“Công chúa tóc vàng” và văn chương nghiêm túc

Tàn Tuyết (nhà văn Trung Quốc)

Ngân Xuyên dịch

image

Các giá sách của Bố hầu hết xếp đầy những cuốn sách Marxist-Leninist. Tôi nhớ tên trên một số gáy sách. Những cuốn khác thì không thể nhớ được vì từ ngữ quá trừu tượng. Ngày nào tôi cũng lảng vảng trước tủ sách của Bố. Một hôm, Bố bất ngờ mang từ thư viện về nhà vài cuốn truyện cổ nước ngoài (hồi đó ông bị phái đến thư viện làm việc dưới sự giám sát – cái này gọi là “cải tạo lao động”)[*]. Bố mượn những cuốn sách này cho chị gái tôi đọc vì chị ấy đang học tiểu học và đã biết được một số chữ. Một cuốn trong số đó nhan đề là “Công chúa tóc vàng”. Bố chỉ nhắc đến cái tên sách đó một lần nhưng tôi nhớ mãi. Bìa sách in bức tranh vẽ một cô gái trẻ với mái tóc vàng dài đến mắt cá chân. Tôi mở to mắt nhìn bức tranh đó hồi lâu. Sao lại có người có mái tóc vàng đẹp đến thế? Mình mà có được chỉ một sợi tóc vàng như thế thì tuyệt biết mấy!

Nhiều ngày liền, chỉ cần cầm cuốn sách nhỏ đó lên là tôi đã thấy những cảm xúc khác thường dâng trào trong mình. Tôi thường lợi dụng những lúc không có ai xung quanh để săm soi cô công chúa tóc vàng của mình. Tôi nghĩ mái tóc vàng của cô ấy được làm từ vàng thật. Và khuôn mặt của cô ấy trông mới dịu dàng và thanh tú làm sao! Quá mê mẩn, tôi áp bìa sách vào má mình. Nếu có bọn xấu lẻn vào nhà, tôi sẽ giấu công chúa tóc vàng ở nơi bí mật nhất không ai có thể tìm thấy (chẳng hạn như cái hang trên ngọn đồi phía sau nhà chúng tôi). Tôi sẽ đợi cho bọn xấu rời đi rồi mới đưa cô ấy trở lại ra ngoài. Nếu cô ấy đói và không có gì để ăn, tôi sẽ cho cô ấy tất cả số trứng mà con gà mái đen duy nhất của gia đình chúng tôi đẻ ra. Tôi cũng sẽ đưa cho cô ấy chiếc kẹo mà Bố đã cho tôi hôm trước. Tôi muốn trở thành người bạn tốt nhất của cô ấy.

Cuốn sách đó một thời gian lâu không được trả lại thư viện. Tôi coi nó như cuốn sách của gia đình chúng tôi. Khi tranh cãi với cô bạn nhà bên, tôi đột nhiên cao giọng hét lên: “Này! Tớ có cô công chúa tóc vàng! Cậu có không? Cậu có không?!". Tất nhiên là cô bạn không có, và cô ấy đã bị choáng ngợp bởi ưu thế của tôi.

Tôi lớn lên cùng những cuốn sách như những người bạn đồng hành của mình. Ngay từ khi còn rất trẻ, tôi đã coi một số cuốn sách là “tác phẩm nghiêm túc”. Người ta không thể hiểu chúng ngay lập tức. Tôi chỉ có thể tiếp cận chúng sau khi tôi đã “lớn lên”. Các giá sách của Bố chứa đầy những “tác phẩm nghiêm túc” về triết học phương Tây, trong đó có sách của Marx và Lenin. Dễ thấy nhất là những tập bìa xanh của bộ Tư bản và một số bộ lịch sử văn học cổ điển Trung Quốc. Bố đọc những cuốn sách này hàng ngày trong nhiều năm. Ông đọc đi đọc lại phần lớn chúng.

Những cuốn sách đó tỏa ra một mùi hương đặc biệt khiến tôi rơi vào trạng thái mơ màng. Hễ khi nào ở nhà một mình tôi thích đặt chúng lên bàn lần lượt từng cuốn một và ngắm nghía chúng một cách cẩn thận. Tôi ghé sát mũi ngửi chúng và chạm tay vào chúng nhiều lần. Bìa của tất cả những cuốn sách này đều không tô vẽ nhưng tinh tế, còn các trang thì đầy những ghi chú của Bố. Vào những lúc như thế, cảm xúc trong trái tim non trẻ của tôi dâng trào vượt ra ngoài sự ngưỡng mộ và say mê. Thời đó tôi cũng đã bắt đầu đọc sách, đa số là loại văn chương nhẹ nhàng. Tôi không thể xếp loại chúng cùng với các sách của Bố. Tôi ngấu nghiến những cuốn sách có thể khiến tôi say mê tạm thời. Đọc xong là xong. Tôi không có mong muốn giữ chúng nữa. Mà tôi có muốn giữ cũng không được, vì hầu hết đều là sách mượn. Thời đó ai có đủ tiền mà mua sách?

