Đêm chạy trốn (kỳ 6)

Tiểu thuyết Thái Sinh

TS (2)

Chân dung nhà văn Thái Sinh

Lâu rồi Sao không có khái niệm về ngày tháng, trước mặt cô là hai dãy chuồng bò, khoang nào cũng đầy tú hụ những phân, ngày ngày cô cào phân ra đánh thành đống, mắt cô mờ đi bởi hơi phân, cho đến một hôm cô ngẩng lên thấy những đống phân cô cào ra cao như núi, cũng lúc ấy đôi chân cô bị nước ăn lở loét.

Nhân ngày chủ nhật cộng với mấy ngày nghỉ bù Hưng tranh thủ đến thăm Sao. Anh đẩy cửa bước vào thấy Sao nằm sốt li bì trên giường, lật chăn ra Hưng hoảng hốt nhìn đôi chân mưng mủ của cô, anh chợt hiểu, lập tức anh quay lại lâm trường đấm vào cửa phòng từng vị lãnh đạo.

– Các ông là những kẻ tàn ác, những tên giết người! Sao các ông nỡ đày đoạ một con người như thế, nó có tội tình gì? Những người các ông đẩy đi chăn bò họ có tội tình gì? Không thể coi việc đưa họ lên thung lũng Hua Lanh như là một hình thức kỷ luật, đó là sự đày đoạ, một kiểu giết người. Tại sao các ông không tạo cho họ những điều kiện sống cần thiết, nhà ở như hang chuột, ốm không một viên thuốc, làm sao họ có thể sống nổi với những điều kiện sống như thế?

Một gương mặt nhờn nhợt ló ra ngoài cửa sổ, Hưng không nhận ra người ấy là ai, nhưng giọng nói đầy quyền uy.

– Anh làm cái trò gì ầm ỹ giữa đêm hôm khuya khoắt thế này? Có phải anh là bố chúng tôi hay anh là kẻ mất trí?

Hưng chạy khắp lâm trường, cuối cùng anh cũng tìm được thuốc cho Sao. Anh ở bên cô gần hai tuần lễ chạy chữa thuốc men, nấu cơm, giặt giũ cho cô, cho đến hôm Sao đi lại được anh mới về đội. Sao đâu ngờ đó là những ngày cuối cùng ngắn ngủi cô được sống bên anh, dù đã hơn hai chục năm rồi hình ảnh của Hưng vẫn in đậm trong tâm trí cô. Giá ngày ấy Sao không ốm và tại sao anh lại đến thăm mình đúng vào những ngày ấy, để rồi khi trở về, lâm trường lấy cớ “Vô tổ chức, vi phạm ngày công lao động, vu cáo lãnh đạo” để chuyển anh sang tổ phát tuyến phòng hoả.

Hôm nhận được tin anh là lúc Sao đang cùng chị Tơn đóng cỏ khô vào chiếc xe quệt. Vừa quăng cho Sao cuộn dây thừng để cô kiền nốt bó cỏ còn lại, chị dùng chiếc gậy đuổi bò phất những búi cỏ lùa thùa rủ xuống hai bên thành xe chị vừa nói:

– Thế là chị ở đây gần ba năm rồi Sao ạ, có thể sau Tết chị có quyết định trở về đội, không biết họ cho chị về đội mấy? Nghĩ mà cực, tại sao ngày ấy chị lại đâm đầu yêu cái gã đàn ông ấy, hắn có vợ ba con. Biết gã như vậy mà mình vẫn cứ yêu, để rồi một trận đánh ghen kịch liệt, cánh tay trái của chị bị mụ phang gãy, phải đi nằm viện gần ba tháng trời. Chị thù mụ vợ gã, nhưng rồi lại cứ yêu gã chẳng hiểu ra làm sao cả. Gã bảo chị thế này: “Anh rất yêu em, nhưng anh không thể bỏ vợ anh được, cô ấy là người tốt, đã đẻ cho anh những đứa con xinh xắn. Còn em, dĩ nhiên anh yêu em hơn tất cả những ai có mặt ở trên đời này…”. Thế đấy, chị đã bị tình yêu làm cho mụ mị như kẻ mất trí, chị đã bị tình yêu lường gạt. Người ta ném chị lên cái thung lũng chết tiệt này để giáo dục, để thử thách… Chị căm ghét mình, căm ghét tất cả bọn đàn ông, chúng là một lũ đểu. Biết thế, nhưng rồi chị cứ thích đến gần họ, thích được họ vuốt ve, ôm ấp mà không tài nào cưỡng nổi. Tại sao lại như thế? Chị cũng không biết nữa, dường như tạo hoá bắt bọn đàn bà chúng mình phải như thế, phải khổ đau với những gì mình không có…

Tơn dựa người vào thành xe cỏ, mặt hơi ngước lên nhìn vòm trời vàng đục như ám khói, bất chợt chị quay lại nhìn Sao đang đóng vạy vào vai con bò, cười khẩy.

– Sao à, Kham nó yêu em đấy.

