Dặm trường (kỳ 7)

Trần Doãn Nho

CHƯƠNG 17

Sau lần cãi vã với nhau, Hạnh nghĩ rồi ra mọi chuyện sẽ qua đi. Nhưng không đơn giản như vậy. Giữa hai người lửng lơ một cái gì bất bình thường.  Nó không hiển lộ ra rõ ràng, nhưng Hạnh cảm thấy nó cứ lảng vảng đâu đó. Lục ít nói hẳn đi. Anh thường tránh đề cập đến ý định của mình. Nhưng nhìn bộ dạng của chồng, Hạnh biết chắc rằng chồng vẫn còn nuôi mộng đi buôn. Biết thế, nàng cố tránh không nhắc nhở gì. Hai người đã ngủ chung với nhau, nhưng mùi vị ân ái trở nên nhạt nhẽo. Những nụ hôn thiếu hẳn nồng nàn. Vòng tay lơi lỏng. Lục của nàng như khác đi. Bướng bỉnh mà vụng về. Nhiều lúc, thụ động và ngờ nghệch. Còn nàng, không hiểu sao, nàng cảm thấy ngơ ngác và lạ lẫm. Cảm giác đó đeo đẳng theo nàng trong sinh hoạt hàng ngày cũng như khi nằm bên cạnh Lục. Cái gì thế nhỉ?

      Sáng hôm đó, thức dậy, nàng chợt nghe ân hận. Bèn bỏ ý định đi thăm bạn. Thấy anh vừa đánh răng xong, nàng nói:

–     Mình đi ăn sáng đi anh.

      Lục không trả lời nàng, mà hỏi:

–     Em đã lên thăm bà nội mấy đứa chưa?

      Nghe nhắc đến mẹ chồng, Hạnh hơi bực. Nàng trả lời mà như ném chữ vào mặt anh:

–     Chưa!

      Nhận ra giọng mình hơi xẵng, nàng dịu giọng:

–     Lu bu chuyện này chuyện nọ, em quên mất.  Hay chốc nữa hai vợ chồng lên thăm luôn.

      Lục dứt khoát:

–     Em đi một mình đi.

      Hạnh biết giữa chồng và mẹ chồng đã từng cãi vã nhau khi nàng vắng mặt, nên khi nghe chồng nói vậy, nàng im lặng, tự nhủ thôi thì hôm nay ráng ghé thăm bà nội một chút cho phải lẽ.  Nàng nói:

–     Mình đi ăn sáng trước đi anh. Ghé quán bún mụ gì ở Ðập Ðá đó. Lâu quá mình chưa ăn bún dưới đó. Ði anh!

      Lục không nói gì, lẳng lặng thay áo quần.

      Hai vợ chồng chở nhau ra đầu ngõ, đúng lúc một chiếc xe con Liên Xô chạy tới. Lục dừng xe, nhường đường. Nhưng ngang trước nhà, chiếc xe con chạy chậm, dừng lại. Người tài xế nhảy xuống, nhìn lui nhìn tới, rồi hỏi anh:

–     Cho tôi hỏi chút xíu. Ðây có phải là nhà bà Hạnh không ạ?

      Hạnh nhảy xuống xe, ngạc nhiên:

–     Tôi là Hạnh đây. Anh tìm tôi có việc gì?

      Cậu tài xế không nói gì, rút ra tấm thiệp nhỏ, đưa cho Hạnh. Thấy cái tên trên tấm cạc, tim Hạnh đập thình thịch.  Mặt nàng tái đi, hai tay run run. May mà Lục đứng sau lưng, nên không biết gì.  Nàng đọc xong mấy chữ viết nguệch ngoạc sau tấm cạc, yên tâm. Nàng định tĩnh lại, đưa tấm cạc cho chồng. Lục đọc xong, hỏi:

–    Em quen với ông này à?

–    Thì Công Ty Xuất Nhập Khẩu Nông Lâm Sản mà em nói với anh đó. Nhưng ông ở trên tấm cạc này là Bí thư huyện uỷ, cấp trên của ông giám đốc nữa. Chính ông này ký ngân phiếu trả tiền cho em đấy.

      Lục gật gù ra vẻ hiểu, đưa trả tấm cạc lại cho Hạnh. Hạnh cám ơn cậu tài xế, nói:

–     Em về nói lại với ông Bí thư là hai vợ chồng anh chị sẽ ghé thăm ông.

Quay sang Lục, nàng nói:

–    Cũng may là gặp ngay tại đây. Lát nữa, ăn sáng xong, anh với em qua đó thăm ông ấy một chút. Em muốn giới thiệu anh với ông ta. À, này em, em có biết rõ khi nào ông Bí thư có mặt ở nhà khách không? Chắc ông mới ra, bận lắm nhỉ?

–     Bận thì bận quá đi rồi. Ði công tác xa như thế này, em gần như trực trăm phần trăm. Sai đâu đi đó, không có giờ giấc rõ ràng. Ông bảo đi là đi, chẳng hề báo trước. Nhưng em biết chắc giờ này ông đang có mặt bên đó, lý do là vì em đang ở đây.

–     Thôi được. Em về trước nói với ông là tụi chị sẽ qua chào ông bây giờ. Mình qua bên đó trước đã, anh thấy sao?

      Lục ngần gừ, không muốn đi. Hạnh giục:

–     Ði anh. Gặp một chút, rồi đi ăn sáng sau. Người Nam họ dễ tính lắm. Gặp thăm hỏi năm điều ba chuyện xong là chào đi thôi, không có thủ tục rườm rà như người Huế mình.

–     Nếu vậy để anh vào thay áo quần lại. Ăn mặc thế này chướng lắm.

      Hạnh cản:

–     Ôi, hơi đâu mà lo. Ðâu có sao. Tính ông này xuề xòa lắm.  Mình ăn mặc “ra vẻ” quá đôi khi không hay.

      Ðúng như Hạnh nói, Mười Giộc ăn mặc xuề xòa. Chân đi dép nhựa cán bộ. Áo trắng bỏ ngoài quần. Ông tiếp hai vợ chồng Hạnh ngay trong phòng khách của nhà khách tỉnh nằm trên đường Lê Lợi. Phòng khách lớn, sang trọng, trang trí theo kiểu tây. Một bộ xa lông gỗ rộng, kiểu cổ đặt ngay chính giữa.  Lưng dựa và chỗ tì tay đẽo thành hình rồng phượng. Bên cạnh là một cặp ngà voi thật lớn, dựng trên một cái giá gỗ lên nước sáng bóng. Xưa nay đi ngang đi lại nhà này nhiều lần, Hạnh không ngờ bên trong lớn và sang như thế này.

      Thấy hai vợ chồng Hạnh vào, ông ta đưa tay ra bắt Lục, nắm chặt bàn tay lắc lắc một hồi lâu:

–     Hân hạnh, hân hạnh!

      Xong, ông ta đưa tay ra bắt tay Hạnh. Hạnh thấy kỳ kỳ, nhưng nàng cũng lịch sự đưa tay, lòng ngượng nghịu với chồng.  Ông lắc lắc bàn tay Hạnh một hồi nữa, miệng lập đi lập lại hai chữ “hân hạnh”. Lục tức cười nhưng cố nhịn. Hạnh cảm thấy khó chịu và quê với chồng, nhưng ráng giữ khuôn mặt bình thường. Cả ba ngồi xuống. Bộ xa lông lớn quá khiến người này ngồi cách người kia khá xa. Vừa ngồi xuống cái ghế lớn đối diện với hai vợ chồng, Mười Giộc đứng ngay dậy, kéo chiếc ghế nhỏ đặt một bên cặp ngà voi đến gần bàn:

–    Ghế lớn, ngồi nhìn nhau trông nhạt quá, phải không anh chị?

      Hạnh gật đầu. Móc túi không thấy thuốc, ông ta kêu chú tài xế đang đứng lấp ló ngoài hành lang đi tìm cái cặp, đem vào. Ông mở cặp, rút gói craven A, mở ra lấy một điếu, rồi ném xuống giữa bàn, đẩy tới mời Lục:

–     Anh hút thuốc.

