Kiến vàng không càng – Truyện ngắn Nguyễn Thị Hoàng Bắc

Hoang BacVăn Việt: Nguyễn Thị Hoàng Bắc là tên thật và bút hiệu, sinh tại Thị Nghè, Gia Định, đi học ở Nha Trang và Sài Gòn, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Sài Gòn, Văn Khoa Sài Gòn, từng dạy tại các trường trung học ở Việt Nam. Là giáo viên (đã nghỉ hưu) tại Học viện Ngoại giao, thuộc Bộ Ngoại giao, Hoa Kỳ, Arlington – Washington DC.

Chị đã ấn hành bốn tập truyện tại California, Mỹ: Long lanh hạt bụi, Bên lở bên bồi, Kéo neo mà chạy, Nhện.

Chị cũng có làm thơ, đăng báo nhưng chưa in thành tập. Chị đang hoàn tất một tập truyện, một tiểu thuyết, một tập thơ với “hy vọng sẽ sớm được xuất bản (tại quê nhà thì chắc thích hơn!)”.

 

                                                           

Đi xa, đi ra, Nicaragua, Guatemala, Himalaya, Sơn La, Roma, Đống Đa… cỡi ngựa xem hoa.  

Xe bụi rộn ràng dồn dập.

Người vui chơi, kẻ đi-về mua sắm, có cả ăn mày, có người đi làm, người móc túi, có dân chạy hàng giả, và du khách lơ tơ mơ. Nhởn nhơ, bình thường, con người ở đâu vẫn phải làm, phải sống, phải đóng thuế, phải chết, và phải làm, phải sống, để đóng thuế, để chết. Mọi sự xem như đề huề, hình như chẳng ai xâm lược ai, cướp đoạt trinh tiết, cưỡng hiếp ai, giờ là thời mua qua bán mua lại sòng phẳng, kinh tế thị trường…

Khi theo chân bọn bạn già cho ra vẻ du lịch sành điệu, cho đỡ tủi thân quê mùa, khỏi đau đầu nhức óc vì cứ nghe chị này kê khai Bermuda, chị nọ nói nước sông Nile trong đục hai dòng đang dần sa mạc hoá… vân vân… tôi quyết định bon chen chen chân đi theo họ.

Rảo qua những cửa hàng ăn uống nhạc pop lưng tưng, đôi khi thơ mộng tào lao tựa lưng bên bức tường đá đen đầy dây hồng leo phủ, vừa tự chớp tấm ảnh bằng điện thoại, vừa phồng mũi ngửi cơn gió nhẹ thoang thoảng mùi biển Địa trung hải… Khi khấp khởi ba chân bốn cẳng theo cho kịp đoàn tua du khách trên con đường lởm chởm lót đá đen thời trung cổ, khi bày đặt miệng chóp chép các loại hạt nướng, dẻ, hazelnut thơm lừng gợi nhớ một thời Đà Lạt đã xa. Vậy thôi.

Cho tới một hôm đang chen chân xếp hàng mua gelato như người điạ phương, mắt lơ đãng bỗng chộp được từ nơi chân trời, nóc nhà thờ nhọn hoắt đâm lên, ui, ai biết được ngày đó, nơi đó, một cơn thảm sát bọn hung tàn đã họp bàn chuyện treo cổ Galileo… Chân lý đi trước bọn nhân loại lớn hay nhỏ chậm lụt bao giờ cũng có khả năng trở thành tội ác độc ác nhất? Mùi kem gelato thơm ngát, bỗng lôi về cái nơi xa xăm kia, những Trần Dần, Nguyễn Hữu Đang, Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường, Văn Cao… đang và đã đụng đầu với những loại giá treo cổ như Gallileo…

Người bạn chia phòng với tôi hôm nay đi chơi về hơi sớm. Hắn là đứa có chồng, và là mẹ của hai đứa con nhỏ, nhưng hay tránh né nói về con mình, khác với thường tình các bà mẹ trẻ già, nhất là mẹ Việt Nam – hay khoe khoang khuếch đại về con cái.

