Tập sách cái cười & sự lãng quên (9)

Milan Kundera

PHẦN IV

Những cánh thư thất lạc

KỲ 2

9.

Tôi sẽ tha cho bạn, không bắt bạn phải nghe bài thuyết giảng về nghệ thuật làm văn của hai ông Socrates dạy dỗ người đàn bà trẻ. Tôi muốn nói sang chuyện khác. Cách đây ít lâu, tôi ngồi trong một chiếc tắc xi chạy xuyên đô thành Paris. Tài xế là một ông lắm mồm, ông bảo ông bị bệnh mất ngủ kinh niên, không đêm nào ngủ được. Ông bị như thế từ sau chiến tranh. Thời chiến ông là một thủy thủ. Tàu đắm. Ông bơi ba ngày ba đêm. Rồi được cứu. Suốt mấy tháng trời ông sống giữa cái sống và cái chết. Ông hồi phục nhưng sau đó thì hoàn toàn mất ngủ, không bao giờ nhắm mắt ngủ nghê được nữa.

Ông mỉm cười bảo tôi: “Tôi có hơn ông cả một phần ba cuộc sống”.

“Thế ông làm gì với một phần ba thặng dư đó?”. Tôi hỏi lại ông.

“Tôi viết”.

Tôi hỏi ông viết cái gì.

Ông viết về cuộc đời của ông. Chuyện người đàn ông bơi ba ngày ba đêm ngoài biển cả, kẻ chiến đấu với cái chết, mất khả năng ngủ nhưng vẫn bảo tồn sức mạnh để sống tiếp.

“Ông viết cho con cháu ông đọc à? Như một giai thoại trong gia đình?”.

Ông cố giấu nụ cười chua chát: “Con cháu tôi mà đọc cái gì. Bọn chúng nào có màng gì đến chuyện ấy. Tôi đang viết một cuốn sách. Tôi nghĩ có thể nó sẽ hữu ích cho nhiều người”.

Mẩu đối thoại với người tài xế tắc xi đột nhiên làm tôi thấy sáng tỏ cái cốt yếu của công việc người viết văn. Chúng ta viết sách bởi con cháu chúng ta không thèm quan tâm đến chúng ta. Chúng ta đem chính chúng ta ra hướng về một thế giới vô danh chỉ vì các bà vợ bịt tai không muốn nghe chúng ta nói gì.

Bạn có thể nói rằng bác tài xế tắc xi đó không phải một nhà văn, mà là một thư cuồng. Do đó chúng ta cần xác quyết các khái niệm sao cho chuẩn xác. Một người đàn bà viết cho người yêu mình mỗi ngày bốn lá thư không phải là thư cuồng. Cô là một người tình. Nhưng anh bạn tôi, người làm phóng ảnh tất cả những lá thư tình của anh để ngày nào đó xuất bản, là một thư cuồng. Thư cuồng không phải cuồng tử viết thư từ, nhật ký, hay hệ phả (viết cho chính mình hay người thân), mà là cuồng tử viết sách (để công chúng gồm những người không quen biết đọc). Ở ý nghĩa đó, bác tài xế tắc xi và Goethe cùng chia sẻ một đam mê như nhau. Cái làm Geothe khác bác tài xế tắc xi không phải sự khác biệt trong đam mê mà là kết quả khác biệt trong đam mê của mỗi người.

Thư cuồng (cuồng tử viết sách) tất yếu sẽ gây nên một trận đại dịch tràn lan khủng khiếp một khi xã hội triển khai đến mức điểm nảy sinh ra ba điều kiện cơ bản sau:

(1) Cuộc sống tổng thể trở nên sung túc ở mức độ cao, nó cho phép người ta chuyên chú vào những việc làm vô bổ;

(2) Xã hội nguyên tử hóa ở mức độ cao, dẫn đến kết quả cá nhân bị cô lập;

(3) Xã hội không có những biến đổi khốc liệt bên trong đời sống quốc gia. (Từ quan điểm này, tôi thấy hình như đấy là triệu chứng của nước Pháp, nơi gần như chẳng có biến cố gì xảy ra, và so với Do Thái thì phần trăm nhà văn cao gấp hai mươi mốt lần. Vả lại, Bibi đã rất đúng khi cô bảo rằng nếu nhìn từ phía ngoài, cô chẳng bao giờ có những trải nghiệm đặc biệt. Động cơ chính yếu thúc đẩy cô viết chỉ là sự trống vắng của một nội dung thiết yếu, nó là cái khoảng không thinh lặng khiếp hãi).

