỉ!”. Ông ta vẫn im lặng. Xe đổ dốc trơn tuột, chúi xuống như trượt băng. Ðể chân nhấp lên bàn thắng, tôi buột miệng Shit! [1], tay bẻ vô lăng quẹo trái vào con đường nhà ông.

Mở cửa, ông ta ngần ngừ ”Hay ngủ lại đây tối nay đi. Ðài T.V. báo mưa băng verglas, lái xe về Montréal có thể nguy hiểm!”. Nhớ Felicia, tôi gật đầu. Mai là thứ bảy, ngày nghỉ. Tôi vào nhà, mở niên giám tìm tiệm Pizza, quay điện thoại gọi đặt một cái 16 inch [2]. Ông ta lẳng lặng đem ra hai cái ly, rót rượu, đổ xô-đa vào đẩy một ly về phía tôi. Tôi lắc đầu. Ông uống ực một hơi, rồi đứng dậy. Ông cầm chiếc búa, bổ củi rồi chẻ ra thành từng khúc nhỏ bỏ vào lò sưởi. Nhóm xong lửa, ông lại ra ngồi, tay cầm cái ly tôi không uống, chép miệng ”Một mình, nay ta một mình!”. Ái ngại, tôi nhìn ông. Ðể ly lên miệng, ông lại uống, rồi nói trống không “Cả hai có lẽ đều đi lên Thiên Ðàng rồi!”.

Tôi mường tượng lại hình ảnh xác bà ta trong quan tài ở nhà quàn. Bà vốn đẫy đà, quan tài phải thửa riêng. Mắc chứng boulimie khiến lúc nào cũng ăn, bà phải nặng chí ít cũng đến hơn một tạ. Trong áo quan, thân thể bà phồng lên như miếng buche [3] phủ đầy kem. Nhà quàn trát phấn, tô môi cho bà, hai môi đỏ chót nhìn tưởng như trái cerise [4] thường để trên trang trí cho loại bánh ngọt rẻ tiền. Ông ta lại quơ chai scotch [5]. Chuông cửa reo. Chắc người ta giao pizza. Tôi đứng dậy.

Cắt pizza, tôi bảo ”Ăn đi, không ăn uống say chết!”. Ông ta gật gật, trông bất lực đến tội nghiệp. Ăn xong, tôi cời lửa, hỏi “Ông để tôi ngủ đâu?”. Ông ta chỉ lên lầu, thẫn thờ “Thì phòng Félicia [6] trên đó!”. Lên thang, tôi nói với xuống “Cho tôi nghỉ một lát nhé!”, tay đẩy cửa căn phòng tôi đã một lần ngủ qua đêm cách đây chưa đến một năm. Bật đèn, tôi nhìn quanh.

Vẫn thế. Giường nằm cạnh tường, drap xanh màu nước trải rộng như đại dương. Bên cạnh, bàn ngủ đỏ au màu gỗ acajou. Vẫn hai bức ảnh. Ảnh khi Félicia học xong trung học, miệng cười rạng rỡ, mái tóc hung hung óng ánh đổ xuống bờ vai. Ảnh khi Félicia tốt nghiệp đại học, mũ có một tua đỏ, nghiêm nhưng hiền và đẹp như bức tượng Ðức Mẹ trong các thánh đường. Tôi nằm xoài trên giường, với tay tắt đèn. Ngay bên tai là tiếng pha lê chạm vào nhau thánh thót văng vẳng. Tôi nhắm mắt. Ai đó thì thầm. Tôi lắng nghe. Ðằng sau tiếng pha lê, đâu đó có một thứ âm thanh kỳ diệu, không phải là tiếng người, không phải là tiếng nhạc, là âm thanh nhưng sao lung linh màu nắng và mang theo những cơn gió. Lạ nhỉ. Âm thanh mà lại có màu. Có gió. Lại lung linh, có đời sống. Giá cứ nhắm mắt để có thể nghe những âm thanh đó, có lẽ tôi sẽ chắp tay cầu xin Ðức Mẹ cho tôi nhắm lại mãi mãi.

***

Trên con phố ngày xưa mang tên Maplewood, là rừng phong, là thơ, là mộng. Chợp mắt một đêm, sáng sau đường đổi thành Edouard Monpetit, tên một ông thầy tu dòng Tên nào đó mang khoa học nhân văn đến cái đại học nằm nghễu nghện trên núi. Ðêm hôm trước, trời đổ mưa. Sáng ra, trời bắt đầu đổ lạnh. Bắt đầu -2, rồi -3 và cứ vậy chênh chếch -4 độ C. Nước mưa bám trên những cành phong đông đá. Rừng phong dưới chân đại học hóa thành một rừng cây pha lê. Những cành khô bọc đá băng trong suốt lung linh dưới nắng. Nắng vàng rực rỡ. Nắng chói trên những bãi tuyết trắng xóa đã đậu lại từ tháng trước. Nắng làm cho trời trên cao xanh hun hút. Nắng làm tuyết óng a óng ánh, màu trắng của tuyết nay phơn phớt lân tinh biêng biếc lạnh, cái lạnh có chất ẩm luồn lách theo những cơn gió. Gió liu riu, thỉnh thoảng lại tất tả thổi, rất bất ngờ, như nghịch ngợm, như trêu cợt. Lúc đó, những cành cây pha lê chạm nhau, tiếng leng keng văng vẳng, nhỏ nhẹ, mơ hồ len qua những vùng mờ ảo của cảm giác lênh đênh bắt gặp lại từ một thời xa xưa quá vãng.

Rừng pha lê cất tiếng hát như thế đấy. Ðứng trên nhìn xuống, những cành phong còn non bọc trong pha lê xòa cong mình trong chiều gió thổi tựa như cả trăm cánh tay vũ nữ ba-lê cùng vung cao theo cung độ một bản thánh ca. Tiếng hát trong vắt thủy tinh vút đến từng li ti tế bào não bộ gợi lên nỗi bâng khuâng lẫn lộn vui buồn, không đối tượng, không chủ đích, không bất luận một thực tại nào. Trong thanh âm đồng ca một giọng nữ vượt cao va vào mây trắng để văng vẳng vọng về tiếng lụa tơ tươm tả xé rách bươm hồn. Buột miệng, tôi khe khẽ nói một mình, hát tiếp đi, hát nữa lên, hát thế là hát như trẻ thơ.

Félicia chau mày “Có gì mà phải hát. Chẳng lẽ vì đường đổi tên?”. Bước quanh bức tượng Edouard Monpetit để vào cổng phụ Centre Social là nơi sinh viên đến trong giờ nghỉ học, Félicia trượt chân, tay víu vào tôi. Nó làu bàu “Suýt nữa – ngước nhìn bức tượng nó buông sẵng – a, đừng có cười ta!”. Ðó là lần đầu tôi mê đắm cái trong suốt của cả cánh rừng băng đóng óng ánh pha lê. Ðó cũng là lần đầu tôi thấy Félicia nói với cái giọng khó chịu ta thán. Nhưng lạ thật, đó cũng là lần đầu bỗng nhiên tôi nảy ý chiếm đoạt nó như một người đàn ông chiếm đoạt thân xác một con đàn bà, tôi – vừa bé vừa gầy – mà nó gọi là P’tit-corps, thằng nhỏ-con, một thằng sinh viên da vàng đến từ cái vết ưỡn ẹo chữ S trên mảnh bức địa đồ mầu bôi lòe loẹt.

Quả là lạ. Từ ngày tôi nảy ra cái ý chiếm đoạt thể xác Félicia, tôi bỗng ngửi thấy một thứ mùi là lạ mỗi lần ngồi cạnh nó. Hít hà, tôi nhìn, cười cười “Mi bôi cái gì vào người?”. Nó trợn mắt “Không bôi gì. Tao chúa ghét nước hoa!”. Tôi lại hít hà “Có mà, cho tao ngửi”. Nó giả lả “Mi vờ, mi định trêu tao?”. Tôi chúi mũi vào tóc nó, rồi vào cổ nó. Ðẩy tôi ra, nó bảo “Đừng làm trò khỉ, tao không thích thế đâu!”. “Không, có cái mùi hăng hăng, ngai ngái, nồng nồng… Hay là nách mi, cho tao ngửi”. “Không, khỉ lắm!”. Tôi dỗ mãi, tuần sau Félicia cho tôi chúi mũi vào nách. Vẫn không phải. Nhưng ngồi bên nó, cái mùi hăng hăng, nồng nồng, gây gây vẫn cứ xông vào mũi tôi. Tôi nói. Nó cợt “Hay là mùi da đỏ. Bố tao lai da đỏ đấy!”. Nó đẩy tôi ra “Nhưng tao không thích mi hít hà như thế!”. Nó lại lạnh lùng quay mặt giấu vẻ bực dọc. Như thế, tôi lại càng thú vị.

 

***

Tôi làm quen Félicia năm ngoái. Nó lóng ngóng ôm một chồng sách, mắt ngơ ngác nhìn quanh tìm một chỗ trong thư viện. Ðứng dậy, tôi nhường chỗ cho nó. Nó mỉm cười cám ơn. Tôi vào lớp, hết giờ học lại quay lại thư viện. Ðến lượt tôi lóng ngóng tìm chỗ. Vào lúc sắp thi, bọn sinh viên lúc nhúc ngồi học, đứa nào đứa nấy cằm cặm cùi cụi. Thấy tôi, nó đứng dậy, nói nhỏ “Giả chỗ cho mi!”. Nó cười, ôm sách, chồng sách nặng trĩu. Một quyển rơi xuống đất. Tôi cúi nhặt. À, sách hội họa. Tác phẩm của Gauguin. Tôi đưa cho nó, nheo mắt, thì thầm “Mi vẽ?”. Một thằng sinh viên ngước nhìn, miệng khe khẽ suỵt. Félicia trề môi, lẳng lặng đi ra. Tôi theo. Ra khỏi cửa thư viện, nó quay sang hỏi “Mi tên gì? P’tit-corps”. Từ đó, nó gọi tôi là P’tit-corps, và hầu như chẳng bao giờ nghe câu tôi trả lời. Tôi hỏi lại, nó đáp nó ở cư xá sinh viên, chỗ lưu trú cho con gái. Cười tủm, tôi bảo tôi là hàng xóm nó. Tôi ở trên dốc đồi, chỗ cư xá sinh viên con trai. 

