Pho tượng

Tôi Đây(*)

Chúng tôi đến ngụ ở nơi sẽ là Nhà truyền thống xã trên khu đất ngôi chùa cổ bị phá đã lâu. Nhà xây kiểu mới nhưng ngói gạch cùng cột kèo đều là vật liệu ngôi chùa cũ.

Khung cảnh nơi đây, một vùng âm u, êm ả, rất gây ấn tuợng. Hai cây muỗm già chầu hai bên sân. Tầng tầng tầm gửi rậm rịt khoác lên chúng cái dáng mạo thâm nghiêm, bí ẩn và hùng vĩ của rừng.

Tưởng chỉ vội vào bóng râm mát mẻ mà các tán lá xum xuê phủ xuống:

– Chú ý hộ cái bóng râm này. Ngôi chùa chính là ở đây. Ngày trước, bất kể nắng hay mưa, tối hay ngày, hễ cứ đứng trên bậc đá tam cấp nhìn ra hồ sen kia là thấy trăng chiếu mặt hồ… Nhờ cái bóng muỗm này và nhờ chủ yếu bộ ống nhòm có ba lăng kính quang học độc đáo là cái cổng tam quan đến nay đã thành một phần trại lợn. Một hỗn hợp ánh sáng kỳ lạ mà bí mật đã bị ông công trình sư hút điếu cày thiết kế nên mang sang thế giới bên kia mất rồi. Cấu tứ toàn bộ công trình từ cõi tâm, các cụ thường tạo nên nhiều ảo giác trong vật kiến trúc.

Nói đúng ra là chúng tôi bị Tưởng lùa về đây gíúp xây dựng một phần Nhà truyền thống xã Minh Tân. Xã mời anh, anh lỡ nhận lời và thế là một “đoàn văn nghệ sĩ thủ đô” chúng tôi liền tới đây. Ngoài Tưởng nhà báo, còn Khả, nhà văn, Minh họa sĩ và tôi. Tôi đã chối: – “Cần gì làm tượng?”. Tưởng lừ mắt: – “Người ta chơi tượng nhiều rồi, ông ơi”. Khả thủng thẳng: – “Người ta đi Đức, đi Tiệp, đi Nga nườm nượp ạ. Có cả mấy người theo Hoàng Văn Hoan sang Bắc Kinh nữa đấy, nơi này không xoàng như chúng mình nghĩ đâu”.

Tưởng gật đầu:

-Tủ kính hàng mẫu của tỉnh đấy. Đám viễn dương Vosco vái dài. Trẻ đây không leo lên Babeta nhá, bảo là ghê cái đoi (vừa nói Tưởng vừa đập vào mông). Nhà nhà ti vi, cát xét. Trước 1945 là cơ sở của Trung ương đảng ra vào Hà Nội nên nhiều cụ kễnh tới lui. Cơ sở đảng không bao giờ trắng, Nhật đảo chính được ba tháng thì chi bộ chỉ đạo dân cướp luôn chính quyền. Rồi đánh úp đồn B. lấy súng…

Khả tưng tửng:

– Tủ kính để lóa mắt thiên hạ à, có nhân ra đại trà không?

– Tiểu trà còn mệt ạ, Tưởng cười hiền lành.

Anh gật đầu cổ vũ tôi, biết tôi không mấy mặn mà. Nhưng thật thà tôi cũng không có ngán lắm. Ít nhất bóng dáng mơ hồ của ngôi chùa cổ qua lời Tưởng nói cũng an ủi tôi.

