“Nhật ký trong tù và lời bình” hay trò đùa của nhà phê bình Lê Xuân Đức? – Kỳ 2: Đạo văn để bình văn

Hoàng Tuấn Công

 

Le Xuan DucTrong Lời tác giả, Lê Xuân Đức viết: “Với niềm đam mê thơ Bác, chúng tôi đã chuyên tâm nghiên cứu và thẩm bình thơ Bác từ năm 1973 đến năm 2013 này, tròn 40 năm, và đã hoàn thành việc thẩm bình toàn bộ 133 bài thơ của Nhật ký trong tù. Trong sách Nhật ký trong tù và lời bình này, chúng tôi không đưa vào sách 39 bài thơ đã bình và một số bài bình khác chúng tôi đã in trên các sách báo mà chỉ đưa những bài bình các bài thơ chưa ai bình và chọn một số bài thể hiện tư tưởng chính trị của Nhật ký trong tù để thấy sự nhất quán của cả tập thơ. Về thẩm bình toàn bộ Nhật ký trong tù chúng tôi sẽ công bố thời gian tới.

Chúng ta chưa vội xem Chuyên gia số một về thơ Bác dạy người “thẩm bình” thơ như thế nào. Ta hãy xem Lê Xuân Đức đạo văn để bình văn ra sao.

“Căn nhà” xảy ra “vụ này” có tên Thơ chữ Hán Hồ Chí Minh – chú thích – thư pháp. “Khổ chủ” là soạn giả GS Hoàng Tranh – Phó viện trưởng Viện khoa học xã hội Quảng Tây. Ông là người có nhiều công trình nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh như: Hồ Chí Minh với Trung Quốc (NXB Giải phóng quân) Hồ Chí Minh – Thơ trong tù – Chú thích (NXB Giáo dục Quảng Tây) Tập sách ảnh Hồ Chí Minh với Trung Quốc-NXB Bách khoa toàn thư Trung Quốc” (Lời giới thiệu ngoài bìa sách Thơ chữ Hán Hồ Chí minh-Chú thích-thư pháp).

Lời Nhà xuất bản chính trị Quốc gia: “Nhân kỷ niệm 115 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia phối hợp cùng bảo tàng Hồ Chí Minh xuất bản cuốn Thơ chữ Hán Hồ Chí Minh – Chú thích – Thư pháp. Cuốn sách gồm hai phần chính: Phần thơ chữ Hán-Chú thích gồm thơ chữ Hán trong và ngoài Nhật ký trong tù với 169 bài, trong mỗi bài đều có chú thích, được biên soạn rất công phu, kỹ lưỡng, giúp bạn đọc hiểu được thời gian, bối cảnh, địa điểm, sự kiện, nhân vật mà Hồ Chí Minh làm thơ; phần hai Thơ chữ Hán-Thư pháp…

Như vậy, chỉ cần xem cách đặt tên cuốn sách và lời giới thiệu của NXB Chính trị quốc gia cũng đủ biết phần “chú thích” trong sách Thơ chữ Hán Hồ Chí Minh – chú thích – thư pháp quan trọng và giá trị như thế nào.

Cũng xin nói trước rằng: Sách của GS Hoàng Tranh xuất bản tháng 5/2005, trong khi sách Nhật ký trong tù và lời bình của Lê Xuân Đức xuất bản năm 2013. Như vậy, chỉ trừ trường hợp GS Hoàng Tranh có tài tiên tri, mới “đạo” được chú thích trong sách của Lê Xuân Đức xuất bản sau đó 8 năm.

Xưa nay, một khi đã lọt vào nhà, dù nhà giàu hay nghèo bọn đạo chích vẫn thường nhanh chóng lấy đi những thứ giá trị nhất của căn nhà ấy. Với “căn nhà” Thơ chữ Hán Hồ Chí Minh – chú thích – thư pháp của GS Hoàng Tranh, (sau đây gọi tắt GS Hoàng Tranh) Lê Xuân Đức cũng đã “bê” gần như toàn bộ “đồ đạc” đáng giá nhất của cuốn sách đem về nhà mình. Một số ông để nguyên xi, dùng đúng chức năng vốn có của nó. Phần còn lại, ông sửa chữa, thay hình đổi dạng hoặc có “sáng kiến” dùng vào việc khác.