“Sao chẳng bao giờ thấy mi đi ăn ở Caféteria [7]?” “Eo ôi! Ăn cái quái gì được. Ngày nào cũng thế, này Pâté Chinois này, rồi ra-gu cừu, và cứ đến thứ sáu là cá… Cá luộc, tanh lắm. Mà này, Pâté Chinois có thật là món Tàu không?”. Tôi lắc đầu. Nó thất vọng “Tao thỉnh thoảng ăn món này để có cảm tưởng mình đang đu lịch. Mi nói thế thì chắc tao không ăn nữa!”. Tôi cười cười “Hôm nào tao mời mi đi ăn phố Tàu, góc La Gauchetière và St-Laurent. Ðến đấy, ăn món Tàu thật, không phải là Pâté Chinois! Mi tha hồ mà du lịch, muốn đến Vạn Lý Trường Thành cũng được!”.

 

***

Ðể nguyên quần áo, tôi ngả người nằm xuống giường. Áp mặt vào chiếc gối, tôi hít vào, hít thật sâu. Cái mùi nồng nồng, gây gây, lại hăng hắc đâu đây? Nhắm mắt lại, tôi tập trung cả trí tuệ lẫn giác quan vào cái mũi. Cứ thế tôi hít hà cho đến lúc nghe tiếng động khe khẽ phía cửa sổ.

Félicia ngồi, mặt hướng ra ngoài, lưng quay về phía tôi.

“Mi đấy à? Mi về lúc nào?”. Tiếng đáp nhỏ như tơ “Mới đây thôi! Mi ngủ say quá. Mi ngáy nữa, tiếng ngáy rông ron như tiếng mô tơ xe…”. “Ừ, tao mệt. Làm xong là tao lái xe đi đến thẳng nhà quàn. Mẹ mi nằm, mắt nhắm, trông thanh thản lắm!”. Tiếng cười nhẹ, “Thanh thản. Dĩ nhiên là thế!”. Tay đưa lên ve vuốt mớ tóc hung hung xòa xuống lưng, Félicia im lặng. Thỉnh thoảng có tiếng xe chạy, bánh lăn trên mặt lộ lạnh cứng đông đá nghe xào xạo.

“P’tit-corps, mi chắc còn giận tao?” Félicia thốt lên. Tôi hờ hững “Giận mi làm chi?”. Félicia lại cười “Không giận thì sao biệt tăm mấy tháng liền…”. Bật miệng, tôi gần như quát “Ừ, tao giận đấy. Mi khiến tao không làm được đàn ông!”. Félicia thở dài “Mi vẫn là đàn ông. Nhưng mi mất mặt, tự ái. Chỉ có tao…”. Ngập ngừng, giọng Félicia nhẹ như tơ, trôi đi thoáng ánh sáng mỏng mảnh hắt qua cửa sổ, tiếp “Chỉ có tao mới không là đàn bà thôi. Có đàn bà nào mà không tử cung, không bụng, rỗng tếch rỗng toác như thế. Ðã vậy, mi chẳng hiểu, còn tao, tao lại không có quyền giận mi. Thậm chí còn ân hận là đằng khác!”. Ðưa tay lên vuốt ve mớ tóc hung hung xòa xuống lưng, Félicia co vai, mặt cúi xuống không nói gì nữa.

Thình lình, Félicia vui vẻ “Mi có nhớ con bé Rosemary [8] ngồi cạnh chú chó sói của Perrault [9] không? Tao gặp nó rồi”. Tôi lắng nghe, nhưng dĩ nhiên không tin, không tin một chút nào. “Hôm nọ, tao với nó rủ nhau cùng đi ăn sáng!”. Cười trong cổ họng, tôi gắt “Thôi, đừng nói láo, mi nói cho tao vui hẳn!”. Quả là xưa nay cứ tôi thúc thì Félicia mới ăn một tí. Nửa miếng sandwhich [10], hai cái biscuits secs [11]. Vừa ăn, vừa lẩm bẩm đếm số calori trôi qua cổ. Và nhìn tôi, nó bảo “Nể mi lắm. Tao vẫn ở mức 95 pounds [12]… Mi thấy, những đứa bé ở Biafra, có đứa chỉ 40 pounds mà vẫn cứ sống! Còn tao, đừng có lo gì… Mi thấy đó, tao vẫn đi học, đi thi! Trừ mi, có ai nói gì đâu. Tao vẫn bình thường – Félicia chép miệng – chỉ còn hơi béo một tí. Tao xuống được thêm 10 pounds nữa thì parfait – thì toàn hảo – rồi mi xem!”. Tôi lại ngắt lời nó “Mi nhắc Biafra, khiếp! Thôi, không xem gì cả. Mở T.V. nào trung úy Calley châm lửa đốt nhà ở Mỹ Lai, nào đại tá Nguyễn Ngọc Loan kê súng sáu bắn vào đầu một thằng Việt Cộng vụ tết Mậu Thân trên đường Nguyễn Tri Phương trong Chợ Lớn, nào bé gái tên Kim Phúc cởi truồng chạy trên Quốc lộ 1 ở Tuy Hòa, da thịt cháy xém vì bom xăng Napalm. Rồi ở Biafra. Nhìn mà kinh. Người đói chỉ còn da bọc xương. Những bộ xương khô cử động, và những cặp mắt to tròn, lồi ra, vô hồn trong khi đó thì Hợp Chủng Quốc và Canada mang lúa mì ra đổ xuống biển để giữ giá! Thôi, đừng xem gì nữa. Ði học với tao trên thư viện, đợi 11 giờ đêm thì về! Về sớm, lại mở T.V., lại thấy cảnh bom napalm cháy bùng lên da thịt trên châu Á, cảnh những bộ xương khô nghễu nghện khập khiễng trên châu Phi… Ẹc, xem làm gì!”. Félicia gật đầu. Nhưng mấy hôm sau, nó khều tay tôi “Tao thử nhịn và sống cái cảm giác của những bộ xương khô xem sao nhé!”. Tôi chửi nó “Mi ngu. Cuối năm nay ra trường rồi, ăn lấy sức mà học cho xong. Lại còn cái projet [13] tốt nghiệp! Mi có nghĩ đến cái dự án đó chưa?”. Nó đáp, giọng ráo hoảnh “Rồi. Tên projet là Phù du: Sống trong mùa đông”. Trầm giọng, nó thì thào “Éphémère: Vivre en hiver”, loại installation [14]. Và nó sẽ phù du còn hơn cái tên tao đặt cho nó!”.

 

***

Chỉ vào bức tranh thủy mạc vẽ cành trúc cong veo của Tô Ðông Pha trong tập tranh cổ tôi mượn ở thư viện, tôi nói “Đấy, cũng mùa đông. Một cành trúc ẻo lả trơ trụi. Và gió. Mi thấy không? Mắt người họa sĩ phương Ðông khác. Không màu sắc lòe loẹt. Không hình thể mà là bản thể. Bản thể của sự vật! Ði đến đấy, tức đi đến ngưỡng cửa của bản thể chính người vẽ. Bước qua, là vào đến bản thể của cả vũ trụ…”. Nó tinh nghịch trêu “Ai dạy mi thế! Tao chỉ thấy cành trúc này thật gầy gò. Sao mi không giục nó ăn như mi giục tao?”. Tôi đỏ mặt, định cãi, nhưng rồi thôi, lảng “…Tao chỉ định góp ý cho cái dự án tốt nghiệp của mi. Bọn học cùng lớp nói là Ðại học đề nghị cho mi giải thưởng của Thống Sứ Toàn Quyền Gouverneur, nếu như cái projet đó được điểm ưu…”. Trừng mắt, Félicia xẵng “Nghệ thuật không cần giải thưởng! Mi nói lung tung”. Thấy tôi tiu nghỉu, nó nắm cườm tay tôi, dịu giọng “Rồi mi xem. Éphémère. Phù du lắm. Chỉ một giây là hết. Sau cái đoạn kết đúng có tích tắc đó, cái bề ngoài vật chất thăng hoa. Tao đã nghĩ kỹ rồi. Một cành trúc gầy không có sức biểu hiện đoạn kết đó!”. Choàng tay lên vai tôi, nó tiếp như để an ủi “Mi sẽ là người đầu, và có thể cũng là người cuối cùng xem cái tác phẩm đó. Tác phẩm nào cũng đèo ngay định mệnh trong cả phần hồn lẫn phần xác của nó”.

Phải có cái projet bí ẩn của Félicia tôi mới khám phá ra sự tương phản giữa cá tính bên trong với cái bề ngoài của nó. Nó để tóc dài và chỉ mặc váy chứ không mặc quần bò Levis. Nó ít nói, rụt rè và khi nói thì nói nhỏ nhẻ với tất cả mọi người. Thế là tôi cứ mường tượng nó như những em gái Trưng Vương, ngay cạnh hông Sở Thú, những em tóc cũng dài, mắt cũng nhìn xuống e lệ, tay níu vạt áo xanh dương bay tốc lên trong gió sớm. Nhưng tôi nhầm. Cũng như tất cả những kẻ xung quanh nhầm. Ðúng, nó chăm chỉ, tỉ mỉ, làm gì cũng kêu “Chưa, vẫn chưa hoàn hảo. Pas encore parfait”. Ðúng, nó ăn nói dịu dàng. Không, không phải thế, nó có nói gì với ai đâu. Chẳng nhẽ dịu dàng lại có thể chỉ là dư âm của sự im lặng. Không, cũng không phải thế. Và pas-encore-parfait là cụm từ đầy hiểm nghèo. Ði tìm sự hoàn hảo không phải là một cuộc phiêu lưu vô định hay sao?

