Trăng không in bóng (kỳ 7)

Tiểu thuyết của Bùi Việt Sỹ

10

Chiếc xe com-măng-ca quân sự chở đồng chí sĩ quan cao cấp và Lài lao thẳng về phía tây Hà Nội, nhằm hướng tỉnh Hòa Bình. Gần ba giờ chiều thì tới chỗ tập kết xe. Đó là một cánh rừng vào loại đại ngàn, xung quanh là các dãy núi đá vôi. Tập hợp ở một bãi trống có chừng một tiểu đội. Thấy xe của vị sĩ quan cao cấp, mọi người chạy ùa tới. “Có người thay thế Đại đội trưởng rồi! Một Đại đội trưởng thép của tuyến lửa khu Bốn”. Vĩ sĩ quan cao cấp bước khỏi xe và nói với mọi người. Hơn chục đôi mắt đổ dồn vào Lài. Quá quen với những cảnh tượng thế này nên Lài tỏ ra rất điềm tĩnh. Nhìn cái dáng cao to, chắc chắn và vết sẹo bằng nửa bàn tay trên trán Lài, các đôi mắt đã được khuất phục ngay. “Lái xe đâu, ra nhận thủ trưởng mới đi!”. Vị sĩ quan cấp cao lệnh. Một chàng trai có vóc dáng cao dong dỏng, đầy chất thư sinh, từ đám đông bước ra dập hai gót giày vào nhau dõng dạc: “Báo cáo thủ trưởng, thượng sĩ Hùng có mặt!”. Cuộc bàn giao diễn ra nhanh chóng.

Hùng đưa Lài về chỗ đỗ xe.

Lúc ấy mới khoảng gần bốn giờ chiều. Từ một cây gạo rất cao, cành lá sum suê bỗng một con cú ngày liệng xuống. Nó rúc lên mấy tiếng rợn người. Trước sự chứng kiến của cả chục người, nó cứ liệng lên lại liệng xuống. Và cuối cùng bay tọt vào buồng lái (lúc đó kính chưa quay lên để cho thoáng) nghểu nghện đậu trên vô lăng. Mọi người tái mặt vì nghĩ đây là điềm gở, hết sức gở. Tuy nhiên nét mặt của lái xe Hùng và Lài đều vẫn bình thản. Bởi vì với họ, thần chết đã đưa lưỡi hái kề cổ bao nhiêu lần, nhưng vẫn sống nhăn răng ra đấy thôi! Song chuyện con cú ngày bay vào, đậu trên vô lăng là điềm lạ đầu tiên cả hai chứng kiến.

– Thôi đến giờ xuất phát rồi! Lên xe đi!

Hùng nói trống không với Lài rồi mở cửa cabine. Lài vòng qua đầu xe, mở cánh cửa bên kia. Nhưng khi Hùng đưa bàn tay phải ra kéo bàn tay trái của Lài lúc lên xe, thì hơi hẫng hụt vì bàn tay ấy chỉ còn ngón trỏ và ngón cái.

Im lặng một lúc. Qua ánh sáng còn sót lại của buổi chiều hè nóng bỏng, cô gái chợt nhìn thấy hai câu thơ viết tay rất bay bướm dán ở cuối kính xe, trước mặt người lính:

“Người ra đi đầu không ngoảnh lại

Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”.

Nguyễn Đình Thi

Nhìn cái dáng cao gầy, với khuôn mặt nhẹ nhõm, dưới vành mũ sắt là đôi mắt to đen đượm buồn với chiếc mũi dọc dừa ăn khớp với đôi môi cương nghị, Lài nghĩ “Tay này cũng có vẻ phớt đời đây!”. Rồi bất chợt, Lài bảo:

– Tôi thích hai câu “Tây tiến người đi không mọc tóc/ Quân xanh màu lá dữ oai hùm” của Quang Dũng hơn.

– Thế ra “cô” cũng hiểu biết về “thơ văn nghê” nhỉ? Vừa nói anh chiến sĩ lái xe vừa đánh mặt nhìn lại khuôn mặt trắng hồng, có đôi mắt to dưới đôi lông mày dài cong vút như hai cánh chim én của cô “chỉ huy mới”.

– “Cô” với “cháu” cái gì? Bỏ cái điệp khúc chán chết ấy đi. “Đằng ấy”có kém thì cũng chỉ kém tôi hai ba tuổi là cùng. Vừa cười để lộ dưới khoé miệng hơi rộng một chiếc răng nanh khẩy to và nhọn hoắt, cùng với hai chiếc lúm đồng tiền sâu. Giọng nói vừa thân mật, vừa có vẻ lên giọng đàn chị, song lại rất nhẹ và ngọt. Giọng của các cô gái Quảng Bình – Thừa Thiên Huế.

