Mekong dòng sông nghẽn mạch [6]

Thay kết từ

Câu chuyện của dòng sông

Ngô Thế Vinh

Mọi người đều sống dưới nguồn

Everybody Lives Downstream

World Water Day 03-22-1999

clip_image002

Giáo sư Võ Tòng Xuân trên đồng lúa cháy do ngập mặn

DẪN NHẬP. Khi mà Trung Quốc đã và còn đang tiếp tục xây những con đập thủy điện khổng lồ chắn ngang dòng chính sông Mekong, tiếp đến Thái Lan có kế hoạch chuyển dòng lấy nước từ sông Mekong ngay cả trong mùa khô, cộng thêm nạn phá rừng rồi phá đá để mở rộng một thủy lộ cho tàu trọng tải 700 tấn chở đầy hàng hóa của Trung Quốc từ giang cảng Tư Mao xuống tới Vạn Tượng… Cho dù chưa có dự án nào tới giai đoạn kết thúc, nhưng nơi các quốc gia hạ nguồn và nhất là Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) đã bắt đầu chịu những hậu quả “nhãn tiền”: như những cơn lũ bất thường trong mùa mưa, nạn thiếu nước ngọt và nhiễm mặn trầm trọng hơn trong mùa khô, tôm cá sút giảm tới mức báo động về số lượng cũng như số chủng loại. Ngót 20 triệu cư dân vùng ĐBSCL đang và sẽ phải làm gì để thích nghi và sống còn?

Đó là nội dung bài viết của nhà văn Ngô Thế Vinh, tác giả cuốn Cửu Long Cạn Dòng Biển Đông Dậy Sóng. Trong những năm qua, ông cùng với Nhóm Bạn Cửu Long đã có nhiều bài viết báo động về một ĐBSCL và con sông Mekong trước nguy cơ. Ông cũng đã thực hiện những chuyến đi khảo sát các khúc sông thượng nguồn và đã có bài viết tường trình trực tiếp từ con đập Mạn Loan – là con đập thủy điện lớn đầu tiên trong dự án 14 con đập Trung Quốc chắn ngang sông Lan Thương. [www.vietecology.org]

*

MỘT GIẤC MỘNG LỠ

Từ thập niên 40, các nhà xây đập Mỹ đã quan tâm tới tiềm năng thủy điện của con sông Mekong. Năm 1957, giữa thời kỳ chiến tranh lạnh, với bảo trợ của Liên Hiệp Quốc, một Ủy Ban Sông Mekong [Mekong River Committee] được thành lập bao gồm 4 nước Thái Lan, Lào, Cam Bốt và Nam Việt Nam với một văn phòng thường trực đặt tại Bangkok. Khi soạn thảo kế hoạch phát triển sông Mekong, Liên Hiệp Quốc đã chia Lưu Vực Lớn sông Mekong [GMS, Greater Mekong Subregion] thành hai tiểu lưu vực:

Lưu Vực Trên (Upper Basin) thuộc Vân Nam Trung Quốc, Lưu Vực Dưới (Lower Basin) thuộc 4 quốc gia hạ nguồn. Hai tiểu lưu vực cách nhau bởi khu Tam Giác Vàng, là vùng ba biên giới thuộc các nước Miến Điện, Thái Lan, Lào.

Kế hoạch phát triển Lưu Vực Dưới sông Mekong của Liên Hiệp Quốc như một “Giấc Mộng Lớn” đầy tham vọng, nhằm cải thiện cuộc sống cho toàn thể cư dân sống trong lưu vực. Cho dù có một nửa chiều dài sông Mekong chảy qua Vân Nam nhưng Trung Quốc lúc đó còn là một quốc gia khép kín và ít được nhắc tới.

Nhưng rồi, Chiến Tranh Việt Nam đã lan rộng ra cả ba nước Đông Dương qua hơn ba thập niên, Thái Lan tuy không trực tiếp tham chiến nhưng cũng đã là một hậu cần của Mỹ trong suốt cuộc chiến, nên kế hoạch xây dựng các đập thủy điện lớn như Pa Mong, Sambor, Khemmerat trên dòng chính sông Mekong vùng hạ lưu, và các chương trình khai thác khác đã phải gián đoạn, khiến cho con sông Mekong còn giữ được sự nguyên vẹn thêm một thời gian nữa.

“Giấc Mộng Lớn đã trở thành Giấc Mộng Lỡ ” trên một vùng đất đai còn nhiều máu me và chưa có hòa bình.