– Chị Tơn…

– Chị không nói đùa em đâu. Đúng thế, em trẻ đẹp và tốt quá. Hắn là kẻ tàn ác, nhưng hắn không thể ác được với những người như em. Chị thèm được như em quá, Sao ạ.

Tơn cúi xuống dứt một ngọn cỏ lên nhấm, hơn tháng nay trông người chị khác quá, da tai tái như người bị bệnh sốt rét, dạo này chị ít ngủ, mỗi đêm phải ba lần chị trở dậy, cứ vật vã và chị luôn thở dài như người đang buồn phiền vì một chuyện gì đó. Chiều qua bắt gặp chị soi gương và mân mê đôi bầu vú của mình, Sao vội lánh đi, cô chợt nhớ đến chị Thân và những người phụ nữ không chồng khác, họ sẽ héo quắt, tâm tính trở nên thất thường và độc ác vì không sinh nở. Sao hốt hoảng buông chiếc vạy rơi xuống đất, cô bước tới bên Tơn, giọng lạc đi:

– Chị Tơn!

Tơn thở dài không đáp, chị lặng lẽ quay đi về phía khe Trám, Sao sững sờ cô không hiểu điều gì vừa xảy ra đối với chị ấy, cô đứng lặng nhìn theo bóng Tơn loãng dần rồi mất hút vào cái màu cỏ úa bạt ngàn của thung lũng. Đang mùa cỏ khô, chỉ ít ngày nữa thôi lửa đốt rừng sẽ lan tới đây, dẫu cố gắng mấy thì họ cũng không thể ngăn giữ được ngọn lửa hung ác sẽ thiêu đốt toàn bộ lớp cỏ kia. Hai tháng nay Sao và Tơn ra công cắt cỏ để dự trữ thức ăn cho đàn bò vào những ngày đông tháng giá mà họ không thể lùa bò ra bãi được. Kham cười gằn mỉa mai khi nghe Sao đưa việc chuẩn bị cỏ khô cho đàn bò: “Xem ra cô đã yên tâm tính chuyện làm ăn lâu dài ở đây, còn tôi có lẽ qua mùa khô này tôi sẽ tếch khỏi đây thôi, báu gì cái chức Trại trưởng trại nuôi bò mà hám”.

Tuy nói vậy, nhưng chính Kham đã tự tay đóng những chiếc xe quệt này. Chuyến cỏ đầu tiên lẽ ra Kham phải đóng vạy và điều khiển bò, nhưng Kham giao cho Sao, những con bò vốn chỉ quen thả rông, chúng lồng lên khi Sao vừa bắt vạy xong, cô bị chúng kéo tuột đi. Chưa một lần cưỡi ngựa, nhưng chắc chắn không giống với việc Sao bị mắc kẹt trên càng xe, mà con bò lại lồng lên như điên. Mặt Sao xanh tái, đất trời bỗng chốc như bị đảo lộn, người Sao nảy tung lên như một trái bóng khi chiếc xe vấp phải gốc cây ném cô xuống đất như hòn đất. Sao không biết ai đưa cô về lều, nhưng cô cảm thấy ghê tởm nụ cười mủm mỉm đầy khiêu khích và mãn nguyện của Kham. Cô tự nhủ: “Cứ đợi đấy, để xem anh cười được bao lâu nữa?”.

Vài ngày sau, Sao bắt những con bò to khoẻ tập kéo xe, cuối cùng chúng đã thua cô. Kham hậm hực vì không hành hạ được Sao, anh ta đổi Tơn sang cắt cỏ, Sao đánh xe chở cỏ về còn anh thả bò. Có tiếng bước chân người đi tới, Sao giật mình quay lại, Kham chọc chọc chiếc gậy đuổi bò xuống đất giọng rời rạc:

– Người ta vừa tin lên thằng Hưng chết rồi, lửa đốt rừng đã thiêu cháy nó cùng với bảy mươi ba héc ta rừng thông…

Sao quăng sợi dây thừng xuống đất, mắt cô tối sầm lại, đất trời chao đảo, cô sụp xuống rồi lại vùng đứng lên, tay chân bủn rủn, cô bước đi được vài bước rồi lại phải ngồi xuống. Con đường từ bãi cắt cỏ trở về lều thường ngày cô chỉ đi gần một giờ đồng hồ, vậy mà bây giờ cô tưởng phải đi hết cả đời mình mà vẫn chưa tới được. Túp lều của những người chăn bò cô đã nhìn thấy kia, mái mốc xỉn, mùa mưa vừa qua dột nhiều chỗ cô phải dặm thêm vài lá tranh y như tấm áo cũ vá những mụn vải mới, trông vừa vụng về vừa kệch cỡm.

Sao không còn nhớ mình đã đi như thế nào, đôi chân cô mỏi rã rời lê lết trên mặt đường một cách khó nhọc để rồi cuối cùng cô cũng tới được lều. Tơn bước từ trong lều ra, Sao ôm chầm lấy chị, giọng khản đặc.

