Thầy Phạm Vĩnh Cư

Tạ Duy Anh

clip_image001

Tôi xin thưa trước rằng đây không phải là một bản tham luận mang tính học thuật, về những thành tựu nghiên cứu, cũng như trước thuật của thầy Phạm Vĩnh Cư. Tôi không đủ kiến văn, sự từng trải, sự tự tin và một thái độ lạnh lùng cần thiết để làm điều đó. Đây cũng không phải là một phác thảo chân dung người mà tôi luôn cảm thấy mình còn lâu mới hiểu hết, còn lâu mới lượng định hết tầm vóc nhân cách và học vấn. Đơn giản với tôi, đây là những lời tri ân một người thầy lớn, có ảnh hưởng quan trọng và lâu dài đến sự nghiệp cầm bút, cũng như những thay đổi về nhận thức thế giới của tôi, một kẻ tận năm 30 tuổi mới được cầm trên tay những cuốn sách mà mình cần.

Tôi nhớ lần đầu tiên về trường viết văn Nguyễn Du, sau khi nộp thủ tục xong, Nguyễn Lương Ngọc và tôi được đưa sang phòng một người có khuôn mặt nghiêm nghị, mũi thẳng, tóc muối tiêu. Khi nghe anh Trần Niêm, cán bộ giáo vụ, giới thiệu chúng tôi, ông quay ra nói bằng thứ giọng hơi lắp bắp bày tỏ thiện ý được đón chúng tôi vào học. Ông nhìn chúng tôi chăm chăm, có lẽ vì cả hai đứa đều quá khắc khổ, từ vẻ mặt cho đến trang phục bảo hộ. Chúng tôi chả có chuyện gì để nói và hình như ông cũng đang bận, nên sau một lát thì chúng tôi xin phép đứng dậy. Khi quay ra, anh Trần Niêm bảo chúng tôi rằng đó là một trong vài người mà chúng tôi hoàn toàn có thể đặt niềm tin. Tên ông là Phạm Vĩnh Cư. Tôi nghe vậy nhưng thực sự không nhập tâm bất cứ điều gì.

Về học, cả thời gian dài chúng tôi vẫn không có ấn tượng gì với thầy Phạm Vĩnh Cư. Một mặt do vị trí công tác, mặt khác thầy Cư có vẻ hợp với văn hoá sa-lông hơn. Khi truyện ngắn Bước qua lời nguyền của tôi trở thành một sự kiện văn chương trên báo chí, thầy Cư hầu như không biểu lộ thái độ gì rõ ràng. Sau đó tôi in một loạt truyện ngắn khác, Thầy cũng lặng lẽ theo dõi mà không phát biểu ý kiến. Vài học sinh các khoá trước luôn nói về Thầy bằng vẻ thán phục và bảo chưa đến ngày chúng tôi học thật sự, chừng nào thầy Cư còn chưa lên lớp! Điều đó gây cho một số đứa chúng tôi sự tò mò. Vì thế tôi bắt đầu quan sát thầy Phạm Vĩnh Cư. Nhưng tôi chưa tìm thấy điều gì khác thường từ vẻ kín đáo của Thầy, ngoài phát hiện Thầy rất thông thạo tiếng Nga, thậm chí có người còn cho rằng thầy Cư nói tiếng Nga lưu loát hơn tiếng Việt? Trong một lần hiếm hoi, sau khi đọc truyện ngắn Hoá kiếp của tôi trên báo Văn nghệ, thầy Cư bảo tôi rằng, chắc chắn là tôi sẽ còn tiến xa và hỏi: “Em đang có dự định sáng tác gì?” Trước đó tôi âm thầm nuôi quyết tâm bắt đầu lại cuốn tiểu thuyết viết về dòng họ bị bỏ dở từ khi ở Hoà Bình với cái tên mới tôi định đặt là: Lão Khổ liệt truyện. Tôi đã khoe cái tên đó với vài người và họ đều khen tên đó rất lạ mặc dù có hơi hướng Tàu. Nhưng khi trả lời thầy Cư thì không hiểu sao tôi lại đáp: “Em đang viết tiểu thuyết Lão Khổ”. Thầy Cư đầy phấn khích bảo: “Lão Khổ, tên súc tích nhỉ, được đấy”. Thế là cái tên Lão Khổ nghiễm nhiên trở thành tên chính thức của cuốn tiểu thuyết.

