Ngoảnh lại mấy thập niên

Trịnh Đình Khôi

 Văn Việt: Nhà văn Trịnh Đình Khôi từng nhiều năm là chuyên văn theo dõi Văn học của Ban Tư tưởng Văn hoá (tức Ban Tuyên huấn) của Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau khi về hưu, ông đã gửi cho bạn bè một tập sách gồm nhiều bài viết dạng hồi ức, bình luận… về văn chương, trong đó có nhiều chi tiết chưa mấy người biết mà ông nắm được do vị trí công việc của mình ở Ban nọ. Bài viết sau đây nói về những chuyện liên quan đến vài nhân vật của phong trào Nhân văn – Giai phẩm, với cách lý giải có phần trung dung, như cho thấy “vụ” này có vẻ bị thổi phồng bởi những ý đồ của một số cá nhân cơ hội hơn là bởi ý chí thực sự của cấp lãnh đạo tối cao, cũng như cho thấy bản chất “hiền lành”, ngoan ngoãn hơn là tinh thần chống đối chính trị của mấy nhân vật đầu vụ. Văn Việt xin giới thiệu bài viết như một tư liệu tham khảo đa chiều có ý nghĩa với việc nhìn lại một sự kiện lớn của lịch sử văn học hiện đại, cũng như nhìn vào cách đối xử của ngành Tuyên huấn với văn học, báo chí hiện thời.

 

Ngồi rồi đốt đống lửa rơm,

Khói lên nghi ngút chẳng thơm chút nào.

Khói bay lên tận thiên tào,

Ngọc Hoàng phán hỏi thằng nào đốt rơm?

 

Tôi quan niệm chuyện này viết lại như viết chuyện vui, chuyện thơ ấu hiếu thắng hay đánh đinh, đánh đáo. Lại có lúc nghĩ nó giống như chuyện các anh thanh niên xóm tôi ngày xưa, hún tôi với Tiến uỵch nhau. Các ông bà già xóm Ngánh tôi mắng: “Chúng bay chỉ được cái xui trẻ con ăn cứt gà”, khi thấy tôi và Tiến đều máu me sứt sát. Vậy mà chuyện ấy đã xảy ra hơn năm mươi năm, đúng thời gian “Nhân Văn Giai Phẩm”. Tiến đã hi sinh ở chiến trường. Mẹ Tiến ốm đau, đến nỗi tôi về thăm lần nào, bà cũng ôm tôi khóc. Sau mấy năm con trai hi sinh, bà bị lòa rồi đau tim và mất. Tôi về tang bà như là thay mặt Tiến làm tang mẹ. Tôi vẫn còn vết sẹo con con trên người để mỗi khi nhìn lại nhớ đến Tiến, hai thằng quại nhau vì bị người lớn khích. Chẳng mấy nữa, tôi cũng theo Tiến về với đất. Hai thằng gặp nhau dưới đó có khi lại cười khanh khách nhớ tuổi trẻ dại dột.

Ngày 30 tháng 7 năm 1993, tôi đọc bài viết về nhà triết học Trần Đức Thảo, người quê tôi, người mà tôi hết sức yêu quý và kính trọng. Đã có lần, tôi nói với các đồng chí lãnh đạo thành phố và tỉnh Bắc Ninh quê tôi nên đặt những con đường, những trường học và những giải thưởng khoa học mang tên ông. Đó là niềm tự hào của quê hương, đất nước mình. Tôi may mắn đã được làm sai vặt, anh liên lạc cao cấp mang quyết định xuất ngoại đến tận tay ông. Trong bài viết của các bậc đàn anh có đoạn nói đến chuyện “Nhân Văn Giai Phẩm”, tôi không gọi là “vụ”, nghe nó nặng nề lắm. Ông anh viết: Vụ gọi là Nhân Văn Giai Phẩm thực chất là vụ hoạt động chính trị chống chế độ ta của một nhóm người ít làm chính trị, có bàn tay của một số người xấu nước ngoài. Giới văn nghệ không có quan hệ gì với mưu đồ chính trị đó. Một số anh chị em bị lợi dụng, lôi kéo chúng mà không biết chúng hòng tạo nên một lực lượng trí thức và văn nghệ sĩ “phản kháng” nhưng chúng đã hoàn toàn thất bại. Bộ Chính trị (Trung ương khóa 3) đã có nghị quyết về vụ này, vấn đề đã kết thúc và được sáng tỏ ở đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ 2. Tuy vậy, cho đến nay, nhằm chống lại đường lối đổi mới của đại hội VI của Đảng ta, trong âm mưu “diễn biến hòa bình” những thế lực trong và ngoài nước lại tìm cách dựng lại vụ “Nhân Văn” như là vụ đàn áp trí thức và văn nghệ sĩ” (trích bài “Người tư duy không biết mệt [bài này của Hà Xuân Trường, xem ở đây – chú thích của Văn Việt]).

Đó là tiếng nói có một phần sự thật nhưng chưa nói hết, chưa giải thích. Sau đó, chúng ta lại được đọc nhiều bài khác cũng nói về chuyện này. Nói như thế thì “giới văn nghệ không có quan hệ gì với mưu đồ chính trị đó”. Tức là đứng ngoài hoặc cùng lắm là a dua, chỉ bị “rủ rê” như khi “Tổng khởi nghĩa”. Nghe tin huyện phá tan kho thóc Nhật, bà con rủ nhau đi khởi nghĩa mỗi người một cái thúng, cái bị, vì tất cả đang đói. Ông hàng xóm không được rủ, về chửi toáng lên:

– Mẹ nó chứ, nó đi làm cách mạng mà nó không rủ ông đi.

Ông bên cạnh được bao tải thóc mang từ huyện về cứu đói cho vợ con. Sau này lại được khai trong lí lịch là hoạt động từ cách mạng tháng Tám, được thưởng huân chương, được vào diện lão thành cách mạng. Mà thế thật, lúc đó người ta rủ nhau cùng làm tờ báo, cùng tuyên ngôn, cùng khuynh hướng nhưng khi động người ta sợ, người ta tránh “Nhân Văn” và sợ liên lụy. Sau khi đổi mới, nhiều vị lại tự nhận, hoặc khoe với bạn bè là mình cũng có tí nhân văn để được tiếng sang. Cũng như trước kia, người ta chứng minh mình là bần cố nông, mình là con thằng mõ, hoặc mình chỉ là con vợ hai, vợ ba ông Chánh, ông lí, cụ tuần, cụ thượng. Đến khi đổi mới, người ta lại nhận mình gốc gác tư sản, địa chủ. Nhà mình cũng vẻ vang một thời, trong cái làng xã, trong cái dòng họ nổi tiếng. Lại khoe: “Lúc ấy, nhà tao có kéo rong ngược trên đường làng này cũng chẳng thằng nào dám mở miệng. Bây giờ nhìn lại chuyện “Nhân Văn” như là một chuyện đùa của lịch sử. Những ông “cầm đầu, mỗi ông bức xúc một cách, một kiểu mà động cơ cũng chỉ là một. Chế độ thực dân phong kiến làm người ta khổ quá. Cách mạng tháng Tám, rồi kháng chiến chống Pháp, như một làn gió mới, mọi người đều được thở hít làn gió mới. Hòa bình rồi mà không khí vẫn như thời chiến, gò bó, ngột ngạt. Tiếp đó, là cải cách ruộng đất, cải tạo tư sản ngoài xã hội, quân phong quân kỉ trong quân đội khiến nhiều người bức bối. Trở về thời bình nên sống như thế nào? Thế rồi tình hình bên ngoài Liên Xô, Trung Quốc, Hungari… tác động vào. Mấy ông văn nghệ lo đến sáng tác, Ông Trần Dần muốn cách tân thơ, ông Lê Đạt cũng khao khát làm một cuộc đời mới thơ, nhưng đổi mới như thế nào thì chưa rõ. Ông muốn như Maia mở ra một con đường, nghĩa là đã cách mạng xã hội thì phải cách mạng cả thơ. Mà cách mạng thì đụng. Các ông chê thơ Xuân Diệu Tây chứ không phải Việt Nam. Nguyễn Bính chưa có gì ghê gớm chỉ có chất dân tộc thôi. Còn Văn Cao thì tài hoa nhưng không cháy bỏng đổi mới. Nguyễn Đình Thi có nhiều mới mẻ nhưng đã bị phê phán. Đến đấy thì còn được, chả ai đụng đến các ông. Nhưng tiến xa hơn, các ông đã đụng đến ông Lành. “Ông Lành tính nết ông đâu có lành,Anh Lành mà tính chẳng lành”. Những câu thơ vui nhưng đã cảnh báo nhẹ các ông. Hơn nữa, ông Lê Đạt lại là quân ông Lành. Ông Trần Dần thì ở phòng chính trị quân đội. Thế mà dám “láo lếu” cho rằng ông Lành “không đóng góp gì cho thơ ca cả, thơ ông ấy: nội dung thì cách mạng nhưng hình thức là thơ tiền chiến, đối nghịch nhau giữa hình thức và nội dung”. Và cho rằng thơ ông Lành không thể là mẫu mực để mọi người phải theo và cho đó là thơ cách mạng. Anh nhà văn, nhà thơ chê vợ anh ta xấu là chuyện bình thường. Đừng có dại dột mà chê phim, chê thơ, chê văn; có khi không bao giờ nhìn mặt nhau nữa, mà thù dai đấy. Vì công việc tôi phải làm, phải nói. Thế mà đã có ông đạo diễn điện ảnh, ông nhà thơ thù tôi mãi… Ông Lành chẳng bao giờ nói thơ mình là mẫu mực, nhưng trong ý thức và vị thế lúc ấy, ông có quyền nghĩ như thế.