Người chiến sĩ lái xe không đáp lại. Im lặng một thoáng. Tiếng Lài lại cất lên, vẫn cái giọng nhẹ nhàng và ngọt lịm, người nghe có cảm tưởng lời lẽ ấy, âm sắc ấy chỉ dành riêng cho mình.

– Bây giờ tôi gọi cậu là “đằng ấy” và xưng “tôi”. Còn “đằng ấy” gọi tôi là chị và xưng tôi. Tôi không thích con trai đã lớn cứ xưng “em” với các chị, nó yếu đuối thế nào ấy. Như thế vừa thân mật, mà vẫn giữ được khoảng cách.

– Xin tuân lệnh thủ trưởng! Anh chiến sĩ lái xe vui vẻ chấp nhận.

– Thế “đằng ấy” năm nay bao nhiêu tuổi rồi?

– Chính xác là hai mốt rưỡi.

– Thế thì “đằng ấy”kém tôi gần ba tuổi.

– Vào bộ đội lâu chưa?

– Hai năm rưỡi.

– Vào là lái xe ngay à?

– Tập quân sự “ắc ê” sáu tháng. Trước khi học lái xe lại qua một lớp huấn luyện đặc biệt nữa… Như vậy là làm “quái xế” năm rưỡi rồi.

– Thế còn chị? Bốn năm qua chị làm những gì?

– Là bí thư xã đoàn, dẫn dân công đi làm công tác đảm bảo giao thông theo khẩu hiệu của tỉnh “xe chưa qua – nhà không tiếc”. Rồi huyện đoàn giữ lại, làm đại đội trưởng đại đội thanh niên xung phong của huyện. Có lúc vẫn phụ trách đại đội thanh niên xung phong, vừa phụ trách dân công tăng cường với cương vị tiểu đoàn trưởng kiêm luôn cả chức chính trị viên. Đại loại là như vậy.

– Đợt này chị ra Hà Nội họp à?

– Không. Tập huấn báo cáo viên điển hình tiên tiến. Rồi ở lại dự Đại hội anh hùng và chiến sĩ thi đua của ngành giao thông vận tải.

– Trông chị qua kính chiếu hậu, với cái dáng cao lớn, rắn rỏi tôi nghĩ “chị này chắc cũng vào loại tầm cỡ đây”. Nhưng nhìn kỹ, thấy da trắng hồng như da sinh viên thì lại nghĩ khác.

– Da tôi lúc nào cũng vậy. Càng dầm sương dãi nắng càng trắng đỏ ra. Có điều hơn một tháng ở Hà Nội, được ăn gạo trắng, uống nước máy nên béo ra, má phính như má em bé bụ sữa ấy. Về nhà… mọi người nhìn mà thấy gượng.

Câu chuyện này xảy ra vào mùa hè năm 1969 không quân Mỹ ngừng ném bom ở miền Bắc. Nhưng tập trung hoả lực đánh phá ác liệt vùng “cán soong” từ Thanh Hoá trở vào.

Ở miền rừng núi, bóng đêm ập xuống rất nhanh, vẫn ở vùng an toàn, anh chiến sĩ lái xe bật đèn cốp, ánh sáng vừa phải lia loáng dưới mặt đường hẹp quanh co, gập ghềnh. Muốn tăng tốc, nhưng đường xấu nên cũng chỉ chạy được trên hai mươi cây số/giờ. Xe chạy được gần hai tiếng, anh chiến sĩ lái xe hỏi người chỉ huy mới quen.

– Chị đói chưa! Trên xe có lương khô và nước uống đấy! Chị cứ tự nhiên. Đồ ăn và uống để dùng cho hai người…

– Thú thực là từ trưa tới giờ tôi chưa ăn uống gì.

– Tôi cũng đói rồi. Để tôi lấy lương khô và bi đông nước cho cả hai nhé!

