Tự Lực văn đoàn – Văn học và cách mạng (3)

Thụy Khuê

2- Sự thành lập Tự Lực văn đoàn và Phong Hóa

Phần II

Những ngày vui của Khái Hưng

Trở lại Ngày Nay số 16 (12-2-36) là tờ báo mà Tự Lực văn đoàn dồn toàn lực vào sau khi Phong Hóa bị đóng cửa vĩnh viễn, như để chứng tỏ: Chúng tôi chưa chết đâu. Trên tờ báo này, liền theo kịch Chết của Khái Hưng đăng ở trang nhất thay bài xã luận, là hai tiểu thuyết Những ngày vui của Khái Hưng và Lạnh lùng của Nhất Linh[1].

Lạnh lùng là một trong những tác phẩm chủ yếu của Nhất Linh, chúng tôi sẽ có dịp trở lại. Những ngày vui là tác phẩm thứ yếu của Khái Hưng, được viết trong bối cảnh Phong Hóa bị đe dọa đóng cửa; chắc hẳn với mục đích ghi lại "sự tích" Tự Lực văn đoàn, nếu một mai, tờ Ngày Nay cũng bị đóng cửa nốt.

Những ngày vui đăng trên Ngày Nay từ số 16 (12-7-1936) đến số 29 (11-10-1936), được nhà xuất bản Đời Nay in thành sách năm 1941. Nhà Phượng Giang tái bản ở Sài Gòn năm 1958. Bản in trên Ngày Nay số 20, Nguyễn Gia Trí vẽ cảnh Leung-Fat-Fa đang đứng bán hàng.

Việc Nhất Linh cho in lại tác phẩm thứ yếu này của Khái Hưng, dường như ngoài ý ghi ơn ân nhân Leung-Fat-Fa Nguyễn Văn Tiên, người đã thầm kín giúp vốn để cải tổ Phong Hóa, còn muốn tưởng niệm Khái Hưng, vinh danh Nguyễn Gia Trí và nhớ lại những ngày vui thành lập Tự Lực văn đoàn thủa trước.

Những ngày vui khi đăng trên báo Ngày Nay năm 1936, do Nguyễn Gia Trí minh họa. Bản Phượng Giang sửa vài chỗ, nhưng việc sửa chữa này có từ năm 1941, trên bản Đời Nay hay là Nhất Linh sửa năm 1958? Nhưng những chỗ sửa không quan trọng mấy. Tóm lại, Những ngày vui đã được ba nhân vật chính: Khái Hưng, Nguyễn Gia Trí và Nhất Linh viết, minh họa in lại, có thể với mục đích để lại dấu vết việc "khai sinh" Tự Lực văn đoàn cho đời sau.

clip_image002

Những ngày vui, Ngày Nay số 20

Tóm tắt cốt truyện Những ngày vui

Phương [Khái Hưng] là con trưởng một gia đình giàu, Lan vợ chàng, con quan, nhà giàu chẳng kém gì nhà chàng. Những năm 1928-1930, ai về chơi đồn điền của Phương cũng phải kinh ngạc, đường đi rộng rãi, nhà cửa cao ráo, sáng sủa, bởi Phương đã cải tiến đời sống của dân làng. Nhưng cuộc khủng hoảng kinh tế xảy ra, dân quê túng thiếu, vợ chồng chàng tìm cách giúp đỡ để nâng cao đời sống của họ. Thấy việc buôn sơn do người Tàu và người Nhật độc quyền, Phương nghĩ ra cách kinh doanh mới: trồng cây sơn và lập xưởng pha sơn để lấy lại nguồn lợi cho dân. Phương chuyển những nơi trồng mía, khoai, sắn, sang trồng sơn, lập nhà máy chế tạo. Chàng bỏ ra gần mười vạn bạc vốn, nhưng vì chưa có kinh nghiệm lại bị sự cạnh tranh kịch liệt của người Tàu và Nhật. Kết quả, bốn năm sau, đồn điền cùng các xưởng thợ, nhà máy của chàng đều bị chủ nợ tịch biên bán đấu giá. Phương khánh kiệt gia tài, phải về sống nhờ trong từ đường nhà vợ tại Lũng Thượng[2]. May được người bạn minh hương là Nguyễn Văn Tiên Léang fat Houa (khi in thành sách sửa là Leung-Fat-Fa) giúp đỡ. Leung-Fat-Fa Nguyễn Văn Tiên – khi còn nghèo khổ đã được Phương giúp cho mấy trăm bạc – muốn trả ơn chàng. Leung-Fat-Fa có một cuộc đời đầy thăng trầm, sóng gió, nhưng cuối cùng được hưởng gia tài của cha, người Tàu, chủ một hiệu tạp hóa lớn ở Hà Nội. Anh mượn Phương làm sổ sách, lương 30 đồng. Phương nhận lời, đưa gia đình rời Lũng Thượng về Hà Nội.

Đến Hà Nội, Phương đang đi lang thang tìm nhà thuê, thì gặp lại Duy họa sĩ [Nguyễn Gia Trí] bạn thân, Duy cho biết đã thuê nhà sẵn cho Phương rồi. Nhà có 5 phòng, thuê 40 đồng một tháng. Hiện đã có Điển, thầu khoán, đến ở cùng.

