Vũ Ngọc Tiến
Chợ gạo nông thôn thời bao cấp
Hai nhóm cư dân nông thôn và thành thị vốn cùng là đối tượng điều tra, giai đoạn 1954-1975 do tôi thực hiện. Vì vậy trong bản thảo gốc, hai đối tượng này được đề cập đan xen, đôi lúc xoắn vào nhau không dễ tách ra. Trong Bài 1 – Điều tra đời sống cư dân đô thị Bắc Việt Nam giai đoạn 1954-1975 (gọi tắt là Bài 1) – tôi đã có đôi lần nhắc đến số liệu, sự kiện ở nông thôn và những vấn đề về y tế, giáo dục, văn học nghệ thuật vốn là đặc điểm chung cho cả hai đối tượng. Bài này – Điều tra đời sống nông thôn Bắc Việt Nam giai đoạn 1954-1975 (gọi tắt là Bài 2) – chỉ coi như phần tham khảo, bổ sung cho Bài 1, do đó có thể sẽ không thật hoàn chỉnh.
So với bản thảo gốc, trong Bài 2 tên các tiểu đề mục được đặt lại, tư liệu được bổ sung từ những ghi chép điều tra, phỏng vấn hàng trăm nhân chứng được thực hiện năm 1998-1999 trước đây chưa công bố hết và một số ghi chép mới.
Mục lục
I. Giai đoạn 1954-1960: Người cày có ruộng
I.1. Nông thôn Bắc Việt Nam sau ngày giải phóng
I.2. Cuộc cách mạng ruộng đất
I.3. Mức sống và chất lượng sống
II. Giai đoạn 1961-1965: Tiếng gà thay bằng tiếng kẻng
II.1. Khí thế nông dân
II.2. Mức sống và chất lượng sống
III. Giai đoạn 1966-1975: Nguồn lực vô tận của chiến tranh
III.1. Nông dân là quân chủ lực
III.2. Đời sống thời chiến qua số liệu thống kê
III.3. Đời sống thời chiến qua điều tra, phỏng vấn
III.4. Phân hoá giàu nghèo sau luỹ tre làng
Thay lời kết
*
I. Giai đoạn 1954-1960: Người cày có ruộng
I.1. Nông thôn Bắc Việt Nam sau ngày giải phóng
Chiến tranh chống Pháp kết thúc, có lẽ nông dân mới là lớp người hân hoan, sung sướng nhất. Thật vậy. Suốt 9 năm chống Pháp, người thành thị chỉ phải tản cư lâu nhất là 3 năm, trừ một số gia đình trí thức đi theo chính phủ kháng chiến lên Việt Bắc, vào Thanh Hóa và những thanh niên tòng quân, còn lại đa số đã hồi cư, sống trong sự an toàn của các đô thị do người Pháp kiểm soát. Đóng góp sức người, sức của cho chiến tranh khốc liệt chủ yếu là nông dân. Ở những vùng giáp ranh, nông dân còn phải chịu đựng các trận càn của lính lê dương (lính ở các nước thuộc địa) do sĩ quan Pháp chỉ huy. Làng mạc bị đốt, người và gia súc bị giết hại vô kể, phụ nữ còn bị hãm hiếp rất man rợ. Ở vùng Thị Cầu – Bắc Ninh, sau chiến tranh có đến hàng trăm đứa trẻ lai đen vì mẹ bị hãm hiếp trong các trận càn…
Ông NĐT, sinh năm 1930, ở thôn Đình Tổ, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh kể:
“Dọc bờ đê sông Đuống từ Thuận Thành đến Lương Tài có đến gần 70 đồn bốt của địch, chúng thường xuyên xua lính đi càn quét, tìm diệt du kích. Người và gia súc chết la liệt, thê thảm. Có nơi như bốt Á Lữ, ta phá xong thì địch tái chiếm, giằng co hàng chục lần, mỗi lần vài chục nông dân chết oan.”
Ở vùng đập Phùng (Đan Phượng – Hà Tây) có một đồn bốt khét tiếng về sự man rợ.
Ông TĐM, sinh năm 1928, ở xã Tân Lập, Đan Phượng – Hà Tây kể:
“Hầu như tháng nào trên cọc rào dây thép gai ở bốt Phùng cũng có vài đầu lâu người bị bêu nắng. Người chết có khi là du kích, nhưng cũng có khi là nông dân hiền lành bị tình nghi mà chết oan khốc”.
Vì phải chịu bao nỗi thống khổ của chiến tranh nên người nông dân hơn ai hết cảm nhận được đầy đủ cái giá của hòa bình, độc lập, tự do, dân chủ. Họ đặt trọn niềm tin và hy vọng ở chế độ mới. Quan niệm về hạnh phúc của họ đơn giản chỉ là được sống yên ổn trên thửa ruộng của mình. Ngay cả trong hôn nhân, những người phụ nữ ở thôn quê cũng thật dễ tính và giàu lòng vị tha. Họ sẵn lòng vô tư nghe theo sự vận động của đoàn thể, tình nguyện tham gia những lễ cưới tập thể, nhận thương binh không hề quen biết làm chồng để ăn đời ở kiếp với nhau.
Bà ĐTH, sinh năm 1933, ở xã Nghĩa Dũng, huyện Yên Dũng – Bắc Giang kể:
“Hồi ấy tôi và gần chục cô gái khỏe mạnh, ưa nhìn trong xã hăng hái đăng ký tự nguyện lấy chồng thương binh cụt tay hay cụt chân về chăm sóc. Người ta tổ chức một đám cưới tập thể cho tôi và những cô gái ấy với các anh thương binh tại đình làng, chỉ có ít bánh kẹo, rổ khoai sọ luộc chấm với mật, vài tiết mục văn nghệ ‘cây nhà lá vườn’…”
Truyền thống này có từ năm 1949 ở chiến khu Việt Bắc.
Ông V, dược sĩ cao cấp đã nghỉ hưu, hiện sống ở quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh kể:
“Trước Cách mạng tháng Tám, tôi là học sinh Hà Nội đã có bằng tú tài toàn phần. Chiến tranh nổ ra, tôi tham gia Trung đoàn cảm tử bảo vệ Thủ đô, chiến đấu suốt 60 ngày đêm trong nội thành, thuộc mặt trận Liên khu I. Khi rút lui ra ngoài tôi bị thương, dập nát một chân phải cắt cụt. Xuất viện, tôi là thương binh nặng, được điều về công tác tại Bộ Thương binh của bác sĩ Vũ Đình Tụng, một nhân sĩ yêu nước nổi tiếng. Năm 1949, cơ quan Bộ đóng ở xã Tân Thành, huyện Đồng Hỷ – Thái Nguyên. Tôi được một bà mẹ phúc hậu người làng Kim Liên – Hà Nội tản cư gần đó nhận làm con nuôi, chăm sóc như con đẻ. Khi địa phương có phong trào phụ nữ lấy chồng thương binh, tôi cũng phải theo anh em ra đình làng cho họ xem mặt, xấu hổ muốn chết. Đến lúc nhìn thấy các cô thôn nữ xếp hàng ra chỉ vào người nọ người kia nhận rằng sẽ lấy anh A, anh B thì tôi chỉ muốn độn thổ, giục mẹ nuôi dắt nhanh về nhà… Nhờ thế, sau này tôi lấy được bà vợ đúng theo nghĩa của tình yêu!…”
Nhìn chung, nông thôn miền Bắc những ngày đầu giải phóng thật tưng bừng náo nhiệt. Lòng người phơi phới, mong được sẻ chia. Nhịp sống yên bình, ngập tràn niềm vui và hạnh phúc như lời ca trong nhạc phẩm “Đêm thôn trang” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý: “…Không gian ngát hương – Lúa ngập cánh đồng – Nhìn bông lúa chín vàng dưới ánh trăng sáng soi … – Cười vang xóm thôn – Tiếng ai đập lúa nhanh nhanh – Thuyền xuôi bến sông – Chày ai giã gạo nhịp nhàng…” Giai điệu và ca từ của nhạc phẩm thật tuyệt đẹp!
I.2. Cuộc cách mạng ruộng đất
Cuộc cách mạng ruộng đất còn gọi là cải cách ruộng đất (CCRĐ) trên thực tế đã được tiến hành từ năm 1953 ở những vùng tự do Thanh – Nghệ – Tĩnh và chiến khu Việt Bắc. Đến năm 1955-1956, nó được diễn ra đều khắp ở các vùng nông thôn Bắc Việt Nam. Cái chết tức tưởi, oan khuất của bà Nguyễn Thị Năm (1953), một địa chủ kháng chiến nổi tiếng ở Đại Từ – Thái Nguyên, tiếp đến những sai lầm trầm trọng và cung cách đối xử tàn bạo, phi nhân của các “ông Đội” ở nhiều địa phương (1955-1956) đã khiến nhiều người nhìn nhận sự kiện này chỉ thấy một màu đen tối. Ở góc nhìn kinh tế học và xã hội học, ta cần xem xét, đánh giá công bằng cả hai mặt được – mất, xấu – tốt của sự kiện này.
Trước hết nói về cái được về phương diện kinh tế. Qua CCRĐ đã có 81 vạn ha ruộng và hàng triệu trâu, bò, ngựa được đem chia cho 222 vạn hộ nông dân nghèo khổ vốn có rất ít ruộng thậm chí tay trắng không tấc đất cắm dùi. Tính riêng các tỉnh vùng hạ lưu tả ngạn sông Hồng, mỗi nhân khẩu trong gia đình cố nông sau CCRĐ có 4 sào (sào Bắc Bộ), bần nông có 4 sào 2 thước, trung nông có 4 sào 12 thước [1 thước = 24 m2, 1 sào Bắc Bộ = 15 thước = 360 m2 ; 1 mẫu = 10 sào = 3.600 m2 ]. Nếu trung bình mỗi hộ có 5 nhân khẩu thì ruộng đất bình quân trong các hộ nông dân ở đây là 2 mẫu canh tác trở lên (nguồn: Minh Tranh – Một số ý kiến về nông dân Việt Nam – NXB Sự thật, 1961). Sự phân chia lại ruộng đất này về mặt lý thuyết có tác dụng giải phóng sức lao động, đảm bảo công bằng xã hội, kích thích năng lực sáng tạo để làm giàu của nông dân. Khẩu hiệu đầu tiên được nêu ra trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc là “Người cày có ruộng” nên đương nhiên sau ngày giải phóng miền Bắc, những người cộng sản phải thực hiện ngay khẩu hiệu đó. Lịch sử thế giới cũng đã chứng minh cuộc giải phóng nông nô vào thế kỷ 18 ở các nước châu Âu là một bước đi tiến bộ, hợp quy luật. Tréo ngoe ở chỗ, ngay trong vấn đề chia lại ruộng đất đã có sự không công bằng, thiếu tính nhân đạo rồi. Tài liệu thống kê cho thấy sở hữu ruộng đất tính theo đầu người trước và sau CCRĐ như sau:
– Năm 1945: Địa chủ có 10.980 m2, phú nông có 4.200m2, trung nông có 1.450 m2, bần nông có 472m2 và cố nông có 112 m2.
– Năm 1956: Địa chủ còn 730 m2, phú nông còn 1.730 m2, trung nông tăng lên 1.710 m2 và bần nông có 1.390m2, cố nông có 1.370m2.
(Nguồn: Nguyễn Quang Ngọc và những người khác – 1990.)
Như vậy, trước CCRĐ, địa chủ giàu hơn cố nông 98 lần (về mặt sở hữu ruộng đất) thì sau CCRĐ họ bỗng trở thành nghèo khổ nhất (730 m2 so với 1.370m2 của cố nông). Chỉ nhìn vào con số biết nói trên, ta đã thấy sự bất công, vô lý, xa rời với tính chất nhân đạo của cách mạng ruộng đất do chính những người khởi xướng đề ra. Ngoài ra, về vị thế xã hội, họ (địa chủ) bị rơi xuống đáy của xã hội ở nông thôn, bị xa lánh, ngược đãi và khinh rẻ. Sự lộng hành của các “ông Đội” cộng với tâm lý đố kỵ của lớp người nghèo đã dẫn đến nhiều thảm cảnh kinh hoàng ở khắp các làng quê. Ta có thể tìm thấy những thảm cảnh ấy trong các tác phẩm văn học như “Chuyện làng Cuội” của Lê Lựu (NXB Hội Nhà văn, 1993), “Người đàn bà buồn” của Nguyễn Phan Hách (NXB Hội Nhà văn, 1994).
Nhưng đây mới chỉ đề cập đến sự đối xử bất công với một đối tượng thật sự giàu có, nhiều ruộng ở nông thôn, được tạm coi là thành phần địa chủ đích thực. Sai lầm của CCRĐ không chỉ dừng lại ở đây mà còn đi xa hơn, dẫn đến nhiều nỗi oan sai gây khiếp đảm lòng người suốt nhiều thập niên sau đó. Để hiểu rõ vấn đề này có lẽ cần điểm qua vài nét về cấu trúc xã hội và sự phân tầng ở nông thôn Bắc Việt Nam trong nửa đầu thế kỷ 20.
