Chân Nhân (kỳ 9)

Tiểu thuyết của Trần Thanh Cảnh

CHÍN

Bọn đàn ông trong làng Cùng nói, số đàn bà qua tay thày Bút không biết bao nhiêu mà kể.

Số là khi thày Bút nổi tiếng, cũng là lúc kinh tế nước nhà bắt đầu khá khẩm. Chuyện đói ăn đói mặc chỉ còn trên vùng cao hoặc thỉnh thoảng xảy ra ở miền Trung lũ lụt. Chứ còn ngoài Bắc hoặc trong Nam, bọn trẻ con mới lớn lên, nghe thế hệ trước kể chuyện ăn sắn, ngô, khoai hay bo bo thay cơm, như nghe chuyện… ở bên Châu Phi. Kinh tế phát triển, mọi nhà có của ăn của để thì bắt đầu nghĩ cách hưởng thụ. Bởi như các cụ dạy, “No cơm ấm cật dậm dật mọi nơi”. Mà cái khiến con người ta dậm dật nhất là nhu cầu tình dục. Hay như các nhà thơ rất đông đảo ở nước mình thường mô tả, đó là khát vọng tình yêu. Theo các nhà thơ thì khát vọng thỏa mãn tình yêu nam nữ là cái chuyện muôn đời, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, ta, tàu, âu, á. Cảm giác khi được thỏa mãn với người mình yêu là cảm giác của thánh thần. Đó chính là phút giây chúng ta được sống trên thiên đường cực lạc.

Thời chiến tranh và bao cấp đói kém, kém ăn nên tình dục cũng kém thăng hoa. Cánh đàn ông bặm trợn sáng hôm sau gặp ở chỗ làm, thấy ông bạn đồng nghiệp bơ phờ thường hay hỏi: “Hôm qua trót dại à?” Là vì ăn chả đủ no, được tí nào lại đổ vào cái lỗ, rồi thì lao lực mà chết non. Chả dại là gì!

Sang thời kinh tế thị trường mở cửa, mọi thứ từ thế giới tràn vào ồ ạt như thác lũ. Thốt nhiên ngập trong biển vật chất và thông tin, người Việt thấy mình kém cỏi và lập tức học hỏi thế giới. Thì vốn dân ta có truyền thống hiếu học mà lại. Phim ảnh, sách báo, tivi, băng đĩa rồi Internet tràn vào, mang theo đủ thứ. Đang từ một xã hội khô cằn khép kín bởi nghèo đói chiến tranh và lạc hậu, nước ta bỗng nhiên có một cuộc cách mạng về nhận thức xã hội mọi mặt. Mọi thứ bung hết ra. Nhất là những cái thuộc về bản năng lâu nay vẫn bị kiềm chế. Dường như có một cuộc cách mạng tình dục nổ bùng. Câu chuyện hàng ngày của đám đàn ông trong công sở, bên mâm rượu, trong nhà hàng, quán cà phê, bàn nước…, không còn chỉ là các món ăn nhậu trên rừng dưới biển ngon lạ hoặc những đồ dùng đắt tiền thời thượng nữa, mà thường hay hỏi nhau: “Hôm qua đi nhà nghỉ với bồ chiến được mấy tăng?”.

Đàn ông đã vậy, đàn bà nước ta cũng chả kém. Bởi rõ ràng một điều là các ông đi cặp bồ thì phải có các nàng a dua. Chả nhẽ đàn ông họ dắt trai vào nhà nghỉ để hú hí? À mà cũng có đàn ông với đàn ông, nhưng ít, ít lắm, thế nên không đề cập cái sự ấy ở đây. Vấn đề ở chỗ là có một cơ số các bà góa bụa, hoặc là có tuổi, hoặc chồng chê bỏ đi tìm gái trẻ. Rồi thì các nàng cơ nhỡ cao chả tới, thấp không thông thành gái ế. Rồi phu nhân của các gia đình giàu mới nổi, lúc nghèo đói thì vợ chồng chí thú gắn bó làm ăn nuôi con. Nay giàu rồi, con cái lớn rồi, ông chồng bị nhiễm cái gọi là văn hóa hưởng thụ phương Tây, bèn đi nuôi bồ nhí, bỏ bẵng vợ ở nhà…