Nói rồi anh chiến sĩ cho dừng xe bật công tắc đèn cabin. Quay lại phía sau, kéo tấm vải dù pháo sáng để lộ ra một khoảng khá rộng. Đập vào mắt Lài là khẩu AK báng gấp với gần chục băng đạn treo gọn gàng phía trên. Phía dưới như một ngăn tủ xếp chặt cứng những hòm sắt như hòm đạn rỗng. Anh lái xe mở một hòm lấy ra bốn phong lương khô màu cà phê sữa. Loại lương khô dùng cho cấp tá… và hai bi đông nước. Anh đưa cho Lài hai phong và một bi đông, rồi nói:

– Ta tranh thủ vừa ăn vừa cho xe chạy!

Lài đón nhận từ bàn tay có những ngón dài nhưng rất rắn chắc và gật đầu.

Bữa tối đạm bạc vừa xong, Lài vội đặt vấn đề:

– Chúng ta mới biết tên, chứ chưa biết họ của nhau. Để tôi tự giới thiệu nhé. Anh chiến sĩ lái xe tán đồng – Tôi họ Lê, tên là Nghĩa Hùng- Đấy là theo giấy khai sinh. Còn với cánh lái xe trong đơn vị, họ thêm cho tôi một chữ đệm nữa thành Lê Nghĩa Song Hùng. Tôi đã chạy ba chuyến từ Bắc vào Lộc Ninh an toàn rồi. Họ bảo với đà này, chắc tôi sẽ được tuyên dương hai lần anh hùng. Hùng vừa nói vừa cười, nhưng không lộ gì ra vẻ là tự mãn cả.

– Còn tôi, tên là Lài “đằng ấy” biết rồi. Nguyễn Thị Lài. Đơn giản vậy thôi.

Chị nhẹ nhàng đáp lại.

– Lài! Cái tên nghe có vẻ ngồ ngộ. Hùng chen vào.

– Đúng đó! Đó là tên một loài chó ở quê tôi. Đây là giống chó miền núi. Cao to như chó béc giê. Nhưng không ăn thịt mà chỉ ăn cơm độn khoai, độn sắn thôi. Loài chó này rất dũng mãnh, tuyệt đối trung thành với chủ. Chó cái nuôi con rất khéo. Có miếng ăn nào cũng nhường hết cho con. Nhìn chó mẹ gầy xơ gầy xác chùm vú tong teo xệ xuống mà thương.

– Gia đình chị được mấy anh chị em? Hùng hỏi.

– Ba người. Tôi là chị lớn. Kém tôi hai tuổi là chú em trai. Thằng út mới năm tuổi…

Lài chưa nó hết thì Hùng đã chen vào:

– Chả bù cho tôi. Chỉ có độc một thân một xác.

Đêm đã vào sâu, đã quên đi cơn buồn ngủ đang chập chờn trong mắt, hai người tuần tự kể lại hoàn cảnh xuất thân của mình. Hùng kể trước:

– Quê tôi ở vùng “rừng cọ, đồi chè” của tỉnh Phú Thọ. Ông bà ngoại tôi vào loại có “của ăn, của để” trong thôn. Nhà gỗ năm gian, lợp cọ thôi, nhưng vách thưng bằng gỗ mít. Nền nhà và sân lát gạch bát tràng. Bếp xây tường con kiến bổ trụ, mái lợp ngói ta. Chuồng trâu chuồng lợn cũng làm bằng gỗ đâu ra đấy. Có ba mẫu ruộng, với mấy đồi chè, rừng cọ… Ông bà ngoại tôi chỉ có một mụn con gái là mẹ tôi. Theo lời mẹ, cả ông bà ngoại kể tôi cho tôi hay. Vào mà đông năm 1947, địch mở Chiến dịch Thu Đông với hai gọng kìm đánh lên Việt Bắc hòng bóp nát lực lượng đầu não của ta. Cánh quân thuỷ bị đại bại ở sông Lô, với hàng trăm xác giặc và hàng chục tàu chiến bị chìm. Cánh bộ bị ta phục kích đánh một trận tiêu diệt lớn ở Trạm Thân – Phù Ninh, Phú Thọ. Tất nhiên ta cũng bị thương vong. Một chiều bộ đội kéo về thôn. Quần chúng quây quần rất đông, mang lương thực, thức ăn ra tiếp tế, nhà nào có gì mang nấy. Nhà ông bà ngoại tôi gánh ra một gánh thóc. Rồi về khiêng tiếp một con lợn và một lồng gà gần chục con cả trống lẫn mái. Thương binh nằm một dãy dài trên các nong nông dân dùng phơi sắn thái lát. Không hiểu bắt đầu từ đâu, nẩy sinh ra việc các cô gái chưa chồng tình nguyện lấy thương binh. Mẹ tôi lúc đó vào tầm mười bẩy mười tám. Da trắng mắt đen tóc dài, môi cắn chỉ đỏ thắm. Dáng người lại cao ráo, eo thắt đáy lưng ong. Có một anh tản cư từ Hà Nội lên, dáng dấp thư sinh. Đầu đội mũ cát trắng, mặc bộ đồ tây cũng trắng, chân đi giày “đơ cu lơ” [giày hai màu – mốt thời bấy giờ]. Của nả đem theo một va li da to với một chiếc xe Peugeot nữ, khung võng hai dóng màu cá vàng, cũng những nhẫn vàng, mối vàng và cóc vàng làm “lương khô”. Thấy nhà tôi rộng rãi anh ta xin vào ở nhờ. Nhưng bà tôi từ chối. Nói là có con gái lớn, ở không tiện. Anh ta vui vẻ sang nhà khác, nhưng hôm nào cũng kiếm cớ này cớ khác sang nhà tôi chơi. Ông tôi tiếp đón lịch thiệp, pha trà ngon mời uống. Môi thì nhấp vài chén, nhưng mắt lại luôn hướng về phía mẹ tôi. Rồi một hôm, anh ta nhờ người đến nói với ông bà tôi xin được “ở rể”. Ông tôi cười, chỉ nói một câu “Trai thời loạn mà lại muốn núp vào váy đàn bà sao?”. Anh ta có vẻ thẹn và từ đó ít sang nhà ông bà tôi. Nhưng vẫn lân la bắt chuyện với mẹ tôi. Trở lại chuyện cái tối hôm ấy. Mẹ tôi cũng ở trong đám thanh nữ tình nguyện ra “lấy thương binh”. Đi một lượt trong ánh đuốc cháy cuối cùng mẹ tôi cúi xuống nhận một người là cha tôi bây giờ. Đấy là một thương binh cụt cả hai chân – cụt tới trên đầu gối. Về sau mẹ tôi bảo “nhìn vào đôi mắt đen âm thầm của bố tôi mà thấy nao lòng, không thể bỏ được”. Hai người khiêng cái nong đưa bố tôi về nhà. Bà ngoại tôi rơm rớm nước mắt nói: “Mặt cắt không còn hột máu thì làm chú rể làm sao được!”.

Lại nói cái anh thư sinh người Hà Nội lên tán cứ thấy vậy thì buồn ra mặt. Nhưng “không ăn được thì đạp đổ”. Anh ta đặt vè, cho trẻ con ăn kẹo xanh đỏ, chua chua ngọt ngọt của Tây đi qua cửa nhà ông bà ngoại tôi mà nghêu ngao. Mẹ tôi kể, lâu ngày không nhớ hết, giờ chỉ còn lại hai câu: “… Muốn lấy ông chồng thương binh/ Dế to như lọ lục bình..”. Ông ngoại tôi khi đối mặt với anh ta, thái độ rất bình thản, ông nói: “Trông cái mã anh cũng không đến nỗi nào mà hoá ra là thằng hèn”. Mấy ngày sau anh ta lặng lẽ ra đi, không biết là “dinh tê” (trở về vùng địch tạm chiếm) hay về một vùng quê khác.