      Lục hờ hững rút một điếu, cầm trong tay.  Ðợi Mười Giộc châm thuốc xong, Hạnh nói:

–     Sao, anh à… ông Bí thư có khỏe không? Ông ra khi nào vậy?

      Bí thư cười rổn rảng, không trả lời thẳng vào câu hỏi của Hạnh:

–    Huế đẹp thật! Cảnh đẹp mà người cũng đẹp, nhất là mấy bà, mấy cô. Vùng tôi, cảnh đã không mà người thì xoàng xoàng.

      Hạnh dè dặt:

–    Ông mới ra đây lần đầu?

–    Nói thế cũng không có gì sai. Thường mỗi khi đi công tác Hà Nội, tôi chỉ dùng máy bay. Có lần đi xe con, có ngang qua đây. Có ghé chợ, nhưng vội quá, chẳng ở lâu. Thế nào, chị có khỏe không? Còn anh? Ðây là chồng chị phải không? Anh tên gì nhỉ? Anh cũng người Trung đấy nhỉ? Giờ công tác đâu?

      Lục nói đùa:

–    Tôi làm anh nuôi.

–    Thế à? Hay nhỉ. Ðơn vị nào vậy?

–    Anh nuôi tại gia, ông Bí thư ạ.

–     Cái gì mà gọi là anh nuôi tại gia? Ðơn vị nào lạ vậy kìa. Tôi chưa bao giờ nghe nói đến.

      Hạnh cười xòa:

–     Anh đùa đấy, ông Bí thư ạ. Anh nuôi tại gia là làm việc nhà đấy. Tôi đi đây đi đó hoài, anh ở nhà lo chăm sóc con cái.

      Bí thư cười sảng khoái:

–     Cũng thú nhỉ. Thế nào, cô Hạnh có định vào lại thành phố Hồ Chí Minh không?

      Hạnh tránh không nhìn thẳng vào mặt Mười Giộc. Nàng sợ rằng ông ta vui miệng sẽ nói lung tung. Nàng đáp nhỏ:

–     Dạ, chưa có định gì hết. Mới ra mà ông Bí thư.

      Như để đánh tan nỗi lo ngại của nàng, ông ta nhìn Lục, nói:

–    Tôi gặp cô Hạnh, à bà nhà đây trên trụ sở công ty ở Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh. Bà là một trong những khách hàng đầu tiên của công ty huyện chúng tôi. Bọn tôi định mở rộng địa bàn hoạt động ra ngoài này đó anh. Vùng tôi không thiếu gì lúa gạo, nhưng thiếu nhiều thứ khác.

      Lục cố tỏ ra chăm chú lắng nghe.  Hạnh hỏi:

–    Thế ông Bí thư có định ra đây làm ăn không?

–    Ðấy, đấy, cái này phải cần đến những người ở tại địa phương, như cô chẳng hạn. Lần này, tôi đi tham quan một chuyến cho biết. Nhưng nhất định sẽ phải đặt một trạm thu mua ở ngoài này.  Có lẽ ở Ðà Nẳng cho tiện. Rảnh, ta sẽ ngồi lại bàn với nhau phương thức làm ăn. Tôi có hỏi dò bên thương nghiệp thành phố rồi. Họ cho biết, không trở ngại gì. Chỉ có cái khâu nhân sự thì…hơi phiền. Tất nhiên là phải dùng người địa phương. Nhưng kiếm người tin cậy thì không dễ. Phải vừa rành việc, vừa lanh, nhưng cũng phải, như cô biết đó, cũng phải…biết điều nữa. Không biết điều thì gay lắm. Với dân Nam bộ như tôi, xứ này còn mới quá. Tính tôi ngang phè, nghĩ  sao nói vậy. Ở đây, người ta ít người nói thẳng những gì họ nghĩ trong đầu. Gay là ở khâu này. Biết người ta thích cái gì là rất dễ cho việc của mình.

      Bí thư vứt đi điếu thuốc mới hút một nửa, đứng dậy, rút một điếu khác, mồi tiếp. Nhìn quanh không thấy cái gạt tàn, ông đi thẳng tới chậu kiểng đặt sát tường, dí vào gốc cây cho tắt rồi trở lại ghế ngồi.

–    Chiều nay, tôi đi Hà Nội. Ra Bộ lo cho xong mấy cái giấy tờ, nhân thể gặp đồng chí Thứ trưởng Ngoại thương để xin ý kiến. Trở lại đây, tôi sẽ làm việc với các đồng chí địa phương, cả đây, cả ở Ðà Nẳng.

      Nhìn Lục, Bí thư giải thích:

–    Làm ăn bây giờ, khâu nào cũng phải thông, anh biết không. Hễ khâu nào có vấn đề, có sự cố là không ổn đâu.  Phải tính đủ trong, ngoài, trên, dưới mới có thể tiến hành công việc được.

      Quay sang Hạnh, ông tiếp:

–    Khi vào lại, tôi ở đây một thời gian để làm việc với bên tỉnh và thương nghiệp. Giờ ở tạm nhà khách này, sau ở dài ngày chắc phải về đóng quân tại khách sạn Hương Giang. Cô Hạnh thấy có ai chịu làm ăn với dân Nam bộ chúng tôi thì giới thiệu nhé.

      Thấy bộ tịch của Mười Giộc, Hạnh đoán ông ta muốn chấm dứt câu chuyện ở đây, nên bấm Lục đứng dậy:

–    Thôi, xin chào ông Bí thư. Khi nào trở lại, nếu ông Bí thư cần gì, vợ chồng tôi sẵn sàng tiếp một tay.

–    Vâng, có gì tôi sẽ báo cho anh chị rõ.

      Vừa nói, Mười Giộc vừa đứng dậy, đi ra phía cửa. Hạnh và Lục bước theo sau. Ðến  cửa, Lục đi nhanh ra phía bên hông nhà khách lấy xe. Hạnh rảo bước xuống tầng cấp.  Bỗng Mười Giộc gọi nhỏ:

–     Hạnh, Hạnh!

      Hạnh dừng lại, ngoái đầu lui nhìn. Ông ta bước nhanh xuống bên cạnh, nói nhỏ:

–    Anh nhớ em thiệt tình. Anh nói đùa vậy chứ sáng mai anh mới đi Hà Nội. Chiều nay, đi chơi với anh nhé.

      Nghe nói, Hạnh bẽn lẽn cúi đầu xuống, tim đập mạnh. Nàng hít một hơi thật mạnh, nói mà không nhìn lui:

–     Không được đâu, ông Bí thư.

      Nói xong, nàng bước vội xuống tầng cấp. Giọng Mười Giộc đuổi theo nghe thoang thoảng như  từ đâu tới:

–     Anh đợi đây lúc ba giờ chiều. Ði Ðà Nẵng chơi, tối về.  Nhớ nghe cưng, anh đợi.

*

      Ăn cơm trưa, dọn dẹp xong, Hạnh nói với chồng nàng đi thăm bà nội mấy đứa nhỏ. Biết Lục không muốn đi, nhưng nàng vẫn hỏi:

–    Anh đi với em chứ?

–    Anh đã nói rồi, em đi một mình đi.

      Hạnh rú xe ra đến cửa ngõ, dừng lại, quay lui, nói lớn:

–    Ghé mạ xong, em đi Kim Long thăm đứa bạn với lại tạt sang nhà mấy bạn hàng xem thử hàng hóa ra sao. Nếu em không về kịp, có đồ ăn em nấu sẵn, chỉ hâm lại rồi mấy cha con ăn.

      Nhìn vào tấm gương chiếu hậu, thấy khuôn mặt mình nhợt nhạt, Hạnh mới sực nhớ là chưa đánh phấn và thoa son. Nàng dựng xe lại, cứ để máy nổ, chạy vội vào nhà đánh một lớp phấn mỏng lên má, lấy tấm vải xoa nhẹ, nghiêng khuôn mặt qua lại để chắc chắn là má không quá hồng. Xong dùng thỏi son môi xoa lên môi một lớp. Thấy quá đậm, nàng lấy tay chùi bớt, rồi cẩn thận thoa lại. Ngắm nghía cẩn thận, thấy khuôn mặt bây giờ có phần tươi trẻ hơn, lại không có vẻ gì quá đỏm đáng, nàng yên tâm ra xe.

