Nhật ký Sài Gòn lockdown (kỳ 8)

Đỗ Duy Ngọc

lockdown

SÀI GÒN NGÀY PHONG TỎA THỨ HAI MƯƠI BỐN

LẠI CHUYỆN VACCINE

Ngày hôm qua thông tin trên báo chí cho biết thành phố vừa tiếp nhận 1 triệu liều vaccine Verocell của Trung Quốc do Công ty Cổ phần Bảo trợ Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tài trợ cho Thành phố HCM. Được biết trong tháng 8, sẽ còn 4 triệu liều nữa sẽ tiếp tục về đến. Cũng biết số tiền chi cho việc bảo trợ mua vaccine này lên đến 45 triệu đô la Mỹ. Và trong ngày, người dân thành phố đọc được tin Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, sắp tới đây, TPHCM sẽ tổ chức các đội tiêm vaccine, xe tiêm vaccine lưu động đến từng hộ gia đình. Đội hình tiêm vaccine sẽ tới tận nhà người dân, ai chưa tiêm là được ghi tên để tiêm chủng ngay. Đồng thời trên mạng xã hội xuất hiện một văn bản của Ban Dân vận Huyện uỷ Hóc Môn có nội dung: “Hiện nay nhiều thông tin chưa đúng sự thật lan truyền trên mạng xã hội dẫn đến người dân e ngại, thiếu tin tưởng vào vaccine có tên Covid-29 Vaccine(Vero Cell), Inactivated (tên khác là Sars-Cov-2 Vaccine Inactivate do Hãng Sinopharm, Trung Quốc sản xuất (gọi tắt là vaccine Sinopharm) do đó cần phải tập trung tuyên truyền, giải thích để nhân dân tin tưởng, dử dụng vaccine này. Nội dung tuyên truyền về vaccine Sinopharm, đây là sản phẩm đã được tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt và đã được nhiều nước trên thế giới sử dụng tiêm phòng, do đó tính an toàn và hiệu quả y học đã được kiểm chứng” và một tin nhắn gởi cho nhiều người và được cho là của Mặt trận Tổ quốc Thành phố gởi cho các phóng viên báo đài: “Kính gởi các anh chị PV báo đài: Sắp tới TP sẽ triển khai tiêm vắc xin SINOVAC do TQ sản xuất. Do đó, để tạo sự đồng thuận trong nhân dân, đề nghị các anh chị PV tăng cường công tác truyền thông để tạo dư luận tốt cho việc triển khai tiêm, xoá bỏ tư tưởng lo ngại chất lượng vắc xin TQ. Cám ơn các anh chị”. Trong cuộc họp của chính phủ mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhấn mạnh để giải quyết đại dịch ở thành phố, chỉ có cách duy nhất là tiêm gấp rút vaccine đầy đủ cho nhân dân và kêu gọi các tỉnh nên nhường bớt vaccine cho Sài Gòn. Tất cả các dữ kiện ấy cho thấy thành phố sắp sửa vào một cuộc tiêm chủng toàn thành và có thể là tiêm vaccine Trung Quốc. Với số lượng 5 triệu liều từ bà Trương Mỹ Lan, sếp của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bảo trợ cho thành phố sẽ đáp ứng đủ cho dân số thành phố hơn 9 triệu dân. Như vậy cũng có thể từ nay, người dân thành phố sẽ không còn có chuyện được chọn lựa vaccine khi tiêm chủng. Trên phiếu chích ngừa của UBND P.4 Q.3 phát cho người được tiêm chủng có ghi: “Khi bạn đã đồng ý đăng ký tiêm ngừa vaccine, bạn cần phải nhớ:

“Bạn không có quyền lựa chọn vaccine khi được tiêm chủng. Trân trọng”.

Sắp tới đây, toàn thành cũng sẽ có ghi chi tiết này trong phiếu chích ngừa. Thời gian gần đây trên báo đài cũng như trên giải đáp về vaccine của nhiều bác sĩ đều có chi tiết được nhấn mạnh là: “Có vaccine là tốt rồi, không nên chọn lựa, đừng kén cá chọn canh.” Như vậy từ các lãnh đạo cho đến báo đài đến các bác sĩ đều đưa ra nhận định rằng hãy chích vaccine và chích vaccine Trung Quốc cũng là điều tốt và sẽ sớm ngăn chận được dịch. Chấm dứt số người nhiễm và tử vong tăng cao. Đó là ý kiến của lãnh đạo, báo đài và một số bác sĩ. Tuy nhiên cũng có dư luận từ các nhà chuyên môn và người dân phản ứng với vaccine này.

Theo BS Nguyễn Văn Tuấn, một bác sĩ người Việt đang làm việc tại nước Úc, một người có chuyên môn cao về vaccine đã cho rằng:

“Tàu có 2 loại vaccine do hai công ty (Sinopharm và Sinovac Biotech) đang được sử dụng. Vaccine của công ty Sinopharm có tên là “BBIBP vaccine” (hay BBIBP-CorV). Vaccine của Sinovac là “CoronaVac”.

Tổ chức Y tế Thế giới phê chuẩn cho sử dụng BBIBP vaccine vào tháng 5/2021 và CoronaVac vào tháng 6/2021. Tính đến cuối tháng 6/2021, Tàu đã tiêm chủng hơn 1 tỉ liều của 2 vaccine trên trong nước, và đồng thời cung cấp hàng trăm triệu liều cho hơn 80 quốc gia trên thế giới. Giới quan sát quốc tế nghĩ rằng Tàu đang dùng vaccine như là một phương tiện ngoại giao: ‘Ngoại giao vaccine’ để gây ảnh hưởng.

Cả hai BBIBP và CoronaVac là loại vaccine được bào chế theo kĩ thuật truyền thống. Theo kĩ thuật này, nhà khoa học lấy các phân tử (particle) của con virus, sau đó làm cho chúng bất kích hoạt (tức không thể gây bệnh Covid-19). BBIBP vaccine có nhiều protein bắt chước hệ thống miễn dịch con người kích thích sản sinh các kháng thể nhằm phát hiện và chống trả sự tấn công của SARS-Cov-2. Kĩ thuật này được áp dụng trong việc sản xuất các vaccine chống bệnh Polio, viêm gan A và cả cúm mùa. Đó là nguyên lí đằng sau BBIBP vaccine.

Những nước dùng vaccine của Tàu trong nỗ lực đạt miễn dịch cộng đồng bao gồm Mông Cổ, Bahrain, Chile, và quốc đảo Seychelles. Cho đến nay, khoảng 50-70% dân số ở các nước này đã được tiêm chủng 2 liều CoronaVac hay BBIBP.

Khi bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vaccine, cả ba nước này hứa rằng cuộc sống bình thường sẽ được phục hồi, thế nhưng trong thực tế thì họ đang phải đối đầu với làn sóng Covid-19 mới. Hiện nay, 4 nước này đang đứng đầu danh sách quốc gia với số ca nhiễm nhiều nhứt thế giới.

Nam Dương cũng là nước dùng vaccine Tàu như là nguồn chánh. Cho đến nay, Nam Dương cũng đang trải qua một đợt bùng phát mạnh. Hơn 350 bác sĩ và nhân viên y tế đã bị nhiễm dù đã được tiêm đủ 2 liều vaccine; trong đó 61 người đã qua đời (kể cả 10 người dùng vaccine Tàu).