GIỮA NHỮNG CÁNH ĐỒNG CHẾT

Tuy chiến tranh Việt Nam chấm dứt năm 1975, nhưng vẫn còn một cuộc chiến diệt chủng diễn ra trên Xứ Chùa Tháp. Không có Cam Bốt, một Ủy Ban Mekong Lâm Thời [Mekong Interim Committee] được thành lập năm 1978, với hoạt động rất hạn chế. Cũng trong thời gian này, Thái Lan có kế hoạch chuyển dòng sông Mekong nhằm đưa một lượng nước lớn bơm tưới cho vùng đông bắc Thái khô hạn nhưng gặp sự chống đối của Việt Nam. Thái Lan đi tới phủ nhận tính cách pháp lý của Ủy Ban Sông Mekong, viện lý do là tổ chức này đã không còn phù hợp với những thay đổi về chánh trị, kinh tế và xã hội trong vùng. Trong điều kiện phân hóa như vậy, Ủy Ban Mekong Lâm Thời hầu như bị tê liệt.

NHƯ MỘT BIẾN THỂ VÀ XUỐNG CẤP

Bước vào thời bình, con sông Mekong đã trở thành mục tiêu khai thác của 6 quốc gia trong Lưu Vực Lớn Sông Mekong [GMS, còn được gọi là Tiểu Vùng Sông Mekong Mở Rộng]. Cùng là những quốc gia ven sông nhưng mỗi nước lại có những ưu tiên phát triển khác nhau với những quyền lợi mâu thuẫn. Do đó, phục hồi một tổ chức điều hợp liên quốc gia tương tự như Ủy Ban Sông Mekong trước đây là cần thiết.

Ngày 05 tháng 04 năm 1995, 4 nước hội viên gốc của Ủy Ban Sông Mekong đã họp tại Chiang Rai, bắc Thái, để cùng ký kết một “Hiệp Ước Hợp Tác Phát Triển Bền Vững Hạ Lưu Sông Mekong” và đổi sang một tên mới là Ủy Hội Sông Mekong [Mekong River Commission] với một thay đổi cơ bản trong Hiệp Ước mới này – thay vì như trước đây, mỗi hội viên trong Ủy Ban Sông Mekong có quyền phủ quyết bất cứ một dự án nào bị coi là có ảnh hưởng tác hại tới dòng chính sông Mekong – thì nay, theo nội quy mới không một ai có quyền như vậy và trong ngôn từ để chuẩn y các dự án cũng rất là mơ hồ như chỉ qua thông báo và tham khảo.

Ủy Hội Sông Mekong gồm 3 cơ cấu: Hội Đồng Đại Diện, Ủy Ban Hỗn Hợp, Văn Phòng Thường Trực, hiện có văn phòng đặt tại Vạn Tượng. Riêng Ủy Hội Quốc Gia Sông Mekong Việt Nam có văn phòng đặt tại phố Hàng Tre Hà Nội, thuộc châu thổ Sông Hồng.

Có thể nói Ủy Hội Sông Mekong là “biến thể và xuống cấp” của Ủy Ban Sông Mekong trước kia. Khác với tham vọng chiến lược ban đầu của Ủy Ban Sông Mekong nhằm khai thác tiềm năng sông Mekong cho sự thịnh vượng của toàn vùng, nay mục tiêu của Ủy Hội Sông Mekong có phần khiêm tốn và thu hẹp hơn nhiều.

Ủy Hội Sông Mekong sau 10 năm hoạt động [1995-2005], cũng đạt được vài thành quả ban đầu như đi tới thỏa thuận chia xẻ thông tin giữa 4 nước thành viên, thiết lập đưa vào sử dụng “mạng lưới internet” tiên đoán lũ lụt và theo dõi dòng chảy mùa khô; và ký kết được một thỏa ước [tháng 4, 2002] có thể gọi là lịch sử nhằm trao đổi dữ kiện thủy văn [hydrological data exchange agreement] với Trung Quốc và Ủy Hội Sông Mekong v.v. (1)

THẮT NGHẼN MẠCH SỐNG – TRUNG QUỐC NGĂN SÔNG

Chiến lược ngăn sông Mekong để xây 14 con đập bậc thềm Vân Nam của Trung Quốc đã có từ thập niên 70, đây có thể coi là một đòn giáng chí tử trên mạch sống của dòng sông.

Trong ba thập niên vừa qua, Trung Quốc đã ào ạt khai thác con sông Lan Thương [tên Trung Quốc của con sông Mekong], bằng cách xây các đập thủy điện khổng lồ chắn ngang dòng chính làm ảnh hưởng tới nguồn nước, nguồn cá, nguồn phù sa và cả gây ô nhiễm cho hạ nguồn.