      Ði thăm mẹ chồng, nàng trông đợi một khuôn mặt lạnh lẽo, những câu chào hỏi lấy lệ, những cái nhíu mày, bĩu môi vừa cố tỏ ra lịch sự nhưng đồng thời cũng muốn cho kẻ đối diện biết rằng tôi chẳng ưa gì cô. Mối liên hệ bà gia-con dâu vốn không bao giờ tốt đẹp lại càng tệ hơn khi Hạnh đi buôn chuyến, thường xuyên vắng nhà. Hạnh biết mẹ chồng lo ngại là điều có lý. Nhưng nàng không thể chấp nhận bà mẹ chồng xem chuyện nàng đi buôn đường xa để nuôi chồng nuôi con là một hành vi không đứng đắn. Trong cái nhìn của bà, Hạnh biết, bà đã có một phán đoán dứt khoát về cô con dâu: nàng đã hư hỏng. Mặc! Bà nghĩ gì là quyền của bà. Nàng có hư hỏng hay không là quyền của nàng. Nàng không mất công cãi lại bà, và cũng chẳng muốn “người ta” xâm phạm đến quyền của mình.

      Trái với dự đoán của Hạnh, mẹ Lục đón tiếp con dâu một cách vui vẻ, thoải mái. Bà cụ hỏi thăm sức khỏe của nàng, sức khoẻ của ba mẹ nàng, các ông chú, ông bác, bà dì và cuối cùng nói về mấy đứa cháu nội. Bà khen đứa này, trách nhẹ đứa kia. Hạnh cũng hỏi thăm sơ sơ, rồi gục gặc đầu lắng nghe.  Hai người tuyệt nhiên không đề cập gì đến chuyện đi buôn của Hạnh. Lại chẳng nhắc gì đến chuyến đi quá dài ngày vừa rồi.  Bà mẹ chồng ra vẻ một bà già dễ tính còn Hạnh thì cố tỏ ra nhu mì, hiếu đạo.

      Trước khi ra về, Hạnh thưa:

–     Còn mấy chỉ hôm trước mạ cho tụi con mượn, mạ đã cần lấy lại chưa?

      Bà cụ xua tay:

–     Cứ giữ đó. Khi nào mạ cần, mạ hỏi.

–     Dạ, vợ chồng con cám ơn mạ.

      Ra đến đường, Hạnh thở phào, tự nhủ thế là xong bổn phận. Nhìn đồng hồ, thấy gần hai giờ, nàng chạy ra cửa Chánh Tây, lên Kim Long, tìm đến nhà Tùy. Rủi thay, Tùy vắng nhà.  Vậy thì đi đâu bây giờ? Bỗng nhiên, Hạnh bối rối. Về nhà?  Không. Dắt chiếc xe xuống mấy tầng cấp bằng gạch trước cửa ngõ nhà Tùy, Hạnh dừng lại, suy nghĩ. Nàng cố nhớ chỗ của một số bạn hàng buôn trầm vùng này. Bà Hoa. Bà Ðợi.  Ông Vàng. Thằng Chiến. Họ ở vùng này thật, nhưng khu Kim Long đường ngang ngõ dọc, làm sao nàng biết được nhà người này người kia ở đâu. Nhà nào trông cũng từa tựa nhau, vườn rộng, cây cối sum suê. Lúc đi mua hàng, nàng thường chạy theo người cò, từ nhà này len lỏi qua nhà khác, không cách gì nhớ ra nổi. 

      Ðành rú xe chạy vòng vòng. Những vườn cây Kim Long um tùm như rừng. Nàng chạy lung tung, hết đường này rẽ qua đường khác, lòng hoang mang bất định. Cuối cùng, không hiểu sao nàng ra được đến đường cái. Không lẽ vòng trở lại, nàng đành chạy chầm chậm về hướng phố. Gió từ bờ sông thổi vào lạnh. Bây giờ nàng mới nhớ ra nàng chỉ mặc một bộ đồ phong thanh. Trời mùa xuân nắng ráo, nhưng về chiều, vẫn còn ngây ngấy, phảng phất  cái rét kéo dài của mùa đông. Ðến gần cầu Sông Hương, nàng ngập ngừng một chút rồi quyết định chạy qua cầu. Mới có hai giờ rưởi. Nàng chạy thật nhanh trên đường Lê Lợi, hướng thẳng về phía ga. Ðến ga, nàng dừng xe ngay trước cửa, bước vào trong, nhìn quanh.   Không thấy ai quen. Cũng chẳng thấy gì. Lại trở ra, rú xe chạy tiếp. Ðến ngang nhà khách tỉnh, nàng càng bối rối hơn. Thấy một chiếc xe bán nước mía nằm phía bên kia đường, chênh chếch một chút về phía trên so với cái cổng chính vào nhà khách, nàng bèn vòng xe lại, ghé vào. Nàng ngồi xây mặt về phía ga, gọi ly nước mía.

      Thời gian lặng lẽ trôi qua. Nàng cố uống. Nhưng mùi nước mía nghe nhạt thếch. Ðầu óc rỗng không. Lòng cồn cào. Nàng bắt gặp chính nỗi sợ hãi của mình. Lâu lâu, nàng liếc nhìn cánh cổng nhà khách. Chẳng có gì. Tự dưng, nàng tuyệt vọng.  Thế thì về thôi. Nàng cố núc một hơi cho hết ly nước mía, đứng dậy trả tiền, lấy xe chạy như người mất hồn. Ði ngang trước cổng nhà khách, nàng rú thật nhanh. Ðang ngon trớn,  đột nhiên một chiếc xe con từ đâu phía sau vượt qua nàng, rồi chạy thật chậm trước đầu xe. Nàng bực mình, lách sang một bên, vượt lên. Khi qua khỏi chiếc xe, nàng nghe  có tiếng ai gọi:

      –    Hạnh, Hạnh!

      Hình như giọng của Mười Giộc. Nàng tảng lờ, rú xe chạy nhanh hơn nữa, len lách qua nhiều hàng xe trước mặt, quẹo qua cầu, về nhà. Ðến trước cửa ngõ, nàng hồi hộp nhìn lui.  Ðường vắng tanh.

Hú hồn!

CHƯƠNG 18

Dù sao, chuyện Mười Giộc ra làm ăn ở ngoài này cũng đem lại cho Hạnh nhiều hy vọng. Làm ăn với một công ty giàu có, lại là công ty nhà nước sẽ khiến cho Hạnh yên tâm hơn.  Khỏi lo sợ hàng bị mất, bị bắt. Khỏi chạy vạy phương tiện chuyên chở. Khỏi lo hàng đứng, hàng chạy. Khỏi lo cả vốn liếng nữa. Tuy ông ta có làm cho nàng bối rối thật đấy, nhưng nghĩ cho cùng, nàng tin là mình sẽ giải quyết êm đẹp. Lần gặp sau, nàng sẽ nói thẳng với ông ta về tình hình của nàng, về dư luận địa phương, về sự tôn trọng lẫn nhau cần thiết để cho mọi việc êm xuôi. Nàng sẽ nói cho ông ta biết rõ rằng những gì xảy ra đêm đó chỉ là chuyện qua đường. Một kỷ niệm vui. Một kỷ niệm văn nghệ. Hay nếu cần, nói thẳng cho ông ta hay, đó chỉ là một hình thức đổi chác không hơn không kém. Không có gì để phải vướng bận lẫn nhau.

      Vả lại, ở đây, có Lục. Nàng sẽ đi cùng với Lục khi có việc gì giao dịch với Mười Giộc. Hay tốt hơn hết, đẩy mọi chuyện cho chồng. Ðúng rồi, đang lúc Lục đang nảy ra ý định đi buôn, tại sao không kéo anh dính líu vào chuyện giao dịch với công ty mới này. Anh vừa giúp nàng vừa học hỏi, lại vừa làm cho có tiền. Cả hai vợ chồng cùng làm.