Sở dĩ Duy có tiền, vì chàng đang làm đại lý bán xe hơi cho một hãng ô tô lớn, lương 50 đồng, cộng thêm hoa hồng mỗi chiếc xe bán được khoảng hai, ba chục bạc. Mỗi tháng Duy kiếm được từ trăm rưởi trở lên, hơn tiền bán tranh nhiều, vì thế Duy mới có tiền thuê nhà cho bạn ở để làm báo[3].

"Ngoài công việc bán ô tô, nếu còn thừa thời giờ Duy vẽ tranh. Còn Điển và Phương tuy Phương bận bán hàng tạp hóa sẽ cùng nhau theo đuổi công việc soạn văn, dịch sách, gửi đăng các tạp chí trước khi cho xuất bản" [4].

Phương và Điển viết văn, dịch sách, Duy vẽ. Nhưng thức suốt bao đêm mà tác phẩm của hai "nhà văn" chẳng được báo nào đăng.

Một hôm Duy dõng dạc tuyên bố: "Bài vở các anh cứ để đấy, sẽ có chỗ đăng". Duy đã dụ được ông chủ hãng xe hơi ra một tờ báo nhà để quảng cáo các loại ô tô, khỏi cần gửi đăng quảng cáo ở các báo khác. Ông chủ bằng lòng, cho anh mỗi tháng 200 đồng tương đương với số tiền ông phải bỏ ra đăng quảng cáo trên báo.

"Thế rồi ngày mồng một tháng mười, như lời "kính cáo" gửi cho các bạn đồng nghiệp. Tự Động ra số đầu "chào quốc dân". Báo "Tự Dộng" là tờ báo đầu tiên bọn Phương làm với số tiền trợ cấp của ông chủ hãng ô tô. Nhưng báo Tự Động không khá được, mặc dù Duy đã hết sức trổ tài "hùng biện", đi các tỉnh để thuyết phục những vị chức sắc có tiền mua báo.

Bỗng Phượng [Nhất Linh] xuất hiện (trong sách đổi tên là Phúc). Phượng là giáo sư cử nhân mới ở Pháp về, nổi tiếng với những "projet" dựng báo rất "hoành tráng" được chàng rao giảng khắp Hà thành. Phượng thuyết phục Leung-Fat-Fa Nguyễn Văn Tiên. Phượng thao thao bất tuyệt với Duy. Nhưng vì không có tiền để lăng-xê, Tự Động vẫn hoàn toàn bế tắc, nếu không có biến cố bất ngờ xảy ra: Leung-Fat-Fa Nguyễn Văn Tiên bị bệnh nặng, thầy thuốc bó tay. Tiên gọi hai bạn Phương, Duy đến đề nghị biếu một vạn để làm báo. Phương từ chối. Tiên bèn nghĩ cách khác:

"… Tôi biết tôi sắp chết. Vậy trong chúc thư tôi nói cho các anh vay số một vạn bạc, bao giờ có tiền thì các anh trả lại cho vợ con tôi. Không bao giờ có tiền thì coi như món nợ ấy không có… Vậy các anh bằng lòng như thế nhé?"

Duy sợ Phương từ chối liền trả lời:

– Như thế thì có lẽ được.

Tiên vui mừng giơ hai tay ra bắt tay hai người…

Hai tuần lễ sau, báo Con Người của bọn Phương, Duy ra đời" (sđd, trang 166).

*

Đây là tiểu thuyết, vậy có phần hư cấu. Nhưng chúng ta có thể loại bỏ dễ dàng những điều hư cấu để chỉ giữ lại những điểm phù hợp với thực tế:

1- Khoảng 1928-1930, có thể Khái Hưng đã giúp dân cải tổ lại làng mình theo lối mới. Ông viết lại kinh nghiệm này trong 7 bài xã luận in trên Phong Hóa, từ số 80 (5-1-1934) đến số 87 (2-3-1934), tựa đề Một bản chương trình, chủ trương xây dựng lại nông thôn.

2- Việc Khái Hưng buôn sơn là có thật, ông buôn với người bạn Nhật, việc này ông kể lại trong truyện ngắn Kong-Ko Đai-Jin, in trên Phong Hóa số 14 (22-9-1932).

3- Về căn nhà Duy thuê cho Phương: Nhà có 5 phòng, thuê 40 đồng một tháng. Có thể là trụ sở đầu tiên của Phong Hóa, ở phố Đường Thành, như Khái Hưng có nhắc lại ở một chỗ khác trong Những ngày vui; mà cũng có thể là căn nhà số 1 Boulevard Carnot, trụ sở chính thức của báo Phong Hóa từ số 1 (16-6-1932) đến số 126 (30-11-1934), toà soạn và trị sự mới chuyển về số 80 Avenue du Grand Bouddha (Quan Thánh).

4- Việc Duy dụ được ông chủ bán xe hơi, bỏ tiền ra làm báo, phù hợp với việc ông Phạm Hữu Ninh (hiệu trưởng trường Thăng Long) hay ông Nguyễn Xuân Mai (Giám đốc sáng lập tờ Phong Hóa) "trợ cấp" cho bọn Phương 200 mỗi tháng để làm báo.

