Tập sách cái cười & sự lãng quên (10)

Milan Kundera

PHẦN IV

Những cánh thư thất lạc

 

KỲ 3

17.

Tại sao tôi tưởng tượng trong miệng cô có một chiếc nhẫn vàng?

Tại vì tôi thấy như thế, tôi tưởng tượng cô như thế. Đột nhiên, vang vọng trong đầu tôi câu văn: “Một âm thanh kim loại vang nhẹ, trong trẻo – như tiếng chiếc nhẫn vàng rơi xuống va vào thành bồn nước làm bằng bạc”.

Lúc còn rất trẻ, Thomas Mann có viết một thiên truyện ngô nghê nhưng đầy mê hoặc về cái chết: trong thiên truyện ấy, cái chết đẹp lắm, đẹp như khi ta còn trẻ thơ mơ nghĩ về nó, khi cái chết là không thực và mê hoặc, như giọng nói xanh xao vọng về từ khoảng cách xa xôi.

Một chàng thanh niên mang bệnh nan y đặt chân lên tàu hỏa. Đến một trạm ga xa lạ, chàng bước xuống, đi vào một thị trấn chàng không biết tên là gì, chàng thuê phòng trong nhà một bà cụ có cặp lông mày rậm như mọc rêu. Không, tôi sẽ không kể lại chuyện gì xảy ra trong ngôi nhà đó, tôi chỉ muốn nhắc đến một chi tiết cỏn con tầm thường: lúc đi xuyên qua gian phòng phía trước, chàng thanh niên bỗng “nghe thấy một âm thanh lạ, vang lên giữa tiếng giày của chàng gõ trên sàn nhà, âm thanh từ căn phòng bên cạnh, âm thanh kim loại vang nhẹ, trong trẻo – nhưng có lẽ đó chỉ là một ảo giác. Như tiếng chiếc nhẫn vàng rơi xuống va vào thành bồn nước làm bằng bạc, anh nghĩ thế…”.

Trong thiên truyện, âm thanh đó không thấy nhắc lại ở đoạn sau, tác giả cũng chẳng giải thích gì thêm. Nếu chỉ nhìn từ góc độ hành động, chi tiết đó dù bị bỏ quên cũng chẳng sao, chẳng mất mát gì. Âm thanh giản dị vang lên, rồi thôi, chẳng dính dáng gì đến các tình tiết khác.

Nhưng tôi nghĩ Thomas Mann đã có dụng ý khi viết như thế. “Âm thanh kim loại vang nhẹ, trong trẻo” được ông sử dụng cốt tạo sự lặng thinh. Ông tạo sự lặng thinh để cái đẹp có tiếng động (bởi vì cái chết ông đang muốn nói đến là cái chết-đẹp), và để có thể cảm nhận ra cái đẹp, cần có một cấp độ tối thiểu về sự lặng thinh (đo lường chuẩn xác với “âm thanh kim loại vang nhẹ, trong trẻo – như tiếng chiếc nhẫn vàng rơi xuống va vào thành bồn nước làm bằng bạc”.).

(Vâng, tôi nhận ra bạn chẳng hiểu tôi đang nói cái gì, bởi từ lâu lắm rồi, cái đẹp đã biến mất. Nó đã tan biến bên dưới bề mặt của tiếng ồn – tiếng ồn của chữ nghĩa, xe cộ, âm nhạc – trong cuộc sống chúng ta ngày hôm nay. Nó đã bị nhận chìm dưới mặt nước biển, như cổ thành Atlantis. Tất cả còn lại chỉ là chữ, toàn những chữ mỗi năm mỗi trở nên vô nghĩa, vô hồn.)

Lần đầu Tamina nghe âm thanh sự lặng thinh ấy (quý giá như mảnh vỡ pho tượng cẩm thạch của cổ thành Atlantis chìm sâu dưới biển) là vào buổi sáng cô thức giấc trong căn phòng khách sạn bốn bề núi rừng trùng điệp sau khi cô lìa bỏ quê hương đi trốn. Lần thứ hai lúc cô bơi ra biển sau khi uống một bụng thuốc an thần, tưởng chết nhưng vẫn sống và bất ngờ tìm lại sự an bình trong tâm khảm. Cô ao ước được cất giữ sự lặng thinh đó bên trong thân thể mình. Đó là lý do vì sao tôi thấy cô trong giấc mơ đứng chết lặng trước hàng rào kẽm, môi mím chặt ngậm chiếc nhẫn vàng trong miệng.

Đối diện cô là sáu cái cổ dài ngoằng, sáu cái đầu bé tí, và sáu cái mỏ thẳng tắp đóng mở liên hồi nhưng không hề gây tiếng động. Cô chẳng hiểu chúng muốn gì. Cô chẳng hiểu mấy con đà điểu này đang đe dọa cô, hay chúng muốn cảnh báo, khích lệ, van nài cô điều gì. Cô hoàn toàn mù tịt. Và bởi không biết nên cô lo sợ lắm. Cô sợ mất chiếc nhẫn vàng (cái âm thoa định âm sự lặng thinh) và cô ngậm chặt nó trong miệng.

