Nhà văn Dương Thu Hương trò chuyện với nhà báo Nguyễn Linh Giang
Nhà văn Dương Thu Hương
+Nhà báo Nguyễn Linh Giang: Chị đánh giá tình hình văn học gần đây như thế nào?
-Nhà văn Dương Thu Hương: Kể từ ngày đồng chí Nguyễn Văn Linh kêu gọi văn nghệ sỹ hãy tự cứu mình trước khi trời cứu, đừng bẻ cong ngòi bút, đừng sợ những bóng ma lơ lửng trên đầu… Vâng, từ ngày ấy quả là văn học đã khởi sắc, đã phần nào áp sát tới hiện thực, đã phần nào chiếm được lòng tin của quần chúng, không còn hứng chịu một một thái độ thờ ơ, chán ngán như xưa… Tuy nhiên, cùng với việc “chuyển công tác” tổng biên tập Báo Văn Nghệ, nhiều bài phê bình, nhiều bài triết luận xuất hiện có tính răn đe, có tính cảnh cáo: “Coi chừng quá đà”, “đề phòng kẻ địch phá hoại”, v.v. và v.v., giống như một cơn gió thổi ngược chiều ngọn gió mới của nền văn học vừa được giải phóng.
+Vừa qua, rõ ràng là đã xuất hiện nhiều cây bút trẻ, những phong cách mới. Theo chị, ai là người có nhiều hứa hẹn hơn cả?
-Tôi không dám trả lời câu hỏi này. Nếu anh đặt cược một trận bóng đá, tôi sẽ liều. Còn trong lĩnh vực này, thì không.
+Chị nghĩ như thế nào về việc Đại hội nhà văn trì hoãn họp nhiều lần?
-Tôi nghĩ rằng nó không đem tới một đánh giá lành mạnh. Có tới vài chục giả thuyết được đặt ra, được bàn bạc ở các quán xá, phòng trà, công sở, thậm chí cả bến tàu, bến xe quanh việc này. Dù là giả thuyết nào cũng chỉ đem tới những giá trị âm. Lẽ ra đừng trì hoãn thì hơn.
+Một đời văn chưa dài đã có mươi cuốn sách như chị, kể cũng đã nhiều. Trong những cuốn đã viết, chị hài lòng về cuốn sách nào nhất?
-Tôi chẳng hài lòng với cuốn nào hết. Cuốn sách tâm đắc còn nằm trong dự định.
+ “Những thiên đường mù” là những thiên đường nào vậy hở chị Thu Hương?
-Tôi yêu bà ngoại lắm. Hồi bé, tôi rất khỏe mạnh. Bà ngoại cho tôi về quê bên kia sông Cầu, đi bộ 6 cây số nhưng tôi mê tít. Ở quê có bến sông, đầm sen, trò câu cá bơi thuyền, nhộng nóng ăn với bánh đa, bỏng rang ngào mật… Tổng cộng những thứ ấy là thiên đường của tôi. Năm tôi lên 9, vào dịp Tết Nguyên đán bố tôi chung một góc lợn. Tất nhiên, đụng lợn Tết nghĩa là sẽ được chia từ giò nạc, giò thủ tới lòng lợn và xương sườn. Con lợn to, cỗ lòng thật khiếp. Cả nhà tôi ăn ba bữa liền không hết nhưng ngán tới cổ. Bố mẹ tôi và các em tôi không chịu ăn lòng qua bữa thứ tư. Bà tôi vốn tính tằn tiện, nhất định xào đi xào lại để ăn cho kỳ hết. Bà bảo: “Bà cháu mình ăn vậy. Cả nhà này chỉ có cháu là hợp tính bà thôi. Ăn đi, chóng bà cho về quê”. Về quê… về quê… Thiên đường vẫy gọi, tôi ráng căng bụng dài răng mà nhai… Ngày thứ năm, bữa thứ 9 lòng mới hết. Lúc bấy giờ giò chả cũng đã thiu, chảy nhớt ra (ngày đó, miền Bắc chưa có tủ lạnh). Thế là cả Tết tôi chả được miếng giò nào…
Cái kỷ niệm này khiến tôi hiểu được sức mạnh của “thiên đường” trong đời sống tinh thần của con người. Nhưng quê tôi là có thật, cái thiên đường tuổi thơ ấy là có thật. Nên có vì nó mà chịu thiệt thòi cũng chẳng đáng phàn nàn. Nhưng trong đời lại có những thiên đường mù, những thiên đường không có mắt, vì nó mà phao phí những niềm vui đích thực, những hạnh phúc có trong tầm tay thì thật đáng buồn.