Nó mất cả tháng, kiện lên đến Khoa trưởng, nhất quyết thể hiện cái projet mà đám thầy, bà của nó cứ quầy quậy lắc đầu. Nó không chịu vẽ, nặn tượng, hay dệt vải, làm đồ gốm… rồi trưng trong đại sảnh của Ðại học như mọi sinh viên tốt nghiệp. Nó vẫn thưa gửi dịu dàng đủng đỉnh, không, nó nhất định không làm giống mọi người vì nó bảo sợ nhàm. Nó muốn thể hiện một tác phẩm có định mệnh. Phương tiện là médium, là môi giới. Médium của nó phải khác. Và thầy, bà lẽ ra là phải khuyến khích nó chứ. The medium is the message. Môi giới chính mới lại là thông điệp. Nhưng thầy, bà sợ cái mới. Sợ cái việc phải mặc áo quần mùa đông để ra khỏi đại sảnh chấm điểm tác phẩm của nó. Thầy, bà lắc đầu, than “Con bé thật dị!”. Nhưng rồi thầy, bà cũng phải chịu. Bà Khoa trưởng nhắc bốn năm nay điểm gì nó cũng hạng nhất. Và Ðại Hội Ðồng của Viện Ðại học đã trót đề nghị tên nó cho giải thưởng của Gouverneur Général, Thống Sứ Toàn Quyền, một giải thưởng lớn nhất cho sinh viên tốt nghiệp trên toàn đất Canada.

 

***

Kể từ dịp nghỉ lễ Giáng Sinh, Félicia lao mình vào cái projet đó như thiêu thân bắt được ánh đèn. Nó không ăn. Mỗi đêm chỉ ngủ năm tiếng, sáng dậy là cặm cụi dùng kìm uốn những sợi giây thép thành xương, thành sườn cho những mẫu hình người có, vật có, cây cối cũng có. Rồi nó nhào một loại bột như thạnh cao vào với đất sét.

Mua cho nó khúc thịt nguội và bánh mì, tôi mang đến phòng nó ở cư xá. Nó lẳng lặng đặt tất cả lên bàn, không nói không rằng, lại quay vào công việc. Nhìn lên tường, tôi sững người. Không hiểu nó cắt từ đâu toàn hình ảnh trẻ con Phi Châu bị đói ăn, mắt đứa nào đứa nấy sâu hoắm, nhưng long lanh khiến cho đầu chúng trông phình ra. Những cái đầu lâu sống động. Tôi nhìn Félicia. Vai nó gầy gò nhô lên. Tôi chợt nghĩ đến con vạc. Như cánh vạc bay là mi đấy à? Tôi dịu dàng “Tao mang về cho mi ăn. Không phải để mi bỏ đấy, thịt thiu rồi mi lại vất đi như những lần trước!”. Nó ngước mắt, nhìn rồi lẩm nhẩm chỉ có thế mà tính ra những 2000 calori. Ðầu gật gù trông như phình to trên đôi vai mỗi ngày một cao lên và nhọn đi tựa chông vót, nó với lấy một miếng bánh, cố nhấm nháp rồi bảo “Thôi, P’tit-corps! Ðừng mua gì cho tao ăn. Thế này là đủ một hai ngày rồi… Có lẽ tuần sau tao sẽ làm xong cái projet. Tao nhờ mi khênh đi hộ và giúp tao ba cái việc tưới nước”. Tôi thốt “Tưới nước? Mi có điên không?”. Không đáp lời tôi, Félicia ra kéo tấm vải đậy một bức tượng làm bằng bột thạch cao trộn với đất sét trắng. Tượng nặn một đứa gái và một con chó sói. Ðứa gái to bằng người thật, tóc dài, trần truồng, ngồi co hai đầu gối lên, một tay làm dấu thánh giá, tay kia chìa ra vuốt ve đầu con chó sói mình chúi xuống, đuôi cong ngược về phía sau, mõm nghếch lên nhe nanh ra chực cắn. Tôi lùi một bước, hoảng hốt “Gì thế? Phù du chỗ nào? Sống trong mùa đông mà thế à?”. Félicia nhìn tôi cười bí mật. Nó bảo “Tao bỏ tượng vào lò nướng cho khô một tí rồi mới quét màu lên. Màu sẽ là màu nước, pha thật loãng cho nó giống thủy mạc phương Ðông để mi vui lòng, P’tit-corps ạ!”.

 

***

Sang giêng, tuyết đã phủ trắng một thành phố cứ choãi ra, im lìm, xa vắng. Khi khói lò sưởi lượn lờ trên nóc những mái nhà không bốc lên nổi trời cao để tan biến đi là những lúc lạnh nhất. Âm 20 độ C là ít, và có gió thì thành âm 30, âm 40. Gió thốc cái lạnh như thốc cả trăm mũi kim châm vào da mặt tê cứng không cảm giác sau chừng năm ba phút ra đường. Gió thế, người co lại, gập xuống, trong áo ngự hàn với nào là mũ, găng, khăn quàng, toàn thân xù ra như loại gấu lông xứ lạnh. Tôi lập cập chúi đầu bước, răng đánh vào nhau, miệng làu bàu rủa trời mắng đất. Félicia lạnh lùng “Ăn thua gì, P’tit-corps. Cái âm trong lòng mới đáng sợ. Xem mấy bức ảnh tao dán trong phòng, mi sẽ thấy!”. Tôi ngạc nhiên. Nó đủng đỉnh “Trẻ con ở Biafra khi chết đói mắt vẫn mở, mồm há, răng nhe ra như cười. Còn cái bụng, cái bụng trẻ con chết đói là phình ra tròn vo. Ở đây, mi, tao, và mọi người mở T.V. coi những hình ảnh như thế, ngày nọ qua ngày kia, thì trong lòng âm bao nhiêu độ C? P’tit-corps, thế giới nay ào vào hiện diện trong phòng khách mọi nhà. Chiến tranh Việt Nam với những cảnh thịt da bốc cháy lửa bom xăng đặc, và cơn đói Châu Phi với những cặp mắt con ngươi lồi ra, long lanh chất axít cồn cào của dạ dày bỏ trống. Những hình ảnh đó chập chờn hàng ngày ám ảnh. Tao tự hỏi, lòng con người có thể đạt đến độ âm nào? Cái độ âm tuyệt đối ở đó mọi sự sống không còn ư?”. Ðột nhiên, Félicia đổi giọng, đay nghiến “Tao ích kỷ. Mi cũng vậy, P’tit-corps. Thật tội nghiệp!”, và nước mắt ứa ra. Ðó là lần đầu trong ba lần tôi thấy nó khóc.

Một sáng sớm đầu tháng hai, Félicia gọi điện thoại “Mi đến giúp tao nhé!”. Chúng tôi lấy xe chở bức tượng đến Ðại học. Félicia đã chọn một chỗ đặt tượng ngoài trời. Cũng chính cái ý này mà thầy, bà trong khoa Mỹ Thuật ban đầu không chịu cái projet của nó. Họ bảo, nếu muốn xem tác phẩm mà phải choàng áo dạ, đi ủng, trùm mũ len và đeo găng tay thì có được ai? Nhưng Félicia nào phải là đứa thiếu thông minh. Nó chọn khoảnh đất khá bằng phẳng ngay cạnh cầu thang dẫn lên Ðại học, xung quanh là những cây phong rụng lá nằm thoai thoải dốc đồi. Nó cười đắc thắng “Muốn vào Ðại học lối này là phải xem. Éphémère, không muốn xem cũng chẳng được!”.

Chúng tôi lấy chân dậm cho tuyết chắc lại trong một chu vi rộng độ hai chục bộ rồi mang nước tưới lên, băng dần dần đóng lại bóng loáng, hệt như mặt hồ vào mùa đông. Ðến khi hài lòng, Félicia mới mang bức tượng khỏi xe, tay gỡ mảnh vải trùm lên, răng lập cập đánh vào nhau vì lạnh. Tượng đứa gái đập vào mắt tôi: bây giờ, Félicia đã quệt lên mớ tóc dài màu hung hung đỏ, và cặp mắt, ôi cặp mắt xanh màu da trời, xanh và trong, trong suốt, nhìn không thấy được chiều sâu, hoặc giả có chiều sâu nhưng sâu hun hút, sâu đến tận vô cực. Màu da, màu da mới lạ, nửa ửng hồng, nửa tím nhợt nhạt, màu tím uốn rồi gãy theo khớp xương, xương sống, xương sườn, xương chân, xương cùi chỏ, xương đầu gối, xương lõm vào, xương lồi ra, uốn éo theo hình thể những bức ảnh treo trên tường trong phòng Félicia, ảnh của bọn trẻ ở Biafra bị bỏ đói. “Mà này – tôi hỏi, giọng thất thanh – Félicia ơi, tại sao bụng nó lại tròn tròn trên cái cơ thể gầy gò cong queo này”. Félicia đáp “Rosemary có chửa, mi quên rồi à? Rosemary trong phim của Polansky đấy. Nó chửa, và cái bào thai trong bụng có thể là con của quỉ Sa-tăng”. Cúi xuống, tôi nhìn kỹ khuôn mặt đứa gái. Trời ơi, tôi kêu “Tượng mi ư? Sao miệng mi há ra như đang thét lên?”. “Không, tao có thét đâu, tao chỉ bảo con sói nhe răng định cắn rằng nhỡ cái bào thai tao mang đây là con của Chúa thì sao?”. Tôi lùi lại. Răng con chó sói nặn bằng thạch cao được tô màu bích biếc. Còn mắt nó, đỏ hỏn, rừng rực lửa. Toàn là loại màu có lân tinh sáng lung linh, rờn rợn ma quái. Tôi thốt lên “Trời ơi! Cái gì phù du ở đây?”. Félicia cười nhạt, sẵng giọng “C’est à suivre, để hạ hồi hẵng hay… Dẫu con Chúa hay con Sa-tăng thì kết cuộc cũng phù du, cũng éphémère thôi!”. Nói xong, Félicia với xô nước, nâng lên rồi xối xuống tượng đứa gái và con sói. Tôi hoảng hốt hỏi “Mi làm chi vậy?”. Nó không đáp, tiếp tục xối nước, mắt tập trung vào công việc như bị thôi miên, miệng mím lại. Nước đông lại, từng lớp băng dần dần đóng quanh bao bọc bức tượng. Gió ở đâu bất ngờ thổi. Hai đứa cùng quay lưng ngược chiều gió, tay kẹp lấy vạt áo lạnh, khom người che mặt. Félicia run rẩy. Khi nhúng nước, cái lạnh là lạnh buốt hệt như thuốc tê khiến tứ chi mất hết khả năng cử động bình thường. Nó nhìn tôi cầu cứu. Tôi tiếp xô nước, xối như nó, đợi từng lớp băng đóng vào bức tượng. Cứ thế, chẳng nói chẳng rằng, tôi ngưng thì nó tiếp. Ðến quãng ba giờ trưa, lớp băng bọc đã dày độ hai milimét. Như mê mụ bởi lớp pha lê óng ánh phản chiếu màu nắng và màu trời thỉnh thoảng lại hiện lên dăm sắc cầu vồng, tôi nghiến răng chôn bức tượng vào lớp đá lạnh, xối nước như cái máy tự động cho đến lúc Félicia giằng xô nước đẩy tôi ra. Nó bảo “ Thôi…được rồi! Hệt như là verglas, mưa băng mùa đông. Ðấy, chẳng nghệ sĩ nào vượt quá được thiên nhiên – nó ngửng mặt tiếp – lạy Chúa, xin vinh danh Người! Quả là có thế thật!” rồi bật cười tự chế giễu.

