Hoàng Thị Hường – Lớp Lý luận văn học K26 Trường Đại học Sư phạm Huế
Lý thuyết về phân tâm học của S. Freud cùng với những kiến giải về diễn ngôn chấn thương của Cathy Caruth đã khơi mở cho người đọc cách tiếp cận và lý giải mới mẻ về tác phẩm văn học, nhất là việc khám phá chiều sâu vô thức của nhân vật và cội nguồn sáng tạo của nhà văn. Trong tiểu thuyết “Người tình”, Marguerite Duras đã xây dựng và miêu tả những mối quan hệ đặc biệt: mặc cảm loạn luân giữa người mẹ và người anh cả, giữa cô bé da trắng và người anh thứ, cô bé và người tình; mặc cảm đồng tính giữa cô bé da trắng và người bạn gái Hélène Lagonelle. Soi chiếu dưới góc nhìn phân tâm học, người đọc sẽ lý giải được cội nguồn bí ẩn của mặc cảm loạn luân và đồng tính trong hai tiểu thuyết của Marguerite Duras.
1. Chấn thương và khởi nguồn sáng tạo nghệ thuật
“Chấn thương” (Trauma) vốn là một thuật ngữ y học có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp cổ τραῦμᾰ, nghĩa là “vết thương”, “thương tích”. Khái niệm này đã được S. Freud sử dụng để miêu tả: “Một trạng thái tinh thần khổ sở tồn tại dai dẳng một cách khó hiểu trong cuộc đời của những cá nhân nhất định” [1]. Kế thừa quan niệm của Freud, khái niệm “chấn thương” trong phân tâm học được Cathy Caruth định nghĩa từ góc độ “cấu trúc của kinh nghiệm hay tri giác”: “Chấn thương mô tả như là những kinh nghiệm choáng ngợp về những sự kiện đột ngột hay thảm họa mà phản ứng đối với những sự kiện đó thường xuất hiện dưới dạng ảo giác và các hiện tượng mang tính chất xâm nhập thường bị trì hoãn và tái diễn một cách không kiểm soát được” [2]. Cathy Caruth là một trong những người đã đưa vấn đề chấn thương của phân tâm học vào lĩnh vực nghiên cứu văn học. Chấn thương, được Cathy Caruth “đọc” từ các văn bản của S. Freud và các tự sự chấn thương khác, “không đơn thuần chỉ thể hiện mức độ dữ dội, khốc liệt của sự đụng độ mà còn chuyên chở tác động của chính bản chất khó hiểu của nó(…). Câu chuyện về chấn thương, do đó, là câu chuyện về một thứ kinh nghiệm đến muộn, nó hoàn toàn không phải là sự kể lại việc thoát ly một hiện thực – chạy trốn cái chết, hay áp lực của tính quy chiếu của chấn thương, mà đúng hơn, nó là sự chứng nhận cho cái tác động vô hạn của chấn thương lên một cuộc đời” [1].
Khái niệm chủ chốt làm điểm giao cắt giữa phân tâm học về chấn thương và nghiên cứu văn học của Caruth là khái niệm “kí ức tự sự” (narrative memory). Chấn thương luôn làm sống lại quá khứ để vơi nỗi đau cá nhân bằng những câu chuyện. Nó cá biệt hóa sự kiện trong quá khứ mà chủ thể chứng kiến, đồng thời nó làm cho quá khứ hiện lên không còn tính chính xác của sự thật. Kí ức tự sự về chấn thương làm vang lên trong ta những giọng nói, những tiếng vọng khác biệt đòi hỏi ta phải biết cách lắng nghe nó. Bà gọi đó là “tiếng vọng của cái khác”, của một “vết thương than khóc” (the crying wound). Chấn thương, do đó, không chỉ là nỗi đau, nó là nỗi đau thức tỉnh ta khỏi những khoảng cách của thời gian, của lịch sử, của những giá trị nhất thời. Vấn đề chấn thương trong văn học do vậy, luôn hé mở thông điệp sâu xa về những giá trị nhân bản của con người; ở nơi đó, khi mà những ranh giới, những biên độ đã dừng lại, chấn thương cất lên tiếng vọng của nó.