Lấy chú thích của người khác làm chú thích của mình:

1. Bài Điền đông:

– GS Hoàng Tranh: Điền Đông là một huyện thuộc lưu vực sông Hữu Giang của tỉnh Quảng Tây, trực thuộc thành phố Bách Sắc, cách huyện lỵ Thiên Bảo (nay là Đức Bảo) hơn 80 km, cách thành phố Nam Ninh hơn 90 km, trước đây muốn đi từ Thiên Bảo đến Nam Ninh nhất thiết phải qua Điền Đông.

– Chuyên gia thơ Bác Lê Xuân Đức (sau đây gọi tắt CG Lê Xuân Đức): Điền Đông là một huyện thuộc lưu vực sông Hữu Giang, của tỉnh Quảng Tây, trực thuộc thành phố Bách Sắc, cách huyện lỵ Thiên Bảo (nay là Đức Bảo) hơn 80 km, cách thành phố Nam Ninh hơn 90 km. Trước đây, muốn đi từ Thiên Bảo đến Nam Ninh không thể không qua Điền Đông.

*Như vậy, CG Lê Xuân Đức chỉ thay “nhất thiết phải” bằng “không thể không, bỏ chữ “của” đi và chấm phẩy lại tí chút.

2. Bài Nhà lao Quả Đức:

– GS Hoàng Tranh: Quả Đức là tên một huyện thời kỳ Quốc dân Đảng, đặt ởthị trấn Quả Hóa phía tây bắc huyện lỵ Bình Quả, Quảng Tây ngày nay. Năm 1951, hợp nhất hai huyện Bình Trị và Quả Đức thành huyện Bình Quả, huyện lỵ đặt ở thị trấn Mã Đầu, nay cũng chính là huyện lỵ Bình Quả, cách Điền Đông 60 km cách Nam Ninh 130 km.

– CG Lê Xuân Đức: Năm 1951, Quả Đức hợp nhất với huyện Bình Trị lấy tên là huyện Bình Quả, huyện lỵ đặt ở thị trấn Mã Đầu, cách Điền Đông 60 km, cách Nam Ninh 130 km.

*Ở đây, Lê Xuân Đức bỏ bớt đi một câu. Cụm từ “hợp nhất hai huyện Bình Trị và Quả Đức” được diễn đạt thành “Quả Đức hợp nhất với huyện Bình Trị”.

3. Bài Sở trưởng Long An họ Lưu:

– GS Hoàng Tranh: Long An là một huyện ở lưu vực sông Hữu Giang, tỉnh Quảng Tây, nay trực thuộc thành phố Nam Ninh, cách huyện lỵ Bình Quả hơn 30 km, cách Nam Ninh khoảng 100 km.

– CG Lê Xuân Đức: Nhà lao Long An cũng là nhà tù cấp huyện, cách Quả Đức 37 km, cách Nam Ninh khoảng 100 km, dọc theo sông Hữu Giang chếch về phía Nam. Nay Long An thuộc thành phố Nam Ninh.

*Chú thích này cũng được LXĐ “chỉnh trang” lại đôi chỗ như bạn đọc thấy.

4. Bài Đồng Chính:

– GS Hoàng Tranh: (1) Đồng Chính, tên một huyện cũ của tỉnh Quảng Tây, một khu hành chính trong thời kỳ Quốc Dân Đảng, nay ở thị trấn Trung Đông phía tây bắc huyện lỵ Phù Tuy, cách Long An 30 km, cách Nam Ninh 50 km.

– CG Lê Xuân Đức: (1) Đồng Chính là một huyện, một khu hành chính trong thời kỳ Quốc Dân Đảng cai quản, nay là thị trấn Trung Đông phía tây bắc huyện lỵ Phù Tuy, cách Long An 30 km, cách Nam Ninh 50 km.

