Dự thảo Luật về Hội (2): Quyền Tự do Lập hội: Cẩm nang để thực hiện tốt quyền này

(Từ văn phòng của Báo Cáo Viên Đặc Biệt LHQ về tự do tụ tập ôn hoà và lập hội)

1/ Hội của tôi có cần phải đăng ký hay không? Không

Quyền Tự do Lập hội bảo vệ tất cả các hội đoàn một cách ngang nhau dù có đăng ký hay không. Các cá nhân tham gia các hội đoàn không đăng ký nên được tự do thực hiện bất cứ hành động hợp pháp nào, bao gồm quyền tổ chức và tham gia các cuộc tụ tập ôn hòa, và không nên chịu các biện pháp trừng phạt hình sự ( A/HRC/20/27, trang 14, đoạn 56)

2/ Quyền Tự do Lập hội có áp dụng cho tôi không? Có

Bất luận bạn là ai. Điều 22 của Công ước quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) cộng nhận rằng quyền Tự do Lập hội nên được hưởng bởi tất cả mọi người như đã được quy định bởi Công ước này (xem khoản 2 về sự không phân biệt đối xử) và các Nghị quyết 15/21, 21/16 và 24/5 của Hội động Nhân quyền. Trong nghị quyết 24/5, Hội đồng nhân quyền nhắc nhở các Nhà nước thành viên về nghĩa vụ tôn trọng và bảo vệ các quyền  tụ tập ôn hòa và và lập hội tự do của các cá nhân, dù ở trên mạng hay ngoài đời, bao gồm trong bối cảnh các cuộc bầu cử, và bao gồm những người thuộc phe thiểu số hoặc có quan điểm hoặc niềm tin đối lập đang tìm cách thực hiện hay thăng tiến các quyền này (A/HRC/26/29, trang 9, đoạn 22). Luật pháp không nên thiết lập bất cứ những hạn chế cụ thể nào lên các cá nhân, bao gồm trẻ em, người nước ngoài, các cộng đồng ngôn ngữ và sắc tộc thiểu số, các cá nhân đồng tính và phụ nữ, như là một ít trường hợp điển hình (A/HRC/20/27, trang 14, đoạn 54; A/HRC/26/29, trang 6-7, đoạn 18). Quyền tự do lập hội cũng mở rộng đến những thực thể pháp lý (vd: 2 hội đoàn quyết định sáp nhập thành một tổ chức).

3/ Nhà nước có nghĩa vụ thăng tiến quyền tự do lập hội không? Có

Các nhà nước có nghĩa vụ thực hiện những biện pháp tích cực để thiết lập và duy trì một môi trường tạo điều kiện cho sự hoạt động của các hội đoàn. Các thành viên của các hội phải được tự do thực hiện quyền lập hội của họ mà không sợ bị đe dọa, hăm dọa hoặc bạo lực bao gồm: sách nhiễu, xử tử tùy tiện hoặc vắn tắt, bắt hoặc giam giữ tùy tiện, tra tấn, các chiến dịch bôi nhọ trên truyền thông hoặc cấm đi lại (A/HRC/20/27, trang 15-16, đoạn 63). Các nhà nước cũng có nghĩa vụ không ngăn cản quá đáng việc thực hiện quyền tự do lập hội. Các thành viên của các hội nên được tự do quyết định các điều lệ, cơ cấu tổ chức và sinh hoạt, và làm quyết định mà không cósự can thiệp của nhà nước. Các hội nên được hưởng, trong số những quyền khác, các quyền bày tỏ ý kiến, phổ biến thông tin, sinh hoạt với công chúng và vận động các chính phủ và các định chế nhận quyền quốc tế (A/HRC/20/27, trang 16, đoạn 64). 

