(một phiên bản dịch khác)
Khalil Gibran, April 1913 |
Kính gửi quý Anh, Chị Ban Biên tập “Văn Việt“,
Sau khi đọc bài rất hay của anh Vương Trí Nhàn về bài thơ của Kahlil Gibran, tôi đã coi lại nguyên tác tiếng Anh và cố làm cho mình một bản riêng. Tôi không chuyên sâu dịch thuật mà chỉ coi là “trí hứng riêng”; Việc dịch cơ bản để học hỏi, trao dồi tư duy và vốn từ.
Tôi đã khảo thêm một số bản của thân hữu. Tôi quan niệm, trong khi ý niệm chung cho rằng “dịch là diệt”, cần/phải bám sát văn cảnh, trước hết là cấu trúc từng câu, từng đoạn. Bản này cũng theo chủ trương đó. Vì là “dịch” nên nghĩa ngữ có thể làm sao cho sát mà hay trong ngôn ngữ đích; Nhưng phá vỡ cấu trúc câu tứ thì sẽ đem lại phản cảm cho người đọc.
Xin mạo muội gửi đến Ban Biên tập và mong được trao đổi để học hỏi thêm.
Thân kính,
Văn Đức.
München, ngày 20:22, 09.10.14
Đất Nước Tôi
Kahlil Gibran
Đau thương thay Đất nước đầy rẫy Tín điều mà không Tín giáo.
Đau thương thay đất nước khoác lên mình áo khăn dơ dáng dạng hình;
Và cố nuốt miếng cơm chẳng do tay mình gieo gặt.
Đau thương thay Đất nước sùng bái kẻ bạo ngược là “cha”
Và sun xoe kẻ tàn phá non sông là “bạn”.
Đau thương thay đất nước chỉ biết buồn khổ trong đêm,
Mà ngày đến thì quên hổ nhục.
Đau thương thay Đất nước không cất được lời,
ngoài diễn từ trong tang lễ;
Nhởn nhơ giữa những tro tàn
mà không thể quẫy kêu
khi gươm thù cứa cổ.
Đau thương thay Tộc dân có kẻ cầm quyền mang tâm cáo cú,
Triết gia dẻo mồm – “lệnh sắc, xảo ngôn”,
Nghệ thuật đua đòi chắp vá, chỉa chôm.
Đau thương thay đất nước đón ngoại bang bằng trống dong, cờ mở;
Lau nhau chửi thề khi hổ dữ ra đi,
Để quay cờ trống ra sau rước cọp về.
Đau thương thay Đất nước qua cả ngàn năm vẫn là trẻ dại,
“Đỉnh cao” còn mãi “vị thành niên”.
Đau thương thay một Dân tộc xẻ chia bằng “nồi da xáo thịt”,
Để mỗi mảnh “A”, “B”, tự phong mình là một “quốc gia”.
—
* “Tín điều” là những thứ con người mê tín tin theo và truyền bá như cái gọi là “chủ nghĩa Mác-Lê”; “Tín giáo” là tôn giáo thực thụ được con người tiếp thu qua trải nghiệm. Các học thuyết, lý luận của K. Marx hay V.I. Lenin chẳng hạn, từ ngọn nguồn khoa học của nó có thể là “tín giáo” mà các xã hội tư bản chủ nghĩa đã lấy làm công cụ để tự sửa chữa. …
* “… trẻ dại, … “vị thành niên”.” là nhớ câu của Tản Đà vĩ đại:
“Dân hai nhăm triệu không người lớn,
Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con.”
* Đoạn cuối cố chuyển tải khác biệt giữa “the Nation” (xác định) và “a Nation” (không xác định).