Làng quê Việt Nam nói chung và đồng bằng châu thổ sông Hồng nói riêng được nhiều nhà nghiên cứu xã hội học, nhân loại học, sử học trong và ngoài nước quan tâm nghiên cứu. Có thể kể ra một vài tác giả quan trọng mà tôi thấy hứng thú: P.Gourou, Yves Henry (Pháp), In Sun Yo (Hàn Quốc), Trần Tự, Phan Huy Lê, Phan Đại Doãn, Tô Duy Hợp, Nguyễn Quang Ngọc (Việt Nam). Từ xa xưa trong lịch sử, vào thời Lý-Trần, làng đã thật sự trở thành đơn vị hành chính, một mặt thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ sưu thuế, lao dịch, quân dịch…, mặt khác nó hình thành cơ chế tự quản cả về kinh tế, văn hóa theo quan hệ họ tộc thân thiết. Vậy nên quan hệ giữa chủ ruộng (địa chủ, phú nông) với người nhận ruộng cấy rẽ, nộp tô nói chung không quá tàn tệ, hà khắc như ở Trung Quốc. Thiết chế văn hoá làng xã với những đặc thù mang tính chất dân chủ sơ khai kiểu cộng hoà La Mã cổ đại ở phương Tây là nét độc đáo của nông thôn Bắc Việt Nam. Theo thiết chế này, Hội đồng kỳ biểu giống như “chính phủ” của làng, đại diện là lý trưởng, còn Hội đồng tộc biểu giống như “quốc hội” của làng, gồm đại diện các họ tộc, giám sát hoạt động của Hội đông kỳ biểu. Do đó, thiết chế này cũng góp phần ngăn chặn những điều tàn tệ trong cách đối xử với bần cố nông nghèo khổ của các hào lý và địa chủ trong làng, trong tổng. Ở đồng bằng sông Hồng, theo kết quả nghiên cứu của P.Gourou, đến nửa đầu thế kỷ 20, có 7.000 làng, diện tích cỡ 200 ha, làng lớn nhất 500 ha, nhỏ nhất 50 ha. Dân số mỗi làng cỡ 1.000 người, làng lớn có thể tới 5.000, thậm chí 10.000 người. Với những đặc điểm như vậy, theo các học giả trong và ngoài nước đã nói ở trên, sự tích tụ ruộng đất vào tay các nhà giàu là không lớn, có thể nói là rất nhỏ so với ở Trung Quốc hoặc đồng bằng sông Cửu Long ở miền Nam. Sai lầm tệ hại nhất của CCRĐ, cũng là nguồn gốc sâu xa của nhiều sự kiện bị thảm, nghịch cảnh trớ trêu xảy ra ở nông thôn miền Bắc trong giai đoạn này là sự giáo điều áp đặt một cách ấu trĩ tỉ lệ 5% (hộ dân) là địa chủ ở mỗi làng theo kinh nghiệm của Trung Quốc. Cùng với việc quy chuẩn thành phần địa chủ là có tài sản 3 mẫu ruộng/đầu người thì 5% địa chủ lại càng vô lý. Vào thời đó, mỗi gia đình giàu có ở nông thôn miền Bắc thường có từ 5-7 con, cộng với cha mẹ là 7-9 người/ 1hộ. Như vậy muốn xếp họ vào thành phần địa chủ, sở hữu ruộng đất của mỗi hộ phải có 20-30 mẫu. Cần lưu ý, mức tích tụ ruộng đất 20-30 mẫu/1 hộ cũng vẫn là nhỏ so với Nam Bộ, chưa đáng quy kết vào giai cấp địa chủ, nhưng ở nông thôn miền Bắc vào thời điểm 1955-1956 không dễ gì tìm cho đủ 5% hộ dân của mỗi làng đạt được con số đó. Các “ông Đội” đa số vô học lại được giao quyền lực vô biên, muốn có thành tích với cấp trên nên đã tìm mọi cách xúi giục bần cố nông tố điêu, ăn không nói có, đổi ơn thành oán… và thậm chí ép buộc ngay con dâu tố bố chồng, con rể vu oan cho nhạc phụ…, kết cục là tiếng oan dậy đất, tội ác ngất trời.
Xét từ nguồn vốn tích tụ ruộng đất, theo điều tra, phỏng vấn của chúng tôi, có mấy loại đối tượng oan khuất trong CCRĐ như sau:
a) Những người đã từng làm việc trong hệ thống chính quyền cấp cơ sở ở nông thôn thời thuộc Pháp, có của ăn của để. Ở đồng bằng và trung du Bắc Bộ là quan huyện, chánh tổng, lý trưởng…; ở vùng thượng du là các quan châu, quan lang, phìa, tạo… Xét theo quan điểm đấu tranh giai cấp của những người cộng sản và trong thiết chế xã hội lấy chuyên chính vô sản làm nền tảng thì nhóm đối tượng này cần phải thẳng tay chuyên chính. Tuy nhiên, trong số đó vẫn có người làm việc cho Pháp chỉ vì bị ép buộc hoặc có nhiều người do chính tổ chức cách mạng ở địa phương bố trí ra làm việc để che chở cho cán bộ Việt Minh và du kích. Những người này vẫn bị quy là địa chủ cường hào ác bá chỉ vì họ giàu hơn người khác, bị đem ra đấu tố, đánh đập có khi đến chết hoăc bị xử bắn, treo cổ như trường hợp ông nội của nhân chứng NĐT (đã dẫn ở Bài 1, phần I, mục 1). Trong nhóm này còn có những địa chủ kháng chiến, hết lòng ủng hộ Việt Minh, nuôi giấu cán bộ hoạt động bí mật thời kỳ tiền khởi nghĩa cũng bị đấu tố, đánh đập, thậm chí xử bắn như bà Nguyễn Thị Năm đã nói ở trên. Liên quan đến mẫu đối tượng địa chủ như bà Năm lại có cả hàng ngàn con cái họ đi theo cách mạng, lập nhiều thành tích đã bị đối xử bất công, phi nhân tính. Kết quả là vào thời đó có khoảng 800 đảng viên trung kiên, có trình độ học vấn bị sát hại và các “ông Đội” tuỳ tiện kết nạp thêm 2 vạn đảng viên bần cố nông, trong đó có không ít đảng viên cố nông thuộc dạng vô sản lưu manh ở nông thôn, đúng theo nghĩa của từ này theo chính định nghĩa của học thuyết Mác. Sau CCRĐ số này nắm quyền lực, lộng hành còn hơn hào lý ngày xưa. Con cái họ được học lên cao, mang nhãn trí thức, nhưng cái chất lưu manh, “chất hủi” thì có sẵn trong máu. [Đó cũng là nội dung tư tưởng truyện ngắn “Thằng Hủi” của tôi công bố năm 1998, trong thời gian tôi tiến hành điều tra về nông thôn.]
Ông NVL, sinh năm 1934, ở thôn Chúc Động, thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ – Hà Tây kể:
“Cha tôi là người có uy tín không chỉ trong làng mà khắp cả vùng từ bến đò Mai Lĩnh đến chợ Cống dọc đường quốc lộ 6 dài hơn 10 km đều biết tiếng vì cụ học vấn uyên thâm, ăn ở đức độ. Năm 1947, cụ được Cách mạng vận động ra làm lý trưởng để che mắt địch, giúp đỡ rất nhiều cho kháng chiến. Ruộng đất nhà tôi chỉ có 5 mẫu, 3 sào, sân vườn và ngôi nhà mái ngói hiên Tây chừng 2 sào nữa. Năm 1955 cụ bị đấu tố, tra tấn dã man đến chết trong nhà giam ở hậu cung đình làng. Tài sản bị tịch thu hết từ cái nồi đồng trở đi. Anh tôi đang làm cán bộ cấp huyện cũng bị mất chức, trói tay dẫn giải về làng chịu đấu tố. Hai chị gái tôi phải đi mò cua bắt ốc kiếm ăn rất cơ cực và phải ở vậy đến già.”
b) Những người từng đi lính thuộc địa cho Pháp, sang châu Âu tham gia thế chiến thứ nhất (1914-1918). Khi hồi hương về nước họ được lĩnh một số tiền khá lớn nên tậu ruộng đất ở quê, nhà cửa xây theo lối kiến trúc ảnh hưởng của miền Nam nước Pháp khá đẹp. Họ được chánh tổng, lý trưởng ở quê vị nể, lại biết nói tiếng Tây (tuy giọng bồi) nên lính Pháp cũng không dám gây sự. Vì có thời gian ở bên Pháp, chịu ảnh hưởng tư tưởng tự do dân chủ của châu Âu nên họ đối xử khá thân thiện, bình đẳng với người nghèo đến làm thuê hay người nhận ruộng cấy rẽ, nộp tô. Nói chung họ chỉ giàu có trên mức bình thường ở làng, không gây tội ác, nhiều người còn đóng góp cho làng xóm, cho kháng chiến, nhưng họ hoặc con cái vẫn bị quy là địa chủ, có nhiều liên quan đến đế quốc, phong kiến.
Ông VHT, sinh năm 1944, giảng viên đại học, quê ở làng Ngọc Thành, xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành – Nghệ An, hiện sống ở Mai Dịch – Hà Nội kể:
“Quê tôi ở miền Tây Nghệ An có sông Dinh, rú Gấm, đất đai phì nhiêu, lâm sản phong phú, nhưng dân lại rất đói nghèo. Ông nội tôi (sinh năm 1886) cùng hai em trai bị bắt lính sang đánh thuê cho nước Pháp trong thế chiến thứ nhất, sau đó ở lại nước Pháp, đến năm 1922 cả 3 cụ mới hồi hương. Về quê, các cụ bỏ tiền ra khai hoang làm giàu cho cả họ Võ ở làng Ngọc Thành. Người họ Võ ai cũng được học hành đỗ đạt cao, được dân làng kính trọng. Hàng năm, vào kỳ giáp hạt (tháng 3, tháng 8 âm lịch) ông tôi thường tổ chức phát chẩn, cứu đói cho cả làng. Kẻ ăn, người ở vào làm thuê cho nhà họ Võ vài năm là có quần áo đẹp, tiền vàng tích cóp để về quê xây dựng cuộc sống mới. Năm diễn ra CCRĐ, làng tôi có 200 hộ, không tìm đâu ra người có chút máu mặt để quy thành phần địa chủ, ngoài các gia đình họ Võ. Nhưng cả làng ai cũng chịu ơn họ Võ nhà chúng tôi, không ai muốn đấu tố trong cuộc họp phát động đấu tranh của các “ông Đội”. Ban chỉ huy đội cải cách liền tỏa đi vào các nhà dân vừa xúi giục, kích động vừa ép buộc một số người dựng đứng lên các tội tày đình, đến con nít trong làng cũng không thể tin được, gán cho các gia đình họ Võ. Nực cười nhất là ông bác tôi bị mắc bệnh liệt dương từ năm 1936 mà có chị cố nông năm ấy mới 17 tuổi lại vu cáo ông hãm hiếp mẹ mình, đẻ ra chị ta rồi độc ác cho bà ấy ăn bả chuột để phi tang, để chị ta chịu cảnh mồ côi, tứ cố vô thân. Cuối cùng họ cũng tìm đủ mọi cách đưa 10 hộ họ Võ vào diện địa chủ, tay sai đế quốc cho đủ 5%, 3 trong số 10 người bị xử bắn, số còn lại bị đánh đập dã man, có hai người chịu đựng không nổi và vì uất quá mà đập đầu tự tử.”
c) Đối tượng thứ ba có khả năng tích tụ ruộng đất là các thầy lang hoặc giáo chức trường làng, trưởng tổng. Họ là những người làm nghề lương thiện, chỉ có một tội duy nhất là giàu hơn người khác, ăn mặc đẹp, nhà cửa khang trang, có ruộng đất nhưng không nhiều, thường là 5-7 mẫu ruộng/1 hộ. Để đạt hoăc vượt chỉ tiêu 5%, các “ông Đội” thường xúi giục quần chúng quy họ là Việt gian, chỉ điểm cho Tây, tham gia quốc dân Đảng… Oan nghiệt ở chỗ vì không quy vào tội địa chủ cho họ được nên đánh tráo sự thật, vu họ là Việt gian thì họ lại càng dễ chết một cách thê thảm.