5- Có tiền 200 đồng, Phương Duy làm tờ Tự Động. Chữ Tự Động này có hai nghiã: chỉ tờ Phong Hóa từ số 1 đến số 13, khi Khái Hưng một mình tự biên tự diễn, và Tự Động cũng chính là Tự Lực, hạt nhân đầu tiên của Tự Lực văn đoàn.

6- Bỗng Phượng xuất hiện, Phượng là giáo sư cử nhân ở Pháp về, với những dự định làm báo lớn lao, thì đúng là Nhất Linh. Nhưng chưa có tiền, phải đợi đến khi Leung-Fat-Fa Nguyễn Văn Tiên, để di chúc cho một vạn, thì báo Con người mới ra được. Con người chính là tờ Phong Hóa từ số 14 trở đi. Số tiền 10.000 đồng là cái vốn để Nhất Linh cải biến hoàn toàn tờ Phong Hóa.

Nếu cái chết đột ngột của Leung-Fat-Fa Nguyễn Văn Tiên và việc anh để lại số tiền lớn lao cho Tự Lực làm báo, không được tự nhiên mấy, khiến ta có thể nghi ngờ, thì tôi xin đưa ra giả thuyết thứ nhì: tiền này phải chăng là tiền riêng của bà Khái Hưng, vì gia đình cụ thân sinh ra bà, Tuần phủ Lê Vân Đính, rất giàu, có biệt thự ở Sầm Sơn; bà lại được mẹ cho một số ruộng ở Hải Hậu?[5] Kể cả việc Khái Hưng thuê biệt thự 80 Quan Thánh làm cơ sở cho Phong Hóa Ngày Nay (và trụ sở Việt Nam Quốc Dân Đảng sau này) có thể cũng do vốn của bà Khái Hưng chăng? Dù sao chăng nữa, việc Phong Hóa có tiền để cái tổ tờ báo, là do nguồn Khái Hưng.

Theo Những ngày vui thì Tự Động số 1, in 5.000 số, tiền in: 75 đồng, lương toà soạn kiêm trị sự bốn người hết 100 đồng. Linh tinh: 50 đồng. Tổng cộng, chi: 225 đồng.

Tiền bán báo (trừ hoa hồng): 30 đồng. Tiền phụ cấp của hãng ô tô: 200 đồng. Tổng cộng: thu 230 đ. Lãi: 5 đồng (sđd, trang 112).

Việc Tự Động số đầu ra 5.000, chắc là hư cấu, sự thật chắc chỉ có 3.000 số, vì Nhất Linh, trong bài Nói truyện cũ, trên Phong Hóa số 154, đã trích dẫn trong phần I, cho biết: "Lúc chúng tôi sắp nhận làm báo Phong Hóa thì các tuần báo không có vẻ thịnh vượng, ít tờ xuất bản được tới hai nghìn số. Chúng tôi lúc đó mong ba nghìn và đã tự cho là "tham lam vô độ".

Còn tiền chi tiêu được kê khai có thể đúng với Phong Hóa thời kỳ đầu, từ số 1 đến số 13, khi còn nhận trợ cấp hàng tháng của ông Phạm Hữu Ninh hay ông Nguyễn Xuân Mai.

Trên Phong Hóa số 58 (4-8-1933), có biên bản về Phong Hóa số 47 (19-5-1933) cho biết: Phong Hóa 47 phát hành 10.150 số. Như vậy, nếu Phong Hóa 14 (22-9-1932) in 3000 số, thì chưa đầy một năm sau, báo đã in hơn gấp ba lần số phát hành đầu tiên.

Chân dung Khái Hưng

Những ngày vui mô tả ba người: Khái Hưng "trong vai" Phương, Nguyễn Gia Trí trong vai Duy, Nhất Linh trong vai Phượng (khi in thành sách đổi là Phúc).

Chúng ta biết rất ít về quãng đời trước khi làm báo của Khái Hưng. Nguyễn Tường Bách, em út Nhất Linh, một trong những người gần gũi Khái Hưng trong giai đoạn 1945-1946, viết:

"Cuộc đời của Khái Hưng Trần Khánh Giư có thể gọi là kỳ lạ. Anh đã đậu Tú tài ban Triết học, độ ấy còn rất hiếm, nhưng không ra làm quan hay một công chức cao cấp nào, một việc rất dễ cho anh – ông thân sinh là Tuần phủ và nhạc phụ là Tổng Đốc. Tại sao không chạy một chân tri huyện, mà lại xoay sang làm nghề dạy học và nghề làm báo nghèo kiết bấp bênh? Một lần, tôi có gạn hỏi thì anh chỉ cười đáp:

– "Cũng chẳng hiểu tại sao cả. Thích làm báo thì làm báo chớ sao?"

Đó cũng là câu trả lời chung của mấy anh em.

Nghe nói, nhà tiểu thuyết xã hội, lãng mạn trước kia đã từng đi… buôn, làm đại lý cho một hãng dầu xăng, chắc muốn giàu to. Song chắc đầu óc nghệ sĩ không thích hợp lắm với lối buôn bán quắt quéo, nên chỉ thua lỗ (cũng may, nếu phát tài thì Việt Nam không có nhà văn Khái Hưng!).

