Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 282): Bờ Dâu – Nam Dao (1)

*

Lần Huyền đi thăm nuôi Nhân, phép xin dễ vì Huyền có giấy giới thiệu của công an quận. Nhưng với Dao Ánh, rất khác. Mất hai tháng, nàng mới có phép, sau khi đi lên đi xuống Ủy Ban Nhân Dân cấp quận đến ba bốn lần. Nhân hiện ở trại Trảng Lớn gần phi trường Tây Ninh. Cái hạn 30 ngày cho sĩ quan và viên chức trong chính quyền ‘‘ngụy’’ học tập cải tạo để trở thành những công dân ‘‘tốt’’ dưới chế độ mới đã trôi qua. Không một ai về. Rồi hy vọng kỳ hạn học tập thêm 3 tháng cũng tiêu tan mây khói. ‘‘Ngụy’’ chắc tối dạ, đầu đặc, học sao mãi chưa ‘‘thông’’. Huyền làm đơn khiếu nại, trình bầy rằng cha Nhân là Phan Thượng Chính, đảng viên từ thời tiền khởi nghĩa. Nàng yêu cầu Tư Quới xác minh chính bản thân mình hoạt động nội thành từ mười mấy năm nay, và năn nỉ ông ta đi cùng với mình lên gặp Tư Trọng, tức Thiếu Tướng Nguyễn Công Tài, một trong những người phụ trách an ninh cao nhất miền Nam khi đó. Tư Trọng thẳng thắn: ‘‘ Chị nghĩ đi, ta nói học một tháng thì họ ra trình diện chứ nói khác đi, họ sẽ trốn và gây ra tình trạng khó kiểm soát, không bảo đảm được an ninh! Bây giờ thế này, chị bảo cháu cứ thành khẩn khai báo và phấn đấu cải tạo thật tốt. Mặt khác, tôi sẽ yêu cầu Công an Trung Ương cung cấp thông tin về anh Chính. Như thế, hy vọng sẽ được giải quyết nhanh gọn! ’’. Huyền thất vọng, Nhìn Tư Trọng, Huyền buột miệng ‘‘Thế là chúng ta đi lừa!’’. Tư Trọng nghiêm mặt ‘‘ Ta lừa địch, địch lừa ta! Cái nghề an ninh, nó thế, chị công tác lâu năm rồi, chắc phải hiểu’’. Huyền lắc đầu, buồn bã nói nhỏ ‘‘ Bây giờ địch thì ít, nên lừa phần lớn là lừa nhân dân. Không giữ được chữ tín, sau nói ai còn nghe nữa?’’. Bất thình lình, Tư Trọng nói như quát trước mặt một thuộc hạ đang ghi chép ‘‘Chúng ta cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, một là một, hai là hai, trước thế nào sau như vậy. Thôi, xin kiếu đồng chí! ’’. Tư Trọng nắm khuỷu tay Huyền đẩy ra cửa văn phòng. Vừa bước, Tư Trọng vừa thì thào chỉ cho một mình Huyền nghe ‘‘ Ngay cả ta với ta, cũng cứ thận trọng là hơn. Phức tạp lắm!’’. Ngạc nhiên, và phải hai năm sau, Huyền mới thực hiểu.