– Hắn chết rồi chị Tơn ơi! Hưng ấy, con người được tất cả chúng ta yêu mến. Em biết anh ấy yêu em, nhưng không dám ngỏ lời, vì anh ấy sợ. Anh sợ cái gì thì em không biết. Bây giờ thì Hưng không còn nữa, lửa đốt rừng đã nuốt mất anh ấy rồi. Sao anh lại ngờ nghệch như vậy, anh xông vào dập lửa để cứu lấy cánh rừng thông mà không để ý vòng lửa đằng sau đang ập tới. Những người dân thấy vậy bỏ chạy hết. Họ quên mất anh… Thế là hết, đời anh bây giờ chỉ còn là một nắm xương…

Sao gục đầu vào ngực Tơn mà khóc, mà kể lể, dường như chính mắt cô nhìn thấy trận cháy rừng khủng khiếp vừa qua. Sao không vào lều, cô đi lang thang trong thung lũng Hua Lanh, đêm sập xuống lúc nào không biết, suốt đêm ấy cô không tài nào ra khỏi thung lũng để đến cái nơi lâm trường Ta Khao chôn cất Hưng…

Sáng hôm sau Sao trở về lều, mặt trời vượt qua dãy Ta Khao chừng hai ba sải tay, vào giờ này mọi hôm họ đã lùa bò ra bãi, hoặc đang ở chỗ cắt cỏ, còn hôm nay các cửa chuồng còn đóng im ỉm, lũ bò đang đánh sừng vào các gióng chuồng lốp cốp, chị Tơn ngồi cú rũ bên bếp lửa. Sao bước vào nhưng chị không thèm quay lại, căn lều bữa nay bừa bộn những nồi niêu, xoong chảo, ba lô của chị Tơn quăng ra giữa giường, đáy ba lô lộn lên, quần áo ném tứ tung, cái trên giường cái dưới đất, như ở đây vừa trải qua một cuộc lục soát. Kham không có nhà, chiếc ba lô của anh ta thường ngày vẫn treo trên vách bây giờ không còn ở đấy nữa, một vũng máu nhầy nhụa còn đọng lại trên giường, Sao rùng mình cô cảm thấy có chuyện chẳng lành. Đặt bàn tay lên vai Tơn, cô hỏi dè dặt:

– Anh Kham đâu rồi hả chị?

Tơn quay lại, ngước dôi mắt u tối nhìn Sao với sự thành thật hiếm thấy.

– Hắn đi rồi, đi từ hồi đêm, có lẽ bây giờ đã vượt qua đèo Ngam Kha…

Chị đứng dậy lôi từ dưới chiếu lên một gói nhỏ, đôi mắt ánh lên vẻ tàn ác, chị mở phanh cái gói đó ra…Sao rùng mình, trước mặt cô là một mẩu thịt xám ngoét, da xoăn xui nhây nhớp máu, trông tựa như của quí của đàn ông. Sao rùng mình lùi lại, cô thoáng hiểu cái gì đã xảy ra ở đây tối qua, mặt cô ngây độn như đắp bằng sáp, miệng há hốc cô định nói với Tơn một câu gì đó nhưng hai hàm răng cứng đơ, mặt cô bạc đi vì sợ hãi.

Tơn bật cười khanh khách, tiếng cười của cô ta nghe vô cùng man dại.

– Đây là cái của quí của thằng Kham. Con quỷ dâm đãng, thật khốn nạn cho những đứa con gái nào trót rơi vào tay nó. Chị cũng vậy, đã đau đớn, khổ sở vì nó. Thằng Kham vừa thô bạo vừa tàn ác, chị sẽ làm cho nó phát điên lên vì từ nay nó không thể trút được những nhục dục trong người cho bất cứ ai – Ném mẩu thịt vào thùng nước rác, Tơn bật khóc nức nở – Sao ơi, thằng Kham đã bỏ đi rồi, nhưng chị không trốn được nó đâu, nó đã cắm vào người chị cái mầm giống của nó. Em nhìn đây – Tơn vạch áo chỉ vào chiếc bụng và đôi bầu vú căng đầy – Chị có thai với nó bốn tháng rồi. Ôi, chúng ta đều là những kẻ khốn nạn, đừng nguyền rủa, đừng bỏ mặc chị ở đây một mình Sao ơi. Đến bây giờ thì chị không dám rời bỏ cái thung lũng khốn kiếp này được đâu. Hãy ra mở cửa gióng chuồng bò đi, xin em đừng nhìn chị như thế, đi đi em, lũ bò đang đói cuồng lên rồi đấy…

Sao bước đi như người mắc bệnh mộng du theo đàn bò ra bãi thả, buổi chiều cô lại theo lũ bò trở về, hôm sau lại như thế, cô ngớ ngẩn như người mất trí chẳng nhớ mình đang làm những gì. Phải hơn một tháng sau trí nhớ của cô mới được khôi phục, cô trở nên ít nói, hai con người lặng lẽ sống bên nhau lủi thủi như hai con rùa. Sao nhớ một hôm khi cô sang bãi thả bắt bò về kéo xe, Kham đỡ Tơn trèo lên lưng một con bò, mặt chị xanh tái nằm rạp xuống hai tay ôm chặt lấy cổ con bò, còn Kham cầm cây gậy vụt cho con bò chạy lồng lên.