Từ Ninh Giang[6] anh lên Hà Nội, làm giáo sư trường tư thục Thăng Long. Ngay hồi đó anh đã viết cho tờ Duy Tân những truyện vui hay xã thuyết, cùng với nhà văn Lãng Nhân Phùng Tất Đắc, nhà văn Tchya[7] Đái Đức Tuấn, một số bài nữa đăng trên tờ Phong Hóa (cũ, trước khi sang tay Nhất Linh quản lý) và tờ Văn Học tạp chí của anh em Dương Bá Trạc.

Nhất Linh sau đó lại vào dạy trường Thăng Long. Hai người hiểu nhau rất nhanh, rất tâm đắc, có cái nhìn chung về xã hội, về văn học."[8]

Đấy là Khái Hưng dưới mắt Nguyễn Tường Bách, người em út trong gia đình Nhất Linh.

Trong Những ngày vui, Khái Hưng mô tả mình trong vai Đỗ Như Phương, nói quá lên một chút về gia cảnh: "Phương là con trưởng một gia đình cự phú", còn gia tài chàng được hưởng chắc là không sai mấy: một cái ấp ở Phú Thọ rộng ba nghìn mẫu vừa ruộng vừa đồi và vài toà nhà cho thuê ở Hà Nội" và cả về người vợ cũng thế: "Lan, vợ chàng là con quan, nhà cũng giàu có chẳng kém gì nhà chàng" (sđd, trang14).

Hành động và tư tưởng của Phương thì đúng là Khái Hưng: ngay từ hồi trẻ, Phương đã hoạch định một chương trình xã hội để nâng cao đời sống dân quê, trước hết về nhà cửa đường phố:

"Chàng nhờ một người bạn kiến trúc sư vẽ kiểu nhà thích hợp với dân quê, rồi bắt các nông phu điền tốt trong ấy làm theo. Nếu có quá tốn kém thì chàng chu cấp cho ít nhiều.

Hồi mấy năm 1928-1930, ai về chơi đồn điền của Phương cũng phải kinh ngạc, khi ngắm qua những đường đi rộng rãi, những phố xá sạch sẽ, và những lớp nhà lợp ngói, lợp tranh cao ráo, sáng sủa, hay khi tò mò để mắt tới những đứa trẻ y phục gọn gàng cắp sách đi học" (Những ngày vui, trang 15).

Đọc những dòng này ta có thể tưởng tượng cảnh làng Cổ Am, quê Khái Hưng, trước khi bị Pháp dội 57 quả bom ngày 16-2-1930 và hiểu tại sao Khái Hưng chống Pháp.

Nhưng cuộc khủng hoảng kinh tế [1929] ập tới, thóc lúa bị đình trệ không bán được, giá thóc gạo mỗi ngày một hạ, nông phu không kiếm đủ tiền ăn và tiền nộp thuế, nên bắt buộc phải trả lại ruộng cho chủ. Đất bỏ hoang, Phương bèn tính đến phương sách thứ hai: chàng quay ra trồng sơn ở đồn điền, bỏ vào 10 vạn rồi vay thêm ngân hàng bằng cách ký quỹ đồn điền. Lại thất bại. Phương mất cả đồn điền, thêm nợ nần, phải trở về sống nhờ ở từ đường nhà vợ.

Trong lúc khó khăn này, chàng được Nguyễn Văn Tiên Leung-Fat-Fa, giúp đỡ, Phương đưa gia đình về Hà Nội, làm thủ quỹ cho hiệu Leung-Fat-Fa. Leung-Fat-Fa là hiệu tạp hóa lớn ở phố hàng Ngang của Nguyễn Văn Tiên Leung-Fat-Fa. Khái Hưng đã giải thích việc này như sau:

"Lòng tử tế của Tiên tỏ ra rằng Tiên là một người Tàu, người Tàu thuộc thời Xuân Thu Chiến Quốc hay Tiền Hán, Hậu Hán. Không phải lòng tử tế của bọn phi thường, nhưng lòng tử tế Tàu kia.

Đối với Phương, Tiên tự coi như người chịu ơn sâu, đời đời không thể trả hết, và mấy trăm bạc Phương giúp chàng ngày xưa, chàng đặt ngang hàng với bát cơm của bà Phiếu Mẫu giúp Hàn Tín khi anh tể tướng còn hàn vi" (trang 94).

Như vậy, trong Những ngày vui, những nét đời thật của Khái Hưng lộ khá rõ, được sửa đổi và thêm thắt đôi chút, nhưng giữ nguyên nền chính: Khái Hưng và vợ đều là con quan. Ông đã từng lập xưởng kinh doanh sơn ở Phú Thọ và bị lỗ vốn. Việc buôn sơn được ông nhắc đến trong truyện ngắn Kong-Ko Đai-Jin. Sau đó ông ra Hà Nội dạy trường Thăng Long, gặp Nguyễn Gia Trí và Nhất Linh… Việc Nguyễn Văn Tiên Leung-Fat-Fa cho tiền để làm báo, được Khái Hưng coi là lòng tử tế của người Tàu, trả ơn bát cơm Phiếu Mẫu mà ông đã giúp Tiên ngày trước.