Tamina không bao giờ biết mấy con đà điểu đó muốn nói gì. Nhưng tôi biết. Chúng nào muốn cảnh báo cô, cũng chẳng mắng mỏ, đe dọa cô. Đối với chúng, cô chẳng là gì. Mỗi con chạy ào đến cô chỉ để kể lể cho cô nghe về chính nó. Nào là nó ăn ngủ như thế nào, nó chạy ra hàng rào thấy cô đứng bên kia ra làm sao. Nào là nó lớn lên tại ngôi làng có tên Rourou, và điều đó quan hệ ra sao. Nào là khoái cảm tình dục của nó kéo dài cả sáu tiếng đồng hồ, và cả thế gian phải biết điều đó. Nào là nó thấy người đàn bà đi tản bộ phía bên kia hàng rào, trên cổ quấn chiếc khăn san. Nào là nó đi bơi, bị ốm rồi khỏe lại. Nào là khi còn trẻ nó chạy xe đạp và hôm nay nó ngốn hết một bao cỏ. Tất cả đứng trước mặt Tamina, con nào con nấy không ngớt say sưa, cuống quýt, hung hăng kể cho cô nghe về chúng, bởi trên đời này chẳng có gì quan hệ hơn những điều chúng muốn cô lắng nghe.

18.

Vài hôm sau, ông Banaka xuất hiện tại quán cà phê. Ông ta say bí tỉ, đi đứng nghiêng ngả, hai lần trèo lên ghế tụt xuống cả hai lần, cuối cùng ngồi được, ông gọi một ly calvados, và ngay lập tức gục mặt xuống quầy. Tamina để ý thấy ông đang khóc.

“Ông Banaka, việc gì thế?”. Cô ân cần hỏi han ông.

Ông Banaka ngửng đầu lên, khuôn mặt không thể xấu xí hơn giàn giụa nước mắt, ông giơ ngón tay trỏ chỉ vào ngực mình: “Tôi chẳng là cái quái gì, cô hiểu không? Tôi chẳng là gì! Tôi không hiện hữu!”.

Đoạn ông đứng lên loạng choạng bước vào toa-lét rồi từ toa-lét ông ra thẳng ngoài đường quên cả trả tiền ly rượu.

Khi Tamina kể chuyện ấy cho Hugo nghe, và cô tỏ vẻ không hiểu nổi thái độ của ông nhà văn, thì anh chàng sinh viên từ tốn giải thích bằng cách rút ra một tờ báo, chỉ cho cô xem mục điểm sách mà trong đó có vỏn vẹn bốn dòng chữ nói về toàn bộ sáng tác của ông Banaka.

Cái phân cảnh ông Banaka chỉ vào ngực mình khóc lóc bảo ông chẳng là cái quái gì, khiến tôi nhớ lại một câu thơ trong kiệt tác West-östlicher Diwan1 của Goethe: “Người ta sống được không, khi những kẻ khác cũng sống?”. Ẩn giấu bên dưới câu hỏi của Goethe là cái kỳ bí của thân phận nhà văn: Bên trong mỗi kẻ viết sách là một thế giới (phải chăng chúng ta vẫn thường hay nói đến thế giới Balzac, thế giới Chekhov, thế giới Kafka đấy ư?), và bản chất của thế giới này là tính duy nhất. Bất kỳ một thế giới nào khác hiện hữu sẽ là mối đe dọa cho chính bản thể thế giới này.

Hai anh thợ đóng giày, mỗi anh làm chủ một tiệm trên hai con phố khác nhau, mỗi anh một giang san, sẽ sống trong hòa hoãn, yên bình. Nhưng nếu hai anh viết sách trên đất của thợ đóng giày thì chẳng bao lâu họ sẽ chạm trán nhau và cùng hỏi câu hỏi: “Thợ đóng giày sống được không, khi những thợ đóng giày khác cũng sống?”.

Tamina có cảm tưởng chỉ cần bất cứ một người ngoài nào liếc vào những dòng nhật ký của cô là cả cái gia sản tinh thần quý giá cô hằng lưu giữ riêng tư sẽ bị tiêu hủy. Tương tự như thế, Goethe cũng tin tưởng là bất cứ sinh linh nào không bị những dòng thơ của ông mê hoặc đều có thể xoay ngược lại truy vấn chính sự hiện hữu của ông. Sự khác biệt giữa Tamina và Goethe là sự khác biệt giữa con người và nhà văn.

Kẻ viết sách, hoặc hắn là tất cả mọi thứ (một thế giới duy nhất bao gồm chính con người hắn và mọi người khác), hoặc hắn chẳng là gì. Và bởi không ai có thể là mọi thứ, tất cả những kẻ viết sách chỉ là con số không to tướng. Chúng tôi là những kẻ không ai thừa nhận, đầy máu ganh tị, lúc nào cũng chua chát, và chỉ mong những kẻ viết sách khác chết phứt đi cho rồi. Ở ý nghĩa đó, tất cả chúng tôi giống hệt nhau: Banaka, Bibi, tôi, và Goethe.

