Trong thoáng xuân Hà Nội (thư từ, ghi chép, 1986-1991) (kỳ 17)

Lại Nguyên Ân

clip_image001

Có thể mua bản e-book theo địa chỉ: http://komo.vn/product/view?pid=1771

 

7/8/1987

Tại báo Văn nghệ

Ý kiến Nguyên Ngọc: báo dành 2 trang xã hội chính trị; 3 trang lý luận văn học.

15/8/1987

Tại tòa soạn tuần báo “Văn nghệ”, 17 Trần Quốc Toản, Hà Nội.

Báo Văn nghệ họp cộng tác viên lý luận phê bình.

Đến dự: Trương Chính, Hoàng Trung Thông, Phong Lê, Phương Lựu, Lê Sơn, Phùng Văn Tửu, Trần Đình Sử, Nguyễn Xuân Nam, Nguyễn Văn Long, Bùi Công Hùng, Lê Quang Trang, Trần Bảo Hưng, Vũ Đức Phúc, Vũ Tú Nam, Nguyễn Văn Bổng, Phạm Vĩnh Cư, Vũ Quang Vinh, Phan Hồng Giang, Hoàng Tuệ, Đào Thản, Mã Giang Lân, Hồng Diệu, Nguyễn Đăng Mạnh, Hà Minh Đức, Vũ Quần Phương, Ngô Thảo, Lại Nguyên Ân, Lã Nguyên.

Người của báo: Nguyên Ngọc, Võ Văn Trực, Ngọc Trai, Thiếu Mai, Phạm Đình Ân.

NGUYÊN NGỌC (Tổng biên tập): Tháng 3/1988 sẽ kỷ niệm 40 năm thành lập báo “Văn nghệ”. Tờ báo có truyền thống. Nay cần cải tiến cho thích hợp tình hình mới.

Mới đây: – báo chí có vai trò hơn trong đời sống xã hội;

– một thời gian dài “Văn nghệ” là nơi duy của Hội Nhà văn để công bố tác phẩm (cùng với tờ bạn “Văn nghệ quân đội”), do đó đăng tải sáng tác là chủ yếu, nhằm giới thiệu tác phẩm của nhà văn tên tuổi, giới thiệu tác giả mới…

Gần đây các báo về văn hóa văn nghệ trong nước xuất hiện thêm nhiều; các tỉnh, thành phố lớn nhỏ đều có báo văn nghệ của địa phương; có tờ có uy tín như “Sông Hương”; ở Hội nay đã có tạp chí “Tác phẩm văn học”. Việc đăng sáng tác ở “Tác phẩm văn học” có thể được nhiều hơn, gánh đỡ tờ “Văn nghệ” này. “Văn nghệ” cần nghĩ về chức năng, thể tài của báo mình.

Suy nghĩ: Tính chất của báo:

+ tính chỉ đạo: “Văn nghệ” là cơ quan lãnh đạo của Hội: tác động vào đời sống văn học (thể hiện ở các phần lý luận phê bình, chính luận, cả ở sáng tác).

+ tham gia đời sống văn hóa xã hội chính trị của đất nước: báo phải cố gắng trở thành diễn đàn của nhà văn về các vấn đề lớn của đất nước, xã hội, thế giới. Nhà văn bày tỏ chính kiến trên báo không chỉ bằng sáng tác mà còn bằng chính luận, tùy bút chính trị, nói về các vấn đề nóng bỏng của xã hội, bằng phóng sự (thể loại ít phát triển trước nay, bây giờ có thể phát triển, tham gia trình bày các vấn đề xã hội);

+ tờ báo nghề nghiệp: các vấn đề nghề nghiệp, bếp núc của nghề viết. Là tờ báo của người làm nghề văn và người yêu nghề văn.

Đối tượng của báo: là công chúng rộng rãi, trí thức XHCN, những người trong nghề văn và những người quan tâm đến nghề văn.

Vừa qua, “Văn nghệ” đã chuyển sang phần chính luận, nhưng mới thử chuyển, vì cần tính sự ảnh hưởng đến độc giả (những độc giả vẫn muốn qua báo tìm đến những sáng tác tiêu biểu). Làm sao các phần lý luận phê bình, chính luận tăng sức hấp dẫn hơn.

Tin “Văn nghệ khắp nơi” đưa vào các trang trong, giành trang 16 làm trang cười…

Về lý luận phê bình trên báo: 2 mảng:

+ Chính trị xã hội: khi cần có thể ra xã luận, ký “Văn nghệ”; “ý kiến chúng tôi” (diễn đàn nhà văn);

+ Lý luận phê bình: những vấn đề lý luận cơ bản; lý luận có tính chất chuyên ngành: về thơ, văn xuôi; các vấn đề nghề văn: “sổ tay nhà văn”, “sổ tay thơ”, “hỏi chuyện nhà văn”; phê bình tác phẩm cụ thể.