– Hê! Hê! Hê!…

Con bò phè bọt mép chạy một hồi thì quỵ xuống, Tơn bắn ra khỏi lưng nó, chị vừa lồm cồm bò dậy Kham lại xốc nách chị đặt lên lưng con bò đang thở hồng hộc, bọp mép phè ra một cách khốn khổ. Sao lẩm bẩm: “Họ sắp điên cả rồi hay sao mà bắt bò chạy như ngựa thế kia?”. Con bò lại vấp ngã, Tơn lại bắn ra lăn lông lốc trên mặt đất, Kham lại nhào tới… làm cả thung lũng huyên náo, đàn bò hoảng loạn chạy tan tác. Lần này thì con bò không thể đứng dậy được nữa, Kham giáng một cú thật mạnh vào đầu nó rồi đuổi bắt một con khác dắt tới chỗ Tơn đang nằm vật ra đất, mặt mày nhợt nhạt vì sợ hãi, chị rít lên co cẳng đạp vào giữa mặt Kham khi anh ta vừa cúi xuống định xốc nách chị lên.

– Thằng khốn, hãy cút đi! Cút đi!…

Kham khựng lại, hắn vung cây gậy toan quật xuống đầu Tơn vừa lúc Sao chạy tới, cô kịp giật được cây gậy trên tay Kham, anh ta nhổ bãi nước bọt lầy nhầy máu về phía Tơn hầm hầm quay đi.

– Mụ biết đấy, chúng ta cần phải rời bỏ nơi đây, tao không thể sống mãi ở cái thung lũng chết tiệt này. Hơn một năm nay đàn bò đã sinh sôi thêm nhiều con nữa, đủ rồi, chúng nó chẳng có lý do gì bắt tao ở lại đây. Mụ Thân đã hứa với lão Mạnh sẽ đưa tao về đội ươm cây trong năm nay. Còn bây giờ nếu thòi cái của khỉ kia ra, chúng có cớ để bắt tao ở đây thêm vài năm nữa, đổ vỡ hết. Không thể như thế được. Mụ muốn giữ hả? Được rồi, chính mụ phải chịu sự nhục nhã chứ không phải tao. Ai bắt được tao? Hả? Bản thân mụ một thời lăng nhăng nên người ta mới tống mụ lên đây chứ?

– Chị Tơn! Sao cúi xuống nắm lấy bàn tay khô gầy của Tơn- Có chuyện gì thế hả chị?

– Chẳng có chuyện gì đâu- Tơn nói giọng hoảng hốt.

Tơn lật người úp mặt xuống cỏ khóc nức nở. Từ hôm ấy Sao lờ mờ đoán hình như có một cái gì đó đang giằng níu giữa hai con người kia, họ co kéo, giằng giật, người nọ bắt người kia phải làm theo ý mình. Bây giờ thì chuyện đã rõ ràng, Sao cảm thấy như người bị mất thăng bằng. Cho đến một hôm Sao cuống cuồng bảo Tơn.

– Bắt đầu từ hôm nay chị không phải theo lũ bò ra bãi thả nữa, với số cỏ khô đã có như hiện nay chị em mình không phải cắt thêm, chị phải ở nhà, còn mấy nữa đâu là đến ngày chị sinh nở. Chúng ta hãy phá những bộ quần áo cũ may áo xống cho cu cậu đi thôi…

– Biết là cu hay là cún hả em? Tơn mỉm cười.

– Em đoán là cu, vì bụng chị lệch sang bên trái nhiều hơn. Mẹ em bảo bụng người chửa lệch sang trái đích thị là con trai, còn lệch sang bên phải là con gái. Chị định đặt cho cu cậu tên gì nhỉ?

– Quê chị các cụ đặt tên theo năm. Ví như: Thìn, Mùi hay Ngọ…

– Lối đặt tên cổ lỗ sĩ, em phản đối – Sao xua tay – Không được! Không được! Phải đặt cho cậu một cái tên thật kêu: Hoàng, Long hay là Ngọc?

Tơn cúi xuống nét mặt trầm ngâm.

– Tuỳ em chọn, nhưng theo chị chúng ta hãy tìm một cái tên nào đó gắn với mảnh đất dữ dằn này.

– Chẳng lẽ gọi cu cậu là Pa Cheo, Ta Khao, hay Huổi Mèn? Ôi, nghe buồn cười lắm – Sao cười ngất ngư – Thôi, ta cứ gọi cu cậu là Núi, Trần Xuân Núi.

– Nhỡ là con gái thì sao? Tơn hỏi lại vẻ băn khoăn.

