Bạn tôi họa sĩ, điêu khắc NGUYỄN NAM vừa qua đời

Nguyễn Trọng Khôi

Nhận được tin thật buồn. Tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình cùng bạn bè yêu mến Nguyễn Nam. Nguyện xin hương hồn bạn ra đi thanh thoát và yên nghỉ an bình nơi cõi vĩnh hằng.

————–

Họa sĩ, điêu khắc Nguyễn Nam

Tôi và Nam học chung ở Mỹ Thuật. Cùng lớp nhưng khác thầy giáo. Tôi là học trò của nữ giáo sư họa sĩ Vũ Thị Ngà – xinh đẹp và duyên dáng. Nam học với Cô Chín cũng xinh nhưng nghiêm và trầm mặc có dáng vẻ của một (phụ nữ) quả phụ bí ẩn. Khi cô giáo tôi yêu quí tôi vì những bài vẽ tỉa tót tinh vi bằng viết chì ở các bài phỏng họa thì bên kia Cô Chín hãnh diện vì Nam ở cái mạnh bạo trong các bài phỏng họa vẽ bằng than… Nam và tôi âm thầm phục nhau nhưng ngoài mặt cứ phải phớt lờ.

Rời trường Mỹ Thuật, tôi dính líu đến vẽ cho các báo và in ấn xuất bản. Nam vẽ cho các nhà sản xuất mỹ nghệ. Nam trở thành nổi tiếng trong giới thương mại khi vẽ mặt các cô gái poupée bằng lụa cho sản phẩm poupée Nhật đắt tiền. Không một ai có thể vẽ như Nam. Đã có rất nhiều người đến xin thử việc nhưng đều không đạt tiêu chuẩn…

Lúc ấy nhà sản xuất và cung cấp thị trường rất đình đám của Sài Gòn là nhà Bạch Tuyết sừng sỏ, xem Nam như “cục cưng” của họ. Nhà Nam nghèo và chật chội. Họ yêu cầu Nam đến nhà họ ở và vẽ khỏi phải di chuyển. Nam đến ở đó một thời gian. Ít lâu sau lại dọn về ở nhà vốn là một phòng dưới basement của trường Nông Lâm Súc mà trường cho gia đình trú ngụ, rời khỏi nhà Bạch Tuyết chỉ vì cô con gái bà Bạch Tuyết yêu Nam. Nam sợ hay mặc cảm? Tôi nghĩ là cả hai. Từ đó bà đại gia Bạch Tuyết dù không muốn vẫn phải khom lưng xuống basement vào nhà Nam khi đặt hàng.

Cái mặc cảm nó theo Nam có lẽ suốt đời không thoát ra được. Nó kéo trì trệ Nam ngay cả trong ngành nghề. Lúc ấy tôi hay đến chơi với Nam, cha mẹ Nam rất quý tôi xem như con. Tôi hay ở lại nhà Nam. Nhà chật chội chúng tôi phải ngủ chung với nhau trên một chiếc giường một người. Hai cái lưng trần giáp vào nhau nhẫy mồ hôi những đêm hè. Tôi hay nói với Nam là chúng tôi có nhiều đức tính giống nhau vì đã trộn mồ hôi vào nhau.

Sau này Nam lập gia đình với một nữ họa sĩ vẽ lụa, xinh đẹp và hiền lành. Cuộc sống hạnh phúc yên vui. Nhưng người phụ nữ ấy lại qua đời sớm. Con cái Nam rất yêu bố nhưng vẫn không thắng được số phận.

Sự nghèo khó nó bám lấy Nam có khi tại Nam không muốn rời nó. Đã có nhiều cơ hội cho Nam thoát ra nhưng vì cái mặc cảm nó hình thành những suy nghĩ trái chiều khiến cho Nam trở nên một người bất tương nhượng, một người sinh nghi mọi điều. Mọi bạn bè đều thương Nam nhưng luôn phải dè dặt. Có một lần trong cuộc trò chuyện, họa sĩ Trịnh Cung nói một câu mà tôi thấy thật đúng: “Nam nó luôn tạo cơ hội cho người ta lấn áp. Hai người đi song song, người ta bước tới thì nó lùi”.

Nam đọc sách nhiều, nhất là những sách về hội họa, luôn trau dồi kiến thức nhưng lại không áp dụng được cho chính bản thân.

Lần nào về quê, người đầu tiên tôi nhắn tìm luôn là Nam và, trong suốt thời gian tôi ở Việt Nam, Nam thường xuyên thu xếp thời gian đến với tôi. Chỉ có lần cuối tôi không ở Sài Gòn thế là vuột mất bạn. Thế là chúng ta mất dấu nhau để hôm nay phải gào lên vĩnh biệt.

Vĩnh biệt một người bạn thân mà tôi rất yêu mến. Vĩnh biệt một số phận bị cuộc đời thách đố rồi tìm cách dìm đi trong lãng quên.

Bạn hãy thanh thản xem như thoát kiếp nạn và cũng không cần cười mỉa mai nữa.

Vĩnh Biệt.

clip_image001

clip_image003

clip_image004

clip_image006

Tác phẩm điêu khắc của Nguyễn Nam

clip_image008

Nam trong triển lãm của tôi ở Sài Gòn

clip_image010

Nguyễn Nam, Nguyễn Trọng Khôi, họa sĩ Nguyễn Văn Trung, họa sĩ Trịnh Thanh Tùng

clip_image012

Nguyễn Trọng Khôi, Trịnh Cung, Nguyễn Nam, Nguyễn Viện tại Highland Coffee Sài Gòn

Nguồn: FB Nguyễn Trọng Khôi

Comments are closed.