Cải tiến điểm sách:

+ Nâng cấp khỏi tình trạng nhạt của mục này: mời nhà văn, nhà phê bình có uy tín điểm sách, ký tên thật.

+ Có mục giới thiệu sách, “dạo quanh các quầy sách”, trao đổi về sách.

+ Ý kiến bạn đọc.

Hiện báo đang triển khai dần phương hướng mới này, vừa làm vừa suy nghĩ, tính thêm phản xạ bạn đọc…

Trọng tâm của báo từ nay đến Đại hội nhà văn là “tiến tới đại hội”, tham gia chuẩn bị đại hội −> phần lý luận phê bình trở nên quan trọng; đã đăng một số phỏng vấn nhà văn…

Đề nghị các anh cho ý kiến.

HOÀNG TRUNG THÔNG: Qua bài đăng, đã thấy khuynh hướng của “Văn nghệ”: thêm phần xã hội-chính trị (các vấn đề trong nước và thế giới), rút bớt phần đăng sáng tác (Góp ý: bài tôi viết về 30 năm Hội có những chỗ sai: Đại hội 1 không có Chế Lan Viên, đang đi chữa bệnh ở Trung Quốc, bài phê bình Nguyễn Tuân là ở Đại hội 2; bài Kim Lân lẽ ra không nên in chỗ nói Nam Cao say chê Gorky; bài Trăng nhìn có chỗ nên dọn vườn…). Điểm sách là mục khó viết. Nên chăng mở lại mục “Dọn vườn”. Quyển của Dương Thu Hương viết tốt, nhưng ngay chương đầu đã có hàng loạt chỗ đáng sửa: mưa ngâu mưa xuân, vị tha… Mục “Ý kiến chúng tôi” có nên thường kỳ không? Nếu không sẽ tự bó mình lại. Chuẩn bị nhiều số là tốt nhưng khó. Nên có một bộ phận cộng tác viên gần gũi để họ giúp, có trợ cấp. Điểm sách nên ký tên thật. Nên có mục “Trao đổi ý kiến”, đăng 2 ý kiến tranh luận, hoặc số sau tranh luận lại…; có khi tổng kết có khi không, như là tự do ý kiến. Báo nói về Đại hội nhà văn lúc này hơi sớm, ban thư ký Hội chưa định ngày. Nên để đầu 1988 hãy đăng, bây giờ nên đăng về 30 năm Hội.

VŨ ĐỨC PHÚC: Hoan nghênh ý định đổi mới tờ báo do Ng. Ngọc nêu. Có nên chăng coi trọng cái khung trang mục: nó rất bảo thủ. Từ lâu ta quan niệm văn học chỉ gồm sáng tác. “Văn nghệ” vẫn theo khuôn khổ tạp chí hơn là báo. Tư tưởng đó bảo thủ, không phát triển được các thể loại. Nếp cũ của tờ “Văn nghệ” là có từ tạp chí “Văn nghệ”; từng cố vượt mà không thành.

Lâu nay có chuyện bậy: ăn cắp bản dịch người khác làm của mình. Nên đặt vấn đề phá bung tất cả các cái đó ra. Ví dụ thơ bung ra, đăng ở nhiều trang khác nhau. Nên có những mục như tùy bút; có thể tùy bút trữ tình, chính luận −> có thể có sáng tạo. Nói chung không nên khuôn vào các mục. Nên phát triển những sáng tạo, nên phá bung ra về thể loại, làm phát triển các thể loại. Chúng tôi già, đọc tiểu thuyết thấy chán, thích đọc những cái viết về cuộc đời, ví dụ ý kiến Nguyễn Khắc Viện, nếu một nhà văn viết thì hay hơn nhiều.(3)

Ta cần hiện thực XHCN, tính đảng hơn bao giờ hết. Nhưng những cái đó bây giờ là như thế nào? Nghiên cứu thi pháp đang được nói: đã cũ 100 năm. Nên có những phóng sự về những đấu tranh bảo vệ CNXH.

HOÀNG TUỆ: (….) Sự đổi mới chân chính không bao giờ là sự phủ nhận. Lịch sử phát triển văn học dân tộc không trùng với lịch sử phát triển xã hội được. Thấy tính chất độc lập mới thấy nhà văn có vị trí trong văn hóa dân tộc.