– Thì cứ gọi là Núi, nghe càng ngộ chị ạ – Sao xoa xoa tay lên bụng chị Tơn giọng hết sức vui vẻ – Khi nào cu cậu biết đi là em bắt cưỡi bò, con bò đen cụt đuôi bây giờ nom hiền lành và khù khờ, thật tội nghiệp cho nó quá…

Bắt đầu từ hôm ấy hai người thường bàn tới chuyện sinh nở. Họ dồn tiền lương ba tháng của cả hai người gửi mua panh, kéo, bông băng, thuốc men… Gần tới ngày sinh Tơn càng yếu, chị gầy và xanh, đi lại khó nhọc hơn, mỗi bữa chị chỉ ăn được lưng cơm, chân lại bị phù. Sao nghe người ta nói những người chửa như vậy là nguy hiểm lắm, bởi thế cô không dám đuổi bò đi ăn xa, cô cho bò ăn quanh quẩn gần trại, lát lát cô đảo về ngó xem chị làm gì, thấy Tơn ngồi nhiều Sao lại kêu lên bắt chị đi đi lại lại đôi chút. Tơn cười hiền lành.

– Chẳng sao đâu, đừng lo cho chị nhiều thế em – Chị thở dài – Chị không thể mường tượng nổi đứa con của chị rồi đây cuộc đời nó sẽ ra sao. Nếu là con gái cầu trời cho nó đừng giống chị, nếu là con trai nó đừng độc ác, tàn nhẫn như thằng Kham. Sao ơi!- Đôi mắt Tơn bạc đi, chị níu lấy cánh tay Sao – Vài tháng trước Kham bắt chị cưỡi bò là hắn muốn cái thai trong bụng chị truỵ ra, nhưng khi ấy chị thèm có một đứa con nên chị cố giữ. Còn bây giờ? Ôi, chị sợ lắm! Không, đừng lo cho chị Sao ơi…

– Nhưng mà chị yếu lắm, da xanh như thế kia. Mẹ em kể ngày có mang em đến ngày sinh rồi mà bà vẫn còn đi cấy, hôm ấy nếu không chạy mưa bão thì bà đã đẻ rơi em ở ngoài đồng. Lạ thật, đến lúc sinh rồi mà bà vẫn chẳng đau đớn gì, chỉ thấy tưng tức ở cửa mình. Còn khi có mang mấy đứa sau em thì bà đau trệt hai bên hông, đau khốn khổ.

– Cũng tại máu mỗi người em ạ…

9.

Gần sáng tàu dừng lại ở ga Thíp lấy thêm nước, một thanh niên từ dưới toa đi lên, tay cầm cỗ tú lơ khơ vừa đi vừa xỉa, miệng lẩm nhẩm như tụng kinh.

– Ai nhanh tay nhanh mắt bắt được quân nào đen, quân nào đỏ… Nào nhanh tay nhanh mắt, xin mời bắt một quân, quân này đen, quân này đỏ…

Người đó ngồi xuống cách chỗ Sao chừng hai hàng ghế, chọn ra ba quân át, hai đỏ một đen, vừa xỉa vừa trải trên sàn toa.

– Mời bà con, xin mời bà con chơi trò nhanh tay nhanh mắt… Đây đen, đây đỏ, đây lại đen…

Một người hành khách di ngón chân vào một quân bài.

– Ông chơi một ván bao nhiêu?

– Tuỳ quí ông phát.

– Năm ngàn. Quân này đen.

– Tôi lưu ý với ông không được chạy non. Đây nhá, hai đỏ một đen, tất cả mọi người đều nhìn rõ nhá. Nào, quân này đen, quân này đỏ và quân này cũng đỏ …

Hắn xoè ba con bài trước mặt người khách, người ấy chỉ vào một quân.

– Tôi đánh quân này. Đỏ, năm ngàn.

Tên cầm cái lật quân bài lên kêu thất vọng.

– Đỏ thật! Hắn rút tiền đưa cho người khách- Xin mời ông chơi tiếp.

– Quân này đen, mười ngàn.

– Đen thật- Tên cầm cái lại kêu lên, hắn lại xỉa bài thoăn thoắt – Ông đoán đúng quá, nào mời ông chơi nữa.

– Quân này đỏ- Người khách hấp tấp chỉ vào quân bài giữa mà ông đoán chắc đó là quân đỏ- Mười ngàn.

– Quân đen – Tên cầm cái lạnh lùng – Lần này thì ông đoán trật rồi, nhưng mà tôi vẫn thua ông…

Những người xung quanh đó xúm lại, họ cùng reo lên khi thấy quân bài vừa lật lên là đen.

– Chơi tiếp ván nữa- Người khách có vẻ cay cú- Tôi đánh quân này, đỏ năm mươi ngàn.

– Đen! Trời ơi lại đen…

– Mình nhìn rõ đó là quân đỏ kia mà – Người khách thất vọng – Khi lật ra lại hoá đen là thế nào nhỉ?

Tiếng cãi cọ làm người thanh niên ngồi đối diện với Sao choàng dậy, anh chuyển tấm áo choàng cho cô gái rồi bước tới đám đánh đỏ đen, anh xem một lúc rồi nói lớn.

– Ông đánh quân bên trái đi, đen đấy.

Một người râu ria đen sì đứng bên cạnh quay sang nhìn người thanh niên kia trừng mắt, giọng đe nẹt.

– Này đừng cái kiểu cờ ngoài bài trong nhé, ông sướng thì vào chơi, chứ đừng đứng ngoài có lối mách nước như thế. Nếu có tiền thì ông vào đánh đi.

