Những thiếu sót và bất lợi của dự án kênh Phù Nam Techo

Phạm Phan Long, P.E.

Ngày 16 tháng 5, 2024

Gửi tới hai dân tộc Khmer và Việt Nam yêu công lý và hoà bình

VOA: Kỹ sư (KS) Phạm Phan Long là cố vấn và chuyên gia kỹ thuật công nghệ và cơ sở hạ tầng. Ông từng đưa ra sáng kiến dự án điện mặt trời nổi trên Biển Hồ Tonle Sap (2019) với mục đích tìm giải pháp năng lượng và bảo vệ Biển Hồ, để không phải xây đập Sambor và giảm giá điện cho người dân Cambodia từ cao nhất xuống mức thấp nhất khu vực. Bài viết này có mục đích độc nhất mong Cambodia thận trọng hơn, bình tĩnh kiểm soát lại và đừng quá vội vã với kênh Phù Nam. Ông cho rằng nếu Cambodia và Việt Nam liên minh yêu cầu Trung Quốc giảm tích nước, khôi phục nhịp lũ và bảo đảm Biển Hồ nhận đủ 80 tỉ mét khối nước như trước khi có thuỷ điện, hai quốc gia sẽ không còn tranh chấp vì có đủ nước cho châu thổ cả hai nước cùng phát triển. KS Phạm Phan Long sáng lập và hoạt động cho Viet Ecology Foundation, NGO, tại Mỹ và là soạn giả Bản Tuyên Ngôn sông Mekong 1999.

Kênh Phù Nam Techo / Đại Vận Hà của Vương Quốc Cambodia

clip_image002[8]

 
Hình 1: Tuyến kênh Phù Nam Techo (Stimson Center)

Ủy ban sông Mekong quốc gia Cambodia đã công bố bản thông báo về kế hoạch đào kênh Phù Nam dưới tên gọi Funan Techo Canal, dài 180 km, rộng 80 m tới 100 m, mực nước 4,7 m. Kênh đào này bắt đầu từ sông Mekong, nối sang sông Bassac và hướng ra vịnh Thái Lan. Song song hai bên kênh sẽ có 200 km đường bộ kết nối các thị trấn. Khi có hạ tầng cơ sở, phương tiện giao thông và nguồn cung cấp nước, tiềm năng phát triển kinh tế đồng bằng Tây Nam của Cambodia sẽ vực dậy, kênh Phù Nam đã được chính quyền Cambodia đánh giá có khả thi kinh tế rất cao.

Đại công ty quốc doanh China Communication Construction của Trung Quốc (TQ) đã âm thầm thực hiện nghiên cứu tính khả thi từ hai năm trước. Công trình này sẽ được chương trình Vành Đai – Con Đường (Belt and Road Initiative (BRI)) của TQ tài trơ với kinh phí 1,7 tỉ Mỹ kim. Vào Thế kỷ 13, TQ đã đào Đại Vận Hà dài 1800 km cho dân tộc họ, đến nay vẫn là con kênh dài nhất thế giới, kênh Phù Nam có thể xem là một Đại Vận Hà của Vương Quốc Cambodia và dân tộc Khmer.   

Sau đây là những thiếu sót và bất lợi có thể lật ngược tính khả thi của dự án.

1. Thiếu sót một quy hoạch toàn diện.

Kênh Phù Nam sẽ phải đi đôi với một hệ thống kiểm soát lũ lụt và thủy lợi vì nó cắt đôi diện tích 1 triệu hecta đồng lũ. Hệ thống này sẽ phải thực hiện cùng lúc với kênh Phù Nam để khỏi gây tổn thất lớn do khủng hoảng toàn bộ môi trường sinh thái chắc chắn sẽ giáng xuống hàng triệu dân cư.

2. Thiếu nghiên cứu đánh giá tác động môi trường và Biển Hồ.

Kênh Phù Nam sẽ cùng với sông Tiền và sông Hậu chia nước Mekong từ Phnom Penh chảy ra châu thổ hai nước. Nếu kênh Phù Nam chuyển nhiều nước để canh tác thủy lợi trong mùa mưa thì chính Biển Hồ sẽ thất thoát mất lượng nước đó, vì ở trên cao Biển Hồ không thể dành nước với ba phân lưu phía dưới.

Cambodia và Việt Nam chịu chung một bất hạnh giáng xuống từ thượng nguồn, Biển Hồ Tonle Sap đã trải qua những mùa lũ kiệt quệ. Diện tích động lũ co thắt lại và năng suất ngư nghiệp thất thoát mất dần. Lượng nước Mekong chảy ngược thời tiền thủy điện lên Biển Hồ trung bình là 43 km3 mỗi mùa mưa nay hạ xuống chỉ còn 10 km3. Đó là vì các hồ chứa thủy điện thượng nguồn tích trữ nước nên vào giữa mùa mưa mà một phần đồng lũ Tonle Sap bất lực phải chịu cảnh khô khát.