Gần Việt Nam hơn là Thái Lan cũng là nước dùng lệ thuộc vào vaccine Tàu và cũng đang trải qua một đợt bùng phát mới. Hiện nay, số ca nhiễm mỗi ngày ở Thái Lan là 17,000 người. Cũng như Nam Dương, hàng trăm bác sĩ và nhân viên y tế Thái Lan bị nhiễm dù đã tiêm đủ 2 liều vaccine Tàu. Thái Lan thay đổi qui định tiêm vaccine bằng cách cho phép trộn 2 liều vaccine khác nhau: một với AstraZeneca và một với CoronaVac. Nếu vaccin Tàu thật sự tốt, thì sự bùng phát như thế không

thể xảy ra. Chẳng hạn như ở Mĩ, nơi mà ~45% dân số đã được tiêm vaccine Pfizer và Moderna, số ca nhiễm đã giảm đến 94% trong vòng 6 tháng. Do Thái là nước có tỉ lệ tiêm chủng bằng Seychelles (nhưng dùng vaccine Pfizer) và số ca hiện nay là khoảng 4.9 trên 1 triệu dân số, so với 716 trên 1 triệu ở Seychelles.”

Và theo BS Nguyễn Văn Tuấn, nếu chích loại vaccine này ở Việt Nam cần lưu ý một số điều, trong đó có 2 điều quan trọng:

– Không dùng vaccine Tàu cho những người có nguy cơ cao. Bởi vì các thử nghiệm lâm sàng của CoronaVac là trên người khoẻ mạnh, như nhân viên y tế, nên dữ liệu khoa học về hiệu quả của hai vaccine này ở những người có bệnh nền vẫn còn rất thiếu. Ngay cả vaccine CoronaVac, hiệu quả ở người trên 60 tuổi chỉ 51%, tức rất thấp. Do đó, tôi nghĩ không nên dùng vaccine này cho những người có nguy cơ cao.

– Chỉ tiêm vaccine Sinopharm và Sinovac 1 liều như là bổ trợ cho các vaccine khác như AstraZeneca, Pfizer và Moderna. Điều này có nghĩa là đối với những người chưa tiêm vaccine, họ có thể dùng 1 liều CoronaVac hay BBIBP, nhưng sau đó là 1 liều của một trong ba vaccine phương Tây. Cách làm này bảo đảm nếu CoronaVac hay BBIBP không có hiệu quả thì vẫn có được sự bảo vệ của các vaccine đã ‘chứng minh’ là có hiệu quả. Báo Thanh niên ngay trong ngày cũng loan tin “Hà Nội bắt đầu chiến dịch tiêm chủng toàn thành phố”

Tính đến 28.7, Hà Nội đã tiêm chủng được gần 270.000 mũi vắc xin phòng Covid-19, bao gồm cả 3 loại vắc xin Moderna, Pfizer và Astra Zeneca”

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã từng tuyên bố phân phối vaccine phải công bằng, hiệu quả và đúng đối tượng.

Suy nghĩ như thế nào, chọn lựa ra sao là tuỳ ở mỗi người. Cũng chẳng hiểu vì sao lãnh đạo một phường lại kêu gọi

và yêu cầu nhân dân treo bandtoll, treo cờ, làm xe hoa để tạo không khí xua tan tình cảnh ảm đạm vì virus?

Hay là chủ tịch phường này nghĩ là virus Vũ Hán sợ cờ, biểu ngữ với xe hoa chăng? Điên nặng rồi.

Tình hình dịch trên thế giới những ngày qua cũng vô cùng nóng bỏng. Số ca nhiễm virus Vũ Hán mới tăng nhanh ở Mỹ khiến nhiều người lo ngại về nguy cơ bùng phát dịch trở lại. Một tòa án liên bang ở Indiana cho phép trường đại học được yêu cầu sinh viên và nhân viên phải tiêm vắc xin. Đồng thời, Tập đoàn Mỹ Pfizer đã đưa ra bằng chứng mới vào thứ Tư để nhấn mạnh nên tiêm thêm liều bổ trợ thứ ba, vì sức mạnh của vaccine công nghệ mRNA suy giảm một chút theo thời gian nhưng có thể được cải thiện với liều thứ ba. Trong số những người từ 65 đến 85 tuổi, dữ liệu của Pfizer cho thấy mức độ kháng thể chống lại biến thể Delta sau khi tiêm liều thứ ba cao hơn 11 lần so với sau khi tiêm liều thứ hai. Dữ liệu, chỉ nghiên cứu với 23 người, vẫn chưa được đánh giá bởi giới khoa học và quản lý.

Pfizer cho biết họ dự kiến sẽ đệ trình dữ liệu về liều thứ ba lên FDA ở Mỹ ngay trong tháng Tám.

Tuy nhiên, Chính phủ Hoa Kỳ vẫn chưa đồng ý cho tiêm liều vaccine thứ ba cho dân của họ.

Vừa qua, GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, trong tuần này sẽ có 3 triệu liều vaccine phòng COVID-19 Moderna về Việt Nam. Đây là lô vaccine do Chính phủ Hoa Kỳ viện trợ thông qua cơ chế Covax facility.

Đồng thời Bộ Y tế cũng thông tin Pfizer đã đồng ý tăng số lượng vaccine COVID-19 cung cấp cho Việt Nam trong Quý 3 từ 3 triệu lên 3,5 triệu liều và đồng ý bán thêm thêm 20 triệu liều trong năm 2021, nâng tổng số liều vaccine Pfizer dự kiến bán cho Việt Nam là 51 triệu liều, tăng 20 triệu liều so với kế hoạch.

Như vậy, ngoài 105 triệu liều đã cam kết, đã ký hợp đồng, 70 triệu liều đang đàm phán và có khả năng sẽ ký được thì dự kiến trong năm 2021 và đầu năm 2022, Việt Nam dự kiến có tổng cộng 175 triệu liều.

Đến nay Việt Nam đã nhận hơn 10,6 triệu liều vaccine COVID-19, trong đó có tới 7,1 triệu liều là AstraZeneca; vaccine Moderna (2 triệu liều), Pfizer (194.200 liều)…

Về tiến độ tiêm chủng, tính đến nay tổng cộng Việt Nam đã thực hiện tiêm chủng 4.283.906 liều vaccine phòng COVID-19, trong đó: Số người đã được tiêm 1 mũi là 3.977.431 người; Số người đã được tiêm đủ 2 mũi là: 306.475 người.

GS.TS Đặng Đức Anh cũng cho biết, trong quý 3 năm nay sẽ có khoảng hơn 26 triệu liều vaccine, quý IV là khoảng 65,5 triệu liều về Việt Nam. Tổng cộng 2 quý là khoảng hơn 91,5 triệu liều, trong đó có khoảng 20 triệu liều vaccine Pfizer dành cho trẻ em dưới 18 tuổi.

Vậy nếu tin theo báo cáo của GS.TS Đặng Đức Anh, đến cuối 2021, Việt Nam sẽ có 175 triệu liều vaccine Pfizer, Moderna và Astra Zeneca. Số 5 triệu liều của Trung Quốc gây tư tưởng không tốt trong dân, có nên gấp rút sử dụng không? Người dân cứ thắc mắc tại sao Tập đoàn Vạn Thịnh Phát mua về 5 triệu liều Vaccine Trung Quốc mà lại cho nhân viên của Tập đoàn chích Astra Zeneca của Anh? Nhiều người hỏi tôi thế, tôi lại biết hỏi ai?