Một năm sau thì mẹ sinh ra tôi. Mọi người đều bảo tôi giống bố tôi như đúc, nhất là hai con mắt. Cho tới cuối năm 1953, có ba ông cố vấn người Trung Quốc vào ăn ở tại nhà ông bà ngoại tôi. Mới đầu chỉ thấy họ xì xồ với người phiên dịch cùng mấy ông cán bộ Việt Minh. Sau dăm bảy mười ngày gì đó, một trận “long trời lở đất” đã xảy ra ở tại cái thôn được tiếng là yên bình tại căn cứ An toàn khu. Ông bà tôi bị trói gô lại, đưa ra bãi đất rộng, nơi mấy năm trước mẹ tôi đã đi tình nguyện “chọn” bố tôi làm chồng. Rồi nhà cửa, trâu bò tài sản, ruộng đồi đều bị tịch thu sạch. Ông bà ngoại tôi phải dựng lều trên sườn đồi để lấy chỗ che nắng, che mưa. Riêng bố tôi là thương binh nặng loại “đặc biệt” nên được xếp xuống ở dưới bếp, mẹ tôi và tôi được tính vào suất ăn theo. Tiêu chuẩn mười cân gạo của nhà nước trợ cấp cho bố tôi hàng tháng trước đây không lĩnh. Nhưng bây giờ là nguồn thức ăn nuôi cả nhà. Song mẹ tôi ra kho huyện… người ta cứ đuổi quầy quậy, nói con địa chủ, không phát. Cực chẳng đã, mẹ phải đặt bố tôi lên một tấm ván, rồi buộc dây thừng thành chiếc xe quạt kéo lê trên đường. Bố tôi đến kho, tất nhiên là được phát ngay. Những nỗi khổ của tháng ngày đen tối đó không sao kết xiết được. Điều này người ta đã nói nhiều qua các tiểu thuyết, sách báo rồi. Duy có chuyện mẹ tôi không bao giờ quên. Ấy là vào các buổi chiều, từng tốp thanh niên khoảng trên chục người, vác loa sắt vào căn bếp của bố mẹ tôi ra rả đọc bài vè, thuyết phục bố tôi phải bỏ mẹ tôi. Bài vè dài lắm. Nhưng giờ mẹ tôi chỉ còn nhớ được mấy câu: “… Anh bảo nó thông minh tiến bộ/ Sẽ nghe lời khuyên nhủ của anh/ Thoát ly rời bỏ gia đình/ Tay làm kiếm sống, tự mình nuôi thân/ Nhưng việc đó khó khăn anh ạ! / Cải tạo thù nào có dễ đâu?..”. Mẹ nhìn bố hỏi: “Anh nghĩ thế nào?”. Bố tôi đáp chắc như đinh đóng cột: “Chỉ có xuống mồ, xuống mồ anh mới từ bỏ mẹ con em”. Bên ngoài tiếng loa sắt, chen lẫn tiếng nói tiếng cười ha hả, đắc ý vẫn như khoan vào lỗ tai bố mẹ tôi. Cực chẳng đã bố tôi chống hai chiếc nạng tre bật cửa xông ra.

– Chúng mày bắt tao bỏ nó à!? Muốn thế thì hãy trả lại đôi chân cho tao!

Nói rồi ông lẳng hai cái nạng tre vào lũ người đang xúm đen, xúm đỏ trước cửa. Không chỗ bấu víu ông ngã lăn đùng ra đất, miệng vẫn thét lớn: “Trả lại chân cho tao! Trả lại cho tao…”.

Mẹ con tôi sợ hãi ôm nhau co rúm ở góc bếp. ở nhà trên mấy ông cố vấn Tàu nói gì đó, người phiên dịch ra nói lại với toán thanh niên thuộc đội tuyên truyền cái cách rút đi, bà mới dám ra, đỡ bố tôi vào nhà. Sau trận ấy, tiếng loa vẫn còn nhưng chỉ tít ngoài đầu ngõ. Hơn một năm sau, vào năm 1955 thì phải có đội sửa sai về thôn, ông bà ngoại tôi vì có công đóng góp của cải cho kháng chiến, có con rể là thương binh nặng hạng “đặc biệt” nên được điều chỉnh từ “Địa chủ đại gian, đại ác” xuống “Địa chủ kháng chiến”. Nhà được trả lại nhưng chỉ còn có bộ khung. Ruộng được cấp cho năm sào, cho năm nhân khẩu. Cuộc sống đã dễ thở hơn đôi chút. Tôi cũng được đi học cấp một ở xã, cấp hai và ba lên trường huyện. Tôi học giỏi về toán, lý hoá, giành giải nhất toán cấp tỉnh, được đi thi học sinh giỏi toàn miền Bắc tại Hà Nội. Nhưng học sinh cấp huyện bì sao nổi học sinh cấp trung ương, thiếu nửa điểm nên để mất giải ba, Thế là “xôi hỏng bỏng không” nếu có giải ba đã được tuyển thẳng vào đại học.