Tối đầu tiên ở đây, Tưởng kể thêm về ngôi chùa. Mình không sao quên được cái tiểu khí hậu vừa lâng lâng vừa tịch mịch gỉ ứa ra ở mỗi mạch hồ của nó. Này, hai dãy tường hành lang thấp mới lạ đấy nhớ. Đi vào cứ thấy vách chúng mỏng tang như vách giấy nhà Nhật, nó quanh co đưa ta đi miết, mỗi bước mỗi lạ nhưng cuối cùng lại về điểm khởi đầu. Mà hoa khế dọc suốt hai rìa hành lang nom cứ ngỡ hoa đào…

Còn khía cạnh “xã hội học”, “tâm linh” của ngôi chùa nữa. Chùa bốn trăm năm cổ. Thờ một công chúa nhà Lê bị vua nghi oan đuổi đi. Công chúa nhảy xuống hồ sen đây trầm mình. Ngó sen kết thành võng đưa thi hài lên chỗ sau dân làng dựng tam quan. Chùa thiêng nổi tiếng. Đặc biệt xử ngay gian, thật giả. Kiện đem nhau đến đây mà hễ bên ngoài nghe thấy trong hậu cung chuôi vồ kêu đánh ối là biết kẻ gian dối vừa bị “nàng” vật chết, máu mồm chảy ra đen như máu đỉa…

Có lẽ vì lạ chỗ, quá nửa đêm lâu tôi vẫn trằn trọc, lởn vởn với mấy ý nghĩ chẳng ra đâu vào đâu. Công chúa đã xâu tai chưa? Con dao bổ cau đeo cùng bộ xà tích đánh ở bễ nào tại cái nơi chắc nay là phố Lò Rèn và chắc mẹ mua cho năm con gái mười ba, mẹ bắt đầu dạy ngậm môi vào miếng giấy thẻ hương rồi khẽ lim dim mắt lại mà nhấm nhấm. Con chết mẹ ra ngồi khóc ở chỗ nào trên bờ hồ này? Bâng khuâng một chập rồi thiếp đi.

Thình lình tỉnh giấc. Nhìn qua cửa sổ, bắt gặp cả một hồ trăng. Ăm ắp, vằng vặc. Hôm nay bao nhiêu? Trăng nào quăng quắc thế này giờ này? Chợt nhớ tới ánh nguyệt bạch sau tam quan như Tưởng nói. Sau giây phút xuất hiện bất ngờ, màu trăng dịu lại. Đúng nguyệt bạch, pha khói pha sương. Giấc ngủ và giấc thức đan nhau.

Bô… ô… ôô… bôông… bô… ôôông… bôông…

Tiếng chuông như những cụm đảo khẽ xê dịch đo căn nhà. Chưa kịp đôi hồi, mùi hương mùi trầm đã ngan ngát. Không gian bỗng thơm mênh mang. Có tiếng người đi rón rén. Tưởng ghé tai tôi:

– Thấy không?

Tôi gật. Cùng lúc tất cả tiếng chuông cùng mùi thơm hương khói vụt biến vào một nơi nào. Hồ mịt mù đêm…

Khả nói to:

– Bật đèn được rồi.

Tưởng nói:

– Ảo giác ghê thật.

Khả hừ một cái:

– Ảo mà mấy thằng cùng thấy?

– Thì cũng như cả đoàn người thấy nước ảo trên sa mạc đấy. Tưởng nói.

– Ông ơi, nhưng đây ảo đến cả tai, mũi đấy ạ, ông nhớ thế cho tôi, Khả hơi giễu.

Tôi không bận tâm ảo hay thật. Tôi muốn được sống lại không khí uy nghi cung đình mà ấm cúng thanh tao vừa nãy…

*

* *

Anh em vào trong làng liên hệ công tác và xem xét tình hình. Tôi “giữ gôn”.

Lững thững dạo quanh. Cố đoán vị trí dãy hành lang mỏng như tường giấy Nhật và hoa khế nom lại ngỡ hoa đào nằm ở chỗ nào.

Một tiếng động khẽ sau vườn hoa tròn ở giữa bãi đất. Một bà cụ đến từ lúc nào đang nhổ cỏ ở đó. Cỏ cây che khuất người hay vì người bé quá. Đánh động xong thấy tôi ngơ ngác tìm thì lên tiếng:

– Chú không đi chơi ư?

– A, chào cụ… Tôi lại gần.

Bé teo. Con chim chích. Đôi mắt sáng, cúi xuống rất nhanh.

– Cụ làm vườn?

– Nhổ cỏ… Lấy tí công điểm.

– Cụ bảy chục chưa?