– Thì đánh. Tôi đánh quân trái, đen. Một trăm ngàn.

Tên cầm cái ngước nhìn người thanh niên có vẻ đắn đo. Nhiều người hét lên: “Quân đỏ, không phải quân đen”. Tên cầm cái tay run run lật quân bài lên.

– Quân đen thật.

– Đánh tiếp đi ông- Mặt tên cầm cái sầm tối, hắn móc số tiền trong túi ra đưa cho người thanh niên- Không ăn non ông bạn nhá, ông phải đánh để tôi gỡ…

– Được rồi, tôi sẽ chơi với ông đến cùng- Người thanh niên nói với vẻ tự tin- Quân bên phải, đỏ. Một trăm ngàn.

– Đen rồi- Mọi người kêu lên khi quân bài vừa lật ra.

Người thanh niên trở nên hăng máu, anh ta thọc tay vào túi quần rút thêm mấy tờ bạc mới cứng chỉ vào quân bài giữa, đôi môi run lên vì giận dữ.

– Quân này, đỏ. Năm trăm ngàn.

– Lại đen. Trời! Sao mà kỳ thế.

Cô gái vội bước tới nắm lấy tay người thanh niên lắc mạnh.

– Anh chơi đỏ đen à? Không được đâu, họ sẽ lừa anh mất thôi…

– Tránh ra, đồ đàn bà. Việc này không bận tới cô, hiểu chưa. Tôi đặt tiếp năm trăm ngàn đây, quân này đen. Để nguyên tay đấy, không được xê dịch đâu nhá, mọi người cùng nhìn kỹ hộ cái…

– Trời, lại đỏ.

Cô gái nhào tới, giật lấy cánh tay người yêu.

– Em van anh. Chúng nó sẽ lột hết quần áo của anh mất thôi.

Người con trai quay lại trừng mắt.

– Đang thua đây, đừng có lôi thôi, tôi cho cái tát bây giờ. Tránh ra…

– Không được, anh không được chơi – Cô gái gào lên.

– Đẹp mặt đấng quân tử chưa, bị vợ mắng trước bàng dân thiên hạ…

– Nhục lắm anh bạn đi tây ạ…

– Máu me với đám đỏ đen này chỉ có chết.

– Quân này, đỏ- Người thanh niên hình như không nghe được những lời bàn tán xung quanh, anh ta rút chiếc nhẫn vàng đặt vào quân bài phía tay phải- Cược cái nhẫn hai chỉ đây.

– Đen rồi! Ai đó kêu lên. Muốn đỏ mà không được đỏ, thế mới ác chứ…

Cô gái vội dúi cái ví vào tay Sao, nhưng không kịp anh ta đã nhào tới giật chiếc ví đó.

– Đưa tôi để tôi chuộc lại chiếc nhẫn…

– Không, em van anh. Đấy là tiền mẹ cho em đi sắm áo cưới.

– Tôi sẽ trả. Đừng can, xúi lắm…

– Bọn này sẽ cướp hết tiền của chúng ta thôi. Ngày mai lấy tiền đâu trở về?

Cô gái níu lấy tay người con trai, giọng van nài. Anh ta hầm hè hất tay người yêu ra, khiến cô ngã xoài trên sàn toa.

– Cút đi, đồ dở hơi. Đừng có ám. Tôi đánh ba triệu con này…

Sao nhào tới đỡ cô gái lên, mặt cô vập xuống sàn toa nhoà máu.

– Cô ơi…

Sao lấy vạt áo lau máu trên gương mặt cô gái.

– Cô ơi, cháu chết mất- Cô gái vừa ôm mặt vừa khóc.

– Cầu cho anh ta gỡ lại được- Sao an ủi.

Người con trai đang cay cú.

– Đánh nốt chiếc quần bò này. Quân giữa, đỏ.

Mọi người nhất loạt kêu lên.

– Lại đen…

– Lột quần ra ông bạn, nhanh lên…

Mặt người con trai trắng bệch.

– Cho tôi xin. Chẳng lẽ các ông bắt tôi cởi truồng sao?

– Không can hệ gì tới chúng tao. Lột mau- Tên có bộ râu đen sì quát lớn.

– Các ông…

Tên đứng phía sau, chính là người khách đầu tiên tham gia đánh bạc, lúc này đã hiện rõ là kẻ cò mồi, hắn giáng một quả đấm vào gáy người thanh niên làm anh ta ngã dúi xuống sàn tàu. Những quả đấm tới tấp giáng xuống mặt anh ta… Cô gái nhào tới, xô một tên đang giơ chiếc gậy toan bổ xuống đầu người yêu của cô.

– Không được đánh anh ấy, tôi gọi công an bây giờ…

Tên cầm gậy quay lại đạp cô ngã dúi dụi vào đám hành khách. Một tên đã khoá được tay người thanh niên, chúng bâu lại lột chiếc quần bò ra khỏi người anh ta. Ai đó kêu lên.

– Công an. Công an đến đấy…

Đám đánh bạc tản ra. Tên cầm cái lao qua đầu mọi người, vọt ra cửa sổ. Hai tên lao theo.