Đây cũng là chú thích LXĐ thêm bớt đi chút ít để thành ‘đồ nhà” mình.

– GS Hoàng Tranh:

 (2) Bình Mã, tức thị trấn Bình Mã, là huyện lỵ của Điền Đông, tỉnh Quảng Tây. Hồ Chí Minh đã từng bị giam ở nhà lao huyện Điền Đông.

CG Lê Xuân Đức:

 (2) Bình Mã là thị trấn, huyện lỵ của Điền Đông. Bác đã từng bị giải đến nhà giam ở đây, rồi Quả Đức, Long An, bây giờ là Đồng Chính.

Như thế, ở bài “Đồng Chính” có hai chú thích của GS Hoàng Tranh, Lê Xuân Đức đã “chôm” cả hai. Ngoài ra, bài “Đồng Chính” còn một chú thích đánh dấu sao của người dịch Nguyễn Huy Hoan: “Hai chữ ‘chính đồng có nghĩa là giống nhau” được CG Lê Xuân Đức “lấy” và đưa nguyên xi vào phần “lời bình” của bài này (phần sau ở mục Lấy chú thích làm lời bình chúng tôi sẽ nói rõ hơn).

5. Bài Ngục Thiên Giang:

– GS Hoàng Tranh: Thiên Giang là tên một huyện thời Quốc dân Đảng, ngày nay trở thành thị trấn, trực thuộc khu Hưng Tân, thành phố Lai Tân, tỉnh Quảng Tây, cách Tân Dương 49km về phía Bắc.

– CG Lê Xuân Đức: Thiên Giang là tên một huyện thời Trung Hoa dân quốc, nay là thị trấn, trực thuộc khu Hưng Tân, thành phố Lai Tân, tỉnh Quảng Tây, cách Tân Dương 49km về phía Bắc cách Lai Tân 42 km.

Ở đây ta thấy có một cái lạ. Dường như GS Hoàng Tranh đi điền dã ở Quảng Tây, Lê Xuân Đức cũng sang tận Quảng Tây để “đo đường”. Thậm chí Lê Xuân Đức đo kỹ, làm “nghiêm túc” hơn. Đó là chi tiết “cách Lai Tân 42 km” mà GS Hoàng Tranh không có. Nhưng xin thưa, đó là số liệu Lê Xuân Đức “vặt” trong chú thích bài “Đáp xe lửa đi Lai Tân” của GS Hoàng Tranh. Ở đó GS cho biết, “Lai Tân cách Thiên Giang 40 km”. Còn ở đây CG Lê Xuân Đức nói Thiên Giang cách Lai Tân 42 km!

6. Bài Đến Liễu Châu:

– GS Hoàng Tranh: “Liễu Châu là tỉnh Quảng Tây chếch về phía đông bắc, có sông Liễu Giang là một nhánh của sông Tây Giang chảy qua, Liễu Châu ngày nay là một thành phố cấp địa khu”.

– CG Lê Xuân Đức: “Liễu Châu nằm giữa tỉnh Quảng Tây chếch về phía Đông Bắc, có sông Liễu Giang là một nhánh của sông Tây Giang chảy qua, trên đường từ Nam Ninh đi Quế Lâm. Liễu Châu ngày nay là một thành phố cấp địa khu”.

7. Bài Đáp xe lửa đi Lai Tân:

– GS Hoàng Tranh: “Lai Tân là một huyện cũ, ngày nay đã trở thành khu (quận) Hưng Tân, trực thuộc thành phố Lai Tân ở cấp địa khu (trên cấp huyện theo cấp quản lý của Trung Quốc), cách Tân Dương 90 km, cách Thiên Giang 40 km, cách Liễu Châu 80 km”.

– CG Lê Xuân Đức: “Lai Tân là huyện thời Trung Hoa dân quốc, nay trở thành khu (quận) Hưng Tân, trực thuộc thành phố Lai Tân ở cấp địa khu trên cấp huyện theo cấp quản lý của Trung Quốc hiện nay. Những năm 40 của thế kỷ XX gần huyện lỵ Lai Tân có cơ sở khai thác than, có đường xe lửa chuyên chở than của Công ty Hợp Sơn”.