Ông NVV, sinh năm 1947, hiện sống ở làng Đông Thái, nay thuộc phường Bưởi, quận Tây Hồ – Hà Nội kể:
“Làng Đông Thái xưa thuộc tổng Bưởi, năm CCRĐ thuộc xã Thái Đô, ngoại thành Hà Nội, nên tôi được chứng kiến mọi sự khiếp đảm của CCRĐ ở nông thôn. Hồi ấy tôi còn ở tuổi thiếu nhi, đi đánh trống ếch khắp làng, cổ động mọi người ngồi xếp hàng nghe đấu tố và xét xử tại chỗ các đối tượng. Xã Thái Đô ruộng ít, chủ yếu sống bằng nghề thủ công: An Phú có nghề làm kẹo mạch nha; các làng Nghĩa Đô, Bái Ân, Trích Sài, Võng Thị có nghề dệt; các làng Yên Thái, Đông Thái, Hồ Khẩu có nghề làm giấy. Vì ít ruộng nên chẳng có hộ nào là địa chủ cả. Đối tượng bị đấu tố ngoài cụ Chánh Khiêm là các ông lang Bách, lang Dương, giáo Bảy, giáo Ngọ…Nơi đấu tố và xét xử là bãi chợ Bưởi và bãi nhãn ở Nghĩa Đô. Ai họ cũng kết tội Việt gian chỉ vì người ta giàu có, ở nhà 2 tầng mà thôi. Phiên tòa xét xử cũng có đủ chánh tòa, công tố viên, thẩm phán, hội thẩm nhân dân, nhưng chánh tòa và công tố viên là các “ông Đội”, còn lại các vị khác đều là phụ nữ, chữ nghĩa bẻ đôi không biết, giỏi ăn điêu, nói hớt như các bà Lợi môi thâm, bà Tư Đối mắt trắng dã, bà Hai Bình móc cống… Những người lên tố khổ, kể tội đa phần là loại người có tiếng lưu manh trộm cắp hay kẻ nát rượu, quen ăn vạ giữa làng. Một số đang còn tuổi thiếu nhi, hỷ mũi chưa sạch mà sao chúng nó biết lắm chuyện của người lớn thế. Tệ nhất là thằng H, chỉ hơn tôi 2 tuổi mà có lẽ do các “ông Đội” mớm lời, cứ xưng xưng kể tội ông lang Bách, cụ Chánh Khiêm (là ông ngoại của H) và ông giáo Bảy (chú họ xa của H). Cuối phiên tòa, bà Lợi môi thâm cầm giấy do ai viết sẵn hóa thành đọc ngược, sao vẫn đọc trôi chảy mới lạ. Sau đó một “ông Đội” dõng dạc tuyên án tử hình cụ Chánh Khiêm và ông lang Bách. Thương nhất là ông lang Bách 60 tuổi, đứa trẻ ranh lên kể tội gì cũng đáp: “Bẩm ông, con trót dại ạ! Con xin nhận hết tội”. Ngỡ là nhận thì được khoan hồng, đến khi tòa tuyên bố tử hình, mặt ông xám ngắt, chân cứng lại, du kích phải xách nách lôi ra cuối bãi nhãn bắn đòm mấy phát. Ngôi nhà ông lang Bách ở ngay bến xe điện nơi cổng làng Hồ bây giờ vẫn còn. Nghe nói đêm nào ma cũng hiện về ngôi nhà ấy khóc lóc, đòi mạng…”
d) Truyền thống bám ruộng, nhớ làng của những người nông dân rời quê ra thành phố làm ăn cũng dẫn đến tích tụ ruộng đất ở nông thôn. Những người khá giả về làng tậu ruộng (thường là 5-10 mẫu), xây nhà thờ tổ to đẹp rồi chọn người ruột thịt, thật thà, hiền lành ở quê giao cho quản lý tài sản. Khi giải phóng miền Bắc, họ di cư vào Nam thì người thân trực tiếp quản lý nhà thờ và ruộng đất bị quy thành phần địa chủ hay Việt gian, phản động.
Ông PHT, quê ở huyện Ninh Giang-Hải Dương, hiện sống ở Hà Nội kể:
“Quê tôi gần nhà thờ Sặt, là đất công giáo, dân khá giàu vì có nghề kim hoàn và phụ nữ còn rất giỏi buôn bán. Người làng ra Hà Nội làm ăn khá giả rất đông, đa số ở phố Hàng Bạc và nhà nào cũng có 5-10 mẫu ruộng ở quê. Trong họ nhà tôi có cụ PVL thật thà như đếm, nhút nhát đến mức không dám cầm dao cắt tiết gà bao giờ. Cụ L được em trai ở phố Hàng Bạc giao cho việc quản lý 12 mẫu ruộng, nên cụ bị quy là địa chủ cường hào ác bá giết nhiều Việt Minh, du kích và bị xử bắn.”
*
Trên đây là những khảo sát của chúng tôi về 4 nhóm đối tượng tích tụ ruộng đất điển hình bị kết tội oan sai trong CCRĐ. Ở thời điểm cuối thế kỷ 20, nông thôn Việt Nam lại đang diễn ra quá trình tích tụ ruộng đất, nhất là ở đồng bằng sông Cửu Long và vùng trung du Bắc Bộ. Nó thật giống như trường hợp của ông nội nhân chứng VHT (Yên Thành – Nghệ An) bị đánh cho đến chết (1955) hay trường hợp bà Nguyễn Thị Năm (Đại Từ-Thái Nguyên) bị xử bắn (1953). Nhưng giờ đây những ông chủ tích tụ ruộng đất như thế lại được coi là điểm sáng của mô hình kinh tế trang trại, có người được tuyên dương là anh hùng lao động, chiến sĩ thi đua thời kỳ đổi mới. Điều đó càng chứng tỏ một số sai lầm tệ hại trong CCRĐ dưới góc nhìn thuần túy kinh tế học, xã hội học là trái với quy luật và đạo lý dân tộc.
I.3. Mức sống và chất lượng sống
Như đã phân tích, cuộc cách mạng ruộng đất ở nông thôn Bắc Việt Nam với khẩu hiệu “Người cày có ruộng” mặc dù có nhiều sai lầm nghiêm trọng nhưng xét toàn cục về mặt kinh tế vẫn là một sự kiện tiến bộ. Việc đem 81 vạn ha ruộng và hàng triệu trâu bò chia cho 222 vạn hộ (cỡ hơn chục triệu nông dân), tiếp theo đó là phong trào đổi công, vần công và mô hình hợp tác xã giản đơn cấp xóm, cấp thôn đã có tác dụng kích thích sản xuất nông nghiệp rõ rệt, nâng cao mức sống cho các hộ nông dân nghèo khổ. Trong các tài liệu, sách báo còn lưu giữ được ở thư viện quốc gia, tôi thấy hứng thú và tin tưởng một tài liệu điều tra, khảo sát của tác giả Lê Nghiêm: “Cuộc sống mới của nông dân sau CCRĐ” (NXB Sự thật, 1955). Vùng Thái Nguyên là địa bàn thuộc khu căn cứ kháng chiến nên CCRĐ diễn ra sớm hơn các nơi khác. Tác giả Lê Nghiêm đã khảo sát vụ mùa đầu tiên sau CCRĐ (10/1955). 53 xã thuộc các huyện Đồng Hỷ, Đại Từ, Phú Bình đều đạt năng suất cao hơn vụ mùa năm 1954 (đạt khoảng 70-75 kg thóc/sào). Những nông dân trước đây không một tấc đất cắm dùi, nay được chia mỗi khẩu 5 sào ruộng, lại có trâu cày, nhà ở. Tính chung cả huyện Đại Từ, sản lượng vụ mùa năm 1955 tăng 10-20% so với năm 1954. Anh Khoan ở xã Hùng Sơn năm 1954 cấy 2 mẫu 7 sào chỉ thu được 47 nồi, năm 1955 tăng lên 67 nồi ( một nồi là 10 ca hay 15 kg thóc).
Những đoạn văn dưới đây của tác giả Lê Nghiêm đã mô tả khá sinh động và chi tiết mức sống của cư dân nông thôn trong 53 xã thuộc vùng ông khảo sát:
“Chiều hôm đó, tôi ăn cơm ở nhà bà cụ Đám, xã Hoàng Sơn, bữa ăn có thịt lợn, có cá mắm, có hoa chuối nấu. Một nồi đồng cơm trắng tinh, thơm phức mùi lúa mới. Chẳng bù cho ngày xưa, bà chỉ muốn mua mấy đấu muối làm dưa mà không bao giờ có đủ tiền mua một đấu muối đầy. Năm nay thóc lúa gặt về không phải nộp tô cho địa chủ, bà cụ Đám lại có đủ tiền mua hẳn một nồi (10 đấu) muối…
…
Tôi đến nhà bà Thủ, một bần nông, rồi bác Lan, một trung nông, đều theo công giáo. Mọi người đều vui vẻ, phấn khởi vì đủ cơm ăn, áo mặc, ruộng cày. Bà Thủ từ ngày cải cách đến giờ cũng sắm được 2 cái màn, 1 cái cuốc, 1 cái cày, 1 con dao quắm, 1 nồi đồng và 3 bộ quần áo mới bằng vải trúc bâu, 1 đôi chiếu, 1 chăn bông bọc vải hoa, 1 con lợn giống Móng Cái. Bà lại được chia thêm con nghé, có tiền cưới vợ cho thằng con trai lớn…Bác Lan là trung nông nhưng vẫn cấy rẽ nộp tô cho địa chủ, trong cải cách bác được chia thêm một mẫu ruộng và 70 nồi thóc.”
Quan sát mức sống và nhịp sống ở nông thôn sau CCRĐ có lẽ rõ nét nhất là qua các chợ quê. Nhà bác học Nguyễn Bỉnh Khiêm (thế kỷ 17) từng nói rất chí lý: “Cứ xem nét mặt đàn bà, con gái ở quê đi chợ sẽ biết lẽ thịnh suy của nước”. Trong sách đã dẫn của tác giả Lê Nghiêm có đoạn về chợ quê thời đó khá chân thực và lý thú:
“Phiên chợ Mụ họp giữa ban ngày [thời chiến tranh phải họp đêm – VNT chú giải], người đông ngàn ngạt, chen vai thích cánh nhau như phiên chợ cuối năm. Bà con nông dân từ xã ĐộcLập, xã Tân Thái đổ về, xã Hùng Sơn kéo ra. Hàng hóa bày la liệt cầu chợ. Từng dãy hàng tạp hóa, hàng nồi đồng, hàng chiếu, hàng bát đĩa, gà vịt, cá tôm, mắm muối…Các bà lão, các chị nông dân, các em nhỏ gọn gàng trong bộ quần áo mới, tấp nập gánh gạo, nồi cám, buồng cau, nải chuối ra chợ bán. Tiếng cười nói ồn ào, huyên náo. Họ kháo nhau:
– Gạo vẫn vững giá, lại có phần hạ đi rồi đấy.
– Nông dân sau cải cách được mùa có khác.
– Thật các bà buôn bán ở thị trấn giờ ăn đong cũng sướng.
– Cứ đà này chẳng mấy chốc dân ta giàu, nước ta mạnh.”
Thật ra mức sống của nông dân miền Bắc thời ấy qua những điều mô tả trong cuộc điều tra của Lê Nghiêm vẫn còn rất thấp, chỉ đủ ăn no và mua sắm vài dụng cụ lao động, phương tiện sinh hoạt tối thiếu. Song cũng không thể phủ nhận là vào thời điểm 1955, đó là sự tiến bộ không nhỏ. Từ năm 1959-1960, các số liệu của ngành thống kê tuy còn rất sơ lược, kém chính xác, nhưng đã cung cấp cho ta một vài chỉ báo khá lý thú về mức sống, chất lượng sống của nông dân miền Bắc. Năm 1960, thu nhập bình quân thực tế theo đầu người của các hộ nông dân đạt 10,9 đồng/tháng. Mức thu nhập này mới chỉ bằng 51,7% so với các hộ viên chức ở thành phố. Tuy nhiên do được làm chủ ruộng đất canh tác, tự do chăn nuôi và buôn bán ngoài chợ nên cơ cấu khẩu phần ăn từng người nông dân trong một tháng đã có sự cải thiện: lương thực quy gạo 16,03 kg, thịt các loại 0,44 kg, cá 0,38 kg, trứng 0.4 quả, nước chấm 0,15 lít.
Về điều kiện ở, trước năm 1954 có đến 90% nông dân sống trong các nhà gianh vách đất, nơi ngủ là các chõng tre hay ổ rơm, đặc biệt khổ là nông dân ở Nghệ Tĩnh, Quảng Bình. Đến năm 1960 ở đồng bằng sông Hồng đã có 20-25% số hộ có nhà lợp ngói, 30% nhà gianh vách đất đã có sân gạch, bể nước.
Ông NĐT (Bắc Ninh, đã dẫn) nói:
“Từ những năm 1958-1960, dân Đình Tổ nói riêng và cả huyện Thuận Thành-Bắc Ninh nói chung đã bắt đầu mơ đến nhà ngói, sân gạch, bể nước, điều mà suốt 50 năm đầu thế kỷ ít ai dám nghĩ đến”.
Lời ông NĐT thay cho kết luận về đời sống nông thôn miền Bắc vào giai đoạn nhạy cảm sau cuộc sửa sai CCRĐ.
II. Giai đoạn 1961-1965: Tiếng gà thay bằng tiếng kẻng
II.1. Khí thế nông dân
Người nông dân Việt Nam vốn hiền lành, thuần phác, cả tin. Nếu được phát động một phong trào gì đem lại lợi ích, họ sẽ đồng loạt hưởng ứng với khí thế ngất trời. Lịch sử ghi nhận những năm nửa cuối thập niên 50, với khí thế “nghiêng đồng đổ nước ra sông”, “vắt đất ra nước, thay trời làm mưa”, nông dân các tỉnh đồng bằng và trung du Bắc Bộ đã nô nức đi lao động công ích trên công trình đại thủy nông Bắc – Hưng – Hải. Đây là hệ thống công trình thủy nông cực kỳ quan trọng, giải quyết việc tưới tiêu cho nhiều tỉnh và là công trình khắc đậm vào lòng dân niềm tin yêu, hy vọng vào chế độ mới.
Như đã trình bày trong Bài 1, phần II, mục 1, bước vào mùa xuân Tân Sửu (1961) phong trào hợp tác hóa nông thôn phát triển thành cao trào với khí thế dời non lấp biển, sôi động khắp các làng quê. 2.404.800 hộ vào hợp tác xã, đạt 85,83% số hộ ở nông thôn. Bối cảnh này đã giúp cho nhà văn Đào Vũ viết cuốn tiểu thuyết “Cái sân gạch” và trở nên nổi tiếng. Ngày nay đọc tiểu thuyết của ông, có thể không ít người ngờ rằng tác giả đã tô hồng cuộc sống, nhưng lịch sử sẽ ghi nhận ông là cây bút trung thực. Ta hãy nghe lời kể của các nhân chứng thời đó.
