Văn hóa và Phát triển (kỳ 3)

Đặng Văn Dũng

(Bài 4) BÀN VỀ CHỮ “DÂN” VÀ KHÁI NIỆM “DÂN”

Tôi đoán là đọc tiêu đề này lập tức có bạn nói: – dân là dân thôi, là nhân dân, có gì phải bàn?!

Vị nào có thời gian hoặc thích tọc mạch chuyện đời cho đến gốc đến rễ xin mời cùng Alex [tức tác giả ĐVD] khảo sát khái niệm “dân” và chữ “dân”.

Có sự khác nhau căn bản trong cách hiểu chữ “dân” giữa phương Đông và phương Tây.

Ở phương tây, những chữ như people, pueblo… vốn trước đây được hiểu theo nghĩa “người ta”, “những người khác”, “đám đông” chỉ về sau này mới được hiểu theo nghĩa “quần chúng”, “nhân dân”. Đây thực sự không phải là chữ “dân” mà Alex muốn đề cập.

Chữ “dân” và cùng với khái niệm “người dân”, với đầy đủ nội hàm pháp lý của nó là chữ “citizen” (ciudadano) và với tiếng Việt được dịch là “công dân”.

Citizen vốn có nghĩa là một người sống trong một thành bang độc lập, được hưởng đầy đủ các quyền chính trị, xã hội mà mọi người dân khác của thành bang được hưởng, kể cả so với những người đứng đầu thành bang. Vì thế mà hoàng đế Rome chỉ dám nhận mình là “the first citizen” (công dân thứ nhất) chứ không phải là “ông con trời”(thiên tử) thiêng liêng, mọi lời nói là chân lý như các hoàng đế phương đông. Khái niệm thành bang sau này được mở rộng ra một nước nhưng khái niệm citizen vẫn không thay đổi. Như vậy, citizen là người dân tự do, có quyền tham gia và chi phối mọi hoạt động chính trị, xã hội nơi anh ta sống thông qua việc thể hiện chính kiến của mình bằng biểu quyết (giơ tay, giơ nắm đấm, bỏ viên sỏi đen hoặc trắng, bỏ phiếu bầu…). NGƯỜI CÔNG DÂN ĐƯỢC LÀM TẤT CẢ NHỮNG GÌ MÀ PHÁP LUẬT, TỨC LÀ CÁC THOẢ THUẬN CHUNG, KHÔNG CẤM! Vì vậy, khái niệm dân của thành bang mới trở thành khái niệm công dân ngày nay.

Trong một thành bang, ngoài các citizen còn có dân ngụ cư người nước ngoài, nô lệ cướp hoặc mua từ nơi khác về. Những người này không được tính là citizen, không được tính là dân. Họ chả là gì cả, phải chịu các kiểu áp đặt và không ai bảo vệ họ. Nền văn hoá phương tây cổ đại tàn bạo không coi họ là người, người Rome cho phép giết nô lệ nếu không nghe lời chủ. Ở thành Atenna đến thời Solon thì những người ngụ cư mới có thể mua quyền công dân và cho đến khi đế quốc Rome suy tàn thì người nước ngoài mới có thể có quyền công dân Rome nếu phục vụ cho Rome.

Tóm lại, văn hoá phương tây chỉ để ý đến “dân”, không để ý đến nô lệ. Nô lệ muốn thành dân thì phải chiến đấu, "tự do hay là chết", thì mới đáng được nhìn nhận, còn cam phận làm nô lệ thì thôi!

Người Nhật bản tuy ở phương Đông nhưng lại có hiểu biết và chủ động “Âu hoá” nên cũng có nhận thức đầy đủ về khái niệm dân. Khi tướng McArthur có thái độ thiếu lễ phép, đặc phái viên của Nhật Hoàng đã quát lên:

– Chúng tôi là những người thua trận chứ không phải nô lệ của các anh!

và ông tướng Mỹ đã phải xin lỗi.

Vậy phương Đông quan niệm về “dân” thế nào?!

Chữ “dân” trong chữ Hán vốn xuất phát điểm là chữ tượng hình, vẽ cái mắt có con dao đâm vào.

Tại sao lại như vậy?!