Sao Lê Xuân Đức lại biết rõ hơn GS Hoàng Tranh thế này nhỉ? (phần gạch chân) Hình như đoạn này CG Lê Xuân Đức đi Quảng Tây điền dã thật thì phải? Nhưng không! Nguyên ở bài “Đáp xe lửa đi Lai Tân” GS Hoàng Tranh có hai chú thích. Chú thích (1) đã được CG Lê Xuân Đức sử dụng (phần không gạch chân). Còn chú thích (2) GS viết: “Ở gần huyện Lai Tân là nơi sản xuất than, có Cục khoáng sản Hợp Sơn. Những năm 40 của thế kỷ XX đã có xe lửa chuyên chở than. Năm ấy, Hồ Chí Minh rời Thiên Giang, sau một chặng đường đi bộ đã lên xe lửa chở than của Công ty Hợp Sơn để đến huyện lỵ Lai Tân. Thế là CG Lê Xuân Đức đã “biên tập” lại hai chú thích của GS Hoàng Tranh thành một chú thích của mình.

Ở trên, chúng tôi có nói, phần “chú thích” trong Thơ chữ Hán Hồ Chí Minh-chú thích-thư pháp quan trọng và giá trị bởi đây là lần đầu tiên, các địa danh, địa điểm Bác Hồ từng bị giam cầm và ghi lại trong “Nhật ký trong tù” được chú thích một cách chi tiết, cụ thể như vậy. Ở đất nước Trung Hoa rộng lớn, mỗi huyện của họ tương đương một tỉnh ở mình, thời gian xảy ra câu chuyện đã hơn nửa thế kỷ. Địa danh lúc tách, lúc nhập; đường sá, sự vật, con người đã thay đổi quá nhiều. Đặc biệt là sự phát triển nóng của kinh tế Trung Quốc khiến cho chính những người tù từng bị giam giữ, giải đi giải lại ở vùng Quảng Tây nếu trở lại cũng khó có thể nhận ra. Việc xác định lại như GS Hoàng Tranh làm là việc không hề đơn giản. Chú thích của GS Hoàng Tranh không chỉ là công sức, trí tuệ mà còn là tiền bạc. Mặt khác, công trình này còn có vai trò đóng góp quan trọng, của tập thể cán bộ NXB Chính trị quốc gia, của dịch giả Nguyễn Huy Hoan. Bởi vậy, chẳng có lý do gì, Chuyên gia Lê Xuân Đức ngồi mát ở khu Bán đảo Linh Đàm – Hà Nội lại tự tiện “thó” về dùng mà không một lời chú dẫn. Giả sử những thông tin trong chú thích của Nhật ký trong tù và lời bình được lấy ra từ một cuốn sách địa dư chí của Quảng Tây, (tài liệu không liên quan gì đến chủ đề thơ Bác) thì Lê Xuân Đức vẫn phải chú thích nguồn gốc tài liệu, thông tin ấy. Đó là cách làm của người đường hoàng, tôn trọng bản quyền, luật pháp. Huống chi, ở đây, GS Hoàng Tranh viết về Thơ chữ Hán của Hồ Chí Minh, Lê Xuân Đức cũng viết về “Nhật ký trong tù, sao có thể “đạo” trắng trợn đến vậy?

Ngoài đạo “chú thích” làm “chú thích”, Lê Xuân Đức còn đạo “chú thích” của GS Hoàng Tranh làm “lời bình” (“thẩm bình”) Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh. Sau đây là một số trường hợp:

1. Bài Điền Đông:

Ở phần trên, ta đã biết Lê Xuân Đức đạo “chú thích” của GS Hoàng Tranh trong bài này làm “chú thích” của mình. Phần còn lại, ông đưa vào lời bình:

Câu Tân như quế dã, mễ như châu (Củi đắt như quế, gạo như châu):