Máu thư cuồng chảy mạnh trong con người chúng ta, chính trị gia, tài xế tắc xi, bà nội trợ, người tình, kẻ sát nhân, kẻ trộm, gái mại dâm, quan chức nhà nước, bác sĩ, bệnh nhân… Nó cho tôi thấy tất cả mọi người, không có ngoại lệ ở đây, đều có tiềm năng trong người trở thành nhà văn, bởi thế, toàn thể nhân loại có lý do chính đáng để chạy ra đường phố hét lên: “Tất cả chúng tôi là nhà văn!”.

Mọi người chúng ta ai nấy đều mang trong người nỗi sợ hãi nhức nhối, đó là chúng ta sẽ tan biến vào cõi hư vô – chẳng ai nghe, chẳng ai thấy – và bởi thế, trong lúc còn kịp, mọi người cuống quýt đôn đáo chạy đi tìm cách biến bản thân mình thành một thế giới chữ.

Một buổi sáng nào đó (sắp đến thôi), khi mọi người chúng ta thức giấc thấy mình là nhà văn, đó là lúc bắt đầu kỷ nguyên không ai nghe ai, không ai hiểu ai nữa.

19.

Giờ đây Hugo là hy vọng sau cùng của cô. Anh chàng mời cô đi ăn tối, và lần này cô nhận lời không chút do dự, ngập ngừng.

Ngồi đối diện cô trong tiệm ăn, trong đầu anh chỉ lởn vởn một ý nghĩ duy nhất: Tamina vẫn vuột khỏi bàn tay anh. Anh thiếu tự tin với cô và không dám tấn công thẳng. Nhưng càng khó khăn khổ sở tiến chiếm một mục tiêu nhỏ nhoi, hiển định, bao nhiêu, anh càng điên cuồng muốn chinh phục thế giới, một thế giới bao la toàn những điều bất định, bấy nhiêu. Anh rút trong túi áo khoác một tờ tạp chí, lật đến trang muốn lật, rồi đưa cho Tamina. Trên trang báo là phần mở một bài viết dài, tác giả tên anh.

Anh bắt đầu nói, đúng hơn, đọc một bài diễn từ. Anh nói về bài viết vừa đưa Tamina xem: vâng, lúc này tờ tạp chí chỉ mới phát hành phần nhiều ở địa phương, nhưng ở diện phê bình thì nó có một nền tảng lý thuyết vững chắc lắm, nhóm chủ trương tờ báo là những người can trường và họ sẽ tiến xa. Hugo nói, nói, nói. Không dứt. Lời nói, chữ nghĩa cao diệu của anh chẳng qua chỉ là ẩn dụ cho con lợn lòng đang nung nấu bên trong, một cố gắng phô trương sức mạnh. Ẩn chứa bên trong những câu chữ này còn là mưu thuật khá đẹp của cái trừu tượng chạy ùa vào thế chỗ tính nan trị của cái cụ thể.

Tamina nhìn thẳng vào mặt chàng thanh niên đang thao thao bất tuyệt, trong đầu cô vẽ ra một hình ảnh khác theo trí tưởng tượng của cô. Nó thành thói quen mất rồi. Cô không biết cách nào khác nhìn mặt đàn ông. Cô thấy không khó khăn, không cần vận dụng một tí cố gắng tưởng tượng nào, đôi mắt nâu của Hugo bỗng đổi sang màu xanh biếc, và để giữ cái màu xanh ấy không tan biến, cô tập trung vào mắt Hugo, dồn tất cả sức mạnh vào cái nhìn chăm chú.

Thấy cô nhìn chòng chọc vào mắt mình, Hugo cảm thấy khó chịu, và bởi thế anh càng nói nhiều hơn, đôi mắt xanh đẹp, cặp lông mày từ từ giãn ra hai bên trán, mái tóc không còn rủ lòa xòa xuống nữa để lộ vầng trán rộng, sau cùng nó biến thành một cái tam giác hẹp mũi chúi xuống phía dưới.

“Giới phê bình trước đây đều nhắm vào Tây phương. Nhưng vì thiếu công lý nên họ đã dung dưỡng để các quốc gia khác lợi dụng quyền lực, chà đạp người dân không thương tiếc. Nhưng nhờ cô, cô biết không, chính cô đã giúp tôi có cái nhìn khác. Tôi nhận ra một điều rất rõ là sự lạm dụng quyền lực có thể xảy ra bất cứ đâu, trên đất nước cô hay ngay tại nơi này, xứ sở của tôi, đâu đâu cũng thế, một dạng như nhau, Đông cũng như Tây. Chúng ta không thể thay thế dạng quyền lực này bằng dạng quyền lực khác, chúng ta phải xóa bỏ chính nguyên lý của quyền lực, và xóa bỏ nó khắp nơi, khắp nơi trên thế giới”.