*

Ánh lễ mễ xách hai gói quà Tết đã được công an kiểm kê vào nơi tiếp khách của Trại học tập. Trại không xa sông Vàm Cỏ, phía Tây là đầm lầy. Cuối mắt, chỏm núi Thất Sơn nhô cao giữa những cánh đồng vàng lúa dưới ánh nắng rực rỡ buổi chớm xuân. Phòng khách của Trại có 6 cái bàn. Mỗi cái, ghế để hai đầu, một cho người thăm nuôi, một cho trại viên. Chính giữa, một cái ghế dành cho cán bộ quản giáo, người có nhiệm vụ ngồi nghe, thường tay cầm tờ Sài Gòn Giải Phóng để ngang mặt. Cán bộ trực gọi tên, tay chỉ ghế dành cho Ánh. Để quà lên bàn, Ánh nhướng mắt nhìn về phía cửa ra vào. Và đợi. Nửa giờ sau, cán bộ đưa trại viên ra, gióng to ‘‘ Phan Thượng Nhân’’. Ánh đứng bật dậy. Anh cán bộ quản giáo lừ lừ xua tay, giọng sẵng ‘‘Ngồi xuống!’’. Nhân nhận ra Ánh, nhưng đứng yên cho đến khi quản giáo vẫy. Tiến lại, Nhân lẳng lặng ngồi xuống chiếc ghế giành cho trại viên, mắt ngước lên. Hai người im lặng nhìn nhau. Thấy Nhân gầy rạc đi, mắt trũng xuống trông hốc hác, Ánh động lòng, cắn môi. Quản giáo giục, giọng miền Bắc, lại ngọng ‘‘Lói gì thì lói đi. Có mười nhăm phút, hết giờ thôi! ’’. Anh ta há miệng ngáp dài khoe những chiếc răng bàn cuốc xỉn khói thuốc lào, tay lại cầm tờ báo lên ngang mắt. Ngập ngừng, Ánh hỏi thăm sức khoẻ Nhân, kể lại sinh hoạt ở nhà và nhắn lời Huyền động viên dặn dò. Nhân nhếch mép cười, đưa mắt nhìn nhắc Ánh còn có người thứ ba đang nghe, nói như cái máy:

– Ánh về nói cho nhà yên tâm, ở trại đây thoải mái, chẳng thiếu thốn gì. Học tập thì mỗi ngày một tiến, khi nào thông hiểu chính sách khắc về, chẳng có chi mà vội.

Ánh gật đầu, nhưng nước mắt ứa ra. Kìm xúc động, nàng nhẹ giọng:

– Báo tin anh biết, anh Thuyết hy sinh rồi!

Nhân lặng người. Châm thuốc, Nhân rít một hơi rồi nhẹ nhàng:

– Ánh biết tin hồi nào?

– Khoảng hơn tháng nay. Đầu tiên là bức thư của mạ Ánh. Sau, anh Bửu Chỉ vô Sài Gòn, nói chính anh ấy đã đào mồ chôn anh Thuyết. Các anh ấy bị bom năm 73, ở mặt trận Quảng Trị…Nay mộ anh Thuyết vẫn còn trong rừng!

– Mợ anh biết tin chưa?

Nhớ đến buổi tối trên sân thượng hôm được Huyền kể cho nghe chuyện mình, Ánh đáp:

– Em tính báo, nhưng tối hôm đó dì ngó coi bộ buồn nên lại thôi, chưa nói gì.

Nhân ngửng đầu nhìn ra ngoài. Hình ảnh Thuyết ngày nào đưa Nhân đến chơi với đám sinh viên Huế ở cốc Tuyệt Tình hiện ra. Mới bước chân vào đại học, Bửu Chỉ vẽ những bức minh họa cho tờ báo Sinh Viên. Dùng bút sắt, nét cứng cỏi đến tàn nhẫn, chàng họa sĩ tài tử này không che dấu sự dấn thân của mình. Chỉ ít lâu sau, mật vụ chế độ cũ đi lùng, Bửu Chỉ cũng phải nhảy núi như Thuyết, như Trần Vàng Sao, như hai anh em Hoàng Phủ.

Ánh cố đổi giọng làm vui, thốt:

– Lại sắp Tết. Tuần sau Ánh đưa bé Quỳnh về ăn Tết với bà ngoại, sau đó sẽ ở hẳn Huế. Mạ Ánh dạo này đau ốm, Ánh cũng lo….

Nhân bật miệng, giọng không dấu được chút gì như hoảng hốt:

– Ăn Tết xong, Ánh vào lại Sài Gòn nhé…

– Ánh cũng không biết nữa. Ở lâu, sớm muộn sẽ phiền dì. Sắp tới, phải khai hộ khẩu, phức tạp lắm!

Quản giáo giả ho khan, bỏ tờ báo xuống, mắt nhìn đồng hồ, giọng khinh khỉnh:

– Hết giờ thăm luôi. Thôi! Đủ rồi!

