Trao đổi lại với tác giả Thụy Khuê

Bách Thân

Tôi định chỉ viết duy nhất một bài, nhưng vì đã có sự đặt vấn đề trở lại nên dĩ nhiên là phải có trao đổi tiếp. Cám ơn tác giả Thụy Khuê (TK) đã đọc và nhanh chóng trả lời. Một số góp ý, TK xác nhận sẽ sửa; một số khác, không nhắc tới và số còn lại “tôi sẽ cùng ông, xem lại những điểm ông nêu ra, chỗ nào sai, tôi xin sửa lại”. Tôi thấy cách làm việc như vậy là chuẩn, lại nhanh chóng, xin đáp ứng. Để độc giả dễ theo dõi, tôi sẽ trả lời theo thứ tự TK nêu ra.

1. Báo chí ngoài Bắc cũng viết về vụ hành hình ở Yên Bái

Vụ này, TK đã nhận sai và sẽ bỏ câu “Báo chí ngoài Bắc lặng tiếng trước tình hình đẫm máu khắp nơi”. Cám ơn.

Không rõ khi báo chí đưa lời này thì ông Nguyễn Ngu Í và TK có còn giữ quan điểm của mình không: “Các công việc tôi đều có làm cả, nhưng tôi làm đây cũng như ông Phan Bội Châu, ông Nguyễn Khắc Nhu; đương khi còn khát nước, có người cho nước thì ắt là phải uống…” (Nguyễn Văn Thịnh trả lời trước Hội đồng Đề hình Yên Bái 1 – Thực nghiệp Dân báo 2780, 4.3.1930, xem hình)clip_image002

2. Tác phẩm Nguyễn Thái Học của Nhượng Tống

– “Độc giả đã và sẽ đánh giá tác phẩm của Nhượng Tống” – Tôi cũng là một độc giả mà?

– “lại viết vội vã” – TK viết: “Tác phẩm được viết để kịp in ra mắt ngày 17 tháng 6 [1945]”.

– “sách tuyên truyền”: Thời điểm ra đời của sách “Nguyễn Thái Học” là năm 1945, ai cũng rõ đó là thời điểm chạy đua “cướp chính quyền” mà Việt Nam Quốc Dân Đảng đứng hàng đầu. Vậy nhà tuyên truyền chủ chốt của Việt Nam Quốc Dân Đảng liệu có ngồi yên viết “sách khảo cứu”? Chính Nhượng Tống gọi sách này là “cuốn tiểu sử” kia mà? Khiêm nhượng và nói thật có mâu thuẫn gì đâu?

Nhưng bao trùm tất cả là: người biên khảo thật, bao giờ cũng biết, sách nào là sách khảo cứu, sách nào không…

3. Tài liệu của Marty

Nhượng Tống đã viết như vầy, cần gì phải dài dòng thêm nữa?

“Trong bài Tựa, Nhượng Tống cho biết sở dĩ ông soạn sách này vì: Louis Marty, Giám đốc Ty Mật Thám chính trị của Phủ Toàn quyền, lượm lặt những tờ khai của thám tử và của các nhà cách mạng bị bắt, viết và xuất bản một bộ sách gồm 5 cuốn nhan đề “Góp vào lịch sử chính trị vận động ở Đông Pháp” để lưu hành trong nội bộ. Vì chính biến 9-3-45 (Nhật đảo chính Pháp) sách này bị tung ra ngoài, nên ông đã dùng làm tư liệu để viết Tân Việt cách mạng đảng.” (chúng tôi in đậm)

Không những “Tân Việt cách mạng đảng” mà “Nguyễn Thái Học” cũng đều dùng sách của Marty “làm tư liệu”, vậy sách nào là sách nào là nguồn sơ cấp, sách nào là thứ cấp?

“Nếu dùng làm văn bản gốc cho cuốn sách, ông sẽ đứng vào vị trí kẻ cướp nước để viết lịch sử nước ông.” – đọc câu này, tôi không còn sửng sốt nữa bởi, vì quan điểm đó, sách Vua Gia Long & Người Pháp của TK đã mất giá trị sử học ngay từ đầu.

Chẳng lẽ, tác giả của nhiều sách “khảo cứu” “tên to” như TK mà còn phải bảo rằng phải dùng sách khảo cứu như thế nào? Sao Nhượng Tống dùng sách của Marty mà không “đứng vào vị trí kẻ cướp nước để viết lịch sử nước” nhà?