Tuy chỉ mới có 2 con đập hoàn tất [Mạn Loan 1500 MW, Đại Chiếu Sơn 1350 MW], 2 đang xây [Tiểu Loan 4200 MW, Cảnh Hồng 1350 MW] trong dự án Mười Bốn Con Đập Vân Nam, vậy mà chưa bao giờ trong Mùa Khô, mực nước con sông Mekong lại có thể xuống thấp đến như vậy.

Ở một số nơi, có những khúc sông hầu như cạn dòng và đã trơ đáy. Nguồn cá và nông nghiệp đã trực tiếp bị ảnh hưởng. Không chỉ đơn giản vì “thiếu mưa”, sự kiện sông Mekong cạn dòng năm 1993 mà không vào Mùa Khô, trùng hợp với thời điểm Trung Quốc bắt đầu lấy nước vào con đập thủy điện đầu tiên Mạn Loan ngang dòng chính sông Mekong trên Vân Nam.

Để có đủ nước vận hành 2 đập thủy điện Mạn Loan và Đại Chiếu Sơn, Trung Quốc đã thường xuyên đóng các cửa đập khiến mực nước sông đã xuống tới mức thấp nhất.

Tại Lào, trong tháng 3/2004, tổ chức du lịch đã phải hủy bỏ 10 chuyến du ngoạn trên sông chỉ vì những khúc sông quá cạn. Phía bên Thái Lan, Odd Bootha 38 tuổi, anh lái đò bến Chiang Khong Bắc Thái đã phải than thở: “Nếu Trung Quốc cứ xây thêm đập thì sông Mekong chỉ còn là một con lạch.”

Chainarong Sretthachau, giám đốc Mạng Lưới Sông Đông Nam Á [Southeast Asia Rivers Network] cho rằng “Trung Quốc đã có quyền lực để kiểm soát dòng sông Mekong.”

Tính đến tháng 8, 2014, đã có 6 trong số 14 con đập Bậc Thềm Vân Nam được hoàn tất:

1/ Mạn Loan (Manwan) 1,500 MW con đập dòng chính đầu tiên trên sông Mekong, khởi công từ 1984 và hoàn tất 1993

2/ Đại Chiếu Sơn (Dachaosan) 1,350 MW con đập dòng chính thứ hai, khởi công 1996, hoàn tất 2003

3/ Cảnh Hồng (Jinghong) 1,500 MW là con đập dòng chính thứ ba, khởi công 2003 hoàn tất 2009

4/ Công Quả Kiều (Gongguoqiao) 900 MW là con đập dòng chính thứ tư, khởi công 2008 hoàn tất 2011

5/ Tiểu Loan (Xiaowan) 4,200 MW là dòng chính thứ năm, khởi công 2001 và hoàn tất 2010

6/ Noạ Trác Độ (Nuozhadu) 5,850 MW là con đập dòng chính thứ sáu, khởi công 2006 hoàn tất 2014

Sau khi hoàn tất con đập thứ 6 Noạ Trác Độ 2014, Trung Quốc đã đạt được công suất 15,150 MW – nghĩa là hơn một nửa của toàn công suất 28,930 MW tiềm năng thuỷ điện của con sông Lan Thương. Với 8 dự án đập dòng chính còn lại, Trung Quốc cũng sẽ dễ dàng dứt điểm sớm trong vòng mấy thập niên đầu Thế kỷ 21.

Theo Fred Pearce, thuộc Đại học Yale, thì sau khi hoàn tất con “Đập Mẹ” Tiểu Loan, và con đập “khổng lồ lớn nhất” Nọa Trác Độ, con sông Mekong đã trở thành tháp nước và là nhà máy điện của Trung Quốc. [Damming the Mekong: Major blow to an Epic River, Yale Environment 360, 22 June 2009]

Cũng theo Philip Hirsch, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Sông Mekong thuộc Đại học Sydney thì: “Hai con đập khổng lồ Tiểu Loan và Nọa Trác Độ sẽ ảnh hưởng trên suốt dòng chảy của con sông Mekong xuống tới tận Đồng Bằng Sông Cửu Long của Việt Nam.”

Do nhu cầu điện của Trung Quốc tăng 5-6% / năm, để đáp ứng tốc độ phát triển kinh tế, trước viễn tượng nguồn dầu khí ngày càng cạn kiệt, Trung Quốc gia tăng tốc độ xây thêm các lò điện nguyên tử, từ 1 tới 2 lò mới mỗi năm, bất chấp mọi hậu quả (National Geographic, Aug 2005).