Tôi bắt đầu qua lại nhà thầy Phạm Vĩnh Cư ở khu tập thể số 25 Tràng Tiền. Thầy có một phòng làm việc, vốn cơi nới từ gian xép, ở tầng ba. Tuy chẳng tiện nghi gì nhưng hồi ấy cũng là lý tưởng. Tại đó Thầy cho tôi nghe nhạc cổ điển và nói về thân thế của một vài nhạc sỹ cũng như nghệ sỹ chơi piano vào loại hàng đầu của thế giới. Đối với tôi, kể cả việc nghe nhạc, đến những điều thầy Cư nói, đều vô cùng mới mẻ. Sau đó, theo đà hứng khởi của câu chuyện, thường khởi nguồn từ rượu và âm nhạc, thầy Cư dần dần cho tôi thấy cả một thế giới kiến thức mênh mông, từ cổ chí kim, từ văn học sang triết học, sang tôn giáo, từ hội hoạ sang kiến trúc, âm nhạc. Nó bao gồm châu Âu, đặc biệt là Nga, đến Nhật Bản, Ấn Độ, Do Thái… Tôi có cảm giác Thầy là một cuốn đại từ điển về kiến thức Bách khoa mà tôi có thể tìm bất cứ điều gì mình cần.

Mà toàn là những kiến thức hàng đầu, cực kỳ bài bản, hệ thống.

Do không bị mục tiêu vụ lợi và nham hiểm của chính trị bóp méo và đánh tráo nên chúng, những kiến thức ấy của thầy Cư mang thuần tinh thần khoa học. Tôi đâm ra xấu hổ bởi những gì mình vẫn đinh ninh về văn học Nga (khi đó tôi gộp chung vào thành văn học Liên-xô) cũng như một vài tác phẩm nổi tiếng khác của văn học thế giới. Những thứ mà tôi cứ nghĩ nó là kiệt tác, thì hoá ra chỉ là hạng bình dân trong thang bảng xếp hạng của thầy Phạm Vĩnh Cư (sau này có chút trưởng thành, hoàn toàn độc lập trong đánh giá bất cứ tác phẩm nào, tôi hầu hết nhất trí với thầy Cư). Thậm chí nhiều tác phẩm (cả trong và ngoài nước) được báo chí và nhiều nhà phê bình chính thống tung hô lên mây xanh, thì tôi được Thầy khuyến cáo là không đáng để phải mất thời gian. Rồi thì tôi cũng biết không chỉ tôi, mà nhiều học viên khác cũng cảm thấy mình được khai mở khi tiếp xúc với thầy Cư.

Đặc tính khai mở là thứ bao trùm lên những bài giảng rất thiếu hấp dẫn với số đông, của thầy Phạm Vĩnh Cư, nhưng lại giống như một kho báu toàn châu ngọc với những người như tôi. Tôi cũng phát hiện ra lý do tại sao trong giới học thuật và trên văn đàn, thầy Cư luôn ít được biết đến. Thứ nhất Thầy không phải là típ người thích tạo dư luận. Thầy không tìm cách làm điều đó. Thứ nữa, Thầy quá khắt khe về thẩm mỹ, quá kỹ tính trong thẩm định và đặt cho nghệ thuật tiêu chuẩn quá cao, những thứ không bao giờ thuộc về đám đông. Sau này nghe những bài giảng của Thầy, tôi tìm thêm nguyên nhân thứ ba: quả thực Thầy có đủ lý do để không quan tâm đến nhiều thứ vẫn nổi đình nổi đám mà thực chất chỉ là những thứ phù phiếm, nổi lềnh bềnh trên bề mặt.

