Khi cánh rừng chỉ là một cánh hoa

Thái Hạo

Trong cuộc họp báo do UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức vào chiều 7-9 để thông tin về dự án hồ chứa nước Ka Pét, ông Lê Thanh Sơn – phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận nói: "Tôi mạnh dạn ví von một bông hoa hồng rất đẹp khi rơi một cánh thì hoa hồng vẫn rất đẹp". Vì theo ông, "So với 360.000ha rừng tự nhiên toàn tỉnh, 600ha rừng dành để làm dự án chỉ là một chấm rất nhỏ trên màn hình, chỉ chiếm 0,15%".

Quang cảnh buổi họp báo - Ảnh: ĐỨC TRONG

Quang cảnh buổi họp báo – ảnh Tuổi Trẻ

Thật khó tin khi một cánh rừng tự nhiên lại có thể được vị lãnh đạo dũng cảm ví như một cánh hoa hồng rụng. Hồ Ka Pét “chỉ chiếm” 0,15% toàn bộ diện tích rừng tự nhiên của Bình Thuận, nhưng xin thưa nó có nghĩa là nếu làm 666 cái hồ như thế thì rừng hết sạch. Trắng tinh. Tất nhiên sẽ khó lòng làm nhiều hồ đến thế, nhưng cũng chớ quên cho đến nay Bình Thuận đã làm tới 49 cái hồ rồi; và vấn đề là “Theo ông Nguyễn Hữu Huệ – Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh, khó khăn hiện nay trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam là hầu hết các tổ thủy nông nội đồng hoạt động chưa hiệu quả”, bên cạnh những hồ 1000ha bỏ hoang suốt 16 năm nay.

Vậy lấy gì để đảm bảo rằng hồ Ka Pét sau khi đưa vào hoạt động sẽ đạt hiệu quả, và nếu như thế phải làm bao nhiêu hồ mới đủ? Đó là chưa kể, dự án trên địa bàn mỗi tỉnh thì không phải chỉ có hồ thủy lợi, mà còn nào là thủy điện, là nghỉ dưỡng, là bất động sản, là khai thác mỏ, là khu công nghiệp, v.v.. Nếu cứ tư duy rằng 0,15% chỉ là “một cánh hoa” thì chẳng mấy chốc cái bông hoa hồng kia sẽ bị vặt trụi, chỉ còn trơ cuống. Và thực tế đã chứng minh rồi, từ một nước “rừng vàng biển bạc” có độ che phủ gần 50% (1943), sau mấy thập kỷ, nay diện tích rừng như rơi tự do, trong đó rừng nguyên sinh chỉ còn 0,25% – tức là gần như đã hết.

Nhưng như đã nói, nếu vẫn buộc phải ví von thì cần ví một cánh rừng với một mảng da thịt trên thân thể con người hay một tấm ván có diện tích bằng 1/666 trên thân một con tàu đang trong hải trình giữa đại dương, và việc phá hủy cánh rừng ấy tức là tháo tung hoặc chọc thủng tấm ván, hay khoét đi một mảng da thịt. Hãy hình dung để thấy điều gì sẽ đến trong những tình huống đó.

Rừng, bản thân nó là một hệ sinh thái, nhưng không khép kín, cô lập, mà tiếp tục thuộc vào một hệ sinh thái lớn hơn của cả một khu vực địa lý, quốc gia, thậm chí là trái đất. Vì sao các nước lớn kêu gọi và sẵn sàng đầu tư cho những nước đang phát triển những khoản tiền khổng lồ để bảo vệ và trồng rừng? Vì họ biết một điều giản dị rằng, khí hậu, môi trường, sinh thái là vấn đề toàn cầu, chứ không phải chỉ của một riêng một nước nào cả. Nghĩa là rừng Mỹ Thạnh không phải của người dân Mỹ Thạnh hay Hàm Thuận Nam, cũng không phải của riêng tỉnh Bình Thuận, rừng là tài sản của cả quốc gia, thậm chí vượt ra ngoài biên giới quốc gia.

Ví rừng chỉ như một cánh hoa là tư duy lãng mạn hóa đang chất chứa nhiều nguy cơ đáng sợ, vì nó dễ dẫn đến những quyết định đầy tự tin mà sau khi đã vặt cái “cánh hoa” ấy đi rồi thì may ra mới nhận thấy rằng mình đã vừa chọc thủng đáy thuyền, lúc ấy e đã quá muộn.

Rừng, trong toàn bộ hệ sinh thái bao trùm nó, không phải là một con thuyền nằm bờ để mà vô tư và túc tắc sửa chữa nếu bị thủng đáy, nó là con thuyền đang giữa đại dương trong hành trình không bao giờ nghỉ ngơi.

Xin đừng nghĩ rằng gần 700ha rừng chỉ là một cánh hoa. Hãy nhớ lại thảm họa trong vài mươi năm gần đây bị gây ra do hệ thống thủy điện cóc nằm lẩn khuất khắp nơi trong những khu rừng. Một cái Rào Trăng 3 có công suất 11MW và chiếm chỉ 110ha rừng của Khu bảo tồn thiên nhiên huyện Phong Điền mà đã gây ra thảm họa như thế nào, có lẽ chưa ai quên được. Xin đừng chỉ nhìn thấy “một chấm nhỏ” trên màn hình, mà hãy tự mình lội hết 700ha rừng để thấy bản thân bé nhỏ thế nào trước thiên nhiên vĩ đại.

Là một “nhà kỹ trị” thì càng không thể duy mỹ và mơ hồ trong các chính sách xã hội. Mọi quyết định chỉ được phép đưa ra sau khi đã có lời giải có đầy đủ cơ sở khoa học và do các chuyên gia thực hiện. Mơ mộng và lãng mạn là điều rất đẹp và cần được tôn trọng, nhưng chỉ nên áp dụng cho khu vườn nhà mình; chứ không ai có quyền mang nó vào công sở để thi hành trên số phận hàng nghìn hàng vạn con người cả.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Phương Tuấn – Ảnh VnN

Phải chăng cũng vì coi cánh rừng chỉ là cánh hoa rụng mà ngày 12/9, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Phương Tuấn mới cả quyết rằng: “Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội sẽ đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, tỉnh Bình Thuận phải khẩn trương triển khai dự án hồ chứa nước Ka Pét” (VietnamNet), bất chấp sự lo lắng, phản đối và những ý kiến đầy trách nhiệm của người dân khắp cả nước?

T. H

Comments are closed.