4. Trích bài viết của Phụ Nữ Tân Văn được in lại trong sách của Thiện Mộc Lan

Vụ này, TK đã nhận sai. Cám ơn.

5. Nguồn của báo Phụ Nữ Tân Văn

Về vấn đề này, do nhìn nhầm một thông tin, mà tôi đã đặt câu hỏi sai. Xin đính chính lại là, tôi không nghi ngờ gì, việc PVTV nhận tin từ “các báo Tây ở ngoài Bắc”.

Ngay cả báo Việt ở Bắc Kỳ, nhiều khi cũng lấy tin từ “báo Tây”; song, riêng về vụ xử của Tòa Đề hình Yên Bái 2 (tháng 3.1930) thì các thông tin kiểu như “vì phòng xử chật chội, 87 bị cáo ngồi gần đầy. Nhờ thông tin của báo Pháp, nên PNTV ghi được cả lời nói, thái độ của Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính trong phòng xử”… các báo Việt đều đưa vì họ có phóng viên tham dự. (xem: Thực nghiệp Dân báo 2802, 29.3.1930, hình kèm theo)

clip_image004Còn việc các phóng viên Việt không được dự vụ xử chém, đã nói lần trước, không nhắc lại.

6. Lê Hữu Cảnh

Tôi xin không bàn tới việc, tôi hay ai biết rõ hay không biết rõ về “tổ chức của Việt Nam Quốc Dân Đảng”.

TK viết: “Đó là một tổ chức cứ sáu tháng bầu lại Tổng bộ (ban lãnh đạo) một lần” – vậy tại kỳ hội nghị nào, Lê Hữu Cảnh được cử làm trưởng ban Ám sát?

Tôi vẫn nhắc lại: “Trước đó, hầu hết các lãnh đạo VNQDĐ đã chết hoặc bị bắt, làm gì còn người và có tổ chức cuộc họp nào để cử ra Trưởng Ban Ám Sát? Lê Hữu Cảnh nằm trong số ít người còn hoạt động, đứng đầu nhóm cải tổ, và làm tất cả mọi việc: tổ chức lại, ám sát, cướp tiền… và cũng chỉ hơn 4 tháng sau là bị bắt (10/7)”.

Lê Hữu Cảnh có ám sát không? Có cướp tiền không?

Sử kiện chỉ cần nêu nguồn chính xác, không cần nhiều tính từ đẹp hỗ trợ đâu.

Có tư liệu là quý, nhưng không biết cách đọc tư liệu thì chưa đủ tiêu chuẩn là một nhà khảo cứu bình thường.

7. Vi Văn Định

Lập luận của TK trong trường hợp Vi Văn Định thật nực cười và đó chính xác là một trò ngụy biện.

Thay vì phản bác lại lập luận của tôi, bằng những sử kiện, rằng, Vi Văn Định đã làm những việc cụ thể này kia để đánh giá rằng ông ta “kiện toàn việc càn quét” thì lại nói… lăng nhăng.

Thực thế, đêm 15 rạng sáng 16/2, cuộc nổi dậy ở các tỉnh miền xuôi mới bắt đầu, mà, ngày 17 đã “kiện toàn việc càn quét” thì quả thật, không biết lịch sử là gì! Nói thêm rằng, tận tới ngày 23/3, việc “càn quét” mới tạm kết thúc. (Hà thành Ngọ báo 789, 26.3.1930, xem hình)clip_image006

Bonus: xin đọc đoạn trích kèm theo của Hoàng Văn Đào để biết vì sao V.N.Q.D.Đ thù Vi Văn Định (xem hình). Tiếc là việc này chẳng liên can gì đến cuộc nổi dậy cả, vì nó xảy ra trước tháng 7.1929.

clip_image008

Kết luận:

– Chúng tôi có một chi tiết bị sai, về nguồn tin của báo PNTV.

– Chúng tôi không định kết luận gì về TK nhưng hiển hiện trong bài viết là những lỗi quá nặng:

· Không biết khảo cứu là gì, từ những việc cơ bản như đọc tư liệu…

· Ngụy biện và chụp mũ trong tranh luận.

Vậy nên, chắc đây là lần cuối, tạm biệt./.

Comments are closed.