Nhưng với cú quật trả lại, cái quả ở đây ảnh hưởng tới cái nhân. Sự cô lập tổng thể khiến nảy sinh ra thư cuồng, và thư cuồng tổng thể hóa khiến sự cô lập gia tăng và trở nên tồi tệ hơn. Phát minh máy in trước đây giúp người ta thông hiểu nhau hơn. Trong kỷ nguyên thư cuồng phổ quát, viết sách mang một ý nghĩa trái ngược: mỗi con người bị vây khổn giữa rừng chữ của chính hắn như bức tường lắp kính vây bọc xung quanh, bất cứ tiếng nói nào từ phía ngoài cũng bị cách âm, và không hề lọt vào tai hắn.

10.

Một hôm trong lúc ngồi chuyện vãn trong quán cà phê ế khách, Hugo bảo Tamina: “Tamina, tôi biết tôi chẳng bao giờ tán được cô, vì thế tôi sẽ không bao giờ giở trò gì với cô, nhưng cô nhận lời đi ăn trưa với tôi Chủ nhật này nhé, chẳng có gì phải nghĩ ngợi, chỉ là một bữa ăn”.

Gói thư vẫn nằm trong nhà bà mẹ chồng ở cái tỉnh lị xa xôi ấy, và Tamina trong dạ bồn chồn làm thế nào để đưa nó đến nhà cha cô ở Praha cho Bibi về lấy đem sang đây cho cô. Thoạt đầu cô nghĩ một chuyện cỏn con như thế thì có gì là phiền toái cơ chứ, nhưng sự thật là cô đã phải tốn khá nhiều thời gian và tiền bạc thuyết phục hai người già lẩm cẩm này làm việc cô nhờ. Gọi điện về tốn tiền lắm, mà Tamina kiếm tiền chỉ vừa đủ trang trải tiền ăn tiền ở hằng tháng.

“Được chứ”, Tamina đáp lời Hugo, cô chợt nhớ ra anh chàng trong nhà có điện thoại riêng.

Anh chàng lái xe đến đón Tamina và hai người trực chỉ một nhà hàng ăn vùng quê.

Hoàn cảnh bấp bênh không mấy tương lai của Tamina lẽ ra phải thuận lợi cho Hugo đóng vai kẻ chinh phục, nhưng đằng sau người phụ nữ làm nghề bưng cà phê cho khách với đồng lương chết đói, anh nhìn Tamina, một phụ nữ người nước ngoài, góa chồng, như một trải nghiệm ẩn hiện sau bức màn kỳ bí. Anh cảm thấy ngại ngùng. Sự tử tế của Tamina như cái áo giáp chống đạn. Anh muốn cô chú ý anh, muốn thu hút cô, muốn đi vào tâm tư cô!

Anh gắng hết sức làm bất kỳ điều gì cho cô vui. Trên đường đi, anh tạt xe vào một khu thảo cầm viên tọa lạc trong khuôn viên một tòa lâu đài vùng quê tuyệt đẹp. Hai người bỏ xe ra đi bộ giữa bầy khỉ và két trong một không gian những tòa tháp xây kiểu Gô-tích. Ngoài họ ra chẳng có ai khác ngoại trừ ông lão làm vườn đang quét lá phủ đầy lối đi rộng rãi. Đi ngang một con sói, một con hải ly, và một con hổ, họ đến một khu đất rộng có hàng rào kẽm bao quanh, nơi bầy đà điểu đang đứng.

Có cả thảy sáu con đà điểu. Thấy Tamina và Hugo bước tới, bọn chúng sớn sác chạy ùa lại, cả lũ chen lấn nhau ép thân hình vào hàng rào, thò những cái cần cổ dài ngoằng ngoẵng, nhìn trân trối hai người trong lúc mỏ quác ra đóng mở liên hồi. Hình như chúng đang tranh nhau muốn nói cái gì, những cái mỏ dài, rộng. Thế nhưng những cái mỏ đóng mở liên hồi ấy lại không hề phát ra tiếng kêu nào. Hoàn toàn câm, không một âm thanh, dù rất nhỏ.

Bầy đà điểu trông như những kẻ đưa tin biết rõ một nguồn tin quan trọng nào nhưng thanh quản đã bị kẻ thù cắt phăng trên đường đi, và khi đến nơi báo tin thì chẳng làm được gì ngoài đóng mở cái miệng câm.

Tamina sững sờ nhìn bầy đà điểu, chúng lại càng rối rít hơn. Đoạn, hai người bỏ đi, thấy thế chúng bèn chạy dọc theo hàng rào, mỏ quét lắc cắc lên kẽm mắt cáo như thể muốn cảnh báo hai người điều gì. Điều gì thì làm sao Tamina biết được.

