Nguyễn Gia Trí: Người họa sĩ đã nhìn ra khả năng kỳ diệu của sơn mài

Kỷ niệm 19 năm ngày giỗ 20 tháng 6 năm 1993 – 20 tháng 6 năm 2012

Đinh Cường

clip_image001

Họa sĩ Nguyễn Gia Trí

22.06.2012

Bí quyết của nghệ thuật là không cố ý làm gì cả.

Để cái mờ, giữ cái bóng. Sơn dầu khác với sơn mài là không có cái bóng. (Họa sĩ Nguyễn Gia Trí nói về sáng tạo, họa sĩ Nguyễn Xuân Việt ghi lại, nhà xuất bản Văn Học 1988)

Tìm hiểu văn hóa của một đất nước không thể không nghiên cứu đến những tác phẩm hội họa, Nguyễn Gia Trí là một trong những tên tuổi hàng đầu của hội họa Việt Nam hiện đại. Ông sinh năm 1908 tại một làng quê nghèo bên sông Hồng, thuộc Tràng An, Thường Tín, Hà Đông (Bắc Việt), trong một gia đình làm nghề thêu phẩm phục triều đình.

Nguyễn Gia Trí pháp danh Thiện Trân do tuổi già yếu sức sau khi bị liệt thân thể do xuất huyết não, đã mất lúc 22 giờ 30 ngày 20 tháng 6 năm 1993, tại nhà riêng số 493 Nguyễn Kiệm, Quận Phú Nhuận, Sài Gòn, thọ 85 tuổi. Sau đám tang có lẽ không muốn thấy những kỷ niệm nhắc nhở đến người chồng thương yêu của mình, bà Trí đã bán căn nhà sau này và dọn đến đường Trương Minh Ký. Ông ra đi mới đó mà đã gần hai mươi năm…

Nguyễn Gia Trí tốt nghiệp Trường Mỹ Thuật Đông Dương (l’École des Beaux- Arts de l’Indochine) khoá 7 (1931-1936) cùng khóa với Lưu Văn Sìn, Trần Văn Cẩn… đúng ra ông vào học khóa 5 nhưng bỏ dở, ông Giám Đốc Victor Tardieu đi tìm khuyên ông trở lại học, và ông đã trở thành một họa sĩ bậc thầy về tranh sơn mài. Bức sơn mài lớn “Cảnh Thiên Thai” được viên Toàn Quyền Decoux đặt làm để treo trong Dinh Toàn Quyền Đông Dương tại Hà Nội, nghe nói đến nay vẫn còn treo nguyên chỗ cũ, hiện là Phủ Chủ Tịch, Hà Nội.

Nguyễn Gia Trí không phải người Công Giáo nhưng ông đã để lại những tác phẩm về Công Giáo thật giá trị tại một vài nhà thờ ở Sài Gòn, như bức Giáng Sinh vẽ năm 1941 hiện được lưu giữ tại Dòng Mai Khôi đường Tú Xương, Sài Gòn là một bức rất quý.

Từ những năm đầu của thập niên 30, khi còn là sinh viên, ông đã tìm tòi, sáng tạo để đưa sơn mài ra khỏi những công thức cổ truyền. “Nguyễn Gia Trí thể hiện một góc bờ Cửa Tùng với nền trời đỏ, nước đỏ, màu của sơn cánh gián pha son tươi, trên bờ cát có rặng phi lao nền đen rắc bạc tả khóm lá và chính giữa bố cục có một chiếc thuyền gỗ úp sấp phơi bụng có đắp nổi và rắc vàng pa-tin (patiner)… Áp dụng các sắc độ khác nhau của vàng bạc vụn rắc lên sơn, của bột sơn pha đậm nhạt, Nguyễn Gia Trí đã thể hiện một bộ bình phông cỡ trung bình “Cảnh Làng Quê” trên nền sơn đen tuyền với ngọn cau cận cảnh thể hiện các gam vàng vụn rắc pa-tin. Ở trên nền trời xa có những ngọn tre bay theo chiều gió và trên đường làng qua một cái cổng chống bằng tre có ba thiếu nữ gánh gạo đi như chạy tà áo phất phới bay…” (Phạm Đức Cường – Kỹ Thuật Sơn Mài, trang 12-13 nhà xb Văn Hóa 1992).