Ông NĐT (Bắc Ninh, đã dẫn) kể:
“Xã tôi là vùng quê trù phú, bờ xôi, ruộng mật và là cơ sở du kích mạnh thời chống Pháp. Bản thân tôi cũng đã từng là du kích, sau đôn lên bộ đội địa phương quân. Năm 1955, CCRĐ, mỗi nhân khẩu được chia 8 thước trong đồng và 12 thước ngoài bãi, vị chi là 1 sào 5 thước. Hồi CCRĐ, thôn tôi cũng không tránh khỏi sai lầm. Ông Đoàn ở xóm tôi là cán bộ Việt Minh khét tiếng anh hùng, giặc treo giải mấy vạn tiền Đông Dương nếu ai lấy được đầu ông ấy. Ông Đoàn đang làm đội trưởng cải cách ở ấp Thái Hà ngoài Hà Nội thì bị gọi về quê chịu đấu tố vì mẹ là địa chủ. Người ta hành hạ mẹ con ông cơ cực lắm. Hai năm trời ông Đoàn chỉ đi mót khoai, mò cua bắt ốc để nuôi mẹ. Năm 1958 sửa sai, ông Đoàn được phục hồi đảng tịch, được đề bạt làm phó chủ tịch huyện Thuận Thành và chính ông là người nhiệt thành vận động bà con vào hợp tác xã. Ông lăn lộn cùng với bà con khắp làng trên xóm dưới, nói gì nông dân cũng tin tưởng làm theo. Thôn tôi có 4 xóm, năm 1959 thí điểm đầu tiên ở xóm Đình của tôi và ông Đoàn, 100% hộ nhất loạt xin vào hợp tác xã. Tiếp theo đó, các xóm Nghè, xóm Sông, xóm Chùa nô nức theo gương xóm Đình lập hợp tác xã cấp xóm. Hai năm liền hợp tác xã cấp xóm được mùa nên cuối năm 1960 lại học tập và phát động để 100% xã viên 4 xóm tình nguyện sáp nhập thành hợp tác xã cấp thôn. Sang đến vụ mùa năm 1961 lập hợp tác xã cấp cao quy mô toàn xã.”
Câu chuyện kể của ông NĐT vừa nêu không phải là cá biệt. Những nhân chứng khác: ông HTP, dân tộc Tày, sinh năm 1934, ở xã Tam Lung, huyện Văn Lãng – Lạng Sơn; ông NVĐ, dân tộc Tày ở xã Lương Thượng, huyện Na Rì- Bắc Cạn; bà NTL, sinh năm 1939 ở Phố Tăng, huyện Tiên Hưng, Thái Bình; bà NTC, sinh năm 1940 ở xã Đông Thọ, huyện Yên Phong – Bắc Ninh… đều khẳng định họ và gia đình đều một lòng tin tưởng chính sách hợp tác hóa sẽ đưa nông dân đến ấm no hạnh phúc. Hình tượng tiếng gà gáy sáng biểu trưng cho nét đẹp, sự yên bình của làng quê giờ thay bằng tiếng kẻng hợp tác xã.
Ông NVX, sinh năm 1944, cựu chiến binh ở thôn Trung, xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm – Hà Nội kể:
“Một hôm bố mẹ tôi xem họa báo Trung Quốc thấy 5 đứa trẻ con đứng trên thảm lúa vàng mà cây lúa không đổ, các cụ hồ hởi bảo con cái: “Vào hợp tác xã rồi có người lo phân, lo giống, lo nước, mình chỉ phải góp chữ “cần” thôi” (cần cù). Nhà mình đông lao động, nhất định sẽ sung sướng”. Có lẽ bức ảnh đó chỉ là nghệ thuật ghép hình để tuyên truyền của người Trung Quốc nhưng tôi đảm bảo rằng thế hệ tôi ở làng năm ấy say sưa tập hát bài “Công xã nhân dân là mặt trời, xã viên là hoa hướng dương” với niềm tin và hy vọng khôn tả xiết.”
II.2. Mức sống và chất lượng sống
Tài liệu thống kê về nông thôn lúc này đã được quan tâm nên trước hết ta xem xét bức tranh đời sống qua các số liệu chính thống:
Thu nhập bình quân đầu người của các hộ xã viên hợp tác xã nông nghiệp nếu tính bằng tiền chỉ bằng già nửa các hộ công nhân viên trong biên chế nhà nước. Cụ thể: năm 1961 là 11,50 đồng, 1963 là 12,56 đồng, và năm 1965 là 13,04 đồng. Nếu xét về cơ cấu thu nhập thì năm 1961 thu nhập trong hợp tác xã là 4,50 đồng, ngoài hợp tác xã là 7,00 đồng. Tương ứng các năm sau: 1963 là 4,80 đồng và 7,76 đồng. 1965 là 5,11 và 7,93 đồng. Nguồn thu nhập ngoài hợp tác xã bao gồm thu từ ruộng 5%, sản xuất phụ (đan lát mây tre, làm thảm bẹ ngô…), chạy chợ ngày nông nhàn hay đi làm thuê ngoài thành phố, thị xã. Như vậy thu nhập tổng cộng theo đầu người trên tháng đã thấp, nhưng phần thu nhập ngoài hợp tác xã lại lớn hơn nhiều so với thu nhập trong hợp tác xã. Đây là một thực tế quái dị mà các học giả nước ngoài khi xem xét tài liệu thống kê không thể hiểu nổi!
Về cơ cấu tiêu dùng của người nông dân, lấy mức thu nhập cả trong và ngoài hợp tác xã theo đầu người trên tháng của năm 1963 là 12,56 đồng để xem xét ta thấy như sau: chi về ăn 8,27 đồng, mặc 0,87 đồng, ở 0,48 đồng, giải trí tinh thần 0,26 đồng, y tế 0,34 đồng, chi khác 1,39 đồng (chủ yếu là học tập cho con cái). Tổng các khoản chi là 11,61 đồng. Tích lũy chỉ có 0,95 đồng.
Trong Bài 1 viết về đời sống thành thị, khi phân tích cơ cấu thu nhập của xã viên hợp tác xã thủ công nghiệp, tôi đã dẫn lời ông Nguyễn Văn Cược để chỉ ra nguyên nhân của sự bất hợp lý trong cơ cấu thu nhập của các xã viên nói chung (cả nông thôn và thành thị).
Lời kể của ông Nguyễn Văn Cược (Thuận Thành, Bắc Ninh):
“… 3 năm đầu tiến lên hợp tác xã cấp cao, khí thế xã viên đang còn hừng hực, lãnh đạo hợp tác xã chưa bị tha hóa, cung cách làm ăn của ban chủ nhiệm khá quy củ và tương đối có hiệu quả. Về trồng trọt, ngoài bãi có 50 mẫu ruộng chuyên canh mía, cung cấp cho nhà máy đường của tỉnh, còn lại 230 mẫu hè-thu trồng đay xen ngô, đỗ và đông-xuân trồng rau. Khu vực 176 mẫu ruộng trong đồng cấy lúa chiêm mùa 2 vụ là chính, còn một phần thí điểm cấy xen thêm vụ lúa “ba giăng”, năng suất, sản lượng đều khá cao nhờ công tác thủy lợi và làm cỏ bón phân tốt, giá trị ngày công lao động của xã viên khi ấy (1961-1963) là 8 hào đến 1 đồng/1 ngày. Vụ thu hoạch nhà nào cũng đầy thóc, ngô, khoai và đống rơm nào cũng cao to, đánh lên như ngọn tháp vàng ở đầu nhà nom rất đẹp mắt. Gia đình nhiều lao động hay cán bộ trong ban chủ nhiệm thường đủ gạo ăn quanh năm, thỉnh thoảng có miếng thịt, con cá. Gia đình đông con nhỏ, ít lao động cũng tạm đủ ăn, chỉ phải ăn độn mấy tháng giáp hạt. Đời sống đã đủ ăn thì chỗ ở cũng được cải thiện dần. Số nhà ngói mọc lên trong thôn khá nhiều, nhất là ở xóm Nghè, rồi đến xóm Đình. Nhưng bắt đầu từ vụ Đông Xuân năm 1964, hợp tác xã có xu hướng tụt dốc không phanh do tham nhũng, lãng phí, quản lý lỏng lẻo… Đời sống xã viên theo đó mà thấp dần, nhiều nhà bị túng đói. Giá trị ngày công từ 0,8-1,0 đồng tụt xuống 6 hào, 4 hào rồi đến mức thảm hại 2 hào 7 xu/ngày. Trừ một vài gia đình cán bộ ra, đa số dân trong thôn chỉ đủ gạo ăn 7-8 tháng trong năm, còn thì phải ăn độn, già nửa là ngô khoai, có nhiều nhà phải ăn độn quanh năm vì phải bán bớt gạo lấy tiền cho con đi học. Nếu 3 năm đầu (1961-1963), hợp tác xã đảm bảo thu nhập cho xã viên được 70-80% thì từ năm 1964 chỉ đảm bảo 35-40%. Lợn ở trại chăn nuôi bị bỏ đói, còi cọc, nuôi cả năm không được 40-50 kg một con. Ao cá chẳng ai trông nom bị mất cắp hoặc vỡ bờ, cá bơi ra ruộng. Dân chán nản chẳng thiết tha với đồng ruộng. Sáng 8 rưỡi-9 giờ mới lững thững đi làm, chiều 3 giờ – 3 rưỡi đã bỏ về. Tiếng kẻng hợp tác xã thời còn ở quy mô cấp xóm (1959) là nét đẹp, sự đổi mới của làng quê, rộn rã gọi xã viên đi làm vào 5 giờ lúc gà gáy sáng, nay nghe buồn thảm uể oải vào 7 giờ mà chẳng thấy ai hưởng ứng. Nhìn ra các xã bên cạnh như Trà Lâm, Trí Quả, Đại Đồng Thành trong huyện đều thấy na ná như vậy cả thôi. Tôi tham gia hợp tác xã từ ngày đầu thành lập, từng kinh qua các chức vụ đội trưởng sản xuất, ủy viên ban kiểm soát, phó chủ nhiệm hợp tác xã (1962-1972) nên những lúc đi họp trên tỉnh nghe nhiều nơi còn tệ hại hơn thế, công lao động chỉ đạt 1,4-1,8 hào/ngày…”
Nhà thơ K, sinh năm 1938, công tác tại NXB Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đã nghỉ hưu, hiện sống ở phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân – Hà Nội:
Tôi quê ở làng Mão Điền, cùng huyện Thuận Thành với ông Nguyễn Văn Cược và ông Hà Sỹ Phu. Tình hình thu nhập trong hợp tác xã của xã viên những năm 60 đúng là rất thấp, chủ yếu là thu nhập ngoài hợp tác xã. Nguyên nhân tham nhũng thời đó có nhưng chưa trầm trọng, chủ yếu là lãng phí. Thóc thu hoạch về nằm kho chờ nộp cho Nhà nước, có khi cả năm đợi vẫn chưa có xe về để giao, vụ nọ chồng lên vụ kia. Đến khi dỡ ra thì ôi thôi, lớp dưới dày cỡ 1m đã bị mốc xanh mốc đỏ. Dân không có gạo mà ăn, còn Nhà nước và hợp tác xã có lúc đổ đi hàng trăm tấn thóc. Lãng phí lớn nhất là sức lao động. Các công trình thủy lợi, đê điều lúc thi công các hợp tác xã huy động hàng vạn, có khi hàng triệu công lao động hóa thành bỏ đi, công cốc công cò vì khi thiết kế không tính kỹ. Liên hoan chè chén lu bù cũng là một hình thức lãng phí khác. Tuy nhỏ, nhưng lại trực tiếp đập vào mắt xã viên, gây bất mãn, lãn công. Nhưng ở quê tôi có một sự thật lạ đời, gạo ở ruộng 5% của nông dân chỉ được ăn, cấm mang ra chợ bán. Quê tôi là đất hiếu học, một làng có hơn chục nhà văn, nhà thơ và rất nhiều người thi đỗ vào đại học. Nông dân ăn độn ngô khoai để dành gạo bán đi lấy tiền nuôi con ăn học thì bị cấm đoán, đến khi họ tìm cách làm bánh chưng, bánh nếp, bánh tẻ đem ra chợ bán cũng thành vi phạm chính sách lương thực và bị tịch thu. Một bà nhà ở đầu làng mấy lần đem bánh đi bán bị các vị tịch thu sạch, mang vào văn phòng ngồi ăn với nhau. Bà ta uất quá, lần sau cũng gói bánh, nhưng bên trong nhân bánh toàn cứt trâu, cứt bò. Các vị tịch thu của bà xong đem vào văn phòng ăn với nhau hóa ra mình là thằng ăn cứt!
Ông NNT, kỹ sư địa vật lý ngành dầu khí, hiện đã nghỉ hưu sống tại thành phố Vũng Tàu kể:
“Năm 1962 ta bắt đầu triển khai phương án thăm dò dầu khí ở tam giác châu thổ sông Hồng nên chúng tôi đi đo trọng lực và địa chấn ở nhiều tỉnh đồng bằng và trung du Bắc Bộ. Một lần đi qua huyện Thanh Hà-Hải Dương gặp chuyện rắc rối không thể nào quên. Đất Thanh Hà nổi tiếng với đặc sản vải thiều, bọn tôi đến vào dịp tết Đoan Ngọ (5/5 âm lịch) giữa mùa thu hoạch quả, mỗi người mua 10 kg về làm quà cho gia đình, bạn bè ở Hà Nội. Cả xe có 8 người với lái xe là 9 nên trên xe chở ước chừng 1 tạ vải thiều. Xe ra khỏi làng chừng 500 m thì bị dân quân giữ lại. Nhà nước cấm bán vải thiều ra thị trường tự do, phải bán cho công ty xuất nhập khẩu của tỉnh, giá rẻ như bèo. Họ quy định khách ra vào xã chỉ được mang ra khỏi địa bàn mỗi người 1 kg vải thiều. Chúng tôi cãi lý rằng đây là cán bộ đi công tác mua về làm quà nhưng không được. Hỏi họ rằng, vải thiều là sản phẩm đất vườn nhà, thuộc diện tích 5% của xã viên, quyền bán hoặc cho là của xã viên, sao lại cấm? Không được trả lời! Điên tiết, chúng tôi hò nhau trói mấy anh dân quân ném lên xe chạy chừng 10 km rồi thả xuống bắt đi bộ về cho bõ tức. Vụ này khiến tôi là kỹ sư, trưởng đoàn bị kỷ luật hạ một bậc lương.”