+ “Đối thoại sau bức tường”, “Hành trình ngày thơ ấu”, “Các vĩ nhân tỉnh lẻ”, “Bên kia bờ ảo vọng”, “Những thiên đường mù”, “Quãng đời đánh mất”… Những tên sách của chị quả là gợi mở và chứa nhiều chiêm nghiệm, gửi gắm. Có đúng vậy không?
-Tôi không hiểu nó có gợi mở được điều gì không? Nhưng đúng là nó chắt lọc từ những chiêm nghiệm của tôi. Thực ra, tôi không nên viết vội vã như vậy. Tôi cần phải có một thời gian dài hơn nhiều để suy nghĩ, đắn đo. Anh bạn tôi là Vương Trí Nhàn từ Mátxcơva viết thư về mắng mỏ tôi về tội này. Tôi cũng biết tội mình nhưng khó sửa. Bản thân tôi, tôi đã nghĩ: “Mình có thể là một nhà văn tồi nhưng là một công dân tốt. Điều quan trọng hơn cả trong lúc này, là gửi những thông điệp tới người đọc”. Óc tôi đầy ắp những sự kiện, những con số, những gương mặt. Tôi bị bức xúc. Tôi thiếu bình tĩnh. Tôi không đủ kiên gan để ngồi dùi mài kinh sử. Thôi, Nhàn ơi, hãy tha thứ cho tôi, và các bạn bè khác cùng bạn đọc hãy tha thứ cho tôi. Mai sau sẽ có những nhà văn bản lĩnh hơn, tài ba hơn, làm văn chương thực sự. Phần tôi, tôi xin nhận làm người cày vỡ lượt đầu.
+Nếu có một giải thưởng cao nhất dành cho tác phẩm xuất sắc nhất trong giai đoạn văn học đổi mới vừa qua, thì theo ý kiến chị, tác phẩm nào xứng đáng hơn cả?
-Những truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, không cần bàn cãi. Sau khi nói điều này tôi xin lưu ý thêm là tôi không chơi với Nguyễn Huy Thiệp. Chúng tôi không phải là bạn, tôi chỉ gặp Thiệp vài lần toàn vào những bữa ăn đông người tham dự.
+Có người hỏi tôi: “Có phải Dương Thu Hương viết Những thiên đường mù, là con gia đình địa chủ?”
-( cười) Bố tôi là đội trưởng đội giảm tô. Cũng may là ông cụ không giết oan ai.
+Vừa qua, có người đã nhận định là chị cùng với Dạ Ngân, Phạm Thị Hoài… trong các tác phẩm của mình đã “mô tả tình yêu tay ba tay tư, tình yêu nhục thể, sự làm tình một cách cụ thể, lộ liễu, với một khoái cảm bệnh hoạn”. Chị nghĩ như thế nào về lời nhận xét này?
-Hồi tờ báo này ra tôi bận nên không đọc. Bây giờ anh hỏi nghĩ gì? Tôi xin đáp: -Chẳng nghĩ gì cả!
+Chị có ý kiến gì về các cuộc tranh luận trong văn nghệ trên các báo Trung ương và địa phương gần đây?
-Các cuộc tranh luận là hiện tượng tốt nếu nó được bảo đảm bằng phẩm cách của các cơ quan có quyền tuyển, đăng và ấn loát. Hãy can đảm trình bày các luồng tư tưởng trái chiều một cách sòng phẳng. Đừng ăn gian, đừng chơi trò ném đá giấu tay, đừng lạm phát tuyên ngôn về đổi mới nhưng thực sự lại đem tiêu những đồng tiền âm phủ.
+Xin cảm ơn chị Dương Thu Hương về cuộc trò chuyện này.*
Thủ bút của nhà văn Dương Thu Hương trả lời phỏng vấn.
*Bài đăng trên Báo Lao Động số 34 (3494), ngày 24/08/1989.