Cùng thời kỳ đó, các họa sĩ Trần Văn Cẩn, Nguyễn Tường Lân, Nguyễn Tiến Chung, Hoàng Tích Chù cũng cho ra đời tranh vỏ trứng trên nền đỏ tuyền. Mỗi tác giả đều tìm tòi một kỹ thuật cho riêng mình. Nhưng những tác phẩm sơn mài của Nguyễn Gia Trí trưng bày tại Triển lãm Mỹ thuật của Trường Mỹ thuật Đông Dương năm 1939 đã gây một sự bất ngờ lớn trước công chúng vì tranh sơn mài khó thành công bởi dễ lẫn lộn giữa mỹ nghệ và hội họa.

Tô Ngọc Vân (bút hiệu Tô Tử) nhận định về tranh sơn mài của Nguyễn Gia Trí như sau: “Đến cuộc thí nghiệm của Nguyễn Gia Trí, lối Sơn Ta không còn là một mỹ nghệ nữa. Ở óc, ở tâm hồn người làm ra nó đã được nâng lên mỹ thuật thượng đẳng. Nghệ thuật của Nguyễn Gia Trí là ý tưởng tình cảm của Nguyễn Gia Trí đúc lại, một nét, một vết, một màu đều ở tay nghệ sĩ mà ra. Đứng trước những tác phẩm ấy người ta cảm thấy tất cả cái băn khoăn yêu muốn khoái lạc – thứ nhất là khoái lạc của Nguyễn Gia Trí.”

Cũng như sơn dầu, tranh sơn mài cũng phải nói lên được cảm xúc, trí tưởng mạnh mẽ bằng một kỹ thuật độc đáo riêng, không ước lệ, mà bằng tiếng nói mãnh liệt của sáng tạo. Tô Tử viết tiếp: “Trên những màu hồng nhợt biến hóa, những sắc nâu ngon thiệt là ngon, những vỏ trứng như đổi cả thể chất thành quý vật, vài nét bạc, vài nét vàng sáng rọi, rung lên, rít lên như tiếng kêu sung sướng của xác thịt khi vào cực lạc. Chàng nghệ sĩ ấy yêu tấm sơn như ta có thể yêu một người đàn bà. Lúc âu yếm bằng những nét vuốt ve mềm mại, lúc dữ dội bằng năm bảy nét quẹt mạnh, dập tung, cào cấu. Vạn vật đối với nghệ sĩ chỉ đáng yêu có sắc và hình.” (Tô Tử – Nguyễn Gia Trí và Sơn Ta, báo Ngày Nay 146 – 21 tháng 1, 1939)

Từ 1940 trở đi, tranh sơn mài của Nguyễn Gia Trí được bố cục bởi cảnh và những thiếu nữ diễm lệ, đài các của Hà Nội thời đó, những thiếu nữ tân thời trong truyện của các bạn văn ông trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Sau đó ông cộng tác với nhóm nàv, viết và vẽ cho hai tờ Phong Hóa và Ngày Nay… Năm 1942, hội Quảng Trị (Huế) có xuất bản “Tập Văn Họa Kỷ Niệm Nguyễn Du“, Nguyễn Gia Trí đã đóng góp một họa bản sinh động “Khi tỉnh rượu lúc tàn canh“. Tập thơ văn này được in trên giấy quý, với lời ghi: tiền thu được dùng về việc sửa mộ và dựng đài kỷ niệm tác giả Đoạn Trường Tân Thanh tại làng Tiên Điền.

Tại “Salon Unique 1943” dân chúng Hà Nội đã hãnh diện với những tác phẩm hội họa của các họa sĩ Việt Nam, nổi bật là những tác phẩm sơn mài của Nguyễn Gia Trí, gây được tiếng vang lớn. Theo Tô Ngọc Vân: “Danh từ sơn mài (laque) là một danh từ mới đặt sau này để chỉ một kỹ thuật trước kia gọi là Sơn Ta nhưng đã biến hoá hẳn do nghệ thuật mài sơn. Kỹ thuật Sơn Ta cũng tương tự như sơn Tàu, có từ đời nhà Hán” [1]. Sử dụng cùng với Sơn Ta một nguyên liệu là sơn sống. Chất sơn sống này, ở nước ta, miền Phú Thọ sản xuất rất nhiều và vẫn bán sang Tàu cùng Nhật. Từ năm 1931 trở về trước, công dụng Sơn Ta cũng như Sơn Tàu ở Tàu và Sơn Nhật ở Nhật là phủ lên đồ vật làm nó tôn vẻ lộng lẫy, lên những vật dùng thường như cái khay, cái tráp, đôi guốc…đồ thờ như hương án dài, bát đĩa…đồ trang trí như câu đối, hoành phi, bình phong… màu sắc đại để có: son, đen, nâu cánh gián, vàng bạc theo cổ truyền. Nói rõ ra, Sơn Ta chỉ có công dụng trang trí, địa vị là ở trong trang trí. Mặc dầu ở Nhật, nghệ thuật sơn có tế nhị hơn cả, nhưng chưa một nước nào nghĩ đến tìm tòi, sử dụng nguyên liệu sơn một cách khác cổ truyền, phiêu lưu trong nghệ thuật sơn để tìm một con đường nào tăng phẩm giá mỹ thuật sơn bằng cách phát minh thêm khả năng của nó…