Tôi gắn bó hơn với thầy Cư sau khi Thầy cho tôi những khích lệ và cả những phê phán cay nghiệt bản thảo đầu tiên của tiểu thuyết Lão Khổ. Những gì thầy Hoàng Ngọc Hiến góp ý với tôi, rất quan trọng về mặt nghệ thuật trần thuật và mô tả, tức là cái giọng điệu cần phải thay đổi của cuốn sách. Còn những thứ thầy Cư góp ý, lại liên quan đến vấn đề triết học, triết lý, tư tưởng, sự thăm thẳm của cái tuyệt đối và chiều sâu thẩm mỹ. Với Thầy, nếu cứ như bản thảo hiện tại, Lão Khổ còn nhiều vấn đề phải xem lại, đặc biệt phải kỳ công hơn rất nhiều. Thầy dùng hình ảnh “Cú chộp của sư tử” để ngụ ý rằng, phải tạo ra một cái gì đủ sức giáng một đòn mạnh vào tội lỗi. Thầy đặc biệt khen tôi ở khía cạnh phát hiện ra tội ác trong ý nghĩ, thể hiện ở những lời nguyền. Bởi vì hãy giả định mọi lời nguyền đều ứng nghiệm, linh nghiệm, thì kẻ giết người kinh khủng nhất là giết bằng ý nghĩ độc ác. Mà những kẻ như vậy thì nhiều nhan nhản. Nhưng cái chương tiểu thuyết “xương sống” thể hiện điều đó, cũng là chương bí ẩn nhất, mang tầm triết học cao nhất, thì – theo như lời Thầy – có bóng dáng của sự suy đồi?

Tôi nhớ là mình đã toát mồ hôi khi nghe Thầy nhận xét như vậy. Khi đó tôi hiểu hai chữ suy đồi nặng về khía cạnh đạo đức, mà không hiểu theo nghĩa triết học của nó là phản nhân văn, chống lại sự tiến bộ, chống lại sự sống. Cụ thể là nó, cái chương đó, vô tình đề cao sự huỷ hoại. Sự thực thì tôi không chủ ý làm điều này. Chỉ là do tôi không kiểm soát được về mặt văn hoá. Tôi quá mải mê chạy theo mô tả pháp thuật, bị lôi kéo bởi nhu cầu làm kì bí hoá một khía cạnh tâm linh mà quên không đặt những hành vi mang dấu ấn tội ác rõ ràng trước sự trừng phạt tất yếu! Người bình thường sẽ không thể nhận ra, thậm chí còn khoái trá với những việc nhân vật hành động trái ý Tạo hoá, cũng tức là phản đạo đức. Nếu cứ như vậy mà không bị phản biện, tôi sẽ phạm vào điều nguy hiểm là cổ vũ tội ác.

Lại một lần nữa thầy Cư gián tiếp khai mở cho tôi. Trong quá trình viết lại cuốn tiểu thuyết, tự tôi cũng thấy trưởng thành lên rất nhiều về thẩm mỹ cũng như triết lý nhân sinh. Và những gì mà bạn đọc biết được ở chương nói về nhân vật pháp sư trong Lão Khổ, là tôi đã gần như lật ngược lại ý ban đầu sau khi có ý kiến của thầy Cư.

Lần đầu tiên những người như tôi được nhập môn về tư duy tiểu thuyết, tư duy nhìn cuộc sống, nhìn lịch sử bằng nhiều chiều, nhiều điểm, nhu cầu phải giải thiêng thần tượng, đề cao tính đối thoại, tính đa âm, đa thanh của văn văn học (để phân biệt với tư duy sử thi vốn chỉ có một điểm nhìn, đã trở nên lỗi thời bởi tính phiến diện, toàn trị của nó), qua tác phẩm của nhà lý luận văn học lỗi lạc người Nga Bakhtin mà thầy Phạm Vĩnh Cư dày công chuyển ngữ và phổ biến.