Con số vẫn tiếp tục nhảy múa, con virus hoảng sợ đã có mặt ở từng người. Thành phố rất cần vaccine để giải quyết khủng hoảng. Sau dịch, cuộc sống của chúng ta chắc chắn sẽ chẳng còn như cũ nữa, tư duy của mỗi người sẽ phải đổi thay vì thế giới sẽ không bao giờ vắng bóng con virus này.

Đúng là vaccine đang cần, rất cần cho thành phố này. Nhưng bên cạnh chuyện chích vaccine, biết bao câu hỏi còn bỏ ngỏ.

                                                                                                        1.8.2021

 

SÀI GÒN NGÀY PHONG TỎA THỨ HAI MƯƠI LĂM

NHỮNG CHUYỆN LINH TINH

Viết cái tít ngày thứ hai mươi lăm Sài Gòn bị giam hãm bởi con virus Vũ Hán, chợt nhớ tác phẩm Giờ Thứ Hai Mươi Lăm của nhà văn nổi tiếng Constantin Virgil Gheorghiu. Đó là tác phẩm nổi tiếng của Gheorghiu, nhà văn Roumanie viết về thảm kịch của con người trong Đệ nhị thế chiến. Nhà văn với tư cách nhân chứng của thời đại cho rằng nền văn minh máy móc đã hủy hoại nhân phẩm, giá trị con người xuống hàng số không. Nó cũng thể hiện niềm sợ hãi sự diệt vong của loài người, nó như giờ tận thế, nó báo hiệu giờ mà mọi sự đã nằm trong tuyệt vọng. Đức Chúa cũng không thể cứu vãn được, đó không phải là giờ chót mà giờ kế của giờ cuối cùng. Giờ thứ hai mươi lăm. Đai dịch Vũ Hán trên thế giới có khác chi một cuộc đại chiến, nó hiện diện trên toàn thế giới và nhân loại chiến đấu với kẻ thù vô hình. Và kẻ thù đấy sẽ mãi tồn tại mãi mãi với con người. Nó còn hơn một cuộc Thế chiến. Nó đi từ Trung Quốc, qua Châu Âu, qua Mỹ Châu rồi Úc Châu giết hàng triệu người và quay về Châu Á làm rối tung cuộc sống. Việt Nam ta cũng trở thành nạn nhân, nhất là trong cơn bùng phát thứ tư. Thành phố Sài Gòn xơ xác trong âu lo, kẽm gai giăng đầy lối xóm, phố phường. Người chết đã lên con số ngàn và lò thiêu phải xếp hàng chờ đợi. Sài Gòn diễn ra một cuộc chiến tranh không tiếng súng nhưng cũng nhiều nước mắt. Chẳng mong chi giờ thứ hai mươi lăm.

Và cũng giống như bất cứ cuộc chiến tranh nào, nhân dân vẫn là nạn nhân hứng chịu nhiều đau thương nhất. Cuộc chiến với virus cũng thế. Hàng ngàn người với những phương tiện thô sơ đành rời bỏ Sài Gòn về quê suốt đoạn đường hàng ngàn cây số đầy bất trắc. Hàng triệu người thấp thỏm lo âu cho sinh mạng của mình. Cuộc chiến đấu với kẻ thù lơ lửng trong không khí, ai cũng có thể là nạn nhân. Cuộc sống bình thường không còn nữa, tất cả đều là tù nhân bị giam lỏng trong nhà tù rộng lớn với con virus mang bệnh tật và con virus hoảng sợ đe doạ tinh thần. Đã biết bao nhiêu biện pháp và sách lược được đưa ra, kết quả chẳng là bao. Vũ khí cuối cùng là vaccine. Tiếc thay, đất nước còn nghèo nên vũ khí đó cũng đến không kịp thời và phân phát còn chậm, rất nhiều mạng người đã không đợi chờ được đã trở thành đám tro trong hũ cốt.

Những người còn sống cũng lắm bi thương. Nhiều người đói ăn, nhiều kẻ thiếu thuốc khi bệnh tật. Nhà nước lo, xã hội cùng lo nhưng làm sao đến với hết mọi người.

Một cô sinh viên từ Thái Nguyên vào Sài Gòn học. Thành tích học tập của cô cũng rất giỏi khi đạt 3.8/4.0. Nhưng cô cho biết mình có thể phải nghỉ học vì dịch bệnh bùng phát, không thể xoay sở tiền đóng học phí cũng như kiếm miếng ăn hàng ngày. Thành phố đang giãn cách nên cô cũng không thể đi làm thêm để trang trải cuộc sống, đỡ đần bố mẹ. Trao đổi với bà mẹ nghèo ở quê, người mẹ nuốt nước mắt “Bỏ học con nhé”. Cửa tương lai đóng lại, cô sinh viên có lẽ phải nghẹn ngào thu xếp trở về. Rời quê nhà để đổi đời, gần đến đích thì đại dịch tước mất ước vọng của cô, cướp mất mọi cố gắng nhọc nhằn của cô. Đau lắm khi trở về với nỗi thất vọng. Hãy nghe tâm sự đắng lòng của cô gái ấy viết trên trang nhà của mình: “Dịch đến, mình bị kẹt lại ở Sài Gòn, chuẩn bị đến hạn nộp học phí, trường mình không giảm học phí kể cả phí tài liệu, mà còn tăng học phí. Mình báo với mẹ và cuối cùng mẹ đã nói với mình: ”Thôi mẹ xin lỗi, bỏ học con nhé!”. Vì dịch nên mình không thể ra ngoài đi làm thêm được. Mình khóc rất nhiều, bao công sức mình và cả bố mẹ đã đổ ra 2 năm qua… Rồi mình về quê, sẽ phải làm gì đây?”.

Trong cơn đau của Sài Gòn, biết bao sinh viên từ quê vào Sài Gòn kiếm chữ mong một tương lai đành phải bỏ dở nửa chừng. Miền Nam, Sài Gòn như miếng đất lành cho chim đậu, giờ mảnh đất ấy đang trong cơn bệnh và nhiều người đành gạt nước mắt, quay lưng, ngược đường đành rời xa. Từ giã ước mơ, chia tay hoài bão, khép cửa tương lai. Đau lắm chứ!

Người chăn nuôi trồng trọt cũng gạt nước mắt nhìn giá gà rẻ hơn rau, hàng triệu gà giống bị đốt bỏ. Hiện Tây Ninh hiện còn khoảng 1 triệu con gà lông trắng, bằng 2.500 tấn không tiêu thụ được. Giá gà hôm nay xuống còn 7.000 đồng/kg gà trắng, gà lông màu còn 2.000 đồng/kg rẻ hơn 1 kg rau. Mỗi kg gà, người nuôi đang thua lỗ 20.000 đồng. Thế nhưng những con gà đó rất khó để đến được Sài Gòn dù Sài Gòn đang rất cần và sẽ mua giá cao hơn thế. Đường tắc, những biện pháp hành chánh cản trở, dịch bệnh ngăn đường. Hàng hoá không thiếu nhưng người Sài Gòn lại không tìm được. Giới nghiêm, cách ly, giãn cách, nhiều biện pháp ngăn trở khiến hàng hoá khó vào đến được đây.