Đi xa hơn nữa, chỉ mới đây thôi, nếu không gặp sự chống đối mạnh mẽ từ các nhà lập pháp Mỹ, Công Ty Dầu Khí Nhà Nước Trung Quốc (Cnooc/ Chinese National Offshore Oil Corp.) đã thành công mua đứt Unocal, công ty dầu khí lớn thứ hai của Mỹ với 18.5 tỉ Mỹ kim để sở hữu nguồn dầu khí chiến lược và cả khống chế quyền khai thác các túi dầu trên toàn Biển Đông. [NY Times, Aug 3, 2005].

Với khát vọng vô hạn về năng lượng, rõ ràng không có dấu hiệu nào Trung Quốc sẽ dừng bước hay chậm lại kế hoạch khai thác nguồn thủy điện phong phú của con sông Mekong.

Nhận định về các kế hoạch khai thác sông Mekong của Trung Quốc, Tyson Roberts thuộc Viện Nghiên Cứu Nhiệt Đới Smithsonian [Mỹ] đã phát biểu: “Xây các đập thủy điện, khai thông thủy lộ, với tàu bè thương mại quá tải sẽ giết chết dòng sông… Các bước khai thác của Trung Quốc sẽ làm suy thoái hệ sinh thái, gây ô nhiễm tệ hại, khiến con sông Mekong đang chết dần, cũng giống như con sông Dương Tử và các con sông lớn khác của Trung Quốc.” (3)

Với Cam Bốt, ai cũng biết rằng trái tim Biển Hồ chỉ còn đập khi con sông Tonle Sap còn duy trì được dòng chảy hai chiều theo mùa. Trong mùa lũ, sông Mekong phải đủ nước chảy ngược vào Biển Hồ, như một “điều kiện sống còn” cho nguồn cá và vựa lúa của người dân xứ Chùa Tháp. Nhưng chưa hề có bảo đảm nào cho một tương lai như vậy. Thủ Tướng Hunsen, nhân buổi lễ thả cá giống vào một hồ ở phía đông Cam Bốt, đã tỏ ra thỏa mãn với tình hình khai thác con sông Mekong như hiện nay, nhất là với nước lớn Trung Quốc, theo ông “sẽ chẳng có vấn đề gì phải quan tâm.”

Trước khi bay sang dự Hội Nghị Thượng Đỉnh Côn Minh, ông Husen đã công khai lên tiếng ủng hộ Bắc Kinh, gần như vô điều kiện đối với kế hoạch khai thác sông Mekong, cho dù điều ấy đi ngược lại ý kiến quan ngại gần như báo động của các chuyên gia bảo về môi sinh. Đi xa hơn thế nữa, ông Hunsen còn cho rằng “ý kiến chỉ trích chỉ để chứng tỏ là họ chú ý tới môi sinh, và đôi khi họ dùng đó như thứ rào cản nhằm ngăn chặn sự hợp tác nên có giữa 6 quốc gia.” [AFP, 6/29/05].

Chỉ vì sự thiển cận và chút quyền lợi rất ngắn hạn [trước đó Bắc Kinh cho Nam Vang vay 30 triệu Mỹ kim, cộng thêm với 70 triệu Mỹ kim nữa để cải thiện hệ thống quốc lộ]. Hunsen đã dễ dàng hy sinh một dòng sông và một Biển Hồ như mạch sống và trái tim của cả một đất nước Cam Bốt. (4)

Nói gì đi nữa thì Bắc Kinh vẫn cứ đi thênh thang trên con đường đã vạch ra của mình. Trong hai ngày 4-5 tháng Bảy vừa qua [2005], từ thủ phủ tỉnh Vân Nam, trong ánh điện rực sáng tỏa ra từ những tòa nhà cao ốc do nguồn thủy điện từ con đập Mạn Loan trên sông Mekong, Thủ Tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã nói thẳng trước Hội Nghị Thượng Đỉnh 6 nước thuộc Lưu Vực Lớn Sông Mekong họp lần Hai tại Côn Minh rằng:

“Đừng quá trông cậy lệ thuộc vào Trung Quốc trong khi Trung Quốc chủ yếu dựa vào sức mình là chính trong tiến trình phát triển… Cho dù có tiến bộ kinh tế đã đạt được nhưng cũng phải khiêm tốn để thấy rằng lợi tức tính trên mỗi đầu người ở Trung Quốc vẫn chỉ được sắp hạng dưới 100 so với các nước phát triển khác trên thế giới.” (5)

Bảo vệ môi trường nếu có được nhắc tới hơn một lần trong hội nghị chỉ “như một khẩu hiệu”, trong khi Trung Quốc vẫn không ngừng xây hàng loạt những con đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong, đang gây rất nhiều quan ngại của các chuyên gia môi sinh với ảnh hưởng tác hại khó lường đối với nguồn nước nơi hạ nguồn.