11.

“Thật là quái đản, cứ y như trong truyện kinh dị không bằng”, Tamina nói trong lúc tay cắt miếng pa-tê. “Tôi có cảm tưởng như mấy con đà điểu đó cố nói với tôi chuyện gì quan trọng lắm. Nhưng là cái gì? Chúng muốn bảo tôi cái gì?”.

Hugo giải thích đấy là những con đà điểu còn non và chúng luôn luôn có những hành động kỳ lạ, không giải thích nổi. Lần trước anh vào chơi thảo cầm viên, chính sáu con đà điểu ấy cũng chạy ùa lại hàng rào và cũng có hành động y như hôm nay, cũng quác cái mỏ câm ra trông hết sức quái dị.

Thế nhưng Tamina vẫn thấp thỏm, không yên. “Anh biết không, lúc di cư ra nước ngoài tôi có để lại một gói đồ gồm nhiều thư từ và giấy tờ. Tôi có thể nhờ người thân gửi nó cho tôi, nhưng tôi sợ bị tịch thu. Hè này Bibi về thăm Praha. Cô ấy hứa sẽ đem gói đồ cho tôi. Nhưng bây giờ tôi cảm thấy lo sợ. Tôi linh cảm phải chăng mấy con đà điểu hồi chiều đã cố cảnh giác tôi điều gì không hay về gói đồ”.

Hugo biết vợ chồng Tamina di cư vì lý do chính trị.

“Giấy tờ trong gói đồ cô nói đó có liên quan gì đến chính trị không?”. Hugo hỏi cô.

Từ lâu Tamina đã biết rằng để những người ở ngoài này hiểu bất cứ điều gì về cuộc sống cô thì cô phải đơn giản hóa nó đến mức tối đa. Sẽ rất khó khăn giải thích cho họ hiểu vì sao những lá thư riêng tư và vài cuốn nhật ký lại có thể bị công an tịch thu và tại sao cô muốn thu hồi nó. Bởi thế cô nói: “Đúng, giấy tờ trong gói đồ có liên quan đến chính trị”.

Lời nói vừa thốt ra, cô sợ Hugo sẽ hỏi thêm chi tiết những văn kiện chính trị ấy, nhưng mối lo của cô không có căn cứ. Những người xung quanh đây có bao giờ hỏi han cô điều gì đâu. Đôi khi họ nói cho cô nghe điều họ nghĩ về cái xứ sở nơi cô sinh ra và lớn lên, nhưng họ nào muốn biết trải nghiệm đời sống cô ra sao lúc cô còn ở đó.

Hugo hỏi cô: “Bibi biết giấy tờ trong gói đồ là văn kiện chính trị không?”.

“Không”.

“Tốt. Đừng cho cô ta biết. Cô ta sẽ e ngại, biết đâu đổi ý vào phút chót và không đi lấy gói đồ cho cô nữa. Tamina, cô không thể nào tưởng tượng nổi con người ta sợ hãi những điều gì trên đời. Phải khiến Bibi nghĩ trong đầu đó chỉ là những thứ hoàn toàn không quan hệ và bình thường, như thư tình của cô, chẳng hạn. Đúng đấy – cô bảo Bibi gói đồ là những lá thư tình cũ của cô!”.

Hugo thích thú cười thầm với ý tưởng này của mình: “Những lá thư tình! Đúng đấy! Trúng ý cô nàng lắm! Bibi sẽ hiểu”.

Tamina ngẫm nghĩ thấy không hiểu tại sao anh chàng Hugo này lại có thể xem thư tình là tầm thường, vô nghĩa được. Dường như chẳng ai nhìn ra cô là người có thể yêu và điều đó quan hệ đối với cô chứ.

Hugo nói tiếp: “Nếu Bibi không đi thì tôi sẽ đi. Tôi sẽ sang tận bên đó đem gói thư về đây cho cô”.

“Cảm ơn anh”. Tamina trìu mến đáp lời.

“Tôi sẽ giúp cô ngay cả nếu tôi bị bắt”.

“Nào, nào”. Tamina phản đối. “Anh đừng lo, không sao đâu!”. Cô giải thích cho Hugo nghe rằng tại xứ cô, du khách nước ngoài sẽ không gặp khó khăn gì. Đời sống nơi đó chỉ khó khăn cho người Czech mà thôi, mà họ cũng quen rồi, chẳng ai quan tâm. Đột nhiên, cô hào hứng nói dông dài thêm nhiều chuyện về mảnh đất cố hương cô. Cô biết rõ cái nơi chốn ấy chứ, và tôi có thể minh chứng những gì cô nói đều đúng sự thật.

