Dịch giả Kim Vũ ra mắt tuyển tập truyện song ngữ (dịch ba truyện của Phan Nhật Nam, Phạm Tín An Ninh, Phạm Thành Châu)

Phan Tấn Hảizzzz 1 Phan Nhat Nam

Phan Nhật Nam (đứng). Hàng ngồi, từ trái: Văn Công Định, Phạm Tín An Ninh, Tràm Cà Mau, GS Trần Huy Bích, và một khán giả. (Photo: PTH)

Một buổi ra mắt sách thực hiện dưới hình thức buổi trà đàm tại Quán Cành Nam trong Viện Việt Học hôm thứ Năm 13 tháng 7/2023 đã trình bày một hình thức mới của văn học Việt Nam: một tuyển tập dịch sang Anh văn ba truyện kể từ ba nhà văn Phạm Thành Châu, Phạm Tín An Ninh, Phan Nhật Nam do dịch giả Kim Vũ thực hiện nhằm cho thế hệ trẻ gốc Việt chỉ đọc dược tiếng Anh hiểu được sự thật lịch sử tại quê nhà Việt Nam, nơi cha anh của họ đã rời nước ra đi. Chương trình dịch sang tiếng Anh các chuyện kể sẽ được dịch giả Kim Vũ thực hiện liên tục, và dự kiến sẽ có thêm hỗ trợ từ Tiến sĩ Đinh Xuân Quân.

Buổi trà đàm thực hiện dưới sự điều hợp của chị Kim Ngân, Giám đốc Viện Việt Học, với hỗ trợ từ Quán Cành Nam do chủ quán thiện nguyện là Võ Ý, và các chị Phạm Kim, Ái Phương…

Trong tình hình những buổi ra mắt sách nhiều năm nay không còn được chú ý nhiều trong cộng đồng (mà nhà văn Phan Nhật Nam hôm Thứ Năm đã vài lần nói rằng, sao không còn mấy ai đọc chuyện quê nhà nữa, ngay cả nhiều người bạn thân của anh đối với bài anh viết), buổi ra mắt tuyển tập dịch After the War của dịch giả Kim Vũ đã thu hút nhiều người quan tâm về văn học song ngữ tiếng Anh-Việt, trong đó có Giáo sư Trần Huy Bích, Đinh Xuân Quân, Tràm Cà Mau, Nguyễn Công Thuần, Trần Lạc Hồng, Bùi Hồng Sỹ, Phan Thanh Tâm, Phan Tấn Hải, và nhiều người khác… trong đó có hai cựu tù nhân chính trị Vũ Hoàng Hải, Lê Nguyên Sang (từ Châu Âu tới).

Nhân vật chính của buổi ra mắt sách là dịch giả Kim Vũ, và hai nhà văn Phan Nhật Nam và Phạm Tín An Ninh (từ Na Uy tới). Nhà văn Phạm Thành Châu hiện cư trú ạti Miền Đông Hoa Kỳ, không tới được.

Buổi sinh hoạt ra mắt bản song ngữ After the War là buổi đầu tiên dự án ấn hành sách song ngữ Việt-Anh về văn học Việt Nam, thực hiện tại Quán Cành Nam, được biết quán này sẽ mở cửa mỗi tuần vào Thứ Năm từ 9:30 đến 11:30 sáng, nơi bất kỳ ai cũng có thể bước vào uống cà phê và chi trả thì tùy hỷ, chủ yếu giúp ngân sách cho Viện Việt Học:

15355 Brookhurst Street

Suite 222 Westminster, CA 92683

Tel. (714) 775-2050

Email: info@viethoc.com

Trong Thư Mời của dịch giả Kim Vũ đã giải thích vì sao ông thực hiện dự án dịch thuật, trích như sau:

“Gần một nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ biến cố 1975. Rất nhiều tác phẩm bằng tiếng Việt đã được xuất bản và phổ biến ở hải ngoại nói lên những sự thật không làm vừa lòng nhà cầm quyền trong nước, mà những tác giả bao gồm rất nhiều cựu đảng viên Cộng sản như Tô Hải, Bùi Ngọc Tấn, Vũ Thư Hiên, Bùi Tín, Tiêu Dao Bảo Cự, Tống Văn Công, Trần Đĩnh, v.v.