Một bà bạn than:

“…Tôi ớn nhất đi ăn đám cưới phải ngồi chung bàn với mấy bà Việt Nam… Đi lại cũng là chuyện khoe con tui học giỏi nhất, khoe nhà tui mới nhất, chồng tui nghe lời (?) tui nhất, hứng chí lên, khoe luôn dùm tài ba con cái của năm bảy chục người bạn của mấy bả… làm như muốn kết bạn với mấy bả, phải là ông bà cha mẹ phụ huynh của các đấng vĩ nhân thiên tài…”.

Rút kinh nghiệm lần đi với Ngọc, lần này đi, tôi rủ Hạnh, tiền vé, tiền phòng chia nhau sẽ rẻ hơn một chút, và hy vọng không như lần đi với Ngọc, kinh nghiệm toà án nhân dân đến ê càng …

Hạnh ăn diện và đỏng đảnh như một thiếu phụ độc thân, tuy đã có chồng và hai con. Mối tình bên ngoài với tay luật sư có vợ, Hạnh rù quến quá nên Long kết với Hạnh được ít lâu rồi tìm cách dang ra. Hạnh bảo, em không tha, em tìm mọi cách cho Long phải là của em, phải trở lại, không thì em mất mặt lắm. Chuyện ngoại tình dùng dằng kéo cưa chưa đi tới đâu, tay luật sư thình lình bị stroke khi đang bơi lặn trong hồ, lăn ra chết, bà vợ đăng cái cáo phó, bên dưới ký tên bà quả phụ Trịnh Huy Long.

Hạnh cay vì cái tên ký đó:

“Đến chết rồi con mụ vẫn bám riết… không chịu buông ông Long ra”.

Lúc này Hạnh đang thất tình, đang ít nói nên tôi tạm yên thân.

Tàu lại cập bến, tôi lại lang thang một ngày một mình trên đường. Đang đi, bỗng bất thần dừng lại. Không vì phải cảnh đẹp, cũng không vì có chuyện gì bất ngờ, như cái tật, thỉnh thoảng đang đi, tôi bất thần đứng lại. Sự phản tỉnh đôi khi có cần thiết không, bao lâu thì cần xét lại, kiểm điểm lại? Quân tử thận nhi kỳ độc có cản bước, không cho người đi mạnh dạn tung tăng tiến bước, hay ngược lại, có khả năng cho mình thắng gấp, dừng lại kịp một ván cờ sai?

Hạnh kể, đã có lúc luật sư Long dự tính sẽ ly dị vợ và Hạnh sẽ bỏ chồng để hai người chính thức sống với nhau. Nhưng vợ Long doạ sẽ tự sát nếu Long ly dị, và cũng có lần không doạ, bà ấy đã tự tử thật. Đưa vợ từ bệnh viện về, Long cắt đứt quan hệ với Hạnh. Sau lần chia tay, cả hai đã ngoái lại nhìn nhau rất nhiều lần, tất nhiên là không cùng một lúc, tình cờ đơn giản, và có sắp đặt ly kỳ như phim bộ, mãi về sau, Hạnh mới biết chuyện Long lại muốn ly dị một lần nữa, và bà vợ ấy lại được cứu sống một lần nữa. Mọi chuyện đang rối tung beng thì Long chết, cái chết bất ngờ đột ngột có vẻ như chấm dứt thở phào được nhiều chuyện, nhưng rõ ràng rắc rối chỉ chấm hết cho người chết, người sống thì chưa.

Hạnh gửi con cho mẹ và lên tàu với tâm trạng khá u uất. Du lịch và những cảm xúc chia sẻ về xâm lược, đánh chiếm và hãm hiếp gái điếm gì đó của tôi, hắn khá bực bội và xem như những trò chơi vô bổ.

 “Bọn xâm lược đến từ phương Bắc, ở lại mười thế kỷ, bọn từ phương Tây, một thế kỷ, trước khi bị đánh bật ra. Nhưng sau đó thì mấy trăm lần khác, bọn đàng điếm khắp nơi đã kéo đến rồi kéo đi… Chúng đến chỉ vì cái cảm giác nôn nao sắp được hãm hiếp và giành giựt của lạ này?”.