Báo cáo với Thứ trưởng Trần Thanh Nam, Tổ trưởng tổ công tác phía Nam của Bộ NN-PTNT, ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN-PTNT Tây Ninh cho biết tình hình hiện tại rất khó khăn. Chiến đấu với con virus là chuyện còn lâu dài nên bà con chăn nuôi ngoài việc tiêu thụ được sản phẩm còn phải tính chuyện tiếp tục tái đàn để tiếp tục sống. Khi tạm yên dịch, xã hội sẽ có nhu cầu cao, nào là các khu công nghiệp, trường học, hàng trăm cái chợ lớn nhỏ ở Sài Gòn. Nếu không có sản phẩm cung cấp, đời sống sẽ gặp lắm khó khăn. My ngày qua, theo tôi được biết, có hàng triệu gà con bị đốt bỏ do không có chuồng nuôi, không thể vận chuyển hoặc không có thức ăn. Hiện có hàng nghìn trạm trên đường nhưng không phải trạm nào nhân viên cũng đọc được các văn bản hướng dẫn. Một số nơi đòi lái xe vận chuyển phải mặc bảo hộ, hay phải có mã QR, nhưng một số nơi không cho qua, lái xe cũng cảm thấy không an toàn nên họ cũng bỏ việc. Chúng ta phải giải quyết khó khăn toàn diện, triệt để, nhiều cấp ngành tham gia chứ không phải ngứa chỗ nào gãi chỗ đó. Thịt gà thiết yếu nhưng con gà con có thiết yếu không? Dịch bệnh lây qua người chứ không qua hàng hoá. Nên chúng ta phải lo cho lâu dài. Bây giờ đốt bỏ hàng triệu con gà thì có nghĩa mấy bữa nữa sẽ thiếu hàng triệu con gà.” Ông Nguyễn Đình Xuân trăn trở.

Nông sản, thịt heo cung cấp cho Sài Gòn có sự cung cấp từ Long An. Nhưng khi các sản phẩm nông nghiệp khác cũng có chiều hướng xuống giá, nông dân Long An hiện cũng đang trong tình trạng khó khăn. Giá thức ăn tăng, giá đầu ra giảm do phần lớn nông sản nội tỉnh tiêu thụ ở chợ truyền thống và chợ đầu mối ở TP.HCM nhưng nay đều đã đóng cửa. Toàn tỉnh còn 28/44 cơ sở sản xuất giết mổ hoạt động. Sản lượng giết mổ trong đêm 30/7 giảm mạnh so với thời điểm trước dịch. Cua biển Kiên Giang, sầu riêng Đắk Lắk lại rớt giá. Xuất khẩu khó khăn, sức tiêu thụ tại thị trường trong nước lại giảm mạnh khiến một số mặt hàng nông sản, hải sản như cua biển ở Kiên Giang, sầu riêng ở Đắk Lắk lại rớt giá… Trong khi Sài Gòn cần mà lại không có hàng. Sao cái nghịch lý tồn tại mãi với những biện pháp và những người thừa hành cứ chạy quanh như đèn cù, như mấy ông mù sờ voi. Mỗi ông giải thích một kiểu.

Dù có chỉ đạo thông suốt nhưng áp lực bảo vệ vùng xanh nên các địa phương thắt chặt, mỗi tỉnh một yêu cầu khác, anh em tại chốt tiếp nhận cũng khác. Hiện thời di chuyển từ xã này tới xã khác trong huyện thì xã xác nhận được nhưng sang huyện khác thì không thể, thì làm sao đem vào đến Sài Gòn. Điều đó cho thấy thành phố không thiếu hàng hoá thiết yếu cho đời sống nhưng phương cách làm việc đã ngăn chận mọi đường đi. Cần phải gỡ cái gút mắc này, nếu không về lâu về dài, dân thành phố sẽ thiếu lương thực là điều thấy trước mắt. Nhiều tiểu thương tìm nhiều cách để liên hệ mối cung cấp hàng đem vào thành phố bằng nhiều cách, chẳng khác thời ngăn sông cấm chợ một thời đã qua lâu lắm. Nhận được hàng, họ mở các chợ trên mạng, bán hàng cho dân trong thành phố. Nhưng lại gặp một trở ngại tiếp theo, đó là mối lo shipper chuyển hàng. Một buổi xấu trời, thành phố chỉ cho phép shipper chuyển hàng trong khu vực quận. Rồi lại buổi đẹp trời tiếp theo đó lại ban ra chỉ thị cho phép shipper liên quận và thành phố Thủ Đức. Chưa kịp mừng khi đọc kỹ thì chỉ cho phép chuyển hàng đến khu cách ly phong toả, cơ sở y tế, cơ sở thu dung, cơ sở điều trị bệnh nhân. Thế thì cũng thua, các nhà dân vẫn không cho phép được nhận hàng. Hôm qua lại nghe cho phép shipper tiếp tục chuyển hàng khắp nơi đi kèm một số điều kiện.

Lung tung văn bản, chạy theo cũng hụt hơi. Một bếp chế biến thức ăn bán qua mạng, nghe tin shipper bị hạn chế di chuyển trong quận bèn hồi lại các đơn đặt hàng của khách. Rồi thấy cho phép liên quận, không để ý chỉ cho phép giao hàng một số địa chỉ quy định bèn thu mua thực phẩm, lương thực về nấu nướng. Đến khi đi giao cho khách, shipper đầu hàng vì không được giao hàng cho tư nhân, chấp nhận mang cho hàng xóm, lỗ chỏng gọng chẳng biết kêu ai, đành kêu trời. Mà trời cao quá có nghe được đâu.

Từ hôm có lô hàng vaccine Trung Quốc về tới thành phố, thiên hạ nháo nhào, hỏi thăm đủ thứ. Nhiều người khuyên chích gì loại nào cũng được, miễn dập được dịch. Hỏi ra thì mấy kẻ khuyên thế đều là người đã chích Astra Zeneca, Pfizer với Moderna cả rồi hoặc chờ chích mũi 2. Cũng có người bảo không nên chích, đừng đem tính mạng mình ra thử. Chẳng biết nghe ai, chỉ ngóng cổ chờ xem, hên xui thôi.

Nhưng hình như tiến trình tiêm chủng hơi bị chậm. Trong ngày hôm qua có 209.156 liều vaccine được tiêm.

Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 6.415.219 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 5.756.155 liều, tiêm mũi 2 là 659.064 liều. Cho đến ngày 31.7.2021, thành phố đã được phân bổ 3

triệu liều, ước khoảng 22,3% nhu cầu tiêm chủng cho người từ 18 tuổi trở lên, đạt tỷ lệ phân bổ cao nhất cả nước đến thời điểm này. Không biết trong số này có tính 1 triệu liều của TQ do Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bảo trợ chưa?

Cũng hôm nay đọc báo nhà nước thấy đăng tin Bộ Y tế đề nghị các địa phương không phun khử khuẩn ngoài trời. Theo Bộ Y tế, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng những nơi như đường phố, vỉa hè không phải là nơi chứa virus. Việc phun hóa chất diệt khuẩn ở ngoài trời không được WHO, Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát bệnh tật Hoa kỳ (CDC Hoa kỳ) khuyến cáo do kém hiệu quả, có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người phun và người xung quanh khu vực phun. He… he nếu tui nhớ không lầm, chuyện này tui đã nói và viết đăng ở face rồi. Bữa đó xe chạy xịt mù cả phố nơi tui ở, tui nói thì bị nhiều người phê bình là im đi để nhà nước làm, có người còn bảo tui chẳng giúp được gì mà ý kiến ý cò cho lắm. Nghe nói xịt thế cũng tốn tiền ghê lắm chứ không phải chơi đâu.

