Hoàng Phủ Ngọc Tường – Một cây ký

Phạm Xuân Nguyên

Có thể là hình minh họa về văn bản

Tiếng “cây “ trong ngôn ngữ Việt Nam khi dùng theo nghĩa bóng là để chỉ các bậc tài nghệ trong nghề: cây làm bàn, cây sáng kiến, cây lý luận, cây truyện ngắn, cây tiểu thuyết. Hiện giờ tiếng “cây” đó đang bị ô nhiễm vì đời sống kinh tế khó khăn – một điều đáng buồn. Viết về Hoàng Phủ Ngọc Tường tôi muốn gột sạch lớp bụi ô nhiễm, lấy lại chính xác nghĩa bóng của từ để gọi anh: cây ký. Có lẽ trong văn học hiện đại Việt Nam, sau Nguyễn Tuân, Hoàng Phủ Ngọc Tường là nhà văn thứ hai nổi bật lên với thể ký. Ký của anh có cái là truyện, có cái là tuỳ bút, có cái chỉ mới là ghi chép, nhưng chúng đều là ký văn học. Đóng góp của anh chính là ở tính chất văn học của ký này. Không ít nhà văn cũng viết ký, nhưng đó lại là ký thông tấn, ký tân văn. Thời gian trôi qua, các sự kiện lùi lại sau, đời sống xã hội thay đổi, những bài ký như thế chết trong im lặng. Những bài ký còn lưu lại được, còn được ghi nhớ như ký Nguyễn Tuân, ký Hoàng Phủ Ngọc Tường, đích thực là những tác phẩm văn học.

Nhìn vào hai tập sách “Rất nhiều ánh lửa” (Tác Phẩm Mới, 1979) và “Ai đã đặt tên cho dòng sông” (Thuận Hoá, 1985), điểm qua mục lục các bài viết, có thể nhận ra một dấu hiệu phổ biến quen thuộc của người viết ký: đi đến nhiều nơi khác nhau. Từ Huế, sau ngày đất nước thống nhất, Hoàng Phủ Ngọc Tường rộng dài bước chân đến Quảng Trị, ra sông Hồng, về đất Mũi, ngược lên Bắc, dọc ngang khắp các miền tổ quốc, rồi lại trở về vòng quanh non nước cố đô. Mỗi nơi đến mỗi thời điểm để lại những sự kiện của nơi ấy, thời điểm ấy trong mỗi bài ký được viết ra kịp vào lúc ấy. Nhà văn có mặt bên hàng rào điện tử khi trận chiến vừa im tiếng súng mở ra một trận chiến không tiếng súng cũng đầy nguy hiểm, hy sinh. Anh đến giữa một lớp “bình dân học vụ” ban đêm bên cồn Hến trong những ngày đầu mới giải phóng. Anh lên rừng hồi chứng kiến cảnh “thắng Hác” chết dưới gốc hồi một cái chết nhục nhã, phi lý, làm phân bón cho cây. Hoàng Phủ Ngọc Tường đã đi, đã thấy và đã viết những gì thấy trong khi đi. Chỗ này anh giống tất cả những người viết ký khác. Vậy thì anh khác người ra sao để thành đáng nhớ đáng quý?