Chúng tôi lùi ra xa ngắm bức tượng bọc băng lóng lánh dưới nắng mùa đông. Félicia cắm biển bằng gỗ, chữ kẻ màu nâu “Éphémère: Vivre en hiver” rồi quay nhìn tôi, mặt tím ngắt vì lạnh, lắp bắp “Ça-y-est! P’tit-corps. Xong rồi. Bây giờ về. Mi ôm tao cho ấm. Tao phải ngủ, có được không?”.

 

***

Lấy tấm chăn đắp lên người tôi, Félicia mơ màng “Lại nhớ hôm mang Éphémère ra đặt cạnh cầu thang Ðại học. Tao lạnh đến độ chân tay cóng đến không còn cảm giác gì nữa. Chắc mi cũng thế, phải không?”. Thì chắc chắn vậy. Nhưng tôi chỉ bậm môi, dìu Félicia vào phòng tôi. Lấy tất cả chăn gối ra, tôi đắp lên mình nó, rồi tôi xoa dầu nóng, lọ dầu con hổ bằng thiếc sơn đỏ bé bằng hai đầu ngón tay tôi mang theo từ ngày rời Sài Gòn. Tôi xoa lên năm đầu ngón tay, năm đầu ngón chân, lên ngực nó, xoa rồi tôi bóp tay, bóp chân, vuốt ngực, vuốt vú nó. Nhắm mắt, nó thỉnh thoảng rên nhè nhẹ, mái tóc hung hung đỏ đổ ra mặt tấm drap trắng như một vũng máu đang đông lại. Tôi rúc người vào trong chăn, ôm nó, lòng chập chờ một nỗi thương xót hoang mang, tay vuốt ra những khớp xương đang ấm lại dần, đầu mơ màng bất định. A, con bé! Mi gầy như Rosemary, bức tượng đang chịu lạnh, cái lạnh âm 10 độ C ngoài kia.

Giọng Félicia lại vọng lại từ một quá khứ xa xăm “Mi biết chứ? Mấy hôm sau tao ngày nào cũng ra xem những người đi qua nhìn bức tượng. Có kẻ bĩu môi. Có kẻ dửng dưng. Có kẻ dừng bước, chăm chú nhìn, rồi ngày nào đi qua cũng lặp lại một động tác. Dừng chân, nhìn, khe khẽ lắc đầu tiếp tục đi. Báo Quartier Latin của sinh viên viết rằng bọn học Mỹ Thuật làm triển lãm tốt nghiệp Ðại học trong Hall, riêng có bức tượng Éphémère:Vivre en hiver là đặt ngoài trời. Tượng cóp nhặt dấu ấn của phái Expressionisme, nhưng Vivre en hiver thì dễ thấy chứ Éphémère là sự bịa đặt cốt thu hút chú ý của người thưởng ngoạn. C’est de la tromperie – đó là giả trá. Ðấy, chúng nó viết như vậy, tỉnh bơ, phán như lời Chúa phán. Bọn học cùng lớp bảo tao, mi phải viết trả lời bọn nó, giải thích Éphémère là thế nào, chứ để chúng nói lung tung thế sao? Tao không viết, đáp cứ chờ, đâu cứ phù du là phải phủ nhận thời gian, cái chiều thứ tư phải thêm vào không gian ba chiều mắt nhìn không thấy. Một đứa năng nổ gọi điện thoại cho báo chửi chúng hồ đồ và lặp lại lời tao bảo là hãy kiên nhẫn đợi. Báo liền bồi thêm một bài ngắn vài chục chữ, Éphémère là phải đợi à? Une contradiction dans les termes! Một sự mâu thuẫn tự tại. Ha, ha – Félicia bật cười – chúng không chờ được, cái bọn hãnh tiến huyễn hão, bọn vaniteux. Nhưng trớ trêu, thật trớ trêu, chính hai cái bài báo đó đã khiến không biết bao nhiêu người tò mò đến xem bức tượng. Còn bức tượng, ánh sáng ban ngày thay đổi khiến màu sắc bỗng chuyển động hệt như sinh vật có sức sống bên trong. Ðứa gái tóc hung trần truồng lưng dựa vào gốc phong, mồm há ra kêu thét, mắt xanh trong, ngồi co chân lên, bụng có mang cong tròn, một tay làm dấu thánh giá, tay kia xoa đầu con chó sói lông xám, mắt đỏ màu lân tinh nhe răng xanh biếc ra chực cắn, chực xé, ven một cái hồ đông đá bóng loáng. Rồi họ viết, kẻ khen, người chê. Kẻ “nhìn” thấy Éphémère, người không. Kẻ cho là expressioniste, người lại bảo đó là hiện thực, thậm chí siêu-hiện thực. Rồi chê nhau, dè bỉu cho đến chửi nhau, và đôi khi quên hẳn đi bức tượng. Trong khi đó, con chó sói chỉ chực vồ Rosemary. À, mi có hiểu tại sao tao bảo con sói là của Perrault không? Con sói giả làm bà già định vồ con bé quàng khăn đỏ đấy. Lần này, sói hiện nguyên hình. Nhưng không có ông thợ săn vào đến cứu Rosemary cả. Chuyện đời không phải là cổ tích kể cho nhau nghe để an lòng. Niềm an lòng nếu có được đến từ đâu? P’tit-corps, từ đâu hả mi? A, nỗi phù du. Hiểu thế, có an lòng được không? Tao không biết. Tao cố nghĩ là như thế. Nhưng sao hình ảnh những đứa bé bụng ỏng chỉ da bọc xương ở Biafra cứ ám ảnh tao từng giây từng phút, hả mi? Phù du là đời sống, cớ gì tao lại để hình ảnh sự phù du ở Phi Châu trên màn ảnh T.V. vô hồn kia nó làm tao lợm giọng buồn nôn mỗi lần tao thấy đồ ăn thức uống ê hề ở xứ này?”

 

***

Mùa Xuân năm ấy đến sớm hơn lệ thường. Mới giữa tháng ba tuyết đã bắt đầu tan, chim chóc trốn cơn đông giá đã bay về rừng phong, tiếng hót ríu rít gọi nhau nghe vang một góc đồi, sà xuống đậu trên vai Rosemary vẫn trần truồng trong buốt giữa lớp pha lê băng đóng. Con sói nhe răng ra từ gần hai tháng vừa qua hình như vẫn đe dọa lũ chim. Chúng chờn vờn, bay qua bay lại như thử thách, nhưng khi đáp xuống chúng vẫn tránh cho xa, lảng vảng đâu đó xung quanh, rồi hốt hoảng cùng nhau bay tuốt lên cao mỗi khi gió động thổi rơi một nhánh phong khô còn mắc lại trên cành cao, tiếng rơi rất nhẹ, lắm khi tưởng mơ hồ như tiếng cục cựa của loài sóc đã thỉnh thoảng chui ra từ những hốc cây bí ẩn.

Félicia thở dài ngước nhìn trời. Sao mi lại thở dài khi mùa Xuân đã trở về? Nó bảo “Đã đến phút cuối cùng của một đoạn kết!”. Lạ nhỉ, mi có điên không? Không, nó cười buồn, tay gỡ những sọi tóc hung hung xòa xuống mặt rồi lẳng lặng đi đường vòng, tránh theo lối cầu thang, nơi bức tượng Ephémère: Vivre en hiver đang hóa thân để mang hết ý nghĩa của đoạn kết một tác phẩm.

Lớp băng bao bọc bức tượng chảy thành nước khiến thạch cao và đất sét chỉ được nướng qua nay nhẽo ra, chảy dài, hình thể chùng xuống mặt đất như căng kéo bởi một sức hút đồng tâm khủng khiếp. Nước chảy làm màu vẽ trên bức tượng lem nhem, những sợi tóc hung hung của Rosemary nay đỏ đục như máu ứa ra từng vệt kéo hằn lên vết thương bổ dọc. Còn mắt Rosemary, màu mắt xanh trong nhòe nhoẹt lem luốc đỏ ứa ra nhỏ xuống từng giọt, từng giọt. Những giọt nước mắt, mỗi một giọt lại đục vào thạch cao, làm nhão thịt da, bắt đầu là hai gò má loang lổ, lõm vào, rồi trống hốc trống hoác phơi dần ra những sợi giây thép kết lại làm chỗ dựa cho khuôn mặt khi xưa, những sợi giây thép quăn queo, nhô lên, oằn oại, túm tó vặn vẹo lấy nhau. Hai ngày sau, thịt vai, thịt ngực cũng nhẽo dần, chảy ra bầy nhầy, vừa trắng vừa đỏ. Rồi đến bụng. Bụng Rosemary bây giờ là một túm dăm sợi giây thép cuốn vòng, rỗng không. Rỗng tuột. Rỗng tuếch, chẳng đèo bòng được cả con của Chúa lẫn con của Sa-tăng, không hề có dấu vết gì của sự sống. Rosemary hóa thân thành một đống giây thép có đủ xương sọ, xương sống, xương sườn, xương tay, xương chân. Con sói của Perrault cũng mất hết da hết thịt. Màu xanh răng nanh, ánh đỏ cặp mắt sói giờ trộn lẫn vào màu xám của lông, đổ dài một vũng sền sệt dưới chân cái khung giây thép xoăn cong, có gọi là sói hay gọi là bà nội của cô bé quàng khăn đỏ cũng chẳng một ai còn phân biệt được.