Hôm trước báo đăng một thượng uý cảnh sát giao thông mở đường dẫn một cặp vợ chồng đi xe gắn máy có người vợ đã vỡ nước ối, chuẩn bị sinh đến bệnh viện Từ Dũ. Nhiều người vào khen nhưng cũng có người cho là diễn, làm màu và đặt nhiều câu hỏi ngớ ngẩn. Khổ lắm, từ lâu dân không tin mấy anh cảnh sát giao thông nên chẳng thiện cảm. Nhưng các ông các bà ạ! Họ cũng là con người, họ cũng có trái tim, họ cũng xót xa trước hoàn cảnh ngặt nghèo của người khác chớ. Cho nên theo tui, hành động đó là một việc làm đẹp, nên có lời khen. Khi họ làm bậy kiếm bánh mì thì ta lên án, nhưng khi họ làm tốt thì sao không tặng họ một lời hoan hô. Việc nào ra việc nấy chứ. Đừng quá thành kiến cực đoan thế!

Giờ nằm chờ tới chiều đọc mấy con số dù nhiều khi thấy mỗi báo đăng mỗi số khác nhau. Trang của Bộ Y tế thì cập nhật rất chậm, hôm nay mà mới báo đến ngày 31.7. Thời đại 4.0 mà răng lại chạm rứa trời.

                                                                                                                  2.8.2021

SÀI GÒN NGÀY PHONG TỎA THỨ HAI MƯƠI SÁU

TÂM LÝ MÙA DỊCH

Người xưa thường bảo: Nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại. Nghĩa là một ngày trong nhà giam thì dài bằng nghìn năm ở bên ngoài. Ý nói khi ngồi tù thì thời gian rất dài. Trong những ngày giãn cách vì đại dịch, không được ra đường, mọi sinh hoạt đều loanh quanh ở trong nhà, con người cũng giống như kẻ bị tù được giam lỏng. Mọi sinh hoạt thường ngày bị thay đổi hoàn toàn. Thời gian cũng rất dài.

Bình thường trong một gia đình có con cái, sáng ra vợ chuẩn bị bữa ăn sáng cho chồng con, rồi cùng chồng đưa các con đến trường học, sau đó cả hai đến cơ quan làm việc. Trưa có thể ăn trưa ở công sở, chiều đón con, nấu nướng, ăn tối, sinh hoạt gia đình rồi ngủ. Một nếp sinh hoạt bao năm nay thường là như thế. Đối với người lớn tuổi thì tập thể dục, ăn sáng, gặp gỡ bạn bè, vui với những thú vui riêng của mỗi người, ăn trưa, chiều có thể đi dạo một vòng, xem ti vi, đọc sách, rồi ngủ. Người trẻ tuổi thì đi học, đi chơi, cà phê với nhóm bạn, đi ciné, đi lang thang hàng quán. Người lao động thì ra đường kiếm cơm, công nhân vào nhà máy. Tất cả như một guồng máy, chạy đều đặn tháng này qua năm nọ. Đùng một cái, tất cả đều bị xáo trộn. Trẻ con không đến trường, thanh niên không đi học, đi chơi. Người lớn không đến cơ quan, người già không được tập thể dục, gặp gỡ bạn bè, vui với những thú vui thường nhật. Tất cả đều nằm ở trong nhà, mọi rắc rối diễn ra. Và bắt đầu có những đổi thay về mặt tâm lý. Thời gian phong toả ở nhà càng lâu, biến đổi tâm lý càng nhiều.

Trẻ con ở nhà bắt đầu nghịch phá, nếu có nhiều con sẽ có những cuộc gây gỗ, giành giựt đồ chơi, bố mẹ phải xử suốt ngày. Người lớn bắt đầu cảm thấy bị tù túng, bị ức chế. Người già cũng cảm thấy bị cuồng chân, người trẻ cuồng cẳng. Chưa kể những áp lực từ cơn đại dịch. Hàng ngày, thông tin trên truyền hình, trên báo chí quanh quẩn về dịch. Dịch trở thành nỗi ám ảnh suốt trong tâm trí của mọi người. Lại lo cơm áo gạo tiền. Người dư dả thì tìm cách để mua được hàng hoá, lương thực thực phẩm để sử dụng, để thay đổi món cho bữa cơm gia đình. Người lao động nghèo thì lo không biết thời gian tới sẽ sống ra sao khi lương thực càng ngày càng cạn và quỹ gia đình càng lúc càng teo. Người làm ăn công nhật, kẻ tha hương sống trong các nhà trọ, người bán hàng rong, kẻ lâu nay sống bám vỉa hè thì thất vọng nhìn ngày trôi qua đi cứ chờ hộp cơm, gói canh, gói mì từ những người từ thiện. Tất cả đều bị một áp lực từ miếng cơm hàng bữa, mỗi tầng lớp xã hội đều có nỗi lo khác nhau.

Lo ăn còn lo sợ dính bệnh. Khi nhà nước bảo ai cũng là F0 hay F0 lang thang ngoài đường. Virus có thể ở trong không khí, sờ vào đâu cũng có thể dính bệnh.

Rồi cách ly, dây giăng, hàng rào kẽm gai được dựng, khu vực bị cách ly, phong toả. Tiếng hú còi của xe cứu thương, tiếng loa của những người có trách nhiệm. Tất cả khiến cho mọi người thêm một nỗi lo âu, không biết bao giờ đến lượt mình? Theo dõi trên báo cáo hàng ngày thấy số người nhiễm, số người tử vong, bản đồ thành phố toàn những điểm đỏ lòm, càng biết nhiều càng sợ. Con virus Vũ Hán chưa sờ đến mình nhưng con virus sợ hãi đã bắt đầu nhiễm sâu trong suy nghĩ. Dù có lạc quan cũng có lúc sống trong sợ hãi khi thấy hình ảnh những xác chết được bó cứng, liệm vội vã trong các bệnh viện dã chiến hay những xe xếp hàng dài chờ đến lượt đưa xác vào lò thiêu. Cũng có lúc rùng mình thấy khói vẫn bay lên liên tục từ ống khói lò thiêu Bình Hưng Hoà và các địa điểm khác trong thành phố. Thần kinh bắt đầu căng thẳng, con virus ám mãi trong đầu, trí óc không còn chỗ để nghĩ gì khác nữa. Từ nỗi lo đó, nhiều người tránh né mọi thứ, cảnh giác quá đáng, lúc nào cũng nghĩ con virus đang ở bên mình, ở đâu cũng có virus, ai cũng đang mang mầm bệnh, kết quả là mang tâm lý hoang tưởng.

Tin tức, tin nhắn, clip đầy trên các báo, trên mạng, trên youtube. Mỗi ngày nói một kiểu, mỗi người nói một đường, báo chí thì loạn tin khiến rất dễ hoang mang. Hôm này nói thế này, ngày mai lại nói khác, chẳng biết tin đường nào. Ngày nào cũng xuất hiện nhiều bài thuốc, cách ngăn ngừa, cách chữa bệnh khi lỡ vướng vào. Khoa học có, bác sĩ có, lang băm, thần y, lương y, thầy chùa, cha cố cũng có. Kể cả thần linh, tiên bụt bày bài thuốc cũng có mặt. Người gởi lúc nào cũng xưng mình là chứng nhân, là người trong cuộc. Thế là tỏi, gừng, sả, dầu xanh, dầu gió, trứng gà, nước dừa, lá cây liên tục xuất hiện thành bài thuốc thần kỳ bên cạnh với những viên thuốc Tây như thuốc giảm sốt, giảm ho, thuốc bổ, thuốc trị sốt rét cùng với các loại thuốc Nam. Xuyên tâm liên, loại thuốc thời bao cấp ai cũng ngán cũng góp mặt. Rất nhiều người vội tin, dù chưa thử nghiệm ra sao vẫn lật đật gởi cho bạn bè, người thân tạo thành một làn sóng tin thật, tin giả tràn lan. Người ta bắt đầu phân vân, bắt đầu chuẩn bị và nhiều khi chuyện cần thiết nhất là tuân thủ 5 Không để bảo vệ mình thì không chịu thực thi mà lại lo kiếm những thứ tào lao, tin những nhảm nhí để phòng thủ. Thế giới đầy những âm mưu, con người rối ren không biết tin ai.