Ngoài Cathy Caruth, lý thuyết chấn thương còn được các nhà nghiên cứu như Rogers, Leys, Herman, Camon, Shlomith Rimmon – Kenan, Dominick Lacapra, Lanca, Amos Goldberg… lưu tâm. Nghiên cứu của Amos Goldberg tập trung tóm lược các ý kiến bàn về mối liên hệ giữa chấn thương và tự sự. Theo Amos Goldberg, chấn thương có liên quan đến các hình thức tự sự tự thuật bao gồm: nhật ký, hồi ức, tự truyện và các hư cấu mang dấu ấn tự truyện… Khi nhà văn cầm bút tự thuật những gì đã xảy ra thì “cây bút không chỉ là phương tiện để viết mà trước tiên và hơn hết, nó là một vật thể cho phép người ta bằng cách nào đó có thể nắm bắt được cái nỗi đau không thể chạm đến của mình” [5]. Cho nên, phần lớn các nhà nghiên cứu thường nghiên cứu tác phẩm tự sự chấn thương của những nạn nhân chấn thương – tức câu chuyện chấn thương trong tác phẩm mang đậm dấu ấn tự thuật của tác giả.
Như vậy, giữa thuyết phân tâm học của S. Freud và những luận điểm về văn học chấn thương của Cathy Caruth, Amos Goldberg…có sự giao thoa ở cái nhìn phân tâm học: cội nguồn sáng tạo nghệ thuật là những ẩn ức trong vô thức của nhà văn, trong đó dấu ấn của những trải nghiệm, chấn thương là rất quan trọng. Chấn thương in hằn dấu vết lên những không gian, thời gian khác sau điểm mốc diễn ra sự kiện gây ám ảnh. Quãng thời gian sau chấn thương, con người luôn cố gắng đi tìm kiếm bản thân trong sự chi phối bởi suy nghĩ rằng cuộc đời mình chỉ gắn liền với trải nghiệm tàn bạo mà họ đã từng kinh qua. Đối với các thể loại của tự truyện, sự viết trở thành một quá trình gồm hai giai đoạn diễn ra song song nhau: một là sự tự đào sâu những mảng kí ức riêng tư, hai là khai thác, kiểm nghiệm khả năng của sự viết về những kí ức đó. Những chấn thương sẽ dần bộc lộ vị thế mạnh mẽ của mình trong hành trình tự thuật ký ức. Đó cũng chính là mối quan hệ mật thiết giữa các tác phẩm mang tính “tự truyện” đối với vấn đề “chấn thương” – là thể loại dành cho những giãi bày của ký ức, là nơi để con người ít nhất có được nỗ lực vượt thoát khỏi những định hình đóng khung khắc nghiệt của cái chết, để truyền tải những chấn thương cũng như những kiểm chứng sự đóng dấu của chấn thương lên những vùng ký ức riêng của con người. Và cũng chỉ có những chấn thương mới có đủ khả năng thúc giục, thúc đẩy sự viết tự truyện của nhà văn.
Đó cũng chính là điều chúng ta có thể lý giải cho khao khát được viết, và viết về những kinh nghiệm chấn thương của mình trong tiểu thuyết Người tình của Marguerite Duras. Mặc cảm loạn luân và đồng tính trong tác phẩm của Duras cũng bắt nguồn từ những chấn thương trong cuộc đời nữ văn sĩ.
2. Marguerite Duras – những chấn thương từ bi kịch tuổi thơ và gia đình
Nhà thơ Anh William Wordsworth từng viết : “Child is the Father of Man”, đứa bé là cha của con người. Tuổi thơ là nguồn gốc của đời người, là cái nền tảng từ đó con người phát triển. Cho nên dấu ấn của tuổi thơ không bao giờ phai nhạt, trái lại nó ẩn sâu trong tâm lý, trong tư duy, trong trí tưởng tượng của mỗi người. Trong lý thuyết về phân tâm học, bên cạnh nghiên cứu vai trò bản năng tính dục, S. Freud còn đề cao những kí ức thời thơ ấu, gọi chung là các yếu tố vô thức đến quá trình phát triển nhân cách sau này. Các yếu tố này do sự đè nén của ý thức và quy chuẩn đạo đức, xã hội mà luôn bị ức chế, thường tìm cách bộc lộ dưới những hành vi bất thường, những chứng loạn thần kinh và đặc biệt là các giấc mơ.