– Vừa đủ. Còn làm được tốt chú ạ.

– Đời sống dân ta đây khá quá cụ nhỉ?

– Quá… Máy hát mở từ sáng chí tối. Lại ti vi truyền bóng từ tận tinh gì xuống cho thấy được cả ông tổng thống bên Mỹ. Nhưng ai khổ vẫn khổ.

– Cụ ông ở nhà?

Cái đầu rúc sâu vào giữa hai đầu gối nhọn hoắt:

– Chết toi rồi. Giọng như phẫn, như ném đi, quăng đi.

– Cháu xin lỗi… Thế cụ được mấy… bác?

– Năm… Nhưng chả còn mống nào, bác nào… Chú tóc bạc sớm nhỉ? Bao nhiêu rồi?

– Cháu ngọ.

– Bằng đứa con gái tôi… Bố phản động bị bắn chết mới bốn mươi lăm ngày, con chết theo liền. Đói quá sang bãi mót khoai. Về thì lật thuyền. Vớt lên cả người có ba củ khoai, một củ trong tay gặm dở. Ăn cũng không được tròn. Còn sống khéo cũng tóc bạc như chú. Thương cha xót mẹ nhưng cấm có hé răng…

Đầu lại rúc vào giữa hai vách đùi gầy ngẳng.

Tôi nén thở dài.

– Dân đây giàu vì nhiều ngành nghề cụ nhỉ?

– Nhiều lắm. Từ vải vóc tơ lụa tới đồ sắt thép, điện. Thứ gì cũng có, bảo muốn tên lửa cũng có ngay. Buôn tứ xứ, từ thuợng du mạn ngược sang tới Bô Chê rồi động Tam Thanh có nàng Tô Thị ẵm con nhìn sang Tàu. Đi đâu có a lô bộ trước sau báo hết, thấy bóng công an hay thuế là bấm máy trốn luôn. Tiển rải ra đường cho nên chả có bao giờ việc gì. Dân vẫn nói Không có việc gì khó, Chỉ sợ không có tiền, Đào núi và lấp biển, Tiền đây thuê lính tráng làm luôn…

– Thế nông nghiệp?Tôi tủm tỉm cười.

– Nông nghiệp làm chứ. Thuê người nơi khác cấy gặt, chia thóc chú ạ. (Thế là cho thuê tô à? Tôi vụt nghĩ). Thành tích gì cũng phải đứng đầu mà. Cái giống lúa A Cao gì bảo được lắm. Không đâu bì nổi. Người đây sang sống tận bên Mỹ, bên Tàu, bên Nga. ở trong toàn những dinh cơ nguy nga lắm. Hàng đánh về bằng máy bay, xe tải lên tận sân bay đón. Người sống lưu niên bên Nga đông nhất. Lấy vợ đẻ con đàng hoàng, con tóc như râu ngô, ảnh bầu đoàn thê tử gửi về cả quyển, ông bà thích cái nào thì lột ra lồng kính treo tường.

Tôi lại thoáng nghĩ rất nhanh: những ngày cướp chính quyền rồi đánh đồn B., có ai ngờ rồi mảnh đất cách mạng này lại rải hạt giống đi đến tứ phương như thế. Đúng như một bài hát: “Hạt giống cách mạng đã nảy mầm xanh tươi”. Có khi đổi là xanh um thì nói lên được mặt bằng phát triển…

– Sẵn thành tích thì các chú về tham quan hử?

– Chúng cháu làm sử truyền thống xã.

– Đây thì tài giỏi rồi…

Cái đầu cúi xuống sâu hơn. Hai mụn vá màu cổ vịt ở hai đầu gối như hai lá sen tươi đắp vào. Những đường vá bằng sợi bao tải dứa óng ánh như những vệt nến. Bà cụ chầm chậm đứng lên, vơ xảo cỏ quắp ngang lưng, tay kia khua gạt lấy đà đi, tôi vội bước tói đỡ.

– Tôi về chú nhá.

– Vâng, cụ về… Nàng công chúa thiêng lắm cụ nhỉ. Chợt tôi buông lời hỏi chẳng đâu vào đâu.