Nhân vội bóc bao thuốc lá Capstan, rút một điếu rồi đẩy cả bao về phía quản giáo, miệng nói ‘‘Mời cán bộ!’’. Anh ta thò tay rút một điếu, đưa lên kẹp vào tai. Nhân vội khẩn khoản ‘‘ Cán bộ lấy cả bao đi. Tôi ho, ít khi hút lắm!’’. Quản giáo đảo mắt liếc quanh một vòng, nhón bao thuốc nhét nhanh vào túi rồi đứng dậy, miệng nói:

– Thông cảm cho lăm phút lữa nhé!

Anh ta bước về phía cửa ra vào. Ôi, quí hoá làm sao năm phút tư riêng không ai dòm ngó này. Nhân nhìn vào mắt Ánh, giọng run run:

– Anh muốn em ăn Tết xong rồi lại vào Sài Gòn với mợ. Thuyết đã không còn ở thế gian thì anh có thể nói với em điều này…

Ánh òa lên khóc. Đây là lần đầu Nhân gọi Ánh bằng em. Và chỉ nói mợ, chứ không mợ anh như trước, như thể mợ là mợ của hai người. Lời Nhân nói đúng là lời cầu hôn của kẻ đang ở tù. Còn Ánh, góa phụ, chồng chết cũng sắp được ba năm, coi như gần hết tang. Nhìn Ánh đưa hai tay lên ôm mặt, Nhân bùi ngùi:

– Anh sẽ viết vài chữ xin phép mợ, Ánh nhé…

Chia tay Nhân, Ánh bỗng xấu hổ như vừa vụng trộm, chạy vuột ra ngoài. Một cán bộ chặn Ánh lại, hỏi: ‘‘Thuyết là ai?’’.

Thì ra anh quản giáo ra ngoài báo cáo. Nhưng đổi một bao Capstan lấy năm phút để nghe một lời cầu hôn lẽ ra phải nói ra từ bảy năm trước quả không mấy đắt. Ánh đáp, giọng ngậm ngùi:

– Anh ấy là một chiến sĩ Cách Mạng đã bỏ mình trong trận Quảng Trị…

Trên đường về Sài Gòn, Ánh chỉ vui được một nửa. Nửa kia, có gì nghe như một sự lỡ làng rất mơ hồ. Khi vớt hụt những chiếc lá trôi ven bờ sông Hương ở tuổi ấu thơ, nàng đã lờ mờ mường tượng ra nó nhưng chưa biết là nửa bên kia của bất cứ hạnh phúc nào cũng có những vết trầy xuớc của định mệnh.

*

Cuộc đổi đời nhẩy qua một bước ngoặt khi Quốc Hội nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ở miền Bắc chính thức đổi tên thành Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam cho một lãnh thổ từ Bắc chí Nam. Đảng Lao Động cũng lấy lại tên thật là Đảng Cộng Sản Việt Nam. Riêng Sài Gòn, dân vẫn chưa quen gọi là Thành Phố Hồ Chí Minh, nhưng thôi xì xào chuyện thiết lập một Chính Phủ Cộng Hòa cho riêng miền Nam. Bấy giờ, cờ Mặt Trận Giải Phóng biến mất, chỉ còn cờ đỏ sao vàng phất phới tung bay khắp mọi nơi. Những kẻ có máu làm ăn trong Chợ Lớn nhanh chóng in ảnh Hồ Chí Minh. Chỉ ít lâu, nhà nhà treo ảnh Bác như bùa thiêng trấn áp tà ma cõi âm để giữ chút bình yên cho người cõi thế. Lực Lượng thứ Ba thời ‘‘ngụy’’ nay cũng giã từ mọi ảo tưởng khi Nhà Nước thu hồi cuốn Hồi Ký của tướng Trần Văn Trà, kẻ đã tuyên bố ngày đầu Giải Phóng rằng là người Việt Nam thì không có ai thua ai thắng, chỉ có Đế Quốc Mỹ là thua mà thôi. Tiếng đồn ông Trà không thống nhất quan điểm với Đại Tướng Văn Tiến Dũng, người viết cuốn Đại Thắng Mùa Xuân. Nhưng câu chuyện này cũng lắng dần như mọi trục trặc chốn cung đình, cách giải quyết thường là vỗ về và ban phát lại bổng lộc cho công thần.