Khi thấy bên Mỹ, bên Tây bị bệnh nhiều quá, chết nhiều quá nhưng nghĩ bên nhà vẫn bình yên cùng với những tuyên bố tự tin và ngạo nghễ của lãnh đạo nên chủ quan. Đến khi dịch bùng phát ở Sài Gòn rồi loang ra nhiều vùng với những con số gây đau thương thì lúc đó lại lo lắng dữ. Lúc đấy mới nhớ lại những con số người chết bên Mỹ, bên Pháp rồi Ấn Độ, Indo liền phát hoảng, tâm lý căng thẳng phủ lên đời sống. Rồi đến vaccine. Biết bao tư liệu, bao bài báo viết về vaccine. Biết càng nhiều, càng lo. Lại có tin những phản ứng khi chích, rồi vaccine này tốt, vaccine kia không hiệu lực, vaccine này sẽ làm máu đông, vaccine kia gây sốc phản vệ. Tất cả tin tức ấy cũng khiến cho tâm lý bất ổn, âu lo. Nóng lòng để được chích, tìm mọi cách để có thể chen chân được trong danh sách. Trông chờ, nôn nao sao chưa thấy ai gọi. Đến khi được lên danh sách, ngày giờ chích thì cũng lại lo, không biết được chích thuốc gì, có phản ứng chi không?

Truyền thông, báo chí, y tế nói rất nhiều về phản ứng khi chích thuốc, sàng lọc, rồi giữ lại xem phản ứng sau khi tiêm chủng. Chính những thông tin đó khiến cho người ta căng thẳng. Truyền thông khiến người ta rối trí, hoang mang. Người vốn bệnh cao huyết áp thì đã đành, nhiều người không bệnh nhưng vì lo lắng, sợ hãi, lo âu quá nên vào đến nơi huyết áp cũng tăng cao. Chích xong thì nhẹ người nhưng khi về cũng vẫn còn lo không biết những ngày tiếp thuốc nó hành như thế nào? Nhiều người lo đến độ ám ảnh, không sốt cũng tưởng sốt, không đau cũng cảm giác đau. Rồi bắt đầu tin mấy tin nhảm, uống cái này, đắp cái nọ chỉ thêm nguy hiểm. Bây giờ ai cũng làm bác sĩ được cả, bác sĩ tốt nghiệp trên mạng internet!

Vợ chồng ở nhà, gặp nhau thường xuyên thay vì phải đi làm việc như ngày bình thường. Bị giam hãm trong nhà, vợ lúc nào cũng quan tâm đến chuyện thức ăn, rau cỏ. Gặp lúc khó khăn, chợ không mở, shipper không đến được bắt đầu càu nhàu khó chịu. Chồng bị nhốt trong nhà, cuồng cẳng, người thì không được gặp bạn cà phê, người thì chiều không gặp bạn nhậu, phải bỏ nhiều thói quen, bực bội trong lòng. Lại thêm đám trẻ quấy phá. Thế là chỉ một chuyện nhỏ, một đụng chạm không đáng có vợ chồng cũng nổ ra tranh cãi, nặng nhẹ với nhau. Nhiều khi bình thường thì nhịn, nhưng đang lúc ức chế chẳng ai kìm được, nổ tung ra thành chuyện.

Khi con người không được tự do sinh hoạt bình thường, phải từ bỏ những thói quen lâu năm, bị nhốt trong bốn bức tường với những lo âu sẽ đưa đến tình trạng ức chế, trầm cảm. Trẻ con sẽ dễ bị tự kỷ khi không được đến lớp, không gặp được bạn bè, thầy cô, không được ra ngoài trời chạy nhảy, vui với các trò chơi. Tuổi mới lớn bị hạn chế tự do trong sinh hoạt cũng stress vì thiếu giao lưu, thiếu bạn bè. Tất cả các lứa tuổi đều bị thay đổi về mặt tâm lý. Toàn những tâm lý tiêu cực. Một thống kê cho thấy trong mùa dịch ở Malaysia, cứ 8 giờ lại có một vụ tự tử có dính líu đến tâm lý bị khủng hoảng vì dịch bệnh.

Và nặng nề nhất là những người bị dính bệnh phải vào khu cách ly hay vào điều trị tại bệnh viện. Họ bị tâm lý nặng nề khi nghĩ về cái chết đang kề cận. Hoang mang, lo lắng, sợ hãi, tủi thân…tất cả khiến cho họ bi quan. Tâm trạng đấy ám ảnh mãi trong đầu họ. Những gia đình có người thân qua đời vì dịch bệnh cũng thế. Họ đau xót, uất hận, tiếc nuối và buồn đau vì không lo được hậu sự cho người qua đời cho đúng lễ, không được gặp mặt, chia tay người mất trong giờ phút cuối cùng. Tình cảnh đó đưa họ đến trầm uất kéo dài.

Ngay người sống bình thản, lạc quan nhất khi nhìn thấy dây giăng khắp nơi, kẽm gai rào như lô cốt, đường phố vắng người, công an, dân phòng la liệt khắp hang cùng cuối ngõ. Rồi lại con số tử vong, người mắc bệnh leo cao từng ngày. Họ cũng dao động, bi quan. Con virus hoảng sợ cũng tràn lan nhiễm vào từng người và khó có người nào có thể bình thản trước những sự kiện xảy ra hàng ngày từ con virus.

Bị giãn cách lâu ngày, sinh ra thèm ăn, thèm thuồng những món ăn trong những ngày cuộc sống bình thường. Cũng giống như tù nhân trong các nhà tù, nhưng người tù vì hoàn cảnh nằm sau song sắt, thèm mà không có được, không mua được vì kỷ luật nhà tù. Còn những người đang bị phong toả, bị giãn cách có đủ điều kiện để ăn nhưng lại không có mà mua. Hàng quán đóng cửa, nỗi nhớ về những món ăn cứ hiện về, tâm lý thèm khát cứ quẩn quanh mãi và các bà nội trợ bắt đầu tìm kiếm nguyên liệu để chế biến. Đương nhiên không bằng bát phở, dĩa bánh, tô cháo ở hàng quán nhưng cũng tạm an ủi nỗi nhớ, cơn thèm. Đó là tâm lý khát khao cái không có được rồi trở thành nỗi nhớ khó thoát ra chờ đợi cơn dịch được ngăn chận. Lại có thêm nỗi trông chờ.

Những người gặp khó khăn, tìm cách trở về quê nhà tránh dịch nhưng cũng bức bách trong cuộc sống. Họ về được quê nhà nhưng lòng nặng nề vì không biết mốt mai phải sống làm sao? Tương lai mịt mờ khiến lòng bao lo nghĩ. Tuyệt vọng với những bất trắc đang chờ. Nghèo túng quá mới tha phương cầu thực. Giờ trở về tay trắng lắm nỗi lo. Xã hội không cưu mang nổi, rồi đây sẽ còn nhiều bi kịch.