Một tiếng đồng hồ sau đó, cô áp vào tai chiếc điện thoại trong phòng Hugo. Cuộc nói chuyện lần này với bà mẹ chồng không khá hơn lần trước bao nhiêu. “Cô có giao cho tôi chiếc thìa khóa nào đâu! Lúc nào cô cũng giấu giấu dếm dếm, làm sao tôi biết được! Tại sao cô bắt tôi phải nhớ lại lối cô đối xử với tôi như thế nào, hử?”.

12.

Nếu Tamina quá tha thiết với kỷ niệm như thế, tại sao cô không tự mình quay về Bohemia? Đã có lệnh ân xá cho dân trốn ra nước ngoài sau 1968, thậm chí, họ còn khuyến khích những người này trở về. Tamina sợ hãi điều gì? Thời gian còn ở trong nước cô có là cái gì đâu mà phải sợ?

Vâng, cô có thể trở về mà không sợ hãi gì. Nhưng cô không thể về.

Tại miền đất đó, không ai không phản bội chồng cô. Nếu trở về sinh sống bên cạnh những người đó, cô có cảm tưởng chính cô cũng là kẻ phản bội.

Thuở đó, họ đầy đọa chồng cô bằng cách đẩy anh xuống công tác ở những vị trí càng ngày càng thấp, và cuối cùng anh mất việc, thế mà không một ai đứng ra bênh vực anh, ngay cả những bằng hữu thân thuộc cũng không. Lẽ dĩ nhiên, tận thâm tâm Tamina biết rõ họ đứng vào phe anh, nhưng họ sợ. Chính cái sợ đã khiến họ im lặng, nhưng bởi họ vẫn xem anh là bạn nên họ cảm thấy xẩu hổ mỗi lần tình cờ chạm trán anh ngoài đường sá, và tìm cách lảng tránh, giả vờ không trông thấy nhau. Vợ chồng anh đành chọn giải pháp cũng tránh mặt họ để khỏi phải nhìn thấy vẻ xấu hổ hiện trên mặt từng người. Chẳng bao lâu hai người cảm thấy như mình là kẻ cùi hủi. Sau khi họ trốn ra nước ngoài, đồng nghiệp anh ký tên vào bản công bố lên tiếng phỉ báng và kết án anh như một tội phạm. Họ làm thế, chẳng qua vì không muốn gặp rắc rối với nhà nước, vì có thể cũng bị mất việc dễ dàng như chính anh bị trước đó không lâu. Và họ ký. Thế là, họ đào cái vực sâu hun hút cách chia họ với vợ chồng anh. Tamina chẳng bao giờ có thể nhảy qua cái vực đó, cô không thể tự dẫn xác mình trở về mảnh đất ấy được.

Buổi sáng đầu tiên sau chuyến bay, vợ chồng cô thức giấc bên trong căn phòng khách sạn tọa lạc tại một ngôi làng nhỏ vùng Alps. Hai người nhận ra rằng họ đang hoàn toàn cách biệt với mọi người, cách biệt với thế giới mà đời sống họ gắn liền trước đó, cô có cảm giác như vừa được giải phóng, thoát khỏi cái gì nặng nề trì hãm cô bấy lâu. Xung quanh là núi non trùng điệp, không gian yên ắng chưa từng thấy, thật tuyệt diệu vì không ai quấy rầy. Tamina xem sự yên lặng ấy như một món quà tặng, khiến cô nghĩ ngợi lan man rằng chồng cô bỏ xứ ra đi để trốn cảnh giam cầm tù tội và cô thì tìm được sự lặng yên; lặng yên cho cô, cho chồng cô; lặng yên cho tình yêu hai người.

Chồng mất, đột nhiên cô cảm thấy thương nhớ mảnh đất cố hương hơn bao giờ, nơi vợ chồng có mười một năm trời chung sống bên nhau, với biết bao kỷ niệm. Trong lúc cảm xúc đau buồn tràn dâng, cô gửi tin cáo phó về cho mười người quen. Không một ai hồi âm.