Chân liền dừng lại, mắt liền đăm đăm ra hồ. “Thiêng lắm. Lúc nàng được các loài thủy tộc dâng kiệu hoa trướng gấm rước về đây, xiêm áo nàng lòa xoà trắng cả một vùng như khói như mây… Nàng lìa trần ngày hăm tám hôm qua…”

Tôi đứng sững. Còn bà cụ vẫn lẩm bẩm những gì nàng thuơng người oan khổ, nàng bênh… Xiêm áo như mây… hôm qua đấy.

*

* *

Anh em trở về, tôi nói ngay:

– Giỗ công chúa hôm qua. Thảo nào đêm về thăm lại dinh cơ. Thấy bị phá mất chắc cũng buồn…

– Thế người đây buôn lậu chuyên nghiệp, trốn thuế chuyên nghiệp thì có biết không? Ưu thế trội đấy. Cả nước có độ trăm cơ sở như thế này thì đủ nuôi nhau! Khả nhấm nhẳng.

– Nhưng đó cũng là tiếp nối truyền thống! Ở cái chỗ kiên cường, táo bạo, coi trời bằng vung – Tưởng có vẻ gỡ thẹn, giọng ngường ngượng.

– Coi trời bằng vung là dạng tâm lý nào, ông biết không? – Khả hỏi. Khố dây đường cùng…

*

* *

Hai người trên tỉnh, một người trên huyện và hai người của xã làm việc với chúng tôi.

Anh sử đảng của tỉnh cho biết vì thời gian gấp nên khoan làm dư địa chí mà làm trước sử phong trào. Coi như xuơng sống của dịp kỷ niệm bốn muơi năm ngày xã cướp chính quyền ngay trước mũi Nhật. Đề nghị anh họa sĩ vẽ cho một cảnh dân chúng vùng lên cướp thóc ở bãi chợ giữa làng – anh chú ý cho vài thằng lính Nhật vào nữa – còn anh điêu khắc thì làm tượng đồng chí bí thư chi bộ đầu tiên ở đây, cũng là đồng chí đảng viên đầu tiên của tỉnh. Tượng vừa phải, bằng hai cái phích nước Trung Quốc này thôi. Kẻo dân lại bảo các ông ấy thờ thành hoàng là cộng sản, Mà buồn cười? Đảng đáng thành hoàng quá chứ, có phải không? Giật chính quyền về cho dân cơ mà. Còn ở quy mô cả nước, đảng chẳng là thành hoàng thì là gì? Lãnh đạo tuốt mo tất tần tận mà lại còn thiêng nữa chứ. Không ai, không đâu bịt mắt được… Vâng, chúng tôi đã cho người xuống Hà Nội đặt một lô giáo mác, gậy toàn bằng tre đực, à, súng thì tuyệt đối không ạ. Cho trung thực mà. Trung ưong nói ta nay là tấm gương chống đế quốc cho các nước nhược tiểu do đó cần đề cao vũ khí thô sơ kẻo ỷ lại vào súng ống thì sợ là chậm. Cứ dũng cảm thì chỉ với sỏi đá cũng nên sự nghiệp cách mạng, như câu thơ bắt sỏi đá cũng thành cơm đấy.