Huyền được phân công phụ trách Ủy Ban Phụ Nữ phường. Việc chuyển từ an ninh Quận về lo một bộ phận quần chúng cấp Phường như vậy là hình thức hạ tầng công tác. Gặp Tư Quới, Huyền hỏi, ‘‘Anh Tư à, tôi có khuyết điểm gì? ‘’. Tư Quới đáp: ‘‘ Tui cũng sẽ đi Dầu Tiếng tháng tới…Gặp anh Tư Trọng, tui cũng hỏi ảnh như cô Hai hỏi tui ’’. Huyền ngạc nhiên , ‘‘Anh ấy nói sao?’’. Lắc đầu, Tư Quới thở dài ‘‘Tư Trọng biểu chính ảnh cũng sắp phải ra Hà Nội nhận công tác mới. Chuyện phức tạp lắm! Mình đổi nhân sự mà, cô Hai! ’’. Chủ tịch Ủy Ban hành chính quận, một cán bộ từ Hà Nội mới vào, động viên Huyền ‘‘ Tôi được biết xưa chị phụ trách dân vận khu Đồng Xuân thời giành chính quyền. Phân công chị về ủy ban phụ nữ là thả cá vào nước, đúng người đúng việc!’’. Huyền dửng dưng, chỉ nhắc mình đã xin giấy phép về quê từ lâu mà vẫn chưa được phúc đáp của sở Công an Thành Phố. Huyền khẩn khoản ‘‘Mẹ tôi mất, con tôi là thương binh. Đến nay đã hơn hai mươi ba năm tôi chưa về quê hương bản quán, mong đồng chí nói hộ cho một tiếng!’’.

Công việc mới bắt Huyền phải họp, họp và lại họp. Họp với khu, với phường, với những tổ dân phố. Họp để nghe và học hết nghị quyết này đến nghị quyết kia. Học xong, phải phổ biến, phải giải thích này nọ cho quần chúng, nhắc đi lập lại quyền làm chủ tập thể và tinh thần tiến công dưới hai ngọn cờ trong ba dòng thác cách mạng. Quần chúng phần lớn ù ù cạc cạc và chỉ quan tâm đến đời sống thiết thực, phải thúc giục mới chịu nêu thắc mắc để cán bộ giải đáp. Ngôn ngữ ‘‘mới’’ bắt đầu thấm vào những người dân một chế độ ‘‘người không bóc lột người’’. Những từ lạ như phấn đấu, tích cực, tiên tiến, điển hình…thâm nhập cùng với số người Bắc, dân gọi là Bắc Kỳ 75, mỗi ngày một đông. Ở Thành Phố, cán bộ công nhân viên vào chiếm lĩnh những căn nhà do Ủy Ban hành chính cấp phát. Một số không nhỏ đi từ những nơi dân số quá lớn như Thái Bình, Nam Định… ồ ạt vào những khu kinh tế mới trên Lâm Đồng, Bảo Lộc… và ven biên giới Kampuchia, vừa có đất canh tác, vừa đồng thời ‘‘bảo vệ’’ tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Trong xã hội hiện nay, người làm ít, người ăn nhiều. Không làm, thì họp. Họp sáng. Rồi trưa. Tối vẫn lại họp. Có bữa, ba giờ sáng tập hợp để đi mít tinh mừng ngày Lao Động Quốc Tế. Có đêm mãi đến 11 giờ vẫn phải ngồi nghe cán bộ Thành xuống phổ biến phương hướng cải tạo kinh tế xã hội. Đảng đề ra chính sách hợp tác xã kết hợp công-nông nghiệp. Cán bộ giải thích, sản xuất nông sản nhưng đồng thời hợp tác xã vận dụng làm ra của cải công nghiệp nhẹ như rượu, đường, phân bón… tùy theo yếu tố thuận lợi từng địa phương. Nhân dân ta vốn cần cù sáng tạo. Thiếu xăng, thì dùng xe ‘‘cải tiến’’ chạy bằng than đá Hòn Gai, vãi ra hàng đống than hồng lổm ngổm bò trên xa lộ như ma chơi đùa rỡn giữa một trong ba dòng thác cách mạng có tên là khoa học kỹ thuật.