Bọn học truyền hình trong khoa Mỹ Thuật mang máy ra quay với vận tốc chậm. Tác phẩm của Félicia vữa ra, rã xuống thành một đống giây thép được ghi hình, hiện vẫn còn nằm trong kho lưu trữ của phân khoa. Báo Quartier Latin hết lời xin lỗi và đòi phỏng vấn Félicia. Nó từ chối. Truyền hình của bang Québec mò đến điều đình mua lại bản quay của Khoa và rình rập thế nào tóm được Félicia, giới thiệu nó như một mầm non đầy triển vọng trong nghệ thuật tạo hình. Nó nói rất ít, chỉ lặp đi lặp lại “Tác phẩm nào cũng đèo ngay định mệnh trong cả phần hồn lẫn phần xác của nó”. Từ ấy, nó trốn biệt. Dĩ nhiên là sau nó được giải thưởng của Gouverneur, nhưng ngày trao giải và bằng cấp, nó bảo nó bệnh, không đến lấy. Giải thưởng gửi cho nó là một ngân phiếu hai nghìn đô. Félicia chuyển cho Hồng Thập Tự Quốc Tế, chỉ ghi đằng sau “Xin mang đến cho những đứa trẻ bị bỏ đói ở Biafra!”.

 

***

Tôi có linh cảm Félicia bệnh thật. Tuyết tan và mùa Xuân đã về, nó nhờ tôi đến dọn dẹp. Vào một tối có trăng, Félicia mang hai bao rác bằng giấy nhựa ni-lông màu xám xỉn đến cạnh cầu thang nơi đặt bức tượng. Tôi ngồi cạnh nó, im lặng, mặc cho nó gục vào vai tôi thút thít khóc. Chung quanh, bọn sóc đã ra kiếm ăn, chạy sột soạt khắp nơi. Ôm vai nó, tôi không kiềm được, nói nhỏ “Félicia ơi! Có lẽ… có lẽ tao yêu mi thật!”. Nó đưa tay bịt mồm tôi lại, nói như điên như dại trong nước mắt “P’tit-corps, bụng của Rosemary trống rỗng, không có mầm sống, và chẳng có gì khỏa lấp được để nảy ra xanh tươi, như một định mệnh…”. Rồi nó đứng dậy, vội vã quơ mớ giây thép bỏ vào hai bao rác, miệng mím lại kìm những tiếng nấc, người lênh khênh chao đi như chực ngã trong bóng đêm xanh nhợt dưới ánh trăng.

Chúng tôi mang hai bao ni-lông bỏ vào lò thiêu rác của cư xá. Félicia bật miệng “Như là lò thiêu người của bọn Nazi”. Tôi chưa biết nói gì thì nó lặp lại “Tác phẩm nào cũng có định mệnh của nó – rồi tiếp – Tao là tác phẩm của Sa-tăng hay của Chúa hả P’tit-corps?”, giọng như lạc vào một nơi không còn gì để bấu víu. Tôi hoảng sợ, ôm chầm lấy nó. Nhưng nó gỡ tay tôi ra, vuốt lại mái tóc hung hung đỏ tràn đổ xuống bờ vai gầy, và dịu dàng nói “Cứ bình tĩnh, P’tit-corps, phải bình tĩnh!”.

 

***

Hạn chót cho những kẻ không học khóa hè là cuối tháng tư phải rời khỏi cư xá sinh viên. Những ngày cuối xuân hối hả như cây cỏ, mọc cho nhanh, thật nhanh, để kịp sống một mùa hè có dài thì cũng chỉ đến tháng tám là hết. Bấy giờ, những nụ non xuyên tuyết màu lơ nhạt đã héo dần, để chỗ cho đám hoa crocus tím, vàng nhô ra khỏi mặt cỏ xanh rì mượt mà sắc non của ngọc bích. Sáng sớm, mặt trời chói lòa hắt xuống nhân gian tất cả sức nóng vừa sớm qua đông, cái sức nóng đủ ấp cho đám gà non có sức đạp vỡ cái vỏ trứng mỏng mảnh để chui ra chiêm chiếp kêu nỗi mừng một chân trời tự do mới mở. Tung những hột lạc cho đám sóc non bé bằng nắm tay tung tăng quanh gốc những cây phong đang nẩy lá, Félicia reo lên khi tôi đến. Nó vừa đứng dậy, vừa cười “Bonjour, P’tit-corps! Mi phải dậy sớm thế vì tao, tao đền cho mi cái chi đây?”. Tôi nắm tay nó, lắc và bảo “Dễ lắm. Ðền cho tao, thật dễ! Mi xem, một thằng đực mới nhấp nhỉnh trên hai mươi như tao, cái gì là… là cần nhất?”. Nó tru mỏ, tinh nghịch “Ăn, ăn để lớn. P’tit-corps, mi biết, không có sức khỏe chẳng làm gì được!” rồi bất ngờ nó víu đầu tôi hôn lên môi, một cái hôn vội, nhưng là cái hôn đầu. Tôi ngỡ ngàng. Bối rối, tôi ậm ừ ngờ nghệch “Bây giờ lên khênh đồ xuống, phải không Félicia?”.

Bỏ lên xe mấy cái vali, hộp giấy đựng toàn sách vở, Félicia vào ngồi cạnh tôi. Xe lên xa lộ Métropolitain, lấy đường 40 chạy về phía đông rồi bắt đường 15 ngược lên phía bắc. Qua St- Jérôme, đi thêm một lát là tới một cái làng nhỏ nơi gia đình Félicia trú ngụ. Tôi cho xe đi chậm lại, quẹo trái, nghe Félicia nói “Xuống đến cuối cái dốc là nhà tao!”. Nó dặn dò “Bố mẹ tao là những người đơn giản nhất thế gian này. Ðừng ngại. Tao điện thoại về đây, bảo tao sắp đính hôn – rồi nó cười khúc khích, cấu tay tôi, tiếp – vì… tao đang có chửa!”. Bà ta nghe tiếng xe là mở cửa chạy ra reo, chúng nó đến rồi! Béo tròn, bà lịch bịch như một quả dưa hấu trong bộ quần áo rộng thùng thình màu lam, tay đưa ra bắt tay tôi, giọng vui vẻ “Bienvenu!”. Vào đến salon, ông ta ở bếp đi lên, chào tôi ngượng ngập, và lúng túng bắt chuyện. Chuyện thì cũng chỉ có thế: đến Canada bao giờ? Mùa đông lạnh nhỉ? Còn Việt Nam, tội nghiệp quá, cứ chiến tranh mãi! Liệu về hay ở lại? Ở lại đi, đợi chiến tranh chấm dứt đã. Bao giờ? Không biết! Nghe đâu là sẽ có hòa đàm ở Paris? Dạ. Vâng. Je n’en sais rien! Merde. Tao nào biết gì! Cứt! Pauvre garçon, il a air si jeune! Tội nghiệp, nó trông trẻ thế! Cám ơn, ai khiến bây tội nghiệp tao. Ăn đi, món này là tourtière, chấm với ketchup. Ông ta vẫn ngượng ngập, nói nhưng mắt cứ nhìn đâu đâu. Bà ta ăn, ăn ghê quá. Cứ tiếp tục ăn. Rồi tráng miệng. Ăn tarte nhé. Tarte aux pommes [16]. Félicia mỉm cười. Về đến nhà, không biết sao nó vẫn chẳng tự nhiên chút nào, vẻ lại buồn buồn như có chiều chịu đựng. Nó nhăn mặt chỉ đụng vào bát vào đĩa như góp mặt chứ không ăn không uống gì. Khi ra khỏi bàn, nó như đứa sổng tù.

Félicia kéo tôi ra ngoài, chỉ về phía rừng phong, miệng ríu rít “Tao chỉ cho mi chỗ riêng của tao, chỉ tao biết, và bây giờ thì có thêm mi. Lại đây, tu viens, P’tit-corps?”. Nó chạy băng qua đường. Tôi đuổi theo. Bóng nó thấp thoáng trong những tàn cây xanh um, chợt hiện, chợt ẩn, rồi bỗng như tan biến đi như một làn khói mỏng giữa khu rừng gió khua lá động. Tôi cất tiếng gọi “Félicia! Félicia!”, văng vẳng nghe tiếng nó trả lời. Chạy một quãng, tôi đến ven một cái hồ, nước trong văng vắt. Trước mặt là núi. Núi không cao lắm, nhưng vách dựng đứng, nhấp nhô đá tảng nhọn hoắt chọc lên trời. Tôi lại gọi, chân men theo bờ, vạch lá đi tới. Bên tai tôi, tôi thoáng nghe nó gọi “P’tit-corps”.

Ngồi dựa vào gốc cây bouleau có lẽ già cả trăm năm, Félicia nhìn lên, mắt óng ánh nắng vàng. Nó bảo “Cái cây này là chỗ quen biết từ khi tao mới bảy tuổi. Lại đây…”. Nó thò tay vào hốc vừa lôi vừa nói “Xem này, con gấu nhồi bông của tao, tên là Nounou. Hồi đó mẹ tao bỏ cả ngày đi tìm Nounou, rồi gọi điện thoại đến nhà hàng xóm hỏi xem tao có quên Nounou khi sang chơi không?”. Nó phá lên cười ‘’Nhưng mẹ đâu có biết là Nounou đã tìm thấy một chỗ trú ẩn rất bí mật!”. Tay chỉ vào hốc cây, Félicia tiếp “… thế là ai cũng bảo Nounou mất tích. Chỉ một mình tao biết là không, một mình tao lẻn ra nói chuyện với Nounou. Hôm nay, tao giới thiệu, đây là P’tit-corps – tay nó chỉ tôi – và còn đây, đây là Nounou, bạn tao!”. Tôi đến ngồi cạnh Félicia. Nó đưa Nounou vào tay tôi nói rất tự nhiên, nói như thật, tay chỉ trỏ “Chúng mày phải tử tế với nhau. Ngoài chúng mày, tao chẳng còn một ai để yêu thương, chúng mày nên biết như vậy!”. Nghe rồi nhìn Félicia, tôi thoáng một chút hoang mang. Từ hoang mang, tôi dần dần hoảng sợ. Có phải đây là Félicia, đứa sinh viên làm bức tượng Éphémère tiếng tăm nổi lên ầm ĩ với câu ”Tác phẩm nào cũng đèo ngay định mệnh trong cả phần hồn lẫn phần xác của nó”. Không. Không phải vậy, Félicia bây giờ hình như nhỏ lại thành một đứa con nít lên năm, lên bảy ở ven cái hồ nước trong vắt, trước mặt là vách núi dựng đứng, chon von, nghiêng ngả như sắp ngã sập xuống, và sau lưng là gốc cây bouleau, thứ cây mình mẩy như mạ ánh bạc sáng loáng những ngày đầu một mùa hè vừa chớm.