Một tháng sau, với số tiền dành dụm, cô một mình ra thuê phòng tại một bờ biển. Cô mặc bộ đồ tắm, nốc cạn một tuýp thuốc an thần, xong bơi ra biển khơi. Cô đinh ninh tuýp thuốc sẽ khiến cô mệt rã rời và cô sẽ chết đuối ngoài biển. Nhưng cô không chết, có lẽ vì làn nước lạnh, thêm mấy viên thuốc an thần chắc không mạnh như cô tưởng, và cô quên rằng cô từng là quán quân bơi lội. Cô bơi ngược vào bờ, lên phòng, ngủ một mạch hai mươi tiếng đồng hồ. Lúc tỉnh dậy cô thấy đầu óc yên tĩnh, thân thể thư thái, bình an. Cô bèn đổi ý và quyết định sống tiếp, sống trong yên lặng và cho sự yên lặng.

13.

Luồng ánh sáng xanh bạc từ màn ảnh TV trong phòng khách nhà Bibi phả lên mặt từng người đang ngồi: Tamina, Joujou, Bibi và Dédé, chồng cô. Anh làm nghề chào hàng ở tỉnh xa và vừa về lại nhà sau một chuyến đi bốn ngày. Mùi nước tiểu lưu cữu hăng hắc lưởng vưởng trong không khí, và trên màn ảnh TV hiện một cái đầu già, tròn, hói, đang được phỏng vấn, nhưng không thấy người phỏng vấn đâu, chỉ nghe tiếng nói:

“Trong cuốn hồi ký ông viết, có những đoạn tự thú gây sốc rất ác liệt về cuộc đời tình dục của ông. Có phải thế không, thưa ông?”.

Thì ra đó là một chương trình hàng tuần do một anh ký giả truyền thông nổi tiếng đảm trách, chuyên đàm thoại với những tác giả sách vừa được tung ra thị trường tuần lễ trước đó.

Cái đầu hói to tướng nở một nụ cười tự mãn: “Ồ! Làm gì có chuyện đó! Chẳng có gì gây sốc cả! Chẳng qua chỉ là những con số thôi, những con số chính xác! Này nhé, chúng ta hãy cùng nhau làm bài tính thì rõ. Cuộc đời tình dục của tôi bắt đầu từ năm tôi mười lăm tuổi”. Đến đây cái đầu hói tròn quay sang hãnh diện nhìn các tác giả đồng nghiệp khác ngồi kế bên: “Vâng, từ năm tôi mười lăm tuổi. Bây giờ tôi đã sáu mươi lăm. Như thế, có phải cuộc đời tình dục của tôi kéo dài đúng năm mươi năm không nào? Cứ theo phỏng định không có gì quá đáng, thì trung bình mỗi tuần tôi làm tình với đàn bà hai lần, tức là một trăm lần mỗi năm, hay năm ngàn lần suốt thời gian đó. Hãy tính tiếp cho xong bài toán. Nếu thời lượng khoái cảm mỗi lần làm tình là năm giây đồng hồ thì tôi có hai mươi lăm ngàn giây được sướng, tính theo giờ là sáu giờ năm mươi sáu phút. Không đến nỗi tệ lắm, phải không, ông?”.

Mọi người trong phòng ai nấy gật gù, mặt mày nghiêm trang. Ngoại trừ Tamina. Cô vẽ ra trong đầu hình ảnh lão già đầu hói lên cơn ho rũ rượi sau khi đạt tới tuyệt đỉnh ái ân không dứt đó: người lão vặn vẹo, hai tay ôm lấy ngực, trong vòng mười lăm phút hai hàm răng giả từ miệng lão văng ra ngoài, và năm phút sau lão ngã lăn xuống sàn nhà, chết thẳng cẳng. Nghĩ đến đó, cô phá lên tràng cười khoái trá thật lớn.

Bibi quay sang bảo cô yên: “Chị cười cái gì vậy? Sáu giờ năm mươi sáu phút khoái cảm thì không tệ chút nào!”.

Joujou nói chen vào: “Suốt một thời gian dài tôi chẳng biết sướng là gì. Nhưng mấy năm gần đây thì tôi đạt cảm giác thường xuyên hơn”.

Mọi người quay sang bàn tán về khoái cảm của Joujou, trong lúc trên màn ảnh TV xuất hiện một bộ mặt khác, trông giận dữ, phẫn nộ khác thường.

“Việc gì mà ông ta lại giận dữ như vậy?”. Dédé hỏi mọi người.

Trên màn ảnh ông nhà văn bắt đầu nói:

“Thật là quan trọng! Quan trọng lắm! Những điều tôi giải thích trong cuốn sách của tôi”.

“Cái gì mà quan trọng đến thế nhỉ?”. Bibi hỏi.

“Cái quan trọng là ông ấy lớn lên tại làng Rourou”. Tamina đáp lời.