Đến đây, anh tuyên huấn tỉnh lên tiếng. Nhân nói chuyện tượng, tôi xin thông báo để mấy anh xã Minh Tân ta biết là tỉnh ủy đã có quyết định về nhân sự. (Quay sang chúng tôi). Chỗ này khí dích dắc một tí, các anh chịu khó nghe sẽ rõ. Nhân sự chết mà phức tạp có khi hơn nhân sự sống cơ đây. Như ta biết đồng chí Hàn là bí thư chi bộ đầu tiên của xã này và cũng là người đảng viên đầu tiên của tỉnh. Anh Đông, người dưới Phòng, xứ uỷ viên phụ trách tỉnh ta và tỉnh bên, năm 1941 đã kết nạp đồng chí Hàn. Bây giờ dích dắc ở chỗ này. Đồng chí Hàn bị bắn trong cải cách ruộng đất vì mắc tội oan là Quốc dân đảng chui vào phá hoại cách mạng. Anh Đông thì vướng đường lối quan điểm bị bắt rồi cổ trướng chết trong tù. Do đó phải xóa đồng chí Hàn và anh Đông đi. Và cho người thay. Rất phức tạp. Hãy nói về bí thư chi bộ đầu tiên là Hàn. Khi đồng chí Hàn lên huyện thì đồng chí Hưng làm bí thư. Ai ngờ phụ trách dân công phục vụ chiến dịch Đường 18, đồng chí Hưng bị địch bắt đem về giam ở Nhà Tiền Hà Nội rồi chả hiểu sao, Pháp rút, cụ lại theo họ vào Sài Gòn, đến khi Mỹ rứt, cụ lại sang Mỹ nốt. Nay giàu lắm, chuyên làm bánh cốm, bánh xu xê, vẫn gửi tiền về ủng hộ tỉnh, tỉnh đang định làm bảng tuyên dương bằng đá hoa cương để ở thư viện trên thị xã. Cho nên cụ Hưng trượt là cái chắc. Sau cụ Hưng đến cụ Ngãi, người bí thư chi bộ thứ ba ở xã. Lên tới vụ trưởng chẳng may tham ô, ngã ngựa, may có ô dù chứ không thì tù mọp, nay buôn thuốc lào ở Hà Nội, hai căn nhà ba tầng tổ bố. Vậy thì không thể làm tượng của ba cụ đầu này được. Nhưng tỉnh đã quyết định, lát nữa tôi sẽ thông báo. Còn về người có công gây cơ sở đảng cho tỉnh là anh Đông thì đơn giản hơn. Trung ương đã quyết định anh X. thay anh Đông. Lễ kỷ niệm này anh X. với tư cách người xây dựng đảng đầu tiên ở tỉnh ta sẽ về trao tranh khởi nghĩa cùng tượng đồng chí bí thư chi bộ đầu tiên cho xã. (Mấy đồng chí huyện xã xuýt xoa: anh X. đang là một lãnh đạo quân sự tên tuổi trong nước). Anh Đông, anh X. xưa thân nhau lắm. Chính anh Đông làm mối cho anh X. lấy vợ là hàng xén ở chợ Mảnh đây mà, vậy nên anh Đông ở dưới âm kia cũng chẳng hẹp gì với anh X. mà không để cho thay mình.

Chờ cho mấy đồng chí xã nguôi hớn hở, anh tuyên huấn nói tiếp:

– Nay tỉnh quyết định ai làm người bí thư chi bộ đầu tiên? Đồng chí Tùy, người bí thứ thứ tư, mới chết cách đây mấy năm.

Tôi gần như reo lên:

– Thế thì không làm tượng được rồi. Làm tượng phải có người sống làm mẫu.

Hai anh xã mặt chưng hửng ra ngay. Rồi anh phó bí thư chi bộ xã khẽ ấp úng:

– Thế, báo cáo, thế có người đang sống mà giống đồng chí Tùy như đúc thì có được không?

Tôi không thể nói dối với con mắt đầy hy vọng của hai ngưởi ở xã.

Anh kia bèn reo lên, như vừa lập công lớn vậy:

– Báo cáo ông nội tôi, tức là bố bác Tùy tôi vẫn còn sống, hai bố con giống nhau như hai giọt nước vậy ạ.

– Đúng, ờ nhỉ. Đồng chí tuyên huấn vỗ đùi kêu lên. Ông cụ vẫn còn ư?

Như để cho tôi thêm tin, phó bí thư chi bộ, người vừa có phát kiến quan trọng và là cháu ruột của Tùy bèn tiết lộ một bí mật:

– Ông nội tôi giống bác tôi đến nỗi có đêm cụ… cụ… (tủm tỉm cười) lẻn vào định tòm tem vợ một anh bộ đội đi B. mà người ta đuổi cứ hét “Bắt bí thư Tùy, bắt bí thư Tùy!”. May sao bí thư Tùy đêm ấy lại họp huyện…

Khả hơi chau mày:

– Sao sự thật như thế lại không để nguyên như thế?