“Vâng, thuở ấy sông đã xanh như bây giờ, như đã xanh từ thuở Việt Thường. Tôi là người thư sinh đất Thăng Long theo đám cưới Huyền Trân qua đây giữa một ngày dòng sông bồi hồi son phấn kinh thành. Thuở ấy, dòng sông Châu Hóa còn hoang dại, chim nhạn đậu đầy bãi, hoa tầm xuân mọc chen với cỏ lau, chính là hoa tường vi thơm ngát những khu vườn bây giờ. Tôi qua đây, yêu mến dòng sông nên ở lại, dẫy cỏ, lật đá, trồng cây từ buổi ấy. Sáu bảy trăm năm trôi qua mỗi tấc đất khát bỏng này đã uống biết bao nhiêu mồ hôi và máu. Tôi nhận ra ở mỗi con người quanh tôi, trĩu nặng một nỗi lòng thương cây nhớ cội, và nét điềm tĩnh của mảnh đất mà họ đã cày cuốc và gieo trồng.” Đoạn kết in chữ ngả của bài “Hoa trái quanh tôi” này đã cung cấp cho người đọc cái nhìn phát giác về đặc điểm nổi bật và xuyên suốt ngọn bút ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Ký không vụ bề ngoài sự kiện mà đi vào bề sâu sự kiện. Những sự kiện trong ký của anh vừa thực tế cụ thể lấy thẳng từ cuộc sống, lại vừa lung linh ảo ảnh dưới ánh sáng lịch sử văn hoá được chiếu rọi một cách bất ngờ, lý thú. Vâng, ký Hoàng Phủ Ngọc Tưởng là ký văn học bởi vì cái chất lịch sử-văn hoá đó. Đọc đoạn trích trên câu văn, mạch văn cuốn hút ta như bản nhạc, lời ca, đồng thời ta được khoái cảm thưởng thức dư vị lịch sử thoáng lại từ cõi Việt Thường, châu Hoá, bồi hồi xúc động nỗi lòng thương cảm của nàng Huyền Trân, và tổng hợp lại tất cả là ý niệm cảm nhận hình dáng con sông Hương gắn chặt với kinh đô Huế trong tổng thể các đặc điểm lịch sử, văn hoá phong phú và lãng mạn của nó.

Hoàng Phủ Ngọc Tường là người am hiểu cổ sử và cổ văn, lại có một vốn hiểu biết khá rộng về lịch sử và văn hoá phương Tây. Dễ hiểu là với thể ký anh có được khoảng sân rộng để phát huy đến mức cao nhất sở trường, thế mạnh này của mình. Bất cứ viết về cái gì và viết nơi đâu, tôi thầm nghĩ, Hoàng Phủ Ngọc Tường chỉ đặt bút xuống trang viết khi đã tìm được mạch liên tưởng của nơi này với nơi kia, hôm nay và ngàn xưa, nhất thời và muôn thuở và khi đã quyết được với mình là từ trang viết đó khả dĩ có được một chút gì đấy còn lại với người, với đời, cho dù sự kiện đã vĩnh viễn bị vùi lấp trong dòng thời gian. Nói về sự gắn bó của sông Hương và thành phố của nó, nhà văn muốn mượn hình tượng của cặp tình nhân lý tưởng Kim-Kiều để so sánh: “Tìm kiếm và đuổi bắt, hào hoa và đam mê, thi ca và âm nhạc, và cả hai cùng gắn bó với nhau trong một tình yêu muôn thuở.” Trong một mức độ nhất định, cũng có thể nói được như vậy về sự gắn bó của Hoàng Phủ Ngọc Tường và thể ký. Ý muốn vượt ra khỏi những ràng buộc giới hạn của thể loại và tìm ra những khả năng mới của nó. Tác giả – người trình bày, người thuật việc, thành tác giả – người tâm sự, người giãi bày. Ký không chỉ là ký, mà còn là sử, là triết lý, là cổ thi…Tôi không nghĩ mình quá lời khi nhận xét như thế về cây ký Hoàng Phủ Ngọc Tường. Cố nhiên, so với bậc thấy Nguyễn Tuân thì Hoàng Phủ Ngọc Tường tài nghệ chưa bằng. Ở họ Nguyễn ký đã thành một nghệ thuật nghề văn khó có lại. Ở họ Hoàng ký đang là một xu hướng tự khẳng định cá tính sáng tạo. Hãy giở bất kỳ bài ký nào của anh ra và chú ý dù chỉ một biện pháp liên tưởng thôi. Liên tưởng là gợi mở, là gắn nối những sự việc khác nhau trong thời gian và không gian về cùng một bình diện dưới lực hút quy tụ của cảm xúc và suy nghĩ của nhà văn để mở ra khác nhau những chiều so sánh, đối chiếu trong tâm thức tiếp nhận của người đọc. Hoàng Phủ Ngọc Tường đã huy động toàn bộ vốn tri thức lịch sử và văn hoá đủ cả Đông Tây kim cổ vào từng bài viết, tạo nên những liên tưởng vừa rộng vừa sâu. Anh nói đến điệu chảy lặng lờ của sông Hương khi ngang qua thành phố bằng cách so sánh gợi lại một kỷ niệm khi lần đầu thấy sông Neva cuốn trôi những tảng băng, từ đó ngược dòng lịch sử nhân loại nhắc tới một ý tưởng triết học của Heraclit lấy hình ảnh dòng sông chảy, qua bấy nhiêu hồi ức liên tưởng ấy để trở lại với con sông Hương nhẹ nhàng, lặng lẽ. Anh viết: “Đấy là điệu Slow tình cảm dành riêng cho Huế, có thể cảm nhận được bằng thị giác qua trăm nghìn ánh hoa đăng, bồng bềnh vào những đêm hội rằm tháng Bảy từ điện Hòn Chén trôi về, qua Huế bỗng ngập ngừng như muốn đi muốn ở, chao nhẹ trên mặt nước như những vấn vương của một nỗi lòng.” (Ai đã đặt tên cho dòng sống). Cái lặng lờ của dòng sông, như vậy, không còn là cái lặng lờ của nước nữa. Đoạn kết bài “Rừng hồi” đầy ý nghĩa sâu sắc cũng chính nhờ ở sức liên tưởng chính xác và mạnh mẽ của tác giả. Nhìn cái xác “thằng Hác” (tiếng Tày chỉ người Trung Quốc) bị đạn chết dưới gốc hồi, trong đầu tác giả bật nhớ lại một mẩu tự sự của Kim Thánh Thán có lần đã thử ngồi tính được mấy niềm vui trong đời. Mượn một cách tính niềm vui đầy tính nhân đạo của Thánh Thán, nhà văn đưa thêm cái ý vị triết lý nhân sinh vào lòng vui đến hả hê của mình trước sự đại bại của kẻ thù.

Ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường đan dệt những liên tưởng các chiều lịch sử-văn hoá như vậy đem lại nhiều lượng thông tin cho người đọc. Thông tin tư liệu xác thực của thực tế. Thông tin tri thức của các ngành khoa học xã hội. Thông tin thẩm mỹ của những rung động cảm xúc. Người phát thông tin ở đây là tác giả không phải trong vai trò người chứng kiến, người kể lại, mà đóng vai là nhân vật lịch sử, nhân vật văn hoá đã thể nghiệm cuộc sống, bây giờ muốn được giãi bày để chiêm nghiệm cùng người đời. Do đó tính thời sự, cấp thiết của ký Hoàng Phủ Ngọc Tường là ẩn chứ không lộ, là ngầm chứ không hiện, là tĩnh bề sâu chứ không động bề nổi. Đó là tính thời sự của cảm xúc tâm hồn hơn là tính thời sự của thời gian, địa điểm. Phê bình Hoàng Phủ Ngọc Tường không hướng ký vào những vấn đề nóng hổi của thời đại thì vừa oan cho anh, vừa không đúng với anh. Tôi chắc chắn một điều là ngòi bút ký của anh không thích dụng, không có đất tung hoành nếu như đó chỉ là những bài ký kể việc khô khan máy móc, thiếu đi những mạch ngầm liên tưởng cần thiết, do đó chỉ gượng ép khái quát lên những suy nghĩ, nhận xét ồn ào nhiều hơn là sâu lắng. Tôi nói điều này theo cách phân chia của tôi là có hai loại ký – ký văn học và ký báo chí. Không phủ nhận giá trị, tác dụng của loại thứ hai trong một khoảng thời gian bó buộc nhất định – loại này không vượt được cái ranh giới nghiệt ngã thời gian tính cụ thể đó – tôi vẫn nghiêng về loại thứ hai hơn với tác động lâu dài vượt qua cái cụ thể- định lượng để thành cái cụ thể-định tính. “Ngôi sao trên đỉnh Phu Văn Lâu” (Giải Phóng, 1971) một bên, “Rất nhiều ánh lửa” và “Ai đã đặt tên cho dòng sông” một bên – đó là hai chặng khác nhau của Hoàng Phủ Ngọc Tường để tự khẳng định mình với tư cách nhà văn đích thực theo nghĩa nghệ thuật của danh từ. Không vượt được qua mình ở chặng thứ nhất anh đã là không phải nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường hiện nay.