Tôi vẫn không thất vọng nhủ thầm sẽ cố ở kỳ thi đại học sau đó hai tháng. Bài vở tôi đã làm mỹ mãn. Nhưng chờ mãi vẫn không có giấy báo trúng tuyển. Về sau mới biết, thời đó “học tài – thi lý lịch”. Mà lý lịch của tôi có “phốt” là cháu ngoại địa chủ. Địa chủ kháng chiến thì vẫn là địa chủ. Chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ leo thang dần ra khắp miền Bắc. Thanh niên trai tráng, đứa nào vào đại học hoặc đi trung cấp chuyên nghiệp thì đã đành. Số còn lại không nhập ngũ thì cũng đi thanh niên xung phong. Tôi năm lần bảy lượt viết đơn tình nguyện, bằng mực thôi, chứ chưa tới mức bằng máu (cười khoái chí). Nhưng với lý do con một, bố là thương binh nặng nên hãy đợi đấy! Buồn, xấu hổ. Cả thôn, cả xã chỉ còn lại ông già, bà lão hoặc là thanh niên đui què, mẻ sứt. Mình sức dài, vai không thật rộng (lại cười) mà cứ nhong nhong đầu thôn, cuối xã mãi cũng thấy… không thể chịu được. Vừa hay có một ông cùng thời là lính Vệ quốc đoàn với bố tôi đến thăm đã là sĩ quan cấp tá thì phải. Biết hoàn cảnh của tôi, ông cười và bảo, sẽ thu xếp cho công việc thích hợp. Nửa tháng sau ông sai liên lạc đưa giấy về, bảo bố mẹ tôi ký vào. Thế là lên đường. Như trên đã nói mấy tháng đầu tập lăn, lê, bò toài. Rồi qua một lớp lái xe, qua mấy kỳ sát hạch, thấy các cấp chỉ huy gật đầu. Thế là tôi được gửi vào học một lớp huấn luyện đặc biệt ở vùng rừng núi Hoà Bình. Tập đủ các môn võ thuật, bắn súng, lái xe, đột kích, bơi lặn, học xử lý các tình huống sinh tử bất ngờ. Đang sức trai, lại là học sinh đã tốt nghiệp lớp mười, tôi dễ dàng tiếp thu và tiến bộ vượt bậc. Sau lớp học đó, tôi được điều về đại đội vận tải đặc biệt. Không được lái xe ngay, mà lại phải trải qua một lớp huấn luyện mới. Lần này thực địa là trọng điểm khu Bốn. Được lái chính một chiếc Zil 157 ba cầu, trung chuyển hàng từ Đò Lèn (Thanh Hoá) vào đầu tuyến đường 20 mới mở. Dăm lần bị xe cháy, hàng mất nhưng tôi tỏ ra không nao núng sợ hãi. Sau nhiều lần được làm công tác tư tưởng, tôi được điều về đơn vị chuyên xa này.

(… .)

Hàng hoá, nhiên liệu, đồ ăn thức uống… có bộ phận chuẩn bị sẵn. Chúng tôi chỉ lên xe, nổ máy là đi. Như trên tôi đã nói xe tôi chỉ có hai người. Nhưng sáng hôm sau lên đường thì tối hôm trước ông đại đội trưởng lên cơn đau bụng dữ dội, ngã từ trên giường xuống đất. Đưa vào quân y viện cấp cứu thì được chẩn đoán là đau ruột thừa. Phải mổ cấp cứu. Sáng hôm sau tôi vào thăm ông cùng một vị chỉ huy rất cao cấp nữa. Ông ta chưa ngồi dậy được. Nhưng nói năng rất tỉnh táo. Không biết vị chỉ huy nọ thì thầm trao đổi với ông đại đội truởng kiêm chính trị viên thế nào mà ông ta lên giọng rất nghiêm trang:

– Thượng sĩ Hùng! … Nghiêm.

Tôi dậm gót giày, ngực ưỡn thẳng mắt nhìn về phía trước, toàn thân bất động theo điều lệnh quân sự.

– Từ giờ phút này, với tư cách là chính trị viên đại đội, bí thư chi bộ, trước mặt thượng cấp, tôi tuyên bố kết nạp đồng chí vào Đảng Lao động Việt Nam quang vinh. Đồng chí hãy tuyên thệ đi. Tôi giơ nắm tay phải lên ngang mặt, dõng dạc thề:

– Tôi thượng sĩ Lê Nghĩa Hùng, xin thề trước thượng cấp, trước đồng chí chính trị viên, bí thư chi bộ là suốt đời trung với Đảng, hiếu với dân. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua. Kẻ thù nào cũng đánh thắng.

Ông thượng cấp không mang quân hàm, quân hiệu gì, người thấp đậm, đặt bàn tay chuối mắn, nặng chịch lên vai tôi, giọng khích lệ.

– Giỏi! Giỏi lắm! Xứng đáng là con thương binh nặng, hạng đặc biệt.

Rồi ông nói tiếp:

– Bây giờ Đảng trao nhiệm vụ cho đồng chí, cùng với Đại đội trưởng mới là nữ lái xe chở hàng từ hậu phương lớn vào tiền tuyến lớn. Đồng chí này chỉ đi với đồng chí đến đầu đường 20. Từ đầu đường 20, sẽ có các đồng chí sĩ quan khác của đoàn vận tải quân sự 559 ra thay. Đồng chí có sẵn sàng không?