Song, từ 1931 trở đi, nhờ sự tìm tòi thiết tha của một số họa sĩ có tài bỏ sơn dầu để chuyển hẳn về sơn mài, Sơn Ta đã vượt được ra ngoài nơi cầm hãm, ngang nhiên trên đường bao la của hội họa, cứ phương trời xa lạ mà tiến. Từ cái tráp, chiếc guốc, nó vượt lên bức họa lồng khung quý giá, từ một phương tiện phụ thuộc làm tôn vẽ đồ vật, nó trở nên một phương tiện độc đáo diễn đạt nổi tâm hồn người nghệ sĩ, một phương tiện lấn át cả Sơn Dầu. Quên dĩ vãng Sơn Ta đổi tên nhũn nhặn là Sơn Mài.” (Thuyết trình đọc trước Hội Nghị Văn Hóa Toàn Quốc năm 1948. In lại trên báo Văn Nghệ, số 5 tháng 9-1948).

Nguyễn Gia Trí với năng lực sáng tạo dồi dào, là một trong những họa sĩ có tài đã từ bỏ sơn dầu để định hình cho mình một bút pháp và phong cách riêng trong nghệ thuật sơn mài. Ông cũng là người cùng hoạt động trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn “…Cũng trong thời kỳ này (1933), anh Tam (nhà văn Nhất Linh) lập nhóm Tự Lực Văn Đoàn cùng Khái Hưng, Hồ Trọng Hiếu (Tú Mỡ), Thế Lữ, Hoàng Đạo, Thạch Lam và Nguyễn Gia Trí, sau có thêm Nguyễn Cát Tường tức họa sĩ Le Mur…” (Nguyễn Thị Thế – Hồi ký về gia đình Nguyễn Tường, trang 117).

Theo Trương Bảo Sơn, một đồng chí trong Việt Nam Quốc Dân Đảng thì “Khoảng cuối thập niên 30, anh cùng Nguyễn Tường Tam, Nguyễn Văn Luyện, Khái Hưng Trần Khánh Dư, Hoàng Đạo Nguyễn Tường Long thành lập đảng Đại Việt Dân Chính. Đảng này đã bị Pháp khủng bố, Nguyễn Tường Tam đã phải chạy sang Trung Hoa, Nguyễn Gia Trí bị Pháp bắt đày lên Sơn La, một nơi nổi tiếng nước độc. Bọn thực dân và tay sai đã tra tấn, hành hạ anh khiến anh mang bệnh phổi và run tay. Chúng còn dùng một vòng sắt đóng đai lên đầu anh, gây thương tích nặng.” (Tiếc thương Nguyễn Gia Trí, Trương Bảo Sơn – Tạp chí Nắng Mới, số 24 tháng 9-1993). Sau này ông còn bị đưa vào an trí tại Thủ Dầu Một. “Nếu không bị Tây cầm chân một nơi, chắc tôi đã không đủ kiên nhẫn ngồi một chỗ để mà làm việc này” (Nhã Ca Hồi Ký, trang 508, nhà xb Thương Yêu 1991).

Ông cũng từng lưu lạc qua Hồng Kông, đã vẽ nhiều tranh phong cảnh bến tàu Hồng Kông bằng sơn dầu rất đẹp. Ông rời Hồng Kông năm 1952 về Sài Gòn, lập gia đình với bà Nguyễn Thị Kim là em họ vợ họa sĩ Lemur Cát Tường (áo dài Lemur) năm 1955 và sống cho đến ngày mất.

Thời kỳ trước 1954, ông sáng tác nhiều tranh sơn mài cỡ nhỏ, đáng kể nhất: Khỏa thân, Về chợ, Bên Hồ Gươm, Bờ Hồ Hoàn Kiếm, Thiếu Nữ Và Hoa Phù Dung, Bên Hoa Phù Dung, Chùa Thầy, Đèn Trung Thu, Thiếu Nữ Bên Hồ Sen, Vườn Xuân, Ai Mua Rươi Ra Mua

Tranh ông được nhiều người Pháp sưu tập thời đó, kể cả nhiều tranh gần như chưa vẽ xong, hoặc những phác thảo có ký tên tác giả. Sau 1954 tới 1975, nhiều tranh quý của ông được nhiều người sưu tập, thường nằm trong những biệt thự sang trọng, bộ tranh sưu tập của bác sĩ Bùi Kiến Tín (chú họ nhà thơ Bùi Giáng) treo trong hãng dầu cù là Macphsu trên đường Trương Minh Giảng là một trong những bộ tranh quý.