Nhân nói về Bakhtin, tôi không thể không nhắc đến một trong những bài giảng tuyệt hay của thầy Phạm Vĩnh Cư về Rabelais. Theo thầy, chính nhà bác học Nga đã “tìm lại” cho nước Pháp một nhà văn lỗi lạc không chỉ của nước Pháp. Tiếng cười trào tiếu dân gian trong tác phẩm của Rabelais mang tầm vóc của sự thanh tẩy thời đại, thực hiện sứ mệnh tống cựu nghinh tân, phá tan những tù ngục đạo đức, lột truồng sự dối trá vây bọc con người và chính tiếng cười đó đã góp phần tạo ra một thứ ánh sáng mới.

Càng gắn bó với Thầy, ngoài học kiến thức, tôi còn tiếp nhận ở thầy Cư một thứ cực kỳ quan trọng cho người cầm bút, nhất là trong bối cảnh của xã hội ta, đó là tinh thần tự do nghệ sỹ. Thầy khẳng định nhiều lần qua những bài giảng, là không có tự do thì không thể có sáng tạo thật sự. Tự do là thứ Thượng đế ban cho (cũng có thể là gánh nặng mà Ngài chất lên vai) con người. Con người biết đến đau khổ từ khi nó được ban cho quà tặng đó, một gánh nặng luôn quá sức với nó. Nó thậm chí, nếu có thể, khước từ là cách hay ho nhất cho nó. Nhưng thiếu tự do thì con người sẽ chỉ là cỗ máy được lập trình và không xứng đáng để Chúa trời phải cứu chuộc bằng sự hy sinh đau đớn như vậy. Tại sao Chúa không dùng quyền năng để con người khiếp sợ mà răm rắp làm theo lời ngài, một việc có lẽ là đơn giản nhất? Bởi vì Ngài biết rằng Ngài tạo ra con người cùng với tự do. Ngài không thể tước ở con của Ngài thứ quà tặng đó, thứ mà thiếu nó thì công cuộc tạo lập của Ngài không hoàn hảo, thậm chí vô nghĩa. Tự do, ở thời kỳ con người ý thức nó có cái quyền ấy, luôn gây ra những hậu quả trái ngược. Một mặt nó biết nó là Con Người với nhân phẩm cao quý phải được tôn trọng, nó có quyền sáng tạo nên những giá trị thuộc về cái đẹp, nó có quyền lựa chọn đau khổ hay hạnh phúc. Nhưng mặt khác, nó cũng có thể tự do lựa chọn hoặc cái thiện, hoặc cái ác. Trong trường hợp nó lựa chọn cái ác thì Tự do quả là kinh khủng. Vì thế con người không có cách nào khác là phải hướng về Đấng Toàn Năng, có thể hiểu là nơi chứa đựng Cái Tuyệt Đối chuẩn mực.

clip_image003

Có một chuyện khá thú vị liên quan đến hiểu biết của tôi về tinh thần Ki-tô giáo. Đó là khi tiểu thuyết Thiên thần sám hối của tôi ra đời, tôi được các linh mục phụ trách truyền thông của Chủng viện Hà Nội mời vào nói chuyện trước khoảng 200 chủng sinh mà nhiều người đã theo học 6-7 năm. Mở đầu tôi nói với họ như sau:

-Chào những người anh em! Tôi biết các anh em là những người hạnh phúc. Còn tôi, hạnh phúc nhất là hôm nay được Chúa chỉ đường cho đến đây, đến với những đứa con ngoan nhất của Ngài. Bởi vì, từ khi sinh ra, tôi được chuẩn bị, được lập trình để thẳng một lèo thành quỷ sứ. Những gì người ta giáo dục cho tôi, cũng là để làm quỷ chứ không phải để làm người. Thế mà lại có lúc con đường bỗng mở ra dẫn tôi đến với các anh em. Chả đáng là một chứng nhận về sự có thật của Chúa sao?