Mặt khác, những tác phẩm của những người đã từng sống dưới chế độ Cộng Hoà thì cũng nhiều vô kể, vẽ lại những bức tranh sống động và bi ai về thực trạng miền Nam, mà hai chủ đề nổi bật nhất là “cải tạo” và “vượt biên”.

Thế nhưng tuyệt đại đa số những tác phẩm đó chỉ được chia sẻ trong một số không nhiều độc giả mà phần lớn là những người lớn tuổi. Những thế hệ đi sau thì có vẻ rất thờ ơ với những kinh nghiệm đau thương mà cha ông chúng đã phải trải qua để chúng có cơ hội vui hưởng sự tự do và nhân phẩm mà những người đi trước đã bị chối từ.

Một trong những lý do quan trọng nhất cho sự thể này là không có những tài liệu bằng Anh ngữ cho giới trẻ dễ tìm đến và thấm nhập phần nào những kinh nghiệm đau sót của cha anh chúng.

Đây chính là lý do cho sự ra đời của dịch phẩm khiêm nhường này.

Chỉ cần ba câu chuyện kể, dù nhẹ nhàng hay kinh hoàng nhưng đều thấm thía, là có thể dựng lên một toàn cảnh bi tráng được vẽ lại một cách sống động và trung thực về thực trạng và tình người của đất nước Việt Nam sau năm 1975.

Ba câu chuyện đó là:

. Bí Mật Của Một Câu Kinh Phật của Phạm Thành Châu,

. Ở Cuối Hai Con Đường của Phạm Tín An Ninh,

. Chuyện Công ‘Cắn’ của Phan Nhật Nam.

Ba tác phẩm đó đã được chọn dịch và làm thành dịch phẩm After The War (Sau Cuộc Chiến) của Kim-Vũ đang đến tay bạn đọc khắp năm châu. Xin mời bạn đọc thưởng thức và thẳng thắn phê bình.

Liên lạc dịch giả: Kim Vũ: vumanhphat@gmail.com

.zzzz 2 Kim Vu

Dịch giả Kim Vũ (đứng). Chị Kim Ngân, Giám đốc Viện Việt Học, đang ngồi.(Photo: PTH)

Trong buổi ra mắt tuyển tập song ngữ hôm Thứ Năm, sau khi dịch giả Kim Vũ trình bày về dự án dịch thuật dài hạn, nhà văn Phạm Tín An Ninh được mời lên nói về truyện ngắn Ở Cuối Hai Con Đường.

Tiểu sử tóm lược của nhà văn theo nhiều nguồn trên mạng như sau:

– Phạm Tín An Ninh: Sinh năm 1943 tại Khánh Hòa.

– Học tại trường Trung học Văn Hóa và Võ Tánh Nha Trang.

– Nhập ngũ: Khóa 18 SQ Trừ Bị Thủ Đức.

– Phục vụ tại Sư Đoàn 23 BB.

– Sau tháng 4/75: Đi tù tại các trại tù Nam và Bắc Việt Nam.

– Vượt biên, định cư tại Vương Quốc Na-Uy từ năm 1984.

– Đi học và làm việc trong ngành Ngân Hàng Bưu Điện.

– Về hưu từ đầu năm 2008.

Tác phẩm:

Ở Cuối Hai Con Đường (2008),

Rừng Khóc Giữa Mùa Xuân

Độc giả có thể đọc thêm ở trang web: https://phamtinanninh.com/

Nhà phê bình văn học Đỗ Trường trong một bài viết trên Diễn Đàn Thế Kỷ với bài nhan đề Phạm Tín An Ninh: Con đường giải oan cho một cuộc bể dâu đã ghi nhận về nhà văn họ Phạm như sau:

“…Tuy viết về chiến tranh, người lính, và cải tạo tù đày, song chất trữ tình là nghệ thuật đặc trưng nhất xuyên suốt truyện ngắn, văn xuôi của Phạm Tín An Ninh. Do vậy, đọc ông luôn cho ta cảm giác nhẹ nhàng, sâu lắng ăm ắp tình người. Ta có thể thấy, cùng với, Thằng Bé Đánh Giày Người Nghĩa Lộ, Ở Cuối Hai Con Đường là truyện ngắn hay nhất về tình người, lòng nhân đạo cao cả, sâu sắc của Phạm Tín An Ninh. Nếu ở, Thằng Bé Đánh Giày Người Nghĩa Lộ, sự cảm thông của người mẹ, người dân miền Bắc đối với những người lính cải tạo tù đày, thì Ở Cuối Hai Con Đường, thì cái tình người ấy, thể hiện ngay trong tình cảm, hành động của người quản giáo (một cựu tù binh ở chiến trường Kontum, đã được những người lính VNCH đối xử nhân đạo). Có thể nói, tôi đã đọc rất nhiều bút ký, hồi ký của những cựu cải tạo, tù nhân từ Nam ra đến Bắc, song có rất ít nhà văn, người viết tìm ra khía cạnh này. Tôi nghĩ, đây là cái nhìn công bình, không mang tính định kiến, hận thù của một nhà văn có tình yêu và lòng vị tha cao cả. Cho nên, trong một lần điện đàm, bàn luận về nhà văn Phạm Tín An Ninh, nhà thơ Trần Trung Đạo cho rằng: Phạm Tín An Ninh chinh phục được độc giả như vậy, vì khi viết anh có cái tâm trong sáng…”

zzzz 3 Pham Tin An Ninh

Phạm Tín An Ninh (đứng) nói về truyện thực ghi lại trong Ở Cuối Hai Con Đường. (Photo: PTH)

Sau khi nhà văn Phạm Tín An Ninh nói về hoàn cảnh truyện rất thực, rất ly kỳ, rất đượm tình người của anh quản giáo trong Ở Cuối Hai Con Đường một số câu hỏi nêu lên từ thính giả đã được anh trả lời.

Nói chuyện tiếp theo là nhà văn Phan Nhật Nam, người có tiểu sử sơ lược theo Wikipedia như sau.

Phan Nhật Nam tên thật là Phan Ngọc Khuê (9/9/1943 -) là một nhà văn Việt Nam, cựu Thiếu tá Binh chủng Nhảy dù Việt Nam Cộng hòa. Ông sinh ra tại Nại Cửu, Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Ông là một nhà văn của Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Năm 1963, ông tốt nghiệp khóa 18 Trường Võ bị Quốc gia Đà Lạt với cấp bậc Thiếu uý và được chọn vào Binh chủng Nhảy Dù. Trước biến cố 30/4/1975, ông đã mang cấp bậc Đại úy nhiệm chức của Binh chủng này. Sau 1975, ông bị bắt giam vào trại tập trung cải tạo 14 năm (1975-1989). Trong nhiều lần bị biệt giam hàng năm trời trong hầm tối, ông cũng làm ra nhiều bài thơ. Tuy sau ông được thả, nhưng lại bị quản thúc tại gia ở Lái Thiêu, Bình Dương.

Tác phẩm đầu tay của ông là cuốn Dấu Binh Lửa (1969). Tiếp theo là các tác phẩm: Dọc Đường Số Một, Ải Trần-gian (1970), Mùa Hè Đỏ Lửa (1972), Dựa Lưng Nỗi Chết (1973) và Tù Binh và Hòa Bình (1974). Những tác phẩm của ông đều lấy Chiến tranh Việt Nam làm bối cảnh. Giữa những ngày tháng tư đen năm 1975, sách của ông bị nhà cầm quyền đốt trên đường phố Sài Gòn tuy nhiên một số ít vẫn được giữ lại cho tới nay vẫn còn lưu hành tại Mỹ và một số gia đình ở Việt Nam vẫn đang giấu giếm chưa thể công khai.