“…Mỗi lần nhìn con tàu lừng lững và ung dung rẽ sóng tiến vào, và thành phố đang sẵn sàng mở toang cửa ngõ cho bất cứ ai chịu nộp thuế má đầy đủ, chả biết cảm giác bước vào một ổ điếm thập thành hợp pháp ra sao, nhưng cứ mỗi lần như vậy, tôi nghe ra như là tàu đang nôn nao, ngạo nghễ, còn mình thì đang tủi nhục, đắng cay”.

Hạnh bật cười lên, mạt sát:

“Kiểu này của chị đúng là kiểu trí thức rởm, đua đòi thôi, chị ơi! Suốt ngày cứ bịa ra hết chuyện này đến chuyện khác để đau đầu vì Việt Nam. Bô-xít làm hại môi trường, thậm chí Trung Quốc tái chiếm luôn cái đô hộ phủ đó thì ảnh hưởng gì đến cuộc sống của riêng bà? Con cái bà ở đây, lấy vợ lấy chồng sanh con đẻ cái, tụi nó còn nói trôi tiếng Việt không, ở nhà nó còn có ăn được mắm nêm, mắm ruốc không, thì Việt Nam mắc mớ gì tới bà?”.

Hắn làm tôi nín thinh, cụt hứng, độn thổ.

Hạnh coi chuyến đi xa này là một chuyến quên đời, tái bổ sung năng lượng, để trở về sẽ kiếm cách cua một anh chàng đẹp trai Mỹ, Việt nào khác, để trả thù cái tên chồng lắm tiền mà ích kỷ, trước khi cưới nhau, lợi dụng Hạnh ngây thơ khờ khạo đã lập thủ tục cho vợ chưa cưới ký tên vào cái hợp đồng prenuptial.

Ngọc, bà bạn người Việt có chồng Mỹ đã ly dị, người sợ đi ăn đám cưới phải nói chuyện với người Việt, và lần trước là bạn chia chung phòng với. Khi ở chung phòng, hay thậm chí nhiều lần tàu cập bến, đi ăn trưa hay đi phố với nhau, không thấy Ngọc nói gì đặc biệt, nên tôi cũng ít nói. Thật ra là không có cơ hội chia sẻ những suy nghĩ tào lao trên đường đi của mình.

Duy nhất có một lần, tự nhiên Ngọc đố:

“Đố chị biết hôm nay là ngày gì?”.

Lơ ngơ chưa hiểu kịp mà thiệt ra cũng hơi coi thường, vì Ngọc thường có những câu hỏi không đầu không đũa thuộc loại hơi lãng xẹt như vậy.

Nên đáp cầm chừng cho qua:

“Ngày sinh nhật của Ngọc? Của ông bồ? Con trai? Con gái?”.

“Không phải. Hôm nay là ngày… ba mươi tháng tư”.

Ngọc nói với vẻ long trọng đặc biệt mà sao vẫn có vẻ giả tạo. Tôi không có ý niệm gì.

Ngọc buột miệng tố khổ:

“Chị không phải là người Việt!… Hôm nay là ngày quốc hận”.

Nghiêm trọng, Ngọc tiếp:

“Nghe nói… nhiều người trong cộng đồng ở đây… đồn thổi với nhau… nói là… chị là… Việt Cộng!”.

Tôi không được làm người Việt, chỉ được là Việt cộng thôi, nhân danh cha và con ở trên trời, nhân danh cộng đồng ở dưới thế.

Đàn ông đàn bà thường tấn công ác liệt người cùng phái, nhưng cho người khác phái có lẽ sẽ nhẹ tay hơn.

Tối đến, Ngọc diện lên đẹp mê hồn. Mặt hoa da phấn, cứ tối tối, Ngọc lại hoa nở về đêm. Khi quây quần xung quanh bàn ăn với những thực khách Mỹ già, Mỹ trẻ, khi bên phòng nhạc, khi cụng ly với Mỹ sồn sồn, Mỹ cái, Mỹ con, nhất là mấy cha già Mỹ, Ngọc đem hết đầu óc thông minh lanh lợi của mình ra mà tha hồ tung hứng linh hoạt. Nét mặt sáng ngời, niềm vui sướng như toả ra từ tất cả các chân lông trên thân người Ngọc, những mẩu chuyện vô thưởng vô phạt, không đâu vào đâu:

“Phải rồi, trước khi đi, tôi đã đọc những sách du lịch này, tay Rick Steves viết hay quá, đúng quá, hay hơn Jeremy Seal và Dave Freeman (thông thái quá nên Ngọc quên tuốt trước khi đi hắn đã cảnh cáo tôi phải học một vài câu tiếng địa phương vì ở những nước Bắc Phi, người ta không biết tiếng Anh, cảnh cáo sai, tới nơi, dân ở đó nói tiếng Anh hay như Ngọc và giỏi hơn tôi…) … còn móc túi, giật đồ khắp nơi phải coi chừng, tụi móc túi ăn mặc lịch sự lắm không biết đâu mà lần, các ông bà coi, tôi phải bỏ tiền trong ngực áo (Ngọc giơ tay móc vào áo ngực tỉnh bơ truớc mặt dăm bảy tên đàn ông già, tụi nó gật gà gật gù tán thưởng) … còn hôm qua ngoài phố tôi hỏi đường một tên nói tiếng Anh accent Ả Rập nghe cười hết biết, tôi chỉ hiểu được 50% thôi (kiểu hiểu hết chết liền)

Ngọc và cả bọn phá ra cười.

Một ông trong bàn ăn thấy tôi im lặng quá nên lịch sự quan tâm:

“Còn bà thì thấy thế nào?”.

Ngọc liếng thoắng cướp lời:

“Bà bạn tôi là phụ nữ Việt trăm phần trăm, họ thường im lặng hơn là nói cười… như chúng ta”.

Lần này thì Ngọc cho tôi làm người Việt một chăm phần chăm, em ơi chiều nay một chăm phần chăm.

***

Cứ mỗi lần đụng đầu vào một bức tường lạ chắn ngang trước gió một ngõ đi, một bức tường gạch chưa sơn quét, không hiểu sao, tôi đều rợn tóc gáy. Linh tính mách đến đây đã là ngõ cụt, đến đây là hết đường ra, là tuyệt lộ vây khốn, và bất cứ ai đó muốn tấn công tôi từ phía nào, bên phải bên trái, đông tây ngang dọc, tôi đều không có cách đỡ. Tôi lờ mờ hiểu ra, thật khó cho tôi thoải mái nhập bọn hoàn toàn với bọn chúng ta của Ngọc.

Những giấc mơ tiếp theo sau chuyến du lịch Âu Châu và Bắc Phi thường nhiều đêm lặp lại. Tôi bỗng lạc vào đám mù sương, mắt mở trừng mà không thấy lối ra, không biết mình đang đứng đâu, đi đâu, làm gì. Chung quanh vẫn chỉ là một vùng trắng, trắng đặc, mắt nhắm mà thật ra là đang mở, cố mở to hơn nữa cũng chẳng thấy được gì, đầu tê liệt, óc tuyệt vọng, và nhất là không biết làm sao để thoát ra khỏi giấc mơ, dù biết đó chỉ là giấc mơ…

Tỉnh dậy, người và chân tay rũ liệt đi một lát, như đã chết, trong chốc lát.

Một giấc mơ dài hơn sau nhiều chuyến du lịch, thấy tàu tôi đậu vào một bến nước cỏ mọc ven bờ, sóng đánh thì thòm, rồi tôi lội nước lên bờ đi vào một đường đất hẹp dẫn loanh quanh ngoằn ngoèo mãi vào tận xóm, xóm có tiệm may, tiệm ăn, tiệm rượu, mấy cô điếm tre trẻ mặc áo hai dây bó sát xanh đỏ tím vàng, có mấy ông tây râu ria cao lớn vô ra khòm lưng cúi đầu chui qua khung cửa hẹp.

Tôi cất tiếng hỏi một trong hai bà cụ đang ngồi nhổ cỏ ven đường, đường nào đi đến khách sạn La Maison Jolie vậy bác, một bà nói, nó bán mình ở đây hay bán mình tận tuốt Đài Loan, Hàn Quốc cũng như vậy thôi, rồi đưa tay ra chỉ. Tôi miên man theo tay đi mãi, đi mãi, tiếng sóng lại thì thòm từ xa đập, tấm bảng tên đường thình lình hiện ra trước mắt: Bùi Viện, Phạm Ngũ Lão… Ngẩn ngơ nhớ lại các bài học sử địa lúc bé, hình như quan hệ ngoại giao của nước ngoài với nước mình, Bùi Viện từng là đại biện ngoại giao, và ông Phạm nổi tiếng là nhà thơ danh tướng từng được thờ làm ông tổ của thuỷ quân Việt.