Chúng tôi đi ven hồ, qua đến chân vách núi trước mặt. Qua đông, những nốt tàn nhang đã loáng thoáng trên da mặt Félicia nay như hồng lên, mớ tóc hung nhìn mượt mà hẳn ra, và nhất là cái mùi, cái mùi nồng nồng ngai ngái ám ảnh cứ xông lên trêu chọc kích thích khứu giác. Xế chiều, chúng tôi về đến nhà. Ông ta lại ngượng nghịu, lúng túng. Còn bà, bà ta lại tiếp tục mang ra nào là chocolat, nào là nước ngọt, và rồi ăn, rồi uống. Félicia bĩu môi vẻ không muốn bị làm phiền. Còn tôi, tôi nhấm nháp mỗi thứ một chút. Ghé vào tai tôi, Félicia thì thầm “Maman tao bị bệnh. Chứng cứ phải ăn. Boulemique đấy! Tao có mang ảnh những đứa bé ở Biafra về. Treo lên xem còn ăn được nữa không?”.

Sau bữa cơm tối, mọi người rủ tôi đánh bài belotte. Tôi không biết trò này, ai nấy tiu nghỉu. Félicia bảo “Nhường phòng tao cho mi nhé! Tối nay ngủ lại cho vui!”. Bà ta cũng ân cần nài nỉ. Còn ông ta, ông cứ lúng túng, gật gật cái đầu tóc xù ra, miệng chỉ lặp tới lặp lui, phải đấy, dĩ nhiên, “Mais oui, oui!”.

Xa thành phố, đêm có tiếng dế nỉ non. Tiếng lá xào xạc. Tiếng gió. Rúc đầu vào gối, tôi hít hà, cái mùi ngai ngái gây gây bám vào mơ hồ đâu đây. Ðầu óc như mụ mị, tôi chìm vào một giấc ngủ. Cứ thế, tôi ngủ mê mệt cho đến lúc quay người lại thì không biết từ lúc nào Félicia đã vào nằm ngay bên cạnh. Tôi khẽ gọi tên. Nó không trả lời. Tôi úp mặt tôi vào mớ tóc hung, tim co thắt một nhịp đập lạ lùng, choàng tay ôm lấy cái thân thể con gái sợ nó sẽ tan biến đi như trong đoạn cuối những câu chuyện Liêu Trai. Félicia, Félicia. Tôi nhẹ nhàng mở từng nút áo ngủ, tay xoa lên bụng, lên ngực, vuốt ve, trìu mến, miệng thì thầm Félicia, Félicia. Nó vẫn im lặng, bất động. Tôi đưa tay lên mũi nó. Nó thở. Nó vẫn thở cơ mà. Tôi lại mơn trớn, và nói. Có lẽ tôi nói rằng tôi yêu. Tao yêu mi Félicia, mi biết thế chứ? Rồi tôi đặt môi tôi lên mắt, lên má. Tôi rúc vào cổ. Tôi trườn xuống hôn ngực. Tôi liếm dọc khớp xương sườn. Félicia! Félicia! Tôi kéo cho chân nó dạng ra, mặt úp vào cái khoảng mềm mại rậm rạp tơ xuân. Mùi, lại cái mùi gây gây nồng nồng, cái mùi kéo tôi vào nơi âm hoang nhớt nhát nhiệt đới. Félicia. Félicia. Nó vẫn im lặng. Nó vẫn bất động. Tôi thò tay lên mặt nó. Nước mắt. Mặt nó chan hòa nước mắt. Nó khóc nhưng thân thể nó lạnh băng như một khúc cây cằn cọc không có đời sống. Félicia! Tao đây. Nó vẫn bất động. Nó trơ trơ ra. Sự chết à? Tao đây, Félicia! Hãy đánh thức bản năng dậy. Hãy để tao lôi mi vào những sự bí ẩn vô cùng tận của đam mê xác thịt. Hãy cho tao làm người đàn ông. Cái lạnh lẽo vô hồn của thân xác mi chẳng khác gì mang thiến tao đi, mi biết không? Không. Nó vẫn bất động. Mi, mi sao vậy?

Tôi vùng dậy. Bắt đầu là bẽ bàng. Và cơn giận bất ngờ trào ra như bọt mép một cơn động kinh. Tôi nhổ xuống. Bãi nước bọt trên mặt nó lại khiến tôi càng bẽ bàng. Bấy giờ tôi cũng im lặng. Chỉ độc có cách là im lặng. Còn Félicia, nó vẫn bất động, lạnh ngắt như một xác chết. Sự bất lực trâng tráo như cú đấm thẳng tay làm nảy đom đóm mắt, choáng váng đầu, tứ chi nhũn ra, thân người lặng đi rồi nặng chịch rơi vào một nơi u tịch. Tôi mặc vội quần, mặc vội áo.

Mở cửa, xuống thang tôi ra xe. Tiếng xe nổ máy khiến bố hay mẹ Félicia dậy bật đèn, ánh sáng thoáng hiện hắt qua khung cửa sổ. Tôi đạp ga. Xe lên hết con dốc, tôi quẹo phải, chạy thẳng ra xa lộ. Ðêm xa thành phố đen tối như mực. Nhưng đen tối nào che khuất được nỗi bẽ bàng đeo đuổi khiến về sau, cứ mỗi lần đầu chung chạ với một người đàn bà lạ, tôi lại rùng mình, sợ gặp phải Félicia, một Félicia vô hồn bất động, mặt chan hòa nước mắt bỏ bơ vơ những cái hôn bẽ bàng trên cơ thể cạn kiệt tiệt cùng sinh lý.

 

***

Sự bẽ bàng đêm nọ ám ảnh. Nó là nỗi xấu hổ của mình với chính mình. Và rồi hoang mang. Mi, thằng đàn ông bất lực, không đánh thức nổi bản năng một con đàn bà. Mi, P’tit-corps, mảnh khảnh èo uột đến từ một nước thiếu ăn, mi làm gì có được thân hình lực sĩ với những bắp thịt rắn chắc căng phồng. A, mi, thì ra mi thế đấy! Mấy em gái cùng gốc anamít thỉnh thoảng gặp tôi lủi thủi trên đường, ngừng chân, trêu “Cái cô đầm tóc hung đâu rồi? Ðầm là thế, cứ hè qua lại đổi bồ, ha ha…”. Phải kể là sinh viên du học thời đó còn hiếm. Các “chị” ít nên có giá, và bọn đực chúng tôi phải là loại con nhà lành mới được các “chị” ghé mắt đến, sai bảo đón đưa, và hành hạ để chắc mẩm rằng “tình yêu” đồng nghĩa với cái vòng lễ giáo thưa gửi, cái liếc mắt đưa tình lãng mạn, và khi tình yêu đến độ “chân thật” thì giống đực loại chúng tôi phải chấp nhận mất phẩm giá, mất mặt, mất sức, mất gần hết để khi được, nghĩa là đã “lừa” được, thì chàng mới có quyền trả đòn. Trả đòn bằng cách bảo em, này em yêu, anh là con trai, mà con trai thì không rửa bát, không nấu cơm, không thay tã cho con, ngủ dậy muộn, và lúc gặp bạn bè đến nhà đấu láo thì xin mời em, em yêu, em xuống bếp lo cho dăm ba món nhậu và chớ lên ngồi lanh chanh góp chuyện.

“Cứ hè qua lại đổi bồ!”. Mặc nó. Quên nó đi. Mà không quên cũng chẳng được. Làm việc hè phụ bếp trong một cái quán Harvey bán hamburgers, tôi cứ việc xong là lang bang góc St-Laurent và Ste-Catherine. Góc đó đầy các “chị em ta” của đất phồn hoa đô hộ này. Chúng nó mặc váy mini cũn cỡn, môi tô son đỏ chói, tay lúc nào cũng ve vẩy một điếu thuốc lá khói xanh um, đứng ưỡn ẹo, đi nhún nhảy, đầu lắc lư nhìn sau ngó trước. Ði qua, mùi nước hoa rẻ mạt bốc lên. Không nồng nồng ngai ngái. Không gây gây. Mùi thơm sực xông vào đánh tê mọi loại khứu giác tinh nhạy. Ði lại, mũi phồng lên hít hà. Thế là có đứa gái nhe răng trắng nhởn ra kêu “Eh, Chinoy, tu viens chéri?”, thằng Tầu con, mi có đi không? Không. Lầm lũi bước. Ðứa gái khác bạo hơn, xồ đến nắm nay, miệng toét ra “Chintok, un petit coup?”, này thằng Tàu, mi làm một cái? Dĩ nhiên, “T’es propre?”, mi sạch chứ? Oui, oui. Lách vào ngõ. Lên gác. Ðèn đỏ tù mù. Và thế, cứ thế, không đâu Félicia, tao không bất lực. Có con điếm gốc Esquimau đến từ Igaluit ré lên “C’est bon! Encore!”, sướng quá nữa đi, và sau nó xổ ra một chuỗi thổ âm tao không hiểu. Có con kêu, này thằng Tầu, mi đặc biệt, “Chino, t’es spécial!”. Ðúng, tao có khả năng, thậm chí có năng khiếu là đằng khác.