Tóm lại có rất nhiều đàn bà dòng dòng tới phủ thày Bút. Và trong số họ nhiều bà còn mặn mà hương lửa mà phải chịu cảnh cô đơn. Họ rủ nhau về hầu Mẫu tại phủ điện cho nó mát mẻ. Họ gặp thày Bút. Hồi đó thày Bút tóc đã bạc trắng rồi. Cặp lông mày rậm dài cũng bạc trắng. Nhưng mặt mũi thì tinh anh và da dẻ đỏ đắn, dáng dấp rất tráng kiện nên khó đoán tuổi. Thày Bút thời thanh niên vốn cũng là một tay khá đẹp giai trong làng. Thày hay mặc những bộ quần áo lụa màu mỡ gà hoặc xanh thiên thanh đặt dệt may bên Hà Đông để tiếp khách. Thế nên thày có phong thái như một tiên ông trong cổ tích. Người mới gặp lần đầu hay bị cái ánh nhìn sâu, mạnh đầy cường lực của thày áp đảo và giọng nói trầm ấm cuốn hút mê dụ. Không những tổ chức hầu đồng, thày Bút còn xem tướng, xem đất cát phong thủy, đi lập đàn cầu cúng các nơi. Thỉnh thoảng có một đại gia mới nổi hoặc một quan chức to đến mời thày đi yểm trợ cho một vụ nào đó, với tư cách là thày tâm linh riêng. Nhưng đặc biệt nhất ở phủ thày Bút vẫn là môn cấp lệnh của đức Thượng Thiên Linh Nhãn cho chúng sinh. Các bà dòng dòng về gặp thày Bút, được thày truyền giảng cho về đạo thờ Thượng Thiên Linh Nhãn, ai nấy đều mê đi. Rồi rất chi là sung sướng khi được thày mời lên thưởng trà và đưa vào tu tập trong mật thất. Số này rồi trở thành các con nhang đệ tử thân tín của thày Bút. Mộ thày lắm. Nghe như uống từng lời thày, chỉ mong được thày lại dắt vào mật thất dạy dỗ tu tập riêng cho.

Thế nhưng thày Bút rất bận, vả lại con nhang đệ tử đông nên lâu lâu mới đến lượt. Hồi thày mới thu nhận nữ tử Diệu Hương ở chợ vải Phùng Khắc Khoan, thày có hơi ưu ái. Liên tục dắt Diệu Hương vào mật thất tu tập, có hôm cả ngày không thấy xuống. Đến mức tổng quản là bà Hạnh Thục phải ra tay, mọi việc mới lại ổn. Bởi thày bây giờ không của riêng ai. Thày đã là người giời, thày còn phải để tâm sức giảng dạy giáo hóa đệ tử chúng sinh cả nhân gian kia.

Theo như lời thuyết giảng của thày Bút với con nhang đệ tử của mình thì, dân nước Việt từ xưa đến nay vốn không có đạo gốc của mình. Mà đạo là cái căn bản trong đời sống của một nước. Không có đạo con người ta dễ trở nên man rợ rừng rú, không còn biết đến cái gì, chỉ biết thỏa mãn mục đích nhất thời. Người ta có câu, đại nghịch vô đạo là thế. Cũng bởi vì không có gốc đạo của mình nên dễ bị người ngoài lừa mị. Đạo Phật vốn từ nước Tây Trúc truyền sang. Đạo Thiên Chúa do người phương Tây mang lại. Đạo Lão Giáo, Nho Khổng là do người Tàu áp chế. Dân mình vốn có tục thờ cúng tổ tiên và thờ Mẫu. Nhưng mà tục thờ Mẫu tuy trải rộng khắp nước trong Nam ngoài Bắc đều lập điện phủ hầu cúng, nhưng vẫn không thành một đạo quy củ cho dân cả nước tín theo. Thế cho nên dân nước Việt tiếng là có mấy ngàn năm dựng nước, nhưng vẫn bơ vơ như trẻ mồ côi, ngây thơ nhẹ dạ cả tin thành ra bạ cái gì thờ cái ấy. Vái từ núi cao sông rộng biển lớn đã đành. Rồi đến nỗi gặp cây đa to thì thờ như thần. Gặp cây gạo thì sợ như ma. Đi qua cây đề cũng nín thở vì hãi cú cáo.