LẤY MÁU CỦA ĐẤT – THÁI LAN CHUYỂN DÒNG

Rất sớm từ đầu thập niên 90, Thái Lan đã có hai kế hoạch táo bạo nhằm chuyển dòng lấy nước từ con sông Mekong.

_ Dự Án Một: KONG-CHI-MUN:

Từ 1992, chánh phủ Thái đã tiết lộ một kế hoạch vô cùng lớn lao với tổn phí lên tới 4 tỉ Mỹ kim để cứu những vùng đất đông bắc Thái đang càng ngày càng bị khô hạn.

Đó là công trình Dẫn thủy KCM [Kong-Chi-Mun Irrigation Project] nhằm lấy nguồn nước từ khúc sông Mekong gần Nong Khai để chuyển về chuỗi những con đập trên hai sông Chi và sông Mun qua một hệ thống ống dẫn / aqueduct khổng lồ dài 200 km. Nước sông Mekong sẽ được dùng cho việc “cứu hạn” những cánh đồng lúa nằm trong lưu vực hai con sông này. (6)

Dự tính ban đầu là chỉ lấy nước sông Mekong trong mùa mưa, nhưng sau đó Thái Lan quyết định lấy nước cả trong mùa khô với lưu lượng chuyển dòng lên tới 300 m 3/ giây [trên lưu lượng 1600 m3/ giây mùa khô / ĐBSCL hiện nay] ( Hình III )

Giai đoạn I của Dự án KCM đã được thông qua cho dù bị chính nhóm chuyên viên Thái cho rằng sự lượng giá ảnh hưởng môi sinh EIA còn quá thiếu sót và tổn phí thì quá cao. Ngay từ giai đoạn I, hậu quả ban đầu của Dự án KCM đã đưa tới hủy hoại các khu rừng lũ [flooded forest], tăng nhiễm mặn các vùng trồng trọt đông bắc Thái, đã ảnh hưởng trực tiếp đời sống cư dân địa phương.

Dự án KCM, hiển nhiên đe dọa nghiêm trọng trên dòng chảy sông Mekong, nên rất sớm và tức thời từ 1992, chánh phủ Việt Nam đã chính thức lên tiếng phản kháng mạnh mẽ, yêu cầu Thái Lan phải hủy bỏ kế hoạch, vì hậu quả nhiễm mặn nơi ĐBSCL sẽ trầm trọng hơn nữa, nhất là trong mùa khô. Ngay cả Lào cũng bày tỏ mối quan ngại, vì với kế hoạch chuyển dòng 300 m 3/ giây sẽ khiến con sông cạn dòng gây trở ngại giao thông trên sông Mekong vốn như một “xa lộ nâu” huyết mạch của người dân Lào. Bộ trưởng Môi sinh Cam Bốt, tiến sĩ Mak Moreth đã báo động về hậu quả nghiêm trọng do dự án chuyển nước của Thái Lan càng làm suy giảm dòng chảy con sông Mekong nơi hạ nguồn. (6) Nhưng theo điều lệ mới của Ủy Hội Sông Mekong không quốc gia nào có quyền phủ quyết, như vậy cho dù ba nước lân bang là Việt Nam Cam Bốt và Lào có lên tiếng phản đối, thì Thái Lan cũng vẫn từng bước thực hiện kế hoạch của mình.

_ Dự Án Hai: KOK-ING-NAN

Chỉ hai năm sau, từ 1994, chánh phủ Thái Lan đã nói tới một kế hoạch lớn thứ hai: Dự án Kok-Ing-Nan, gián tiếp lấy nước từ hai phụ lưu lớn của con sông Mekong là sông Kok và sông Ing ở vùng Chiang Rai bắc Thái. (7)

Cơ quan Hợp tác Quốc Tế Nhật Bản (JICA/ Japan International Cooperation Agency) đã cung cấp ngân khoản và chuyên viên để nghiên cứu tính khả thi của công trình, và cuộc khảo sát này đã hoàn tất vào tháng 11 năm 1999.

Phải nói đây là một dự án hết sức táo bạo, có quy mô rất lớn, tổn phí lên tới 1.5 tỉ Mỹ kim, nhằm chuyển dòng nước từ hai phụ lưu sông Mekong, cho chảy qua những đường hầm / tunnels khổng lồ dài hơn 100 km để chuyển nước từ sông Kok và sông Ing vào con sông Nan [sông Nan là một phụ lưu của sông Chao Phraya].

