Trần Thùy Mai
Giải Booker là giải thưởng văn học được chú ý nhất của nước Anh dành cho tiểu thuyết viết bằng tiếng Anh. Giải thưởng năm nay (2023) hiện còn đang được xét, danh sách vào chung kết sẽ sớm được công bố vào ngày 1 tháng 8 sắp tới. Cho đến thời điểm hiện tại, giải được trao cho Shehan Karunatilaka năm 2022 là mới nhất.
Đây là lần thứ 2 một nhà văn Sri Lanka được giải Booker (lần đầu là nhà văn Michael Ontaatje với tác phẩm The English Patient năm 1992, đã được dựng thành bộ phim Bệnh nhân người Anh rất nổi tiếng).
Sinh năm 1975 và lớn lên ở Sri Lanka, Karunatilaka học Đại học ở New Zealand, đã làm việc ở London, Amsterdam và Singapore, và hiện nay đang sống tại quê nhà. Trong Bảy mặt trăng của Maali Almeida, ông đã kết hợp những yếu tố văn hóa Sri Lanka với bút pháp hiện thực huyền ảo để phản ánh sự thật tàn nhẫn của một giai đoạn lịch sử.
Câu chuyện mở đầu với TRĂNG ĐẦU TIÊN, khi Maali Almeida, nhân vật chính, nhận ra mình đang đứng trong một gian nhà lớn đông đúc. Mọi người đang xếp hàng một cách lộn xộn. Họ được đưa cho những biểu mẫu bằng lá Ola để điền vào… Thật kỳ lạ, Maali tự hỏi, tại sao phần lớn đều mặc áo trắng, có những người mang trên mình những vết thương còn rỉ máu, lại có người bị mất chân, mất tay?
Thế rồi, anh nhận ra mình đang đến lượt trình diện trước một phụ nữ quen quen. Cô hướng dẫn anh cách điền vào biểu mẫu. Anh nhớ ra: đây là Tiến sĩ Ranee Sridharan, người đấu tranh cho nhân quyền và nữ quyền. Nhưng nếu anh không lầm, thì cô đã bị ám sát, chết rồi kia mà?
Cuối cùng Maali hiểu ra: mình cũng đã chết rồi. Linh hồn anh đang ở trong Cõi Trung Gian, đang làm thủ tục đăng ký để đi sang cõi khác.
Tiến sĩ Ranee nói cho Maali biết: Mỗi linh hồn có bảy trăng, tức là bảy đêm ngày, để thu xếp cho ổn thỏa những gì còn dính mắc với trần gian. Thu xếp xong, họ sẽ nhẹ nhàng bay vào cõi Ánh Sáng. Còn nếu cứ lẩn quẩn mà không trút được “nợ đời”, sẽ bị kẹt lại mãi mãi.
Đúng lúc ấy, một linh hồn khác đến gần anh. Đấy là một ma trẻ tuổi, tự xưng là Sena. Anh ta đã tự nguyện từ chối Cõi Ánh Sáng để ở lại. Thay vì siêu thoát, Sena muốn quay lại cõi đời để báo thù, không chỉ cho cái chết của mình, mà còn cho những cái chết phi pháp và bi thảm của vô số người khác.
Maali phân vân giữa lời khuyên của Ranee và Sena. Anh phải lựa chọn: bình yên mãi mãi, hay oán hờn mãi mãi. Thực lòng, Maali mong muốn cả hai. Một mặt, chẳng thích thú gì ở lại Cõi Trung Gian, nơi đầy dẫy những con ma cà rồng, ác quỷ và những linh hồn uất hận. Nhưng anh cũng không thể ra đi khi chưa hoàn thành tâm nguyện lúc còn sống.
Anh không nhớ được ai đã giết mình, chỉ nhớ mình là một phóng viên, đã chụp nhiều bức ảnh còn giấu kín chưa kịp công bố. Đó là những bức ảnh làm chứng về những tội ác ở Sri Lanka. Anh cũng nhớ những người thân đang đau khổ và khóc thương mình: Maam, mẹ anh, Dilan Dharmendra (gọi tắt là DD), người yêu đồng giới bí mật của anh, và Jaki, cô bạn thân thiết đã từng yêu anh.
Giờ đây Maali biết việc anh phải làm trong bảy đêm trăng: tìm cách làm sao đưa những bức ảnh của mình ra trước công chúng. Anh bắt đầu học cách bay trong gió, học cách thì thầm với người sống qua giấc mơ của họ. Thì thầm với DD và Jaki, anh chỉ cho hai người thấy hộp ảnh được cất giấu ở nhà mẹ anh.
Một cuộc triển lãm lập tức được nhóm bạn bè của Maali tổ chức. Nhưng cha của DD lại là một viên chức cao cấp trong chính phủ. Ông gọi điện tố cáo với Bộ trưởng Tư pháp. Jaki bị bắt đưa đi biệt tích.
Cuộc triển lãm đã làm chấn động dư luận, mặc dù nhiều bức ảnh quan trọng đã bị đánh cắp, và Đại tá Wijeratne, đại diện chính quyền, đã ra lệnh đóng cửa sớm. Một lần nữa, Sena lại thúc giục Maali tham gia đội quân báo thù. Anh ta đưa Maali đến “Cung Điện” – một tiếng lóng để chỉ một ngôi nhà hoang, nơi rất nhiều người bị bắt nhốt, tra tấn, thẩm vấn và sát hại. Đấy cũng là nơi Jaki đang đối diện với cái chết.