– GS Hoàng Tranh chú thích: “Ý câu thơ trên muốn nói gạo và củi đều đắt đỏ. Trong sách Chiến quốc sách, sở sách tam có câu: “Lương thực ở nước Sở quý như ngọc, củi quý như quế”

– CG Lê Xuân Đức “bình”: “Câu kết bài thơ có thể Bác mượn ý từ câu “Sở quốc chi thực quý ư ngọc, tân quý ư quế” (Ở nước Sở lương thực đắt đỏ như ngọc, củi đắt như quế) trong sách Chiến quốc sách, Sở sách tam..”`

2. Bài Thịt chó ở Bào Hương:

– GS Hoàng Tranh chú thích: “Bào Hương là địa danh, trước đây gọi là Bào Kiều Hương, ngày nay gọi là làng Bào Kiều (Bào Kiều khu) trực thuộc thị trấn Lục Oát, huyện Vũ Minh, cách huyện lỵ Vũ Minh 15km về phía đông bắc. Nhân dân làng này rất thích ăn thịchó, nhưng theo phong tục, tập quán cũ thường không được giết chó trong nhà, mà phải ăn thịt chó ở các hàng thịt chó bên ngoài, vì vậy, các quán thịt chó ở vùng này rất nhiều”.

– CG Lê Xuân Đứcbình: “Bào Hương thuộc huyện Vũ Minh, cách huyện lỵ Vũ Minh 15km về phía Đông Bắc, trực thuộc thị trấn Lục Oát. Huyện Vũ Minh trước đây gọi là Bào Kiều Hương ngày nay, gọi là làng Bào Kiều (Bào Kiều khu). Nhân dân làng này rất thích ăn thịt chó, nhưng theo phong tục, tập quán cũ thường không được giết chó trong nhà, mà phải ăn thịt chó ở các hàng thịt chó bên ngoài, vì vậy, các quán thịt chó ở vùng này rất nhiều, quán nối quán”.

Giống như kẻ ăn cắp được cái nồi đồng, Lê Xuân Đức cố tình “đập” cho méo mó, biến dạng một chút để phòng khi đem ra “xào nấu”, không ai phát hiện ra. Thế nhưng khổ nỗi, ông đập mạnh tay quá, làm hỏng luôn cả cái nồi: GS Hoàng Tranh viết: “Bào Kiều Hương, ngày nay gọi là làng Bào Kiều (Bào Kiều khu) trực thuộc thị trấn Lục Oát, huyện Vũ Minh…, (chú ý: sau cụm từ “huyện thị trấn Lục Oát” là dấu phẩy, nghĩa là làng Bào Kiều thuộc thị trấn Lục Oát, và thị trấn Lục Oát lại thuộc huyện Vũ Minh). Thế nhưng, trong lúc dấm dúi, Chuyên gia “xào xáo” Lê Xuân Đức đã nhầm lẫn tai hại: Ông cắt dán và đặt dấu chấm (.) thay cho dấu (,) ngăn cách giữa hai cụm từ “thị trấn Lục Oát, huyện Vũ Minh”, thành “Huyện Vũ Minh trước đây gọi là Bào Kiều Hương, ngày nay gọi là làng Bào Kiều” (!) Thế là CG Lê Xuân Đức đã viết lại lịch sử làng Bào Hương, biến làng Bào Kiều thành huyện Vũ Minh trước đây (!) Như thế, theo tay bút “đạo văn” Lê Xuân Đức, Bào Hương vốn là một huyện chứ không phải là một làng như trong “Nhật ký trong tù” và GS Hoàng Tranh đã viết.

Đối với phần sau chú thích của GS Hoàng Tranh nói lý do ở Bào Hương lắm quán thịt chó, Lê Xuân Đức để nguyên từng dấu chấm, dấu phẩy, và thêm vào 4 từ “quán nối nối quán để thành “lời bình” của ông! (Cũng xin lưu ý thêm, phần “lời bình” bài “Thịt chó ở Bào Hương” của Lê Xuân Đức chỉ vẻn vẹn có 20 dòng, trong đó, riêng phần “chú thích” của GS Hoàng Tranh mà ông “chôm” về làm “lời bình” đã chiếm mất 8 dòng).