Tôi lại dậm gót giày, ưỡn ngực khảng khái đáp:

– Báo cáo hai thủ trưởng, tôi xin sẵn sàng. Và người có thể hy sinh chứ hàng tuyệt đối về tới đích an toàn.

Song cũng phải trở lại chuyện cũ một chút. Tôi có được về phép ba ngày trước khi chở chuyến hàng đầu tiên. Mẹ tôi dặn đi dặn lại “con cố giữ lấy hai cái, một là cái gáo đội mũ và con giống. Có què, cụt hết cũng không sao! Mẹ sẽ hỏi được cho con cô gái đẹp nhất huyện nhất tỉnh này. Lại thuỳ mị, nết na nữa”. Gia đình ta trải nhiều biến cố. Nhưng bà ngoại con thường nói: “Ở hiền thì lại gặp lành/ Ai rách tan tành trời lại vá cho”. Mẹ thấy rất nghiệm đó con ạ! Con cứ yên tâm mà đi đi!…

Tôi cười cười an ủi mẹ:

– Xe của con chắc như xe bọc thép ấy! Bom đạn Mỹ ăn nhằm gì. Mà mẹ đã nghe mọi người nói đấy, nó bắn chưa chắc đã trúng, mà trúng chưa chắc đã chết.

Im lặng một hồi lâu. Lài lên tiếng trước:

– Nghe chuyện của “đằng ấy”. Nếu gặp được tay nhà văn nào, “thêm mắm, thêm muối” là được… phần đầu một cuốn tiểu thuyết đấy!

– Chuyện của tôi chả là cái gì! Ở tuyến lửa khu bốn, ở đường Trường Sơn.. mỗi người là một thiên anh hùng bất hủ. Chỉ tiếc là tôi không có năng khiếu về văn chương. Nhưng tôi chắc là sau này, không phải là một mà là mười là trăm cuốn tiểu thuyết sẽ ra đời về cung đường vận tải này… À, mà chị có biết trong thùng thép bịt bùng phía sau chở gì không. Đột ngột người chiến sĩ lái xe hỏi.

– Bí mật quân sự, tôi không nên biết mặc dù tôi là chỉ huy. Thượng cấp chỉ trao cho tôi nhiệm vụ cùng đi với “đằng ấy” chở mặt hàng đặc biệt chứ cũng không nói là hàng gì. Chị đáp.

– Tất nhiên là bí mật rồi! Nhưng bí mật với mọi người… còn với chị tôi thấy tin tưởng vô cùng. Đừng nghĩ tôi là “thằng dại gái”, cái gì cũng bô lô ba la. Có ít thì xuýt ra nhiều.

– Thôi, tôi không muốn nghe đâu? Chị kiên quyết đáp.

– Nói thật nhé! Xe chở than đấy!

Câu nói nửa đùa, nửa thật khiến trí tò mò của chị trỗi dậy:

– Xe chở than á! Làm gì có chuyện đó.

– Thế chị không nghe Bác Hồ khi xuống thăm mỏ Quảng Ninh đã nói: “sản xuất than như bộ đội đánh giặc” là gì.

– Tôi chịu không hiểu… Tốt nhất là ta dừng chuyện này ở đây!

– Đúng là tôi nói chữ than thì chẳng ai tin. Hùng giãi bày. Nhưng quả thật là than. Nhưng không phải là mười tấn, hai mươi tấn… mà là cả vạn tấn đấy. Thế này nhé! Than ta khai thác được… than xấu ta để nội địa dùng. Than cục loại tốt ta xuất khẩu. Đổi ra những tờ đô la xanh. Hàng triệu… hàng chục triệu đô la được cho vào két sắt, đạn bắn không thủng, lửa đốt không cháy… được xếp lên thùng xe chở thẳng ra chiến trường. Rồi những đồng đô la ấy được ta dùng để mua thuốc men, lương thực, vũ khí đạn dược và cả tin tức tình báo nữa… Chị biết không, cái đồng bạc xanh này nó có giá trị lắm. Ba mươi sáu đô la là mua được một lạng vàng. Một sĩ quan nguỵ cấp trung uý lương đổi ra đô xanh cũng chỉ được ba lăm bốn mươi đồng. Chuyến xe trước tôi nghe loáng thoáng thấy vị chỉ huy cao cấp nói với đại đội trưởng của tôi là đã không về được tới đích. Bị trúng bom toạ độ, xe nổ tung như xác pháo. Đô la xanh bay khắp rừng xuống suối, xuống khe xuống vực thẳm. Đã cử cả ngàn thanh niên xung phong dân công hoả tuyến và bộ đội… đi thu nhặt… nhưng cũng không được một phần trăm. Phía đối tác biết tin, doạ nếu không có xe khác tiếp tế gấp thì họ sẽ huỷ hợp đồng… Bởi thế xe chỉ còn một lái chính bổ sung chị làm chỉ huy cũng phải lên đường. Tôi nghe ông cán bộ thượng cấp bảo “Trong chiến tranh nhiều khi phải chấp nhận sự mạo hiểm..”. Tất nhiên tôi không đơn độc. Từng chặng một đều có người hướng dẫn theo dõi và chỉ cho các việc phải làm.