Khởi nguồn cho vấn đề chấn thương trong sáng tác của Marguerite Duras phải kể đến tuổi thơ với bi kịch từ chính gia đình bà. Trước hết là sự bạo hành từ người mẹ độc đoán, lạnh lùng. Người mẹ chỉ dành sự quan tâm cho nguời anh cả: Pirre. Đối với hai người con còn lại, đặc biệt là cô bé Marguerite, bà xem như đứa con thừa thãi. Hơn nữa, sau khi cuộc kinh doanh thất bại, gia đình rơi vào khánh kiệt, bà càng trở nên giận dữ. Những lời mắng chửi cay độc dành cho cô bé ngày càng tăng. Đó chính là kiểu bạo hành – lời nói trong tâm lý học: “Sự bạo hành bằng lời nói không giấu giếm này có khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến lòng tự trọng của trẻ như một dấu ấn trên người, để lại vết thương tâm lý nặng nề” [4]. Sự phân biệt đối xử của người mẹ đối với Marguerite Duras đã đẩy cô bé vào tình trạng tâm lý cô độc, dễ tổn thương nhưng cũng rất bướng bỉnh, ngang ngạnh. Khi Marguerite Duras đến tuổi vị thành niên, người mẹ còn ngấm ngầm rao bán và đồng lõa với việc Marguerite làm điếm để nuôi gia đình. “Mặc cảm bị bỏ rơi” vì thế đã ám ảnh suốt cuộc đời Duras từ chính người mẹ của mình. Từ đó hình thành nên tình cảm bất thường giữa bà mẹ và Marguerite Duras, tạo nên bởi sự phản kháng, nỗi khát khao, lòng căm thù và niềm thương cảm. Bên cạnh người mẹ, sự bạo hành còn đến từ người anh cả Pirre. Pirre nghiện hút, cờ bạc, ăn cắp tiền của gia đình, hiếp đáp người anh thứ… trong sự đồng lõa của người mẹ. Sự bạo hành của người anh cả đối với người anh thứ đã làm nảy sinh sự căm ghét với anh ta, cũng như hình thành nên bản năng “người mẹ” muốn chở che cho người anh thứ trong vô thức của Marguerite Duras.
Sự thiếu vắng tình cảm của người cha trong suốt thời thơ ấu cũng trở thành nỗi trống vắng trong suốt cuộc đời nữ văn sĩ. Từ năm 1913 đến 1917, gia đình Marguerite Duras sống ở Sài Gòn, sau đó chuyển đến Hà Nội. Cha bà là giáo sư toán, quay về Pháp năm 1918 rồi mất vì bệnh kiết lị. Ký ức về người cha của Marguerite Duras hầu như không rõ ràng bởi ông đã qua đời khi Marguerite Duras mới lên 4. Sự thiếu thốn tình thương từ người cha và sự mâu thuẫn với mẹ cũng là cội nguồn cho mặc cảm loạn luận trong tác phẩm của Marguerite Duras.
Bên cạnh đó, bi kịch của Marguerite Duras còn thể hiện ở nguồn gốc gia đình. Là một gia đình gốc da trắng, họ không được dân bản xứ chấp nhận. Họ bị khinh ghét, xa lánh. Những người da trắng như cô luôn có cảm giác mình là người thua cuộc và bị cô lập. Những khó khăn về vật chất cũng như địa vị thấp hèn của gia đình da trắng nhà Donnadieu đã khiến cho họ tồn tại nơi biên giới hai cộng đồng. Họ quá nghèo để có thể hòa nhập vào xã hội da trắng với những chủ đồn điền giàu có, những tay buôn lậu đến từ Pháp quốc hay những viên chức Nhà nước Pháp sống vương giả nhờ những khoản tiền đút lót kếch xù khi bán những điền thửa cho những người nhiều tiền lắm của mơ làm giàu trên đất thuộc địa. Tuy nhiên, họ cũng không đến nỗi đói ăn lam lũ như những người dân bản xứ sống xung quanh họ. Sự xung đột văn hóa Đông – Tây, sự lai tạp giữa văn hóa Việt Nam – Pháp, đã khiến cô bé Marguerite luôn ám ảnh bởi mặc cảm bị tách biệt, mặc cảm bị bỏ rơi, bị ruồng rẫy.