Chân dung Nguyễn Gia Trí

Vào truyện Những ngày vui, Khái Hưng tả cảnh ba người bạn Ngạc, Điển, Duy và Xuyến, tình nhân của Ngạc, đi ô tô đến Lũng Thượng để dự lễ tiệc do Phương mời. Giữa đường, xe chết máy, Ngạc lúi húi cúi xuống hý hoáy tìm cách sửa. Trong khi ấy Duy đem bút chì và giấy ra vẽ.

"Ngạc ngửng lên trông thấy, gắt:

– Trời ơi, anh còn vẽ được!

– Truyện! Chín năm "Mỹ thuật" của người ta!

Ngạc thì thầm bảo Điển:

– Động một tý là nó giở chín năm trường Mỹ thuật của nó ra.

Xuyến vừa soi gương bôi sáp môi vừa hỏi:

– Anh Duy học chín năm ở Beaux Arts thực đấy à?

Duy, giọng tự phụ:

– Lại chả thực!

Mà kể thì cũng thực.

Là vì học gần hết năm thứ hai và sau một cuộc cãi lý kịch liệt với giáo sư, Duy cáu tiết bỏ trường, tuy chàng là một thanh niên rất có hy vọng học.

Hai năm sau, một hôm gặp Duy đi lang thang trên đường vùng quê với đủ các họa cụ đeo trên lưng, ông đốc trường Mỹ thuật liền hỏi (thiếu mấy chữ) Duy nên lại vào trường tòng học.

Duy vâng lời. Nhưng đến năm thứ ba, được dăm tháng, vì một điều chẳng quan hệ mấy, Duy lại bỏ học.

Rồi ít lâu lại vào học. Lần sau cùng, Duy chính thức từ giã trường Mỹ Thuật, vì chàng trúng tuyển kỳ thi ra.[9]

Tính góp lại, thời kỳ học tập của Duy vừa đúng chín năm.

– Vô lý! Chín năm!

– Ấy là kể cả nghỉ hè nữa đấy chứ nếu không thì làm quái gì đủ chín năm.

Xuyến nghiêng đầu sửa mái tóc, mỉm cười hỏi:

– Anh học vẽ chín năm; chắc phải giỏi. Nhưng anh bắt đầu vào trường từ năm anh lên mấy?

– Từ năm mười bẩy, lúc ấy tôi vừa đậu thành chung. Vị chi năm nay tôi hăm bẩy. […]

– Này, nhưng chữa xe làm gì nữa, lại đây xem tranh của tôi hơn. Các anh phải biết "Một công trình tuyệt tác!"

Điển và Ngạc chán nản ngồi xuống vệ đường dưới bóng một cây đề lớn. Duy đem tranh lại khoe:

– Đó, các anh coi: Dã man không? Vô nhân đạo không?"[10]

Duy vẽ cảnh: hai người đàn bà lưng cúi gò, vai khoác dây thừng, kéo cái bừa do một người đàn ông đẩy.

clip_image004

Duy vẽ hai người đàn bà kéo bừa trên Ngày Nay số 16.

Đoạn văn trên đây rất quan trọng, vì nó cho ta biết thêm về tiểu sử Nguyễn Gia Trí. Tuy nhiên nếu đặt nó vào bối cảnh năm 1932, khi Phong Hóa sắp ra đời, thì lúc đó Nguyễn Gia Trí chưa ra trường, Khái Hưng không thể đưa vào miệng Duy câu: "Truyện! Chín năm "Mỹ thuật" của người ta!" Câu này chỉ có thể nói năm 1936, khi Khái Hưng viết truyện này.

Nhưng nếu bỏ qua chi tiết vô lý này, ta có thể rút ra một số thông tin về Nguyễn Gia Trí.

Khái Hưng sinh năm 1896, Nhất Linh sinh 1906, còn Nguyễn Gia Trí, thường ghi sinh năm 1908; nhưng không ai biết chắc. Năm ông đỗ vào trường Mỹ Thuật cũng mù mờ: Sách Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội (1925-1990) ghi Nguyễn Gia Trí học khóa IV (1928-1933) rồi bỏ dở, trở lại học khóa VII (1931-1936). Theo thư Nguyễn Gia Trí gửi Mai Thọ Truyền[11], ta được biết: tình cờ đi xem hội chợ (1935) thấy tranh sơn mài của Trần Quang Trân đẹp, ông bèn quay về trường, học sơn mài. Theo Lê Phổ[12], Nguyễn Gia Trí học cùng lớp với Lê Thị Lựu, tức là khóa III (1927-1932).

Theo Những ngày vui, Nguyễn Gia Trí vào trường Mỹ thuật năm 17 tuổi. Học chín năm (kể cả thời gian nghỉ). Những điều này chắc đã được Nguyễn Gia Trí kiểm lại, cho phép ta rút ra những nhận xét sau đây:

1- Việc ông ra trường năm 1936, phù hợp với hoạt động của ông trong Tự Lực văn đoàn, vì kể từ năm 1936, Nguyễn Gia Trí vẽ tranh công khai và quyết liệt hơn thời kỳ chưa ra trường.

2- Vì ông ra trường năm 1936, và ông học 9 năm (kể cả những lúc bỏ dở), vậy ông vào trường năm 1927, cùng lớp với Lê Thị Lựu, đúng như lời Lê Phổ.