4/ Liệu có phải đăng ký nếu muốn thành lập một pháp nhân không? Có 

Có thể chấp nhận được khi yêu cầu một hình tức đăng ký nào đó để tạo lập một hội có tư cách pháp nhân riêng, nhưng điều quan trọng là giới chức chính quyền phải hành động với thiện chí, và một cách kịp thời và không phân biệt. Báo cáo viên đặc biệt đánh giá tốt nhất là các thủ tục thực hành nên đơn giản, không phiền hà, miễn phí và dễ nhanh chóng. (A/HRC/20/27, trang 14, đoạn 57); A/HRC/RES/22/6). Việc đăng ký không nên được xem như một thể thức xin phép. Vậy, nên có một “thủ tục thông báo” (từ hội đoàn đăng ký) (thay vì “thủ tục cấp phép trước”) để thành lập một tổ chức. (A/HRC/20/27, trang 21, đoạn 95). Bằng một thủ tục thông báo, các hội tự động được cấp tư cách pháp nhân ngay sau khi cơ quan có thẩm quyền được thông báo bởi những người sáng lập rằng một tổ chức đã được thành lập. Dù vậy, việc thông báo không nên là điều kiện tiên quyết cho sự hiện hữu của một hội (A/HRC/20/27, trang 15, đoạn 58). Các luật mới được thông qua không nên yêu cầu các hội đoàn đã đăng ký trước đó phải đăng ký lại (A/HRC/20/27, trang 15, đoạn 62).

5/ Chính quyền có thể trì hoãn hồ sơ của tôi một cách vô thời hạn hoặc bác đơn mà không báo cho tôi không? Không

Các cơ quan đăng ký phải bị buộc hành động ngay lập tức và luật pháp nên quy định thời hạn ngắn để trả lời các hồ sơ đã nộp. Trong thời gian ấy, các hội nên được mặc nhiên công nhận làhoạt động hợp pháp cho đến khi được chứng minh khác hơn. Nếu chính quyền không hồi đáp trong thời hạn rõ rệt và ngắn thì kết quả nên được xem là một mặc định rằng hội đang hoạt động hợp pháp. Các hội mà hồ sơ bị bác nên có cơ hội để kháng cáo quyết định trước một toà án độc lập và không thiên vị (A/HRC/20/27, trang 15, đoạn 61).

6/ Nhà nước có nên đối xử với các hội đoàn và doanh nghiệp ngang nhau hay không? Có

Nhà nước nên tránh các biện pháp nhắm vào hoặc đè nặng lên các tổ chức xã hội dân sự một cách bất cân xứng, như áp đặt các quy tắc phê duyệt phiền hà, các thủ tục hoặc các yêu cầu chuyên biệt khác dành cho hội mà không áp dụng đối với các thực thể vị lợi nhuận (A/HRC/23/39, trang 8, đoạn 24). Ví dụ như việc đăng ký một hội, không nên khó khăn và tốn nhiều thời gian hơn việc đăng ký một thực thể vị lợi nhuận (A/HRC/26/29/Add.2, trang 14-15, đoạn 56-58).

7/ Quyền tự do lập hội có bao gồm khả năng tiếp cận các nguồn lực không? Có 

Khả năng tìm kiếm, tiếp nhận và sử dụng các nguồn lực từ các nguồn nội địa, nước ngoài và quốc tế của các hội là một phần quan trọng không thể tách rời của quyền tự do lập hội (A/HRC/20/27, trang 17, đoạn 67; A/HRC/23/39, trang 4, đoạn 8 ).  Từ “những nguồn lực” chứa đựng một khái niệm rộng lớn bao gồm sự chuyển khoản tài chính, sự quyên góp hiện vật, các nguồn vật lực, nhân lực và  nhiều nữa (A/HRC/23/39, trang 5, đoạn 10). Việc nhận các cấp khoản từ ngoài và trong nước không cần phải có sự đồng ý của chính quyền (A/HRC/20/27, trang 17, đoạn 68) và cả các hội đăng ký cũng như không đăng ký đều có quyền tự do tìm kiếm và đạt được sự hỗ trợ tài chính và các nguồn lực từ các thực thể quốc nội, hải ngoại và quốc tế (A/HRC/20/27, trang 17, đoạn 68). Để có nhiều thông tin chi tiết hơn xin hãy xem tài liệu của Báo Cáo Viên Đặc Biệt về các nguyên tắc tổng quát về bảo vệ không gian dân sự và quyền tiếp cận nguồn lực được phát hành bởi Cộng đồng các Quốc gia dân chủ.