3. Mặc cảm loạn luân và đồng tính trong tác phẩm của Marguerite Duras – biểu hiện của hội chứng chấn thương
Bàn về vô thức trong sáng tạo nghệ thuật, S. Freud cho rằng: “Nghệ sĩ giống như người bị bệnh nhiễu tâm, rút lui khỏi thực tế không thõa mãn để đi vào thế giới tưởng tượng, song trái lại vẫn phải đặt chân vào thực tế. Những sáng tạo, những tác phẩm nghệ thuật của ông là những thõa mãn tưởng tượng cái ham muốn vô thức…” [7; 27]. Tác phẩm văn học là một “giấc mơ ban ngày” phản ánh sự ham muốn vô thức, những mặc cảm, có điều nhà văn, nhà thơ viết bằng ngôn ngữ khác – “ngôn ngữ” của giấc mơ. S. Freud cho rằng, nghệ thuật là sự bổ sung cho thế giới hiện thực bằng cách tưởng tượng ra một thế giới khác. Cái vô thức này là một cõi riêng, một phần trong cấu trúc tâm thức của mỗi con người – nơi chứa đựng những xung lực bản năng. Những xung lực bản năng và mơ ước bị dồn nén luôn luôn có xu hướng “trồi” lên vùng ý thức dưới những hình thức ngụy trang, qua các cách thức khác nhau. Trong đó, giấc mơ, tuổi ấu thơ, người mẹ (căn cốt đầu tiên của bào thai) là cửa mở đi vào vô thức. Vì vậy, phân tâm học coi tác phẩm văn học là một giấc mơ, là sự thăng hoa bất chợt, bất ngờ của ẩn ức có trong vô thức của thời ấu thơ và tìm cách lý giải nó. Trong tác phẩm của Marguerite Duras, những ám ảnh tuổi thơ từ một gia đình bất thường đã khởi nguồn cho những cảm xúc xa lìa, thương tổn trong sáng tác của nữ văn sĩ.
Hình tượng người mẹ hiện lên thành một chuỗi nhân vật có nét chung: nghiêm khắc, lạnh lùng, thờ ơ với con gái. Duras đã thể hiện một tuổi thơ thiếu tình thương trong các tác phẩm của mình: “Tôi bảo anh rằng trong thời thơ ấu của tôi, nỗi bất hạnh của mẹ tôi đã chiếm chỗ của ước mơ. Rằng ước mơ của mẹ tôi chứ chẳng bao giờ là những cây Noel, lúc nào cũng chỉ là bà thôi, dù bà là người mẹ bị nghèo đói hành cho trầy da tróc vảy hay là người đàn bà hoảng loạn nói một mình giữa trống vắng..”[3; 72]. Người anh thứ sống cô đơn, yếu đuối, thu mình trước bạo lực của anh cả một cách nhẫn nhục: “Anh không biết cách nói năng, chỉ hơi biết đọc, hơi biết viết, đôi khi có thể tưởng rằng anh cũng chẳng biết đau khổ nữa”[3;162]. Người anh thứ càng bị bắt nạt, cô em gái càng tìm mọi cách để bảo vệ anh, bù đắp cho anh, và càng căm ghét người mẹ và người anh cả.