Những chủng sinh nghe thế thì háo hức lắm. Họ không hề khách khí hỏi tôi nhiều câu khá hóc búa, chủ yếu xoay quanh nội dung: “Tôi không phải là tín đồ Thiên Chúa giáo, mà sao lại có những suy nghĩ hướng về Thiên Chúa rõ ràng và tha thiết như vậy, y như một con chiên toàn tòng?”. Tôi trả lời là chính tôi cũng không biết. Nhưng Chúa cũng đã thương tình phái đến một người dẫn tôi vào con đường của Ngài, đó là thầy Phạm Vĩnh Cư.

Những chủng sinh hôm ấy hẳn rất tò mò muốn biết thầy Cư là ai. Tôi đã định kết nối để Thầy và họ gặp nhau, nhưng rồi vì nhiều chuyện ngoài ý muốn, mà điều đó không thực hiện được.

Mặc dù không nhận mình là người theo đạo Chúa, nhưng những gì thầy Cư rao giảng giống như một tín đồ Thiên chúa giáo toàn tòng nhiệt tâm thực hiện sứ mệnh tông đồ. Và tôi đã dần dần hiểu ra tinh thần nhân văn Ki-tô giáo qua những bài giảng của Thầy. Bởi vì cho đến lúc ấy tôi chưa hề đọc Kinh Thánh, chưa tiếp xúc với bất cứ vị linh mục nào để nghe họ nói về giáo thuyết Ki-tô.

Tôi đã đọc Othello từ trước khi về trường Viết văn. Nhưng tôi chỉ thực sự cảm nhận được tầm cỡ lớn lao về triết học của nó qua bài giảng của thầy Phạm Vĩnh Cư về Othello, nhân khi Thầy nói về tư tưởng nhân văn của văn hoá Phục Hưng. Nhân vật khó giải mã hành động nhất là Iago. Iago từ đầu chí cuối chỉ thể hiện sự độc ác mà không vì bất cứ nguyên nhân thù hận hay áp lực xã hội nào. Không ai đẩy nó đến chỗ phải thủ ác. Nó cũng không làm ác vì vô đạo đức. Vậy cái ác mà nó thể hiện có nguyên nhân từ đâu? Đây là câu trả lời của thầy Cư: “Nó làm ác để thể hiện bản ngã tự do theo kiểu của nó”.

Có lẽ chưa ai giảng với chúng tôi như thế về Othello. Theo thầy Cư, Othello ra đời khi thế giới đang ngỡ ngàng ở thời đại Phục Hưng và Shakespeare, với thiên tài của mình, đã thấy trước cái ác không thể thủ tiêu được nếu chỉ bằng năng lực và lý trí hạn chế của con người. Bởi vì nó cũng là một biểu hiện, đúng hơn, một sản phẩm của tự do. Nếu tiêu diệt nó bằng bạo lực, thì tất yếu lại sinh ra cái ác dưới dạng khác, bởi vì không thể tước đoạt tự do ở con người. Vì thế nhân loại phải ý thức nghiêm túc về tính không hoàn hảo của mình để tìm cách hạn chế cái ác. Và cách hữu hiệu nhất, cho đến nay, vẫn là thông qua tôn giáo. Sự cao ngạo là bạn đồng hành lâu năm nhất của cái ác. Sự cao ngạo triết học còn nguy hiểm hơn, mà cũng thầy Cư đã chỉ cho chúng tôi thấy dẫn chứng sống động ở nhân vật Ivan Karamazov của Dostoevski.