Mấy ông đã nói “mó dái ngựa” khi đụng đến tập thơ “Việt Bắc. Vụ thơ “Việt Bắc” có thể gọi như thế. Ông Lành đang hào sảng khi nói về tập thơ “Việt Bắc” bị luôn gáo nước lạnh là nhóm này tổ chức một cuộc phê bình thơ ông. Nhưng cũng không phải chỉ như thế đã thành “vụ. Ông Lành giận dỗi một cách từ tốn. Bọn sĩ phu Bắc Hà này láo. Bọn Đạt, bọn Dần này tầm bậy. Hãy đợi đấy. Và lúc ấy có thêm nhiều tác động khách quan nữa. Sửa sai sau cải cách ruộng đất, chống tệ sùng bái cá nhân, ảnh hưởng của tư tưởng bên ngoài rất nặng nề trong ý thức hệ, trong hoạt động, trong sinh hoạt, v.v. Cấp cao cũng phân ra hai loại, ảnh hưởng của Xô, ảnh hưởng của Trung. Không khí nặng nề, người biết không dám nói. Nhìn chung ít nói chuyện chính trị nhưng chính trị vẫn tác động đến cuộc sống thường nhật. Chỉ bàn tán nhỏ to vài ba người cùng cánh. Tuyệt đối tin tưởng ở trên, không dám nói sai ý kiến của trên. Sợ hãi cái vô hình, vô hình nhưng ám ảnh. Cứ tưởng các ông to thì không sợ nhưng sau này mới biết ông nào cũng sợ. Sợ đồng chí mình, sợ cơ chế, sợ ý thức hệ. Sợ cả những ông từ xa. Sợ trong nước, sợ ngoài biên giới. Sợ ông Tây, ông Tàu ngày ngày từ bức ảnh treo giữa tường nhà nhìn xuống. Lúc này mới thấy Ngô Thừa Ân thật tài tình, thật giỏi giang; giỏi như Tôn Ngộ Không mà vẫn bị vòng kim cô cương tỏa, không thoát ra được. Nỗi sợ bao trùm, nỗi sợ mơ hồ, nỗi sợ phảng phất, nỗi sợ mênh mông. Sợ đến nỗi sau này ông Vũ bị vậy mà không được ai bảo lãnh, trong khi ai cũng nghĩ ông sẽ được bảo đảm bằng vàng.

Không ai ngờ việc làm đó lại nguy hiểm thế mà những anh thân nhau đã rủ rê cùng làm. Nhưng có lẽ nó gặp được tâm trạng của nhiều người, của dân chúng và được sự ủng hộ. Báo bán rất chạy, nhiều người đọc. Nhiều nơi người ta đọc cho nhau nghe:

“Chúng ta đi không thấy phố, không thấy nhà,

Chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ”

của Trần Dần, rồi:

“Những kiếp người sống lâu trăm tuổi,

Mà y như những cái bình vôi

Càng sống càng tồi”

của Lê Đạt. Rồi:

“Yêu ai cứ bảo là yêu,

Ghét ai cứ bảo là ghét”

của Phùng Quán.

Ai cũng nghĩ, có vậy thôi thì chẳng có gì. Chắc phải có gì nữa nhưng khi thực sự được nói ra từ mọi phía, một cách công khai thì cũng chỉ có thế. Ấy vậy mà Trần Dần bị quân đội xử, Lê Đạt bị ông Lành gọi lên Tuyên huấn. Lê Đạt đã chứng kiến những dấu gạch, dấu hỏi bài Trần Dần, bài Lê Đạt: “Bay lên cao, bay cho xa” thì được hỏi “Bay đi đâu, bay vào với Mỹ Diệm à?. Khi đối thoại, ông Lành hỏi Lê Đạt bằng giọng sắc lạnh: “Các anh muốn gì?. Sau đó bắt làm kiểm điểm. Còn ông Dần thì tổ chức đã kết luận là phần tử xấu và đã có tài liệu rồi. Khổ thế đấy, cái ranh giới mỏng manh giữa văn nghệ và chính trị. Rồi sách bị tịch thu, người bị bắt trong khi anh em không ai nghĩ là ông “người người lớp lớp lại có thể phản động. Trong cái không khí ấy, ai mà không sợ sệt; nhưng trong sâu thẳm, mọi người vẫn nghĩ không có gì sai lầm. Các ông nghĩ mình không phải ngoan cố mà mình tin ở trên, cấp trên sáng suốt, chắc chẳng có gì quá tay. Mục đích cuối cùng là anh em văn nghệ sĩ cùng khuynh hướng muốn tập hợp nhau ra một tờ báo có tiếng nói chung nhưng lại bị hiểu khác. Tiếng nói không một chiều ca ngợi mà đụng đến những mặt trái chiều trong quá trình phát triển xã hội. Thuận tai nhân dân nhưng nghịch nhĩ lãnh đạo, vì những phản biện xã hội. Dư luận dồn lập, rồi những báo cáo của an ninh lên lãnh đạo. Cả tập thể cao cấp họp bàn, một số cho rằng phải trừng trị, đa số lừng chừng, một vài người băn khoăn, nhất là những người có văn hóa không ưng chuyên chính với văn hóa, văn nghệ sĩ. Thật bất hạnh, phong trào trấn áp “Trăm hoa đua nở” lại xảy ra đúng lúc ấy. Khi văn nghệ sĩ bên láng giềng cả tin đã nói thật và bị quy chụp. Tin ấy truyền sang, rồi tin đàn áp bên Hung, bên Đông Âu lan đến. Sợ bóng sợ vía thành sợ thật. Việc tưởng đã xong từ tháng 12-1956 nhưng rồi giông tố lại thổi mạnh sau khi láng giềng phát động đánh phái hữu. Cho đến nay nhiều người vẫn nói”Nhân Văn Giai Phẩm” không có gì là chính trị. Có thể là không biết hết sự thực nhưng sự thực thế nào thì phải công khai. Hay cũng chỉ đến thế thôi. Đến thế thôi mà ai dây vào một tỵ là khổ hết đời. Từ khi Đảng ta đổi mới tư duy, anh em “Nhân Văn” đã được trở lại văn đàn, được giải thưởng nhà nước. Trong một văn bản gửi Chủ tịch Hội đồng giải thưởng quốc gia, Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam thay mặt tổ chức lớn ấy đã khẳng định: việc trao giải cho 5 nhà văn Trần Dần, Lê Đạt, Hữu Loan, Phùng Quán, Hoàng Cầm là xứng đáng. Văn bản viết: “Theo dư luận, tôi được biết số đông văn nghệ sĩ hoan nghênh quyết định của Hội đồng giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước về 5 nghệ sĩ đó. Họ là những văn nghệ sĩ đã tham gia quân đội, tham gia kháng chiến tích cực, có tác phẩm tốt đóng góp trong thời gian kháng chiến chống Pháp”. Trước đó, năm 1994, công văn của Ban Tổ chức Trung ương số 203 gửi Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, Hội Nhà văn, Bộ Lao động Thương binh Xã hội đã đề nghị phục hồi và điều chỉnh mức lương cho văn nghệ sĩ có liên quan đến “Nhân Văn”. Điều trên chứng tỏ việc đó cũng không có gì lắm về mặt chính trị nhưng nghệ thuật thơ văn của nó có lớn như người ta tôn sùng không hay “cá mất là cá lớn. Nó có bạn đọc, có đông đảo người hâm mộ vì nó chân, nó thiện, phù hợp yêu cầu xã hội hay nó đã “mỹ. Nó toàn bích hay chưa, thì lại phải xem xét, nghiên cứu nó trên những tác phẩm cụ thể, tác giả cụ thể mới có thể xếp hạng nó ở đâu trong lịch sự văn học và văn học thế kỷ XX. Cũng như thế ta mới không nghi ngờ mục đích ban đầu của nhóm này là mục đích tìm hình thức mới như thơ chính trị Maia, thơ hiện đại. Họ đã thấy thơ hiện đại chính là thơ thay đổi ngôn ngữ và cấu trúc. Mà nếu thế thì nó chưa có gì là mới lắm so với thơ kháng chiến chống Pháp. Nó có phải là một trào lưu đổi mới văn học đứng về thư pháp hay không? Tất cả còn nhờ các nhà nghiên cứu phê bình giải mã. Đáng lưu ý sau “Nhân Văn” đã ảnh hưởng đến tâm lý sáng tác, ảnh hưởng đến sáng tạo, đến tìm tòi cái mới. Nhiều anh em sợ bóng sợ gió, u uất, biết thân biết phận và hình thành hai phe trong đội ngũ. Người bị đánh và người đánh. Trong đám người đánh cũng có nhiều loại. Có loại sai đúng đều đáng trọng không đáng ghét vì họ trung thực, nhẹ dạ; loại thứ hai cơ hội hoạt đầu.