Thế là mỗi tuần một, hai lần. Tiền phụ bếp, xin trao lại cho chị em ta, hoan hỉ lách vào ngõ, lên gác, và trở thành thứ khách quen, le petit Chinoy, thằng Tàu da vàng khi sướng lại cất mồm gọi Félicia để nguyền rủa. Cứ thế, cho đến một ngày đái ra mủ. Ông đốc tờ già nghiêm mặt “Bệnh rồi, ranh con! Uống trụ sinh”, rồi kéo ngăn kéo lôi ra một cái bao cao su trông như bong bóng lợn, dí vào mặt tôi, tiếp “Phải dùng cái này!”. OK. Mi thấy không Félicia. Tao uống trụ sinh. Tao nguyền rủa mi, con khốn. Tác phẩm nào cũng có định mệnh của nó! Cái tác phẩm lạnh nhạt mi gán lên thân thể tao là bệnh lậu chữa bằng bột pênixilin vàng tươi trong vỏ bọc màu đỏ thâm rờn rợn.

 

***

Mùa hè qua nhanh như trận gió đột ngột thổi bốc lên cao những cánh chim đi tìm nắng ấm ở phía cực nam trái đất. Lá trong rừng phong chỉ hai tuần lạnh là vàng ối rồi lả tả rắc lên thảm cỏ bắt đầu tàn úa những nét chấm phá bước sang mùa. Thu đến. Thu đi, rồi lá phong rực đỏ dưới chân đồi Ðại học bỗng chỉ ngày một ngày hai nhuộm màu tang tóc trắng mang mang của buổi Ðông vội vã quay về xứ nửa năm tuyết phủ.

Bỏ góc phố St-Laurent và St-Catherine cùng những cái mông căng cứng bó chặt váy mini nhún nhảy đong đưa của chị em ta, tôi quay về Ðại học, tiếp tục làm cái luận án bỏ dở từ đầu hè về tính ổn định của vật chất. Nguyên tử và phân tử chỉ hiện hữu ở những trạng thái bất biến của năng lượng, vì vậy chúng không tan tác vỡ sụp như lý thuyết điện-động-học đã tiên dự, chỉ hoán đổi trạng thái năng lượng bằng cách trao đổi với điện từ trường một số năng lượng hữu hạn và nhất định. Nhưng tại sao hiện tượng này chỉ quan sát được ở mức tổng quan một tập thể, chứ cho từng nguyên tử một thì nó lại có vẻ như bất khả kiểm soát, không dự liệu trước được, và vô căn nguyên nhân quả. Không. Không thế được. Vật chất khác với Félicia. Và tôi bắt đầu quên nó, hệt như sau khi thức giấc từ cái đêm mê mị tôi cố quên, quên như quên một cơn ác mộng.

Tuyết đã rơi từ đầu tháng. Ngày hôm qua, lại mưa băng. Ra cửa sổ, tôi lặng lẽ ngắm những cành phong đông đá pha lê vắt vẻo, chờ một cơn gió để nghe lại tiếng hát của rừng năm xưa, tiếng hát bản thánh ca mơ hồ huyền diệu. Trên kính cửa, hơi thở đông thành nước, rồi nước gặp lạnh kết thành băng, hình thể băng là những chòm pháo bông đủ loại cứ chuyển thể biến hóa cho đến cuối cùng trở thành một lớp đồng nhất bất động. Ngồi nhìn ra ngoài, tôi mông lung nghĩ lại cách giải quyết câu hỏi nay đã tóm gọn được như một bài toán. Bỗng chuông điện thoại reo. Tôi bực bội cầm máy. Giọng đàn bà. Tôi bảo “Chắc bà nhầm số!”. Bà ta đáp “Không. Tôi nhận ra cậu, cậu là bạn Félicia mà. Nó có đến chỗ cậu không?”. “Không, sáu tháng nay tôi không gặp…”. Bà ta bật khóc “Tôi chẳng biết nó đi đâu từ tối hôm qua”. Tôi lạnh lùng “Nó trưởng thành rồi. Ði đêm thì đi, nó rồi cũng về”. Bà ta nấc òa “Lần này thì lạ lắm! Cậu không biết đâu, từ sáu tháng nay nó chỉ uống nước lạnh, mỗi ngày ăn dăm cái bánh qui khô. Nó không nói nữa, như câm, suốt ngày im lìm nhìn vào gương”. Tôi giật mình. Tôi nói vội “Bà xem nó đi nó mang gì theo, quần áo thế nào?”. Bà ta quýnh lên bảo tôi đợi. Mươi phút sau, bà cầm máy hổn hển “Tôi chịu, tôi không hiểu được. Trời lạnh thế mà áo măng-tô nó vẫn đấy. Cả đôi ủng đi tuyết nữa, vẫn còn để ở cửa ra vào. Cậu ơi! – bà ta khóc rưng rức – tôi phải làm gì đây?”. Lần này, tôi nhói tim, lòng bỗng như hững đi, bụng rỗng ra. Chính tôi, tôi lắp bắp “Bà gọi cảnh sát, gọi ngay để họ tìm!”. Chợt nhớ đến gốc cây bouleau và con Nounou, tôi dặn “Nhớ ra ven hồ, nơi ngày còn nhỏ Félicia hay ra đó chơi !”. Dứt lời, nỗi sợ ào đến làm tôi tê điếng. Tôi dằn máy, bung chạy xuống dưới nơi đậu xe. Và cứ thế tôi lái thẳng lên xa lộ, nhắm hướng St-Jérome, cắn răng nhấn ga trên mặt lộ lạnh cong những lớp băng đóng cứ tuôn trợt đi như thoa mỡ.

Ông ta đứng ở cửa với dăm ba người cảnh sát khi tôi ngừng xe. Ông nhìn tôi, không có vẻ gì ngạc nhiên, nhưng vẫn ngượng nghịu lúng túng. Tôi hỏi “Đã ra ven hồ chưa?”. Ông đáp “Hồ rộng thế, ai biết chỗ nào!”. Tôi nói vội “Ði với tôi, tôi biết chỗ!”. Một cảnh sát chặn lại, giọng bình thản “Đợi! Ðã gọi về Sở để mang mấy con chó tới. Chó có huấn luyện, thả ra là chúng đánh hơi người tìm được ngay!”.

Lúc đó vào khoảng hai giờ trưa. Nhìn lên những cành phong, băng đóng óng ánh màu nắng trong vắt, thỉnh thoảng lại va khẽ vào nhau mỗi khi có gió, tiếng pha lê văng vẳng như khi người ta cụng ly uống rượu. Tôi bỏ mặc mọi người, một mình chạy băng đường. Vào rừng, tôi nhắm hướng hồ, cắm đầu bước. Félicia. Mi ở đâu? Trời sao lại lạnh thế này, hả Trời? Ðến ven hồ, tôi ngóng tìm những cây bouleau. Nhưng lá cây đã rụng hết, nay băng đóng tuyết vùi. Tôi nhìn vô vọng, chẳng tìm được cái mốc nào mặc dầu tôi cố moi trong trí nhớ cái hôm đó, cái hôm Félicia dẫn tôi ra nơi riêng tư của nó, nơi có cái hốc cây nó giấu Nounou, con gấu nhồi bông mà nó gọi là bạn, rồi như đứa gái chẳng quá năm, quá bảy tuổi, nó giới thiệu với tôi như giới thiệu một sinh vật có đời sống. Félicia, mi ở đâu? Tôi gào lên. Tiếng tôi kêu làm những con sóc hoảng hốt chạy. Những cành cây băng đóng lại va nhau. Lại tiếng pha lê. Nhẹ. Mơ hồ. Nhưng bây giờ, nó buốt, nó nhói, nó chọc thủng màng nhĩ, nó đâm vào tim như mảnh sắc những cốc rượu vỡ.

Có tiếng chó sủa. Phải. Theo đó mà dò. Thính giác chó nhạy hơn. Khứu giác chó cũng thế. Không tin vào được gì khác, tin vào chó vậy. Tôi cất bước chạy, chạy thục mạng. Tiếng sủa. Gầm gừ. Tiếng mỗi lúc một rõ. Và cái cây bouleau cổ thụ. Ðúng nó kia kìa. Tim tôi đập mạnh, máu dồn lên mặt, tôi lao tới rồi sững người lại.

Félicia, mi đó ư? Vẫn mặt bộ áo ngủ mỏng dính màu trắng, Félicia dựa vào gốc cây, chân co lên, một tay như làm dấu thánh giá, tay kia chỉ lên trời. Thân thể mi nay bọc một lớp băng. Một lớp trong suốt. Mái tóc hung hung đỏ đổ dài xuống, dính bệt, đông đá, cứng ngắc. Hai mắt mi mở to để hút cả vũ trụ vào. Xương vai nhô cao, xương sườn đâm ngang, ngực lép xẹp, miệng mi há ra như định nói gì đó. Nhưng bây giờ, còn gì mà nói, còn gì mà nhìn, hở Félicia? Con chó của cảnh sát vẫn sủa ngay chân mi. Chỉ khác là mắt chó không đỏ rực, nanh chó không xanh biếc lân tinh. Còn lại, tất cả tao đã nhìn thấy mùa đông năm ngoái rồi. Cái bức tượng phù du trong mùa đông Éphémère: Vivre en hiver đó. Nhưng bây giờ, không phải là Rosemary bằng thạch cao và đất sét trắng. Tất nhiên, tác phẩm nào cũng đèo ngay định mệnh trong cả phần hồn lẫn phần xác của nó. Félicia, mi cũng là một tác phẩm. Dẫu là con của Chúa hay của Sa-tăng, mi cũng có định mệnh của mi, như bất cứ tác phẩm nào, do bất cứ ai tạo ra, có điểm khởi đi rồi đến một đoạn kết đã manh nha từ những bước đầu.