Cây ký này nổi bật một đặc điểm nữa: chất Huế. Trước hết là những bài ký dành riêng cho cảnh vật và con người xứ cố đô. “Ai đã đặt tên cho dòng sông”, "Và chiếc panh xô và khẩu súng của Trường”, “Hoa trái quanh tôi”… là những bài ký hay, giàu cảm xúc và suy tư. Nói rằng Hoàng Phủ Ngọc Tường yêu Huế, hiểu Huế, thì đó là một lẽ đương nhiên. Tôi muốn đi xa hơn tìm một căn nguyên thầm kín để cắt nghĩa cho sự thành công đầy mỹ mãn của những trang viết ấy: phải chăng ở đây đã có một sự hoà hợp, tương giao, linh ứng giữa cảnh sắc Huế, lịch sử Huế, văn hoá Huế, với một tâm hồn nhà văn dễ rung động, nhạy cảm, tinh tế. Phải là sự tương giao, correspondance, đến mức hoà quyện chặt chẽ mới sinh ra được những áng văn tài hoa không dễ một lần thứ hai viết được như thế. Ngỡ như không thể nào khác được: viết về sống Hương là phải vậy, viết về “văn hoá vườn” ở Huế là phải vậy. Đó thật sự là những áng văn, tôi lại nói là mình không quá lời đâu, vì câu chữ được chọn lựa cân nhắc kỹ càng, vì hình ảnh được sáng tạo đẹp đẽ, vì cảm xúc phong phú bất ngờ mới mẻ. Nhà văn là người làm văn phải coi sóc đến văn khi viết. Huống đây Huế lại là một đối tượng rất văn và nên văn. Hoàng Phủ Ngọc Tường bằng những bài viết về Huế đã làm đẹp thêm thành phố của anh – đúng, thành phố của anh trên trang viết không giống của ai và không ai có, làm vẻ vang thêm truyền thống lịch sử và văn hoá của thành phố. Huế trong tổng thể đời sống phức hợp của nó nhìn qua con mắt của Hoàng Phủ Ngọc Tường dường như là một con người đầy trầm tư mơ mộng không ngừng trăn trở từ quá khứ vươn về hiện tại, thích lặng lẽ không ồn ào, thích thâm trầm không phô trương. Nói Huế, nói sông Hương, nhà văn muốn nói nhiều hơn chuyện một xứ sở, một vùng đất, mà nói đến chuyện con người, chuyện làm người, chuyện lẽ sống ở đời qua bao thăng trầm biến thiên của thời gian và nhân thế. Mượn cách nói của chính nhà văn, tôi muốn nói là có một dòng văn học về Huế – “và tôi hy vọng đã nhận xét một cách công bằng về nó khi nói rằng dòng sông ấy không bao giờ tự lặp lại mình trong cảm hứng của các nghệ sĩ” – anh thuộc trong các nghệ sĩ đó.