Bản thân người viết những dòng này năm 16 tuổi (1962) đã chứng kiến cảnh 2 ông trong ban quản lý thị trường ở chợ Bưởi xô một bà cụ già trên 60 tuổi ngã sóng soài chỉ vì bà cụ mang hơn chục ca lạc ra chợ bán. Lạc là mặt hàng cấm bán tự do, chỉ dành để thu mua xuất khẩu. Có người thợ cắt tóc tên là Tư Ất cũng chứng kiến cảnh đó, ra can ngăn, nói lời phải trái không được, đã nổi đóa tung chân đá cán bộ quản lý thị trường gãy mất hai cái răng để giúp bà cụ chạy thoát. Tư Ất là học trò của võ sư lang Dương, bị quy thành phần địa chủ thời CCRĐ (đã dẫn trong lời kể của nhân chứng NVV). Vì việc đó, ông Tư Ất bị bắt giam 4 tháng về tội đánh người thi hành công vụ.
Có lẽ những bất cập của mô hình kinh tế Stalin ở nông thôn miền Bắc đã thúc đẩy một vài nhà khoa học cấp tiến ở viện kinh tế học viết bài đặt lại vấn để cơ chế và giá thu mua nông sản. Ông Bùi Công Trừng và hai tác giả khác bị quy vào phần tử xét lại. Đứng trước thực tế đời sống nông thôn ngày một đi xuống, một số nhà lãnh đạo cấp tiến ở các địa phương với lòng thương dân, trách nhiệm với vận mệnh quốc gia, nhãn quan sâu sắc và lòng quả cảm đã mạnh dạn thí điểm mô hình quản lý mới. Ngày nay nhiều học giả trong và ngoài nước biết đến ông Kim Ngọc, Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phú, xem ông như người tiên phong mở đường cho cơ chế khoán sản phẩm trong nông nghiệp. Thật ra một sự kiện phá rào bằng cơ chế khoán đã từng diễn ra năm 1962, ở hai huyện Vĩnh Bảo và Kiến Thuỵ thuộc tỉnh Kiến An cũ (nay nhập vào thành phố Hải Phòng). Cơ chế khoán ruộng đến từng hộ nông dân được tiến hành một cách bí mật do ông Hoàng Hữu Nhân, Bí thư tỉnh ủy khởi xướng, được lãnh đạo hai huyện nói trên ủng hộ. Năm 1963, hội nghị tỉnh đảng bộ cho phép thực hiện lối khoán đó như một mô hình thì điếm. Lập tức ông Hoàng Hữu Nhân bị Trung ương (Đảng) kiểm điểm, điều về Hà Nội giữ những chức vụ hữu danh vô thực đến khi nghỉ hưu và chết không được minh oan. Đến tháng 9/1966 ông Kim Ngọc (Vĩnh Phú) lại quyết tâm làm thử cuộc phá rào, thí nghiệm khoán sản phẩm theo ruộng đến từng hộ gia đình trên phạm vi cả tỉnh. Ông Kim Ngọc cũng bị phê bình, cách chức (1968) và không được công khai minh oan trên phương tiện thông tin đại chúng cho đến những năm đầu đổi mới. Thế nhưng tháng 9/1980, ông Đoàn Duy Thành khuấy động lại phong trào khoán Kiến An năm xưa của ông Hoàng Hữu Nhân trót lọt, và lần này ông đã đã trở thành người tiên phong đổi mới. Sau này, với cương vị Chủ tịch UBND rồi Bí thư thành ủy Hải Phòng, ông Thành khôn ngoan hơn hai vị trước ở chỗ ông cho thí nghiệm khoán ở Đồ Sơn, nơi có khu nghỉ mát của các vị trong Bộ Chính trị để các vị thấy tận mắt hiệu quả, mặt khác thời điểm này cũng đã chín mùi do tình hình chính trị thế giới có nhiều biến động ở Đông Âu và Trung Quốc. [Nhờ thành tích này, ông Đoàn Duy Thành được thăng chức lên Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế.]
Trở lại vụ xét lại của nhóm Bùi Công Trừng, khi nghiên cứu hồ sơ tài liệu về ông, tôi vô cùng khâm phục sự uyên bác và lòng quả cảm của nhà khoa học chân chính này. Ông vốn là trí thức du học ở Pháp, vào Đảng Cộng sản Pháp rồi đi học Đại học Cộng sản Phương Đông ở Matxcơva, tham gia Quốc tế Cộng sản. Không chỉ dừng ở bài báo xét lại giá thu mua nông sản, hồ sơ tài liệu cho thấy ông Trừng đặc biệt quan tâm đến phát triển làng nghề trong các hợp tác xã nông nghiệp. Theo quan điểm của ông Trừng, cần tổ chức tốt lại lao động của các nghệ nhân, đầu tư khoa học kỹ thuật, cải tiến sản xuất và phải tham gia tích cực vào phân công lao động và thị trường quốc tế. Lần theo mạch tư duy khoa học rất đáng trân trọng của ông Bùi Công Trừng, cuộc điều tra nông thôn của tôi đã dừng chân ở một số làng nghề để nghiên cứu. Theo các tài liệu của nhà nghiên cứu Pháp P.Gourou còn để lại, đầu thế kỷ 20, chỉ riêng khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ đã có hơn 400 làng nghề nổi tiếng: nghề đúc đồng ở Ngũ Xã (Hà Nội), Văn Môn (Bắc Ninh), chợ Cồn (Nam Định), nghề tơ tằm ở Vạn Phúc, Song Phượng (Hà Đông), Đại Mỗ (Hà Nội), Xuân Hồng (Nam Định); nghề gỗ khảm trai ở Đồng Kỵ, Phù Khê (Bắc Ninh), Phủ Lý (Hà Nam); nghề cói ở Nga Sơn (Thanh Hóa), Kim Sơn (Ninh Bình), nghề dệt ở Nghĩa Đô, Triều Khúc, Bái Ân, Trích Sài (Hà Nội), Tân Lập (Hà Đông)… Nhiều nơi như ở Nam Định nằm giữa các cụm làng nghề đã hình thành thị trường mua bán nguyên liệu rất sầm uất như chợ sắt ở Vân Tràng, chợ sợi ở Hòa Hậu, chợ kén tơ tằm ở Cổ Chất và Nhà Xá… Mô hình kinh tế mới (1961-1965) đã xóa bỏ các chợ nói trên, coi đó là sự phục hồi của chủ nghĩa tư bản. Trong các hợp tác xã nông nghiệp, mô hình chung của các nơi có làng nghề truyền thống bao gồm: các đội sản xuất nông nghiệp, tổ thủy lợi, tổ kỹ thuật, đội chăn nuôi và đội sản xuất thủ công nghiệp trực thuộc quyền điều hành của ban chủ nhiệm hợp tác xã mà thông thường là những người có ít hiểu biết về nghề thủ công. Lao động của các nghệ nhân không được coi trọng. Xã viên làm nghề thủ công cũng hưởng theo công điểm như các xã viên trồng trọt, chăn nuôi. Đầu ra của sản phẩm làng nghề lại bị động, gần như phụ thuộc vào các hợp đồng đổi hàng với Liên Xô và Đông Âu nên giá cả và tiến độ, khối lượng giao hàng rất tùy tiện. Ở thời điểm 1962-1963, ông Bùi Công Trừng dám công khai lên tiếng đòi tham gia phân công lao động và hòa nhập thị trường quốc tế, ngầm ý muốn đột phá đầu ra cho các làng nghề đến với trường Tây Âu, quả là sáng suốt và dũng cảm. Sau này, kể từ 1990, các làng nghề thủ công mỹ nghệ như Đồng Kỵ, Bát Tràng, Vạn Phúc đột biến thăng hoa, xuất hiện nhiều tỷ phú nhờ hòa nhập với thị trường thế giới, ta càng thêm kính phục ông Bùi Công Trừng và các cộng sự trong vụ bị quy kết là phần tử xét lại. Còn vào thời đó, các làng nghề bị mai một dần, đời sống của nông dân các làng nghề cùng chịu chung số phận nghèo đói như các làng thuần nông. Một làng nghề gốm sứ nổi tiếng như Bát Tràng lại chỉ cho ra đời thứ sản phẩm là những chiếc bát đĩa sành cong vênh, méo mó!…
Về mặt đời sống tinh thần, khi xem xét tài liệu thống kê năm 1963, trong cơ cấu tiêu dùng theo người/tháng chỉ có 0,26 đồng cho giải trí, 0,34 đồng cho y tế, 1,39 đồng cho chi khác (chủ yếu là học tập của con cái)… ta thấy còn rất thấp. Tuy nhiên, trên thực tế những năm 1961-1965 mạng lưới y tế, giáo dục ở nông thôn miền Bắc phát triển rất mạnh (xem Bài 1, phần II, mục 2). Nhìn chung người nông dân miền Bắc được xem phim 1 lần/tháng, xem hát chèo, tuồng hoặc cải lương 1 lần/3 tháng. Ở các vùng núi cao, Nhà nước cũng đặc biệt quan tâm thành lập các đội chiếu bóng lưu động phục vụ đồng bào dân tộc ít người.
Nói đến đời sống nông thôn không thể bỏ qua cuộc vận động đi khai hoang lập nghiệp ở miền núi. Đối tượng đưa gia đình đi khai hoang, trừ các gia đình tự nguyện, là các hộ lý lịch “bất hảo”, và còn có một số hộ vốn là cán bộ trong hợp tác xã dám dũng cảm đấu tranh với tham nhũng, lãng phí, đòi thay đổi cách quản lý. Tuy nhiên, khác với các hộ ở đô thị đi xây dựng vùng kinh tế mới, những hộ nông dân thường sớm thích nghi với hoàn cảnh, yên tâm làm ăn lâu dài. Ở Bát Sát (Lao Cai), Mai Châu (Sơn La) hiện có hàng nghìn hộ dân gốc quê Nam Định, Thái Bình lên khai hoang vào những năm 1962-1964.
III. Giai đoạn 1966-1975: Nguồn lực vô tận của chiến tranh
III.1. Nông dân là quân chủ lực
“Nông dân là quân chủ lực, đội quân hùng cường, không có nông dân thì kháng chiến ta không hề thành công”- đó là đoạn ca từ mở đầu cho một bài hát tuyên truyền thời kháng chiến chống Pháp. Thế hệ chúng tôi khi hòa bình mới được lập lại (1954), tuổi còn thiếu nhi, nhưng cũng được tập hát ra rả suốt ngày. Thời gian qua đi, không còn mấy ai thuộc lời, nhớ tên tác giả bài hát tuyên truyền ấy nữa. Chỉ khi điều tra về đời sông nông dân thời chiến (1966-1975), bỗng nhiên tôi nhớ lại câu đầu của bài hát và nó cứ vang vọng ám ảnh tôi mãi.
Ở miền Bắc, những người lính đi B đầu tiên vào năm 1959 là người miền Nam tập kết, do ông Võ Bẩm dẫn đầu, khai sinh ra đường mòn Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn. Tiếp sau đó, vào năm 1962 trở đi, những chàng trai trẻ nông thôn miền Bắc ở mọi miền quê tấp nập ra trận, đông nhất là nông dân các tỉnh Thái Bình, Hà Tây, Hà Bắc cũ. Họ ra đi với khí thế hào hùng và niềm tin tất thắng. Những ai viết về nông thôn giai đọan này, nhất là các cây bút trẻ giờ đây tiếp cận thông tin nhiều chiều cũng cần tỉnh táo và trung thực với lịch sử. Thanh niên Hà Nội và các thành phố đi B không nhiều, chủ yếu vào những năm 70. Theo số liệu thống kê của Bộ Lao đông – Thương binh – Xã hội, năm 1993, cả nước có 1,4 triệu thương binh và gia đình liệt sĩ, trong đó 84,7% là người miền Bắc, bị thương hoặc hy sinh thời chống Mỹ. Con số ấy vẫn còn xa với sự thật vào năm 1975 bởi đến thời điểm 1993, có nhiều trường hợp thân nhân liệt sĩ đã chết, gia đình không còn được hưởng chính sách hoặc khi người thương binh qua đời thì các chế độ của họ cũng hết, không nằm trong sự theo dõi của Bộ nữa. Tổn thất này, thiết nghĩ ta cũng không cần né tránh. Ở bất cứ chế độ chính trị nào, người nông dân Việt Nam trong suốt tiến trình lịch sử luôn phải chịu nhiều thua thiệt nhất về quyền lợi, nhưng khi có chiến tranh, họ lại là nguồn lực vô tận về sức người, sức của. Với khẩu hiệu “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, làng quê miền Bắc vắng bóng các trai làng, phụ nữ khỏe mạnh cũng đi thanh niên xung phong, nhất là các cô thanh nữ Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Lương thực ùn ùn chở về kho Nhà nước theo chế độ thu mua bắt buộc. Các hợp tác xã thiếu hụt lao động nghiêm trọng, khẩu hiệu “Mỗi người làm việc bằng hai” ra đời trong hoàn cảnh đó.