Từ những chấn thương về mối quan hệ bất thường giữa các thành viên trong gia đình Duras, đã hình thành nên những tình cảm, cảm xúc bất thường khi bà hồi tưởng và viết về gia đình của mình: mặc cảm loạn luân. Ở Người tình, Người tình Hoa Bắc luôn tồn tại hai cặp loạn luân: Cặp người anh lớn với bà mẹ và cặp người anh thứ với cô em gái. “Tình nhân mẫu tử” giữa bà mẹ và người con trai cả hiển hiện một cách ào ạt trên những trang viết tuy không hề có một quan hệ xác thịt nào. Bà mẹ dường như dồn hết mọi tình yêu thương cho đứa con trai lớn, bỏ mặc đứa con trai thứ và đứa con gái bơ vơ. Người mẹ yêu con tới mức mù quáng, sẵn sàng bao che cho mọi tội lỗi của con. Chỉ cần nghe nhắc đến tên Pierre cũng khiến bà dù đang đau khổ, tức giận đến mấy cũng phải mềm lòng. Bà sẵn sàng hy sinh cả cuộc đời của mình để gánh lấy nhưng hậu quả do người con này gây ra. Người con trai cả trở thành đối tượng yêu thương duy nhất của bà: “Tôi tin rằng chỉ có một đứa con duy nhất được mẹ tôi gọi là: con tôi. Thỉnh thoảng bà đã gọi anh ta (người anh trai cả) như thế. Về hai đứa con khác thì bà nói: mấy đứa bé hơn” [3;94]. Với bà, việc người anh cả quay về Pháp đánh dấu cái chết trong lòng bà. Vắng con trai – đối tượng yêu thương duy nhất, cuộc sống của bà mất hết ý nghĩa. Khi chết, bà yêu cầu được chôn cùng con trai cả: “Bà đã yêu cầu để anh ta được chôn cùng với bà. Tôi không biết là ở nơi nào nữa, ở nghĩa địa nào, tôi chỉ biết đó là ở tỉnh Loire. Cả hai người ấy đã cùng ở trong một mộ. Chỉ hai người ấy thôi. Như vậy là đúng. Hình ảnh ấy có một vẻ lộng lẫy đến không chịu nổi” [3;125]. Hình ảnh nấm mồ chung của người mẹ và người anh cả là hình ảnh thể hiện nỗi khát khao tình nhân mẫu tử và đó là một hình ảnh có sức ám ảnh ghê gớm trong tác phẩm. Chính sự tồn tại trạng thái loạn luân “tình nhân mẫu tử ” này đã đẩy người mẹ và người anh cả ra xa hai thành viên còn lại đồng thời biến hai đứa trẻ còn lại thành một cặp loạn luân khác. Cô em gái dành cho người anh thứ của mình một tình yêu thương, chở che đặc biệt. Tình cảm đó không đơn thuần chỉ là tình anh em. Ngay cả khi cô trải qua khoái lạc với người tình, cô cũng khát khao đem niềm khoái lạc đó đến với người anh út. Cô có cảm giác tội lỗi khi trao tấm thân trong trắng của mình cho người tình chứ không phải là người anh mà cô yêu dấu. Người anh thứ trở thành đối tượng khát khao của cô gái mà ngay chính bản thân cô không sao lý giải được: “Cái tình yêu điên rồ đó mà tôi dành cho anh đối với tôi vẫn là một điều bí ẩn khôn cùng. Tôi không biết tại sao tôi lại yêu thương anh đến mức muốn chết vì cái chết của anh. Tôi xa anh đã được mười năm khi chuyện đó xảy đến và chỉ họa hoằn mới nghĩ đến anh. Tôi đã yêu thương anh, hình như là mãi mãi, và không một điều gì mới có thể xảy ra cho tình yêu này. Tôi đã quên mất cái chết” [3;162 ]. Mặc cảm loạn luân chính là hệ quả của sự chấn thương từ mối quan hệ bất thường cũng như sự thiếu vắng tình thương từ người mẹ của Marguerite Duras.
Mặc cảm loạn luân trong gia đình Marguerite Duras không chỉ khởi nguồn từ mối quan hệ bất thường giữa các thành viên, mà nó còn khởi nguồn từ mặc cảm thân phận. Mặc cảm thân phận bị bỏ rơi của một kẻ lưu vong không bản sắc trên mảnh đất thuộc địa dẫn đến sự huyễn tưởng bù đắp về sự hòa nhập giữa thân thể cô với người bản xứ. Việc miêu tả cơ thể cô bé da trắng gầy gò, bộ ngực lép chính là biểu tượng cho thân thể của người dân thuộc địa. Cơ thể gầy gò là một tiêu chí phân định giữa những thành viên trong gia đình cô bé. Nếu người mẹ và người anh cả có cơ thể vạm vỡ, da trắng thuần chủng – biểu tượng cho mẫu quốc, thì người anh thứ và cô bé lại gầy gò, yếu đuối – biểu tượng của người da vàng. Trong gia đình dường như tồn tại những vị thế và những thái cực đối lập của kẻ yếu và kẻ mạnh, kẻ thống trị và kẻ bị trị. Trong thâm tâm người em gái thường trực một ý nghĩ có phần man rợ và tội lỗi như là một sự phản kháng lại quyền lực và sự tàn ác của người anh cả: “Tôi muốn giết, anh cả tôi, tôi muốn giết anh ta, tôi muốn thắng được anh ta một lần, một lần duy nhất thôi và nhìn thấy anh ta chết. Đó là để tước đi khỏi tầm mắt mẹ tôi đối tượng yêu thương của bà” [3;15]. Anh cả hiện thân của chế độ thực dân, của kẻ mạnh, kẻ tàn ác. Anh thứ như là hiện thân của thuộc địa với vẻ yếu ớt, thụ động cam chịu như thân phận của dân tộc nhược tiểu. Cô gái càng căm thù anh cả bao nhiêu thì càng yêu thương và muốn bảo vệ người anh thứ bấy nhiêu và đồng thời thấy căm phẫn với tình cảm của người mẹ dành cho người anh cả. Mối quan hệ loạn luân trong gia đình Marguerite Duras không chỉ phản ánh những chấn thương trong tuổi thơ mà còn phản ánh những chấn thương, rạn vỡ trong xã hội thuộc địa lúc bấy giờ.