3- Năm 1927, ông 17 tuổi, vậy ta có thể cho rằng: Nguyễn Gia Trí sinh năm 1910.

4- Theo Những ngày vui, Nguyễn Gia Trí bỏ học hai lần, vì cãi nhau với giáo sư (Tardieu). Lần đầu, năm thứ hai (1928) và lần sau năm thứ ba (1929). Tổng cộng thời gian "học" là 9 năm, vậy ông nghỉ học 4 năm trong khoảng từ 1928 đến 1936, vì mỗi khóa trường Mỹ thuật là 5 năm.

Như thế, vai trò của Nguyễn Gia Trí trong Tự Lực văn đoàn, không chỉ ở mức độ cộng tác thường xuyên mà còn ở chỗ khác nữa: có thể nhờ tiền bán tranh và sống độc thân, nên Nguyễn Gia Trí luôn luôn lo việc "kinh tài" cho Tự Lực văn đoàn và Quốc Dân Đảng. Trước tiên cho Phong Hóa, lúc mới thành lập, như Khái Hưng viết trong Những ngày vui. Rồi từ 1939-1940 ông mua và tích trữ vũ khí cho đảng Đại Việt Dân Chính, bị Pháp bắt quả tang để trong phòng vẽ, theo lời họa sĩ Hoàng Tích Chù[13]. Sau cùng, ông góp phần "nuôi" các đồng chí trong thời kỳ bôn ba ở Hương Cảng, những năm 1948-50, vẫn bằng hội họa của mình.

Chân dung Nhất Linh

Trong Những ngày vui, Nhất Linh xuất hiện sau Nguyễn Gia Trí, trong vai Phượng. Khi in thành sách, đổi thành Phúc, có lẽ để tránh nhầm với Phương, nhưng lại làm trệch ý Khái Hưng: cố ý đặt tên Phượng đi với Phương như hai giọt nước, giống Khái Hưng và Nhất Linh ở ngoài đời.

Và đây là đoạn Phượng đến gặp Duy, "chủ nhiệm" báo Tự Động để bàn chuyện "mở báo":

"- Chào ông chủ nhiệm.

Duy nghĩ thầm:

– Thôi chết tôi rồi. Ông này mà đến chơi thì chắc chắn là mất hết một buổi sáng nghe chuyện mở báo.

Như đọc được tư tưởng của Duy, ông khách hỏi luôn:

– Ông bận? Nếu ông bận, xin để khi khác tôi lại đến.

Duy muốn đáp: "Vâng quả thực tôi bận", nhưng chàng chỉ mỉm một nụ cười rất tự nhiên giơ tay mời:

– Ông ngồi chơi. Thưa không, tôi không bận gì hết. Tôi rất vui lòng tiếp chuyện ông.

– Thưa ông hôm nay nghỉ?

– Vâng, hôm nay thứ năm.

– Báo của ông ra hôm nay, tôi vừa mua một số đây.

Vừa nói chàng vừa giơ ra một tập báo. Rồi cười nói tiếp:

– Ông đã biết đấy, tôi rất thích nghề báo, và báo nào tôi cũng mua, cũng đọc. Tôi đọc cả những truyện kiếm hiệp, kiếm tiên nữa. Nhưng tôi không mua năm báo nào hết. Tội gì phải không, thưa ông? Mình ở Hà Nội, nghe trẻ rao ngoài phố, gọi vào mua một số. Như thế có phải tiện không? Mà lại tránh được cái nạn mất báo, khỏi phải mất công viết thư lên toà soạn đòi số khác…

Chàng kéo một thôi về cái lẽ mất báo, về cách xếp đặt vụng về trong ban trị sự của hết thẩy các toà báo chữ Pháp, chữ Việt.

– Rồi ông xem, khi nào báo của tôi ra đời, ông sẽ thấy cách tổ chức khôn khéo hoàn toàn. Hiện giờ tôi đương ở thời kỳ điều tra, nhận xét, khảo cứu.

Chàng rút ra một quyển sổ con, nói tiếp:

– Đây này, ở cả trong này, "projet" mở báo ở cả trong này.

Duy rùng mình, lo sợ vì biết thế nào Phúc cũng đem cái kế hoạch mở báo ra nói cho mình nghe trong khoảng ít ra là một giờ đồng hồ. Ở Hà Nội, và ở tỉnh lỵ các thành phố Phúc đã đi qua, dễ trong hầu hết các giới trí thức, ít ai không một lần được nghe Phúc bàn về cái kế hoạch mở báo của chàng.

Phúc là một vị giáo sư khoa học có giá trị tại trường trung học. Chàng đã tòng học bốn năm ở bên Pháp và đã đậu cử nhân khoa học. Về nước, chàng được bổ ngay giáo sư và lương tháng kể cũng khá cao, có lẽ đến gần ba trăm bạc.

Nhưng trong thời kỳ học tập bên Pháp cũng như ngày nay trong thời kỳ dạy học, chàng chỉ chuyên nghiên cứu có một thứ báo chí. Chàng nói với hết thảy các bạn bè và những chỗ quen biết rằng nghề gõ đầu trẻ, chàng chỉ theo tạm, nghề chính của chàng là nghề viết báo, mở báo kia" (Những ngày vui trang 148-150).