Maali quyết phải cứu Jaki, cho dù phải vuột mất cơ hội siêu thoát. Để có được sức mạnh hỗ trợ của Quỷ Mahakali, anh hứa sẽ cho hắn ăn linh hồn của mình. Mạng sống của Jaki đáng được gìn giữ hơn là ánh sáng vĩnh cửu của anh…
Trong phần TRĂNG THỨ BẢY, ta thấy Quỷ Mahakali cùng với linh hồn báo oán Sena nhập vào một người đàn ông, thúc giục y đem một quả bom vào “Cung Điện” tìm cách giết Đại tá Wijeratne. Nếu bom nổ, sẽ rất nhiều người vô tội phải chết theo…
Từ chương 54 đến chương 63, tốc độ câu chuyện càng lúc càng căng thẳng hơn. Jaki có thoát chết không? Ai là người đã giết Maali? Và cuối cùng, Maali có bị mất linh hồn?
Điều đáng lưu ý là: Dù câu chuyện của Shehan Karunatilaka hoàn toàn hư cấu hoang đường, phần lớn nhân vật trong đó lại được xây dựng từ những người có thật.
– Tiến sĩ Ranee Sridharan, người cố gắng dẫn dắt Maali Almeida đến với Ánh Sáng, được xây dựng theo hình ảnh Rajini Thiranagama, một nhà hoạt động nhân quyền và nữ quyền, người đã bị giết bởi lực lượng “Những con hổ Tamil” (LTTE, Liberation Tigers of Tamil Eelam).
-Câu đề từ ở phần thứ nhất: Trăng đầu tiên: “Lạy Cha, xin hãy tha thứ cho họ, vì con sẽ không bao giờ tha thứ.” Là câu nói của Richard de Zoysa, một nhà báo bị bắt cóc và sát hại vào năm 1990. Cái chết của anh được cho là do một đội ám sát có liên hệ với chính phủ.
– Sena, theo nhìn nhận của nhiều độc giả, là hình ảnh Daya Pathirana, một lãnh tụ sinh viên bị bắt cóc, tra tấn và giết vào năm 1986. Tác giả cái chết này được cho là JVP – Mặt trận Giải phóng Nhân dân Sri Lanka.
Nhiều sự kiện bắt nguồn từ việc thật: như bức ảnh nổi tiếng của phóng viên ảnh Chandragupta Amarasinghe, cho thấy một thiếu niên Tamil bị lột truồng đang ngồi co ro trong khi những người đàn ông Sinhalese xúm quanh, chế nhạo và hăm dọa.
…Và còn nhiều nhân vật, sự kiện trong tác phẩm, đã góp phần cho thấy cái thế giới Ma ở Cõi Trung Gian chính là âm bản của bối cảnh xã hội Sri Lanka trong cuộc nội chiến tàn khốc suốt hai mươi sáu năm, từ 1983 đến 2009.
Đó là cuộc xung đột giữa nhiều nhóm sắc tộc, mà chủ yếu là giữa chính quyền của tộc người Sinhalese chiếm đa số, với tộc người Tamil thiểu số. Bên cạnh đó còn có sự góp phần của JVP với chủ trương thành lập một nhà nước mới ở Sri Lanka dựa trên lý thuyết của Karl Marx. Họ tin rằng một sự thay đổi như vậy sẽ xóa bỏ sự chia rẽ sắc tộc và tôn giáo, bởi vì người Sri Lanka mọi sắc tộc sẽ là đồng chí dưới một ngọn cờ.
Những con hổ Tamil (LTTE) được xem là một tổ chức khủng bố, đã gây ra nhiều vụ ám sát trong đó có vụ ám sát Thủ tướng Raziv Gandhi của Ấn Độ. Nhưng đáp lại hành động khủng bố của nhóm này, nhà nước Sri Lanka cũng leo thang bạo lực không kém. Và, JVP tuy giương cao ngọn cờ bình đẳng nhưng cũng đã thực hiện nhiều hành động tàn bạo trong chiến tranh. Cuộc nội chiến Sri Lanka được đánh giá là một sự kiện diệt chủng trong lịch sử hiện đại.
Tiểu thuyết của Karunatilaka trưng bày tội lỗi của tất cả các bên trong Nội chiến, với một giọng điệu hài hước sâu cay. Phần đầu mô tả thế giới của những người đã chết, thay vì thê thảm kinh rợn, lại được trình bày vui nhộn như một MV. Với những ai đã trải qua thảm cảnh của chiến tranh, thì sự vui nhộn đó là một màn diễn hài cười ra nước mắt. Trong một cuộc phỏng vấn, Shehan Karunatilaka nói về người Sri Lanka: “Chúng tôi đã quen với sự hài hước ngay dưới giá treo cổ, và không ngại pha trò khi đối mặt với những khủng hoảng chết người.”
Gayatri Devi, (Giáo sư trường Savannah College of Art and Design tại Savanna, bang Georgia) đã bình luận về tác phẩm:
“Khi Sri Lanka và thế giới tiến đến năm 2023, kỷ niệm 40 năm nội chiến, cuốn tiểu thuyết của Karunatilaka và giải thưởng Booker nhấn mạnh sự hiện diện và sức mạnh của văn học với tư cách là chứng nhân lịch sử.
Là kết hợp của ít nhất ba thể loại: truyện trinh thám án mạng, truyện ma và tiểu thuyết lịch sử, cuốn tiểu thuyết của Karrunatilaka dũng cảm đảm nhận một chủ đề lớn lao và đau đớn, không phải để khôi phục lại những bất bình đẳng và thù địch trong lịch sử, mà là sát cánh cùng Sri Lanka bằng cách khuếch đại tiếng nói của những người đã khuất, chống lại sự lãng quên và phai mờ trong hành trình của thời gian”.