Mặc cảm loạn luân còn thể hiện qua mối quan hệ của cô bé với người tình. Tuổi thơ thiếu vắng hình bóng của người cha khiến cô bé luôn khao khát tình cảm phụ tử. Do đó, khi làm tình với chàng trai Trung Hoa, nhân vật tự huyễn tưởng rằng mình là con gái và người đàn ông Trung Hoa kia là cha: “Tôi trở thành đứa con của anh. Chính là với đứa con của mình mà anh làm tình mỗi tối…Anh chiếm đoạt cô như chiếm đoạt đứa con của mình”[3;153-154]. Cô bé mười lăm tuổi thiếu vắng tình yêu của cha đã thay thế sự thiếu hụt này bằng tình cảm của người đàn ông nhiều tuổi hơn. Sự thiếu vắng tình cảm, bóng dáng của người cha trong tuổi thơ đã tạo nên mặc cảm loạn luân trong quan hệ tính dục của nhân vật cô bé da trắng với người tình Trung Hoa.
Từ thân phận của gia đình, của chính bản thân, những trang văn của Duras còn thể hiện sự ám ảnh về “thân phận lai”. Năm 1976, Marguerite Duras viết tiểu luận Những đứa trẻ gầy gò da vàng bày tỏ những xáo trộn của tâm hồn bà về một nền văn hóa thứ ba, rất riêng tư và gợi mở về một thế giới ngôn ngữ tiếng Việt mà bà đã thấu hiểu khi còn thơ ấu. Thấp thoáng đâu đó là nỗi buồn xa xứ, bị chia cắt với thế giới bên ngoài. Sống trên xứ thuộc địa Đông Dương trong thân phận những người của quốc gia đi khai hóa văn minh nhưng gia đình cô gái da trắng trong tác phẩm của Duras lại rơi vào cảnh ngộ hết sức bi đát. Đó là thân phận của đứa con Pháp bị bỏ rơi trên đất thuộc địa, phải hứng chịu đầy đủ nỗi sợ hãi, kinh hoàng, cảm giác xa lạ của kẻ lưu vong. Đặc điểm chung của họ là bị bỏ rơi, đơn độc, vô thừa nhận: “Có nhiều người lai, phần lớn là những đứa con bị bỏ rơi của các ông bố là quân nhân hay lính thủy hoặc những viên chức nhỏ làm việc ở sở thuế, ở bưu điện, ở các công trình công cộng” [3; 139]. Từ sự phân liệt trong xã hội và mặc cảm “lai”, hình thành trong vô thức cô bé mặc cảm đồng tính: vừa khao khát thân hình thuần “da trắng” – biểu tượng mẫu quốc của cô bạn Hélène Lagonelle, vừa khao khát sự yêu đuối, rụt rè – biểu tượng cho thuộc địa của người anh thứ. Ngược lại với thân hình gầy gò của cô bé, cô bạn Hélène Lagonelle được miêu tả như biểu tượng thuần chủng của người da trắng. Khát vọng “lai” trong cô bé dẫn đến ham muốn đồng tính: “Tôi muốn ăn bộ ngực của Hélène Lagonelle như anh đã ăn bộ ngực của tôi trong căn phòng của phố Tàu… Tôi bủn rủn người vì thèm muốn Hélène Lagonelle” [3; 114]. Marguerite Duras miêu tả thân thể của Hélène Lagonelle mang đặc trưng của người da trắng, gợi cảm, gợi tình, khiến cô bé trong tâm tưởng đặt Hélène Lagonelle vào chính chỗ của mình trong vòng tay người tình: “Tôi muốn trao Hélène Lagonelle cho người đàn ông đã làm điều đó với tôi để đến lượt anh làm điều đó với cô ấy. Làm trước mặt tôi, sao cho cô ấy làm điều đó theo ước muốn của tôi, sao cho cô ấy dâng hiến ở nơi mà tôi dâng hiến. Vậy