Nghề viết, cái nghề không bỏ được đã khiến các nhà “Nhân Văn” vẫn lao động kiếm sống bằng nghề khác và vẫn viết. Trần Dần viết những câu bất chợt, bài bất chợt, đọc cho bạn bè nghe, cho đám đàn em, con cháu yêu quý ông nghe rồi lại đốt đi. Đám người nghe chỉ dám nhớ nhập tâm, không dám chép, càng không dám in. Số ít trong họ bỏ mất mình, bỏ mất nghề; còn đa số vẫn viết, nhưng không dám viết những điều mình tâm đắc nhất, hay nhất. Không dám động đến hiện thực mà chỉ dám viết hiện thực mà mình mơ ước hoặc hiện thực người ta chỉ ra và bắt tằm nhả tơ. Một số vẫn giữ bản lĩnh nghệ thuật của mình. Khi đổi mới tư duy của Đảng, văn nghệ được “cởi trói” họ lại tiếp tục hành trình trên con đường nghệ thuật. Những tấm lòng, những tình cảm yêu đất nước, yêu đất nước bấy lâu bị che khuất lại cất lên da diết buồn vui.

Trần Dần được yêu quý qua “Người người lớp lớp” ban đầu không còn được như xưa nữa. Thời gian và trình độ dân trí đã giúp người đọc nhận ra cuốn sách nửa ký sự nửa tiểu thuyết ấy chỉ được ghi công ông là người viết về chiến công chấn động địa cầu, thu hút cả dân tộc vào cuộc đối đầu và chiến thắng. Bạn đọc vui mừng vì được đọc “Cổng tỉnh” không phải chỉ bản thân “Cổng tỉnh” và còn bởi ông Dần vẫn sống và sáng tạo trong những năm mưa gió đầy trời, ông vẫn âm thầm bước tiếp trên con đường nghệ thuật, con đường ông đã chọn và đôi lúc đã bị va quệt. Người nghệ sĩ sống bằng cơm gạo như người bình thường nhưng còn sống bằng sáng tạo. Ông viết, ông dịch, ký tên khác để sống. Cờ vẫn đỏ, vẫn bay trên phố; nắng vẫn chiếu vào, mưa vẫn sa trên màu cờ đỏ trong những ngày lễ hội. Có sao đâu. Lúc ấy, người ta căm ghét lối nói ấy, vì nghe người khác nói, chứ vị tất người ta đã căm ghét. Thế là bị ghét oan. Ông Dần sống phật phờ, buồn vui vu vơ, rất yêu quý những người đến thăm, chuyện trò vui vẻ cho đến khi khách về. Tôi được theo một nhà văn đàn anh đến thăm ông đôi lần và chỉ biết nghe, không nói một lời nào. Trong những lần chuyện trò ấy, tôi được nghe một số nhà thơ mà sau này có mặt trong “Cổng tỉnh”. Tôi gặp đúng mình khi nghe:

Than ôi thuở thơ ấu ngày xưa,

Thả chiếc thuyền con xuôi dòng cống nhỏ.

Đứa trẻ nhà quê nào mà không yêu những vần thơ như thế. Tôi không biết uống rượu nhưng nhà văn đàn anh và ông thì bao giờ cũng nói cười với chai quốc lủi và gói lạc hoặc gói nem bì. Tôi nghe họ bàn về văn thơ và nói nhiều về văn nhân thế giới. Nghe chuyện họ, tôi biết thêm nhiều điều. Có lúc Trần Dần im lặng và uống không nói gì cả. Ông bạn ông thì người nói rượu nói khi đã ngà ngà. Ông Dần vẫn ngồi im, tay đặt lên đầu gối. Nhưng rồi ông cũng không thể ngồi im mãi, ông lên tiếng khen nhà văn này, chê nhà thơ kia. Lớp người như ông phần nhiều người lớn, có nhân cách. Họ cãi nhau, ghét nhau khi tranh luận vấn đề này, vấn đề kia trong học thuật nhưng ái nhau, liên nhau, phục tài nhau, không bỏ nhau được. Họ không đem bán bạn bè anh em cùng cảnh áo ngắn trên báo chí, trên sách, bêu rếu nhau vì mục đích cá nhân.

Trong lúc trò chuyện với chúng tôi, ông ít khi nhắc đến những người đã “đánh” ông. Nhắc đến chuyện cũ, ông chỉ lặng lẽ mỉm cười hoặc có khi im lặng. Ông quên rồi! Chuyện như đùa hay chuyện đáng quên không biết. Nhà văn đàn anh đi cùng tôi, một hôm nhắc đến những ông “đao búa có nhắc đến mấy người tên tuổi ông Trần Đ, ông Nguyễn K, rồi cả ông X.D… và cả nhiều câu ca ngợi mang tính thời sự, chẳng hạn sự kiện Liên Xô phóng hành tinh vào vũ trụ trong khi Mỹ đã có:

Vẫn lại từ Liên Bang Xô Viết

Lại vẫn từ Xô Viết Liên Bang

Mạnh mẽ tuyên truyền, không còn lãng mạn nữa, ông đang đứng trước Nhà hát lớn đông khán giả trong cuộc mít tinh. Ông Dần nói nhỏ, ý rằng ban đầu cũng có người tưởng đổi mới thơ là thế, đã cách mạng chính trị thì phải cách mạng thơ.

Có một cán bộ lãnh đạo, một trí thức lớn có chức vụ to chứ không phải chức lớn đầu bé mà tôi là trò nhỏ của ông, nhưng ông rất quý. Ông đã kể cho tôi nghe nhiều chuyện cũ nhưng bấy giờ là chuyện cơ mật. Lúc đó, tôi là cánh tay văn bản và đôi lúc là tham mưu cho ông. Thân nhau tới mức ông nhìn tôi như là tâm phúc, như thủ túc, như anh em. Tôi tự nhủ, thà làm đầy tớ thằng khôn còn hơn làm thầy thằng dại. Rất mong muốn thế mà trời cũng không cho. Được vài năm thì ông mắc bệnh rồi mất. Nằm viện, ông nhắn tôi vào chơi và tiết lộ cho biết những chuyện ông đã chứng kiến. Bằng giọng rất từng trải, ông kể về những cuộc họp cấp cao nhất mà ông được dự và sự băn khoăn của một vài lãnh đạo về việc này. Họ là thiểu số đúng trong đa số sai. Buổi chiều bệnh viện, trời màu xám, cây cối màu xám, mưa lâm thâm. Câu chuyện nghe hơi nồi chõ nhưng là chuyện thật. Có ông nhà thơ lên gân lập trường và cũng để nịnh thủ trưởng. Nịnh hẳn hoi, các bạn đừng tưởng nhà thơ không biết nịnh, họ nịnh cũng rất thơ, rất tính Đảng: “Họ chê thơ Tố Hữu là họ đánh vào Đảng, thế thì chẳng phải tôi bảo vệ Tố Hữu là tôi bảo vệ Đảng. Lôgic là như thế.