Như chỉ chờ câu hỏi này, anh tuyên huấn tỉnh ngồi thẳng ngay dậy nói:

– Chỗ này có hai tầng phải tính ạ. Một tầng vĩ mô và một tầng vi mô. Vi mô là việc cá nhân, nó thế nào nên để như thế. Nhưng vướng tầng vĩ mô là uy tín chung mà chúng ta phải bảo vệ và xây dựng. Mà nói cho cùng thì cũng lọt sàng xuống nia ấy mà.

Thế là tôi đành lấy mặt đồng chí Tùy từ mặt ông bố suýt làm mất mặt ông con. Đúng, cũng là cùng gốc.

*

* *

Về chỗ ở, Khả giơ hai tay lên trời kêu luôn:

– Buồn.

– Thông cảm, Tưởng nói. Bảo vệ uy tín chung thì phải lớp lang tế nhị như thế, họ không theo, không chấp hành nghị quyết không được?

– Thế ai bảo vệ sự thật?

– Ở đây phải tính đến chuyện lọt sàng xuống nia.

– Tuỳ bị bắn có ai ra hứng đạn với không? Ông Đông vào tù, có ai giơ tay xung phong vào theo không? Nhưng thôi, chúng ta cứ cho họ mượn kỹ thuật để xây dựng thành tích và nhiệt huyết giúp họ, sá làm quái gì cái vặt, đúng không? Mà đúng là đều trong lòng chi bộ chui ra cả.

*

* *

Bố đồng chí Tùy bảy mươi bảy nhưng chẳng ai dám bảo sáu lăm. Buổi làm việc đầu tiên đã lấy ra be rượu và đôi cá mực khô:

– Ta xúc miệng tí ti nhỉ? Ông cụ dễ gần, hai mắt hấp háy vui và cái miệng loe loe hóm.

Tôi đưa yêu cầu thì đáp ngay:

– Ấy, ngồi cả tháng với điêu sĩ cũng được, không sao.

– Chết, cụ ơi, Khả kêu lên. Gọi anh ấy là chú hoa man khéo vẽ trò chứ anh ấy không điêu đâu.

– Thằng cháu phó bí thư lại bảo cái gì điêu sĩ.

Ngồi mới ấm chỗ đã ngứa ngáy. Mắt hết liếc trộm tôi lại khúc gỗ mít để ở góc nhà. Chắc không hiểu tôi sẽ rinh cái đầu của ông vào khúc gỗ đó như thế nào. Xem vẻ bắt được chuyện là nhào vô liền, Trên trời dưới biển.

“Hai bố con tôi giống nhau mà đến nỗi một hôm tôi đi đêm có đám người cứ chạy đằng sau réo ơi bí thư Tùy… Bảo ngày xưa có cha con nhà nọ giống nhau khiếp lắm. Thiên Lôi cầm lệnh thẻ bài xuống đánh thằng con. Xuống đến đầu hồi nhòm vào thấy hai bố con nằm cạnh nhau mà khiếp phải vác tầm sét quay về, chịu hụt chỉ tiêu đấy, sợ đánh nhầm mà… Bây giờ sợ hụt chỉ tiêu có khi phang luôn một mẻ cả hai… ”. Ông cụ háo chuyện hoá lại vui.