– À ra vậy! Lài sửng sốt thốt lên. Nếu chuyến hàng này thành công. Chắc chắn “đằng ấy” sẽ được phong anh hùng rồi.

– Điều đó có quan trọng gì đâu! Lũ bạn trong đại đội gọi tôi là Song Hùng là lúc đùa vui tếu táo với nhau thôi. Cái chính là phải đưa hàng được tới đích. Tiền tuyến gọi, hậu phương trả lời.

– Cánh thanh niên xung phong chúng tôi cũng nghĩ và hành động như thế. Người có thể chết nhưng mạch máu giao thông thì không được phép gián đoạn ngưng nghỉ. “Sống bám cầu, bám đường. Chết kiên cường dũng cảm”. Đó là khẩu hiệu của chúng tôi.

– Chị đã hiểu rõ về tôi rồi. Còn về phía chị. Có thể cho tôi nghe được không? Sau một thoáng im lặng, Hùng hỏi.

– À cuộc đời của tôi thì đơn giản hơn nhiều. Tốt nghiệp phổ thông… tôi phải lấy chồng “hỏa tốc” để anh ấy còn phải ra mặt trận gấp. Tôi được Huyện ủy điều động lên làm Đại đội trưởng thanh niên xung phong. Từ đó đến nay đã bốn năm rồi. Chồng tôi tên là Trọng. Theo dấu của hòm thư, tôi và gia đình biết là anh đang chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên. Cũng canh giữ một tuyến đường huyết mạch chống thám báo, biệt kích… bảo vệ các xe hàng vào trong, và bảo vệ các đoàn cán bộ cấp cao vào, ra.

– Sắp đến gần đến trạm gác, chị mặc kiểu thanh niên xung phong có khi họ lại nghi ngờ. Quân phục, sắc cốt, súng lục của ông đại đội trưởng của tôi vẫn còn trên xe. Chị mặc vào… ra dáng chỉ huy hơn.

– “Đằng ấy cho xe vào vệ đường. Tôi đóng bộ “cốp” của Đại đội… “đằng ấy” ngắm nghía thật kỹ, xem có “vừa mắt” thì… ta làm theo cách ấy.

Hùng tán thành ngay. Lài ôm bộ quân phục cùng xà cột, súng lục… xuống đường. Ba phút sau bước lên xe. Hùng bật công tắc đèn cabin. Ngắm kỹ từ đầu xuống chân. Chiếc mũ sắt ôm gọn nửa đầu của Lài, phần trán phía dưới vẫn lộ ra một nửa vết sẹo hồng hồng. Đôi mắt đen với hàng mi dài trông cương nghị hẳn lên. Chiếc áo của vị đại đội trưởng có vẻ hơi nhỉnh so với vóc dáng của Lài càng làm nổi bật đôi vai tròn, cặp vú mới nhú của một thiếu nữ. Còn chiếc thắt lưng to bản khiến eo bụng nhỏ gọn hơn. Chiếc xắc cốt đeo chéo từ vai phải qua vai trái, khẩu súng lục K54 ở bên hông càng làm phù hiệu hai sao một gạch thêm trang trọng hơn.

– Ôi! Chị ăn vận sĩ quan trông vừa đẹp, vừa sang trọng hơn. Nhưng chỉ có điều… da chị trắng quá!

– Có gì bôi cho bớt trắng được không! Lài lo lắng hỏi lại.

– Có! Có cây bút chì than. Chị thấm nước bọt xoa vào hai bàn tay… rồi bôi lên mặt. Hùng nói như reo.

B.V.S.

Comments are closed.