LÊ SƠN: Hoan nghênh tư tưởng đổi mới của “Văn nghệ”. Nhưng để làm tốt hơn, nên nhìn lại những chặng qua: Thái độ các biên tập viên, của lãnh đạo báo với cộng tác viên đừng hoạt đầu, thò lò hai mặt. Có nhà thơ nay thành hoạt đầu. Ví dụ xung quanh việc đăng bài Granin. Sau lần Hoàng Tùng gặp các tổng biên tập, P.T.D. bỏ không đăng, Đ.V. sợ lời cay đắng −> không đăng. Thế là cửa quyền áp đặt…

Bây giờ “Văn nghệ” không phải diễn đàn duy nhất, đây không đăng thì nơi khác đăng.

– Nhận xét một số bài viết của người trong tòa soạn: bên cạnh những bài hay có những bài vô bổ như của Đ.V., P.T.D.

– Mảng dịch chính luận hiện quan trọng, nên chọn đúng. “Văn nghệ” tháng 3 đăng bài của Evtushenko(4) qua bản tiếng Pháp −> mất mát rất nhiều. Lẽ ra không nên đăng bài quá đà về Gulag của Solzhenitsyn.

PHÙNG VĂN TỬU: “Văn nghệ” đang có chuyển hướng một chút; Nên đăng phê bình nhiều hơn; Tôn trọng ý kiến đối lập; Nên giới thiệu lý luận, nghiên cứu của nhà văn các nước khác ngoài XHCN; Nên mở những ký sự về các chuyện khác trong xã hội; Hình thức báo cũng nên đổi mới.

PHƯƠNG LỰU: Tán thành việc cho ra mục “Ý kiến chúng tôi”. Coi đây là ý kiến nhà báo, chưa phải nhà văn. Tờ báo là của cả nước, phải quan tâm các vấn đề thế giới, ngay cả các vấn đề lý luận.

PHAN HỒNG GIANG: – Chưa bao giờ thấy thế giới gần gũi như bây giờ: thông tin là rất cần; cần nhất là thông tin chính trị. Ví dụ bài Granin, nếu “Văn nghệ” đăng sẽ có tác dụng lớn. Đây là thời điểm có thể xem lại nhiều đánh giá sai từng trải qua để đừng sai lần nữa. Hàng loạt cái ta đã phê phán, Cái gốc; Tình rừng,(5) nên xem lại.

HOÀNG TRUNG THÔNG: Nên có trang về khoa học kỹ thuật, những phát hiện khoa học mới.

VŨ TÚ NAM: Nhân 30 năm Hội Nhà Văn VN (1957-1987) báo nên có những cụm bài nhỏ mang tính tư liệu chính xác về hội viên, thư từ, biên bản… Giới thiệu sách: rất mong trên “Văn nghệ” giới thiệu sách của nhà xuất bản “Tác phẩm mới”. Có những cuốn như Thời xa vắng, nên bàn nhiều hơn. Lúc này sách nhiều lên, người ta đọc theo thị hiếu, làm mờ hướng văn học chân chính.

Những lúc như lúc này dễ cực đoan. Nên bình tĩnh, khoa học. Dân chủ thì không được một chiều.

NGUYễN VĂN BỔNG: Anh Thông, anh Nam và tôi đã là những người làm việc nhiều năm ở tờ báo này. Có những thiếu sót, vấn đề. Có nguyên nhân ở thái độ chúng tôi không thấy vấn đề, nhưng có những điều kiện rất khó. Không phải bây giờ không có những người kìm hãm đổi mới. Đây là cuộc đấu tranh lâu dài. Phải có lực lượng chính trị viên kiên định. Phải bình tĩnh. Phải đặt vấn đề: đổi mới cái gì. Đăng sáng tác cũng vậy. Tướng về hưu rất mới. Cần bàn về truyện này trên báo.

Có một cô giáo nói truyện tình báo tác hại như thế nào, trong khi các nhà phê bình đọc cái gì ở đâu ấy.

NGÔ THẢO: Báo chí bây giờ nhiều lên, nhiều tờ tổng hợp có trang văn nghệ. “Văn nghệ” là tờ chuyên ngành. Nay có tờ “Tác phẩm văn học” gánh phần sáng tác. Nên lượng định lại phần sáng tác ở “Văn nghệ”. Nên quan tâm tình hình văn nghệ trong đời sống hôm nay. Nên có thường xuyên “Ý kiến nhà văn”.

Chưa có nhà ngoại giao nào góp phần tuyên truyền văn hóa ta ở ngoài nước, thông tin văn hóa bạn vào nước mình.