Anh chàng nói hăng đến nỗi mặt anh từ từ nhích về phía cô mà không biết. Cái mùi chua chua thum thủm do bệnh hôi miệng của Hugo như muốn cắt đứt nửa chừng buổi tập thiền quán của Tamina, mái tóc bù xù của anh chàng như đang sắp trở lại vị trí cũ, rủ xuống chạm vào cặp lông mày. Anh nào biết điều đó bởi anh vẫn say sưa lặp lại chính những điều vừa nói, không ngớt cảm ơn người đàn bà đối diện, nhờ cô mà tôi nhìn ra sự thật, nhờ cô mà tôi sáng mắt sáng lòng.

Tamina đột ngột ngắt lời anh chàng, “Sao có thể thế được, chúng ta có nói chuyện này bao giờ đâu!”.

Đôi mắt Hugo bây giờ chỉ còn một con màu xanh, và nó cũng đang sắp trở lại màu nâu như cũ.

“Tamina, không cần nói chuyện với cô về chuyện ấy cũng đủ cho tôi nghĩ rất nhiều đến cô”.

Cô gái phục vụ bưng ra thức ăn khai vị.

“Tôi đem cái này về nhà đọc”, Tamina nói, và nhét tờ tạp chí vào xắc tay. Đoạn cô bảo Hugo, “Bibi không đi Praha nữa”.

“Đúng như tôi nghĩ”, Hugo nói, rồi tiếp, “Tamina, cô đừng lo, tôi hứa với cô tôi sẽ đi Praha, tôi sẽ giúp cô”.

20.

“Có tin vui cho cô đây. Tôi đã nói chuyện với thằng em cô, và Thứ Bẩy này nó sẽ sang nhà mẹ chồng cô lấy gói thư”.

“Vậy hả, Papa! Papa có giải thích tường tận mọi chuyện cho nó nghe không? Papa có dặn nó nếu không tìm ra chìa khóa thì phải phá ngăn kéo ra mà lấy không?”.

Lúc Tamina cúp điện thoại, cô có cảm tưởng như đang say rượu.

“Có tin vui?”. Hugo hỏi cô.

“Vâng”.

Giọng nói vui vẻ, nhiệt tình của cha mình vẫn chưa tan hết trong đầu Tamina, cô bỗng thấy ân hận vì đã không công bằng với ông.

Hugo đứng lên bước lại tủ rượu trong nhà. Anh rót uýt-ky vào hai cái ly đem lại cho cô.

“Tamina, cô cứ tự nhiên dùng điện thoại nhà tôi bất cứ lúc nào cô cần nhé. Tôi lặp lại một lần nữa. Có cô trò chuyện, tôi vui lắm, ngay cả tôi biết cô sẽ không bao giờ ngủ với tôi”.

Anh chàng cố gắng lắm mới thốt được câu nói “tôi biết cô sẽ không bao giờ ngủ với tôi,” chỉ để chứng minh cho chính mình rằng anh có thể nói những câu như thế vào mặt người đàn bà cứng cỏi như bức tường thành kiên cố đến vô vọng này. Mặc dù câu nói ở dạng tiêu cực và rất dè chừng, anh thấy mình can đảm quá mức tưởng tượng.

Tamina đứng lên tiến lại gần cầm ly rượu từ tay anh. Cô đang nghĩ đến cậu em: mặc dù đã cắt đứt mọi liên lạc, nhưng chị em vẫn thương yêu nhau, vẫn giúp đỡ nhau lúc cần.

“Chúc mọi điều tốt lành đến với cô!”. Hugo nói, đưa ly rượu lên uống cạn.

Tamina cũng uống một hơi hết ly rượu, cô đặt cái ly không xuống mặt bàn cà phê phòng khách, đang định ngồi xuống lại xô-pha thì Hugo đột nhiên choàng hai tay ra ôm chặt cô vào người.

Cô không chống cự, chỉ xoay đầu sang bên tránh mặt. Miệng cô vặn vẹo, cặp lông mày nhíu lại.

Hugo choàng tay ôm cô, nhưng anh chàng không hề biết chuyện chi có thể xảy ra sau đó. Thoạt đầu, anh cảm thấy hãi sợ trong lòng, và nếu Tamina đẩy anh ra thì chắc anh sẽ ngượng ngùng đến chín người buông cô ra, lùi lại rồi ấp úng nói vài lời xin lỗi. Nhưng Tamina đã không đẩy anh ra, và nét mặt nhăn nhó cùng cái đầu nghiêng sang một bên khiến cơn hưng phấn trong người anh bỗng dâng lên tột độ. Đời anh cho đến giờ phút này, chẳng có mấy đàn bà và chưa hề có người nào có một phản ứng đầy ý vị như cô. Những người đàn bà đó, nếu chịu làm tình với anh, họ điềm nhiên cởi bỏ y phục rồi nằm chờ, xem anh định làm gì với thân thể họ. Lúc này, ôm Tamina trong tay, với nét nhăn nhó trên khuôn mặt kiều diễm, Hugo bỗng thấy cả một chiều sâu anh chưa bao giờ trải nghiệm. Anh cuồng nhiệt vồ vập thân thể Tamina và xé tung chiếc váy trên người cô.