8/ Quyền tự do lập hội có áp dụng trực tuyến hay không? Có

Nhà nước có nghĩa vụ tôn trọng và bảo vệ đầy đủ quyền tự do lập hội trực tuyến cũng như không trực tuyến (Nghị quyết HRC24/5). Mạng toàn cầu đặc biệt là truyền thông xã hội và các kỹ thuật truyền thông khác là những công cụ quan trọng để tạo điều kiện thuận lợi cho quyền tự do lập hội trong thế giới thực. Mọi người có quyền tập hợp trong không gian ảo, tụ tập trực tuyến để biểu tỏ ý kiến của họ (Nghị quyết HRC21/16). Tất cả các nhà nước nên đảm bảo rằng sự tiếp cận internet được duy trì mọi lúc kể cả những thời điểm có bất ổn chính trị (A/HRC/17/27, đoạn 79). Bất cứ quyết định khóa chặn các nội dung trên mạng toàn cầu phải được thực hiện bởi một cơ quan tư pháp có thẩm quyền hoặc một cơ cấu độc lập với các ảnh hưởng chính trị, ảnh hưởng thương mại, hoặc các ảnh hưởng không được phép khác.(Id.)

9/ Chính quyền có thể can thiệp vào công việc nội bộ của hội hay không? Không

Chính quyền phải kiềm chế sự can thiệp vào việc nội bộ của hội và tôn trọng quyền riêng tư của hội như đã được quy định trong điều 17 của Công ước quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị (A/HRC/20/27, trang 16, đoạn 65). Chính quyền không được phép đặt điều kiện đối với các quyết định và sinh hoạt của hội; lật ngược việc bầu cử các thành viên quản trị; đặt điều kiện phải có một đại diện chính phủ hiện diện cho các quyết định của các thành viên quản trị; yêu cầu hội đệ trình các báo cáo trước khi công bố; hoặc yêu cầu các tổ chức đệ trình bản kế hoạch công việc lên chính quyền để được chấp thuận (Id.). Một số cơ cấu độc lập có quyền kiểm tra hồ sơ của các hội như là một cơ chế để đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, nhưng một thủ tục như thế không được tùy tiện và phải tôn trọng các nguyên tắc không phân biệt đối xử và quyền riêng tư (Id.).

10/ Việc chiến đấu với tội phạm, tự nó và riêng nó, có là một lý do chính đáng để giới hạn quyền lập hội hay không? Không

Việc chiến đấu với sự gian lận, sự biển thủ, rửa tiền và các tội phạm khác là một mối quan tâm chính đáng của nhà nước nhưng chỉ đơn thuần theo đuổi một mối quan tâm chính đáng là không đủ. Các giới hạn phải được quy định bởi luật và phải “là cần thiết” trong một xã hội dân chủ. Các giới hạn phải cân xứng với lợi ích cần được bảo vệ và là những biện pháp xâm phạm tối thiểu để đạt được mục đích mong muốn (A/HRC/23/39, trang 8, đoạn 23; Công ước quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị điều 12). 

11/ Chính quyền có thể đặt những giới hạn đặc biệt lên quyền tự do lập hội trong thời gian bầu cử hay không? Không

Thời gian bầu cử là thời điểm đặc biệt trong đời sống của một quốc gia để xác nhận và thậm chí tăng cường các nguyên tắc dân chủ. Trong thời gian bầu cử, ngưỡng để áp đặt giới hạn nên cao hơn thường lệ (A/62/299, trang 10, đoạn 25). Những cuộc bầu cử thực sự không thể có được nếu quyền tự do lập hội bị tước đoạt (A/68/299, trang 20, đoạn 56). Các hội nên có quyền tự do tham gia các sinh hoạt liên quan đến tiến trình bầu cử dù họ có ủng hộ chính phủ hay không (A/68/299, trang 17, đoạn 46)

12/ Một hội có thể bị đình chỉ hoặc giải tán vì không tuân thủ các nghĩa vụ báo cáo hoặc vi phạm luật pháp không đáng kể? không

Nếu một hội không tuân thủ các nghĩa vụ báo cáo của nó, thì sự vi phạm luật pháp không đáng kể như thế không nên dẫn đến sự đóng cửa hội hoặc sự truy tố hình sự đối với những người đại diện của nó; lẽ ra, hội này nên được yêu cầu nhanh chóng điều chỉnh tình trạng của nó (A/HRC/23/39, trang 12, đoạn 38). Việc đình hoãn và giải thể trái ý muốn đối với một hội nên chỉ có thể xảy ra, trong sự tuân thủ luật nhân quyền quốc tế, khi có một nguy hiểm rõ ràng và cận kề dẫn đến việc xâm phạm trắng trợn luật pháp quốc gia. Những biện pháp như thế cũng nên cân xứng với mục tiêu chính đáng được theo đuổi và chỉ được sử dụng khi những biện pháp mềm dẻo hơn không thích hợp (A/HRC/20/27, trang 18, đoạn 75). Hơn nữa, những biện pháp hà khắc như thế chỉ nên được thực hiện bởi những toà án độc lập và không thiên vị (A/HRC/20/27, trang 18, đoạn 76).