Trong hoàn cảnh chiến tranh, những hiện tượng quản lý kinh tế lỏng lẻo, quan liêu, độc đoán, chuyên quyền và tham ô, lãng phí của ban chủ nhiệm hợp tác xã có điều kiện bùng phát. Khẩu hiệu “Mỗi người làm việc bằng hai” được nông dân diễn nôm thành ca dao truyền khẩu:
Mỗi người làm việc bằng hai
Để cho chủ nhiệm mua đài, mua xe
Mỗi người làm việc bằng ba
Để cho chủ nhiệm xây nhà, liên hoan.
Phải thừa nhận mô hình kinh tế HTX cấp cao ở nông thôn đã phát huy hiệu quả tuyệt vời trong thời chiến về việc huy động sức người, sức của cho mặt trận. Mặt tiêu cực của nó vẫn âm ỉ lan rộng, nhưng lại bị nhòa lấp bởi khí thế cách mạng, lòng yêu nước và sự nhẫn chịu phi thường của những người nông dân thuần phác.
III.2. Đời sống thời chiến qua số liệu thống kê
Ở Bắc Việt Nam những năm chiến tranh có 2 cách để xem xét giá trị đồng tiền là giá gạo và giá vàng. Lấy giá cả năm 1959 làm chuẩn thì giá gạo và giá vàng những năm chiến tranh biến động như sau:
Năm 1959 giá gạo quê là 0,65 đồng/1kg, giá vàng là 55-60 đồng/1 chỉ.
Các năm chiến tranh giá cả tương ứng:
Năm 1966 là 0,70-0,80 đồng và 75-80 đồng.
Năm 1970 là 0,85-0,90 đồng và 90-100 đồng.
Năm 1974 là 0,95-1,00 đồng và 110-120 đồng.
Như đã trình bày ở Bài 1 (phần III, mục 3), do chiến tranh, vật phẩm khan hiếm, giá cả tăng, Nhà nước liên tục tăng lương cho khối cán bộ công nhân viên trong biên chế bằng việc lạm phát tiền, đẩy khó khăn này về cho nông dân. Thật vậy, khi đồng tiền lạm phát, lẽ ra giá gạo và giá vàng tăng đều nhau, nhưng trên thực tế chỉ có năm 1966 (bắt đầu cuộc chiến) diễn biến như vậy, còn các năm sau giá vàng tăng mạnh hơn giá gạo. Kết quả là thu nhập của người hưởng ngân sách được giữ vững, nông dân chịu thua thiệt, và kẻ hưởng lợi là những người giàu ở đô thị (lớp người này thời đó không đông, chưa đại diện cho một giai tầng xã hội như thời đổi mới hiện nay). Động thái khôn ngoan và rất tinh vi này chỉ có thể thực hiện trong mô hình kinh tế Stalin. Đi sâu vào phân tích số liệu thống kê ta sẽ càng thấy rõ.
Năm 1966 thu nhập bình quân đầu người/tháng của nông dân bằng tiền là 13,54 đồng, nhưng theo giá cả sinh hoạt năm1959 chỉ còn là 11,4 đồng. Tương ứng các năm sau:
Năm 1968 là 14,86 đồng và 10,6 đồng.
Năm 1970 là 15,69 đồng và 12,3 đồng.
Năm 1972 là 16,96 đồng và 13,1 đồng.
Năm 1974 là 18,68 đồng và 14,1 đồng.
Về cơ cấu thu nhập của nông dân giai đoạn này cũng có nhiều biến động lớn, cụ thể:
Trước chiến tranh (1961-1965) thu nhập từ hợp tác xã trung bình là 40,39%, thu nhập từ ruộng 5% là 51,30%, thu nhập từ các nguồn khác (chạy chợ, làm thêm nghề thủ công, làm thêm ngoài thị trấn, thị xã thành phố…. ) là 8,31%. Thời kỳ chiến tranh tôi chia thành 2 giai đoạn với các số liệu tương ứng:
1966-1970: 34,53%, 54,48% và 10,99%
1971-1975: 35,45%, 52,40% và 12,15%
Chia 2 giai đoạn theo mức độ ác liệt của chiến tranh đất đối không trên miền Bắc, đồng thời so sánh nó với cơ cấu thu nhập trong kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, ta càng thấy rõ mức độ thua thiệt của nông dân. Trước chiến tranh, Nhà nước thông qua cơ chế hợp tác xã dùng chính sách thu mua nông sản giá thấp, bán hàng công nghiệp giá cao để huy động vốn cho kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965), động thái này cộng với yếu kém trong quản lý hợp tác xã khiến thu nhập của xã viên trong hợp tác xã chỉ đạt 40,39%. Bước vào chiến tranh, người nông dân vẫn tiếp tục phải chịu thiệt thòi trong cơ chế ấy. Mặt khác, họ phải san sẻ thu nhập cho các gia đình có con em đi chiến trường, cho các đội dân quân trực chiến ở địa phương, cho bộ phận phi sản xuất của hợp tác xã ngày càng phình to ra… Vì vậy thu nhập từ hợp tác xã trong giai đoạn chiến tranh ác liệt chỉ đạt 34,53%, đến giai đoạn sau có khá lên một chút, đạt 35,45%. Chúng tôi tách thu nhập ngoài hợp tác xã ra thành 2 phần để thấy ngoài ruộng 5% ra, phần thu nhập khác nhờ bươn bả kiếm sống cũng tăng dần lên qua 3 giai đoạn. Sức chịu đựng và khả năng thích ứng của nông dân miền Bắc thật phi thường!
Tóm lại, số liệu thống kê đã chứng minh rằng chính sách tiền tệ và giá cả của Nhà nước thiên về ưu tiên cho khối hưởng lương biên chế (trong đó bao gồm rất nhiều sĩ quan quân đội và cảnh sát), cộng với những điều phân tích về xã hội nông thôn thời chiến vừa nêu mới chính là nguồn gốc sâu xa, to lớn của nỗi khổ mà nông dân thời chiến phải gánh chịu. Trên văn đàn và các cuộc hội thảo kinh tế học, xã hội học, một số văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu tự vỗ ngực mình là người cấp tiến đã quá thổi phồng mặt tiêu cực của mô hình quản lý hợp tác xã và hệ thống chính quyền cơ sở ở nông thôn, coi đó là nguyên nhân chính của mọi nỗi thống khổ là chưa công bằng và chuẩn xác. Thật ra, mọi sự tham ô, lãng phí, độc đoán, chuyên quyền ở nông thôn là có nhưng không lớn. Nó nhiều lắm cũng chỉ là những cuộc chè chén, thu vén cho riêng mình ngôi nhà ngói, sân gạch, bể nước, cái đài, cái xe… Công bằng mà nói đội ngũ cán bộ cấp cơ sở ở nông thôn có công hơn là có tội. Một chút thất thoát ấy cũng không đáng là bao so với khối lượng huy động khổng lồ về sức người sức của cho mặt trận mà họ đã hoàn thành một cách xuất sắc hơn ở bất kỳ một cuộc chiến tranh hiện đại nào trên thế giới. Việc làm của họ nếu so sánh với sự tham nhũng, lãng phí thời kỳ đổi mới hiện nay lại càng nhỏ bé, như hạt cát so với quả núi. Thật vậy, chỉ cần một nhóm quan chức địa phương hôm nay ở nông thôn tham ô vài miếng đất tại khu vực có triển vọng đô thị hóa là họ có thể chia nhau bỏ túi hàng triệu, thậm chí chục triệu, trăm triệu USD dễ như trở bàn tay. Một cuộc nhậu nhẹt hay ăn chơi xả láng của họ cũng đủ xây vài ngôi nhà tình nghĩa cho các bà mẹ Việt Nam anh hùng ở các làng quê hẻo lánh.
Đời sống nông dân về y tế, giáo dục và văn hóa, nghệ thuật bạn đọc có thể tham khảo Bài 1 (phần III, mục 3) hay phụ lục kèm theo, gồm các biểu đồ, bảng thống kê. Ở đây chỉ nhấn mạnh một điểm, do chiến tranh nên có vài năm việc tuyển sinh vào đại học không qua thi, nhờ đó con em nông dân, nhất là ở Nghệ Tĩnh, Quảng Bình có nhiều cơ hội học lên cao. Bước vào đổi mới, thế hệ trí thức xuất thân từ nông thôn trong giai đoạn này nhiều người là giáo sư, tiến sĩ hay cán bộ quản lý cấp cao. Đó cũng là một nét độc đáo của Việt Nam trong thế kỷ văn minh và hội nhập với cộng đồng thế giới.
III.3. Đời sống thời chiến qua điều tra, phỏng vấn
Trước khi ngồi viết lại phần này, tôi thắp nén nhang tưởng nhớ người bạn tâm giao, anh Lưu Xuân Viện, nhà ở phố Cửa Bắc-Hà Nội, quê ở làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Phụ – Thái Bình. Năm CCRĐ cha và ông nội của anh đều bị quy sai là địa chủ cường hào ác bá. Có lẽ vì vậy nên anh say mê nghiên cứu về CCRĐ và tình hình nông thôn miền Bắc. Là kỹ sư, công tác ở Bộ Điện than cũ, nhưng anh Viện am hiểu các môn khoa học xã hội. Chúng tôi đôi khi có dịp đàm luận với nhau suốt đêm về văn học, triết học, mỹ học, xã hội học, lịch sử… Anh giao du rộng với nhiều nhà văn, nhà báo và nổi tiếng trong số họ là người cao đàm khoát luận. Tôi vốn sinh ra trong một gia tộc lâu đời ở Hà Nội nên kiến thức về nông thôn còn rất hạn chế, chính anh là người giúp tôi hiểu về nông thôn. Nếu anh còn sống chắc sẽ bổ sung cho bài viết lần này của tôi nhiều điều lý thú (anh Viện mất năm 2003 vì bạo bệnh).
Một may mắn khác nữa là tôi được quen biết qua công việc với ông Hồ Đắc Hoài. Ông Hoài là chuyên gia đầu ngành, nhà khoa học lão thành về dầu khí. Khi tôi kể với ông về dự định nghiên cứu của tôi và khó khăn trong mảng nông thôn, ông khuyên tôi nên đi tìm các nhân chứng là công nhân, kỹ sư dầu khí của Liên đoàn địa chất 36, tiền thân của Tổng Công ty dầu khí hiện nay. Để tìm kiến thăm dò dầu khí, suốt từ năm 1962-1976, họ đã “cày nát” các tỉnh đồng bằng sông Hồng và các tỉnh phụ cận (Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh, Ninh Bình, Hải Phòng). Nhờ thế tôi có nhiều thông tin từ họ. Những người này hiện nay họ sống ở Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh, Vũng Tàu… Xin cám ơn vong linh anh Lưu Xuân Viện, cám ơn nhà khoa học lão thành Hồ Đắc Hoài!
Đời sống nông dân thời chiến có lẽ được thể hiện đầy đủ, rõ nét nhất ở đồng bằng và trung du Bắc Bộ. Ở các nơi này phong trào hợp tác xã cấp cao diễn ra nhanh mạnh và triệt để nhất. Trong chiến tranh đây cũng là vựa lúa và nguồn nhân lực chủ yếu cho chiến trường miền Nam. Do đặc thù của chiến tranh nên nhiều nơi ban chủ nhiệm hợp tác xã đảm nhận cả một số chức năng của chính quyền xã như vấn đề tổ chức và chu cấp kinh phí cho các hoạt động từ văn hóa xã hội, y tế, giáo dục đến tuyển quân, tổ chức dân quân trực chiến và mạng lưới an ninh nông thôn. Ông đội trưởng sản xuất gần như đảm đương cả chức vụ trưởng thôn, trưởng xóm. Sau luỹ tre làng, người quyết định đời sống nông dân thông qua số lượng, giá trị ngày công và phân phối nhu yếu phẩm (dầu hoả, đường, vải, quần áo may sẵn, giấy viết học sinh, khăn mặt, xà phòng, …) là ông đội trưởng và ông thư ký đội. Việc xác nhận lý lịch cho đi học, đi “thoát ly” cũng phải do ông đội trưởng viết rồi mới chuyển lên cho UBND xã ký và đóng dấu.
Ông NVT, sinh năm 1959, quê huyện Tiền Hải-Thái Bình, hiện đang sống ở Hà Nội kể:
“Anh tôi sinh năm 1948, năm 1967 Liên đoàn địa chất 36 cử người về làng tuyển công nhân khai thác dầu khí, nhưng vì gia đình tôi có hiềm khích với ông đội trưởng nên bị ngăn cản. Chuyện là hai nhà liền rào nhau, con gà mái nhà tôi đẻ lang sang chuồng nhà bên ấy, họ lấy trứng ăn bị mẹ tôi chửi bới suốt mấy ngày. Từ đó ông đội trưởng rất thù mẹ tôi, phê vào lý lịch anh tôi rất xấu. May nhờ có một ông tuyển người tốt bụng, biết chuyện mâu thuẫn, thuyết phục ông đội trưởng viết lại cho nhẹ đi. Anh tôi giờ đã học thêm đại học tại chức, làm kĩ sư ở một giàn khoan trên biển Côn Sơn, sống tại Vũng Tàu.”