Nhân vật lớn lên tại làng Rourou có một cái mũi lõ rất dài, dài đến độ nó kéo mặt ông ta càng lúc càng xuống thấp, đôi lúc đầu ông ta như muốn rụng ra khỏi màn ảnh TV rơi đánh bịch xuống sàn nhà. Cái mũi dài nhưng cái mặt thì rất linh hoạt trong lúc nói:

“Như tôi đã giải thích tường tận trong sách của tôi, tất cả những tác phẩm tôi viết đều thắt buộc với ngôi làng Rourou nhỏ bé, và bất cứ ai không hiểu điều đó sẽ không hiểu văn chương chữ nghĩa của tôi. Đó là nơi tôi sáng tác những bài thơ đầu tiên. Vâng, theo tôi nghĩ, điều đó quan hệ lắm lắm”.

Joujou bỗng buông thõng một câu: “Có những người đàn ông mà tôi chẳng bao giờ đạt khoái cảm lúc làm tình”.

“Đừng quên”, ông nhà văn trên màn ảnh nói tiếp, mặt ông ta càng lúc càng nổi máu hăng, “chính tại ngôi làng Rourou, tôi tập lái chiếc xe đạp đầu tiên trong đời, Vâng, tôi nói rất rõ điều đó trong sách. Và các bạn phải thấy tôi muốn ám chỉ điều gì. Nó là một biểu tượng. Đối với tôi, chiếc xe đạp là bước đầu cho con người thoát ly khỏi thế giới tộc trưởng để bước vào thế giới văn minh. Trò vờn đùa giỡn với văn minh. Trò bỡn cợt của cô trinh nữ trước nụ hôn đầu. Vẫn còn trinh trắng nhưng đã nhuốm mùi tội lỗi tục lụy”.

“Đúng đấy”, Joujou kêu lên, “Con nhỏ Tanaka làm việc chung với tôi, lần đầu tiên nó biết sướng là hôm nó chạy xe đạp, mà nó vẫn là gái trinh”.

Thế là mọi người quay sang sôi nổi bàn tán về “cái sướng” của cô gái còn trinh Tanaka. Thấy vậy Tamina hỏi nhỏ Bibi: “Chị vào phòng mượn điện thoại em, được không?”.

14.

Mùi nước tiểu nặng hơn trong căn phòng, nơi con gái Bibi ngủ.

Tamina nói như thầm thì vào điện thoại: “Con biết Papa và mẹ chồng con không ưa gì nhau, nhưng Papa phải giúp con, bằng không sẽ không bao giờ con lấy lại được gói thư. Chỉ có cách Papa đến thẳng nhà mẹ chồng con lấy cái gói cho con. Trường hợp không tìm ra chìa khóa thì đành phải phá ngăn kéo thôi. Cái gói ấy là thư từ, giấy tờ riêng của con, con có quyền lấy lại”.

“Tamina, cô đừng bắt tôi phải nói chuyện với bà ấy. Tôi không thích”.

“Papa phải giúp con chuyện này. Mẹ chồng con, bà ấy sợ Papa lắm và sẽ không dám phản đối đâu”.

“Nghe tôi nói này, nếu bạn cô về Praha, tôi sẽ nhờ họ đem sang cho cô cái áo lông thú. Cái đó mới có giá trị chứ ba mớ giấy tờ thư từ cũ rích thì ích lợi gì”.

“Nhưng con không muốn cái áo lông thú, con muốn gói thư của con!”.

“Cô nói to lên, tôi chẳng nghe gì cả”. Ông già phàn nàn, những cô con gái vẫn cố ý nói thật nhỏ vì cô sợ Bibi ở phòng bên nghe cô nói tiếng Tiệp thì sẽ lộ tẩy cô dùng điện thoại gọi ra nước ngoài, mỗi giây đồng hồ là cả một đống tiền.

“Con nói lần chót, con muốn lấy lại gói thư của con, chứ không phải cái áo lông thú, Papa nghe rõ chửa?”.

“Cô lúc nào cũng chỉ thích ba chuyện vớ vẩn khùng điên”.

“Papa, cú điện thoại này hao tiền dễ sợ lắm. Papa cố giúp con”.

Cuộc nói chuyện không dễ dàng chút nào. Ông già cứ bắt cô lặp đi lặp lại câu vừa thốt ra khỏi miệng, ông cũng bướng bỉnh nhất định không chịu lại nhà mẹ chồng cô. Sau cùng ông bảo cô:

“Cô gọi cho thằng em cô, bảo nó đến nhà mẹ chồng cô lấy cái gói rồi đem về đây cho tôi. Nó suốt ngày chỉ la cà chơi bời chứ có làm ăn gì đâu!”.