Và Phúc còn thao thao bất tuyệt về nghề báo trong sáu trang sách nữa.

Phúc thì đúng là Nhất Linh rồi: Giáo sư cử nhân mới ở Pháp về. Luôn luôn mơ tưởng việc làm báo và đi đâu cũng tuyên truyền việc lập báo. Mặc dù lương giáo sư khá cao, gần ba trăm bạc, nhưng Nhất Linh vẫn không đủ tiền để ra báo.

Cuối cùng, phải nhờ đến số tiền 10.000 của Nguyễn Văn Tiên Leung Fat Fa, Nhất Linh mới có thể thực hiện được giấc mộng, kể từ Phong Hóa số 14.

Những thành viên đầu tiên của Tự Lực văn đoàn

Theo sự sắp đặt nhân vật trong Những ngày vui, thì Nguyễn Gia Trí và Khái Hưng là hai người đầu tiên trong "nhóm" Tự Lực. Nhất Linh đến sau, việc này hư thực như thế nào, khó biết được, mà cũng không quan trọng.

Chỉ biết ba hạt nhân đầu của Tự Lực văn đoàn là Khái Hưng, Nguyễn Gia Trí và Nhất Linh. Tự Lực văn đoàn đã manh nha trong thời gian từ tháng 6-1932 đến tháng 9-1932, nghiã là từ Phong Hóa số 1 (16-6-1932) đến số 13 (8-9-1932) tức là thời kỳ chuẩn bị ra báo Phong Hóa số 14.

Khi đọc kỹ Phong Hóa, chúng ta sẽ thấy rõ hai thời kỳ này, như đã được Khái Hưng mô tả trong Những ngày vui:

Từ số 1 đến số 13: Phong Hóa do Khái Hưng chủ trì.

Từ số 14 trở đi (nhờ số tiền 10.000 đồng) Nhất Linh tổ chức lại tờ báo, mở rộng với nhiều người cộng tác và ông làm Giám đốc.

Nhưng hai thời kỳ này không hoàn toàn phân cách, bởi vì nếu tinh ý, ta sẽ thấy có những thành viên của văn đoàn đã xuất hiện trên Phong Hóa ngay từ những số đầu:

– Phong Hóa số 2 (23-6-1932), bìa tranh trừu tượng, ký tên Đông Sơn bằng chữ Hán, bìa này giữ đến số 10 (18-8-1932). Nếu Đông Sơn là Nhất Linh, thì không thể nói Nhất Linh chỉ "vào" Phong Hóa từ số 14, mà "vào" từ số 2.

– Phong Hóa số 3 (30-6-1932) có hý họa ký tên Đông Sơn bằng chữ quốc ngữ, cũng thế, Nhất Linh "vào" từ số 3 chăng?

Vậy ta phải hiểu như thế nào? Theo tôi, những điều Khái Hưng viết trong Những ngày vui phù hợp với thực tế hơn, còn những điều Nhất Linh và Tứ Ly viết trên Phong Hóa số 154, chỉ có tính cách tượng trưng, tuyên ngôn, tuyên cáo, cho nên ta hiểu tại sao Khái Hưng làm thinh, không tuyên bố gì trên số báo Phong Hóa 154 này. (Xem Sự thành lập Tự Lực văn đoàn, phần I)

Bởi vì, nếu Nhất Linh chỉ "vào" Phong Hóa từ số 14, thì tranh bìa ký tên Đông Sơn chữ Hán từ số 2 và hý họa ký tên Đông Sơn quốc ngữ trong số 3, là của ai?

Trừ khi Đông Sơn lúc đầu là Nguyễn Gia Trí?

clip_image006

Tranh bià Đông Sơn, ký chữ Hán, Phong Hóa số 2

 

clip_image008

Tranh Đông Sơn ký chữ quốc ngữ trong Phong Hóa số 3

Tóm lại, trừ khi có khám phá mới, tôi tạm coi Đông Sơn là tên chung của Nguyễn Gia Trí và Nhất Linh trong thời kỳ đầu. Đến khi nào thì tách riêng và trở thành tên của Nhất Linh? Đó là một câu hỏi chưa thể giải đáp.

Về văn, Nhất Linh dường như không viết gì cho Phong Hóa từ số 1 đến số 13, nếu xét giọng văn và tư tưởng. Ông chính thức xuất hiện cùng với Tứ Ly (Hoàng Đạo) và Tú Mỡ, trên Phong Hóa số 14 (22-9-1932), số báo chính thức của Tự Lực văn đoàn. Thạch Lam cũng viết từ số 14, với tên TL và số 15, với tên Việt Sinh.

Trường hợp Thế Lữ khá phức tạp, ông có ba bài in trên Phong Hóa những số đầu, ký tên Nhất Chi Mai: tạp văn Quần trắng áo lam (Phong Hóa số 4, 7-7-1932), tường thuật Một buổi diễn kịch làm phúc (Phong Hóa số 5, 14-7-1932) và truyện ngắn Bả phồn hoa (Phong Hóa số 6, 21-7-1932); nhưng lúc đó ông chưa nổi danh, nên không ai biết. Bẵng đi nửa năm, trên Phong Hóa không thấy tên Nhất Chi Mai nữa. Đến Phong Hóa số 27, 23-12-1932, mới có bài ông, lần này ký tên Thế Lữ, dưới truyện ngắn Thây ma xuống gác. Hơn một năm sau, ông xin được vào làm việc trong tòa soạn Phong Hóa, từ số 91 (30-3-1934). Bút hiệu Nhất Chi Mai chỉ trở lại trên vài số báo Phong Hóa cuối cùng và một cách chính thức, trên báo Ngày Nay.