Chất Huế của ký Hoàng Phủ Ngọc Tường vượt ra ngoài phạm vi chỉ cái cụ thể riêng biệt của Huế thành như một tính chất văn phong của nhà văn. Anh thiên về nhìn con người, sự vật, sự kiện được phản ánh dưới góc độ lịch sử-văn hoá như đã nói và qua lăng kính của một sự cảm nhận dịu êm, nhẹ nhàng. Chất thơ bàng bạc trong ký của anh nếu có giúp mở rộng trường liên tưởng của mạch văn thì cũng không phải không có phần làm nhẹ sức tác động của sự kiện. Diễn tả cái ước vọng chế ngự cát của người dân vùng cát Quảng Trị, anh viết: “Ước vọng ấy bắt đầu mọc mầm trong tâm hồn người nông dân từ khi còn là một cậu bé chăn trâu, lặng lẽ ngồi ngắm đôi mắt trong suốt của con trâu già, trong đó bao giờ cũng hiện bóng cái vệt trắng lạ lùng ấy mỗi khi con trâu no cỏ, nghiêng đầu ra phía đồng cát ngửi gió mặn từ phía biển thổi về.” (Chế ngự cát). Chi tiết quan sát thật tinh, nhưng đưa vào đây không thật thích ứng, nó như cảm giác vuốt ve con mắt hơn là cái nhìn thật của cơ quan nhìn. Cũng trong bài này, đoạn liên tưởng quá khứ về những khách lữ hành muôn đời đã từng đi qua dải cát miền Trung, nhắc đến Cao Bá Quát nhà văn nói đúng bầu tâm sự của ông, nhưng cho rằng đọc “Bài ca đi trên cát” của Cao “thấy nỗi sợ cát của người bộ hành ngày xưa vẫn còn in dấu sâu sắc đến như thế” thì hơi khiên cưỡng, vận vào. Tôi muốn gọi tính chất văn phong này của Hoàng Phủ Ngọc Tường là nét mờ – viết về Huế mà trần trụi quá thì thành ra thô thiển, nhưng viết về những vùng khác Huế mà vẫn mờ đi thì lại không đúng và không hay.

Cái khác người của Hoàng Phủ Ngọc Tường là gì để cũng cùng đi và viết ký như nhiều người khác mà anh lại viết thành công, trở thành cây ký xuất sắc của văn học ta? Năm tháng mải miết trôi, dòng sự kiện đổi thay nhanh chóng, một phần các trang ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng rơi rụng, chìm mất như bao nhiêu trang của các tác giả khác. Nhưng anh vẫn có phần của mình còn lại – phần ký tâm hồn. Câu hỏi tôi nêu lên như một dẫn dắt tìm hiểu. Hoàng Phủ Ngọc Tường đã tự cho câu trả lời. Có một năm anh đi nhiều, đi dài đến các vùng thực tế đất nước trở về Huế. “Những sự kiện thật xô bồ trong hai cuốn sổ dầy đã ghi đến hết trang cuối, nhưng chữ nghĩa thì cứ bò qua dưới mắt tôi như một bầy kiến, không hồi hộp, không vang động, tôi ngồi vào bàn, từng chốc lại đứng dậy. Hình như Gôganh từng nói rằng ông ta chỉ có thể bắt đầu vẽ khi đã ngoảnh mặt về phía khác, để khỏi bị cái bên ngoài lấn át.” (Hoa trái quanh tôi). Thế là đã rõ: ký Hoàng Phủ Ngọc Tường là từ thực tế thoát ra khỏi thực tế, sau khi ngoảnh vào lịch sử-văn hoá hiện trở ra đời. Tôi nghĩ tiếng Việt thần diệu không vẩn đục vẫn giữ nguyên ý nghĩa tiếng “cây” để nói về anh: cây ký. Mong anh tiếp tục viết là anh.

Hà Nội, 11/1988

pxn

(Bài đã đăng trong sách: “Chân dung văn học Quảng Bình – Quảng Trị – Thừa Thiên Huế” 1989).

Comments are closed.