      Hạnh đem ý tưởng đó ra bàn với chồng. Nàng nói:

–     Anh này, nhân đám trong Nam ra làm ăn ngoài này, em nghĩ  là mình nên kiếm một chỗ.

–     Anh không hiểu ý em. Kiếm một chỗ là thế nào?

      Hạnh thú nhận:

–     Em cũng chưa biết. Em chỉ đoán là họ lập trạm ở đây, họ cần phải có nhiều người địa phương hợp tác. Những người đó chắc chắn là phải rành về trầm, giỏi giao dịch.

      Lục cười:

–     Nói rành về trầm, với giỏi giao dịch thời buổi này thì không phải là ứng vào anh rồi, phải không?

–     Em nói chưa hết. Ngoài những người đó ra, thế nào họ cũng cần phải có người thư ký chẳng hạn, cần người thủ kho, cần người làm hàng vân vân. Ðây là em hình dung vậy.

–     Ðây là một công ty nhà nước, phải không?

–    Thì là nhà nước chứ ai nữa. Cái ông mình gặp hôm trước là Bí thư huyện ủy đấy. Chính em tận mắt thấy ông ta ký giấy tờ ở trong trụ sở  Ủy ban nhân dân huyện à không…không phải, em nói lộn…ở trên trạm thu mua ở Gò Vấp. Ðó là nơi em đến bán hàng. Ông ta xởi lởi…lại rộng rãi nữa…à không, tính người Nam họ ít chi li như người Trung mình. Họ nhập hàng dễ lắm.

–    Vậy em muốn anh vô làm cho công ty chứ gì. Anh chắc chắn là họ không cần anh đâu. Mà lại, lý lịch của anh đâu có hay ho gì.

      Hạnh bực:

–    Thì em đã nói hết đâu. Chưa chi anh đã nói lui. Em bàn tới anh lại cứ bàn lui. Vậy chẳng phải anh thích có một cơ hội gì để làm ăn à? Giờ có cơ hội, anh lại lừng khừng.

–    Anh lừng khừng cái gì? Mình chưa rõ mô tê ất giáp gì cả, nghĩa là chẳng biết họ có thực muốn làm không, làm như thế nào, họ cần ai? Bỗng không, từ trong Nam ra, địa bàn của họ họ không làm, lại mò ra đây. Vậy chắc phải có chuyện gì đây.

–    Anh không nghe ông ta nói à? Ông ra Hà Nội gặp ông Thứ trưởng, rồi mới  vào liên hệ địa phương. Người ta tốn công tốn tiền từ trong Nam ra đấy, đâu phải chuyện chơi.

      Lục cười:

–     Nói thật với em, thấy cái cung cách ông ta, anh có cảm tưởng như là một tay giang hồ nào đó, chứ không ra vẻ gì là một viên chức nhà nước đàng hoàng. Nhất định có cái gì không bình thường. Em có nghe ông ta nói không, ông phải chạy vạy cho khâu nào cũng thông. Thế nghĩa là thế nào?

      Hạnh kiên nhẫn:

–    Thì em bàn vậy thôi, chứ có phải dứt khoát là mình làm việc cho ông ta đâu. Em chỉ muốn tìm cho anh một chỗ…

      Lục xua tay:

–     Làm gì chứ làm với cái đám răng đen mã tấu đó, anh không mấy ưa. Nghe cái kiểu nói ngang ngang của đám cán bộ  là anh đã dị ứng rồi. Dù sao, anh cũng là sĩ quan…

–     Thôi, thôi, anh làm ơn xin im cái miệng lại giùm em.  Ðừng có sĩ quan với không sĩ quan. Sĩ quan mà thua thì có khác gì, có khác gì…Mà lại, thời buổi này phải sống trước đã. Anh không muốn làm thì thôi, nhưng đừng có kỳ đà cản mũi.

*

      Tuần sau, Muời Giộc vào lại Huế và cho người qua nhắn Hạnh. Hạnh phân vân. Lục đã nói rồi, anh không chịu đi gặp. Mà đi một mình đến gặp ông ta tại khách sạn là điều nàng không muốn tí nào. Nàng bối rối, lừng khừng và nôn nao. Nửa muốn biết công việc làm ăn của công ty đến đâu rồi, nhưng nửa lại ngại ngần, vì chắc chắn là Mười Giộc sẽ hiểu lầm ý định của nàng. Nhưng bỏ qua một cơ hội như thế này thì quá uổng. Nàng ướm thử Lục một lần nữa. Lục nói, giọng cương quyết:

– Anh đã nói rồi, anh không thể thích nghi với cái giọng cán bộ. Mà chuyện làm ăn, anh chẳng rành. Có anh vào, càng thêm khó cho em, chứ ích gì.

Năn nỉ mãi không được, Hạnh đành phải tự quyết định. Thế là hôm sau, Hạnh đi. Dừng xe phía bên kia đường, nàng bảo Lục cùng vào, ngồi đợi nàng ở phòng khách, để nàng nói chuyện với tay giám đốc xong, thì chở nàng về. Nhưng Lục vẫn không chịu, nói vào đó, ngồi như thằng nhà quê mới lên phố, anh không thích, để anh đi vòng vòng chơi một hồi rồi quay trở lại, đợi ngoài đường. Hạnh bực tức, vùng vằng bỏ đi, lầm bầm đúng là anh chàng vô tích sự.

      Đã từng đi qua đi lại hàng bao nhiêu lần trước khách sạn này kể từ khi nó mới được xây dựng, nhưng lần đầu tiên bước vào đây như bước vào một thế giới khác. Nàng lúng túng bước đi trên cái hành lang láng bóng đầy ánh sáng từ ngoài hắt vào qua cửa kính và ánh đèn điện từ trên trần nhà đổ xuống. Nàng có cảm giác như những bước đi của nàng đều được mọi người thấy rõ. Ngồi ở quầy tiếp tân là một cô gái mà mới nhìn qua, nàng biết ngay là một phụ nữ chi viện từ ngoài Băc. Hỏi tên Mười Giộc, cô ta kiểm tra không thấy. Hỏi tên Công Ty Thu Mua Nông Lâm Sản, cũng không có. Cuối cùng, khi cô gái dò tên những người từ miền Tây đến đăng ký, mới hay Mười Giộc là ông Tâm, Hoàng Tâm, cái tên nàng nghe nhắc một vài lần mà quên mất.

      Cô gái nhìn bảng số phòng treo thật lớn ở vách tường bên cạnh, rồi gọi điện thoại lên phòng. Xong, cô nhìn Hạnh:

–    Ðồng chí cho tôi mượn “Chứng minh nhân dân”.

      Hạnh giật mình. Lại phải đưa “Chứng minh nhân dân” sao?  Nàng lúng túng, định từ chối. Nhưng nghĩ lại, đã vào đến đây mà không theo quy luật tại đây thì làm sao được. Rút lui cũng không xong. Nàng đành móc bóp, đưa “Chứng minh nhân dân” ra. Cô ta cầm lấy, nhìn mặt truớc mặt sau, rồi nhìn Hạnh nhiều lần. Hạnh hồi hộp chờ đợi. Nàng vừa sốt ruột vừa ngượng. Cô ta hỏi:

–     Ðồng chí vẫn còn ở địa chỉ này chứ?

–     Vâng.

–     Hình của đồng chí cũ quá, trông không khớp với người.  Có dịp đồng chí nên đi đổi lại giấy mới cho tiện. Chắc đồng chí cũng quan hệ với nhiều cơ quan, phải không?

      Hạnh gật đại cho xong chuyện. Cô gái chỉ tay về phía trong nói:

–     Ðồng chí theo cầu thang đàng kia lên tầng hai, ngồi đợi ở phòng khách, chỗ có bộ xa lông lớn.