Nhưng tại sao Tamina không chống cự?

Suốt ba năm trời, cô thường xuyên tưởng tượng, với nỗi sợ hãi, một hôm nào đó sẽ có chuyện như thế xảy ra. Ba năm trời, cô sống dưới con mắt thôi miên bảo cho cô biết rằng sẽ có ngày cô bị một người đàn ông lạ lột trần truồng. Và giờ đây nó xảy ra, y như cô từng tưởng tượng. Đó là lý do vì sao cô không chống cự. Cô chấp nhận nó như cái gì không thể vượt thoát.

Tất cả những gì cô có thể làm được là nghiêng đầu sang một bên, tránh mặt. Nhưng vô ích. Hình ảnh chồng cô hiện ra trước mắt, cô xoay mặt về hướng khác thì hình ảnh đó vẫn cứ chạy theo. Đó là một bức chân dung to lớn dị thường, to hơn thật ngoài đời, vâng, nó đúng là cái gì cô tưởng tượng suốt ba năm nay.

Lúc cô hoàn toàn trần truồng, Hugo hưng phấn lắm bởi anh chàng ngỡ cô cũng đang hưng phấn. Nhưng anh vô cùng kinh ngạc khi khám phá ra cô khô ran như thẻ ngói nung dưới triền nắng hạ.

21.

Có lần cô phải vào bệnh viện làm tiểu phẫu không thuốc gây mê, để khỏi sợ và cố không nghĩ đến những diễn biến trong phòng mổ, cô đã phải vận dụng tối đa trí óc mình ôn lại những động từ Anh ngữ bất quy tắc. Lúc này, với cái xác nóng như than hầm của Hugo đang chà xát thân thể mình, cô cũng áp dụng phương pháp đó bằng cách nghĩ đến những cuốn nhật ký. Cô nghĩ đến lúc mấy cuốn sổ tay nằm an toàn trong tay cha mình, và anh chàng Hugo tử tế này sẽ thân hành sang tận nơi lấy đem về đây cho cô.

Trong lúc đó thì anh chàng Hugo tử tế vẫn loay hoay nhấp nhổm trên người cô. Cô bỗng nhận ra anh chàng bây giờ đang chống hai tay, còn hạ thể thì thúc tới thúc lui bốn phương tám hướng bấn loạn lên mà không cách chi vào được cô. Cô hiểu anh chàng không thỏa mãn với phản ứng thụ động từ cô, thấy cô thiếu hưng phấn, nên tìm đủ mọi cách đi vào từ nhiều góc độ khác nhau hầu tìm ra từ đâu đó, nơi khoảng không sâu hút, cái gợi cảm kỳ bí trong con người cô, tại sao nó vẫn không chịu hiện ra cho anh chiếm đoạt.

Vì không muốn trông thấy anh chàng gắng sức loay hoay mãi như thế, cô xoay nghiêng đầu, rồi tiếp tục điều khiển trí óc mình nghĩ ngợi về mấy cuốn sổ tay. Cô cố nhớ lại thứ tự những kỳ nghỉ hè của vợ chồng, như cô đã tìm đủ mọi cách tái dựng nhưng không hoàn tất: thoạt đầu là những kỳ nghỉ bên bờ một cái hồ nước nhỏ ở Bohemia, năm sau sang Yugoslavia, năm sau nữa trở lại hồ, và năm kế tiếp tại một thị trấn khoáng tuyền ở Bohemia; nhưng thứ tự những kỳ nghỉ này, cô không nhớ rõ. Năm 1964 vợ chồng viếng Tatras, năm sau đi Bulgaria, nhưng rồi cô không tài nào nhớ tiếp. Năm 1968 suốt kỳ nghỉ hai người không đi đâu, chỉ ở lại thủ đô Praha, năm sau trở lại thị trấn khoáng tuyền, và rồi đến chuyến vượt biên. Lần cuối trước khi chồng cô qua đời, hai người đi Italy nghỉ hè.

Sau một hồi cố gắng không kết quả, Hugo lật thân hình cô lại cho nằm sấp. Cô nhận ra anh chàng muốn cô chống hai tay quỳ hai chân như con chó. Ngay lúc đó, cô bỗng nhớ ra Hugo trẻ tuổi hơn mình, và cô cảm thấy xấu hổ. Nhưng cô vẫn cố gắng làm đông cứng mọi cảm giác và nghe lời anh chàng với thái độ dửng dưng. Đoạn cô cảm thấy đôi mông mình như có người lấy bao cát dộng mạnh. Cô nhận ra anh chàng Hugo này đang biểu diễn cho cô xem sức mạnh và sự dẻo dai của anh chàng. Anh chàng đang thi thố tài năng trong một trận quyết đấu ác liệt, một trận thư hùng sống mái để chinh phục cô, cho cô thấy mình rất xứng đáng được cô giang hai tay đón nhận.