3. Bài Tiền đèn:

GS Hoàng Tranh chú thích: “Quế tệ là loại giấy bạc do chính quyền địa phương Quảng Tây phát hành”

– CG Lê Xuân Đức “bình”: “Quế tệ là loại giấy bạc do chính quyền địa phương Quảng Tây phát hành, lưu thông trong tỉnh.

Như vậy, ông Đức chỉ thêm có 4 từ mà chúng tôi gạch chân.

4. Bài Đến Quế Lâm:

– GS Hoàng Tranh chú thích: Trước khi Hồ Chí Minh bị giam, Người từng sống và làm việc một thời gian tại trụ sở của Văn phòng Bát lộ quân Quế Lâm, nên người rất quen thuộc với thành phố nối tiếng về cây quế và hoa quế này. Nhưng ở đây, Người viết: “Quế lâm vô quế diệc vô lâm, Chỉ kiến sơn cao dữ thủy thâm” để nói lên cảnh tối tăm của nhà tù và tâm trạng buồn chán của mình.– CG Lê Xuân Đứcbình: “Đây không phải là lần đầu Bác đến Quế Lâm khi đang hoạt động ở Trung Quốc, Bác thường đi về Quế Lâm làm việc tại trụ sở Bát lộ quân và có một vài lần đến Quế Lâm (…), Quế Lâm chẳng có gì xa lạ với Bác, một vùng đất nổi tiếng về cây quế và hoa quế, nhưng lần này đến Quế Lâm mang thân phận của người tù, chẳng thấy rừng, thấy quế đâu.

5. Bài Đến cục chính trị chiến khu 4:

– GS Hoàng Tranh chú thích: “Theo những ghi chép của Hồ Chí Minh trong cuốn Nhật ký trong tù, thì 13 huyện đó đi theo trình tự như sau: Thiên Bảo (ngày nay là Đức Bảo), Tĩnh Tây, Điền Đông, Quả Đức (nay là Bình Quả) Long An, Đồng Chính (nay là Phù Tuy), Nam Ninh, Vũ Minh, Tân Dương, Thiên Giang (là thị trấn Thiên Giang) Lai Tân, Liễu Châu, Quế Lâm”.

– CG Lê Xuân Đức “bình”: “Theo thứ tự ghi chép trong cuốn Ngục trung nhật ký, thì 13 huyện mà Bác bị giải đến là: Thiên Bảo (nay là Đức Bảo), Tĩnh Tây, Điền Đông, Quả Đức (nay là Bình Quả) Long An, Đồng Chính (nay là Phù Tuy), Nam Ninh, Vũ Minh, Tân Dương, Thiên Giang (là thị trấn Thiên Giang) Lai Tân, Liễu Châu, Quế Lâm”.

*Cái khác đáng kể ở đây, GS Hoàng Tranh nói “Nhật ký trong tù” còn Lê Xuân Đức viết “Ngục Trung nhật ký. Phần còn lại là bản copy. Không chỉ có thế, Lê Xuân Đức còn đưa cả đoạn này vào “nhật ký điền dã” của mình (chúng tôi nói rõ ở phần sau).

6. Bài Đọc lời giáo huấn của ông Tưởng:

– GS Hoàng Tranh chú thích: “Tưởng công huấn từ, chỉ những lời nói của Tưởng Giới Thạch. Những lời phát biểu của Tưởng Giới Thạch quyết kháng chiến đến cùng trong thời kỳ chiến tranh chống Nhật, Hồ Chí Minh đã được đọc trên các báo xuất bản ở Đệ tứ chiến khu bấy giờ như tờ Trần Trung Nhật báo”.

– CG Lê Xuân Đức “bình”: “Tưởng công huấn từ, trong bài thơ này là những lời phát biểu của Tưởng Giới Thạch. Những lời phát biểu của Tưởng Giới Thạch quyết kháng chiến đến cùng trong thời kỳ chiến tranh chống Nhật, Bác đã đọc được những lời huấn từ trên các tờ báo xuất bản ở Đệ tứ chiến khu, trong đó có tờ Trần Trung Nhật báo”.