Năm 1993 ông sang Mỹ định cư và cho ra mắt những tác phẩm: Những Chuyện Cần Được Kể Lại, Đường Trường Xa-xăm (1995), Đêm Tận Thất-thanhMùa Đông Giữ Lửa (1997). Năm 2002 cuốn Những Chuyện Cần Được Kể Lại được phát hành với ấn bản tiếng Anh dưới tựa The Stories Must Be Told. Năm 2017, ông được nhà văn Hữu Thỉnh mời về Việt Nam nhưng ông đã từ chối.

Tiến sĩ Đinh Xuân Quân giải thích vì sao ông tới tham dự buổi ra mắt tuyển tập song ngữ After the War của dịch giả Kim Vũ, chỉ vì sau khi đọc Chuyện ‘Công cắn’ trên Diễn Đàn Thế Kỷ, ông muốn gặp trực tiếp nhà văn Phan Nhật Nam để hỏi rằng câu chuyện đó có thực hay có phần nào hư cấu. Câu trả lời của tác giả Phan Nhật Nam là, hoàn toàn có thực 100% và chuyện kể đó có nhiều người cùng ở tù qua nhiều trại với ông, trong đó có nhà văn Phạm Phú Minh, đã cùng chứng kiến chuyện thực đó.

Nơi đây, chúng ta trích những dòng cuối Chuyện ‘Công cắn’ qua giọng văn Phan Nhật Nam, trích:

“…Nhiền xoay xoay chùm chìa khoá buồng giam tiến gần chực đánh. Gã tù với một phản ứng nhanh nhẹn bất ngờ tạt ống bương vào mặt Nhiền. Tên nầy hét lớn hốt hoảng đưa tay vuốt những mảng phân thối, dòng nước dơ. Gã tù nhảy thoắt đến viên đá chận nắp hố phân. Nó nâng lên… Đập mạnh xuống khuôn mặt lầy nhầy chất bẩn. Nhiền ngã quay quắt trên đất. Thằng Công nhảy lên ngồi trên ngực Nhiền, thọc tay vào ổ mắt. Móc ra!! Nó nuốt khối nhầy ươn ướt máu và cứt. Súng trên chòi canh nổ sắc, gọn, chính xác từng phát một. Lưng thằng Công ưỡn lên, nẩy nẩy… Trong nầy, người tù cúi gập xuống. Nôn khan.

Chuyện nghe và thấy…

Nơi Trại Thanh Cẩm, Thanh Hóa

(1986-1988)

PNN.”

Độc giả có thể nghe và xem trên video dài 10:48 phút, do Phan Nhật Nam nói về Chuyện ‘Công cắn’ trong buổi trà đàm ở Quán Cành Nam, Viện Việt Học:

https://youtu.be/oFLR2av_T8Q

.

Về Phạm Thành Châu, tác giả vắng mặt duy nhất trong buổi ra mắt tuyển tập song ngữ After the War chúng ta có thể hình dung về ông qua lời của nhà phê bình văn học Nguyễn Minh Nữu trích từ bài viết nhan đề Phạm Thành Châu, dưới cội hoa trà như sau:

Phạm Thành Châu sinh tháng 7 năm 1942 tại Hội An và sống suốt thời thanh thiếu niên ở đó. Sau đó theo học khóa 14 Đốc Sự tại trường Quốc Gia Hành Chánh, tốt nghiệp năm 1971, được bổ nhiệm làm Quận Phó Hành Chánh Quận Nam Hòa thuộc tỉnh Thừa Thiên, liên tục chuyển qua Phó Quận Quảng Điền, Phó Quận Phú Vang đều thuộc Thừa Thiên Huế. Sau 1975, ông đi cải tạo 6 năm. Nghĩa là ngoài thời thanh niên, Phạm Thành Châu có 10 năm để sống và thu thập vui buồn, hạnh phúc, xót xa, đắng cay, mật ngọt để khi định cư ở Mỹ, bình tâm và ghi nhận lại được về cuộc đời. Truyện của Phạm Thành Châu là những khắc họa mênh mang về Hội An ,về Thừa Thiên, về thời hoa bướm học trò, thời cải tạo và suy nghiệm tuổi già…