Người thanh niên thua bạc nồng nỗng trở về chỗ ngồi. Hai người cảnh sát đi tới hỏi trống không.

– Ở đây vừa chơi đỏ đen phải không?

– Bọn chúng chạy cả rồi – Ai đó đáp – Kìa, chúng đang ở dưới sân ga kia.

Hai người cảnh sát thản nhiên đi qua. Một người nói.

– Lại bọn thằng Dũng trố. Đuổi dưới ga chúng lên tàu, đuổi cuối tàu chúng lên đầu tàu. Chịu thôi. Cờ bạc tiêu cực bây giờ quá lắm, đi đâu cũng thấy…

Cô gái lôi chiếc túi du lịch từ dưới gầm ghế lên, mở phéc-mơ-tuya lấy một chiếc quần đưa cho người yêu. Giọng cô đầy nước mắt.

– Anh mặc tạm chiếc quần này kẻo bị cảm lạnh.

Người con trai lặng lẽ mặc quần. Mặt anh ta cúi gầm xuống, vừa lục tìm cái gì đó trong chiếc túi du lịch vừa lẩm bẩm: “Hãm thật, suốt mấy tháng nay mình như có ma ám…”. Nhét vội mấy thứ gì đó vào túi quần, anh ta đứng dậy đi ra phía đầu toa, cô gái vôi níu lại.

– Anh đi đâu vậy?

– Cô hỏi để làm gì? Anh ta sẵng giọng – Tôi đi đâu là quyền của tôi…

– Anh!…

– Chúng ta chia tay nhau ở đây.

– Anh bảo sao? Chia tay à? Người con gái ngơ ngác hỏi lại – Còn các bạn, chúng ta không tới thăm họ sao?

– Đó là việc của tôi…

– Không, em sẽ đi cùng anh tới đó…

Sao đứng dậy nắm lấy tay cô gái. Cô vội giằng ra, đuổi theo người con trai, vừa chạy vừa khóc tức tưởi.

Con tàu kéo một hồi còi dài rồi tiếp tục chuyển bánh.

10.

Sao nhớ lại mùa khô năm ấy, trước lúc thằng Núi ra đời…

Lửa cháy rừng ngút lên khắp các triền núi. Bầy thú rừng dạt lên thung lũng Hua Lanh, đêm đêm quanh chiếc lều của họ rền vang tiếng hổ gầm, tiếng chó sói tru lên nghe thật man rợ.

Buổi sáng chờ cho sương tan Sao mới lùa bò ra bãi, còn buổi chiều mặt trời chưa lặn cô đã lùa bò về. Sao không dám đuổi bò đi ăn xa, bởi bầy chó sói và lũ hổ thường rình rập trong các lùm cây hay các khe núi, hở cơ là chúng xông ra, thế là một con bò bị chúng lôi đi. Bầy chó sói và lũ hổ đói xúm vào xâu xé con vật ra làm nhiều mảnh. Lúc Sao tìm được thì con bò chỉ còn lại một khúc ruột lầy nhầy, hay bốn cái chân và bộ da lướp tướp đầy máu me.

Tháng chạp mất thêm hai con nữa, vậy là chúng đã bắt đi tám con. Cô đã báo cho lâm trường, nhưng lâm trường chưa điều được ai lên thay Kham.

Sao rào lại chuồng trại, đặt ở các góc rào nào mõ, ống bơ, kẻng… Mỗi đêm cô dậy vài ba lượt đi khắp hai dãy chuồng, kiểm tra các gióng chuồng, giật dây khua mõ xua đuổi lũ thú rừng lảng vảng quanh trại.

Chiều nào Sao cũng mải mê đuổi theo lũ bê con cứ lồng lên chạy khỏi đàn để kiếm cỏ non.

Đêm mùa đông rét mướt có nhiều sương muối. Cây cỏ vàng cháy, thung lũng Hua Lanh trơ trụi, dẫu chúng có chạy khắp thung lũng cũng không thể kiếm được dù chỉ một cọng cỏ non.

Nhìn lũ bò gầy còm lòng Sao thắt lại. Đêm nào cô cũng ôm cỏ khô và rảy nước muối cho chúng ăn, nhưng vẫn không làm chúng nguôi nhớ mùi cỏ tươi. Cô gào lên: “Ê, ê… đừng có chạy như thế, lũ hổ và bọn chó sói đang rình chúng mày đấy”. Nhưng lũ bò ngu đần kia làm sao hiểu được lời cô, chúng cứ chạy nhông nhổng vào sâu các khe núi.

Chiều ấy về tới nhà Sao kiểm thấy thiếu con khoang già đang chửa. Con khoang già ít khi tách ra khỏi đàn, chắc nó rớt lại vì không theo kịp đàn chăng? Sao vội vàng đóng các gióng chuồng rồi quay lại bãi thả, vừa đi cô vừa nghĩ “Có khi cô nó tìm chỗ đẻ chăng?”. Cô tìm khắp bãi vẫn không thấy tăm hơi nó đâu, hay thú rừng ăn thịt nó rồi. Nhưng sao không thấy vết máu, có nghĩa là nó còn quanh quẩn đâu đây.