Mấy chục năm với một kiếp người. Ông Dần gượng dậy lặng lẽ, âm thầm làm việc và sáng tạo. Ông nghiêm khắc với chính mình trong sáng tạo, chăm chỉ, tìm tòi và nghĩ hiện đại thơ là đổi mới ngôn ngữ, băn khoăn với cách nói cách viết sao cho mới, đóng góp cho thơ ca dân tộc. Đời chìm nổi như ông mà vẫn vượt lên nghĩ cái xa hơn, sâu hơn, lớn hơn. Tấm lòng như thế ai dám nghi ngờ. “Cổng tỉnh” là một chứng minh đẹp. Và rồi đây mấy chục tập sổ tay, nhật kí văn học trong di cảo của ông, những sổ ghi vạch, sổ bụi, sổ đời sẽ cho ra đời bao nhiêu thơ mới, mới hơn “Dạ đài. Con người và thiên nhiên hiện lên hàng chữ. Với ông, nhân cách nhà thơ không phải chỉ tấm lòng mà còn là thi cách. Thi đạo của ông không chỉ đọc nghĩ mà phải cảm. Tìm ra khả năng kết hợp các kí hiệu chưa ai biết, chưa ai ngờ và mở rộng ra nhiều liên tưởng. Thơ ông Dần trải dài nữa thế kỷ trước vắt sang đầu thế kỷ sau. Nó gây bất ngờ bằng cách thức âm chữ Việt, sinh thành những cung bậc kì lạ, nó cho biết khả năng vô tận của của ngôn ngữ, nó đi trước thời gian, mở rộng không gian. Đó là kết quả hơn nữa thế kỉ âm thầm chịu đựng đau đớn và sáng tạo không ngừng. Những chuyện ấy nó lớn lắm, nó bỏ qua chuyện vặt đã làm mệt ông. Mới đây, bạn đọc lại vui mừng đón nhận tập “Trần Dần – Thơ” sau “Bài thơ Việt Bắc”, “Cổng tỉnh” và “Mùa sạch”, những áng thơ văn góp phần làm sáng danh văn hóa nghệ thuật Việt Nam.

Phần về ông Đạt thì ông cán bộ to, bậc đàn anh tôi đã nói nhưng cũng không khác mấy bài ông Đạt nói về thơ và bạn bè trong dịp đài nước ngoài phỏng vấn vào tháng 7, năm mở đầu thiên niên kỷ. Ở phạm vi cuộc kể chuyện vặt vãnh này, tôi chỉ kể những chuyện liên quan đến văn nghệ, đến văn nghệ sĩ. Không đi sâu vào chuyện chính trị, nhân vật chính trị; mặc dù cũng có nhiều chuyện để kể, vì tôi ở sát “cung đình” hơn 30 năm. Có thể chờ dịp khác nếu còn viết được. Những nhân vật ở đây là văn nghệ sĩ, nhà báo hoặc nửa văn nghệ báo chí nửa chính trị. Có nhiều liên quan đến văn giới.

Nhân vật thứ hai là ông Phùng Quán. Ông có tên bí danh rất dài, ông “Văn chui, cá trộm, rượu chịu”. Thế mà ông lại là một nhà thơ, nhà văn đúng nghĩa của từ này. Ông còn là một chiến sĩ quên mình vì độc lập, tự do và dân chủ. Bảo ông phản động thì khó tin, thế mà có lúc ảnh hưởng của tuyên truyền cũng có nhiều người tin. Ông làm liên lạc cho các mặt trận từ thuở thiếu niên rồi trở thành một người lính tham gia chiến đấu nhiều năm. Sau hòa bình lập lại, năm 1954, ông bước vào làng văn với tên tuổi lẫy lừng bằng chứng minh thư “Vượt Côn Đảo”. Ngày đó, người ta truyền tay nhau đọc cuốn truyện được đề là tiểu thuyết, có thể đề là truyện hoặc truyện ký cũng được, nếu đòi hỏi nghiêm khắc. Nhưng ông còn có tài về thơ. Hai câu thơ nổi tiếng được truyền tụng như một phương châm sống được nhắc đi nhắc lại nhiều lần:

Yêu ai cứ bảo là yêu

Ghét ai cứ bảo là ghét

không đảo ngược ghét thành yêu, yêu thành ghét vì một động cơ gì đó. Trong bài thơ “Lời mẹ dặn”, tưởng chẳng có gì hóa ra lại có. Thế là méo mó đi suốt 32 năm. Ông bị “tước quyền” lao động thiêng liêng: sáng tác, xuất bản… Như tác giả nói trong “Trăng hoàng cung”. Ông cũng như đồng chí của ông (đồng chí theo đúng nghĩa) với bản lĩnh sống đã vượt lên để sống để sáng tác. Và chính “Thơ đã cứu tôi, giúp tôi đứng vững, dạy tôi dũng khí bền gan” và ông vẫn đi đường ấy như đã tuyên bố:

Nếu cần đi trở lại

Tôi lại đi đường này

Để cuối cùng lại chấm hết ở đây

Lý tưởng mơ ước của đời ông là làm lính chiến đấu cho dân tộc, làm nhà thơ chiến đấu cho con người. Với ông “Thơ mới là tất cả. Thơ là mạng sống, lý lịch của đời tôi…. Bài thơ nổi tiếng của ông được yêu thích, người ta đọc thuộc. Nhưng với người khó tính thì chữ nghĩa thơ không nhiều, không lãng mạn bay bổng, không bóng bảy bác học; được cái nó thấm vào tâm thức người đọc. Nhà thơ khảng khái sống bằng nghề câu cá “trộm, viết văn “chui” và đôi khi uống rượu “chịu. Ông ngồi bên bờ Hồ Tây nhưng không phải Lã Vọng đợi thời. Ông đã hết thời, ông đội mũ nan, ông mặc quân phục cũ, ông đi guốc mộc, để râu dài, gương mặt nhàu nhĩ trước tuổi. Đôi mắt thì lúc nào cũng u uẩn, cũng có sương giăng. Có lẽ vì ông thường xuyên ngồi bên hồ Dâm Đàm mù sương nghe tiếng kêu khắc khoải của đàn sâm cầm. Ông hút thuốc lào và uống rượu quốc lủi tì tì. Ông sống nhờ vào vợ, bà đỡ tinh thần, bà đỡ vật chất; nhưng đời ông là một bài thơ, một trường ca mãnh liệt. Những phút ngã lòng có anh em trong thơ và vịn vào thơ đứng dậy. Ông đã sống nhiều năm ở Cục Văn hóa quần chúng, ông đi cơ sở thường xuyên. Phùng Quán đã sống trong cái lán lợp tranh nứa giữa một bãi phù sa cổ hoang vu ở đồi núi Thái Nguyên để tăng gia sản xuất. Ông trồng sắn, trồng ngô, trồng chuối, nuôi lợn, nuôi gà và một con chó để làm bạn. Con suối Linh Nham ghi hình bóng ông và từ đó ông mặc áo chàm. Trước lán là một cái huyệt dài hai mét, rộng một mét và sâu mét rưỡi để sẵn sàng lăn xuống đó khi đau ốm nặng hoặc không tìm thấy thơ:

Đàn mối đất phù sa,

Sẽ thay phu đào huyệt.

Bao nghiệt ngã trần gian,

Chỉ một tuần vùi hết….