*Cái khác đáng kể ở đây là Lê Xuân Đức chữa hai chữ “được đọc” thành “đọc được, thay “Hồ Chí Minh” bằng “Bác, như tờ thành trong đó có tờ.

7. Bài Tướng quân Lương Hoa Thịnh thăng chức phó tư lệnh:

– GS Hoàng Tranh chú thích: Lương Hoa Thịnh nguyên là Chủ nhiệm Cục chính trị Đệ tứ chiến khu. Tháng 5 năm 1943, ông được thăng chức Phó tư lệnh Đệ tứ chiến khu. Ông đã từng tham gia chiến đấu chống Nhật ở các chiến trường Chiết Giang, Hồ Nam, sau đó dẫn quân từ Vân Nam vào chiến khu Miến Điện (Mianma). Khi Lương Hoa Thịnh làm chủ nhiệm Cục chính trị Đệ tứ chiến khu, ông đã thẩm tra Hồ Chí Minh ở trại giam, vì thế Hồ Chí Minh đã ít nhiều hiểu về binh nghiệp của ông.

– CG Lê Xuân Đức “bình”: Trung tướng Lương Hoa Thịnh là Chủ nhiệm Cục chính trị Đệ tứ chiến khu ở Liễu Châu, tỉnh Quảng Tây đã có lần trực tiếp xét hỏi Bác, và có những ưu đãi với Bác khi bị giam giữ ở nhà giam của Cục chính trị. Tiếp xúc với vị tướng quân này Bác hiểu ít nhiều cuộc đời binh nghiệp của ông, Bác khâm phục tài năng và đức độ của ông. Tháng 5-1943, ông được thăng thức Phó tư lệnh…

Ở đây, Lê Xuân Đức cũng chỉ thay “Hồ Chí Minh” bằng “Bác” là đáng kể, cộng thay đổi chút diễn đạt là thành của mình.

8. Bài Tức cảnh:

– GS Hoàng Tranh chú thích: “Trương Phi và Quan Vũ là hai danh tướng nhà Thục Hán thời Tam quốc. Trương Phi nổi tiếng về tính cương trực, Quan vũ nổi tiếng về các đức tính tín nghĩa, trung dũng. Hai người cùng là anh em kết nghĩa của Lưu Bị”.

– CG Lê Xuân Đức “bình”: “Trương Phi và Quan Vũ là hai danh tướng nhà Thục Hán thời Tam quốc. Trương Phi (còn có tên là Trương Dực Đức) nổi tiếng về tính cương trực và dũng cảm, Quan vũ (Quan Văn Trường, Quan Công) nổi tiếng về các đức tính tín, nghĩa, trung dũng. Hai người cùng Lưu Bị.kết nghĩa anh em “Đào viên kết nghĩa”.

*Đoạn này Lê Xuân Đức chỉ thêm chút ít phần mở ngoặc.

– GS Hoàng Tranh chú thích: Hai câu thơ: “Cành lá khéo in hình Dực Đức, Vầng hồng sáng mãi dạ Quan Công, chính là lúc Hồ Chí Minh nhìn cảnh vật rồi liên tưởng tới hai nhân vật Trương Phi và Quan Công trong lịch sử Trung Quốc, được nhân dân rất sùng kính để nói lên tình cảm của mình. Từ trong tù nhìn ra xa, Hồ Chí Minh thấy những ngọn cây lá tua tủa giống như khuôn mặt Trương Phi với bộ râu quai nón, và cũng nghĩ đến bộ râu của mình trong tù không được cạo giống như Trương Phi vậy. Lại nhìn mặt trời đỏ, Người nghĩ đến tấm lòng son sắt, trung nghĩa của Quan Vũ, liên tưởng đến mình cũng đang ấp ủ trong lòng trung son sắt với Tổ quốc và nhân dân.