Chúng ta là những người cộng sản làm văn nghệ, không nên để những người không hiểu văn nghệ dạy chúng ta làm văn nghệ.

Có nói lại hôm qua là vì hôm nay. Đề nghị những người đã nói sai viết sai sám hối trước chúng tôi.

HÀ MINH ĐỨC: Hoanh nghênh xu hướng đổi mới của “Văn nghệ” trong các mục “Ý kiến ngắn”, truyện ngắn. Ở thơ đổi mới chưa thấy rõ.

Phê bình lý luận có nhiều vấn đề đặt ra: chức năng văn nghệ, “tính đa nghĩa”, hiện thực XHCN. Văn xuôi ta chạy theo việc nên khô cứng, không hay, ví dụ viết về sản xuất.

Vấn đề có nhất thiết phải giải quyết vấn đề không? Ý Tchekhov (6) (chỉ nêu vấn đề, không giải quyết) tôi thấy hợp lý. Vấn đề tính giải trí trong văn học?

Đánh giá lại những hiện tượng văn nghệ trước đây, do điều kiện lịch sử, ví dụ việc phê phán cuối Mười năm của Tô Hoài… Nói lại là điều bình thường.

NGUYỄN ĐĂNG MẠNH: Hiện đã có dân chủ ngoài xã hội, nhưng trong văn nghệ thì dân chủ chưa được phát động. Bài của Nguyễn Khắc Viện là nói về xã hội chứ không phải về văn nghệ. Việc hưởng ứng dân chủ còn dè dặt, phân vân, vì thiếu dân chủ xưa nay là tình trạng phổ biến, nặng nề. Phải làm sôi động vấn đề dân chủ trong văn nghệ lên.

Lâu nay vì sợ chụp mũ nên phải rào đón. Văn phong rào đón là đặc trưng phê bình ở ta. Bây giờ phải thôi, vì văn phong rào đón là văn phong của sự nghi kỵ nhau.

“Văn nghệ” phải nêu vụ gì lên, có thế mới nêu thành vấn đề dân chủ.

Vấn đề đánh giá khuyết điểm của lý luận phê bình còn chưa thể nhất trí được đâu. Cần tranh luận ra.

Đối với công chúng: phải có bài viết về công chúng. Trước nay người lãnh đạo nói quần chúng vĩ đại, nhưng đấy là quần chúng tượng trưng, vô danh, còn quần chúng thật thì lãnh đạo coi là con nít. Người lãnh đạo rất thích bật đèn đỏ, gác cổng, rất ít khi bật đèn xanh cho văn nghệ phát triển, không cho nói, sợ hư.

Công chúng có cái rất sai nhưng có cái đáng đồng tình.

Những vấn đề lý luận cần đặt ra, nhưng không cần những lý luận suông. Cần áp vào sáng tác mà nêu một số vấn đề lý luận. Trong sáng tác có những vấn đề khác ý kiến nhau, phải cọ xát mới ra chân lý.

VŨ ĐỨC PHÚC: Đánh giá các hiện tượng cũ, có việc cần xét lại, nhưng không nên rũ rối các việc. Mỗi thời có chân lý của nó. Có người trước bợ đỡ Tố Hữu, khi Tố Hữu đổ (mất chức phó thủ tướng) thì bỏ. Rất hay là gần đây có 2 cuốn chuyện luận về thơ Tố Hữu (của Lê Đình Kỵ, Trần Đình Sử) khẳng định đây là lá cờ đầu của thơ ca cách mạng.

Bây giờ những hiện tượng như vơ vét, ăn cắp, − phải nói, có nơi áp bức nông dân. Nhà báo đang có công hơn nhà văn.

Anh Hoàng Ngọc Hiến có cái sai là trích Kant vớ vẩn, nhưng đúng là có những tác phẩm phải đạo, viết trơn tuột.(7)

VŨ QUẦN PHƯƠNG: Có cả một thời… Tất cả đều nói ngọng, rất khó nghe. Thà cứ nói thật giọng còn hay hơn.

Nên bung ra. Nên nhìn lại, và những người đã nói sai nay nói lại thì hay hơn. Mà các đồng chí ấy cũng đã bỏ những ý sai đó đi rồi. Nhưng để người khác nói thì không hay bằng.

Có nhiều vấn đề tự thời gian giải quyết. Dạ dày đói thì phải sửa chính sách chứ không phải cái óc.

Nên có những bài điều tra công chúng. Tôi tiếp xúc những người về hưu, họ có những ý kiến rất hay.