Và ông đã không chết vì ông đã có thơ, có thơ nên ông khỏe mạnh chống chọi với bất hạnh và bệnh tật. Đi Thái Nguyên và trước đó ông đã đi “ba cùng” với nhà văn Tô Hoài, nhà thơ Hoàng Trung Thông xuống Thái Bình. Ông đàm đạo với Tô Hoài về cụ Phan Khôi, ông già khinh khỉnh, ngông nghênh và ngang như cua bò, ngang nhất làng văn. Cụ có dính líu tí “Nhân Văn” nhưng không biết sợ. “Làm sao cũng chẳng làm sao”, tuyên ngôn của cụ nhiều người đọc thuộc và có thêm dũng khí. Rồi ông Thông say, rồi ông Quán đi, rồi ông Thông quát, rồi ông Quán buồn. Nỗi buồn hơn 30 năm theo đuổi ông. Sáng tác nhiều mà không được in. Lao động vất vả cùng với các nhà văn “hạ phóng, lao động ở Cục Văn hóa quần chúng. Gian khổ ông chịu được nhưng không có thơ và nỗi buồn đã quật ngã ông. Nhà thơ sở trường về anh hùng ca mà nuốt hận anh hùng. Tưởng ông ấy già trước tuổi lại có bệnh, nâu sồng lụ khụ, hom hem dễ ngã lắm. Thế mà làm sao ông vẫn sống, vẫn viết? Làm sao ông có thể chết dễ thế? Ông đã sống còn khi hàng hàng lớp lớp đồng đội đã tiêu xương máu cho cuộc binh lửa chiến tranh để giành độc lập. Ông phải sống để giành tự do cho những người còn sống, không sẽ uổng phí sự hy sinh. Tuổi thơ ông dữ dội trong chiến đấu, tuổi trẻ ông làm theo lời mẹ dặn mà lận đận suốt đời. Ông yêu thương trần thế, dù có nhiều rắc rối và thản nhiên tự tại sống trọn kiếp người. Công tâm mà nói, chỉ bằng “Tuổi thơ dữ dội, Vượt Côn Đảo, Lời mẹ dặn, ông đã có chỗ đứng trong văn học. Nhưng thế vẫn chưa đủ sức lực tạo nên một xu thế, một phong cách văn học. Hình như, người đọc không quên ông vì những chấn động xã hội nhiều hơn chấn động văn học trong sự nghiệp sáng tác của ông. Vì văn, vì thơ ông đã làm tất cả, dám sống chết với nghề. Nếu không tìm thấy Thơ, ông sẵn sàng lăn xuống cái huyệt đào sẵn cho mình và mặc cho lũ mối lo liệu tiếp. Một nhà thơ đau khổ chi bằng mất tự do sáng tác. Không được viết, không được in, không được ký tên khai sinh cho đứa con tinh thần của mình. Năm đó, ông Nghè đỏ, thủ trưởng cũ của Vụ Văn nghệ, không hiểu sao lại đưa tôi lá thư của Phùng Quán ông còn giữ, khi đã xuống làm thủ trưởng cơ quan khác. Cũng có thể vì trách nhiệm, vì công việc tôi phụ trách mà ông giao; cũng có thể qua trao đổi, ông nghĩ tôi nhìn anh em văn nghệ, những bậc cha anh và đồng nghiệp của mình khác của ông cán bộ tuyên huấn nòi. Ông thấy tôi có cái gì đồng điệu nên đôi khi cũng thích chuyện trò. Tất nhiên, tôi chỉ là anh học trò của ông, cũng như tôi với thủ trưởng cỡ bự, cách bức nhưng ông lại gọi tôi vào bệnh viện trao đổi, tâm sự trước khi đi xa. Tôi nâng niu, giữ gìn lá thư ông Nghè đỏ đưa cho như một kỷ vật giữa tôi và ông, cũng như ba chữ đại tự “Mai như Tuyết” ông viếng cha tôi khi cụ mất. Kỷ vật ấy, tôi chẳng bao giờ có ý định công bố nhưng sự thật vẫn là sự thật. Tôi xin chép ra đây và in nguyên bản để bạn đọc cho vui, vì chuyện qua lâu rồi. Hơn nữa, cũng để thấy Phùng Quán không bị đày ải quá lắm. Ông Thông, ông Hoài và bao nhiêu ông nhà văn, nhà thơ khác cũng phải “hạ phóng kia mà.

Hà Nội 28 Tết

Kính thưa cậu!

Thấm thoát thế mà đã mười mấy năm cháu chưa có dịp gặp lại cậu. Trong hơn mười mấy năm qua, cháu được Hội Văn nghệ bố trí cho đi lao động thực tế nhiều nơi: công trường khu công nghiệp Việt Trì, nông trường cao su cà phê Thắng Lợi, Thanh Hóa, công trường trạm bơm điện Cổ Đam, Nam Hà, xây dựng Thủy lợi miền núi Lào Cai, Hà Bắc. Từ năm 1967, cháu được bố trí về công tác ở Bộ Văn hóa, Vụ Văn hóa quần chúng – Vụ do anh Trần Tiến phụ trách – Từ tháng 10 năm 1971, cháu được các đồng chí ở Bộ điều sang công tác ở Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật làm biên tập viên.

Sau gần năm năm công tác ở Vụ Văn hóa quần chúng, cháu được các đồng chí lãnh đạo Vụ cũng như chi bộ cơ quan nhận xét tốt, và đã nhiều lần đề nghị với Hội Nhà Văn, Hội Văn nghệ cho cháu được trở lại sáng tác, nhưng cho đến nay vẫn chưa được giải quyết. Cháu nghĩ rằng: việc này là hoàn toàn phụ thuộc vào mức độ tiến bộ của bản thân cháu, các đồng chí lãnh đạo Hội còn thận trọng trong việc giải quyết là vì mức độ đó chưa đủ để tin cậy. Nó còn đòi hỏi cháu phải cố gắng làm việc, phấn đấu. Nhiều lần, cháu đã viết thư đề nghị với các đồng chí Đảng đoàn Hội hãy cử cháu đến công tác ở những nơi mũi nhọn của cuộc chiến đấu, để cháu được thử thách, rèn luyện cao hơn. Nhưng cháu chưa bao giờ được các đồng chí trả lời cho cháu một tiếng về những đề nghị hết sức tha thiết, thành tâm này, nên không khỏi có những lúc cháu thấy hết sức khổ tâm. Hồi cậu Sanh còn sống, cậu thường gặp cháu hỏi han, động viên cháu. Nhiều hôm cậu Sanh về nhà cháu ở Nghi Tàm, Hồ Tây; hai cậu cháu ngủ với nhau, chuyện trò tâm sự, cậu Sanh hứa sẽ đưa cháu đến thăm cậu để cháu được trình bày tất cả với cậu và xin cậu những lời khuyên. Nhưng rồi cậu Sanh mất. Trước hôm cậu Sanh mất chừng hơn một tháng, cháu cùng vợ cháu đến thăm cậu ở bệnh viện, có gặp cả thím Ba, Lan Anh, cậu Sanh nói: Tết này thể nào cậu cũng dẫn cháu đến chỗ cậu Út cho cháu thăm và nói hết những nguyện vọng của cháu. Và cậu đã mất trong khi cháu đi công tác vào Quảng Bình, Vĩnh Linh.

Trong mười mấy năm qua, cháu đã cố gắng tranh thủ vừa công tác vừa sáng tác, để rèn luyện mình và cũng là để báo cáo với Đảng về kết quả lao động cải tạo của mình. Cháu làm được khoảng hơn 100 bài thơ ngắn, dài và viết được một truyện dài về Thừa Thiên kháng chiến. Cách đây mấy năm, cháu có chép một tập thơ chừng 20 bài nhờ văn phòng Hội Văn nghệ chuyển lên cậu. Trong dịp cuối năm nay, cháu cũng chép một tập về những bài cháu mới làm, định sẽ gửi lên cậu. Cháu nghĩ rằng: thơ sẽ nói được lòng cháu hơn.

Nhiều lần cháu muốn được đến thăm cậu nhưng nghĩ rằng: cậu quá bận bịu nhiều việc, sợ làm mất thì giờ của cậu nên cháu lại ngại ngùng không dám. Tết nay, nếu có thể thì cậu cho phép cháu đến thăm và mang thơ đến gửi cậu xem và mong cậu cho cháu ý kiến.

Vừa rồi, tòa soạn Văn hóa nghệ thuật có cử cháu đến gặp anh Trần Quý Hai, mời anh viết bài cho tạp chí về cuộc Ba Tơ khởi nghĩa. Anh Hai trước đây là Chính ủy Trung đoàn cháu. Cháu cùng sống và chiến đấu với anh trong những năm gian khổ nhất ở chiến trường Thừa Thiên đánh Pháp. Cháu được anh giáo dục, rèn luyện nhiều và rất hiểu cháu. Anh Hai có trao đổi với cháu xem cháu có thể giúp anh ghi lại hồi ký về cuộc kháng chiến Thừa Thiên và sư đoàn 325. Đây là một công việc mà cháu vẫn hằng mơ ước, và nếu được làm với anh Hai việc này thì cháu vô cùng sung sướng. Vì cháu sẽ được sống lại những năm tháng tốt đẹp nhất của đời cháu, mà cho đến chết cũng không quên. Nhưng vì hoàn cảnh của cháu hiện nay nên cháu cứ băn khoăn, không biết cháu có thể làm việc được với anh Trần Quý Hai không? Cháu muốn báo cáo việc này tới cậu và xin cậu ý kiến. Cháu cũng có đề nghị với anh Hai gặp cậu để nói rõ việc này.

Cháu rất mong được cậu đồng ý. Và nếu được làm việc với anh Hai, cháu xin hứa sẽ cố gắng hết sức cháu, để phần nào đền đáp công ơn của quê hương kháng chiến cách mạng và Đảng đã dạy dỗ, giáo dục cháu.

Cuối thư cháu kính chúc cậu, mợ và cả nhà năm mới được mạnh khỏe.

Cây hồng như thực như mơ, khách qua đường những ngẩn ngơ… ghé nhìn của cậu thì gần như ngày nào cháu cũng ghé nhìn và thực sự là ngẩn ngơ… tự hỏi: Nhà cậu Lành có cây hồng gì mà lạ lùng như trong truyện cổ tích thế không biết!.

Cháu của cậu

Phùng Quán

TDK 1a

TDK 2a

TDK 3aTDK 4a

Tôi xin chép tiếp lời ghi của ông Trưởng ban, thủ trưởng của tôi và là cậu Lành của ông Quán, gửi ông nghè đỏ họ Hoàng, người trực tiếp lãnh đạo Vụ Văn nghệ lúc đó.