… Phạm Thành Châu định cư ở Mỹ năm 1991, và bắt đầu viết văn. Tập truyện đầu tay của anh in năm 2008 là tập Nhớ Huế. Tập truyện này đầu tiên in 1.000 bản, sau đó tái bản liên tục hai ba lần nữa vì độc giả gửi thư về đòi mua rất nhiều. Tập truyện được phát hành trực tiếp, người muốn đọc, gửi thư và tiền về tác giả, tác giả sẽ gửi sách đến người nhận, không qua một nhà sách hay hệ thống phát hành nào. Tôi quen với Phạm Thành Châu vào giai đoạn này…”

Truyện nhan đề Bí Mật Của Một Câu Kinh Phật có nội dung tóm lược như sau: nhân vật chính (bà H.) trong truyện là một phụ nữ, qua Mỹ theo diện HO, khi qua Canada thăm gia đình cậu em, mới kể chuyện và đọc một lá thư giữ kín từ nhiều năm. Thư do một cựu công an mai phục ở vùng biển Cà Mau, giả làm nông dân vùng ven biển, chận bắt người vượt biên. Bà H. kể rằng khi chồng còn trong tù cải tạo, bà mới vượt biên một mình khoảng năm 1982, đêm đó thất bại, mọi người chạy tứ tán, bà H. chạy lạc tới một căn nhà thắp đèn dầu, xin vào tá túc qua đêm để sáng hôm sau sẽ đón xe đò về Sài Gòn. Người nông dân lúc đó là người duy nhất trong căn nhà lá, nói bà H. tắm, thay áo quần bằng bộ đồ bà ba để sáng hôm sau ông sẽ chỉ đường đón xe về Sài Gòn. Và đúng là hôm sau, bà H. được người nông dân đưa ra đón xe đò về Sài Gòn bình yên. Một năm sau, bà H. nhận được một lá thư từ người nông dân tốt bụng kia, trích thư viết:

Gửi bà H (là tên tôi). Bà còn nhớ, lần vượt biển ở Cà Mau, bị bể và bà được tôi cho trọ qua đêm, hôm sau đưa ra bến xe, về thành Hồ. Tôi biết bà thắc mắc. Tôi là ai? Tại sao lại ở nơi vắng vẻ? Tôi sinh sống bằng cách nào?

Tôi cho bà rõ. Tôi là Công An, có nhiệm vụ ở đó để đón những người vượt biên bị bể chạy thoát được. Công An chúng tôi làm nhà cách nhau một vài cây số, dọc bờ biển, nơi thường có bến bãi vượt biên, có thuyền con đón ra thuyền lớn. Như vậy, khi Công An đến bắt vượt biên, người nào chạy thoát cũng chỉ quanh quẩn đâu đấy, thấy đèn là tìm đến, thế là nộp mạng cho chúng tôi. Tôi bảo rằng có vợ ở chung nhưng thật ra, vợ con tôi đều ở ngoài Bắc, tôi vào đây công tác đã được bốn năm, khi nào ổn định sẽ đưa gia đình vào thành phố, vì chẳng ai có thể ở nơi hoang vắng nầy… […]

“Tôi từng được Công An tỉnh và trung ương biểu dương nhiều lần về thành tích chận bắt người vượt biên cũng như tinh thần chí công vô tư, không tơ hào đến của cải, vật chất của người bị bắt. Nhưng không ai biết rằng, hễ người nào đem nhiều đô la, vàng ngọc, hột xoàn là tôi thủ tiêu, chôn xác trong rừng. Tôi đào sẵn những cái hố, muốn giết ai, khuya đó, tôi lận súng trong người, bảo họ đi theo tôi để tôi chỉ đường mà đi ra đường chính đón xe về. Vào rừng, tôi bắn chết, đạp xuống hố, hôm sau ra lấp đất lại. Không người nào thoát khỏi tay tôi, vì chung quanh toàn sình lầy, có bỏ chạy một quãng là ngập người dưới sình, tôi chỉ rọi đèn pin, đi tìm và bắn họ rất dễ dàng. Tôi có nói bao nhiêu người bị tôi thủ tiêu với bà cũng chỉ làm bà kinh hoàng chứ chẳng ích lợi gì. Tất cả của cải cướp được, tôi đưa cho vợ tôi đem về quê chôn giấu. Hột xoàn, đô la, vàng ngọc, châu báu… Nghĩa là vợ chồng tôi rất giàu. Vợ tôi bảo, có thể bỏ vốn lập những công ty, mua máy móc để sản xuất hàng hoá xuất khẩu hoặc mua nhà cửa ở Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh cũng không hết của. Dĩ nhiên gia đình tôi ngoài Bắc vẫn sống đạm bạc như bao nhiêu người khác, để tránh bị nghi ngờ. Tôi dự định sẽ làm thêm vài năm, kiếm một số tiền vàng nữa rồi xin ra khỏi ngành. Tính ra, tôi ở đó đã được bốn năm, cho đến cái đêm bà tìm đến nạp mạng cho tôi.