“Nhưng nó đâu biết mặt mẹ chồng con”.

“Đó, đó chính là lợi thế”, Tamina nghe ông cười lớn. “Nó mà biết bà ta thì chẳng đời nào nó chịu đặt chân đến”.

Tamina suy nghĩ thật nhanh. Chuyện này, nhờ vả cái cậu em tuy cục cằn nhưng lanh lợi, chắc không đến nỗi rách việc. Nhưng cô không muốn gọi điện cho cậu ta vì từ khi vợ chồng cô bỏ ra nước ngoài, hai chị em không hề thư từ qua lại thăm hỏi nhau. Cậu ấy có việc làm tốt, lương cao vì đã cắt đứt tất cả mọi quan hệ với vợ chồng người chị có tội với tổ quốc.

“Papa, con không gọi điện cho nó được. Papa làm ơn giải thích cho nó hiểu giùm con. Papa giúp con!”.

15.

Papa người thấp bé, gầy còm, và ở cái thuở xa xưa đó, ông hay dắt tay cô bé Tamina đi dạo phố, ông ưỡn cái ngực lép như muốn khoe với toàn thể thế giới rằng trong cái đêm đầy hào khí anh hùng đó ông đã sáng tạo được một tác phẩm tuyệt vời. Ông không ưa anh con rể chút nào, hai người thường xuyên va chạm, cãi cọ nhau. Khi bảo Tamina ông muốn gửi cho cô cái áo lông thú (chắc chắn là đồ cũ của người nào trong bà con dòng họ), trong đầu ông nghĩ về chuyện đôi co ngày xưa với anh con rể, chứ chẳng phải vì ông quan tâm đến sức khỏe con gái. Ông muốn cô chọn cha mình (cái áo lông thú), thay vì chồng (gói thư kỷ niệm).

Tamina bỗng thấy hoảng sợ, những lá thư của cô nằm trong tay cha mình và bà mẹ chồng, cả hai đều ngủng ngoẳng, khó ưa như thế này thì làm sao biết chúng sẽ đi về đâu. Từ lâu đã tiêm nhiễm trong đầu cô những ý nghĩ buồn bực không vui nếu một ngày có người lạ nào đọc những dòng chữ nhật ký của cô. Nó như giọt mưa lần hồi xóa mờ dòng chữ chạm khắc trên tường đá. Hay như ánh sáng trong phòng tối phả xuống quá sớm trên mặt giấy rửa ảnh trong chậu làm hỏng mất tấm ảnh.

Cô nhận thức một điều, sở dĩ những ký ức viết thành chữ đó có ý nghĩa và xứng đáng đối với cô, là vì chúng được bảo tồn trong cõi riêng tư của cô, chỉ mình cô biết. Một khi tính cách riêng tư bị xóa mất, sợi dây nối liền cô với những dòng chữ cũng bị cắt đứt, cô không thể đọc với đôi mắt của chính cô được nữa, cô chỉ là người đọc những văn kiện vô hồn, không phải về cô mà một kẻ nào xa lạ khác. Thế rồi, mặc dù chính cô viết những dòng chữ đó, cô không thấy cô đằng sau trang viết nữa, tác giả là một người khác, không phải cô. Sự tương tự kỳ lạ còn lại giữa cô và tác giả những dòng chữ thể hiện hiệu ứng của giễu nhại, khôi hài. Không, không bao giờ cô có thể đọc lại nhật ký của cô nếu có người khác đọc.

Đó là lý do vì sao cô mất cả kiên nhẫn, muốn lấy lại những cuốn nhật ký càng sớm càng tốt, khi những hình ảnh quá khứ vẫn còn in đậm trên trang giấy, chưa bị hủy hoại, xóa mờ.

16.

Bibi bất ngờ xuất hiện tại quán cà phê, cô ngồi xuống ghế trước quầy rượu: “Tamina! Chị cho em ly uýt-ky!”.

Thường Bibi uống cà phê, hoặc đôi khi, vào những buổi ngoại lệ đặc biệt, một cốc bia đen. Gọi uýt-ky, cho thấy cô đang ở vào tâm trạng không bình thường.

“Sách em viết đến đâu rồi?”. Tamina hỏi cô, tay rót rượu vào ly.

“Em cần phục hồi tinh thần lại cho tươi tỉnh lên một chút”, Bibi trả lời. Cô ngửa cổ dốc cạn ly rượu rồi gọi thêm ly khác.