Nhiều người khuyên lợi dụng những ngày giãn cách để tập sống chậm lại, tìm cách để nghỉ ngơi. Nhưng khó lắm khi trong đầu vẫn có những lo nghĩ, những băn khoăn không được trả lời. Cũng có người bảo giết thì giờ bằng chăm sóc cây cảnh, nhà phố hẹp đất đâu mà cây với cảnh. Đọc sách, xem phim cũng là cách giết thời gian, nhưng tâm không an thì sao mà đọc, mà xem.

Cú mỗi ngày tìm xem những con số nhảy múa thì khó ai có thể bình thản được. Cái chết vì dịch bệnh đi kèm với cái đói đang rình rập, mấy ai có thể an tâm.

Đức Giáo Hoang Francis thì nói rằng: Tôi không cho rằng đây là Giãn cách hay Cách ly là phải ở nhà với những người thân yêu của mình. Cách ly là cụm từ chỉ mô tả những bệnh nhân nguy kịch ở bệnh viện thôi. Hãy dừng than thở rằng “Tôi chán quá, tôi buồn quá vì tôi không thể ra ngoài được”, trong khi đó có những người đang ở bệnh viện thì họ chỉ “Mong muốn được về nhà”. Xin hãy tạ ơn Thiên Chúa vì mình đang được ở nhà, hãy bỏ qua mọi thứ xung quanh, Có tiền hay không có tiền. Có việc làm hay không có việc làm, thì mình đang được ở cái nơi tốt nhất cho bản thân mình”. Nếu ai cũng nghĩ được như Đức Giáo Hoàng thì tốt quá. Nhưng thực tế hoàn cảnh ở Việt Nam không nghĩ như thế được khi thành phố bị phong toả. Dù nhà nước gọi là giãn cách nhưng thật sự không cho người ra khỏi nhà, thành phố không có sinh hoạt là phong toả chứ gì nữa.

Cơn đại dịch đang hiện diện và nó sẽ còn tồn tại mãi trong cuộc sống. Những tâm lý tiêu cực gặm nhấm cuộc đời của mỗi cá nhân với những lo âu còn nặng lòng. Nó để lại những di chứng. Có lẽ sau cơn đại dịch, con người sẽ có một lối sống khác, một suy nghĩ khác. Có ích kỷ hơn hay bao dung, rộng lượng hơn. Có biết buông bỏ trước vô thường của sinh tử hay vẫn tham lam cướp hết về mình?

Nhân loại sẽ có những thay đổi về những mối tương quan trong xã hội, trong cách giao tiếp cũng như tìm phương cách để chiến đấu lâu dài với kẻ thù dấu mặt. Lại nghĩ đến những thế hệ lớn lên từ cơn đại dịch và có lẽ chúng sẽ chịu những hậu quả của cơn đại dịch, ít nhất là về mặt tâm lý đổi thay.

                                                                                                                     3.8.2021

SÀI GÒN NGÀY PHONG TỎA THỨ HAI MƯƠI BẢY

Sáng nay đang còn nằm ngủ nướng thì điện thoại của anh bạn điện hỏi thăm đã được chích ngừa chưa? Bạn bảo đang xếp hàng chờ vào mua hàng ở siêu thị chỗ chung cư Rạch Miễu gần nhà. Ra từ 4:30 sáng đã thấy người xếp hàng, đầu tiên là phải theo thứ tự để được hẹn giờ vào mua hàng. Đi sớm thế mà anh được hẹn 9:30. Đúng giờ, anh lại tiếp tục xếp hàng để vào siêu thị. Cũng một hàng dài, giờ đang chờ đây, không biết lúc nào mới đến lượt mình và cũng không biết lúc đấy có còn hàng hoá gì không nữa. Hình dung ra cảnh anh mô tả, lại nhớ đến Sài Gòn sau 1975, thời bao cấp. Đi mua gạo, mua dầu lửa, mua thịt heo, mua nước mắm…cũng xếp hàng chẳng khác hôm nay. Nhưng bây giờ đang mùa đại dịch, cứ thấy tập trung đông người là ớn lạnh, không biết con virus quái ác đó có luẩn quẩn đâu đây. Cho nên đứng trong hàng người ngoài cái lo có hàng để mua khi đến lượt mình, còn canh cánh nỗi lo sợ lây bệnh. Trên truyền hình, báo chí lúc nào cũng nghe, cũng thấy nói không thiếu hàng hoá, lương thực, thực phẩm. Hình chiếu lên những gian hàng đầy ắp, trái cây, rau củ tươi ngon, thịt heo, thịt bò tươi rói. Thế nhưng có qua cầu mới hay, đi sớm, được vào sớm thì còn hi vọng chứ vào trễ thì xem như xong. Thật sự là hàng hoá không thiếu nhưng cách thức cung ứng đã khiến cho thừa thành thiếu. Khi các chợ không được hoạt động, chị em tiểu thương đã thành lập những nhóm bán qua mạng, qua những trang: Tôi là dân Phú Nhuận, Tôi là dân Gò Vấp, Tôi là dân Bình Thạnh. Họ cũng có những trang chợ trên mạng. Những tiểu thương này đã có nhiều kinh nghiệm và quen biết những đầu mối hàng hoá, rau củ, thịt thà nên họ có số lượng hàng không nhỏ đủ cung cấp cho người dân, chủ yếu là cùng quận. Nhưng gặp khó khăn trong việc vận chuyển hàng hoá đến tay người tiêu dùng. Shipper chỉ chạy luẩn quẩn trong quận, ra khỏi quận gặp quá nhiều chốt chận. Mà mỗi chốt có mỗi cách hiểu vấn đề khác nhau, toàn giải quyết theo cảm tính nên mất rất nhiều công sức và thời gian.

Nếu giải quyết được khâu ách tắc này, tin rằng sẽ không còn những cảnh xếp hàng dài chờ đợi và thiếu nguồn hàng như ở các siêu thị được chỉ định. Nhu cầu ăn uống là quan trọng và cấp thiết trong những ngày giãn cách đối với mỗi hộ gia đình cho nên việc mất quá nhiều thời gian để được mua hàng hoá gây nhiều khó chịu và ức chế trong dân. Một điểm cần quan tâm nữa là trong các khu nhà trọ, trong những căn nhà thuê, mướn đa số hầu như không có hộ khẩu tại địa phương. Và theo nguyên tắc, họ sẽ không được phát phiếu đi chợ, thế nên họ không được quyền mua hàng như những công dân khác, đó cũng là điều thiệt thòi và bất công. Bởi họ cũng cần ăn, cần được sống như mọi người.