*

Chị Sáu bán cháo lòng là một thành viên ‘‘phấn đấu tốt’’ trong Ủy ban Phụ nữ Phường. Dậy từ 4 giờ sáng, chị nấu hai nồi cháo, gánh ra bến xe đò Ngã Sáu và bán đến độ 10 giờ thì về. Sau bữa trưa cho ba đứa con nhỏ, chị ‘‘công tác phụ nữ’’ đến chiều và cứ tối tối đi họp, không vắng mặt buổi nào. Anh Sáu, Hạ sĩ bộ binh ‘‘ngụy’’, đi học chỉ một tuần là giác ngộ, về nhưng không công ăn việc làm. Việc anh là coi mấy đứa nhỏ khi mẹ nó vắng nhà, và buồn nên anh nhậu dài dài, lúc lời ra tiếng vào là có thể quên mất ‘‘nếp sống văn minh’’, thượng cẳng chân hạ cẳng tay với vợ con, và dọa đốt nhà ‘‘cho VC nó biết tay!’’. Chị Sáu ngậm tăm, cố khuyên can, và khi bị đánh u mặt thì lại giả lả nói là té mặt đập xuống đất. Cho đến khi có người tố với cán bộ. Huyền đến tận nhà anh chị Sáu hỏi sự tình. Anh Sáu văng tục ‘‘… Đm, ‘’zợ’’ tui, tui có quyền đánh. Tui có đánh zợ người khác đâu! ’’. Huyền bực mình, bảo ‘‘ Vợ anh, nhưng là cán bộ Ủy Ban phụ nữ!’’. Anh Sáu bị giam hai ngày ở Công An Phường, phải chị Sáu bảo lãnh mới được tự do. Anh tỉnh rượu nên khi Huyền đến nhà, anh buồn rầu nói: ‘‘Cô Hai à, không công ăn việc làm, nó zậy, buồn mới nhậu lai rai nên sanh chuyện!’’. Bàn với chị Sáu, Huyền gom góp được một số tiền giúp anh Sáu ‘‘làm ăn’’ hành cái nghề anh học được với cha anh từ nhỏ là sửa đồng hồ. Chỉ ba tuần sau, anh thành chủ nhân một cái tủ đóng bằng gỗ dưới có bốn bánh xe cút-kít, mặt trên lồng kiếng che mấy chiếc đồng hồ cũ kiểu Timex, Movado… bên cạnh dăm cây bút bi và mấy cái hộp quẹt ga bằng nhựa. Sáng sáng, anh đẩy tủ đồ nghề ra mé cửa ga xe lửa, chăng cái bảng cạc-tông trên viết: bơm mực, đơm ga, sửa đồng hồ. Anh thôi đánh vợ và cười toe toét ‘‘lao động đúng là ‘‘zinh’’ quang, cô Hai à! ’’ nhưng luôn luôn giấu trong tủ đồ nghề một xị đế đã mở sẵn.

Đội ngũ ông bà thuộc loại ‘‘ba mươi tháng tư’’ thưa dần, một phần chán vì không trục lợi được, một phần bị kiểm điểm vì tác phong phản cách mạng. Ngược lại, quần chúng lao động rất tích cực, đặc biệt là các bà, các chị. Họ buôn thúng bán bưng quần quật cả ngày, nhưng tối đến họ họp hành, xung phong làm những việc cho phường, cho xóm đến khuya. Bán đủ thứ lặt vặt trên vỉa hè, kể cả ở những đường phố xưa nay sang trọng nề nếp như Lê Lợi, Nguyễn Huệ…họ bị công an đến dẹp. Học nghị quyết, họ cãi lý, cho rằng họ chỉ thi hành quyền làm chủ tập thể. Công an phần đông là người khu 4, sẵng ‘‘ Về nhà mà làm chủ’’ thì nghe trả lời ‘‘Chỉ cho làm chủ ở nhà thì sao chính sách lại kêu là phải làm chủ tập thể? Hè đường mà không thuộc tập thể thì cái gì là của tập thể?’’. Công an bắt về trụ sở phường, nhưng ở đấy các bà các chị vi phạm luật lệ thường lại là những người sinh hoạt tích cực trong chòm xóm nên rốt cuộc cứ chín thì bỏ làm mười, và thế là họ thoát ‘‘nạn’’.