NGUYỄN VĂN BỔNG: Không nên nói như anh Vũ Đức Phúc rằng nhà văn không bằng nhà báo. Nói thế thì tôi sợ ông Nguyên Ngọc sẽ kéo tờ “Văn nghệ” đuổi kịp các tờ báo khác, không còn là tờ “Văn nghệ”. Có nhiều vấn đề văn nghệ lắm. Sách tình báo, tôi nói lại, có những cuốn hay, nhưng Sa mạc lửa, Người Bình Xuyên, nhưng không ai nói tới.

Dương Thu Hương là cây bút có tài, sắc sảo, nhưng sách ăn khách là chuyện lạ…

NGUYÊN NGỌC: Sẽ xin nghiên cứu ý kiến các anh để áp dụng. Tờ báo phải kiên định. Đây không phải chuyện một vài vấn đề. Tờ báo phải trở lại một số vấn đề lý luận cơ bản, gốc gác. Chúng tôi cố gắng làm cho tờ báo có chính kiến. Vấn đề có rất nhiều, nhưng đột phá vào đâu? Tướng về hưu chăng? Có thể là những vấn đề lý luận.

Theo tôi văn học chúng ta đáng tự hào. Văn học chuẩn bị tư duy cho những biến động xã hội. Văn học ta không lạc hậu về chính trị. Nó có làm được một số chuẩn bị cho đổi mới. Chúng tôi không định đi vào cách làm của các báo khác, vì lệch khỏi cái mạnh của nó, chỗ riêng của nó.

Mong các anh tiếp tục đóng góp cho tờ báo.

1/9/1987

65 Nguyễn Du, hội trường tầng 3.

Câu lạc bộ phê bình trẻ (lớp lý luận phê bình): Thảo luận về văn xuôi.

BÙI HIỂN (Chủ tịch hội đồng văn xuôi): Thông báo những nét chính trong cuộc thảo luận gần đây tại Hội đồng văn xuôi của Hội Nhà văn.

Văn xuôi được Đảng đánh giá tốt.

Nhưng gần đây có những ý kiến cho văn học, cả văn xuôi mới chỉ là văn học tuyên truyền, còn thiếu sót nhiều. Nếu được thì mới được một số truyện ngắn. Văn học còn thiếu tư tưởng. Văn học bị đồng nhất với tuyên truyền, báo chí nêu thiếu sinh sắc.

Ngược lại, có ý kiến cho là văn học ta có đóng góp thực sự, có giá trị lâu dài. Vừa qua văn học mới tiệm tiến, chưa nhảy vọt. Mới có một số báo hiệu. Có ý kiến cho ở một số thời kỳ, phê bình lý luận có kìm hãm sáng tác: thời kỳ đề cao thể ký, đề cao người thật việc thật, lý luận không có bi kịch… Trong thảo luận tại hội đồng văn xuôi về các vấn đề nhận thức hiện thức, chức năng văn học, bản lĩnh sáng tạo…

+ Viết bằng tâm hồn −> sáng tác trong kháng chiến có những tác phẩm có giá trị. Bản lĩnh nhà văn đã cưỡng lại sự gò bó.

+ Có chịu ảnh hưởng Trung Quốc, Liên Xô, nhưng có cái của ta. Ta có một nền văn học mà cuộc sống là trụ cột. Có sự gò bó, nhưng người viết vẫn bám đời sống, chỗ bị khuất phục là đến đoạn kết thì “vẹo” sang khuynh hướng.

Những năm gần đây có những cố gắng gỡ gò bó. Người viết thoải mái hơn. Văn học bắt đầu có tác động xã hội, người ta nể.

+ Có sự đa dạng, nhưng “đa dạng” quá, có cả cái “nhí nhố” nhất là sách trinh thám, truyện tình.

+ Nhà văn viết bằng tim. Trái tim sai vẫn hay. Viết bằng sự ngây thơ, chính thế tác phẩm mới có cái hay.

+ Về một số tác phẩm gần đây: Thời xa vắng được đánh giá cao; nhiều người đọc xúc động. Một cách suy nghĩ về quan hệ người-người trong một thời kỳ. Nhân danh cái tốt làm điều tốt cho một con người −> gây hậu quả không tốt cho người ấy.

Nói chung, nhà văn ta nhìn con người chưa sâu, nên truyện dài chưa thành công. Thời xa vắng cũng vậy: đoạn sau chủ đề hơi khác đi.

Về cây bút Dương Thu Hương: đi vào chuyện tình, uốn éo, hơi hướng văn Sài Gòn cũ. Có ý kiến ngược lại: người đọc thích, tuy có vẻ chạy theo lối viết văn ăn khách… nhưng có nói được điều gì đó: đừng chạy theo ảo tưởng.