Bạn hỏi tôi về chuyện tiêm vaccine và bạn cũng nôn nao vì vẫn chưa được địa phương gọi chích dù đã làm giấy đăng ký. Bản thân bạn mới trên 50, không nằm trong diện ưu tiên thì cứ nên kiên nhẫn đợi chủ trương của thành phố sẽ chích cho tất cả mọi công dân trên 18 tuổi. Bạn sợ chích trễ thì sẽ bị tiêm thuốc Tàu, tôi bảo đọc báo đi, lãnh đạo thành phố đã nói với dân là chưa tiêm thuốc ấy vì đang chờ thời gian thẩm định. Đọc rồi tin hay không là tuỳ mỗi người nhé. Nhưng qua đợt tiêm chủng ở thành phố những ngày gần đây, phải công nhận là tốc độ tiêm chủng của thành phố này đã đạt được con số đáng khen ngợi dù trước đó tiến hành và tốc độ có chậm, đôi khi rất rề rà. Đang lúc thiếu nhân lực, dịch bộc phát dữ dội, người nhiễm và người chết cao nhất cả nước, bị hạn chế về nhiều mặt trong việc hỗ trợ từ trung ương nhưng tốc độ tiêm chủng trên 100.000 liều một ngày là điều chứng tỏ sự nỗ lực rất lớn. Theo ông Phó Chủ tịch thành phố Dương Anh Đức cho biết, Bộ Y tế cho phép TP Hồ Chí Minh tháo gỡ một số vướng mắc để tăng tốc tiến độ tiêm vaccine. Trong đó, Thành phố tổ chức tiêm chủng cho tất cả các đối tượng từ 18 tuổi trở lên, nhưng vẫn duy trì ưu tiên tiêm chủng cho lực lượng tuyến đầu, người cao tuổi, các trường hợp có bệnh lý nền và đẩy nhanh tiến độ bao phủ tiêm vaccine. Ông Dương Anh Đức còn cho biết, trước đây, TP Hồ Chí Minh yêu cầu các doanh nghiệp đăng ký đúng đối tượng được tiêm, nhưng lần này Thành phố không giới hạn đối tượng tiêm vaccine. Tất cả người dân đang sinh sống tại TP Hồ Chí Minh trên 18 tuổi đều được tiêm vaccine.

Vic tổ chức tiêm không quá ràng buộc vào các đối tượng nữa mà quan trọng chúng ta phải tiêm để tạo độ bao phủ nhanh. Các quận, huyện và thành phố Thủ Đức sẽ có nhiệm vụ tổ chức tiêm sao cho phù hợp, quy củ để cho việc tiêm vaccine này được kết thúc nhanh nhất có thể”. Với việc mở rộng đối tượng được tiêm chủng, phấn đấu đến cuối tháng 8/2021, có khoảng 70% dân số thành phố (trên 18 tuổi) được tiếp cận vắc xin mũi 1. Đó là con số cần thiết để sớm ngăn chận sự bùng nổ của dịch bệnh. Tuy việc đăng ký và tổ chức nơi này nơi khác cũng còn một số điểm phải khắc phục. Nhưng trong nhiều khó khăn về địa điểm, về nhân lực, về việc phân phối thuốc, thành phố đã tổ chức được việc tiêm chủng như những ngày gần đây là một nỗ lực đáng khen. Được tiêm chủng càng sớm càng tốt là mong đợi thiết tha và chính đáng của người dân.

Được chọn lựa và yêu cầu được chích loại thuốc mà mọi người tin tưởng cũng là một yêu cầu chính đáng không có gì phải bàn cãi. Nhiều người cứ cho rằng trong lúc đói thì không nên chọn lựa, phải giải quyết cơn đói trước đã. Thưa rằng chuyện đói và chuyện sinh mạng khác nhau. Khó có thể thuyết phục người ta chọn lựa thứ thuốc người ta không tin tưởng, cũng khó mà cưỡng ép khi người ta chưa thông. Vaccine rất cần, cần lắm và ai cũng nhận thức điều đó. Nhưng cần không có nghĩa là chấp nhận bất cứ thứ gì được ban phát. Dân có quyền được chọn lựa và họ tin tưởng và trách nhiệm với sự chọn lựa của mình. Nếu toàn quốc đều chích một loại thuốc giống nhau, mọi người, mọi tầng lớp đều tiêm chủng chỉ một loại thuốc, lúc đó sẽ không còn tranh cãi về việc chọn lựa. Lúc đó mới gọi là công bằng và bình đẳng. Những ngày qua, đã có nhiều clip rất cảm động, rất đẹp lòng của nhiều cá nhân, tổ chức và có cả lực lượng công an, dân phòng ở các chốt xuất hiện trên mạng xã hội. Một chị ở Phan Thiết dù chẳng giàu có gì đem 120 triệu ra phân phát cho những người đi xe máy về quê. Một người già gốc Quảng Nam bỏ tiền túi thuê hai chuyến bay cho những người đồng hương được về nhà. Một anh đem chiếc SH của gia đình tặng cho một cậu shipper bị mất xe. Hai vợ chồng đội mưa chạy trên chiếc xe gắn máy đem cơm cho những người sống ở vỉa hè. Một anh cảnh sát giao thông mở đường cho một sản phụ đi sinh. Diễn viên Quyền Linh xông pha khắp chốn hỗ trợ cho người nghèo. Những nhà hảo tâm đến với bốn người thợ xây dựng gốc Thanh Hoá đói ăn, chỉ ăn được mì tôm đã hai tuần vì thất nghiệp, không còn tiền và phương tiện về quê. Một lời kêu gọi giúp cho một cô sinh viên bị mất cha không tiền mua quan tài để tiến hành tang lễ. Và còn nhiều, nhiều lắm những cảnh đời và những vòng tay yêu thương mở ra trong cơn ngặt nghèo giữa đại dịch. Cũng không thiếu những người giàu có lặng lẽ bỏ tiền giúp cho các bệnh viện có thêm máy thở, thêm thuốc men để chữa bệnh. Tất cả đều âm thầm, lặng lẽ làm, không khoa trương, không khoe khoang. Nhưng mọi người đều thấy rõ tình đồng bào của họ. Mọi người tri ân và vô cùng biết ơn. Người Sài Gòn vốn rạch ròi, khí khái và trọng ơn nghĩa, sẽ không bao giờ quên ơn những người đã giúp mình. Bàn tay chìa ra lúc khó khăn có giá trị biết bao lần. Tấm lòng mở ra đúng lúc đem lại niềm vui và hạnh phúc cho biết bao người.

Lãnh đạo từ trung ương đến thành phố và đặc biệt là ở thành phố đã nhìn thấy những quyết định không hiệu quả và quyết tâm thay đổi. Đã thấy xịt khuẩn là chuyện vô ích. Đã thấy không nên chú ý đến con số người dính bệnh mà tập trung để giảm con số tử vong. Đã biết chọn lựa, phân biệt và đưa ra hướng giải quyết cho những F0 có triệu chứng và không triệu chứng để giảm tải cho các khu điều trị và bệnh viện. Giải phóng các khu cách ly, tránh tập trung những đối tượng F1. Giảm gánh nặng cho lực lượng y tế đã đến hồi kiệt sức. Tin rằng với những thay đổi và có cách nhìn mới về biện pháp ngăn chặn dịch và nhanh chóng hoàn tất việc tiêm chủng toàn thành, thành phố sẽ sớm hồi phục.

Mong lắm Sài Gòn ngày bình phục. Mong lắm những ngõ hẻm, vùng sâu của thành phố này không còn ai phải đói. Mong lắm ngày Sài Gòn không còn cảnh khóc thương đưa tiễn người ra đi vì dịch bệnh. Mong chỉ viết về niềm vui và hân hoan chứ không còn những lời than đau đớn. Và cũng mong một ngày rất gần, người Sài Gòn lại có nụ cười, cầm tay nhau, hôn nhau mà không còn e ngại con virus khốn nạn nữa.

                                                                                                                       4.8.2021

(Còn tiếp)

Comments are closed.