Sông Chao Phraya, như mạch sống của người dân Thái đang bị cạn dòng và cả nhiễm mặn. Lượng nước từ con sông Kok và sông Ing là hai phụ lưu sông Mekong sẽ được tiếp cho con đập lớn mang tên hoàng hậu Sirikit, quanh năm thiếu nước. Nước từ hồ chứa Sirikit không chỉ nhằm cung cấp nước tưới cho những cánh đồng bao la vùng châu thổ Chao Phraya đang bị khô hạn, mà cả cung ứng nước cho các khu kỹ nghệ đang phát triển và 10 triệu dân đang sống ở thủ đô Bangkok.

Với Dự án Kok-Ing-Nan, chánh phủ Thái ở một vị trí đầy quyền lực để thực hiện vì cả hai con sông Kok và sông Ing hoàn toàn nằm trong lãnh thổ Thái.

Khi công trình hoàn tất, Thái Lan có khả năng chuyển 2,200 triệu mét khối nước/ năm [2,200 MCM] lấy nguồn nước của con sông Mekong.

TIẾP SỨC CHO CƯỜNG LỰC THIÊN TAI

Ngăn sông xây đập, chuyển dòng lấy nước – tác hại dây chuyền ra sao là do “nhân tai” – hậu quả do chính con người gây ra. Nhưng cũng không thể không nghĩ tới những “thiên tai” với những tàn phá nhân lên gấp bội do sự tiếp tay của con người.

Ai cũng biết là Lưu Vực Trên Sông [Upper Mekong Basin] là vùng nhiều núi lửa và rất thường có những vụ động đất. Vào năm 1990, một trận động đất M6 đã xảy ra gần nơi xây đập Tiểu Loan / Xiaowan và sẽ là con đập cao nhất trên dòng chính sông Lan Thương.

Hiroshi Hori là một chuyên gia Nhật Bản rất có uy tín về sông Mekong, từng làm việc cho Liên Hiệp Quốc trong Ủy Ban Sông Mekong, ông cũng là chủ tịch Ủy Ban Nghiên Cứu Sông Mekong của Cơ Quan Hợp Tác Quốc Tế Nhật Bản, là tác giả cuốn sách The Mekong: Environment and Development [United Nations University Press, Tokyo 2000], Hiroshi Hiro đã nhận định:

“Lưu Vực Trên của sông Mekong là vùng động đất, với những chuyển động địa chấn đáng kể khiến người ta có lý do để sợ rằng động đất sẽ xảy ra khi xây những con đập.”(6)

Các nhà địa chất khi khảo sát những con đập lớn nhận thấy sức nặng thường trực của khối nước khổng lồ trong hồ chứa đã gây ra tình trạng mất cân bằng địa chấn, gây đứt đoạn lớp địa tầng dưới đáy có thể làm vỡ cấu trúc toàn con đập, mà người gọi là các trận “Động Đất do Hồ Chứa / reservoir triggerred seismicity”.

Nếu mà động đất xảy ra nơi chuỗi đập Vân Nam, mức thiệt hại sẽ tăng gấp bội vì nhà cửa và các cơ sở xây cất trong lưu vực không đạt tiêu chuẩn chống động đất.

Do sự kiêu căng, tham lam và thiển cận của Con Người, trước thiên tai, không còn làm chủ được khoa học kỹ thuật của mình, và liệu một Cơn Hồng Thủy Vỡ Đập sẽ cuốn đi bao nhiêu thành phố và bao nhiêu vạn sinh linh nơi các quốc gia hạ nguồn ?

An toàn của các con đập trên một vùng địa chấn không ổn định chắc không phải là mối quan tâm hàng đầu của các công trình sư Đại Hán khi thiết kế chuỗi 14 con đập bậc thềm Vân Nam.

NHỮNG TỔN THẤT PHỤ TRONG PHÁT TRIỂN

Để cho những con tàu trọng tải từ 500 tới 700 tấn chở đầy hàng hóa thặng dư của Trung Quốc dễ dàng di chuyển từ giang cảng Tư Mao / Simao Vân Nam xuống tới Chiang Khong, Chiang Sean Thái Lan và xa hơn nữa tới tận Luang Prabang và thủ đô Vạn Tượng, và trên đường về sẽ chở những khoáng sản và nguyên liệu đáp ứng bước phát triển kỹ nghệ nhảy vọt của Trung Quốc, một kế hoạch có tên là “Dự Án Cải Thiện Thủy Lộ Thượng Nguồn Sông Mekong / Navigation Channel Improvement Project on the Upper Mekong River” đã được ký kết vào tháng 04 năm 2001 giữa 4 nước Trung Quốc, Miến Điện, Thái Lan và Lào.