13/ Tôi có được quyền tiếp cận một phương cách giải quyết hiệu quả nếu quyền tự do lập hội của tôi bị vi phạm hay không? Có

Nhà nước có nghĩa vụ thành lập các cơ chế khiếu nại hiệu quả và dễ tiếp cận, những cơ chế này có khả năng điều tra các cáo buộc vi phạm hay xâm phạm nhân quyền, bao gồm những vi phạm liên quan đến các quyền tự do lập hội, một cách độc lập, nhanh chóng và quán triệt(A/HRC/20/27, trang 19, đoạn 77). Nơi nào quyền tự do lập hội bị kiềm hãm một cách không đúng đắn, các nạn nhân nên có quyền đòi điều chỉnh và bồi thường thích hợp và công bằng (A/HRC/20/27, trang 19, đoạn 81).

– Hội là gì?

Từ “Hội” dùng để chỉ bất cứ một nhóm người nào và/hoặc bất cứ những pháp nhân nào ngồi lại với nhau để cùng hành động, phát biểu, thăng tiến, theo đuổi hoặc bảo vệ một lĩnh vực lợi íchchung (A/HRC/20/27, trang 13, đoạn 51). Một số loại hội đoàn thường gặp bao gồm các tổ chức xã hội dân sự, các câu lạc bộ, hợp tác xã, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức tôn giáo, các đảng chính trị, các nghiệp đoàn, các hội tài trợ và các nhóm hội trực tuyến (A/HRC/20/27, trang 13, đoạn 52).

– Quyền Tự do Lập hội là gì?

Nói một cách đơn giản, quyền tự do lập hội bảo vệ cho bạn quyền thành lập hoặc gia nhập một nhóm người có cùng lập trường như bạn nhằm theo đuổi những lợi ích chung. Nhóm này có thể là chính thức hoặc không chính thức, và không có bất cứ yêu cầu nào buộc hội này phải đăng ký thì quyền tự do lập hội mới được áp dụng (A/HRC/20/27, trang 14, đoạn 56). Chỉ cần hai người là đủ để thành lập một hội (A/HRC/20/27, trang 14, đoạn 54).

– Tại sao quyền tự do Lập hội quan trọng như thế?

Quyền tự do lập hội là một trong số những nhân quyền quan trọng nhất mà chúng ta sở hữu. Nó là một trong số những quyền cốt lõi – cùng với quyền tự do tụ tập ôn hòa – được thiết kế để bảo vệ khả năng ngồi lại với nhau và phục vụ lợi ích chung của con người. Nó là phương tiện thực hiện nhiều quyền dân sự, văn hóa, kinh tế, chính trị và xã hội khác (A/HRC/20/27, trang 5, đoạn 12). Quyền tự do lập hội cũng đóng vai trò quyết định trong sự xuất hiện và tồn tại của các hệ thống dân chủ hữu hiệu bởi vì chúng là một kênh cho phép sự đối thoại, chế độ đa nguyên, tinh thần khoan dung và đầu óc cởi mở, ở đó các niềm tin hoặc quan điểm đối lập hoặc thiểu số được tôn trọng (A/HRC/20/27, trang 20 đoạn 84).

 

Link cẩm nang này bằng tiếng Anh:

http://dvov.org/wp-content/uploads/2014/11/freedom-of-association-best-practices-factsheet.pdf

A/HRC/20/27: www.ohchr.org/Documents/HRBodies/HRCouncil/RegularSession/Session20/A-HRC-20-27_en.pdf

A/HRC/26/29: www.ohchr.org/EN/HRBodies/HRC/RegularSessions/Session26/Documents/A_HRC_26_29_ENG.DOC

Comments are closed.