      Hạnh thoát nợ, lí nhí cám ơn rồi vội vã đi nhanh tới phía cầu thang. Leo lên lầu đến chỗ phòng khách, nàng tần ngần không biết làm gì. Thấy sông nước chợ búa hiện ra ngoài khung cửa kính, nàng bước tới sát cửa đứng nhìn. Toàn cảnh chợ Ðông Ba trải dài phía bên kia, trông gọn gàng, nhỏ nhắn như một khu dân cư. Trên sông, thuyền đò lênh đênh, chập chùng. Bỗng có tiếng động sau lưng. Nàng giật mình quay lại.  Một người đàn bà đang bước lại gần, tay lắc lắc chùm chìa khóa kêu leng keng. Thấy Hạnh, chị ta dừng lại ngắm nghía một lát, rồi hỏi:

–     Có phải cô là người muốn gặp khách ở phòng 203 phải không?

      Nàng lúng túng, vì thật sự khi lên đây, nàng quên hỏi Mười Giộc ở phòng số mấy. Nàng nhìn người đàn bà, hỏi:

–     Chị phục vụ ở đây à? 

–     Không. Tôi hỏi lại, có phải cô muốn gặp khách ở phòng số 203 không?

–     Tôi muốn gặp ông Tâm, Công Ty Thu Mua Nông Lâm Sản Tân Hiệp.

      Người đàn bà cao giọng:

–     Ở đây không có ông Tâm nào của Công Ty Thu Mua Nông Lâm Sản cả. Chỉ có ông Tâm, Bí thư huyện ủy.

      Hạnh vui mừng:

–     Vâng, đúng là ông ấy, ông vừa là Bí thư huyện vừa là…là…

–     Không vừa là gì hết. Bí thư là Bí thư thôi.

      Nói xong, người đàn bà ngồi xuống ghế, đồng thời chỉ cái ghế đối diện:

      –     Cô ngồi xuống đó.

      Nàng lẳng lặng ngồi, nhìn thẳng vào người đàn bà. Chị ta mặc một bộ đồ màu xanh, vải láng bóng, ngang trước ngực có thêu hai bên hai bông hoa màu mè rực rỡ. Có lẽ vì thế mà bộ áo quần khá rộng so với khổ người. Không thấy ngực đâu cả.  Khuôn mặt ốm, dài, hai lưỡng quyền cao, đôi môi hơi thâm, khuôn mặt tai tái, dù có đánh phấn. Tóc bới ngược ra sau thành một lọn, để lộ hai đôi bông tai màu ngọc xanh, lủng lẳng.

      Chị ta đặt chùm chìa khóa trên mặt bàn, nhìn Hạnh, nghiêm giọng:

–     Cô đến quan hệ với ông Tâm có việc gì?

–     Việc làm ăn.

      Thấy chưa rõ ràng lắm, nàng nói thêm:

–     Việc làm ăn của Công Ty Thu Mua Nông Lâm Sản.

      Không lưu ý đến điều vừa nói, chị ta nhìn ngay mặt nàng, hỏi:

–     Cô quen với ông Tâm như thế nào?

      Hạnh bắt đầu thấy khó chịu vì cái lối hỏi đầy vẻ soi mói của người đàn bà. Nàng nhìn mặt chị ta, cố giữ giọng thật lịch sự, hỏi:

–     Xin lỗi, chị là nhân viên của công ty hay sao ạ?

      Giọng người đàn bà bỗng trở nên gay gắt:

–     Cô chưa trả lời câu hỏi của tôi. Cô quen với ông Tâm như thế nào?

      Nàng định trả lời đốp chác để đáp lại thái độ bất lịch sự của người đàn bà, thì bỗng nhiên trong đầu óc nàng lóe lên một ý nghĩ: hay bà này là vợ của ông Bí thư. Hạnh hỏi ngay:

–     Xin lỗi, có phải chị là vợ của ông Tâm?

      Người đàn bà cười khô khan:

–     Nếu là vợ thì sao?

      Hạnh gượng cười, che dấu vẻ bối rối:

–     Xin lỗi chị, em không rõ.

–    Không sao. Nào, cô có thể cho tôi biết, cô đến quan hệ với ông nhà tôi có việc gì?

–     Xin thưa rõ với chị, em là khách hàng của công ty. Em đã nhập một lô hàng cho Công ty ở Gò Vấp mấy tuần trước.  Em có gặp ông Bí thư ở Sài Gòn và ở đây.

      Người đàn bà ngắt ngang:

–     Cô có gặp ở đây?  Khi nào?

      Hạnh lúng túng thực sự, nhưng kịp thời trấn tĩnh:

–     Em thường hay nhập hàng cho Thương nghiệp thành phố Huế, nghe anh em bên đó báo có ông Bí thư ra, hai vợ chồng em có đến thăm ông ở nhà khách. Em giới thiệu ông xã em với ông Bí thư, để nếu công ty có hoạt động ngoài này, ông xã em có thể có một chỗ làm ăn. Còn em thì chạy ngoài.

      Người đàn bà gật gù:

–      Ra thế!

      Chị ta quan sát Hạnh một chút rồi hỏi tiếp:

–      Thế cô đã từng về Tân Hiệp chưa nhỉ?

      Hạnh làm ra vẻ ngạc nhiên:

–      Tân Hiệp? Tân Hiệp là đâu vậy chị?

      Người đàn bà cười:

–     Cô bảo là cô làm ăn với công ty mà cô không biết Tân Hiệp là thế nào.

      Thấy Hạnh có vẻ ngơ ngác, chị ta giải thích:

–     Tân Hiệp là tên huyện, là trụ sở của công ty đấy.

–     Em chỉ biết Gò Vấp.

–     Gò Vấp là nơi đặt chi nhánh, ta gọi là trạm đấy. Vậy cô vẫn thường đi hàng vào thành phố?

      Hạnh hỏi:

–     Dạ, thành phố nào ạ?

–     Thì thành phố Hồ Chí Minh chứ thành phố nào nữa.

      Hạnh cười xòa:

–     Tụi em quen gọi là Sài Gòn.

–     Ờ, thì Sài Gòn. Sài Gòn là tên cũ. Ta có tên mới rồi thì gọi tên mới cho tiện.

      Hạnh dè dặt hỏi:

–     Vậy thưa chị, ông nhà đi vắng ạ?

–     Vâng, ổng đi hoài. Mà này, cô là dân buôn phải không?

–      Dạ, em có đi buôn, nhưng mà, nhưng mà…

–      Ði buôn thì gọi là đi buôn chứ nhưng mà gì nữa. Vùng tôi cũng có nhiều cô nhiều bà đi buôn, nhất là cái đám vợ con ngụy quân ngụy quyền. Họ chẳng ưa đi lao động sản xuất tí nào. Trước giải phóng cô phục vụ ở cơ quan nào của Mỹ Ngụy?

–      Dạ, em làm ở  Nông Nghiệp.

–      Còn chồng?

–      Ði dạy.

      Người đàn bà gục gặc đầu, thỉnh thoảng cúi về phía trước, rồi lại ưỡn người ra phía sau. Ðôi mắt luôn nhìn thẳng vào Hạnh như muốn hiểu thật rõ Hạnh là hạng người nào. Hiếm khi chị ta cười. Chỉ thỉnh thoảng mới thấy chị ta nhếch môi để lộ mấy cái răng hơi vẩu, có vết thâm đen giữa các kẽ răng.

      Thấy ngồi lâu với người đàn bà này cũng chẳng ích gì, Hạnh tìm cách cáo từ. Nàng đứng dậy. Người đàn bà hỏi ngay:

–      Cô đi đâu?

–      Em về. Em có chút việc phải sang chợ.

–      Thế gọi là chạy chợ đấy nhỉ.

–      Không ạ. Em đi chợ mua đồ ăn.

      Người đàn bà nhìn lên:

–      Này, cô ngồi xuống đây.

–      Thôi, em phải về. Cám ơn chị, em về.

–      Cô ngồi lại, tôi có chút chuyện muốn bàn.

      Hạnh bực mình, nói xẵng:

–      Không được đâu, chị.

      Thấy Hạnh có vẻ cương quyết, người đàn bà bèn đứng dậy:

–      Không thích ở lại thì thôi.