Tướng về hưu. Nguyễn Khải cho tác giả truyện này là một bậc thầy, viết như roi quất vào mặt. Ý kiến khác: lối viết tập trung vào một ấn tượng, làm cho người ta đau. Trong một nền văn học cũng cần có cách viết lạnh như thế, khô, tưng tửng như thế.

Trong lớp thảo luận

LÊ QUANG TRANG: gợi ý

NGUYỄN VĂN LƯU: Cái đổi ở văn xuôi là ý thức về hiện thực. Đi đúng nên thành công, không phải có giọng riêng mà vì hình thức phong phú.

Về Truyện tình kể trước lúc rạng đông: Cách đây không lâu có cuộc tiếp xúc bạn đọc của tác giả cuốn này ở Nhà văn hóa thanh niên (Hà Nội): có người chê thẳng thừng, có người khen rất cao; tác giả (Dương Thu Hương) nói: Hệ thống tuyên truyền nói không đúng hiện thực; chúng ta đã tôn thờ quá nhiều thần tượng.

Ý kiến Nguyễn Văn Lưu: nếu Trần Phương (nhân vật trong Bên kia bờ ảo vọng) phản ánh được những thần tượng xã hội thì tác phẩm lớn, nhưng đọc vào tôi thấy đây chỉ là thần tượng của các cô gái ham của chua. Đây (sách này) là vụ scandal đầu tiên trong giới văn nghệ sĩ: nó xì ra cho người ta thấy và biết những sự không thần thánh gì cả. Đây không phải thần tượng xã hội chính trị mà chỉ là thần tượng của đám chị em say mê tình ái. Phương Linh (nữ nhân vật Bên kia bờ ảo vọng) chỉ là đứa con sinh lý của thời đại, cô ta không có lý tưởng gì cao đẹp cả.

Cùng với truyện Dương Thu Hương, viết phiêu lưu ái tình, tôi thấy có thể phần “tiêu cực” chỉ là gia vị trộn vào phần tình ái. Văn xuôi tác giả này thừa kế nhiều văn chương thời Mỹ-Ngụy: Trùng Dương, Nguyễn Thị Hoàng, v.v.

Tướng về hưu: một chiếc roi quất. Viết ác quá. Chuyện đem thai nhi nấu cho chó ăn: tàn nhẫn quá…

PHẠM XUÂN NGUYÊN: Có xu hướng nhìn lại phủ nhận thời gian trước, cả ở sáng tác lẫn phê bình.

Tôi thấy cần nói cơ sở phương pháp luận: về hoàn cảnh lịch sử đã tạo ra văn học hồi đó. Ví dụ trường hợp ý đồ Phan Tứ trong quá trình viết Về làng.

Từ xu hướng chung (nhìn lại, phủ nhận) ấy, khi Thời xa vắng ra đời, −> “tác phẩm nhận thức lại thực tại” (Bùi Việt Thắng)! Truyện tình kể trước lúc rạng đông cũng gần Thời xa vắng. Từ khi có “dân chủ”, “công khai”: xuất hiện văn học “chống tiêu cực”, giá trị văn học rất thấp. Chưa đến lúc báo động về văn học chống tiêu cực nhưng lưu ý:

+ Xu hướng truyện ngụ ý: Tôi thích làm vua (đăng Văn nghệ) (8) – tôi đọc không thích.

+ Nổi lên là văn học ăn khách: Truyện tình kể trước lúc rạng đông, Bên kia bờ ảo vọng thuộc loại này. Cuốn Bên kia bờ ảo vọng có chuyện viết ám chỉ cá nhân. Văn học ăn khách chiều tâm lý người đọc. So sánh Mỏ đá (Karier) (9) của V. Bykov: Văn học ta chưa có gì như thế.

+ Tướng về hưu: một cây bút lạ, đem đến một cách viết lạ. Nhưng đọc thấy chua chát. Cuộc đời nhiều lúc phải tỉnh, nhưng không nên chua chát.

DŨNG: Về Con chó và vụ ly hôn (10) của Dạ Ngân: Tinh tế trong mô tả những chuyện vặt vãnh, đời sống gia đình. Dụng ý truyện là gì: kiểm tra tính người ở cặp vợ chồng kia. Có những chỗ không có lý (phân tích).

MINH HẠNH: Mùa lá rụng trong vườn: Tại sao những người lương thiện như vợ chồng Phượng, trong truyện lại khốn khổ.

Về Tướng về hưu, Sao đổi ngôi. (….)