Mức sống dân Sài Gòn tuột xuống đến chóng mặt. Năm 77, xăng nhớt thiếu hụt trầm trọng. Than và củi thay xăng và điện, bếp nhà nào cũng ám khói đen xì. Trên xa lộ Sài Gòn -Biên Hòa, xe tải ‘‘cải tiến’’ chạy, bụi than đầy trời, ban đêm than đỏ lổm nhổm bò trên mặt đường. Nhà cửa xuống cấp. Ở những buyn-đinh hàng chục tầng, cán bộ chiếm ngụ cuốc những nơi xới được đất lấy chỗ trồng rau để ‘‘cải thiện’’ kinh tế gia đình. Bồn tắm, nhà cầu …từ từ thành nơi nuôi heo. Ống nước tắc, cống nghẹt, mùi phân bốc lên thum thủm trong những khu chung cư xưa thuộc loại sang. Một nhà thơ bộ đội hóm hỉnh nhại thơ bác ‘‘ Nên ở trong thơ phải có c…Nhà thơ nay cũng biết nuôi heo’’.

Xã hội mới, qui luật mới. Cả ngôn ngữ, cũng mới. Bắt đầu lạ tai, sau quen dần, nghe không còn kệnh cỡm như giễu nhạo thuở mới giải phóng. Nhưng cũng còn những điều lấn cấn. Số người từ miền Bắc vào tạm cư ở những hộ bỏ trống ở phường ngày một đông. Họ thường nghiêm và buồn, rất ít cười, khinh khỉnh quay ngoắt người khi gặp hàng xóm mới và hầu như không bao giờ biết nói xin lỗi hay cám ơn ai. Trong những buổi họp dân phố, họ thường tỏ vẻ thông hiểu chính sách, ‘‘góp ý’’ và ‘‘bổ túc’’ liên miên giúp cán bộ miền Nam ‘‘xác định lập trường cách mạng’’ mà họ khoe cho mọi người biết họ đã thấm nhuần với kinh nghiệm hai mươi năm cải tạo xã hội miền Bắc. Người miền Nam kêu ‘‘ Thôi mà, cảm phiền đừng phát biểu ba dê nữa’’. Người miền Bắc hỏi ‘‘Ba dê là cái gì?’’. ‘’ Là nói dài, nói dai và nói dở…’’. Không khí xum họp Bắc – Nam vì thế có lúc chẳng lấy gì vui cho lắm.

Nhưng trẻ con thì khác. Chúng hội nhập với nhau rất nhanh. Trẻ miền Nam học chửi kiểu miền Bắc, và ngược lại. Nhưng về mục chửi thì miền Bắc quả ‘‘tiên tiến’’ và đầy ‘‘bản sắc dân tộc’’, nhất là các bé gái. Mới chín, mười tuổi đầu, chúng chửi nghe như các bậc phụ huynh già dặn. Chia hai phe, phe Cách Mạng và phe Mỹ – Ngụy, có đứa tụt quần xuống, réo rắt nhịp điệu hẳn hoi ‘‘Cha tiên nhân bố thằng Ngụy liếm máu… l… bà đây cho mà biết thế nào là đại thắng mùa Xuân nhé!’’. Anh Ngụy miền Nam, động một cái là chỉ biết đ…, thường là kêu ‘‘uýnh, uýnh’’ nhưng chạy. Tục chửi bậy lây nhanh, và ‘‘trên’’ ra chỉ thị cấm chửi. Phải giáo dục các em. Muốn quàng khăn đỏ, cần phấn đấu tốt. Các cô giáo ra sức giải thích thế nào là ‘‘nếp sống văn minh’’. Trong trường, lớp trưởng hò hét ‘‘ Phải văn minh nghe không, địt mẹ chúng mày, nay cấm chửi! Đứa nào chửi, ông báo cáo phạt bỏ mẹ chúng mày!’’.