      Nhìn Hạnh từ đầu đến chân, giọng chị ta đột ngột đanh lại:

      –    Tôi nói cho cô hay, ông Tâm nhà tôi không có làm thu nhập thu nhiếc gì cả. Ảnh chỉ lo chỉ đạo thôi. Ảnh có trăm công ngàn việc phải lo, việc huyện bề bộn lắm, không hơi đâu cáng đáng thêm việc buôn bán linh tinh. Cái công ty đó ảnh giao cho chú Tư Mau lo rồi. Cần liên hệ gì với công ty là liên hệ với chú Tư Mau.

      Ngừng một lát, chị ta nhìn Hạnh cười:

–    Ảnh hay quan hệ linh tinh lắm. Công tác thì tốt thôi, nhưng ưa quan hệ linh tinh lắm. Cô hiểu rõ chứ.

      Hạnh bật cười:

–    Em không hiểu. Có phải là quan hệ làm ăn với các cơ quan xí nghiệp không ạ?

–    Quan hệ với cơ quan xí nghiệp thì nói làm gì. Quan hệ linh tinh là ưa bao gái ấy, cô rõ chưa. Ði đâu ảnh cũng ưa lăng nhăng với mấy con đĩ ngựa. Mà cũng chỉ tại vì mấy con đĩ ngựa ấy, đi đâu chúng nó cũng bám theo y như là…y như là…

      Giọng chị ta đột ngột nghe như rít lên qua kẽ răng:

–     Tôi mà bắt được con nào thì …thì …phải biết mặt con Út Vực này.

Hạnh ra về mà như chạy trốn. Phải chi có Lục?

Nàng giận mình. Giận Lục. Và giận cả cuộc đời.

CHƯƠNG 19

Có những cuộc gặp gỡ bắt đầu từ những chi tiết tình cờ.  Ðôi khi đó là những chi tiết thật nhỏ, thật vô nghĩa, thật phù du, tưởng chừng như chẳng hề có một chút dính dáng gì đến những bất trắc, vinh nhục của mỗi một đời người. Hôm đó, trời đột ngột đổ cơn mưa, khiến Hồng phải dọn hàng sớm. Nàng trùm vội chiếc áo mưa dã chiến, thu dọn hết đồ đạc vào trong cái xách, cột cái bàn đã xếp lại sau poóc-ba-ga xe đạp, chuẩn bị về. Nàng đợi ngớt xe để băng qua đường. Từ bên kia đường, một chiếc xe bộ đội chạy lại, chiếu hai ngọn đèn pha sáng rực về phía nàng. Nàng chói mắt, nhìn sang một bên để tránh. Chợt thấy trên chiếc ghế đá hư hỏng cách chỗ nàng ngồi bán thuốc lẻ khá xa, một thân hình người nằm vắt vẻo. Ai thế nhỉ? Chắc là một kẻ ăn mày. Chiếc xe chạy qua. Cả khu công viên chìm vào bóng tối. Mưa nặng hột dần.  Không suy nghĩ lâu lắc, Hồng dựng vội chiếc xe bên gốc cây, kéo tấm ni lông chạy lại. Một người đàn ông nằm đó. Nàng trùm vội tấm ni lông lên, cẩn thận nhét hai bên, sợ gió thổi bay đi mất. Mùi rượu nồng bốc lên khiến nàng lợm giọng, bước lùi lại. Người đàn ông dường như không hay biết gì, vẫn đắm chìm trong cơn say.

      Sáng hôm sau, khi Hồng đang lúi húi bày hàng ra bán thì nghe một giọng đàn ông hỏi:

–     Chị cho tôi hỏi…

      Hồng ngẩng đầu lên nhìn, thấy một thanh niên đang cầm tấm ni lông. Anh ta hỏi:

–     Có phải tấm ni lông này của chị không?

      Nàng gật đầu, lúng túng vì không biết phải xưng hô kiểu nào với người thanh niên trước mặt. Nàng nói trổng:

–     Có phải là người…nằm trên chiếc ghế kia hồi hôm không?

      Thanh niên nhếch mép cười, chòm râu lởm chởm trên mép động đậy:

–     Ðúng! Thằng này mà còn có kẻ quan tâm thì thật là chuyện lạ.

      Hồng hơi phật ý khi nghe cái giọng đầy vẻ khinh bạc, bất cần đời của thanh niên. Nàng im lặng bày bàn, dựng ghế, lấy thuốc, kẹo, bánh, hộp quẹt ga, đậu phụng da cá…bày lên trên.  Thanh niên theo dõi nàng làm việc, không nói gì. Khi thấy Hồng xong việc, thanh niên nói:

–     Cám ơn chị đã cho tôi mượn tấm ni lông. Nhờ vậy mà tôi ngủ qua đêm. Tôi trên Thuận, ba mươi hai tuổi.

      Nghe thanh niên tự nhiên khai tên khai tuổi, nàng cười thầm trong bụng, nhưng đồng thời cũng nghĩ ra cách xưng hô hợp lý:

–     Vậy là Thuận trẻ hơn tôi…à hơn Hồng à…hơn chị bốn tuổi.

–     Nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ.

–     Ờ…đúng thế. Thuận có hút thuốc không?

–     Sao lại không? Một điếu đi.

–     Ðà Lạt hay Hoa Mai hay Ðồ Sơn?

–     Một điếu “No Một” [1] đi.

      Thuận rút mấy đồng bạc lẻ nhầu nát ra trả. Hồng xua tay:

–     Thôi được. Chị mời Thuận.

      Thuận châm điếu thuốc, hít một hơi, xong nói “cám ơn” và bỏ đi.

      Từ đó, Thuận trở thành khách hàng thường xuyên của Hồng. Ngày nào, anh ta cũng ghé lại sạp thuốc lẻ của Hồng, khi thì mua gói Ðà Lạt, khi thì mua điếu thuốc ngoại “No Một” hay Samit, khi thì gói đậu phụng, khi thì cái kẹo. Tuy không dị ứng lắm, nhưng Hồng cố giữ một khoảng cách khá xa với người thanh niên này. Phải nói là nàng vừa thương hại vừa sợ.  Toàn bộ dáng ấp cử chỉ, lời ăn tiếng nói của anh ta toát ra cái chất du thủ du thực thứ thiệt, không giấu giếm. Có thể còn hơn thế nữa. Dường như  anh ta cũng cố tỏ ra như vậy. Thân hình to, cao. Khuôn mặt sần sùi, lồi lõm có lẽ vì mụn quá nhiều thời mới lớn. Cằm bạnh, lông mày rậm, xếch ngược. Ðã thế, Thuận lại để hàm râu trên lởm chởm, sợi dài sợi ngắn không đều, có sợi cong xuống tận môi. Nhìn bộ râu, Hồng rùng mình khi nghĩ đến đồ ăn dính vào đó mỗi khi ăn. Hôi hám biết bao! Giọng nói ồm ồm, cộc lốc. Cách ăn mặc rất bụi. Đúng ra, phải nói là nhớp, bẩn.

       Một hôm Hồng hỏi:

–     Thuận làm gì, ở đâu?

–     Thợ đụng.

–     Sao lại gọi là thợ đụng?

–     Nghĩa là đụng đâu làm đó. Từ lơ xe đến bốc vác, chạy cò, chở thuê và đâm thuê chém mướn. Ai thuê gì, làm nấy.

      Lần khác, nàng hỏi:

–     Thuận ở đâu nhỉ?

–     Bạch Ðằng.

–     Mô có xa nhà chị. Vậy sao chị không hề biết hè.

–     Hạng người như Hồng (Thuận xưng tên Hồng chứ không xưng chị từ lúc nào mà nàng cũng chẳng để ý) làm gì mà biết đến tôi, thằng Thuận du đãng này.

      Hồng nhăn mặt, làm ra vẻ giận:

–     Thuận đừng nói thế. Thuận có biết chị phải không?

–     Biết. Sơ sơ.