Con chó và vụ ly hôn: yếu tố Freud.

Truyện Dương Thu Hương: nhìn được mặt trái, hiện thực thế nào ném vào người đọc như thế; phân chia nhân vật thành hai tuyến đơn giản.

Về tính dự báo của văn học.

Nhà văn HUY PHƯƠNG.

TRẦN TỰ: Văn nghệ sĩ sau Đại hội 6: sáng dần, một không khí mới lạ, được nói thẳng nói thật. Người viết ở trạng thái “sốc”, người đọc cũng ở trạng thái “sốc”. Tướng về hưu đọc bị sốc, như là cái cớ gì đó. Nhưng là sự phát triển không cưỡng được.

Nhà văn KIM LÂN: – Văn học thời nào cũng có cái hay cái dở. Nếu định đổi mới, dân chủ để phủ định cái cũ thì điên rồ. Những trang viết trong kháng chiến chống Pháp chống Mỹ là tâm huyết, người viết không nghĩ ăn khách như bây giờ. Các nhà phê bình thời đó là những người có trách nhiệm, thiên về đúng và sai, không chú ý hay và dở, trong khi đáng ra phải nói hay và dở trước. Bây giờ thì như không dám đụng đến chuyện đúng và sai nữa, vì sợ. Hay dở thì dám nói, vì vô hại, nhưng đúng sai thì không dám nói vì là trách nhiệm trước tình hình đất nước. Bây giờ cần nhà phê bình nói đúng và sai. Nhà văn cũng cần lên tiếng.

Từ Đại hội 6, tư tưởng lấy dân làm gốc, nói thẳng nói thật, báo chí làm trước rồi mới đến giới văn chúng ta. Nhưng trang viết gần hơn, con người trong trang viết gần hơn, không như anh Trỗi, chị Sứ xa đời sống người thường quá. Người viết tìm lại được mình, tìm ra mình, vì trước đây nhà văn bỏ “mình”, vì cái chung. Nay là mình, nói về đời thường mà những vấn đề nhiều người mong mỏi, đọc thấy dễ chịu hơn, như Thời xa vắng chẳng hạn. Nhìn lại những cái đó, quả có cảm giác như anh Trần Tự nói: hơi bị choáng: chửi nhiều quá, chửi cho được chú ý, được ăn khách. Phải một thời gian nữa mới bình tĩnh được. Tôi đọc một số trang viết của anh em, thấy có nhiều ảnh hưởng. Có ảnh hưởng huyền thoại của Marquez. Nhưng ta không phải Mỹ la-tinh, không ngông như Nguyễn Tuân để viết được Yêu ngôn, không sống nửa người nửa ngợm như Vũ Hoàng Chương để viết được những bài thơ ma quái. Người viết bây giờ viết chống tiêu cực, chửi nhà nước cho thích, hoặc thích lột truồng phụ nữ ra. Cái đau của các nhà văn Liên Xô là cái đau của nhà văn có lương tâm, đau không thể bịa, giả vờ. Nhà văn là ở cái tâm, khi có tâm thì viết gì cũng được. Viết cái đau, như Nam Cao viết bao nhiêu chuyện đau.

Hiện tình văn học cũng như sân khấu: để bán chạy, bìa sách phải vẽ cô gái, súng lục, phải giật gân… Gần đây chúng tôi nhận được một thư dài 50 trang nói về sách vụ án, trinh thám, bán rất chạy. Sách dịch cũng vậy.

Vở chèo hay như của Tào Mạt không ai xem. Phải xem Nàng Sita, chỉ là cái tuồng Diễm huyền La Mã thời ta mới tiếp quản Hà Nội được diễn lại. Khiếu thẩm mỹ trong xã hội đáng bị báo động. Nhà văn có người chiều thị hiếu. Có nhà xuất bản tử tế phải in sách không tử tế để nuôi mình.

Chúng ta có nhiều buổi thảo luận, có nhiều cái để thảo luận, để rút ra những điều sâu hơn. Trước ta đã bỏ qua Nguyễn Mạnh Tuấn, Lê Lựu, ta cứ hay nghe ngóng. Bây giờ tiểu thuyết Bên kia bờ ảo vọng rất chạy… Nên nghiên cứu xem bằng giá nào nó chạy như vậy, có thể mời tác giả đến dự, làm một cuộc riêng.

BÙI BÌNH THI: Văn học ta không cần làm lại mà cần làm tiếp. Ta có thành tựu. Cái hôm nay là thời của mình. Tôi đọc Tướng về hưu thấy nó lạnh quá, như không phải nói về cái của mình.