Hai quốc gia Cam Bốt và Việt Nam ở cuối nguồn, chịu ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài thì không được nhắc tới.

Đây là kế hoạch dùng chất nổ / dynamite phá đá trên các khúc sông chảy qua 21 đoạn ghềnh thác để mở rộng lòng sông Mekong từ Vân Nam xuống tới Lào. Hàng trăm ngàn tấn đá sẽ bị chất nổ phá vỡ, sau đó các khối đá sẽ được đoàn tàu vét [backhoe] dồn xuống những hố sâu dưới lòng sông – vốn là nơi trú ẩn có tầm quan trọng “sống còn” đối với vô số loài cá và cũng là nơi lưới cá của cư dân địa phương trong mùa khô.

Dự án phá ghềnh thác ngay bước đầu đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng trên sự cân bằng thủy học, khiến dòng nước sẽ chảy nhanh và siết hơn, gây sụp lở bờ sông cùng phá hủy các loại hoa màu trồng ven sông, gây tác hại tức thời trên sinh cảnh và đời sống cư dân các nước Miến Điện, Thái Lan và Lào, chưa kể tới ảnh hưởng dây chuyền trên đời sống cư dân của hai nước ở xa dưới nguồn là Cam Bốt và Việt Nam.

Tưởng cũng nên nhắc tới ở đây, là không phải chính quyền Hà Nội hay Nam Vang, nhưng chính mấy tổ chức nhỏ bé của cư dân Miến Điện sống dưới độ quân phiệt chưa hề có tự do ấy lại đã lên tiếng đòi hỏi quyền sống cho hai nước láng giềng rất xa họ, rằng: “Kế hoạch khai thông sông Mekong phải có được sự đồng thuận của tất cả các quốc gia nơi có con sông Mekong chảy qua bao gồm cả Cam Bốt và Việt Nam”.

Đứng trước những tai ương, đến bao giờ thì người dân Việt Nam và Cam Bốt mới được thông báo một cách đầy đủ và cả quyền được tham gia ý kiến?

LÀM SAO CHỈ ĐỂ SỐNG CÒN

Câu hỏi khẩn thiết được đặt ra là, 18 triệu cư dân vùng ĐBSCL đang và sẽ phải làm gì để thích nghi và sống còn ?

Trong các cuộc phỏng vấn của phóng viên Ánh Nguyệt / RFI [12/2004], giáo sư Võ Tòng Xuân một tên tuổi được biết tới trước 1975 như cha đẻ của giống lúa cao sản Thần Nông, hiện là Viện trưởng Đại Học An Giang, khi được hỏi về tình trạng không chỉ thiếu nước ngọt mà nạn nhiễm mặn ngày càng trầm trọng nơi ĐBSCL từ ngày Trung Quốc không ngừng tiến hành xây những con đập khổng lồ Vân Nam và Thái Lan chuyển dòng lấy nước từ sông Mekong – Giáo sư Xuân đã đưa ra nhận xét là cho tới năm 1975 khi nước nhà thống nhất, thủy sản của ĐBSCL còn rất phong phú, nhưng đến nay thì không, lượng tôm cá không chỉ bị sút giảm về số lượng mà cả về số chủng loại. Số cá ít ỏi lưới được từ sông là không đáng kể, chỉ đủ để cung cấp thức ăn chất đạm cho những gia đình nông dân nghèo trong vùng. Nói về cá tôm xuất khẩu, thực ra không phải từ nguồn thiên nhiên mà là do kỹ nghệ nuôi cá lồng [như cá ba sa], nuôi tôm xú trên vùng nước lợ, cộng thêm với số cá lưới được từ ngoài Biển Đông.

Giáo sư VTXuân phát biểu tiếp:

“Nông dân ĐBSCL thích nghi nhanh, chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp: bỏ hẳn giống lúa cổ truyền chuyển sang trồng lúa cao sản, nên chủ động tránh được lũ cũng như hạn hán. Ở những vùng bị nhiễm mặn, vùng nước lợ, thay vì trồng lúa thì chuyển qua những loại cây khác hay chuyển qua sản xuất nuôi tôm xú chịu được nước lợ; rồi phong trào nuôi cua biển đang phát triển mạnh, người nông dân sẽ dùng nguồn nước mặn này để nuôi thủy sản với giá thành cao hơn là trồng lúa. Hiện nay Viện Lúa ĐBSCL đang vận dụng công nghệ sinh học, tìm những ‘genes’ chịu mặn nhằm lai tạo những giống lúa cao sản tương đối chịu mặn hơn các giống lúa thường (chứ không phải là chịu nước mặn hoàn toàn). Xa hơn nữa, Việt Nam đang cùng với nhóm MEREM / Mekong Resources Economic Management do Nhật Bản tài trợ, nhằm nghiên cứu những thay đổi môi trường nước cũng như của đa dạng sinh học trên sông Mekong để từ đó có thể khuyên cáo những chánh phủ liên hệ nên sử dụng nguồn nước sao cho an toàn hơn.” (8)

Cùng với những toan tính lượng định lạc quan như trên, Giáo sư Võ Tòng Xuân cũng nhận định rằng cho dù Việt Nam có lên tiếng phản đối nhưng cũng chẳng thể làm được gì để mà ngăn chặn Trung Quốc và Thái Lan thực hiện kế hoạch khai thác sông Mekong của họ.