Cô không biết Hugo không nhìn thấy mặt cô. Hình ảnh chập chờn của đôi mông Tamina (đôi mắt của cặp mông vun tròn tuyệt đẹp, đôi mắt vô cảm nhìn chòng chọc vào anh) khiến cơn hưng phấn dâng tràn đến nỗi anh phải nhắm mắt lại, thúc hông chậm lại, và thở hổn hển. Bây giờ chính anh cũng muốn nghĩ đến cái gì khác (điểm chung duy nhất giữa hai người), để có thể tiếp tục làm tình với cô.

Trong lúc ấy thì Tamina thấy khuôn mặt to tướng của chồng cô hiện ra trên mặt chiếc tủ áo màu trắng kê trong phòng trước mặt. Cô vội vàng nhắm mắt và tập trung ý nghĩ về thứ tự những kỳ nghỉ hè như thể đấy là những động từ bất quy tắc: trước hết là những kỳ nghỉ ở bờ hồ; rồi đến Yugoslavia, bờ hồ, và thị trấn khoáng tuyền – hay là thị trấn khoáng tuyền trước, Yugoslavia, rồi mới đến bờ hồ; mãi sau mới là Tatras và Bulgaria, rồi không nhớ gì thêm cho đến năm ở lại Praha, thị trấn khoáng tuyền, và sau cùng là Italy.

Tiếng thở như bò rống của Hugo khiến những hình ảnh kỷ niệm chợt tan biến, cô mở hai mắt và lại thấy chân dung anh chồng hiện ra trên cánh cửa tủ màu trắng.

Đột nhiên Hugo cũng mở mắt. Nhìn thấy đôi mắt trên mông Tamina, khoái cảm trong người anh bỗng lóe lên như một tia chớp giật.

22.

Cậu em Tamina đã không cần phá ngăn kéo lấy gói thư. Ngăn kéo không khóa và mười một cuốn sổ tay vẫn còn nguyên, nhưng cùng với những lá thư, đó là một đống giấy vung vãi bừa bộn. Cậu hốt tất cả rồi nhét vào một cái cặp da đem về giao cho người cha.

Trên điện thoại, Tamina dặn cha mình dán băng keo cẩn thận tất cả đống thư và mười một cuốn sổ tay thành một gói, cô lặp đi lặp lại rằng cả ông lẫn cậu em, không ai được quyền đọc những gì cô viết trong đó.

Bị chạm tự ái, ông già bảo cô ông chẳng bao giờ muốn bắt chước cái tính tò mò tọc mạch của bà mẹ chồng cô. Nhưng tôi biết (và Tamina cũng biết) rằng có những chuyện không ai có thể ngăn được cám dỗ: tai nạn xe cộ, chẳng hạn, hoặc thư tình của người khác.

Và thế là những lá thư cuối cùng nằm trong tay cha Tamina. Nhưng cô còn thấy chúng giá trị nữa không? Có phải chính cô đã nói đi nói lại cả trăm lần, nếu có người ngoài đọc được thì nó sẽ như giọt mưa lần hồi xóa mờ dòng chữ chạm khắc trên tường đá, đấy ư?

Không, cô sai rồi. Hơn bao giờ cô vẫn muốn lấy về gói thư, hơn bao giờ nó vẫn là cái gì thật quý giá đối với cô. Mấy cuốn nhật ký đã bị xúc phạm một cách thảm thương, cũng như cô đã bị, bởi thế cô và ký ức cô có cùng một số mệnh ràng buộc lấy nhau. Càng nghĩ ngợi cô càng yêu quý nó nhiều hơn.

Nhưng cô cảm thấy buồn bã vô hạn.

Lâu rồi, năm cô lên bẩy tuổi, có một ông chú vô tình bắt gặp cô ở truồng trong phòng ngủ. Cô cho đó là điều ô nhục lắm, và cô nổi loạn. Cô thề suốt đời không bao giờ nhìn mặt ông chú, và mặc những người trong gia đình la mắng, chế giễu, cô nhất quyết tránh mặt ông chú mỗi lần ông đến nhà thăm.

Bây giờ cô cũng ở vào một tình huống tương tự. Mặc dù biết ơn hai người, nhưng cô không muốn trông thấy mặt cha và cậu em nữa. Sáng tỏ hơn bao giờ, cô hiểu ra cô không sẽ không bao giờ trở về, dù chỉ để thăm viếng.

23.