Có thể nói, tự do là nhận thức vất vả nhất của con người, là thứ tạo ra nhiều mâu thuẫn nhất trong suy nghĩ và hành động, trong khát vọng và nỗi lo âu về hậu quả xã hội. Bản thân tôi trước khi về trường viết văn, cũng thuộc số chưa thật sự hiểu tự do là gì, phải làm thế nào để có thể sống bằng tự do mà không vi phạm đạo đức. Tại sao con người không thể sống thiếu tự do, mặc dù tự do là nguyên nhân gây ra đau khổ cho họ suốt bao nhiêu thế kỷ? Và nói cho cùng thì mọi học thuyết xã hội đều nhằm giải quyết mối quan hệ giữa tự do và trật tự, giữa tự do và tội ác, giữa tự do và hạnh phúc, giữa việc có quyền làm và được phép làm. Đâu là giới hạn mà tự do cần phải dừng lại không phải theo cách cưỡng bức? Tôi có lúc đã rơi vào tình trạng hỗn loạn về nhận thức. Tôi không lần ra được manh mối để thoả mãn giữa bản chất của tự do là không thể bị ngăn cản và giới hạn trong hành động (nghĩa là một phần tự do bị tước đoạt) với điều con người không được phép vượt qua? Chỉ khi nghe những bài giảng của thầy Cư, tôi mới dần vỡ lẽ ra nhiều điều về phạm trù có biên độ dao động trong nhận thức lớn nhất này.

Sau này, toàn bộ nhận thức về tự do qua những bài giảng của thầy Cư, được tôi tóm tắt trong một câu: “Mỗi người hoàn toàn có thể tự cho mình tự do”. Điều này nghe thì đơn giản, nhưng nó lại là cơ sở để làm sáng tỏ nhiều điều khác. Chẳng hạn, nếu anh tin như vậy và thực tế là như vậy, thì anh không có quyền bào chữa cho những hành vi hèn nhát như viết sai sự thật, làm méo mó hiện thực, tố oan những người thân trong Cải cách ruộng đất. Không ai có thể bắt và không ai đủ sức bắt anh phải làm như vậy, nếu anh không muốn. Vì thế mọi biện hộ bằng lý do thời cuộc, mà các nhà văn, các trí thức đưa ra để thanh minh cho mình phải làm những điều trái lẽ, đều không được chấp nhận. Từ đây có thể suy ngược lại giá trị vĩ đại của tự do, là nó cho con người thật sự sống với nhân phẩm, đề cao nhân phẩm và để họ vĩnh viễn không phải là những công cụ biết nói. Để họ thực sự là Con Người.

Thầy Cư còn gắn bó với chúng tôi qua chuyên đề khá dài về văn hào Nga Dostoevski. Nhưng để tiếp cận những giá trị tư tưởng, giá trị thẩm mỹ của Dostoevski thầy Cư đã dẫn chúng tôi ngược trở lại với thời kỳ văn minh Hy Lạp-La Mã, xuyên qua trung cổ đến với Phục Hưng, vòng quanh châu Âu, sang châu Mỹ về Nhật Bản, ghé chút ít qua Trung Quốc để tạo một bối cảnh rộng lớn. Tôi bị thuyết phục bởi lý giải của thầy vì sao Dân chủ Athens sụp đổ và thay bằng thời kỳ đế chế La Mã dài. Chúng tôi được làm quen và hiểu khái niệm Đức tin trong Ki-tô giáo. Vì sao con người cần có Đức tin? Vì sao có tội ác và đau khổ. Vì sao con người chọn tự do hơn là hạnh phúc? Những câu hỏi lớn ấy, những vấn đề to tát ấy của lịch sử triết học và tôn giáo thế giới, đồng thời luôn khắc khoải trong những nỗ lực xây dựng một xã hội tốt đẹp của nhiều triết gia, đều được Thầy tìm cách làm cho dễ hiểu nhất, rõ ràng nhất, khả dĩ chúng tôi có thể nắm bắt được phần cốt lõi của nó.

