Ngày hòa bình đầu tiên

Tùy bút Đào Như

Anh đến gặp tôi vào một sáng mùa Thu tại Chicago, cho tôi hay anh mắc phải bịnh co thắt động mạch chủ. Hiện giờ thường xuyên huyết áp lên cao, khiến anh nhức đầu kinh khủng đến độ nhiều lúc chán nản và vô vọng. Các bác sĩ giải phẫu tim mạch của bịnh viện Cook County-Chicago cho biết bịnh của anh cần phải được điều trị bằng phẫu thuật thay van. Nếu không, anh sẽ sớm phải gặp nhiều tai biến nguy hiểm đến tánh mạng. Còn nếu được giải phẫu, khả năng tử vong cao, nhưng nếu qua được, anh sẽ có cuộc sống vui vẻ hạnh phúc trong một vài năm.

Các bác sĩ đã giới thiệu anh vào trong nhóm ‘Selfhelp Group’ gồm những người bị bịnh như anh. Trong bọn họ có những người chờ mổ thay van, cũng có những người đã mổ thay van trong vòng hai năm trở lại, phần nhiều họ là cựu chiến binh của Vietnam War, không một ai sống quá ba năm sau khi mổ.

Vụt anh đứng dậy, hai tay đấm mạnh vào tường, anh tức tối: Tôi phải chết trong oan nghiệt thế này sao? Tôi phải chết trong cô đơn như thế này sao? Tôi chết như một kẻ vô gia đình, vô tổ quốc? Tôi chết trong thân phận lưu đày. Chiến tranh đã hủy hoại đời tôi và định mệnh vây bủa vùi dập tôi. Tôi là một phi công, tôi đã từng là pilot đưa các nhà ngoại giao, những vị nguyên thủ quốc gia, đi đến hơn ba mươi quốc gia trên thế giới. Tôi sống nhiều năm ở Pháp, Maroc, Alger, Marakech, Mỹ… Tôi biết cả trăm con đĩ và đàn bà của gần hơn trăm quốc tịch khác nhau. Tôi lái C130 rải thuốc dioxine khai hoang nữa…

Và anh tự xỉ vả: Như vậy đó, như vậy đó, tội ác của mày lớn lắm…

Từng là một bác sĩ phẫu thuật, tôi thấu hiểu tất cả tai biến của phẫu thuật thay van động mạch chủ. Tôi đau đớn nghe những lời sám hối của anh. Thật sự anh không hề làm những gì để có thể gọi là tội ác cả. Tất cả tại chiến tranh. Chiến tranh mới là tội ác.

Sau đó mấy tháng, tôi đưa anh vào bịnh viên Cook County Hospital để chuẩn bị mổ cho anh. Vì là một counselor của anh, nên tôi phải ‘cosign’ theo lời yêu cầu của bịnh viện, bản cam kết đồng ý chấp nhận phẫu thuật cho anh.

Khi tôi cúi xuống ký tên bên cạnh chữ ký của anh, tôi thật sự cảm động khi nghe anh nói những lời giã biệt.

Sau khi đưa anh qua bên trong cánh cửa phòng mổ, tôi bưng mặt khóc rưng rưng. Thật sự tôi không hiểu tôi khóc cho ai?

Tôi khóc cho anh? Tôi khóc cho tôi?

Tôi khóc cho những ai rất mơ hồ…

Tôi khóc cho những nạn nhân của chiến tranh và của thời hậu chiến…

Chưa đầy sáu tháng sau khi mổ, anh qua đời vì tai biến đột quị. Bây giờ tôi viết về anh. Tôi không hiểu tôi sẽ viết những gì đây…

Thật khó, khó lắm phải không anh? Mặc dầu chúng ta đã có những giờ phút chia sẻ, gửi gắm, trút hết cho nhau mọi tấc lòng.

Nhưng có một điều tôi chưa kịp chia sẻ với anh, là cách đây tám tháng tôi được đọc một bài thơ của nhà thơ Phùng Khắc Bắc, một cựu chiến binh thuộc phía bên kia chiến tuyến.

Anh ấy còn sống sót đến ngày 30/4/75, cũng là một nhà thơ trẻ đầy nhiệt huyết với hòa bình với tổ quốc. Sau 30/4/75 đơn vị anh giải thể. Anh về với gia đình chỉ còn mẹ đơn côi. Anh đã viết bài thơ Ngày hòa bình đầu tiên:

NGÀY HÒA BÌNH ĐẦU TIÊN

……………………………

……………………………

Những sợi nắng xuyên qua nhà mình

Thành những mũi tên

Thành những viên đạn

Bắn tiếp và anh không gì che chắn

Phải nhận tất cả

Vẫn anh

Hôm qua chưa nhận được một viên đạn

Hôm nay nhận những lỗ thủng

Anh về quê không mang súng

Vũ khí lúc này hai bàn tay…

Mẹ giục:

Ăn cơm, con!

Hòa bình trong canh cua, rau mồng tơi, cà

Mùi ổ rơm.

  1985

Đọc bài thơ chúng ta nghe thật đau như mũi tên xuyên qua tim mình.

Sau bao nhiêu năm chiến đấu, người chiến binh trở về trong căn nhà nhỏ đổ nát, và mẹ đón con trở về bằng bữa cơm đầu tiên trong hòa bình với “… Canh cua, rau mồng tơi, cà/Và/ Mùi ổ rơm”.

Ấy thế mà nhà thơ Phùng Khắc Bắc không còn nữa anh ạ. Anh ấy qua đời ở tuổi 47, vào năm 1991.

Hình như anh ấy bị giết chết vì biến chứng của sốt rét ác tính anh mắc phải ở Trường Sơn trong thời kỳ ‘đi B’.

Chiến tranh vẫn theo đuổi anh ấy.

Cũng như anh, nhà thơ Phùng Khắc Bắc đã chết vì tai biến của chiến tranh trong những tháng ngày hòa bình.

Comments are closed.