Được làm tình với Tamina là một thành công lớn đối với Hugo, nhưng cùng lúc nó cũng đem lại cảm giác thất vọng to lớn không kém. Bây giờ anh có thể làm tình với cô bất cứ lúc nào anh muốn (cho một lần rồi, cô đâu thể từ chối, không cho nữa), nhưng anh cảm thấy rằng anh đã không quyến rũ được cô, không làm cô rung động. Vì sao, trời ơi, vì sao một thân thể trần truồng nằm yên ngoan ngoãn dưới thân thể anh lại có thể dửng dưng, quá xa lạ, quá xa cách, như thế được? Có phải anh muốn cô trở thành một phần cái thế giới bên trong anh, cái vũ trụ kỳ vĩ lớn lao định dạng bởi máu và tư tưởng siêu tuyệt của anh, đấy ư?

Ngồi đối diện nhau trong tiệm ăn, anh bảo cô: “Tamina, tôi đang sắp viết một cuốn sách, một cuốn sách về tình yêu, cô biết không, về cô và tôi, về hai chúng ta, một cuốn nhật ký thân thiết nhất, một cuốn nhật ký về thân xác hai chúng ta, cô biết không, tôi muốn quét đi sạch tất cả những ta-bu, những điều cấm kỵ, tôi muốn thuật tất cả, không giấu diếm điều gì, về chính tôi, tôi là gì, tôi nghĩ gì, và nó sẽ là một cuốn sách chính trị nữa, một cuốn sách chính trị về tình yêu, và cùng lúc, một cuốn sách của tình yêu về chính trị…”.

Tamina nhìn chòng chọc vào mắt Hugo, đột nhiên anh chàng không chịu nổi tia mắt ấy nữa và mất hết ý thức mình đang nói gì. Anh muốn giam cầm cô trong cái vũ trụ kỳ vĩ lớn lao định dạng bởi máu và tư tưởng siêu tuyệt của anh, nhưng điều oái oăm là cô cũng bó thân bên trong thế giới của riêng cô. Không chia sẻ được với nhau, miệng anh thốt ra những từ càng lúc càng nặng nề, và tiếng nói càng lúc càng chậm lại:

“… một cuốn sách của tình yêu về chính trị, cô biết không, bởi vì chúng ta phải tái dựng lại thế giới trên căn bản nhân loại, căn bản của chúng ta, căn bản của thân xác chúng ta, thân xác cô, Tamina, thân xác tôi nữa, cô nghe không, để ngày nào đó sẽ có một cung cách hôn nhau kiểu mới, yêu nhau kiểu mới…”.

Chữ nghĩa của anh càng lúc càng nặng nề, như một cái miệng đầy ứ thịt, không thể nào cử động quai hàm nổi. Hugo chợt im lặng. Tamina kiều mị, sao anh ghét cô đến thế! Anh nghĩ cô đang trèo lên số mệnh của chính cô. Cô trèo lên ngồi trên quá khứ một di dân, một quả phụ, làm như đó là tòa nhà chọc trời cho cô nhìn xuống mọi người bên dưới với lòng tự phụ phù dư, giả dối. Trong lòng Hugo bỗng dấy lên cảm giác ganh tị, anh suy nghĩ về tòa tháp cao, mà anh cũng đang cố công xây đắp, đối diện với tòa nhà chọc trời của cô. Nhưng cô đâu thèm nhìn sang nó: một tòa tháp dựa trên nền tảng một bài viết đăng báo và một cuốn sách chưa xuất bản, thậm chí chưa viết chữ nào, nói về tình yêu của hai người.

Tamina bỗng cắt ngang dòng suy tưởng của anh: “Bao giờ anh đi Praha?”.

Đến đây thì Hugo nhận ra rõ như ban ngày rằng cô chẳng bao giờ yêu anh. Cô đến với anh chỉ vì cô cần anh mò sang cái thành phố khốn nạn ấy đem về cho cô mấy cuốn sổ tay và đống thư từ khốn nạn không kém. Lòng anh sôi lên với ý tưởng phải trả thù:

“Tamina”, anh bảo cô, “tôi tưởng cô nhìn ra sự việc rồi chứ. Cô đọc bài viết của tôi rồi, phải không?”.

“Vâng, tôi đọc rồi”. Cô đáp lời.

Anh không tin. Và nếu cô đọc rồi thì hiển nhiên cô chẳng thấy nó thú vị, hay ho gì. Anh không hề nghe cô nhắc đến nó. Hugo biết rằng cảm giác sâu thẳm duy nhất anh có thể sở hữu là lòng trung thành với tòa bảo tháp bị bỏ quên, không người thừa nhận (tòa tháp một bài viết đăng báo và một cuốn sách chưa viết, về tình yêu của anh cho Tamina), anh cũng biết rằng anh có khả năng xung ra trận chiến đấu trong mọi trường hợp để bảo vệ tòa tháp đó và bắt Tamina mở to đôi mắt kinh ngạc, thán phục chiều cao của nó.