– CG Lê Xuân Đức “bình”: “Ngọc cây khéo vẽ hình Trương Phi, Vầng hồng sáng mãi lòng Quan Vũ. Trong lịch sử và trong đời sống tinh thần Trung Quốc, hai tướng Trương Phi và Quan Công được nhân dân rất sùng kính, là biểu tượng đẹp đẽ, biểu tượng sống được lưu truyền, ai ai cũng biết. Điều chắc chắn hình ảnh hai vị để lại ấn tượng sâu đậm trong tâm khảm Bác, nên từ trong tù nhìn thấy những ngọn cây lá tua tủa, Bác đã tưởng giống như khuôn mặt cương nghị Trương Phi với bộ râu quai nón oai hùng. Và, khi nhìn mặt trời đỏ rực, Bác liên tưởng đến tấm lòng son sắt, trung nghĩa của Quan Vũ, liên tưởng đến mình cũng đang ấp ủ trong lòng trung son sắt với Tổ quốc và nhân dân.

Như vậy, không chỉ đạo ý, đạo lời mà Lê Xuân Đức còn đạo nguyên xi từng đoạn của GS Hoàng Tranh. Chỉ dừng ở đây thôi, chúng ta cũng thấy rằng, tính chất “đạo văn để bình văn” của Lê Xuân Đức rõ như thế nào.

Sách có tên “Nhật ký trong tù và lời bình”, vậy mà ông Lê Xuân Đức lấy “chú thích” của người khác để làm “lời bình” của mình như vậy đó! Chẳng nhẽ với 40 năm “thẩm bình” thơ Bác, và là người đầu tiên “thẩm bình” hết toàn bộ 133 bài thơ trong Nhật ký trong tù và “sẽ công bố thời gian tới, ông Lê Xuân Đức vẫn chưa hiểu thế nào là “chú thích” thế nào là “lời bình”? Sách ông đề Nhật ký trong tù và lời bình, nhưng phần Nhật ký trong tù đã bị ông xuyên tạc nguyên tác, “chữ tác, đánh chữ tộ”; phần “lời bình” ông lại “chôm” chú thích của người khác để “bình”. Như thế, chẳng phải độc giả đã mất tiền oan để mua về “nguyên tác” thơ Hồ Chí Minh bị ông xuyên tạc, và mua lại “chú thích” đã có trong sách Thơ chữ Hán Hồ Chí Minh-chú thích-thư pháp của GS Hoàng Tranh hay sao?

Vậy ông Lê Xuân Đức có biết ngoài tội “đạo văn”, ông có mắc tội gì nữa không? Ông “kiến thức uyên thâm, tính tình trầm tĩnh” (chữ của nhà thơ Vương Trọng nhận xét về Lê Xuân Đức) chắc hẳn phải biết “Quải dương đầu, mại cẩu nhục nghĩa là gì rồi chứ?

Ông Lê Xuân Đức đã từng tham gia và được nhận giải thưởng xuất sắc của Hội nhà văn Việt Nam về cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm VHNT, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Ông cũng từng làm Vụ trưởng vụ văn hóa giáo dục của Quốc hội, Đại biểu quốc hội khóa VIII. Vậy, ông Lê Xuân Đức có biết, hành động xuyên tạc nguyên tác thơ Hồ Chí Minhđạo văn để bình văn của ông mắc vào tội gì, và đã xúc phạm tới những ai không? Ông kỷ niệm 40 năm nghiên cứu thơ Bác và 70 năm “Nhật ký trong tù” (2013) bằng một “tác phẩm” như “Nhật ký trong tù và lời bình như thế này chăng?

Tên sách là “Nhật ký trong tù và lời bình” nhưng phần nguyên văn chữ Hán, phiên âm, dịch thơ (ông giới thiệu nhiều bản dịch của nhiều người) chiếm phần lớn. Phần “lời bình” của ông ngắn cũn, ngoài “đạo” nội dung chú thích của GS Hoàng Tranh, Lê Xuân Đức tán nhăng, tán cuội, kiến thức chắp vá, nông cạn, đầy rẫy sai lầm.

Tác giả gửi Văn Việt.

Comments are closed.