Mức sống nông dân trước hết thể hiện qua bữa ăn thường nhật. Nhìn chung, có một ưu điểm nổi bật trong những năm chiến tranh là không có ai bị chết đói, nhưng khẩu phần ăn thì hết sức đạm bạc. Lương thực chính là gạo chỉ đủ ăn 7-8 tháng trong năm, ngay cả vùng quê 5 tấn Thái Bình (sản lượng 5 tấn thóc/ 1 ha- năm) cũng chỉ đủ gạo ăn 8.5- 9 tháng là cùng. Những tháng giáp hạt, lương thực chính là ngô, khoai, dong riềng. Đôi chỗ ở Thái Bình như các huyện Tiên Hưng, Vũ Tiên, Hưng Nhân, Duyên Hà vì gạo ít, không đủ nhiệt làm chín thức độn nên có nhiều nhà ăn cháo kèm với ngô luộc, khoai luộc hoặc củ đậu ăn sống, kéo dài suốt 3 tháng liền. Có lẽ vì thế nên ở thị xã Thái Bình có nhà máy xay xát rất lớn, dân gian gọi chệch đi là “nhà máy cháo”. Bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Hoàng Vân thời đó có câu “Cô Ba dũng sĩ quê ở Trà Vinh, chị Hai năm tấn quê ở Thái Bình…”, bị lũ trẻ học trò tinh nghịch hát trẹo đi thành “Cô Ba dũng sĩ quê ở Trà Vinh, chị Hai ninh cháo quê ở Thái Bình…”. Giai điệu bài hát nghe giống như tiếng gõ đũa vào thành bát chờ cơm của các chàng trai trẻ háu đói. [Không ngờ gần đây, khi nhà báo Nguyễn Phú Cương đi viết bài về chân dung nghệ sĩ Hoàng Vân, được nghe ông kể: “Năm ấy tôi cùng một nhóm văn nghệ sĩ đi thực tế sáng tác ở Thái Bình, đói lắm. Cả đoàn thường phải ngồi chờ cơm ở bếp ăn tập thể của cơ sở có khi tới hàng giờ. Ngồi buồn, anh em vừa gõ bát vừa tán dóc đủ thứ chuyện. Âm hưởng của tiếng gõ bát cứ lặp đi lặp lại, nghe vui tai, làm tôi chợt nảy ra ý tưởng lấy nó làm giai điệu chính, sáng tác bài hát về quê hương 5 tấn…”.]
Thực phẩm trong bữa ăn chủ yếu là rau muống, rau dền, rau lang, rau má. Nước chấm thường là tương, mắm tôm, mắm cáy, mắm cua. Ngay cả những xã ven biển làm ra nước mắm chỉ để cung cấp cho Nhà nước phục vụ dân đô thị và cán bộ công nhân viên trong biên chế, phần để lại dùng rất ít, chờ khi có khách hoặc giỗ tết mới mang ra dùng. Các loại gia cầm như gà, vịt, ngan, ngỗng và trứng phải mang ra chợ huyện bán để mua giấy bút, quần áo cho con đi học. Lợn nuôi được phải bán cho Nhà nước theo chỉ tiêu bắt buộc phân về từng hợp tác xã, đến lượt hợp tác xã lại phân về hộ gia đình. Trâu bò tuyệt đối cấm giết mổ để bảo vệ sức kéo. Mì chính là thứ gia vị đánh lừa cảm giác trong bữa ăn thiếu đạm, thời đó ở nông thôn rất quý hiếm. Những chàng công nhân trẻ, láu cá của Liên đoàn 36 tìm kiếm dầu khí mỗi tháng được cấp 2 gói mì chính (loại 25 gram/1 gói) thường không ăn mà để dành, thủ sẵn trong túi áo. Chờ đợt đi dã ngoại đo máy, các chàng nhắm các cô gái xinh đẹp lân la tán tỉnh. Khi đã bén gót được cửa nhà nàng, họ kính biếu thầy u cô gái 1 gói mì chính, liền được “các cụ” quý như vàng.
Đời sống kham khổ quanh năm, muốn có bữa ăn tươi, có thịt, có cá, có rượu, người nông dân thuần phác chỉ biết trông chờ vào các dịp giỗ tết, cưới hỏi, ma chay hoặc các bữa liên hoan tập thể. Mâm cỗ ở nông thôn thời đó phổ biến là thịt lợn luộc, canh khoai sọ nấu xương, rau các loại xào với thịt băm nhỏ hoặc lòng lợn. Thịt gà, măng, miến chỉ có ở mâm cỗ các gia đình cán bộ hoặc có con đi học nước ngoài. Ở nhiều nơi, nhất là Hà Bắc, Hải Hưng, Ninh Bình, thịt lợn luộc là món sang nhất mâm cỗ lại thường không bày vào đĩa mà đựng trong lá sen hay lá chuối thật to. Phụ nữ ngồi vào mâm không ai dám đụng đũa, đợi lúc đứng lên họ xé tầu lá chia đều cho từng người đem về cho con.
Cũng một kiếp người nhưng đôi khi quá nghèo, miếng ăn là miếng nợ. Mâu thuẫn giữa cộng đồng nhiều khi xuất phát từ nợ miệng mà ra, nhiều chuyện cười ra nước mắt.
Ông NHT, sinh năm 1947, công nhân dầu khí, quê ở Hưng Yên, hiện sống ở TP.HCM kể:
“Năm 1971, chúng tôi “đóng quân” ở một xã thuộc huyện Ninh Giang – Hải Dương để đo máy suốt 8 tuần, lại đúng vào mùa cưới. Cỗ cưới ở đây rất đơn giản, chỉ có thịt lợn luộc, 2 bát canh, 2 đĩa rau xào, nhưng phải làm cỡ 100 mâm trả nợ miệng cả làng. Lần ấy tôi đi dự đám cưới ở nhà ông L xóm 7 thôn Đình, đang vui vẻ thì có mấy người trèo tường vào đòi ăn cỗ. Họ cãi nhau ầm ĩ với gia chủ. Hoá ra năm trước nhà họ có đám cưới mời cả nhà gia chủ, nay gia chủ quên mời nên họ trèo tường vào đòi nợ!”
Tết Nguyên đán là ngày hết sức hệ trọng.Từ xã viên đến ban chủ nhiệm hợp tác xã đều phải tính toán, chuẩn bị từ vụ gặt lúa mùa vào tháng 10 âm lịch. Tiêu chuẩn mỗi hộ gia đình được chia từ 5-10 kg thịt lợn móc hàm (tính cả xương).Gạo nếp, đường, mật, đỗcác giá đình rậm rịch chuẩn bị vài tháng trước Tết. Ba món ăn phổ biến trong ngày Tết là bánh chưng, thịt đông, vài cặp giò xào. Ở một số nơi người ta gói bánh chưng Tết làm 2 đợt vào 23 tháng chạp và 15 tháng giêng, mỗi đợt từ 20-30 cái, nhiều là 50 cái. Sự hào phóng trong những ngày Tết thật ra cũng là để bù đắp cho cả năm ăn uống đạm bạc mà thôi. Tuy nhiên với bản tính lo xa, mỗi nhà khi làm cỗ đều cố gắng lọc thịt mỡ để dành khoảng 2 kg mỡ nước trong liễn sành treo trong buồng dùng ăn dần tháng giêng, tháng hai. Tóp mỡ cũng cất đi để dành, đem nấu canh dưa hoặc xào với rau cải, su hào, mỗi bữa đôi thìa.
Ông NVG, công nhân đo từ và trọng lực ngành dầu khí, sinh năm 1944, quê ở Hải Phòng, hiện sống ở khu Nam Thành Công – Hà Nội kể:
“Ở các vùng Yên Dũng, Quế Võ, Tiên Sơn (Hà Bắc) có 2 dấu hiệu để nhận biết năm ấy hợp tác xã cho xã viên ăn Tết to hay bé. Nếu ăn Tết to thì ngày mồng 3 hoặc 5 Tết, mỗi nhà còn dư thịt để nấu một nồi cháo thái – cháo bột nấu với xương, “cái” là bột gạo nếp nhào thật dẻo lẫn với thịt nạc rồi thái ra. Nếu ăn Tết bé do hợp tác xã khó khăn, mất đoàn kết hay mất mùa thì nồi cháo thái sẽ được thay bằng vài chục chiếc bánh khoai – khoai lang thái lát mỏng với ít tóp mỡ băm nhỏ làm nhân gói trong vài lớp lá chuối khô rồi đem hấp, khi ăn bánh thấy sần sật, bùi và béo, cũng đỡ nhớ nồi cháo thái theo tục lệ cổ truyền.”
Có lẽ sự thiếu hụt thịt, cá trong bữa ăn thường nhật đã làm nảy sinh tệ nạn liên hoan, chè chén lu bù ở các hợp tác xã. Người ta tổ chức ăn liên hoan bằng đủ mọi lý do: đại hội xã viên, đại hội đảng bộ hoặc chi bộ, đại hội đoàn, đại hội phụ nữ, lễ ra quân, lễ tổng kết phong trào ba đảm đang, lễ sơ kết 6 tháng hay cả năm, lễ đón mừng các danh hiệu thi đua… Thậm chí có những bữa liên hoan phát động chị em đặt vòng tránh thai hay tổng kết chiến dịch phun thuốc trừ muỗi, tiêm chủng phòng bệnh sởi, bệnh cúm, bệnh ho gà cho trẻ em cũng lu bù vài chục mâm.
Ông QTK, sinh năm 1942, cán bộ kỹ thuật Liên đoàn 36, hiện sống ở Gia Lâm-HN kể:
“Đơn vị tôi đóng trụ sở ở thôn Bối Khê, xã Bãi Sậy, huyện Ân Thi- Hưng Yên gần 7 năm. Tính ra riêng một năm 1968 cộng tất cả các cuộc liên hoan từ cấp đội sản xuất đến ban chủ nhiệm hợp tác xã, các đoàn thể chính trị có tới trên dưới 100 cuộc. Liên hoan nhỏ thì mổ một con chó hoặc con lợn, còn to thì có khi đến cả chục con lợn, trăm con vịt. Người ăn đã đông, nhưng trẻ con trong làng đứng chầu chực để người lớn cho nắm xôi, miếng thịt còn đông gấp mấy lần.”
III.4. Phân hoá giàu nghèo sau luỹ tre làng.
Chỗ ở và tiện nghi sinh hoạt là bề nổi rõ nhất của sự phân hoá giàu nghèo ở nông thôn bởi thời đó tiền hoặc vàng ở nông thôn rất ít. Có thể chia làm 3 đối tượng giàu nghèo khác nhau từ yếu tố quyền lực và sức lao động nhiều ít ở mỗi hộ.
Nhóm nhà giàu gồm có: cán bộ từ các đội trưởng, thư ký đội đến ban chủ nhiệm hợp tác xã; chánh phó chủ tịch xã và bí thư đảng ủy xã; nhà có con đi học nước ngoài hoặc có người làm việc trên huyện, trên tỉnh. Các gia đình này thường có nhà ngói 5 gian, 3 gian chính ở giữa, 2 buồng đầu hồi xây lồi ra 2m để đỡ lấy mái hiên của 3 gian chính. Nền nhà cao, đủ tam cấp (3 bậc). Sân gạch rộng chừng 60-100m2 với một bên là dãy nhà bếp, cối xay thóc, chuồng lợn và một bên là giếng, bể nước, nhà tắm. Sau lưng nhà là vườn rau hoặc cây ăn quả rộng chừng 1 sào đất. Chính giữa nhà là bàn thờ gia tiên, 2 bên là 2 cỗ phản gỗ tốt dày 6-8 cm. Rất ít nhà dùng giường gỗ kiểu Đức hoặc giường “mô-đéc” như ở thành phố. Bàn ghế tiếp khách thường là bộ trường kỷ bằng gỗ lim. Nhà nào khá giả hơn thì kê thêm một tủ chè khảm trai hoặc 1 tủ “buýp-phê”. Trên tường treo nhiều huân huy chương, bằng khen và khung ảnh. Mỗi nhà thường có 2 chiếc xe đạp, 1 chiếc đài bán dẫn của Liên Xô hoặc Trung Quốc. Như vậy nhà giàu sau lũy tre làng thời đó mới chỉ dừng ở mức đủ ăn, đủ mặc, có phương tiện đi lại thô sơ và phương tiện giải trí, cộng với chút quyền uy mà thôi. Nhóm gia đình này chiếm khoảng 7-10% trong làng.
Ông LTC, sinh năm 1946, kỹ sư địa vật lý dầu khí, hiện công tác tại liên doanh VietsovPetro ở Vũng Tàu kể:
“Hồi tôi đi thực địa ở Phố Tăng, huyện Tiên Hưng – Thái Bình (1970) để đo carotar lỗ khoan khoảng 1 tháng, có biết một chuyện kể ra ngỡ tiếu lâm hiện đại. Bà con ở đây kiểm điểm ông chủ nhiệm và bà kế toán hợp tác xã rất gay gắt về tội tham ô, hủ hóa. Thế nhưng khi bầu lại chủ nhiệm và kế toán cho khóa sau, họ vẫn bầu cho 2 vị ấy. Ông lãnh đạo huyện về dự đại hội xã viên hỏi: “Vì sao lại như vậy?” Bà con đáp: “Chuyện hủ hóa thì bà kế toán có cái ấy, tùy bà ta giữ hay cho ai thì cho. Còn như chức chủ nhiệm và kế toán, chúng tôi thấy họ đã tham ô đủ nhà, xe, đài rồi, làm tiếp khóa nữa bất quá chỉ thêm vài bữa nhậu. Nếu bầu người khác họ lại cấu véo của tập thể mua đài, mua xe, xây nhà, còn tệ hơn””. Ông LTC nhận xét: “Một ngôi nhà xây hồi đó cỡ 4.000 đồng, 2 cái xe và một cái đài cỡ 1.000 đồng. Tổng cộng tài sản tham ô hết 5.000 đồng. Xem ra mục tiêu và mức độ tham nhũng ở nông thôn thời chiến chưa lớn.”