Tóm lại, ta có thể tạm kết luận: những thành viên đầu tiên làm báo Phong Hóa, từ số 1 đến số 13, là Khái Hưng và Nguyễn Gia Trí, lúc đó chắc chưa có ý định lập "văn đoàn" gì cả. Kể từ Phong Hóa số 14 có Nhất Linh, Hoàng Đạo, Tú Mỡ và Thạch Lam mới trở thành một nhóm hay một "văn đoàn" và tới số 27, có thêm Thế Lữ.

Nhưng đây chỉ là kết luận tạm thời, kỳ tới, sau khi khảo sát nội dung và hình thức những số báo Phong Hóa đầu tiên do Khái Hưng phụ trách (từ số 1 đến số 13), tôi sẽ đưa ra một kết luận rõ ràng hơn.

(Còn tiếp)

Thụy Khuê

thuykhue.free.fr


[1] Lạnh lùng đã in mấy trang đầu trên Phong Hóa số 151 (31-8-1935), rồi ngừng. Nhất Linh cho in Đi Tây ký tên Lãng Du thay thế. Gần một năm sau, Lạnh lùng xuất hiện lại trên Ngày Nay (từ số 16, 12-7-1936 đến số 37, 6-12-1936).

[2] Lũng Thượng thuộc Yên Lạc, Vĩnh Yên, nơi có đồn điền của gia đình Đỗ Đình Đạo, một yếu nhân của Việt Nam Quốc Dân Đảng, bạn thân của Nhất Linh.

[3] Những ngày vui, Phượng Giang 1958, trang 95-97. Chúng tôi trích bản in trong sách, vì bản này đã sửa chữa những lỗi chính tả.

[4] Những ngày vui, bản Phượng Giang, trang 99.

[5] Theo lời Trần Khánh Triệu (con nuôi Khái Hưng, con ruột Nhất Linh) trong bài Papa toà báo, in trên Thế Kỷ 21, số tưởng niệm Khái Hưng tháng 12/1997, in lại trong Nhất Linh, người nghệ sĩ, người chiến sĩ, Nxb Thế Kỷ, California, 2004.

[6] Ninh Giang thuộc tỉnh Hải Dương.

[7] Chữ TCHYA có thuyết nói là Tôi chẳng yêu ai.

[8] Viễn Sơn Nguyễn Tường Bách, Tưởng nhớ Khái Hưng, Người bạn, Người anh thân mến, Nhà văn, Chiến sĩ cách mạng, in trong Kỷ vật đầu tay và cuối cùng, cuốn 1, Hồn bướm mơ tiên, Nguyễn Thạch Kiên soạn, Nxb Phượng Hoàng, Hoa Kỳ, 1997, t. 157-158.

[9] Đoạn này tôi trích ở báo Ngày Nay số 16, vì cho đó là bản gốc, khi in thành sách, được sửa lại như sau:

"Là vì học gần hết năm thứ hai và sau một cuộc cãi lý kịch liệt với ông giáo, Duy bỏ học. Nhưng ít lâu chàng lại xin vào lần thứ hai. Ông giáo vì mến tài nên bằng lòng. Nhưng đến năm thứ ba, được năm tháng, vì một điều chẳng quan hệ mấy, Duy lại bỏ học. Rồi ít lâu lại vào học. Lần sau cùng, Duy chính thức từ giã trường Mỹ Thuật, vì chàng trúng tuyển kỳ thi ra". Nhưng có lẽ đoạn trong sách đúng với thực tại hơn: Nguyễn Gia Trí đã bỏ học, nhưng đi xem hội chợ, thấy tranh sơn mài của Trần Quang Trân lại quay trở về học tiếp sơn mài đến lúc ra trường năm 1936 (theo thư Nguyễn Gia Trí gửi Mai Thọ Truyền, in trong loạt bài Những lá thư Nguyễn Gia Trí gửi Phạm Tăng, trên mạng vanviet.infothuykhue.free.fr ).

[10] Đoạn này cũng trích Những ngày vui, in trên Ngày Nay số 16. Bản Phượng Giang 1958, trang 7-9, có sửa vài chữ so với bản in trên báo.

[11] Xem bài Những bức thư Nguyễn Gia Trí gửi cho Phạm Tăng, site: vanviet.infothuykhue.free.fr

[12] Lê Phổ trả lời phỏng vấn của Thụy Khuê trên RFI, in lại trong sách Lê Thị Lựu ấn tượng hoàng hôn, nxb Tổng Hợp TP HCM, Bảo tàng Mỹ Thuật TPHCM, 2018).

[13] Trong bài Nguyễn Gia Trí, bậc đạo sư của sơn mài nghệ thuật của Hoàng Hưng, in trong sách Những người lao động sáng tạo, nxb Lao Động, 1998.

Comments are closed.