Giữa năm, đã có những gia đình phải độn mì hột, bo bo vào cơm. Thời ‘‘ngụy’’, có viện trợ Mỹ và gạo Thái Lan, không thiếu. Nhưng nay, nông nghiệp chưa khôi phục. Trung Quốc hình như ngưng ủng hộ lương thực cho miền Bắc như trong thời chiến nên cơ nguy thiếu đói đe doạ. Chị Sáu vẫn nói, nhưng nhẹ giọng dần, ‘‘Đừng nóng vội!’’. Bụng không no, an ủi nhau bằng cách bảo ‘‘ Tất cả cho mai sau ’’ chứ biết làm gì hơn được. Nhưng một bữa, chị Sáu lên phường khiếu nại về chuyện thuế. Chị kêu ‘‘ Cái chú công an kinh tế cứ sáng là ra đếm mấy cái tô dơ vào giờ cao điểm, rồi nhân bốn lần lên để tính số tô bán được trong cả buổi sáng. Nhưng ‘’zậy’’ là không có tính khoa học xã hội chủ nghĩa. Từ 7 tới 8 giờ, bán nhiều nhưng sau đó lai rai, nhân bốn thì số tô gấp hai lần hai thùng cháo tui gánh ra bán phục vụ nhân dân. Tui quyết không chịu…’’. Rồi chị bầy, cứ tính số tô bằng hai thùng cháo, tới kiểm kê số cháo chưa bán hết, tính ra số tô bán được, và suy ra số thuế phải đóng cho Phường, như zậy mới bảo đảm được sự công bằng. Công an kinh tế lắc đầu, báo cáo với Ủy Ban là ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa không làm như vậy, chính quyền ta phải cảnh giác để khỏi mắc mưu dân miền Nam vốn có kinh nghiệm ‘‘tư bản chủ nghĩa’’. Chị Sáu thôi bán cháo và từ đó bớt sinh hoạt tập thể. Chị ấm ức, kêu ‘‘ bán cháo đóng thuế xong thì gần như huề vốn, vậy tức cho không lao động, và như thế không người bóc lột người thì còn là cái gì? ’’. Huyền nghe chị nói, cười ra nước mắt nhưng không biết trả lời làm sao cho phải.

Nhu yếu phẩm khan hiếm, tức có chợ đen. Thiếu tất cả: đường, sữa, bột ngọt, mỡ, vải vóc… và nhất là thuốc men. Trúng gió, cảm hàn, đau bao tử…cái gì cũng chữa bằng Xuyên Tâm Liên, thuốc của ta trị bách bệnh. Và cho công hiệu, mỗi ngày phải nuốt đến ba, bốn chục viên. Thuốc Tây do Việt Kiều gửi về cho gia đình bán chui trong chợ đắt như vàng. Để chặn sự lũng đoạn của con buôn đang tìm cách khôi phục ‘’thị trường’’, Nhà Nước áp dụng những biện pháp đã xử dụng ở miến Bắc trong thời chiến. Chế độ tem phiếu được đem ra phổ biến, cái gì cũng ‘’quản’’, cái gì cũng ‘’phân’’. Với khẩu hiệu địa phương phấn đấu ‘’tự cung tự cấp’’, chuyện ngăn sông cấm chợ là hệ luận tất yếu. Kinh tế xã hội chủ nghĩa điều tiết bằng nghị quyết nên hàng hóa chỗ thiếu chỗ thừa, từ tỉnh này qua tỉnh kia chỉ mang 5 kí-lô gạo cũng chặn, cũng bắt nên nền kinh tế mất cân đối cứ như thai nhi nhiễm chất độc da cam, méo tròn, phình bóp, dị dạng. Sài Gòn phồn vinh ‘’giả tạo’’ lui vào trí nhớ, hóa kiếp ra Thành Phố Hồ Chí Minh chăng trên mặt tiền chợ Bến Thành khẩu hiệu viết bằng chữ đỏ ‘’ Tất cả cho con em chúng ta’’. Tất cả, đúng vậy, như trong trò ảo thuật, chớp mắt đẩy hiện tại giật lùi đến sát vực bờ chung quanh vang vang tiếng reo hò cho một tương lai chưa ai tưởng tượng ra nổi.

Comments are closed.