 

***

Félicia nhỏ nhẹ “Thôi đừng giận tao! Tao đã viết cho mi cả chục bức thư. Tao viết rồi xé. Mi ngốc lắm. Mi cho tao cái đêm hè hôm đó điều mà tao không nhận được. Không thể nhận, thì đúng hơn. Tao còn bẽ bàng hơn mi nhiều. Cái nỗi đau không nhận. Lắm khi, tao nghĩ cho dễ hơn nhận! Mi hiểu chưa?”. Tôi quay mặt vào tường. Nó đến ngồi xuống giường, tay kéo lại tấm chăn đắp trên bụng tôi. Lát sau, nó thủ thỉ “Tao gặp Rosemary. Nó bảo tao, nó là tác phẩm của tao và nó chấp nhận tan vữa ra như tao sắp đặt khi mùa Xuân về. Còn tao, tao phải chấp nhận Thượng Ðế là đấng sáng tạo ra tao. Tao bực mình, tao bảo từ năm lên năm tuổi, tao cứ thấy bụng tao trống rỗng chứ làm gì có sự sống. Nó cười, nhắc có lẽ Thượng Ðế muốn thế đấy. Hệt như tao muốn biểu hiện sự phù du với bức tượng phù du Éphémère. Rồi nó bảo, này Félicia, mi phải khôn ngoan hơn một tí. Mi ấm ức để làm chi. Tác phẩm nào cũng đèo ngay định mệnh trong cả phần hồn lẫn phần xác của nó…”.

Tôi quay người lại nhìn. Bây giờ Félicia là Félicia của mùa hè năm ngoái, da mặt đã thoáng tàn nhang, ửng hồng như vừa bắt nắng. Nó vuốt tóc tôi, thì thầm “Ngẫm lại, đúng đấy. Từ năm lên năm tuổi, mẹ tao cũng than là bụng mẹ trống rỗng. Trống nên phải ăn, ăn và ăn… Ăn cho đến được đoạn kết. Một đoạn kết toàn hảo, parfait. Tao về bảo, này maman, tiếp tục đi. Ðoạn kết, chẳng qua là tới sự hoán đổi cuối cùng để đạt trạng thái bất biến của năng lượng. Khi đó ta lại đoàn tụ. Như mi, tao cũng thấy là mẹ tao thanh thản như chưa bao giờ được thanh thản. Nếu mi bằng lòng, tao sẽ dẫn mi vào cái thế giới của tao, nhẹ như ê-te, và đang vào quĩ đạo của sự hoán đổi đó. Ðừng tìm đâu xa, sự hoán đổi đó đúng ở tổng quan và nó cũng vô cùng chính xác ở mức độ nguyên tử và phân tử!”. Chẳng nói thêm, Félicia nắm tay tôi ấn xuống khiến cả hai như chìm vào một chất lỏng vô hình vô tướng mỗi lúc một loãng ra. Tôi hoảng lên, định vùng dậy. Nhưng Félicia để tay lên má tôi, nhẹ nhàng “Yên nào, P’tit-corps!”. Tay nó lạnh buốt băng đóng. Tôi kêu “Mi tính bắt tao đi đâu…bỏ tay ra. Ðể yên cho tao chợp mắt một tí. Tao mệt!”. Nó cười như trêu, áp cả hai bàn tay vào thái dương tôi bóp lại. Tôi ú ớ. Tôi kêu. Tôi đạp. Và rồi có tiếng nghe đánh rầm một cái. Tôi vùng lên ngồi dậy, thò tay vuốt mặt, mồ hôi tôi nhễ nhại, tanh tưởi và lạnh toát. Tôi vuốt mắt mình, không phải vuốt để nhắm mà là vuốt cho mở ra để sống và trở lại từ một cõi mộng du, cái cõi vẫn còn chao đảo giữa một Félicia vừa đâu đó nơi này, và một Félicia đã nằm gọn lỏn trong chiếc áo quan đặt trong nhà quàn cách đây hơn một tháng.

 

***

Có tiếng như chai lọ đổ vỡ dưới nhà. Tôi kéo cái chăn vẫn còn trên bụng, ngạc nhiên tự hỏi ai lên phòng này đắp chăn cho tôi. Lại một một tiếng rầm nặng trịch hệt như tiếng ngã đập người xuống sàn. Tôi vội vã nhảy khỏi giường, mở cửa, lao ra cầu thang.

Ông ta nằm nhoài trên thảm, đầu gục lên ghế. Ghế nhớt nhát một đống nôn mửa, mùi chua chua xông lên. Tay vẫn nắm chai scotch nay chỉ còn chút cặn, ông khò khè thở. Một nửa mặt khuất. Nửa còn lại, chập chờn ánh lửa lò sưởi như chiếc mặc nạ cao su nhăn nhúm co giật một cơn động kinh. Ông ta lẩm bẩm, khụt khịt, thỉnh thoảng hừ hự rên. Bất ngờ ông la lớn “Trời, trời! Mon Dieu!”, rồi lại nhắm mắt. Lại hào hển. Lại kêu Trời, kêu rồi lảm nhảm “Thế là họ đi mất hết rồi. Mụ vợ vào cửa Thiên Ðàng! Félicia nữa, nó vẫy mẹ nó. Mẹ tròn như quả bóng. Còn con, Felicia… Con gái yêu dấu của bố, sao con đếm từng calori, người rạc đi, khẳng khiu như một khúc củi. Và hôm con viết vài chữ “Maman, con đã đạt mục đích!” thì cũng là ngày con vĩnh viễn không về. Từ ngày con đi, mẹ con cứ ăn, ăn và ăn… Ôi thôi! thật kinh hoàng, mẹ cứ ăn, không nhìn ai, lạnh lùng, bình tĩnh tọng vào bụng đủ thứ, cố tình ăn cho đến rách toang dạ dày ra.

Ông ta gục mặt xuống bãi mửa mỗi lúc một lợm mùi, khóc hu hu, tay chân vật vã, miệng thỉnh thoảng lảm nhảm những câu gần như vô nghĩa. Thì ra cái chết đóng băng giữa pha lê trong buốt có thể còn đèo bòng thêm nhiều lẽ khác. Nó không chỉ ở hiện tại, thực sự đã xảy ra từ khi lúc nào tương lai cũng ở phía sau và quá khứ thì nằm phía trước. Cái chết đó có vì hình ảnh những kẻ thiếu ăn ở Biafra. Có vì Trung úy Calley châm lửa đốt nhà những nông dân người Việt nghèo khổ ở Mỹ Lai. Có vì phát súng của đại tá Loan bắn vào đầu một tên Việt Cộng đột nhập Sài Gòn trong cuộc tổng công kích Mậu Thân. Có vì em bé gái tên Kim Phúc bị xăng đốt cháy phải trần truồng chạy trên quốc lộ số 1.

Bây giờ, tôi thấm thía hiểu ra tác phẩm nào cũng đèo ngay định mệnh trong cả phần hồn lẫn phần xác của nó. Tôi hiểu vì sao khi tôi tỏ tình Félicia khóc lần thứ hai dưới ánh trăng xưa và chỉ nói như điên như dại “P’tit-corps, bụng của Rosemary trống rỗng, không có mầm sống từ lúc mới năm tuổi, và chẳng có gì khỏa lấp được để nẩy ra xanh tươi…”. Loáng thoáng bên tai, tôi nghe mơ hồ đâu đó tiếng thì thào “Tao cũng không có bụng. Không có tử cung. Tất cả ruỗng ra, rỗng ra, không có gì còn là đàn bà trong tao. Excuses-moi! Cho tao xin lỗi, mi nhé!”. Tôi vùng dậy, chạy xuống thang ra ngoài.

 Tôi mở cửa xe, rồ máy. Ðường dẫu có đóng đá, cũng phải về thôi. Gió thốc cái lạnh kim châm cháy rát đâm vào mặt. Không gian trắng một màu tuyết, trắng đến xa vắng mênh mông. Rồ máy, bật đèn thì trước mắt cả cánh rừng pha lê bỗng hiển hiện vây bọc và bắt đầu cất tiếng. Quanh quất những gốc cây hàng trăm cặp mắt của chồn, của cáo, của sóc rừng rực ánh xanh, ánh biếc, ánh vàng hung, ánh đỏ lừ cùng chóe sáng lên dưới ánh đèn xe. Vụt một cái chúng biến sạch. Lẽ nào trong đó lại không có ánh mắt một con sói, con đã nằm dưới chân Rosemary trong buốt pha lê? Chắc có. Và bây giờ nó hẳn đã làm lành với Félicia, bởi ở cõi năng lượng mãi mãi trong trạng thái bất biến thì có giả làm bất cứ mụ già nào cũng là điều vô ích. Lại gió. Lại leng keng mơ hồ tiếng vỡ thủy tinh. Khi gió múa nhịp nhàng, tiếng hát cất lên. Vẫn bài thánh ca xưa tôi đã nghe chân đồi Maplewood, với giọng nữ vút cao như tiếng tơ lụa rách tươm hồn, lẫn vào tiếng thủ thỉ của rừng pha lê động lòng an ủi. Và vẫn tôi, bây giờ cho đến mãi mãi mai sau, cứ bâng khuâng nhớ bức tượng Phù du: Sống trong mùa Ðông giữa cái lạnh cắt da của số kiếp.

Lăn xuống dốc trơn như bôi mỡ, tôi rẽ phải, chân nhấp vào thắng, cố bẻ tay lái nhưng vẫn không khỏi tuôn trượt đi trên đoạn kết một dốc đường định mệnh.

 

Tác giả gửi Văn Việt.


[1] Cứt!

[2] Ðơn vị đo chiều dài, 1 inch bằng 2,45 cm.

[3] Bánh ngọt loại to, như bánh cho đám cưới.

[4] Trái màu đỏ như trái táo nhỏ

[5] Một loại rượu mạnh.

[6] Tên con gái, có nghĩa là đời sau.

[7] Phòng ăn công cộng.

[8] Tên nhân vật trong phim Rosemary’s baby của Polansky, một người đàn bà đẻ ra quỉ Sa Tăng.

[9] Tác giả những truyện cổ tích, nổi tiếng nhất là truyện Cô bé quàng khăn đỏ.

[10] Bánh dành để ăn nhẹ

[11] Bánh bít-qui khô.

[12] Ðơn vị đo trọng lượng (1 ký tương đương 2,2 pounds).

[13] Dự án

[14] Tạo hình qua phương thức sắp đặt tranh, tượng…

[15] Ðúng thế!

[16] Bánh ngọt nhân làm bằng táo.

Comments are closed.