Sắc đẹp và "trái tim chứa đầy nọc độc”

Mai An Nguyễn Anh Tuấn

“Trái tim chứa đầy nọc độc” là ý trong một bài thơ vịnh sử của Đại thi hào Nguyễn Du viết bên tượng sắt quỳ của đôi vợ chồng độc ác Tần Cối và Vương Thị tại đền thờ Nhạc Phi ở Giang Nam – Trung Quốc: Suốt đời trái tim chết của nó chứa đầy nọc độc (Nhất thể tử tâm hoài đại độc). Nguyễn Du đã dành cho mỗi đứa hai bài thơ tựa những nhát búa tạ giáng không thương tiếc xuống đầu sắt ô nhục của chúng, và đã khái quát bản chất thực của hai kẻ cả khi sống lẫn khi chết bị thiên hạ ngàn đời phỉ nhổ, bằng hai câu vào loại “đỉnh” của thơ chữ Hán Việt Nam: Nhất thể tử tâm hoài đại độc, Thiên niên sinh thiết phụ kỳ oan. Suốt đời trái tim chết của nó chứa đầy nọc độc. Nghìn năm cục sắt sống kia phải mang nỗi oan kỳ lạ! Khi sống, trái tim của nó mang đầy chất độc đã đành, nhưng chết đi, nó vẫn mang đầy chất độc đó trong trái tim chết (tử tâm). Cùng với chồng, sức mạnh của Vương Thị là sức mạnh phá hoại, thiêu hủy kết quả của lòng dũng cảm, sự hy sinh, hàng đống xương máu của những người ái quốc trung quân trong thời kỳ ấy, và ảnh hưởng của thị chắc cũng không phải là ít trong sự phá hoại luân thường đạo lý xã hội nhiều thời đại sau. Vì thế, thị cần được/ bị bêu để “làm gương” cho bọn nữ “loạn thần” trước công luận bằng bức tượng mộ ô nhục kia! Thị có tội lớn ngang với chồng mình trước lịch sử và sự phán xét của lương tri, nhưng chắc hẳn thị còn đáng trách hơn đối với Nguyễn Du bởi thị nằm trong cái giới nhân sinh mà bản thân ông bao giờ cũng trân trọng và dành cho những tình cảm thắm thiết trĩu nặng: Đau đớn thay phận đàn bà/ Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung! (Truyện Kiều), Đau đớn thay phận đàn bà/ Hỡi ôi thân ấy biết là mấy thân! (Văn chiêu hồn)…

Cả tuần qua đỏ rực mạng xã hội là những hình ảnh & bình luận về nhiều người trong giới nhân sinh kia – những nhan sắc diễm lệ, xinh đẹp như mộng thế nhưng phần nhân tính của họ lại khiến người ta thở dài ngán ngẩm, T. cận tôi sực nhớ tới thơ Nguyễn Du, và xót đau trước sự tương phản trớ trêu giữa “Sắc đẹp” và “Trái tim chứa đầy nọc độc” mà Cụ cảnh báo, lên án từ hai trăm năm trước!

Sắc đẹp phụ nữ là vưu vật của thế gian, trời ban cho, văn học nghệ thuật Cổ – Kim Đông – Tây đã dành bao sự ngợi ca thấm thía tuyệt mỹ. Tuy Sắc đẹp cũng là nguyên nhân của bao cuộc chiến tranh, của sự đổ vỡ điêu tàn một quốc gia, song Sắc đẹp lý tưởng của phụ nữ mang trong sứ mệnh tồn tại của mình vẫn là cái đích mà nhân loại vươn tới… Tôi nhớ nhà văn Pautovski có lần đứng trước những tranh, tượng khỏa thân nữ ở một Bảo tàng nghệ thuật và ông thốt lên trong nước mắt: Trời ơi, Con người ta vốn đẹp đẽ nhường kia, vậy mà sao ý nghĩ & hành động của họ trong đời lại xấu xa nhơ nhuốc đến thế!

Nhưng, góp phần làm nhơ nhuốc vẻ đẹp thần thánh kia cũng do chính không ít kẻ được may mắn mang Sắc đẹp trời ban! Tôi nhớ đến những nhân vật nữ quý tộc xinh đẹp đài các song tâm hồn giá lạnh như bà chúa Tuyết và mang bao âm mưu rắn rết trong trái tim đồi trụy mà nhiều nhà văn Phương Tây và Nga từng miêu tả, khi được nghe, được chứng kiến hành xử của những Sắc đẹp Việt Nam thời kinh tế thị trường dị dạng này – những Sắc đẹp chứa nọc độc góp phần tàn phá lương tâm, nhân tính, cả tính mệnh của đồng bào họ!

Đồng tiền – không kể là Sạch hay Bẩn – và một cuộc sống vật chất lộng lẫy đã trở thành lý tưởng sống cao cả nhất đối với họ, thống trị tâm tư họ, và họ đã không từ bất kỳ thủ đoạn gì để có được thật nhiều tiền! Trước họ, bên trên họ, là những “tấm gương rực rỡ” luôn cổ vũ họ – những “Vương Phi”, Mẫu Hậu”, “Nữ Quý Tộc” đời mới nảy nòi từ hàng ngũ “Cha Mẹ Dân” cao chót vót hàng ngày đục khoét tài nguyên và ngân khố Quốc gia, vơ vét mồ hôi xương máu của hàng chục triệu dân lành! Họ đang sống trong những ngôi nhà dát vàng dát bạc mà tâm hồn đen kịt như địa phủ, trái tim đã chứa đầy nọc độc chết người như mụ Vương Thị xưa, sắc đẹp của họ trở thành biểu tượng cho nỗi sợ hãi của người lương thiện, sự đáng căm ghét, đáng khinh bỉ cho cả thế gian!

Buồn quá! Đau quá!

clip_image002Tranh The Birth of Venus – Sự ra đời của thần Vệ Nữ, tác phẩm vĩ đại nhất của danh họa người Italy thời tiền Phục Hưng S. Botticelli và được coi như là một biểu tượng của Chân – Thiện – Mỹ.

Comments are closed.