Kg Anh Hoàng Trung Thông. Anh xem PQ tiến bộ thế nào? Ý tôi: không nên sang Hội Nhà văn, mà vẫn tiếp tục công tác VHQC như hiện nay và có thể sáng tác, nếu tốt thì có thể dùng.

Lành

Tôi buồn vì nhiều lẽ nhưng buồn nhất là sự xa cách hàng chục năm không đi lại giữa hai cậu cháu, chỉ quãng đường chưa đầy cây số từ 76 Phan Đình Phùng đến khu tập thể trường Chu Văn An. Có xa xôi mấy mà tình xa xôi. Xa gì vậy?… Về thế giới bên kia, cậu cháu họ có gặp nhau thường xuyên không? Nghĩa trang Mai Dịch, nơi nhà thơ Tố Hữu an nghỉ cũng gần nghĩa trang xã Phú Diễn, huyện Từ Liêm, nơi nhà thơ Phùng Quán nằm; mà bước chân của người âm lớn lắm, nghe đâu một phút đi được những 1752 ki lô mét. Vì thế chẳng cần xe Vonga và xe đạp cà tàng, họ có thể cuốc bộ. Tôi tin là họ thường xuyên đến với nhau. Vì đó là hai nhà thơ.

Viết những câu cuối cùng sau lá thư của anh Quán, tôi định thôi không viết nữa. Nhưng đúng lúc nghỉ viết, xuống xem chương trình thời sự trên vô tuyến truyền hình, bất ngờ tôi gặp lại phó ban H trong mục Ban Tuyên giáo tổng kết và trao huân chương cho H. Mặt H tươi cười. H là người bị chính ba mươi hai đảng viên của chi bộ về hưu thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương kiện về chuyện tham nhũng đất đai nhà cửa, không phải kiện mà tham nhũng thật. (Văn bản còn lưu) H được chia hai căn hộ ở Thanh Xuân, có xe đưa đón mà lại nhảy về Lê Thánh Tông chiếm đất làm nhà, bị nhân dân cả khu dân cư la ó, chửi bới, chi bộ họp và gửi lên trên nhưng không bị xử lí. Nghe nói H có ô dù to, có đồng hương cấp cao che chở. H hạ cánh an toàn ở tuổi trên dưới bảy mươi, quá tuổi nghỉ hưu bảy, tám năm. Không ở được với dân Tuyên huấn, vì họ biết rõ quá khứ không mấy tốt đẹp của H và cái nhìn ghẻ lạnh của hàng xóm; H đã đổi bán ngôi nhà ấy cho người khác trị giá gần sáu tỉ đồng. Nhưng thôi, cỡ như H chiếm đoạt năm, sáu tỉ là gì trong thời buổi bây giờ. Về sau, H lại sang công tác tại Ban Công tác 6A Ban chống tham nhũng mới thật là hài hước. Nếu là người có chút liêm sỉ thì H đã xin rút. Không lẽ H lại chống H. Thế mà sự vô sỉ kéo dài đến sau, bảy năm. Chuyện đáng nói là chuyện phát huân chương cũng theo chức vụ, mà lại có sự lầm lẫn giữa người có tội với người đi đánh giặc, người làm việc có hiệu quả, có năng suất thì chẳng được tặng. Thời buổi lạm phát huân chương nên người được, người không cũng thế, chả ai tỵ nạnh làm gì.

Nhưng chuyện đáng kể hơn mà tôi muốn nói về anh phó ban H là chuyện anh ta đã nói oan, nếu không nói là vu oan cho anh Quán. Số là thế này.

Hôm đó vào buổi trưa, trời nắng, anh Quán mặc bộ quần áo màu chàm, chân đi guốc mộc, đầu đội nón lá lên 49 Phan Đình Phùng, nơi chúng tôi làm việc. Cái trụ sở xin thêm được của Ban Tài chính quản trị trung ương cho Ban Tuyên huấn thời anh T.Đ còn là phó Ban Tuyên huấn. Lúc chuẩn bị lập Ban Văn hóa Văn nghệ Trung ương, Vụ Văn hóa Văn nghệ được thừa hưởng gia tài 49 Phan Đình Phùng. Sau có thêm một chủ nữa dọn đến là Tạp chí Tư tưởng văn hóa. Một nhà hai chủ mà rất vui. Ông hàng xóm hiền lành tốt bụng. Trở lại chuyện anh Quán. Do các anh bảo vệ cơ quan hướng dẫn, anh lên gác hai tìm tôi và anh Từ Sơn. Anh nói với tôi vẻ rất khiêm nhường làm tôi lúng túng. Anh em đã gặp nhau vài ba lần ở nhà anh, vui vẻ thân tình. Tôi không biết uống rượu nhưng cũng nhắm mắt nhắm mũi chiều anh, và để không nhè ra, tôi nhón một hạt lạc như bình thường và vốc bốn, năm hạt nhét vào mồm nhai nhanh. Hôm nay lên cơ quan, thái độ anh khác hẳn. Anh lạnh lùng, từ tốn trình bày những điều vừa bị người ta vu oan. Anh đang nói, tôi xin ngắt lời và chạy sang phòng bên cạnh mời anh Từ Sơn sang cùng nghe. Người vu oan cho anh là anh là phó ban H, cấp trên của anh Từ Sơn và tôi. Chuyện là mấy tháng nay, anh đóng vai Lã Vọng thất thời suốt ngày ngồi bên bờ Hồ Tây câu cá. Không phải câu trộm nữa. Có một anh bộ đội chống Mỹ là đội trưởng bảo vệ nghe tên anh Quán, đọc thơ anh từ hồi còn đi học cấp III đã “vi phạm nội quy, bí mật cho phép anh Quán câu cá và dặn anh em trong đội cứ lờ đờ đi, đừng “quát to” làm anh giật mình. Hàng ngày, anh chỉ ở nhà đọc sách rồi hí hoáy viết, rồi lại ra hồ câu cá. Thế mà sáng nay, phó ban H, trong buổi nói chuyện thời sự trên câu lạc bộ Ba Đình cho cán bộ trung cao, lại nói người của nhóm “Nhân Văn” ở Hà Nội đã vào thành phố Hồ Chí Minh để bàn bạc với Nguyễn Hộ, nhóm những người kháng chiến cũ tuyên truyền xuyên tạc, đi ngược lại đường lối của Đảng và Nhà nước. H dẫn tên anh Quán làm ví dụ. Một anh bạn cũng là bộ đội thời chống Pháp biết anh Quán hơn nửa năm nay không đi đâu vắng nhà, đạp xe đến thông báo cho anh biết. Anh Quán tha thiết đề nghị tôi và anh Từ Sơn tự mình hoặc cử người xuống gặp công an phường và hàng xóm điều tra, mong chứng minh sự thật cho anh. Lúc đó đã quá trưa, tôi và anh Từ Sơn tiễn anh xuống cầu thang và đều khẳng định, chúng tôi tin anh. Chúng tôi tin thật, chẳng phải hỏi han ai, chúng tôi biết phó ban H nói sai. Chẳng biết vô tình hay hữu ý mà H nói thế. Thật là tai hại cho người ta. Hay vì H nghĩ những người như anh Quán không cần bảo vệ danh dự cho họ nữa. Tôi đắng chát nghĩ đến số phận con người. Khi anh đi chiến đấu ngoài mặt trận, người ta ngồi học ở trường, rồi khôn khéo leo lên trở thành lãnh đạo, lên xe xuống ngựa, ăn to nói lớn, sao lại bừa bãi, làm hại sinh mạng chính trị người khác. Thế mà lúc nào cũng nói cách mạng, nói đạo lý, răn dạy thiên hạ. Tôi buồn quá, mãi cho đến hôm nay viết lại vẫn thấy đau. Anh Quán thành người thiên cổ rồi. Phó H da dẻ vẫn hồng hào, vẫn tiệc tùng chúc tụng, vẫn hùng dũng đứng lên những chủ tịch đoàn, vẫn lĩnh huân chương. Huân chương vì thành tích gì vậy?

Trong nhóm “Nhân Văn”, người ta thường kể đến bốn, năm người coi như “chủ soái”, coi như “bọn cầm đầu. Ấy là Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán, Hoàng Cầm, v.v. Cũng tùy vào việc cần dẫn ra ông nào làm ví dụ. Ông bạn vong niên, chức to đầu to của tôi cũng điểm danh năm, sáu ông ấy. Khi nào tôi hỏi thăm anh A, anh B thì ông kể thêm. Về ông Cầm quê tôi, tôi tự tìm hiểu.

