Vị hành giả báo trước “Đời là giấc mộng”

Mai An Nguyễn Anh Tuấn

image

Tranh gò đồng của Phạm Xuân Trường

 

Một tháng qua, sự xuất hiện của hành giả Minh Tuệ cùng sự "biến mất" khá bí hiểm của ông cùng các vị đồng tu đã tựa một tiếng sét giữa trời quang, hay như một vệt sao chổi vụt qua bầu trời, và báo trước cho không ít người cái điều đã nằm sâu trong triết lý Phật giáo mà sư Vạn Hạnh đã đúc kết: “Thân như bóng chớp có rồi không” (Thân như điện ảnh hữu hoàn vô), hoặc như tên một tác phẩm lớn của nhà viết kịch người Tây Ban Nha P. Calderón: “Đời là giấc mộng”…

Trong kiệt tác sân khấu này, thái tử Ba Lan là Sidismông bị cha là quốc vương Badaliô tước bỏ quyền thế tập, trói trong ngục kín chỉ vì lo sợ trời sẽ thực hiện lời tiên tri là: vua cha sẽ bị con trai đánh bại và phải quỳ lạy trước chân con trai mình… Quốc vương đã tạo ra một màn kịch cho thái tử được tôn vinh như chàng đáng được hưởng, sau đó tước bỏ để chàng thấy đó chỉ là giấc mộng… Nhưng một số quần thần trung thực và dân chúng cả kinh thành đã ủng hộ, chống lại quốc vương, giúp chàng lấy lại cương vị thái tử; và khi giấc mộng trở thành hiện thực, thì thái tử đã quỳ xuống dưới chân vua cha… Lúc đó, quốc vương mới vỡ lẽ rằng, chính ông ta bao lâu nay đã sống trong một giấc mộng kinh hoàng của lời tiên tri ác độc, do những kẻ xấu bày ra, khiến ông đày đọa và suýt nữa giết hại người con trai trung hậu dũng cảm… Sidismông, trong giấc mộng đẹp ảo tưởng hay đối diện với hiện thực nghiệt ngã tạo ra bởi lũ người hiểm độc, bao giờ chàng cũng giữ gìn phẩm chất tốt đẹp vốn có mà thần dân tương lai của chàng đang mong đợi, vì thế chàng có đủ sức mạnh chiến thắng mọi thế lực đen tối, mọi âm mưu bẩn thỉu, và cứu vớt được người cha ra khỏi vũng lầy của ảo tưởng, lầm lẫn…

Nhớ lại vở kịch kinh điển “Đời là giấc mộng” trên, tôi bỗng hình dung vị hành giả Minh Tuệ suốt 6 năm qua đã đội mưa nắng bước đi trong một “Giấc mộng”, với niềm tin trong trẻo nguyên thủy rằng: tu tập của ông sẽ giúp ông đạt tới Giác ngộ tối cao, gạt bỏ hết Tham – Sân – Si, và vươn tới Bản nguyên của cuộc đời tựa giọt sương mai đọng trên ngọn cỏ; từ đó, ông sẽ có năng lượng của tự nhiên đem tới sự an lạc cho muôn nhà… Điều ông không thể ngờ, không lường trước được, là đã giúp biết bao Phật tử, và cả không ít vị tăng lữ cao cấp chợt tỉnh ngộ, được thoát ra sự mộng mị ma quái của một số người mượn cửa Phật và áo tu hành với mục đích kinh doanh trục lợi cá nhân…

“Giấc mộng” của ông đã thức tỉnh được biết bao niềm khao khát với điều Thiện, điều Hạnh tưởng bị ngủ quên, bị vùi lấp trong đáy hồn hàng triệu người lao động trong cuộc đời đầy cam go tủi nhục, lắm khi phải nuốt nước mắt nhẫn nhịn trước những bất công, đè nén, cướp bóc của lũ cẩu quan ngày một mọc ra nhiều như nấm độc…

Nếu như cuộc sống không có những người coi “Đời là giấc mộng”, “Thân như bóng chớp có rồi không”, hoặc mỗi người không có đôi lúc được sống trong cái tâm thế ấy – như một phép di dưỡng tinh thần mà ông cha ta đã ứng dụng từ xa xưa – thì cõi đời này sẽ chìm đắm trong vật dục trần trụi tối tăm không một kẽ hở nào cho vẻ đẹp tinh thần, cho rung động thầm kín của con tim… Và có thể nói đó cũng thái độ "vô vi" (cứ thuận theo tự nhiên mà làm) của Lão Tử – một nhân vật kỳ lạ đã giúp cho cả một dân tộc tồn tại được trong mấy ngàn năm vật lộn với đời sống mà không có nhiều người bị bệnh điên, bệnh thần kinh suy nhược, bệnh đứt gân máu như người phương Tây – theo cách nói của Lâm Ngữ Đường (Lão Tử – Đạo đức kinh, Nguyễn Hiến Lê chú dịch và giới thiệu, Nxb Văn hóa, 1994).

Tôi tin, những ngày qua, dõi theo bước chân của vị hành giả đã coi “Đời là giấc mộng” ấy, rất nhiều người trong chúng ta phải chợt tỉnh cơn ác mộng…

MA NAT

Comments are closed.