      Ðại loại như thế. Cứ mỗi lần Thuận ghé là có một cuộc đối thoại ngắn gọn. Hồng không muốn hỏi thêm. Thuận cũng chẳng muốn nói thêm. Nhưng lượng thông tin ít ỏi hàng ngày đó chồng chất lên giúp Hồng hình dung ra được lai lịch của người khách hàng khá đặc biệt này. Trước năm 1975, Thuận trốn lính, nhờ ba Thuận có quen lớn. Sở dĩ thế là vì nghề của ông ta là nghề chứa bạc cho các quan lớn tới giải trí hàng tuần.  Sau giải phóng, nhà cửa bị tịch thu. Anh ta lang thang kiếm ăn khắp nơi từ Ðà Nẵng đến Sài Gòn, có khi ra tận ga Vinh. Lấy vợ. Có hai đứa con. Vợ chồng gây gổ, Thuận bỏ đi. Vợ con vượt biên lọt, qua định cư ở một nước nào đó, bặt tin. Thuận cũng tìm cách vượt biên, nhưng thất bại. Lại trở thành kẻ lang thang, không nhà không cửa, không vợ con. Tay làm hàm nhai.

      Một hôm, trời mưa rả rích suốt ngày. Hồng lại cảm. Nàng quyết định nghỉ ở nhà một bữa. Nàng nằm đọc sách, thú vị lắng nghe tiếng mưa rơi êm đềm trên mái tôn. Bỗng có tiếng gõ cửa. Hồng ra mở. Cửa vừa hé, một người đàn ông cao lớn tuôn vội vào. Nàng giật nẩy mình, kinh hoảng lùi vào trong.  Hóa ra là Thuận. Áo quần anh ta ướt đẫm. Ðầu tóc ướt nước, rũ rượi. Nước nhỏ giọt ròng ròng xuống nền nhà. Thuận dợm chân bước lui. Hồng hỏi:

–    Trời ơi, làm gì mà Thuận đội mưa đi ướt dữ vậy? Áo mưa đâu? Làm sao mà biết nhà đây?

–    Không sao. Mưa mát.

–     Hay vào trong này lau nước đi đã. Có việc gì không?

      Hồng dẫn Thuận xuống nhà sau, đưa khăn cho anh ta bảo lau đi. Lau xong, Thuận trở lại phòng khách. Hồng chỉ ghế bảo anh ta ngồi, nhưng Thuận lắc đầu:

–     Không. Ướt thế này không ngồi được. Cho điếu thuốc đi.

Hồng vội lấy cho anh ta điếu thuốc.

–    Có lạnh không? Hồng hỏi lại.

–     Ðã nói là không lạnh mà.

      Anh ta châm thuốc, thân hình run run. Hồng nói:

–    Người run vậy mà bảo không lạnh.

–          Nhằm nhò gì!

–          Thuận đi đâu vậy?

–          Mua thuốc chứ đi đâu nữa.

      Hồng la lên:

–     Ði mua thuốc? Cái ông này kỳ thật. Thuốc thì ở đâu không có lại phải tìm về đây. Ðừng xạo. Có chuyện gì cần không?

      Thuận cười rổn rảng:

–      Thuốc của Hồng ngon hơn.

      –      Lại xạo nữa. Thuốc đâu cũng là thuốc.

–      Thuốc Hồng có mùi gì đặc biệt, hút một lần là ưng hút mãi.

      Hồng đưa tay véo anh ta một cái vào vai:

–     Chị không ưa cái kiểu nói xạo đó nghe.

–     Tôi nói thật. Thuốc Hồng có mùi gì đặc biệt, chỗ khác không có. 

      Tự nhiên nàng cảm thấy thú. Thuận rít liên tiếp mấy hơi liền, nói:

–     Ðã thật!

      Nhìn Hồng, anh ta nhận xét:

–     Hồng đẹp như một con mèo nhỏ.

      Hồng co người lại, hai bàn tay chắp lại giữa hai đầu gối, cười khanh khách:

–     Tầm bậy! Ðẹp như một con mèo thì đẹp gì.

      Hồng nghiêng đầu qua lại, nhìn Thuận:

–     Thuận thì giống…giống cái gì nhỉ…đúng rồi, giống một con cọp lớn.

      Thuận cười thoải mái, rít một hơi thuốc nữa rồi khoanh tay nhìn Hồng:

–     Một con cọp lớn. Nghe cũng được. Con cọp sẵn sàng vồ mồi, đúng không?

      Nói xong, Thuận dang hai tay ra, khuỳnh lại, bước tới phía Hồng làm như sắp ôm choàng lấy thân hình mảnh mai của nàng. Hồng sợ hãi nép mình sát vào ghế, xoay một bên vai ra ngoài trong một tư thế tự vệ rất thụ động. Thuận bỏ tay xuống, cười vang:

–     Tưởng con cọp vồ thật à? Không đâu. Vồ mồi cũng đợi lúc. Thôi, tôi đi đây.

      Hồng nhỏm dậy:

–     Ði à?  Ướt thế kia mà đi đâu. Trời còn mưa mà.

–     Nhằm nhò gì.

      Vừa nói Thuận vừa quay lưng bước ra cửa. Bóng dáng cao lớn của anh ta gần như choáng hết khung cửa nhỏ, tạo nên một khoảng tối ngay lối vào. Ra khỏi cửa, Thuận quay lại, nói “cám ơn” và đi mất. Hồng chạy đến cửa nhìn ra đường, thấy Thuận bước đi mạnh khỏe dưới cơn mưa. Nàng khép cửa lại, mỉm cười vu vơ.

*

      Khuya. Hồng đang dọn dẹp đồ đạc để về như thường lệ, thì Thuận không biết từ đâu, đạp xe tới. Sau khi mua điếu thuốc, anh ta nói:

–     Ðêm nay dọn sớm hơn thường lệ năm phút. Sao vậy?

–     Mình cảm thấy mệt trong người.

–     Mệt thì về thôi.

      Rít xong hơi thuốc, Thuận nhìn ngay mặt Hồng:

–     Chốc nữa, tôi sẽ về nhà Hồng.

–     Tầm bậy! Ai cho Thuận vào nhà giờ này.

–     Không cho cũng vào.

      Thuận đạp xe đi. Hồng nhìn theo, cảm thấy da thịt rờn rợn.  Một cảm giác kỳ lạ chạy khắp cơ thể khiến nàng bất giác sợ hãi. Trên đường về, nàng cố đạp thật nhanh. Ðến nhà, nhìn quanh nhìn quất không thấy ai, nàng mở cửa dắt vội xe vào nhà. Khi vừa đưa tay khép cửa thì một bàn tay chận lại. Thuận từ bên ngoài lướt vào như một cơn gió. Anh ta khép cửa, nói:

–      Bật đèn lên!

      Hồng khiếp đảm, run rẩy tìm cái nút, bật đèn. Ðiện cúp.  Nàng lần mò tìm cây đèn, thắp lên. Nàng thấy Thuận đứng dựa lưng vào cửa, hai tay vòng trước ngực, nhìn nàng, mỉm cười. Trong ánh sáng mờ ảo, lập lòe, Thuận đứng đó trông chẳng khác gì một hung thần. Nàng bước giật lùi. Nàng muốn nói, muốn la lên, nhưng không được, cứ đứng nhìn sững Thuận không chớp. Mãi vài phút sau, khi thấy Thuận vẫn đứng yên một chỗ, chưa tỏ ra có hành động gì ẩu tả, đôi mắt lại chứa đựng một tia nhìn có vẻ giễu cợt, Hồng cảm thấy bình tĩnh lại.  Thuận nhếch môi cười:

–     Ðừng sợ, con mèo nhỏ. Ðây không phải là kẻ cướp. Chỉ là một con cọp trong sở thú.

      Thuận rút ra một điếu thuốc từ trong túi, châm hút.

–     Mấy đứa nhỏ đâu?

–     Chắc ngủ cả. Hồng đáp nhỏ nghe như hơi thở nhẹ.  Nàng nhìn quanh cố tìm một cái gì để chống đỡ với nỗi sợ hãi và bất lực của mình. Nhưng vô ích. Chẳng có gì.

      Hút xong điều thuốc, Thuận ném tàn xuống nền nhà, dùng ngón chân chà nát. Anh nhìn Hồng tủm tỉm:

–     Tôi về.  Ngủ đi, con mèo nhỏ.