là vòng qua thân thể Hélène Lagonelle, xuyên qua thân thể của cô ấy mà khoái lạc sẽ có thể truyền từ anh đến tôi, lúc ấy sẽ là niềm khoái lạc tột cùng. Có thể chết đi được vì điều đó”[3; 115]. Thông qua cô bạn gái, nhà văn muốn thỏa mãn huyễn tưởng về sự phối ngẫu lai, đã hiện diện phần nào trong mối quan hệ giữa cô và người đàn ông Trung Hoa (mà thân thể của cô quá gầy gò, không mang bản sắc của người da trắng). Cô huyễn tưởng đến sự ái ân của hai kẻ đại diện cho hai nòi giống, và cảm thấy khoái lạc trước cảnh khoái lạc của tấm thân phụ nữ da trắng và tấm thân đàn ông da vàng. Hélène Lagonelle là phiên bản của cô bé được “tây hóa”: trắng hơn, to cao hơn, tiêu biểu hơn cho người da trắng, đồng thời đối lập hơn với thân thể của người tình da vàng, chính sự khác biệt này tạo nên sự khoái cảm vô song. Khát vọng lai của nhà văn tạo nên sự phân thân – cô bé đã hoang tưởng và quy chiếu chính mình trong vô thức.
Xuyên suốt tác phẩm Người tình của Marguerite Duras – tiểu thuyết mang đậm dấu ấn của cái tôi tự thuật, người đọc có thể nhận thấy những chấn thương trong cuộc đời của nhà văn đã để lại dấu ấn sâu sắc trên từng trang viết. Qua mặc cảm loạn luân và đồng tính, nhà văn đã phản ánh phong phú những góc khuất trong đời sống và trong tâm hồn con người. Đó chính là những thương tổn mà gia đình, tuổi thơ cũng như xã hội đã tác động đến nữ văn sĩ. Những trải nghiệm từ chính cuộc đời giúp nhà văn có thể miêu tả, khám phá tinh tế những bí ẩn sâu kín trong vô thức nhân vật. “Đọc” tiểu thuyết của Marguerite Duras dưới góc nhìn phân tâm học, người đọc có thể khơi mở những bí ẩn trong tâm hồn con người mà chỉ văn chương mới có thể chạm đến.
1. Cathy Caruth, “Vết thương và giọng nói”, Hải Ngọc dịch, https://hieutn1979.wordpress.com
(Dịch từ: Cathy Caruth, Unclaimed Experience: Trauma, Narrative, History, Baltimore & London: The John Hopkins University Press, p.1-10)
2. Cathy Caruth, “Kinh nghiệm không được khẳng định: Chấn thương và những khả năng của lịch sử”, Hải Ngọc dịch, https://hieutn1979.wordpress.com
(Dịch từ: Cathy Caruth, “Unclaimed Experience: Trauma and the Possibility of History”, Yale French Studies, No.79, Literature and the Ethical Question (1991), pp.181-192.)
3. Marguerite Duras (2017), Người tình, Lê Ngọc Mai dịch, NXB Hội nhà văn.
4. Susan Forward, Craig Buck (2002), “Cha mẹ độc hại”, Lê Thuỳ Dương dịch, http://www.tamlyhoctoipham.com
5. Amos Goldberg, “Chấn thương, tự sự và hai hình thức của cái chết”, Hải Ngọc dịch, https://hieutn1979.wordpress.com
(Dịch từ: Amos Goldberg, “Trauma, Narrative and Two Forms of Death”, Literature and Medicine 25, No. 1 (Spring 2006))
6. Freud Sigmund (2002), Phân tâm học nhập môn, Nguyễn Xuân Hiến dịch, NXB Quốc gia, Hà Nội.
7. Đỗ Lai Thúy (2004), Phân tâm học và văn hóa nghệ thuật, NXB VHTT Hà Nội.