“Như mọi khi, lúc bà đi tắm, tôi rình xem bà cởi đồ (để biết của cải lận theo người) rồi lên kiểm tra xách tay của bà. Tôi thấy trong xách có nhiều vàng và đô la. Như vậy, số phận của bà đã được tôi quyết định. Bà sẽ bị tôi thủ tiêu. Trong lúc lục xét xách tay tôi thấy có một quyển kinh, khổ lớn hơn những quyển kinh khác, mà những người vượt biên khác thường đem theo. Quyển kinh lớn đó khiến tôi tò mò. Theo thông lệ, tất cả kinh Phật của những người vượt biên, tôi giữ lại, khi nào lên tỉnh, tôi tặng cho người bạn đang trụ trì một ngôi chùa lớn, gần chợ. Anh ta là Công An, đi tu là công tác, vẫn lãnh lương Công An. Tôi tặng các quyển kinh Phật cho chùa để ai đến lễ chùa mà “thỉnh” những kinh đó thì biết ngay, người đó sẽ vượt biên và chúng tôi theo dõi. Vì tò mò và vì nghiệp vụ, tôi mở quyển kinh của bà ra, để sát ngọn đèn cho dễ đọc. Tôi đọc một cách tình cờ, một câu kinh nằm ngay giữa trang kinh. Chỉ một câu thôi. Câu duy nhất đó khiến tôi lạnh toát người vì kinh sợ. Tôi sợ đến choáng váng, muốn té xỉu, đến độ ngồi chết lặng một lúc thật lâu. Tối đó, tôi không ngủ được.

Hiện nay tôi đã ra khỏi ngành Công An. Tôi đã đi tu ở một vùng núi miền Tây Nguyên, rất hẻo lánh, xa hẳn phố phường, làng xóm. Ngôi chùa nhỏ được cất bên góc núi. Rất xa, dưới chân núi, cách nơi tôi ở, thấp thoáng những nhà sàn của những người thuộc sắc tộc thiểu số. Mỗi buổi sáng, tôi lạy Phật, tụng kinh, rồi lên đồi cuốc đất, trồng khoai sắn, rau quả. Buổi tối tôi lại tụng kinh và suy ngẫm lời Phật dạy…”

.

Ba truyện kể trên – của Phan Nhật Nam, Phạm Tín An Ninh và Phạm Thành Châu – đã được chọn dịch và làm thành dịch phẩm After The War (Sau Cuộc Chiến) của Kim-Vũ đang đến tay bạn đọc khắp năm châu. Độc giả muốn tìm mua, xin email về dịch giả Kim Vũ: vumanhphat@gmail.com

Ngoài ra, xin nhắc lại, Quán Cành Nam mở cửa vào mỗi sáng Thứ Năm hàng tuần từ 9:30 đến 11:30 sáng, nơi bất kỳ ai cũng có thể bước vào uống cà phê và chi trả thì tùy hỷ, chủ yếu giúp ngân sách cho Viện Việt Học: 15355 Brookhurst Street, Suite 222 Westminster, CA 92683. Tel. (714) 775-2050.

zzzz 4 toan canh

Toàn cảnh trong buổi ra mắt sách.

Comments are closed.