Vì đây là hình vẽ thể hiện khái niệm nô lệ; vốn là tù binh hay dân chúng một bộ tộc bị bắt, bị chọc mù đi một mắt để họ phải làm thân phận nô lệ, bị sai khiến. Mất một mắt thì ít có khả năng chống lại được chủ nô.

Như vậy khái niệm “dân” ở phương Đông có nghĩa là nô lệ. Hơn nữa, lại là nô lệ bị khinh ghét, đề phòng vì thế chữ “manh” trong từ “lưu manh” mới có chữ “ngôn” (nói, biểu thị ý chỉ) đứng cạnh chữ “dân” (biểu thị nghĩa).

Từ khái niệm “dân – nô lệ” này mới trở thành khái niệm dân ở phương Đông ngày nay. Chung quy, phương Đông vẫn chưa thoát hoàn toàn khỏi khái niệm “dân – nô lệ – đối tượng bị cai trị”, phải chấp hành mọi luật lệ, quy định, giấy phép từ trên ban xuống; CHỈ ĐƯỢC LÀM NHỮNG GÌ ĐƯỢC TRÊN CHO PHÉP! Đã là dân là phải phục tùng. Cũng vì vậy, mà còn có thêm các kiểu khái niệm rất xúc phạm như “thảo dân”(dân ngoan), “tiện dân”(dân hèn) “điêu dân”( dân láo)…

Vậy nên, người phương Đông (TQ, VN) không tài nào hiểu nổi cuộc nổi dậy của các quý tộc Anh để bắt vua John phải ký vào hiến chương, quy định:

– Nhà cầm quyền chỉ được ban hành thuế khi có sự đồng ý của những người đóng thuế (vì tiền là tài sản của tôi).

Người TQ, VN lại càng không hiểu ý nghĩa của cuốn “hương ước” ngắn tẹo mà những người đến Mỹ trên tàu Mayflower đã thảo ra:

– Những người cai trị phải phục tùng ý chí của những người bị cai trị!

(Việt Nam cũng có hàng ngàn hương ước nhưng bản thân tôi không nhớ được cuốn nào cả vì các hương ước này không chứa đựng một tư tưởng lớn nào cả)

Vậy nên, phương đông(TQ, VN) chỉ có thể dân chủ hoá khi người dân rũ bỏ được tâm thế của nô lệ, của những kẻ bị chà đạp để bước vào xã hội công dân.

VĨ THANH

Trong di sản văn hoá của VN có một chút may mắn là không bị Hán hoá hoàn toàn. Khái niệm “xã dân” trong làng xã VN chưa bao giờ là khái niệm nô lệ. Họ là người tự do với đầy đủ quyền hành trong phạm vi thôn xóm của họ. Đối lập với họ là những người “dân ngụ cư” ( người nơi khác di cư đến ở nhờ) và mõ (nô lệ) không có chút quyền hành nào trong thôn xóm cả, không được chia ruộng, không được bàn việc làng, không được lên đình… Cho nên xã hội truyền thống Việt Nam hơi khác xã hội truyền thống Trung Quốc là nhờ ở anh “xã dân” này. Thế nên, ở Trung Quốc, nhà Thanh ra lệnh cho người Hán phải thay đổi y phục, cạo đầu, cắt tóc theo kiểu người Mãn là cả nước 150 triệu người răm rắp làm theo. Trong khi, ở Việt Nam, vua Minh Mạng (1820 – 1841) ra lệnh cho phụ nữ Bắc kỳ phải bỏ váy mặc quần để thống nhất phong tục với Đàng Trong mà bị phản ứng quyết liệt:

“ Chiếu vua Minh Mạng ban ra/

Cấm quần không đáy người ta hãi hùng!”

Và cuối cùng là không sao thực hiện được. Cho đến các năm 1960s ở quê tôi vẫn còn phụ nữ mặc váy quai cồng. Đó là nhờ ở anh “xã dân” Việt có nguồn gốc là người tự do.

Hỡi con cháu các anh “xã dân” cục mịch, hãy đứng dậy trở thành các công dân!

04/9/2018

Đ.V.D

(Còn tiếp)

Comments are closed.