Chợt Sao nhìn thấy dấu chân của nó đi vào khe Trám, không cần nghĩ ngợi gì thêm, cô cứ theo dấu chân của nó, chạy theo.

“Mày đi vào đó làm gì hở khoang, mày xót ruột quá phải đi tìm cỏ non hả? Làm gì còn cỏ non nữa, sương muối làm cây cỏ rạc xác xơ rồi. Hay mày đi tìm chỗ đẻ? Bọn thú rừng chẳng tha mẹ con mày đâu. Quay về đi khoang ơi, quay về đi…”.

Sao cứ đi cho tới khi bóng tối ập xuống làm cô không còn nhận ra những dâu chân của nó nữa, cô mới quay về.

Bóng đêm tai ác lấp luôn cả đường về của cô. Sao quanh quẩn một lúc lâu mà vẫn không sao ra khỏi khe Trám. Đêm tối, giữa bốn bề núi rừng tiếng chó sói tru nghe vô cùng rùng rợn. Trong tay không một tấc sắt, Sao cứ nhằm hướng khu trại chăn nuôi mà băng tới. Càng đi cô càng thấy con đường thăm thẳm, cây cối mỗi lúc mỗi rậm rạp hơn.

Sao biết mình bị lạc nhưng cô không đủ can đảm để quay lại lối cũ. Bầy chó sói và lũ hổ đã đánh hơi thấy cô, chúng đang bám theo cô từng bước, chỉ cần sơ ý là chúng bâu lại xé cô ra hàng trăm mảnh.

Ôi, thế là sắp đi đời rồi Sao ơi… Hai mươi mốt tuổi, chưa làm được việc gì ra hồn… Mẹ có biết giờ này con đang lang thang ở đây không? Hôm ra đi, con đã hứa sẽ không làm bất cứ điều gì khiến bố mẹ phải hổ thẹn, nên con cũng không thể rời bỏ nơi này như một kẻ đào ngũ…

Bỗng dưng, Sao nhìn thấy một đốm lửa le lói bên kia sườn núi. Cô mừng quýnh, thì ra khu trại chăn nuôi của cô nằm ở phía ấy. Cô bắc loa lên miệng gọi thật to.

– Chị Tơn ơi… Chị Tơn ơi…

Núi đáp lại cô câu vừa gọi: “ Chị tơn ơi… Chị Tơ…ơ…ơ…ơn…”.

Cô gọi mãi mà chả thấy chị Tơn thưa. Lũ chó sói càng bám theo cô ráo riết hơn. Sao hình dung những con chó sói mình thon lông xám đang thè những cái lưỡi đỏ lòm và hai hàm răng trắng nhọn hoắc lao về phía cô, chỉ chờ cô sụp xuống hay tuột cái gậy trên tay là chúng lao vào xé toang lồng ngực cô: “Thịt mày sẽ thay thế cho những con bò trong cái dạ dày lép kẹp của chúng tao…”…

Tiếng bước chân của chúng đạp rào rào trên lá nghe gần lắm. Hình như vài con đang chạy lên phía trước đón đường, chúng vừa chạy vừa ngoái lại, đôi mắt như hai cục than đỏ rực lên trong bóng tối đầy khát thèm.

Gần tới trại rồi, Sao nghĩ thế, bởi ánh lửa cách cô không còn bao xa… Nhưng sao căn lều trước mặt cô không phải là lều của bọn cô, bởi xung quanh lều cô ở có một hàng rào bao quanh. Dẫu đêm tối cô vẫn nhận ra bên trái lều của cô là cây thông già, cành lá trơ trụi, trông giống một ngọn dáo khổng lồ chĩa lên trời. Còn căn lều trước mặt cô lại lẩn khuất sau những tảng đá và dưới những lùm cây.

Cô đã lạc tới một chốn nào đó rồi…

Sao dừng lại cố định thần điều gì đó. Chỉ chờ có thế, con chó sói từ phía sau chồm lên chụp hai hàm răng nhọn sắc xuống gáy cô. Sao vội ngồi thụp xuống, con vật lỡ đà lao vọt qua đầu cô. Một con khác từ phía trái xông tới. Sao giơ cái gậy đuổi bò lên, con sói cắn phập vào đó, hai chân trước của nó đạp toạc lưng áo cô. Sao hất con vật sang bên, bật dậy lao về phía ánh lửa, vừa chạy vừa kêu thất thanh.

– Cứu! Cứu tôi với…

Lũ chó sói tản ra nhưng rồi chúng lập tức nhâu vào. Một con đớp vào gấu áo cô, cô xoay người lại giáng gậy vào lưng con vật, khiến nó khuỵu xuống quay tròn trên mặt đất.

Tiếng kêu của con bị thương làm lũ sói chững lại. Trong bóng tối. Sao nhìn rõ những hàm răng trắng nhởn và những tiếng rú rít khàn khàn bâu quanh.

Vừa khua chiếc gậy về phía chúng, Sao vừa lao thốc vào căn lều trước mặt.

– Cứu tôi với… ới…

T.S

(Còn tiếp)

Comments are closed.