Những cuốn sách của Bố đứng im lìm trên các giá sách – luôn âm thầm lôi kéo tôi về phía chúng. Trong tiềm thức, tôi cảm nhận thấy trong những cuốn sách đó có một thế giới rất sâu sắc. Phải mất cả đời người mới đi sâu được vào thế giới ấy. Bố đọc những cuốn sách đó vào ban đêm, đọc hàng đêm, trong nhiều năm. Vẻ mặt trầm ngâm đằng sau cặp kính của ông chắc chắn không phải là một tư thế. Những điều đọc được khuấy động tâm trí ông rất khác những điều tôi cảm nhận được khi đọc những cuốn sách thông thường. Đó là gì vậy? Không ai có thể nói cho tôi biết – kể cả chính Bố. Ông chỉ nói: “Trong tương lai, con cần phải đọc hết các sách của bố”. Có phải ý ông là trong tương lai tôi cũng nên làm như ông đã làm – ngồi trước cùng một cuốn sách trong nhiều năm và đắm chìm vào suy tưởng? Tôi không hiểu.

Cái ngày đó cuối cùng rồi cũng đến – thời điểm tôi chính thức gắn bó với văn chương. Tôi có vài “cuốn sách nghiêm túc” của riêng mình – và số lượng của chúng ngày càng tăng lên. Trong những khám phá về sau này của mình, tôi ngày càng cảm thấy một số cuốn sách có sức mạnh kỳ diệu. Bên trong những từ ngữ đan dày là cả một thế giới không thể dò thấu được – thế giới của ngôn ngữ hay thế giới của văn học, nghệ thuật, triết học, hay nhân loại. Điều kỳ lạ nhất, đây là một thế giới tương tác: chỉ khi người ta cố gắng hết sức để tiếp cận nó thông qua suy tưởng thì nó mới mở rộng ra và để lộ những tầng lớp phong phú của nó. Nếu lười khám phá thì dù có năng khiếu, bạn cũng chỉ thỉnh thoảng mới nhìn thoáng qua xứ sở thần tiên đó, chứ không bao giờ bước được vào trong nó. Và bạn sẽ chỉ có thể thở dài tiếc nuối. Một độc giả hiện đại không chỉ phải đọc đi đọc lại, suy ngẫm nhiều lần, mà còn phải thực sự viết – và trong quá trình viết, là mở rộng thế giới mà mình đã cảm nhận được. Đây là cách đọc mệt lử nhất nhưng cũng là được tưởng thưởng nhất.

Một độc giả tiên tiến thời nay hành động giống như một thám tử. Trong khu rừng sách, hắn có thể lần theo các manh mối và khám phá những kho báu khổng lồ ẩn chứa trong đó. Những cuốn sách đó mang lại cho hắn những thông điệp: tinh chất dồn chứa bên trong hắn sẽ tiếp nhận được những thông điệp đó và ngay lập tức tạo ra những thông điệp mới. Những thông điệp hỗn hợp này dẫn hắn đi vào con đường hầm của tinh thần, và tại nơi đó hắn bắt đầu một cuộc khám phá vĩ đại. Quá trình đó vừa bí ẩn vừa sáng rõ: đây là những khoảnh khắc khi con người và thần linh gặp nhau. Những cuốn sách nghiêm túc đều có thuộc tính này. Nếu chúng ta muốn tìm thấy niềm vui trong việc đọc sách hiện nay, chúng ta phải rút cái tinh chất bên trong của mình ra để nhập vào cuộc phiêu lưu tâm linh đầy rủi ro nguy hiểm này.

Bạn có những cuốn sách nghiêm túc làm bạn đồng hành không? Nếu có, vậy bạn là một người có một mục đích tâm linh thực sự để theo đuổi.

(Theo bản tiếng Anh “The Fair-haired Princess” and Serious Literature do Karen Gernant & Chen Zeping dịch; nguyên văn tiếng Trung “金发公主” 和严肃书籍 (“Kim phát công chủ” hoà nghiêm túc thư tịch)

[*] Tàn Tuyết sinh ra trong một gia đình gồm sáu người con. Cha bà từng là Tổng biên tập nhật báo Tân Hồ Nam (新湖南日报 Tân Hồ Nam nhật báo). Trong Chiến dịch chống cánh hữu năm 1957, cha mẹ cô, giống như nhiều trí thức thời đó, bị tố cáo là phái hữu, bị đưa nông thôn chịu hai năm cải tạo. Sau đó, cả gia đình bị đuổi khỏi căn nhà ở tòa báo và chuyển đến một túp lều nhỏ bên dưới núi Nhạc Lộc, vùng nông thôn Trường Sa, tỉnh Hồ Nam. (Văn Việt)

Comments are closed.