THÁCH ĐỐ CỦA THẾ KỶ 21

Bước sang thế kỷ 21, với kỹ thuật cao, với lòng tham của con người, chẳng khó khăn gì để giết chết một dòng sông, hủy diệt cả một hệ sinh thái phong phú nhưng cũng rất ư là mong manh của hành tinh này.

Tất cả sáu nước ven sông với những định chế chánh trị xã hội và văn hóa khác nhau, nhưng cùng có chung một nhu cầu khẩn thiết là khai thác con sông Mekong để phát triển. Không phải là không có những mâu thuẫn quyền lợi và tranh chấp khi tới với nguồn nước và tài nguyên không phải là vô hạn của dòng sông.

Thực tế cho thấy dễ dàng để thỏa thuận với nhau trên một số nguyên tắc khái quát như “sử dụng nước và các nguồn tài nguyên phải đáp ứng với nhu cầu bảo vệ, bảo tồn, thăng tiến môi sinh và duy trì cân bằng hệ sinh thái” nhưng đi vào thực hiện với chi tiết còn cả một “khoảng cách đại dương”. Dĩ nhiên sẽ có những diễn dịch khác nhau và phản ứng hành động khác nhau theo hoàn cảnh của mỗi nước ven sông.

Liệu ai sẽ thực sự trách nhiệm “duy trì dòng chảy tối thiểu” của con sông Mekong trong mùa khô để nước mặn từ ngoài Biển Đông không tiếp tục lấn vào sâu và xa hơn nữa vào ĐBSCL? Cũng như làm sao để có dòng chảy đủ mạnh trong mùa lũ để có nước chảy ngược từ con sông Tonle Sap vào Biển Hồ, để duy trì nhịp đập trái tim của Cam Bốt. Và cho đến nay, không ai có thể đưa ra một lời giải đáp.

Trong một tương lai không xa, con sông Mekong – con sông Danube của Châu Á ấy, sẽ chỉ còn là một con sông chết, chỉ để sản xuất thủy điện, dùng làm thủy lộ giao thông và tệ hại hơn nữa còn là cống rãnh để đổ xuống các chất phế thải kỹ nghệ từ tỉnh Vân Nam Trung Quốc.

Rồi nhìn về Việt Nam với hình ảnh ước lệ của hơn nửa thế kỷ trước về một Đồng Bằng Sông Cửu Long, với ruộng vườn thẳng cánh cò bay, tôm cá thì đầy đồng – thì nay tất cả đã đi vào quá khứ. Chỉ mới đây thôi có dịp trở lại viếng thăm, để chỉ thấy trên toàn cảnh là một ĐBSCL đang suy thoái và cứ nghèo dần đi. Và không biết một trăm năm sau, liệu có còn không một Đồng Bằng Sông Cửu Long và một Nền Văn Minh Miệt Vườn?

NGÔ THẾ VINH

11 – 2005 / 07 – 2016

Tham khảo:

1/ Progress In Water Management at the Mekong River Basin, MRC Presentation at Third WWF, INBO Official Session, Mar 20, 2004

2/ Mekong River At Risk, Barry Wain, FEER, Aug 26, 2004

3/ Chinese Dam Project may spell disaster for mighty Mekong river, Denis Gray, Nov 2, 2002, (AP)

4/ Hunsen backed China’s often-criticized development plans for the Mekong river Phnom Penh, Jun 29, 2005, (AFP)

5/ Chinese Premier Wen Jiabao opened the Second Greater Mekong Subregion Summit, Beijing, Jul 4, 2005, (AFP)

6/ The Mekong, Environment and Development, Hiroshi Hori, United nations, University Press, Tokyo 2000

7/ Kok-Ing-Nan Water Diversion Project, Mekong Watch: Japanese ODA to Thailand,FY 2001

8/ Ánh Nguyệt, RFI, Phỏng vấn Gs Võ Tòng Xuân, Đại Học An Giang 03-12-2004, 10-

Comments are closed.