Có vài người khách bước vào quán, Tamina chạy ra tiếp, đoạn trở lại sau quầy rót thêm rượu cho cô bạn trẻ. Rót xong, cô bưng khay nước và cà phê ra cho khách. Lúc trở lại, Bibi bảo cô:

“Em chịu hết nổi rồi, chị ạ. Thằng chồng Dédé của em, cà chớn hết chỗ nói. Chị biết chuyện gì không? Nó đi chào hàng xong về nhà, nằm thẳng cẳng trên giường ngủ suốt hai ngày hai đêm. Hai ngày hai đêm trong một bộ pi-gia-ma! Chị nghĩ làm sao em chịu nổi cơ chứ! Chưa hết, thức dậy, nó đòi chơi em. Chơi em? Chị nghe chưa? Nó không hiểu là em hết thích chơi rồi. Cái trò đàn ông đàn bà đó, em hết thích rồi, hoàn toàn hết, hết sạch sành sanh. Chắc em phải bỏ nó thôi. Suốt ngày nó chỉ nghĩ đến chuyện đi du lịch. Thật là ngu xuẩn. Nằm trên giường trong bộ pi-gia-ma nhàu nát, tay cầm cuốn bản đồ. Thoạt đầu, nó muốn đi Praha. Nhưng bây giờ nó chẳng nói gì đến Praha nữa. Nó tìm thấy cuốn sách về Ireland, và nó bảo bằng mọi giá nó phải đi viếng cái xứ sở khốn nạn đó”.

“Tức là vợ chồng em sẽ đi Ireland nghỉ hè?”. Tamina hỏi lại, cô có cảm giác như cổ họng mình có cái gì tắc nghẹn.

“Vợ chồng em? Không, chẳng có vợ chồng nào đi đâu cả. Em, em ở lại ngay nơi đây, chứ chẳng đi đâu hết, em ở nhà viết sách, nó không bắt em đi theo nó được. Em không cần Dédé, nó có đoái hoài gì đến em đâu. Em đang viết sách, thế mà, chị tưởng tượng nổi không, nó còn không thèm hỏi em viết cái gì. Em thấy ra một điều rất rõ là, hai đứa tụi em chẳng còn gì để nói với nhau nữa”.

Tamina rất muốn hỏi: “Thế là em không đi Praha nữa, phải không?”. Nhưng cái gì tắc nghẹn nơi cổ họng khiến cô không mở lời được.

Ngay lúc đó Joujou, người đàn bà Nhật nhỏ bé, bước vào, cô nhảy lên chiếc ghế cao cạnh Bibi. Ngồi chưa yên vị, cô nói: “Mình làm tình ngay giữa nơi công cộng, được không nhỉ?”.

“Chị nói cái gì?”. Bibi nghe không rõ, hỏi lại.

“Ngay tại đây, dưới sàn quán cà phê này, chẳng hạn, trước mặt mọi người. Hay trong rạp xi-nê giờ giải lao”.

“Im ngay! Con tườu!”. Bibi cúi xuống ghế quát mắng con bé gái đang hả họng la khóc dưới chân. Đoạn cô quay sang Joujou, nói: “Được chứ! Sao không? Đó là chuyện tự nhiên. Tại sao tôi phải xấu hổ vì làm chuyện tự nhiên?”.

Một lần nữa Tamina định hỏi Bibi rằng cô còn giữ ý định về Praha không. Nhưng cô thấy hỏi như thế là thừa thãi, vô ích. Hiển nhiên, Bibi không định về Praha nữa.

Bà chủ quán từ trong bếp bước ra thấy Bibi, bà chào hỏi: “Cô khỏe không?”.

“Chúng ta cần một cuộc cách mạng!”. Thay vì một câu xã giao đáp lời bà chủ quán, mặt Bibi nghiêm lại, cô nói giọng dõng dạc. “Phải thay đổi! Cuối cùng phải làm cái gì đó để thay đổi mới được”.

Đêm hôm đó, trong lúc nằm ngủ Tamina mơ thấy bầy đà điểu. Chúng đứng bên kia hàng rào kẽm, tất cả như đang tranh nhau nói với Tamina điều gì. Cô hoảng vía. Cô không chạy đi đâu được, cứ đứng chết trân tại đó, như bị thôi miên, mắt nhìn những cái mỏ quác ra liên hồi mà không hề có tiếng kêu, như trong một cuốn phim câm. Cô mím môi thật chặt. Bởi trong miệng cô có một chiếc nhẫn vàng, và cô sợ mất nó.

*Trịnh Y Thư dịch từ The Book of Laughter and Forgetting, Milan Kundera, ấn bản Anh ngữ của Aaron Asher.

(Còn tiếp)

Comments are closed.