Bây giờ nhà văn nam viết để chửi vợ, nhà văn nữ viết để chửi chồng. Ô hay, sao lại thế? Tôi đã bảo Lê Lựu: anh làm hèn con người. Còn nhân vật nữ Bên kia bờ ảo vọng: nhân vật sao cứ lồng lên với dục vọng của mình? Nhưng chị Dương Thu Hương có thành tựu.

Tôi cho là nhà văn không được làm xấu con người.

LẠI NGUYÊN ÂN: (nói, không ghi)

PHAN CỰ ĐỆ: – Khẳng định nhận định thành tựu văn nghệ tiên phong chống đế quốc, trong đó có thành tựu phê bình. Tất nhiên có hạn chế, và văn học bây giờ khắc phục dần dần: đi vào nói bi kịch, nói đời thường, nói về những ác liệt, bớt giáo huấn, giọng điệu cá nhân, phong cách cá nhân rõ hơn.

– Văn xuôi gần đây có bước tiến mới:

+ số phận cá nhân

+ đấu tranh cho công bằng xã hội

+ âm hưởng phê phán mạnh hơn; phê phán phải được soi sáng dưới lý luận hiện thực XHCN.

Hạn chế:

+ tác phẩm phê phán tiêu cực nhưng không đặt vào guồng chung nhân loại, giai cấp (thế giới hiện nay có những vấn đề chung nhân loại: môi trường, chiến tranh hạt nhân… nhưng vấn đề giai cấp vẫn còn)

+ có những tác phẩm soi con người ở mặt bản năng, nhưng con người xã hội không rõ, chỉ khai thác mặt tình yêu, nhưng yếu mặt xã hội.

+ phải XHCN hơn: chỉ phê phán từng vấn đề riêng, không được đặt vấn đề lại toàn bộ CNXH, không được phủ nhận phê phán hiện thực XHCN.

Về Tướng về hưu: sắc sảo, được những người về hưu thích. Nhưng lòng tin vào xã hội này yếu quá. Những câu triết lý gài vào để chửi chứ không phải thuộc logic chuyện: người chết cần tiền, chửi câu thơ đường ra trận… Dường như có hai người viết.

Nhìn thẳng sự thật, nhưng tại sao chỉ có sự thật tiêu cực?


(3) Chỗ này ý muốn nói tới bài “Câu chuyện cũ mới” của Nguyễn Khắc Viện, đăng trong mục “Ý kiến chúng tôi” (“Văn nghệ”, H., s. 30, ngày 25. 7. 1987)

(4) Chỗ này nói tới bài Quyền được có sắc thái riêng của nhà thơ LX. E. Evtushenko, bản lược dịch của N.V. (“Văn nghệ”, H., s. 11, ngày 14. 3. 1987).

(5) Chỗ này nói tới bút ký Cái gốc (Nguyễn Thành Long, Văn nghệ, H., s. 260, ngày 5. 6. 1968), tùy bút Tình rừng (Nguyễn Tuân, Văn nghệ, H., s. 267, ngày 15. 8. 1968), sau khi đăng bị phê phán.

(6) Chỗ này nhắc một ý của A. Tchekhov được Nguyễn Tuân nhấn mạnh trong bài giới thiệu “Tuyển tập truyện ngắn A. Tchekhov” do Nxb. Hội Nhà Văn in 1957, trong đó cho rằng nhà văn chỉ cần nêu ra vấn đề, không cần giải quyết, giống với bác sĩ, chỉ cần gọi ra bệnh của bệnh nhân, không nhất thiết phải kê đơn bốc thuốc. Ý kiến này từng bị phê phán là trái với yêu cầu của văn nghệ hiện thực xã hội chủ nghĩa.

(7) Chỗ này nhắc đến bài của Hoàng Ngọc Hiến Về một đặc điểm của văn học và nghệ thuật ở ta trong giai đoạn vừa qua (Văn nghệ, H., s. 23, ngày 9. 6. 1979), từng bị phê phán gay gắt trong những năm 1980-83.

(8) Truyện ngắn Tôi thích làm vua của Nguyễn Quang Sáng (“Văn nghệ”, H., s. 34, ngày 22. 8. 1987)

(9) Mỏ đá (1986) tiểu thuyết của nhà văn Belorusia, LX. Vasil Bykov (1924-2003, tên họ ông cũng được viết sang chữ latin là Bykaŭ hoặc Bykaw).

(10) Truyện ngắn Con chó và vụ ly hôn của Dạ Ngân (“Văn nghệ”, H., s. 27, ngày 5. 7. 1986)

Comments are closed.