Thế rồi có mấy tay nhà sư đi theo thuyền buôn từ nước Tây Trúc xa xôi sang, nói Phật từ bi hỉ xả, phổ độ chúng sinh trên cõi niết bàn. Cứ thờ Phật sau này thế nào chết cũng được theo ngài về cõi đó an hưởng, bởi sống chỉ là cõi tạm, thế là theo. Sau người Tàu mang Khổng Nho, Lão Giáo sang nói đây mới là rường cột nước nhà, rồi dân cả nước cũng theo thờ. Cách đây vài trăm năm, người Tây Dương mang Thiên Chúa sang nói, chỉ ngài mới cứu vớt được chúng sinh, thế rồi cũng nhiều người theo. Dịp gần đây, có vài tay đi học thì ít, du thì nhiều, sang lang thang bên trời Âu, rồi gặp mấy ông Tây râu dài vốn sẵn bất đắc chí với thời cuộc. Mấy ông này bảo đi theo chúng tao, làm cách mạng, mai này thế giới đại đồng, người với người là bạn hữu, mọi của cải sẽ là của chung. Nghe rất chi là hay ho. Mấy tay này đang đói rét khoái quá, nghĩ nay mai tất cả đồ ăn thơm nức trong các nhà hàng kia, muốn vào chén bao nhiêu thì chén. Đồ đạc đang bày trong các cửa hiệu sáng choang kia thành ra của mình, quá đã, bèn thờ các ông này còn hơn thờ ông Bành Tổ. Rồi cũng cố công theo học lõm bõm được vài chữ, mang về nước Việt, thì thầm nơi hang cùng hốc hiểm rằng, đây mới là cái con người ta cần. Là cơm no áo ấm. Là đời sống thiên đường. Các cái loại thần phật tiên thánh đều vô dụng, chả ích gì cho nhân gian, dẹp hết. Thế mà cũng có khối người nước ta theo. Thế rồi người theo người không, phân đôi chiến tuyến đánh nhau loạn đả xà ngầu mấy chục năm ròng, xương chất thành núi, máu chảy thành sông. Rồi bỗng một ngày mấy ông Tây râu dài biến mất. Còn trơ khấc người Việt với nhau. Nhiều người bỗng ngẩn tò te ra hỏi, thế bấy lâu nay mình cứ trong nhà đánh giết nhau lộn tùng bậy vì cái gì?

Vì cái gì?

Thày Bút hỏi thế. Đám con nhang đệ tử chả ai nói được lời nào. Thày lại đành phải giảng tiếp. Theo như lời thày thì dân nước ta cứ bị ngoại bang nó xúi giục, để rồi trong nhà mà đánh giết hằn thù nhau mãi không thôi là do đầu óc u mê không được khai mở. Thế nên thày là người quyền phép được lệnh của Đức Thượng Thiên phải lập ra một cái đạo để giáo hóa dân chúng, đặng đưa con người ta vào vòng phép tắc của tạo hóa. Thày tuyên bố lập ra đạo thờ Thượng Thiên Linh Nhãn. Thày nói Đức Thượng Thiên ở ngôi cao nhất trong vũ trụ, tạo lập ra mọi thứ, khiến thành mọi sự. Vũ trụ bao la rộng lớn thế nên ngài có một con mắt thần, gọi là Linh Nhãn, không bao giờ nhắm để soi tỏ mọi việc của thế gian. Những kẻ gian tà làm điều khuất tất, người đời có thể không thấy, nhưng không tránh khỏi Linh Nhãn trên cao xanh thấy hết. Đến ngày phán xét những kẻ đó sẽ bị muôn trùng hình phạt tàn khốc và vĩnh viễn bị biến thành hạt bụi phía trời xa. Ra hẳn khỏi tam giới.

Thày tuyên bố, mình là người được Đức Thượng Thiên chọn, quyền thông tam giới: thần, người, quỷ. Thày có thể xin ban lệnh, huy động từ thiên binh thiên tướng đến quỷ sứ ma vương, nên ai có lệnh của thày làm việc gì xong việc đấy. Chỉ có vẻ vang thắng lợi. Các đồ đệ là phải loang tin này ra cho thế gian biết để quy về mà theo hầu. Nay mai Đại Quốc Sư của nước lập thuyết xong là sẽ phân ngôi thứ thày trò, trên dưới cùng nhau đắc đạo, thành chính quả, đi vào cõi bất tử.