Một nhà thơ, nhà thơ Hoàng Cầm, người đã vinh danh, đã xưng tụng con sông quê tôi – sông Đuống. Một con sông làm nhà thơ mờ tên. Người ta gọi ông là nhà thơ sông Đuống và ngược lại, đôi lúc con sông cũng mất tên. Con sông nghiêng nghiêng. Ông sẽ còn mãi với con sông quê hương, dù nó sẽ một lần tiễn ông vào cõi vĩnh hằng. Con sông đã bị ông dốc nghiêng, nhìn nghiêng. Và có thể, như người xưa nói: “giang sơn dị cải” nó sẽ bị lấp, nó sẽ bị san, bên lở bên bồi và biến dạng; nhưng nó mãi mãi tồn tại trong thơ ông. Cái ý muốn hiện đại thơ, đổi mới thơ của ông khiến ông hợp tác với ông Dần, ông Đạt, ông Quán thành nhóm thơ. Nhóm thơ chứ không phải nhóm chính trị. Có thể ai đó muốn co kéo các ông vào nhóm này nhóm kia lại là một chuyện khác. Người như Hoàng Cầm chỉ có thơ và em. Ông có thể đại diện cho nhóm “Chính Em”. “Chính Em” viết hoa viết in. Em là chính. Những người như thế khó mà làm chính trị, nếu có cũng chỉ lúc vắng em, thiếu em. Về khoản đó, cánh văn chương chúng tôi xin tôn bác Cầm làm thủ lĩnh. Bác đau cái đau của sông Đuống, của quê hương bị giặc tàn phá, bác đau cái đau của văn hóa dân tộc bị tiêu thổ. Bác căm thù, bác chua xót “như rụng bàn tay, bác thét lên bằng thơ, truyền vào hồn người khác. Bác là anh vệ quốc đoàn, bác là thi sĩ của tình yêu. Bác làm mê mẩn các thiếu nữ bằng thơ, bằng kịch Kiều Loan. Bác cảm chúng tôi bằng những vần thơ có em, có yêu. Ông Dần hút chúng tôi bằng: “Tôi ngồi hóa đá giữa giao thừa – Một pho tượng nặn bằng đau khổ”. Hay như ông Đạt lôi kéo chúng tôi bằng “ông bình vôi. Còn một ông cũng to đầu là ông Nguyễn Hữu Đang, người ta gán ghép cho ông những chuyện ngoài xã hội, nhưng tìm trong thơ thì không thấy. Các ông trên thì dễ trích dẫn chứ ông già sống dai, trưởng ban tổ chức lễ hội, ngày của đất nước mùng 2 tháng 9 năm 1945 tại quảng trường Ba Đình Hà Nội thì nổi tiếng ở chuyện khác. Lại nhớ đến cụ già xứ Quảng ví kiếp người như lợn, “Đánh đùng một cái. Kêu eng éc ngay, bịt mồm bịt miệng, trói chân trói tay – Từ đây đến cái dao. Chẳng còn xa là bao”. Cũng có người gọi cụ là cụ già ngang bướng, lão chẳng sợ chi: “Làm chi cũng chẳng làm chi. Dẫu có thế nào cũng chẳng làm sao. Làm sao cũng chẳng làm sao. Dẫu có thế nào cũng chẳng làm chi”. Cụ “chẳng làm sao”, người ta rất nể trọng. Phan Khôi không bị oan ức như Trần Dần. Người ta bảo: “Khi sang Bắc Kinh, ông Dần có chịu ảnh hưởng của Hồ Phong”, đàn em của đại văn hào Lỗ Tấn. Sang trọng quá, hai ông đều là loại cỡ của văn nghệ Trung Quốc. Nhưng thực ra “Nhân Văn” không chịu ảnh hưởng của phong trào “Bách gia tranh minh. Ông Dần không chịu ảnh hưởng của Hồ Phong, một sự gán ghép lịch sự. Còn đánh “Nhân Văn” thì có ảnh hưởng của “Trăm hoa đua nở, có ảnh hưởng của “trị phái hữu”. Mình lo xa, mình yếu bóng vía và mình giáo điều bắt chước. Cái ảnh hưởng tai hại khiến văn nghệ ta mất khả năng sinh thành sáng tạo trong nhiều năm.

Nửa thiên niên kỷ trôi qua, nước chảy qua cầu vẫn chỉ là khẩu thiệt vô bằng, thế mà gây nên bao nỗi buồn. Nỗi buồn ông Cầm, nỗi buồn ông Dần, nỗi buồn ông Đạt, nỗi buồn ông Quán và bao nhiêu nỗi buồn khác theo nhau cho đến cuối đời, gửi lại cho cả thế hệ mai sau. Người “đánh” và người “bị đánh” đều theo nhau về Văn Điển, Thanh Tước. Một vài người về Mai Dịch theo ý muốn của mình, kể cả không theo ý muốn của mình. Lẽ thường thì ông Đạt, ông Quán phải tiễn đưa cụ Cầm. Luật thường, yêu nhiều nên ốm, ôm nhiều nên yếu, nhưng mà trời cao và cả đám nữ nhi đã giữ cho ông già cái sức khỏe vượt qua bát tuần đại khánh. Chẳng ai “đánh” được bác. Bác vẫn đọc điếu văn và đưa tiễn các bạn bác, ông Dần, ông Quán, ông Văn Cao, ông Lê Đạt và bao nhiêu tài hoa khác, những người đáng lẽ phải tiễn đưa bác. Tất nhiên, người gần gũi bác về sau thường là các nhà thơ trẻ, có chút tài và muốn thành tài thành tên. Tôi chỉ là bạn sơ giao của con trai bác và cũng có dăm ba lần được hầu chuyện bác, ở nhà riêng, ở hội nghị. Tôi đến, khi bác còn hoạn nạn ở ngôi nhà 43 Lý Quốc Sư, chếch cửa Nhà Thờ Lớn. Cuối những năm thập kỷ 70, đầu những năm 80, lúc đó đã giải phóng đất nước, nhưng tư tưởng chưa được tư duy mới soi rọi. Nghĩa là chưa có đổi mới. Tôi còn nhớ ông trưởng ban mới thành lập của tôi đã có lần phải sang Bộ Công an làm việc cho bác. Lúc ấy sức khỏe nhà thơ giảm sút, lương lậu vẫn thấp như trước đó vài chục năm. Có một lần, tôi đã được cử đến thăm bác, vì lý do tôi là đồng hương, lại làm việc theo dõi Hội Nhà văn. Hôm đó, ngoài tâm sự bác cháu, do lòng sở cậy, bác có gửi cho Ban Tuyên huấn Trung ương một báo cáo văn học nói về những công việc sáng tác và dịch thuật từ năm 1959 đến nay (năm 1979 – 1980). Tôi đã mang báo cáo đó về phô tô ra năm, sáu bản gửi các đồng chí bên lãnh đạo Ban và cả bên an ninh. Tình yêu nhân dân, yêu Tổ quốc chất chứa đầy trong đó. Nhưng quả thực con chim bị bắn sợ làn cây cong, những sáng tác, đúng như bác viết “sáng tác phục vụ kịp thời, những dòng thơ không còn lấp lánh như sông Đuống nữa. Người ta tuyên truyền anh Trỗi, bác cũng có “Anh Trỗi gọi”; kỷ niệm 40 năm thành lập Đảng, bác có “Bác về” viết tháng 1-1970. May thay trong đó vẫn có “Về Kinh Bắc”, “Men đá vàng” và kịch thơ “Áo vải cờ đào”, mà sau này Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin đã phát hành rộng rãi cho dân chúng đọc và đóng góp cho thi ca. Ai cũng thấy nhà thơ này dù bị bao tai họa vẫn sống và sống dai để viết, để cống hiến cho đất nước những vần thơ hay. Hôm nay chuyện cũ viết lại, tôi xin được in cả bản Báo cáo của nhà thơ gửi Ban Tuyên huấn Trung ương để chứng tỏ Tuyên huấn cũng biết giữ gìn những kỉ niệm, những bút tích của thi nhân. Tấm lòng của nhà thơ dù thế nào cũng đau đáu với dân tộc, với đất nước. Lòng yêu nước trong “Về Kinh Bắc,Áo vải cờ đào, Men đá vàng” vẫn son sắt như thuở cờ bay tháng Tám. Cả những chuyện tưởng như sáng tác phục vụ kịp thời cũng góp phần ôn lại lịch sử văn hóa, rồi chuyện chống tham ô lãng phí từ những năm giữa thập kỷ 60, bên cạnh những lời động viên, kêu gọi toàn quân chống Mỹ. Tấm lòng thi sĩ sông Đuống vẫn nguyên vẹn thủy chung với quê hương xứ sở. Ông già bên bờ Thiên Đức bị nạn có lẽ còn do tính cách kẻ sĩ. Kẻ sĩ xứ Bắc sẵn sàng phạm thượng nếu bề trên lấy uy quyền khuất phục họ. Hoàng Cầm chạm với cấp trên trực tiếp ở Hội và cũng không kiêng nể cả người ngồi trên hống hách. Vì thế họ phải nhổ cái gai trước mắt.