*

      Bẵng đi mấy hôm, không thấy Thuận ghé lại sạp. Hồng ngong ngóng. Thỉnh thoảng, nàng nhìn xuôi nhìn ngược. À, té ra mình đang tìm bóng dáng của anh ta. Chợt cảm thấy ngượng nghịu với chính mình.

      Tối đó, anh ta ghé lại. Không nói gì, chỉ nhìn Hồng. Lại cười tủm tỉm. Như đêm nọ. Hàm râu trên động đậy trông ngộ nghĩnh như một tay làm xiếc. Hồng che tay lên ngực mình, nói:

–     Thuận làm mình sợ quá!

–     Ðừng sợ. Sẽ ghé nữa. Khuya nay, chưa biết chừng.

–     Ðừng, Thuận. Không nên chút nào. Ðừng làm mình sợ.

      Thuận im lặng, bỏ đi.

      Ðến khuya, Hồng dẹp hàng sớm, về nhà đóng cửa thật kỹ.  Nàng nằm trên giường thao thức, lắng nghe, chờ đợi. Hồi lâu, không thấy gì, nàng thiếp ngủ. Trong cơn mơ màng, nàng nghe tiếng gõ cửa. Nàng vùng dậy, nghe ngóng, rồi bước ra phía cửa, lắng nghe động tĩnh. Tiếng gõ lại vang lên. Nàng hồi hộp hỏi nhỏ:

–    Ai?

–    Thuận. Thích thì mở mà không thì thôi, tôi đi.

      Hồng đứng thừ người ra suy nghĩ. Một lúc lâu sau, nàng thở dài, nói nhỏ:

–     Thôi, Thuận về đi.

      Không nghe tiếng trả lời. Nàng áp tai vào cửa, lắng nghe.  Bên ngoài hoàn toàn im lặng. Chắc anh ta đã bỏ đi. Thế thì tốt.  Nàng tháo chốt, hé cửa nhìn ra ngoài. Bỗng Thuận từ đâu không biết lách vào chẳng khác gì một cơn gió mạnh. Hồng chưa kịp phản ứng thì hai vòng tay anh ta đã ôm xiết lấy nàng như hai gọng kìm, nâng lên. Con mèo nhỏ la ú ớ. Tiếng Thuận thì thào:

–     Ðừng sợ, con mèo nhỏ.

      Hồng vùng vẫy, cấu xé dữ. Mặc! Thuận ôm xốc nàng đi vào, lần mò trong bóng tối tìm chiếc ghế. Anh để nàng xuống, hai tay mạnh mẽ bứt nút áo. Tiếng Hồng nghe đứt quãng:

–      Thuận, Thuận, đừng, đừng, Thuận.

      Thuận bịt miệng nàng lại. Nàng ú ớ một lát rồi im bặt.  Sau đó, nàng kêu tên Thuận nhiều lần. Trong bóng tối, tiếng kêu lúc nhỏ lúc lớn rơi tản mác trong một đêm mùa thu lặng lẽ.

*

      Không lâu sau đó, con cọp lớn về ở với con mèo nhỏ.

      Một cuộc tình? Có lẽ là không. Trong thâm tâm, Hồng chẳng thấy mình có chút gì gọi là tình yêu với Thuận. Nàng cần Thuận hơn là tình yêu. Không tỏ tình. Không hẹn hò.  Không có những chiều sóng đôi lãng đãng ngoài công viên, dọc bờ sông. Không có những giòng thư tình chan chứa nỗi niềm. Không có chiều vàng, nắng thu hay chiếc lá rơi âm thầm  bên hiên. Không có những nhớ nhung khắc khoải, những đợi chờ mềm cả trái tim.

      Chỉ là những đối thoại ngắn ngủi. Những ôm. Những xiết chặc. Những bồng ẵm. Những hùng hổ, ham hố, cuồng bạo.  Không trau chuốt, sửa soạn, dò dẫm. Không trung gian. Không màu mè. Gọn. Khỏe. Lập tức. Trong những giây phút đó, Thuận như một con thú say mồi. Một tên lính lê dương. Toàn bộ bản năng của anh ta bộc lộ. Nó hữu hiệu, tràn trề, tự nhiên.  Luôn luôn là một cuộc hiếp dâm không hơn không kém. Mọi nơi. Ðâu cũng có thể là chỗ của Thuận. Giường. Bàn. Ghế.  Trên sàn nhà. Trong phòng tắm. Ngoài sân sau. Khi đang làm bếp.  Khi rửa chén. Khuya, sáng, trưa, chiều, tối. Anh ta hâm nóng căn nhà từ lâu vốn lặng lẽ, buồn nản. Anh ta đẩy nàng lặn sâu xuống một biển cuồng điên chất ngất. Cuộc sống của nàng bị bật tung ra, tuênh toang, hừng hực. Nàng không kịp ghê tởm, không kịp suy gẫm, không kịp phản ứng. Cho đến một lúc, bỗng nhiên nàng tìm thấy có cái gì nồng nàn trong sự hung bạo, có cái gì thiết tha trong cơn dã man, có cái gì phấn khích trong sự thô bỉ, tục tằn. Nàng khám phá ra một con người khác trong mình. Một phía khác của đời sống. Sức mạnh dã thú của Thuận đánh thức con dã thú trong nàng sống dậy. Như triều dâng thác đổ. Mãnh liệt. Tàn bạo. Trần trụi. Nàng cắn.  Nàng bấu xé, hành hạ Thuận không thương tiếc. 

      Ngẫm nghĩ  lại những ngày yêu nhau và những tháng ngày chung sống với Thiết, nàng kinh ngạc nhận thấy hai cuộc sống khác xa nhau ghê gớm. Một bên thì chừng mực, từ tốn. Một bên thì cuồng bạo, bứt phá. Một bên thì sống trong bóng sắc của chữ nghĩa, lãng mạn, đạo lý, danh tiếng. Một bên thì sống đến tận cùng ham muốn. Những ngày yêu Thiết, sống với Thiết đẹp thật, lãng mạn thật, nhưng dường như có gì không thật, không đủ. Sau 1975, mọi sự càng rối rắm hơn. Trong cơn lốc lịch sử, cả nàng cả Thiết đều mất đất đứng, trở thành mong manh, chới với. Cả hai tuyệt vọng lẫn nhau, đưa đến sự đỗ vỡ của một cuộc tình thuộc loại đẹp nhất thành phố. Trong thời buổi mà những chất thơ không còn cơ sở để tồn tại, đường phố chỉ dành cho khẩu hiệu, buôn bán trở thành gian dối, vô đạo đức, học thức trở thành phù phiếm và lãng mạn trở thành xa xỉ, quả thật Thuận là một lá chắn hữu hiệu. Qua Thuận, nàng có một chỗ để vịn, để đứng trong khi toàn thể xã hội chòng chành, chao đảo. Thế thì đã sao!

      Ðó là tất cả sức mạnh giúp nàng đương đầu với dư luận xã hội, với gia đình. Lúc đầu, đi với Thuận ra ngoài, nàng tưởng tượng cả rừng mắt vây quanh đàm tiếu, chưởi rủa. Nàng bối rối, ngượng ngập như bị bắt quả tang đang làm một điều gì xấu xa. Nhiều lần, nàng tủi nhục, chán nản. Nhưng tự nhủ lòng: phải tập cho người ta quen. Và người ta quen thật. Cặp Hồng-Thuận trở thành bình thường trong cuộc sống như những người miền Nam quen dần với màu áo công an và lá cờ đỏ sao vàng.

      Cuối cùng, Hồng hiên ngang, đĩnh đạc và kiêu hãnh đi bên cạnh Thuận như ngày nào mười bảy năm về trước, nàng đã hiên ngang, đĩnh đạc, kiêu hãnh và hạnh phúc khi đi bên cạnh Thiết trước con mắt ngưỡng mộ, thèm muốn của mọi người. 

      Giữa chàng thư sinh Thiết và Thuận đứng bến, nào có gì khác nhau?

T.D.N.

­­_______________________________

[1] “N0. 1”Một loại thuốc sản xuất tại Lào

Comments are closed.