Nghe thày nói thế, con nhang đệ tử một lòng tuân phục, đi lan truyền khắp vùng là có một bậc thánh nhân mới ra đời để cứu vớt chúng sinh khỏi chốn lầm lạc. Những nữ tử đã được thày đưa vào truyền giáo trong mật thất thì càng tích cực say mê ngày ngày ca ngợi, nhiều nữ tử còn đem hết cả gia sản hiến cho phủ Thượng Thiên Linh Nhãn của thày Bút. Nam nhân nữ tử theo về hầu phủ ngày càng đông. Thế nhưng đám dân đen làng Cùng thì lại chả mấy người theo thày Bút. Thật đúng là cái kiểu của dân Việt mình, vốn luôn coi Bụt chùa nhà không thiêng.

Gần chùa gọi Bụt là anh/Thấy Bụt hiền lành bèn bế đi chơi”.

Nhất là cái đám đàn ông ba trợn ba trạo trong làng, chuyên rượu cả vò chó cả con, ăn tục nói phét đánh rắm rong, không biết sợ thần thánh ma quỷ là gì. Chúng nói nhau: “Tay thày Bút làng mình thế mà hay, xoẹt phát thành thày. Xoẹt phát nữa thành giáo chủ. Tiền của thiên hạ đổ về như nước. Thật đúng là đếch có bán buôn gì ngon như buôn thần bán thánh”. “Nhưng mà tay ấy nhiều tiền thế mà chơi toàn gái già? Vợ già, bồ già. Rồi đến đám nữ tử toàn chồng bỏ chồng chê, gái góa gái già… là thế quái nào nhỉ? Tôi mà như lão, xơi toàn gái mười tám ngay!” “Các ông chả biết đếch gì! Lão ấy thế là ăn khôn, xơi đám ấy mới ngon, đương thì khao khát. Người lúc nào cũng nóng hôi hổi, mọng như quả cà chua, ăm ắp như trái dừa, đưa cái tang ta vào thì thôi rồi… Mà đếch mất gì, lại được thêm xiền”. “ĐM… lão ấy xưa nay thiếu gì tiền? Nhiều tiền phải biết ăn biết chơi chứ. Để đến lúc chết mang đi được à? Của gái già, nó như hũ mắm lâu ngày, của gái trẻ, nó thơm nức như hoa lan hoa huệ… ĐM, có tiền mà đếch biết chơi, phí cả đời đi!”.

Bọn đàn ông làng Cùng chả nể nang gì. Có hôm việc làng nói oang oang ngoài cửa đình. Thày Bút đang làm lễ trong đình nghe thấy cả. Thày chỉ mỉm cười bí hiểm không thèm chấp. Bọn họ người trần mắt thịt làm sao hiểu nổi những việc của thánh nhân. Nói với họ bằng thừa. Mà ngay việc đời, họ cũng có hiểu gì đâu. họ chỉ là con ếch ngồi dưới đáy giếng he hé mắt nhìn trời, cất vài tiếng ho uôm oang trong đó lại tưởng mình là hay. Thày Bút đâu có còn là con ếch trong giếng Làng Cùng. Thày đã vượt lên. Thày đã ra khỏi giếng. Thày đã bay xa bay cao theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Đúng thế. Như hồi vừa mới đây, thày đã bay vào tận Sài Gòn với một sứ mệnh cao cả, cứu vớt sự nghiệp của một vị sứ quân đang bị đe dọa. Đó chính là lời thày Bút kể trong cuộc rượu duy nhất tại gian mật thất với vài chiến hữu, đệ tử thân cận. Tại cuộc hôm đó, sau khi mở chai Ballantine’s 21 xịn, cùng nhau uống hết phân nửa, mọi người đều háo hức, chắc mẩm thày sẽ giảng giải một điều gì cao siêu hệ trọng đang ấp ủ bấy lâu nay, giờ đã chín muồi. Những điều thuộc về vũ trụ và cõi nhân gian. Hoặc là chuyện của thánh thần và ma quỷ. Nhưng không, thày cất giọng trầm ấm, nhẹ nhàng khúc hiết, dường như những ly rượu mạnh kia chưa có tác dụng gì tới tâm thế con người thày. Thày kể cho các đệ tử thân tín của mình nghe một câu chuyện mà mình vừa chứng kiến trong chuyến đi Sài Gòn kéo dài ba tháng. Thày nói, đời mình chưa từng chứng kiến những chuyện gì ly kỳ hơn thế.

T.T.C.

Comments are closed.