***

Tháng 7 năm ngoái, lễ Độc lập Mỹ, vài ngày nữa là đám giỗ mẹ tôi. Các con và cháu ở cùng tiểu bang sẽ đến ăn trưa, tôi mua trái mít tươi ở chợ Hàn Quốc, đem phơi nắng ngoài deck cho mau chín, trưa lại, định sẽ cho chúng ăn cá bass nướng mỡ hành, bún, dưa leo, rau sống cuốn bánh tráng, chấm mắm nêm. Sẵn lò nướng, các con sẽ đem khoai lang và bắp nếp đến nướng làm thêm món tráng miệng. Hừ, cái deck này bữa nay sao giống hệt cái sân phơi lúa ở quê bên nhà, thật ra tôi đã ở thôn quê bao giờ đâu, nhưng trí tưởng tượng quá đà còn vẽ thêm cảnh có một người cầm dao bước ra chặt phụp phụp một nhát, tàu lá chuối tươi xanh còn đọng ướt sương rớt xuống, cầm vô, xé lá bọc cuốn tròn con cá lại, và thế là món cá tươi nướng lá chuối Sông Quê. (Thật ra hình ảnh này tôi cóp nguyên văn trong mấy brochures du lịch sông nước miền Nam.)

Con gái lớn bài bác:

“Năm nay nóng chết người, mẹ muốn ăn món nướng, chúng ta đi nhà hàng Nhật ăn hibachi đi, nướng chi cho mệt!”.

Vậy là năm ngoái buồn hiu, tôi hụt ăn cá nướng và cả ăn mít. Trái mít tươi phơi nắng mãi trở thành đen thủi đen thui, tôi không phải dân nhà vườn, bày đặt xây dựng nông thôn chi cho mua phải trái mít non không chin nổi.

***

Sáng nay ngồi uống cappuchino sau khi ăn món bánh mì bình dân panini ở quán cóc trước khu nhà danh cầm Paganini, tôi định nói với Hạnh, bao giờ Việt Nam mình có quán Nhân văn Giai phẩm để mọi người đến đó ăn chả cá, uống rượu tăm, xem có thú hơn funghi triofolatiespresso trứ danh như tối hôm nay tàu chúng tôi sẽ đãi.

May mà tôi nín kịp.

Đi xa, đi gần, nhớ tới, nghĩ lui cũng chỉ là trò loay hoay dở hơi con kiến vàng nó không có càng, con kiến con đi ra ngoài hàng tuyệt vọng bò ra lộn vào đáy cốc, hay leo lên leo xuống mãi cành đa cành đào.

Có thể Hạnh độc miệng đã nói đúng, tôi chỉ vẩn vơ một chút tình của kẻ ăn quả nhớ kẻ trồng cây, chứ thật ra làm gì có ăn cây nào rào cây ấy đối với cố quốc. Thà là nhập hẳn vào đám cộng đồng hay nhóm chúng ta như Ngọc, thà là miệt mài săn đuổi đầu tư không mệt mỏi vào đám đàn ông như Hạnh, may ra sẽ thấy mình thông minh hơn.

Nhưng Hạnh cũng đã rút kinh nghiệm bản thân và răn đe:

“Mấy cha già cỡ tuổi chị, chỉ có nước gọi điện đến nói tục để thủ dâm chớ nước mẹ gì nữa mà làm ăn?”.

Còn Ngọc thì như đã nói, đã loại tôi ra khỏi nhóm người Việt cũng như nhóm chúng ta của hắn từ khuya rồi.

***

Dù sao, có dịp, tôi sẽ lại bon chen không hối tiếc, lại theo chân đám bạn bè lớn nhỏ, lại cưỡi ngựa xem hoa, lại làm kiến vàng không càng bò ra leo vào, cho ra vẻ tí chút như ta đây thượng lưu sành điệu, như ta đây điển hình đúng mốt người tiêu thụ văn minh.

 

Tác giả gửi Văn Việt.

Comments are closed.