Không hiểu sao, bằng trực cảm, bằng cả sự tiếp xúc với bốn, năm bậc đàn anh thuộc những người tiêu biểu của “Nhân Văn, tôi thấy hình như ta đã nhìn bằng con mắt thành kiến, hẹp hòi. Hơi một tí người ta dùng chữ “Nhân Văn” hay “Nhân Văn mới” trỗi dậy… Tôi thì lại thấy, về phẩm cách cá nhân, họ là những người hiền, tư tưởng họ cũng ít ảnh hưởng đến xã hội. Sau lần đấu tranh chống “Nhân Văn Giai Phẩm, hình như một số người bị chột và hơi chút cầu an. Họ cũng muốn lãnh đạo nhìn lại, đánh giá đúng họ, đừng to tiếng mãi, đừng nhìn cái bóng to hơn họ, mà ngại hồn ngại vía. Họ khao khát tìm cách sáng tạo cái mới, bằng cớ họ vẫn có thơ, thậm chí có nhiều thơ như Trần Dần. Mấy chục tập di cảo nói lên điều ấy. Còn các nhà thơ khác, những năm xã hội đổi mới đã công bố tác phẩm của mình viết trong thời gian suy ngẫm tại gia. Họ vẫn mơ ước sáng tạo, mặc dù ước vọng dấn thân thì xin chừa. Suy cho cùng, sáng tác mới là sự sống, là hơi thở của những con người này. Sự sống và hơi thở của mỗi người có khác nhau nhưng họ không thể không thở, không thể không sống. Không nên gán cho họ những thứ mà họ bị vạ lây, bị lôi kéo, bị ảnh hưởng. Hơi thở cuộc sống và đam mê của những con người này đã cho chúng ta cầm trên tay những tác phẩm đầy tìm tòi, trăn trở nhưng không mất niềm tin.

Trong cơn hoạn nạn, họ đã vượt thoát để thực hiện ước mơ sáng tạo. Những gì đã làm được bằng cả trái tim và khối óc của mình, họ đã cống hiến cho xã hội và đã có những thành công. Vì thế các tác giả này vẫn là những tên tuổi có chỗ đứng xứng đáng trong văn đàn Việt Nam. Xin dẫn chứng bản báo cáo của nhà thơ Hoàng Cầm gửi Ban Tuyên Huấn Trung ương báo cáo về công việc sáng tác và dịch thuật của mình.

Kính gửi Ban Tuyên huấn Trung Ương

BÁO CÁO

Về những công việc sáng tác và dịch thuật của tôi từ năm 1959 đến nay.

A. TẬP THƠ

1) VỀ KINH BẮC (1959 – 1969): gồm 40 bài, viết về quê hương tôi ngày xưa. Tâm hồn Việt Nam trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động của đất Kinh Bắc. Những kỉ niệm thời thơ ấu của tôi (chưa in).

2) CÓT THÓC VÀ CON ĐƯỜNG (1965 – 1969): gồm trên 20 bài. Nội dung chống Mỹ cứu nước và một số bài có tính chất thể nghiệm những hình thức biểu hiện mới trong thi ca. Một số bài đã in trong nhiều tập thơ của Sở Văn hóa Hà Nội xuất bản từ năm 1965 đến 1968 dưới bút hiệu: Lê Kỳ Anh.

3) ANH TRỖI GỌI, bài thơ dài (1964) chưa in.

4) BÁC VỀ, bài thơ dài (1970) (chưa in).

B. TRUYỆN THƠ

1) ANH ẤY ĐÃ VỀ (1962): Nội dung xây dựng quan hệ mới giữa người và người trong chế độ xã hội chủ nghĩa (khoảng 1500 câu), viết sau thời gian đi thực tế lao động và sản xuất ở một Hợp tác xã nông nghiệp huyện Thanh Trì (1). Chuyện một phụ nữ nông thôn gạt bỏ hiềm thù riêng, quên cá nhân mình, tận tâm giúp đỡ một chị em khác xây dựng cuộc sống tốt đẹp trong Hợp tác xã (chưa in).

2) CHẮP CÁNH (1965): Truyện một nữ đoàn viên thanh niên Hà Nội vận động gia đình xung phong đi xây dựng kinh tế miền núi ở Thanh Sơn, Phú Thọ (khoảng 800 câu); sáng tác sau khi đi thực tế với đồng bào Hà Nội lên vùng kinh tế mới ở Thanh Sơn (2). Sở Văn hóa Hà Nội xuất bản 1965. Bút hiệu: Bằng Phi.

C. KỊCH THƠ

1) ÁO VẢI CỜ ĐÀO (1963): 5 hồi. Kịch xảy ra trong nội cung vua quan nhà Lê với bọn Tôn Sĩ Nghị từ lúc quân xâm lược nhà Thanh chiếm Thăng Long cho đến khi vua Quang Trung toàn thắng giải phóng đất nước.

Bản thảo này bị thất lạc, chưa tìm ra.

2) MEN ĐÁ VÀNG (1972-1973): 3 hồi. Truyện cổ tích về nghề gốm Bát Tràng. Đã viết được một nửa và hoàn thành bốn khúc ca về bốn nhân vật chính trong chuyện. Sáng tác trong dịp đi thực tế sản xuất ở xí nghiệp gốm sứ Bát Tràng, do Sở Văn hóa Hà Nội tổ chức năm 1972. Tác giả đã tự trình bày bốn khúc ca và hồi thứ nhất của kịch bản cho công nhân xí nghiệp Bát Tràng nghe.

D. SÁNG TÁC PHỤC VỤ KỊP THỜI

1) Viết kịch bản và lời thuyết minh bằng văn xuôi và thơ cho những bộ phim Đèn chiếu do Xưởng phim Đèn chiếu T.Ư và phòng Văn nghệ cổ động của Sở Văn hóa Thông Tin Hà Nội sản xuất từ năm 1963 đến 1975. Tất cả khoảng 20 bộ. Xin kể mấy bộ phim chính:

            – Hai bàn tay quý, truyện an toàn lao động.

            – Nhớ mãi, truyện an toàn về điện.

            – Đôi dép vạn dặm, truyện dân công Điện Biên Phủ.

            – Cuộc chiến đấu ở Liên Khu I, Hà Nội.

            – Hà Nội 20 tuổi. Kỷ niệm 20 năm giải phóng thủ đô.

Những bộ phim này theo Xưởng Phim Đèn chiếu và Sở T.T Hà Nội đã có kết quả tốt, nhất là những bộ phim về giáo dục an toàn lao động.

2) Diễn ca Nếp sống văn minh. Sở Văn hóa 2.2 Hà Nội xuất bản (1968). Bút hiệu Lê Kỳ Anh.

3) Kịch ngắn dân ca.

a/ Cái tủ: Nội dung chống tham ô lãng phí đã diễn ra ở Hội diễn quần chúng khu Hoàn Kiếm (1964).

b/ Vỗ cánh: Nội dung thúc đẩy phong trào tòng quân chống Mỹ cứu nước. Sở Văn hóa Hà Nội xuất bản 1967. Một số địa phương ở Gia Lâm, Thanh Trì, Đông Anh, Từ Liêm đã biểu diễn phục vụ các đợt tuyển quân trong huyện. Bút hiệu Lê Kỳ Anh.

E. DỊCH THUẬT

1) NHỮNG NIỀM TIN, tập thơ kháng chiến chống Pháp của nhà thơ Angiêri: Boualem Khalifa gồm gần 30 bài. Nhà xuất bản Văn học xuất bản năm 1965. Người dịch và giới thiệu Lê Kỳ Anh.

2) Truyện, ký, và những bài báo về Hoàng Hoa Thám của nhiều tác giả Pháp. Tài liệu do Ty Văn hóa Hà Bắc trong đó có tập “Kỷ niệm thời thơ ấu” của bà Hoàng Thị Thế viết bằng tiếng Pháp. Toàn bộ công trình dịch thuật này gồm khoảng 1500 trang, trong 2 năm 1975 – 1976.

Hà Nội ngày 14/6/1977

Hoàng Cầm

43 – Lý Quốc Sư – Hà Nội

HC 1a

HC 1b

 

HC

Trích trong tập “Lạc quan… buồn” của Trịnh Đình Khôi do tác giả gửi tặng bạn bè. Văn Việt công bố với sự đồng ý của tác giả.

Comments are closed.