Thậy vậy, nhóm nghiên cứu của TS Samuel De Xun Chua, National University of Singapore đã khảo sát nhịp lũ suốt 60 năm tại Biển Hồ và công bố tình trạng suy thoái như sau:

“Chúng tôi thấy rằng … thời gian mùa lũ đã giảm khoảng 26 ngày (Kampong Cham) và 40 ngày (Chaktomuk), mùa lũ bắt đầu muộn hơn và kết thúc sớm hơn nhiều. Dọc sông Tonle Sap, dòng chảy ngược trung bình hàng năm từ sông Mê Kông đến hồ Tonle Sap đã giảm 56,5 %, từ 48,7 km3 năm 1962–1972 xuống còn 31,7 km3 năm 2010–2018. Kết quả là mực nước mùa mưa tại hồ Tonle Sap giảm 1,05 m trong năm 2010–2019 so với năm 1996–2009, tương ứng với diện tích hồ giảm 20,6 %.”

An ninh nguồn nước và thực phẩm của Cambodia đang lâm nguy. Cambodia không thể để Biển Hồ, trái tim lưu vực sông Mekong ngừng đập. Kênh Phù Nam là mối đe doạ mới ló dạng cho Biển Hồ.

3. Kinh phí dự trù không đủ và lãi suất quá cao.

Kinh phí cho cao tốc Sihanoukville Phnom Penh đã mất 2 tỉ US, chỉ phải thiết kế để chịu đựng xe cộ di chuyển trên mặt đường. Kênh Phù Nam cũng dài và rộng hơn để đủ cho dòng nước chảy và hai làn xe mỗi bên, kết cấu phải vững và an toàn hơn để chịu đựng được áp lực nước và dao động cho thương thuyền nhiều ngàn tấn dịch chuyển, kênh Phù Nam sẽ không thể nào hoàn tất với 1,7 tỉ US . Trong khi World Bank cho các nước vay không tính lời trong 10 năm đầu với lãi suất chỉ có 2,5% từ năm 11 đến 50, Thủ tướng Hun Manet sẽ giải thích sao khi dân Khmer biết được tài trợ cho các dự án hạ tầng từ Belt and Road Initiatives thường phải trả lãi suất 7% tới 10%.

4. Dự phóng thu nhập quá cao so với thực tế tăng trưởng kinh tế.

Phó Thủ tướng Cambodia, Sun Chanthol, ước tính thu nhập từ thu phí trên kênh là $88 triệu năm đầu và $570 triệu cho 25 năm sau. Tăng trưởng như thế tương đương với 7,5% suốt 25 năm là điều hoang tưởng. Chưa hề một nước nào đạt được thành tích này trong lịch sử Á Châu. Tính khả thi kinh tế của dự án này quá cả mức độ đáng ngờ vực.

5. Đi ngược với nguyên tắc hoạt động của thị trường tự do.

Khi chọn tuyến kênh Phù Nam thay vì Việt Nam, thương thuyền phải trả phí ra vào kênh Phù Nam, phải đi chậm trên kênh và xếp hàng chờ 6 tiếng tại ba ship lock, khi ra tới cửa biển Vịnh Thái Lan, còn phải đi xa thêm một đoạn cong dài 398 dặm mất thêm 17 tiếng, vòng dưới mũi Cà Mau ngược về hướng Vũng Tàu rồi mới lên Bắc Thái Bình Dương, khiến chi phí tăng cao là điều vô lý. Trừ khi bị ép buộc thương thuyền sẽ không tình nguyện hợp tác. Như thế, kênh Phù Nam sẽ bị tẩy chay, có khả năng sẽ bị bỏ hoang như các cao ốc tại Sihanoukville không có người ở.

 

image

 

Hình 2. Tuyến hải trình nối dài đối tác Á Châu phải đi để vào kênh Phù Nam

(Tác giả phác họa trên trang mạng Map Data )

 

6. Bất lợi về chiến lược toàn diện và lệ thuộc quá mức vào Trung Quốc

Cambodia không chắc thoát ly được tuyến sông Tiền và sông Hậu, mà sẽ mất ngay chủ quyền 180 km cho Trung Quốc và phải lệ thuộc vào họ 50 năm. Gây hiềm khích với Việt Nam như thế có thể không mất đi đặc quyền tối huệ quốc nhưng Việt Nam là nước nhập cảng nhiều hàng của Cambodia, chỉ sau Mỹ.

Cuối cùng, đã có báo cáo là “Bắc Kinh có thể tìm kiếm đòn bẩy địa chính trị đối với các nước BRI. Một nghiên cứu năm 2021 đã phân tích hơn một trăm hợp đồng tài trợ nợ mà Trung Quốc đã ký với các chính phủ nước ngoài và phát hiện ra rằng các hợp đồng này thường chứa các điều khoản hạn chế tái cơ cấu với nhóm 22 quốc gia chủ nợ lớn được gọi là “Câu lạc bộ Paris”. Trung Quốc cũng thường xuyên giữ quyền yêu cầu trả nợ bất cứ lúc nào, giúp Bắc Kinh có khả năng sử dụng nguồn tài trợ như một công cụ để thực thi các vấn đề nóng bỏng của Trung Quốc như Đài Loan hay cách đối xử với người Duy Ngô Nhĩ. Tháng 1/2022, Nicaragua chính thức tham gia BRI, một tháng sau khi cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan.”

Cambodia không nên để Mỹ phải đối phó với một liên minh quân sự Cambodia – China gây đảo lộn trật tự và cân bằng địa bàn chiến lược của họ ở Biển Đông.

Comments are closed.