Những năm 1980, Việt kiều về nước săn tìm mua tranh Nguyễn Gia Trí, một thời gian sau có lệnh cấm của chính quyền, tranh Nguyễn Gia Trí được liệt vào hàng tài sản quốc gia (nhưng nhờ hối lộ vẫn đem đi được bằng nhiều cách). Thời kỳ “cởi trói, đổi mới” những năm 1989, Bộ Văn Hóa Thông Tin (trong cuốn Văn Hoá Việt Nam) chính thức công nhận ông là một trong mười họa sĩ đương đại có công xây dựng nền nghệ thuật tạo hình hiện đại Việt Nam.

clip_image002

Những thiếu nữ trong vườn, 1957 / 100 x 64 cm

Năm 1991, ông được mời ra Hà Nội dự lễ kỷ niệm 65 năm thành lập Trường Mỹ thuật Đông Dương, sau đó, UBND thành phố HCM đã mua bộ tranh “Vườn Xuân Trung Nam Bắc” của ông với giá 600 triệu đồng VN (tương đương 100.000 dollars) để trưng bày trong Bảo Tàng Mỹ Thuật Thành phố. Bộ tranh được Thái Tuấn ghi lại: “Trong những ngày tháng mà đời sống miền Nam bị xáo trộn, sự giao thiệp và đi lại của anh còn hạn chế hơn nữa. Kể từ đó anh không còn nghĩ đến việc sáng tác. Nơi xưởng sơn mài của anh, vật liệu ngổn ngang, những bức họa đang làm dở được che lại. Tôi đã trông thấy trên tường một bức sơn mài lớn, khoảng 12 thước vuông, vẽ gần xong. Anh cho biết bức ấy của một nhà doanh nghiệp đặt anh, song lúc đó ông ta đã đi Pháp, anh rất bận tâm về việc giải quyết bức họa. Tôi bàn với anh, liên lạc với người đặt vẽ, và giúp anh chụp lại bức họa bằng một cuốn phim màu. Sau đó được anh cho biết người đặt tranh đã nhường quyền sở hữu bức họa cho anh. Khi tôi rời khỏi đất nước (Thái Tuấn đi Pháp năm 1985), bức hoạ vẫn còn trong tình trạng chưa hoàn tất.” (Họa Sĩ Nguyễn Gia Trí – Thái Tuấn, Thế Kỷ 21 số 23 tháng 3.1991).

Với một họa sĩ cả đời cống hiến cho nghệ thuật như Nguyễn Gia Trí, không màng tiền tài danh vọng. “Ngay cả trong thời gian khó khăn nhất, tôi cũng có thể thành triệu phú, nhưng tôi quý trọng tự do hơn tiền bạc. Để sống tự do và lương thiện, để được sáng tạo nghệ thuật, tôi có thể chỉ sống đạm bạc qua ngày mà vẫn vui lòng.” Đó là tâm sự của ông với bạn là nhà thơ Đoàn Phú Tứ (Họa sĩ Nguyễn Gia Trí và sơn mài – Bùi Quang Ngọc, Tạp Chí Mỹ Thuật tháng 12, 1991).

Bây giờ thì người họa sĩ bậc thầy, hiền đức và phẩm cách đã nằm yên nghỉ tại nghĩa trang miền Vĩnh Nghiêm, Tân Phước Hiệp, Hóc Môn, ngoại ô Sài Gòn. Hình ảnh ông ghi mãi trong tôi: một vóc dáng nhỏ nhắn trong một đầu óc thâm sâu, khoáng đạt, mãnh liệt. Những kỷ niệm rất quý là lần gặp ông trong bộ bà ba lụa màu mỡ gà đến thăm anh Thái Tuấn trong con hẻm Bến Tắm Ngựa, Thái Tuấn có vẽ bức tranh sơn dầu lớn: Nguyễn Gia Trí ngồi dưới giàn hoa… thanh thoát lạ thường, bức tranh sau đó bán cho họa sĩ Nguyễn Văn Trung, không biết anh Trung có mang theo qua California, và lần cùng anh Thanh Tâm Tuyền ghé thăm ông tại căn nhà 26/8 đường Công Lý nối dài, ông ngồi lọt thỏm trong chiếc ghế mây rộng, anh đã làm bài thơ đầy cảm xúc, đầy ấn tượng khi vừa đi tù về:

Quanh co đường hẻm

giữa sáng Chủ Nhật

đến gặp bất ngờ một Thiền Sư

Ngồi im

lắng nghe

và ngắm

Sét đánh bao giờ

hằn dấu sẹo trắng nửa sọ trái

Chiếc đầu nghiêng cúi

Đôi tai dài vểnh đón nghe

lời trên môi buột thốt

Đôi mày tối rậm

lấp lánh ánh trắng những ngày tới

Và những ngón tay tự run rẩy

Buông tiếng cười ròn tan

như nắng đùa trên dàn hoa giấy

lẫn trong tiếng xe cộ trẩy hội ồn phố xa

Chiều mưa tầm tã

Mùa mưa đến sớm hơn mọi năm

Trời thâm xám sũng gió

như manh áo rạn lấm lem sơn

Khoác thân mảnh khảnh người gặp thăm

Ngày tối rữa

trong mưa thoắt im.

(chân dung họa sĩ ngt ngày về thăm – thanh tâm tuyền – Thơ Ở Đâu Xa, Trầm Phục Khắc xuất bản, cơ sở Văn phát hành 1990, trang 73-74)

Trong bức thư cuối cùng của Van Gogh gởi cho em trai, đề ngày 27 tháng 7-1890, Van Gogh viết đôi lời tuyệt bút: “…Về tác phẩm của chính đời mình, anh đang đánh cả một ván đời mình cho nó, và cả thần trí của anh gần như sụp đổ, nửa chừng đứt đoạn rụng rơi…” Họa sĩ Nguyễn Gia Trí không nửa chừng đứt đoạn rụng rơi mà ông đã đánh cả ván đời mình cho những tác phẩm sơn mài mang gam màu Nguyễn Gia Trí, không thể lẫn lộn. Những tác phẩm đã nằm im trong một không gian và thời gian vĩnh cửu. Đâu đó trong các Viện Bảo Tàng, trong những nhà sưu tập khắp nơi, kể cả hàng trăm bức ghi chép (sketch) trên giấy báo.

Ông không có môn đệ nào. Ông đi trên đường nghệ thuật một mình. Nghệ thuật với ông là một định mệnh…

Trưa nay nóng gắt, những dòng chữ viết về ông không đầy đủ. Bây giờ còn lại cụ bà, tuổi già sức yếu nằm một chỗ từ hơn nửa năm nay và người con trai nuôi. Chúng ta có thể làm gì được thiết thực hơn như in một tập sách có giá trị, chưa nói đến điều ước mơ là có được một Bảo Tàng về Nguyễn Gia Trí để tưởng nhớ và ghi ơn một họa sĩ có công lớn trong lịch sử hội họa Việt Nam, người đã nhìn ra cái khả năng kỳ diệu của sơn mài.

Virginia, 7.1993 – xem lại và viết thêm 6.2012

Đinh Cường

[1] Theo góp ý của Đặng Tiến: Nói về tranh sơn mài, người ta thường trích dẫn bài tham luận của Tô Ngọc Vân, cho rằng có từ nhà Hán (206 trước- 220 sau TL). Cần thêm rằng, thời Hán đã có công xưởng sản xuất sản phẩm phủ sơn mài. Tại Viện Bảo Tàng Kansas City có trưng bày một cái tráp tròn có nắp, cao 9 cm, đường kính 20 cm bằng gỗ phủ sơn mài, toàn bích, đào thấy tại Tchang Cha, Trung Quốc, được xếp vào thế kỷ thứ 3 trước TL. Ngoài ra còn có một mảng đàn cầm bị vỡ, tranh sơn mài rất đẹp, tượng trưng cảnh săn bắn, tìm thấy ở một ngôi mộ ở Hồ Nam, thuộc thế kỷ thứ 4 trước TL. Bảo Tàng Hồ Bắc có trưng bày một quan tài thời Chiến Quốc, được niên định 433 trước TL, 46X46X184cm, phủ sơn mài, trang trí hình rồng phượng. Như vậy kỹ thuật sơn mài phải có trước thời Hán từ lâu, có lẽ từ cuối đời Thương.

Alix Aymé (1894-1989) bà học sơn mài tại Việt Nam và sau làm giáo sư trường Mỹ Thuật Đông Dương, còn nhắc là sơn mài du nhập Việt Nam từ thời Lê Nhân Tông, 1443 (trong bài Technique de la laque, đăng trên Illustration, numéro spécial sur l’ Indochine).

Nguồn: http://www.voatiengviet.com/content/nguyen-gia-tri-hoa-si-nhin-ra-kha-nang-ky-dieu-cua-son-mai/1216681.html

Comments are closed.