Nhưng quan trọng hơn hết là thầy Cư đã truyền cho chúng tôi (có thể là một số thôi) khát vọng về Tự do, về vẻ đẹp, về chân lý, cung cấp cho chúng tôi nhiều điểm tựa để từ đó phóng chiếu nhiều soi rọi vào những vấn đề thường khó lý giải như Tổ quốc, Dân tộc, đảng phái, số phận con người, chiến tranh, chế độ dân chủ…

Và tôi lại muốn nhắc đến hai chữ Khai mở để nói về vai trò của thầy Phạm Vĩnh Cư đối với cá nhân tôi. Trước và sau khi gặp Thầy, với tôi là hai thế giới – thông qua nhận thức – hoàn toàn khác. Tôi đã tìm cho mình được thứ cần thiết nhất cho một đời cầm bút, là điểm tựa tư tưởng và thẩm mỹ. Khi chưa có điểm tựa này, anh chỉ là người tự do theo kiểu vô hướng, tức là thụ động, cũng tức là chưa thật sự có tự do. Từ đó về sau, tôi hoàn toàn tự do trên cái điểm tựa của mình, tự do đúng nghĩa, tức là thoải mái hành động trong niềm tin rằng mình đang hành hương đến chủ đích, trong giới hạn đạo đức mà mình hoàn toàn làm chủ.

Suy cho cùng thì trong mọi lĩnh vực đời sống cũng thế. Khi anh hành động tự do theo kiểu chuyển động Brown, anh chỉ là người tạo ra ảo tưởng về tự do và trên thực tế anh đang làm mất giá trị thực sự của tự do. Bởi vì trước sau anh cũng bị kẻ khác, nhân danh tự do của họ, hoặc của cộng đồng tước đoạt mất. Tự do phải là thứ tự do lựa chọn, tự do hướng tới. Khi anh không có gì để lựa chọn, không có gì để hướng tới, khi trước mắt anh là vô cùng, không xác định, thì anh đang tự do làm mất đi chính giá trị của mình.

Tôi còn rất nhiều điều để nói về thầy Phạm Vĩnh Cư. Chẳng hạn Thầy là người đầu tiên nói với chúng tôi về hiện tượng TƯ HỮU (CẤP) NHÀ NƯỚC*, như một biến thái của chế độ sở hữu tập thể, chắc chắn sẽ diễn ra. Và những gì thảm khốc mà chúng ta đang được chứng kiến đã cho thấy khả năng tiên tri của Thầy.

Nhưng tôi biết, dù mình có nói bao nhiêu đi nữa về Thầy, cũng không thể nào nói hết những gì Thầy cho tôi, cho một số bạn bè đồng nghiệp của tôi. Nhân thầy bước sang tuổi tám mươi, tôi xin chúc Thầy mạnh khỏe và tiếp tục là hướng đạo viên nhiệt thành cho những ai đang cầm bút nuôi trong mình khát vọng lớn về Tự Do, Vẻ Đẹp và tình yêu Con Người.

‐-‐—————

* “Tư hữu Nhà nước” (hoàn toàn khác với “Nhà nước tư hữu”, hay “Nhà nước tư bản”) là cụm từ tôi được nghe lần đầu từ thầy Phạm Vĩnh Cư, trong đó Nhà nước công hữu bị một nhóm nhỏ người có quyền lực (chính trị và kinh tế, gọi chung là nhóm cá mập) lợi dụng như một công cụ đàn áp khổng lồ để dễ bề tước đoạt của số đông làm của riêng, một cách hợp pháp.

clip_image005Từ trái sang: tác giả, nhà thơ Dương Thuấn, thầy Phạm Vĩnh Cư và anh Phạm Hậu.

clip_image007

Từ trái sang: Thầy Phạm Vĩnh Cư, tác giả, nhà thơ Ngân Hoa, nhà thơ Trần Quang Hải.

Nguồn: FB Tạ Duy Anh 12.

Comments are closed.