“Nói cho cùng, chắc cô hiểu bài viết đó của tôi luận về sự lạm dụng quyền lực. Tôi phân tích một cách rạch ròi quyền lực vận động như thế nào. Đoạn tôi gay gắt phê phán những sự việc đang xảy ra trên quê hương cô, và trong bài viết, tôi đã không ngần ngại vạch trần tất cả mọi sự việc sai trái, khuất tất, không kiêng dè một ai”.

“Này, anh nghĩ là ở Praha, họ đọc bài viết của anh à?”.

Câu nói mỉa mai của Tamina khiến Hugo bị thương tổn nặng nề. Anh trầm giọng bảo cô: “Cô đi khỏi nước lâu rồi nên không biết đấy thôi, cô quên mất bọn công an xứ cô có thể nhúng tay làm bất cứ chuyện động trời nào. Bài viết của tôi gây xáo trộn không ít. Tôi nhận được không biết bao nhiêu thư từ gửi về từ khắp nơi. Công an xứ cô biết tôi là ai. Tôi biết chắc như thế”.

Tamina im lặng, trông cô càng diễm lệ. Chúa ơi, anh chàng hứa với cô sẽ đi Praha cả trăm lần nhưng với điều kiện cô phải mở một chút xíu đôi mắt đẹp kia để nhìn vào thế giới mà anh muốn nắm tay dắt cô vào, cái thế giới làm bằng máu và ý tưởng của anh! Hugo đột ngột đổi giọng:

“Tamina”, giọng anh đượm vẻ buồn bã, “tôi biết cô khó chịu với tôi vì tôi không thể đi Praha được nữa. Thoạt đầu tôi ngỡ là tôi có thể khoan đăng bài viết, nhưng tôi nhận ra tôi không có quyền kéo dài thời gian chờ đợi. Cô hiểu không?”.

“Không, tôi chẳng hiểu gì cả”. Tamina đáp lời anh.

Hugo biết miệng anh đang thốt ra những điều vô nghĩa lý, những điều lôi kéo anh vào một vị thế anh chẳng muốn tí nào, nhưng anh không thoái lui được nữa, và anh đâm ra chán nản vô cùng. Những vết sần đỏ nổi trên da mặt anh, giọng anh bỗng run rẩy: “Cô không hiểu thật à? Tôi không muốn những điều xảy ra cho cô trên đất nước cô có ngày tái diễn ngay tại đây, cho tôi, cho cô! Nếu chúng ta cứ giữ im lặng mãi thì tất cả chúng ta sẽ biến thành nô lệ!”.

Ngay lúc đó, một cảm giác kinh tởm bỗng bốc lên dữ dội trong người Tamina, cô đứng bật dậy chạy ào vào toa-lét; ruột gan, bao tử cô lộn ngược lên cuống họng, cô quỳ xuống trước bàn cầu rồi nôn thốc nôn tháo cả mật vàng mật xanh, người cô gập lại như thể đang khóc, trước mắt cô là hình ảnh cái dương vật lủng lẳng của thằng con trai như cái đầu con rắn chui ra từ đám lông đen xoăn tít, và mùi chua thum thủm toát ra từ miệng hắn, và cảm giác gớm ghiếc đùi hắn cọ xát lên mông cô, chẳng còn cái gì là của chồng cô nữa, cái ghê tởm lưu lại trong trí óc thì mạnh hơn cái dịu êm (ôi, đúng vậy, Chúa ơi, cái ghê tởm lưu lại trong trí óc thì mạnh hơn cái dịu êm!), chẳng còn gì lưu lại trong cái đầu tội nghiệp đáng thương của cô ngoại trừ mùi thối từ miệng thằng con trai, và cứ thế cô nôn mửa, gập bụng lại mà nôn mửa.

Cô bước ra khỏi toa-lét, miệng cô (vẫn còn đầy vị chua của a-xít) khép kín.

Anh chàng Hugo ngượng lắm. Anh muốn đưa cô về nhà, nhưng cô không nói gì, đôi môi mím chặt (như trong giấc mơ cô ngậm trong miệng chiếc nhẫn vàng).

Lúc Hugo mở miệng nói cái gì đó, cô sải chân bước nhanh hơn. Chẳng bao lâu anh hết điều để nói, và bước thêm vài mét nữa bên cạnh cô trong im lặng. Rồi anh dừng lại, đứng ngay đó không nhúc nhích. Cô bước thẳng về phía trước, không hề ngoái lại liếc nhìn.

Cô tiếp tục bưng cà phê cho khách và không bao giờ gọi điện về Praha nữa.

………………………………………………

Chú thích của người dịch:

1 West-östlicher Diwan (Thi ca Tây-Đông) nhan đề một tập thơ của thi hào Đức Johann Wolfgang von Goethe [1749-1832], biểu tượng cho văn hóa giao thoa Đông-Tây hòa hợp.

*Trịnh Y Thư dịch từ The Book of Laughter and Forgetting, Milan Kundera, ấn bản Anh ngữ của Aaron Asher.

(Còn tiếp)

Comments are closed.