Nhóm gia đình có mức sống trung bình ở nông thôn chiếm khoảng 50-60%. Chỗ ở của họ là ngôi nhà xây 3 gian hoặc 5 gian, nhưng hẹp và thấp. Vùng Hà Bắc, Hà Tây, Hải Hưng nhà thường lợp ngói, khung nhà bằng gỗ xoan và tre ngâm. Ở vùng biển Thái Bình, Hà Nam Ninh dân ít lợp ngói mà lợp bằng cói rất dày. Nền nhà một số láng xi măng, còn một số chỉ đầm đất với tro thật đanh và phẳng. Sân gạch và bể nước to bằng khoảng một nửa nhà giàu. Ưu điểm nổi bật của nhóm này là có tới 90% gia đình có hố xí hai ngăn hợp vệ sinh. Chuồng lợn và bếp thường bố trí sau nhà hoặc sát đầu hồi. Bàn ghế tiếp khách có nhà dùng bộ trường kỷ, có nhà dùng ngay cỗ phản gỗ kê ở giữa nhà. Đối tượng thuộc các nhóm này là các nhà có nhiều lao động khỏe, có con cái đi “thoát ly”, vợ chồng hoặc con gái lớn thạo buôn bán ở các chợ quê. Rất ít nhà trong nhóm này có đài bán dẫn, còn xe đạp thường chỉ có một cái đã cũ. Ông LTC (đã dẫn) cho biết, ở Thái Bình, Hưng Yên cứ 30 nhà trong nhóm này mới có 1 chiếc đài bán dẫn Sông Hồng của VN lắp, 5 nhà có 1 chiếc xe đạp Thống Nhất cà tàng.
Nhóm gia đình nghèo chiếm 20-30%. Họ ở nhà tranh vách đất, không có sân gạch, bể nước. Đó là những gia đình ít lao động, gia đình địa chủ cũ bị ngược đãi, một số khác do chủ hộ ốm đau, bệnh tật hoặc có dị tật. Nhóm này tiện nghi sinh hoạt không có gì đáng giá.
Thay lời kết
Ta vừa xét đến sự phân hóa giàu nghèo sau lũy tre làng là do những yếu tố quyền lực, cơ may và số lượng lao động trong một hộ gia đình. Còn có một hiện tượng giàu lên theo đúng nghĩa của quy luật kinh tế thị trường, rất hiếm hoi, bắt nguồn từ sự bứt phá để thay đổi cơ cấu thu nhập vốn rất vô lý của mô hình hợp tác xã cấp cao. Như đã biết, thu nhập của nông dân từ hợp tác xã chỉ đạt khoảng 40%, số còn lại dựa vào nguồn thu từ ruộng 5% và thu khác. Cái nguồn “thu khác” ấy chính là sự vận động của quy luật kinh tế thị trường ngay trong mô hình kinh tế HTX quan liêu bao cấp ở nông thôn. Vì vậy, thay cho lời kết, tôi sẽ đưa ra 2 câu chuyện làm ăn của ông NĐT (nhân chứng đã dẫn ở đầu bài viết). Nó mách bảo ta sức sống mãnh liệt của kinh tế thị trường, gợi nhiều điều suy gẫm.
Ông NĐT (xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành – Bắc Ninh) kể:
Câu chuyện thứ nhất:
“Bắt đầu từ năm 1964, thu nhập của bà con nông dân thôn tôi nếu dựa vào hợp tác xã chỉ đạt một nửa, dần dà không được một nửa. Tất cả mọi thứ chi tiêu về dầu đèn, sách vở cho con, may sắm và sửa chữa nhà cửa đều trông vào mảnh ruộng 5% của gia đình. Quê tôi vừa có đồng, vừa có bãi. Số đất bãi chiếm 2/3 nên sản phẩm phụ của bà con trông cả vào vụ rau mấy tháng giáp tết ngoài bãi sông Đuống. Nhà nào giỏi lại chịu khó thì có thu nhập cả rau giống và rau ăn. Hạt giống su hào của Trung Quốc Nhà nước chỉ bán rất hạn chế cho hợp tác xã. Nhà nào trồng su hào giống phải mua chợ đen với giá 200 đồng/lạng, tương đương 3 chỉ vàng (1964). Năm 1968, Nhà nước đột nhiên bán ruộng rãi hạt giống su hào với giá 60 đồng/lạng, lại chia từng gói nhỏ 30-50 gam cho vừa túi tiền của nông dân. Các nhà trồng cây giống su hào đều ngừng hết vì nghĩ ai có ruộng cũng mua hạt giống của Nhà nước, mình gieo hạt rồi bán cho ma. Tôi với ông bạn NVD bên xóm Chùa bàn nhau, thiên hạ sợ và bỏ cả thì ta gieo sẽ lãi to vì người trồng rau họa hoằn mới có người biết gieo giống. Năm ấy tôi và ông bạn vay tiền ngân hàng gieo giống su hào đại trà, thuê cả ruộng của các nhà quen biết trong thôn. Kết quả năm ấy khắp các chợ Dâu, Keo, Phủ Hồ, Điện Tiền, Yên Nhuế, Lạc Đạo, Bần Yên Nhân chỉ có cây giống su hào của anh em chúng tôi, bán đắt như tôm tươi. Giá một mớ su hào giống mọi năm có hào rưỡi, nay lên tới hai hào, hai hào rưỡi, có hôm “cháy chợ” lên tới ba hào. Vụ rau giống su hào năm 1968 tôi thu lãi hơn 2.000 đồng, đủ tiền xây nhà cho cô em gái có chồng đi B. Ông D bạn tôi qua vụ này mua xe đạp, đài bán dẫn rồi vẫn còn tiền xây lại bếp và đào giếng.”
Câu chuyện thứ hai:
“Quê tôi cách trường đại học Nông nghiệp Hà Nội khoảng 18 km. Tôi và ông bạn NVD nghe tin ở đó có nhu cầu dựng nhanh mấy trăm gian nhà tranh cho cán bộ và sinh viên đi sơ tán về vào cuối năm 1969. Biết họ cần 10 vạn tấm gianh lá mía, chung tôi liền lân la tìm đến, đãi đằng mấy ông ở phòng kế hoạch để xin ký hợp đồng. Hồi ấy, cá nhân không có tư cách ký hợp đồng với cơ quan nhà nước nên tôi phải vất vả, tốn kém rất nhiều với ban chủ nhiệm hợp tác xã mới xin được con dấu và chữ ký. Mọi việc xong xuôi, tôi với ông bạn ngồi bàn triển khai hợp đồng mới thấy mình liều: vốn liếng 2 nhà góp lại được gần 3.000; giá trị hợp đồng 70.000 đồng (0,7đ x 100.000 tấm) mà cơ quan chỉ tạm ứng cho 2.000 đồng, còn đâu giao hàng đợt nào lấy tiền đợt ấy, nhưng chậm nhất 3 tháng phải giao đủ 10 vạn tấm gianh. Cuối cùng thì chúng tôi cũng đã tìm được cách tháo gỡ khó khăn. Để làm một tấm gianh cần có lá mía, hom tre và thợ chẻ hom, đánh gianh. Bãi mía bạt ngàn bên sông Đuống là nguồn cung cấp lá mía trả chậm cho hợp tác xã nên khỏi lo, chỉ cần “tế nhị” với ban chủ nhiệm. Thợ đánh gianh, chẻ hom có sẵn ở mấy làng bên tỉnh Hưng Yên, đang mùa nông nhàn, gọi sang vài trăm người không khó. Cái vướng nhất là tiền ăn cho thợ và tiền mua tre để chẻ hom. Năm ấy có biểu hiện nước sông sẽ lên to, tất cả các bụi tre bên sông Đuống từ thôn Lệ Chi qua Đình Tổ, Đại Trạch, Phú Mỹ, Á Lữ lên đến phủ Thuận Thành đều có khả năng bị Nhà nước trưng dụng để hộ đê. Chúng tôi đã tính toán kỹ khối lượng tre dùng cho hợp đồng không ảnh hưởng gì đến kế hoạch hộ đê nếu lũ lụt xảy ra. Song người nông dân sẵn tâm lý tư lợi, xót của vì giá trưng dụng hộ đê thấp gần như cho không mà số tiền ít ỏi còn lại rất lâu mới nhận được. Nắm được tâm lý ấy, chúng tôi dùng tiền đãi ngộ chính quyền các xã có tre, thông qua họ bảo lãnh để mua chịu tre của nông dân với giá đắt hơn ngoài thị trường 5-7%. Có được tre mua về, chúng tôi xử lý cho cắt 1,2 m ngọn tre bán cho xí nghiệp sản xuất nông cụ làm cán cuốc, cán xẻng. Đoạn 0,8 m gốc tre chúng tôi huy động nhân lực 2 gia đình, họ hàng, xóm giềng làm chổi tre bán cho cửa hàng bách hóa trên huyện, trên tỉnh và giao đi các chợ ở Hà Nội.
Từ hai khoản tiền thu được từ các sản phẩm đơn giản này, cộng với số vốn ít ỏi đã có, chúng tôi đủ tiền mua gạo, thực phẩm và tạm ứng cho 120 thợ bên Hưng Yên mỗi người 15 đồng để họ khẩn trương thu xếp việc nhà sang chẻ hom, đánh gianh. Suốt đoạn đê sông Đuống gần chùa Bút Tháp dài 2 km biến thành “xí nghiệp” sản xuất cơ động của tôi và anh bạn, tấp nập hơn 2 tháng. 10 vạn tấm gianh chứ 20 vạn chúng tôi cũng dư sức hoàn thành đúng tiến độ của hợp đồng.
Chưa hết, ở khâu vận chuyển lại nảy ra sáng kiến mới. Hàng ngày đội máy kéo của huyện có 3-5 xe công nông ra thị trấn Trâu Quỳ ở quốc lộ 5, gần trường Đại học Nông nghiệp để chở phân đạm bón ruộng hay xi măng làm thủy lợi cho huyện. Trên đường đi về họ phải qua chợ Dâu, cách chỗ chúng tôi 4 km. Nếu bình thường chúng tôi thuê xe chở gianh lá mía giao cho chủ hợp đồng phải mất 1,2 hào/1 tấm gianh. Thuyết phục đội trưởng đội máy kéo của huyện, chúng tôi ký được hợp đồng vận chuyển chỉ mất 0,6 hào/1 tấm và đôi bên lại cùng có lợi. Tính riêng tiền vận chuyển 10 vạn tấm gianh, chúng tôi đã tiết kiệm 600 đồng. Tổng cộng các khoản lợi nhuận sau 3 tháng hợp đồng, tôi và ông NVD chia nhau mỗi người 24.000 đồng (khoảng 25 cây vàng). Chằng những thế, chúng tôi còn đem lại việc làm cho 120 lao động ở Hưng Yên và 80 lao động ở thôn Đình Tổ, giá trị ngày công là 1,4 đồng/ngày, tương đương với lao động công nhật ngoài thành phố (giá công lao động ở hợp tác xã Đình Tổ lúc đó chỉ đạt mức rẻ mạt 2 hào 7 xu/ngày). Ngoài ra, đội máy kéo của huyện nhờ hợp đồng với chúng tôi mà có thu nhập thêm 600 đồng.
Năm 1969, sau khi Mỹ tuyên bố ngừng bắn phá miền Bắc từ vĩ tuyến 19 trở ra, các cơ quan, xí nghiệp, trường học từ khu sơ tán lục tục kéo về thành phố nên nhu cầu dựng nhà tạm tranh tre nứa lá rất lớn. Nhưng tôi không được ký tiếp những hợp đồng kinh tế khác nữa vì địa phương ganh ghét, quy chụp tôi và ông NVD là đảng viên mà có tư tưởng phục hồi chủ nghĩa tư bản, điều tôi ra trông coi bến đò Lệ Chi, không cho làm trưởng trại chăn nuôi rất nhàn hạ nữa. Nếu từ hồi ấy, họ để tôi tự do mở một công ty hay xí nghiệp biết đâu tôi và ông NVD đã thành ông chủ lớn, chẳng đến nỗi làm ông già nông dân 72 tuổi chân đất, mắt toét như bây giờ…”
Những người như ông NĐT, ông NVD thời nào cũng hiếm, trong chiến tranh, giữa cơ chế hợp tác xã theo mô hình Stalin càng cực hiếm. Nhưng đất nước muốn phát triển không thể thiếu họ. Đó là quy luật tất yếu, cũng là hiện thực đời sống. Họ là tia chớp giữa bầu trời đêm, báo hiệu sự đào thải của mô hình Stalin ngay cả khi nó tưởng như đang cực thịnh bởi chiến tranh làm cho mặt ưu việt phát huy đến mức tuyệt vời, mặt tiêu cực bị nhòa lấp bởi lòng yêu nước và sức chịu đựng phi thường của nông dân Việt Nam. Kinh tế thị trường chỉ có một tên gọi duy nhất. Những cách gọi khác đi…dường như có cái gì không ổn!…
Hà Nội 5/1999