– Tôi kể anh nghe chuyện lão Hưng. Ngày xưa lão vẫn mặc váy đứng đầu làng giả làm đàn bà canh cho bên trong họp với anh Đông đấy. Gớm anh Đông sao mà tướng lại đẹp quá thế! Mắt xếch long lanh như hai viên ngọc, môi thì đỏ, da thì trắng, nói vô phép chứ cứ trắng như da đùi non vợ thằng Tây Lút đồn điền Phú Thụy, người này đi lại chỉ vận có mỗi cái quần líp ở ta đây chưa thấy ai vận qua. Anh đã nhìn thấy cái của ấy bao giờ chưa? (Cười tỏn tẻn khi thấy tôi nói chưa cụ ạ). Nom cái của ấy nó ghê ghê là anh ạ. Chả giấu được cái gì, trừ có chỗ kia, còn mông mẩy bày ra hết. Này, anh Đông tướng đẹp như thế cho nên mới chết yểu. Trên trời hay gọi người đẹp về để hầu hạ bên Ngọc hoàng… Ba năm tù ta thì chết, còn Tây giam sáu bảy năm ở tít nhà tù La Lừa gì trên rừng lại sống nhăn! Chôn bí mật thế mà bà con đây dò ra được mộ, kéo nhau xuống cúng lễ. Đốt cho một xe Cúp đời mới, sau về mắng nhau thế là ăn gian của anh ấy, anh ấy phải đi Vonga. Đốt cho cả một máy La-xoalan nghe nhạc, một lu dông bò, một quần bò, cả áo lẫn quần đều tán mấy hàng đanh nhôm, một cặp da sáu ngăn đựng tài liệu có cả khóa sắt tây, cặp bốn ngăn là để cho cấp tỉnh, trung ương phải cặp sáu ngăn… Này, lão Hưng vẫn thư về hỏi thăm anh Đông. Xin cả địa chỉ nữa. Có mà xin Diêm Vương…

– Hôm qua một anh trên Ty Văn hoá về bảo tôi cụ từ nay thành xã phụ rồi. Nghĩ là nó xỏ bảo mình là bã đậu phụ nhưng hoá ra xã phụ là bố xã, con là bí thư chi bộ mà, ở cái nước nào, bố của ông lãnh tụ được gọi là quốc phụ, bố nước cơ đấy, đi đến đâu cũng vập phải tượng hai bố con nhà này lừng lững. nghe rằng có cả những tượng chỉ là các ống thủy tinh uốn cong lơ lửng giữa trời, đầu to ở trên, đầu nhỏ cắm xuống đất lại có các tia ngắn dài bắn tóe ra, bảo là dòng nước tiểu tưởng niệm các chỗ bố con ông đái… Nhưng phải là hổ phụ mới đẻ ra hổ tử, tôi là miu thôi cho nên thằng Tùy nhát như mèo mướp, không như Hàn. Hàn giỏi. Gớm, hôm bắn Hàn, bắt làng ra xem, tôi bám tay vào cả một cành tre gai nghiến răng lại, gai tre đâm toé máu ra mà không biết gì, chỉ có người cứ run lên cầm cập. Phục hồi minh oan cho được ba dòng nghị quyết. Còn mỗi bà vợ như gàn gàn. Cứ nhận là vợ thằng phản động mới buồn cười chứ lại.

Bà cụ nọ? Tôi chột dạ.

– Tội nghiệp, còn có mỗi một mình. Ngày xưa xung phong hàng đầu lên cướp đồn với chồng đấy. Đeo một cái còi ở ngực để hô quân. Cũng nhan sắc ra phết.

Như có xui có hẹn, tình cờ bà cụ ra làm cỏ. Nhòm vào thấy bố Tùy thì rẽ. Ông cụ vội chạy ra:

– Này, nhà bà Hàn.

Dừng lại, mắt gườm gườm.

– Bà quay lại cho anh ấy phỏng vấn. Tôi đang nói hay cho hai người đây. (Nói khẽ với tôi: -Vợ Hàn đấy!).

Tôi vội ra đón.

– Mấy hôm không gặp cụ thấy nhớ thì hỏi thăm cụ đây thôi chứ có phỏng vấn gì đâu.

– Anh ấy hỏi thăm bà, tôi nói tốt cho bà. Bà ơi, tôi ngồi đây cho người ta mượn cũng chẳng khác nào như ngồi ghế thợ cạo trên chợ thả cho người ta vần đầu bẹo mũi chứ không phải là hám cái gì đâu, bà hiểu cho tôi.

– Cụ Tùy nói đúng đấy, tôi nói. Để cháu đưa cụ ra vườn.

Tới vườn, bà cụ hỏi:

– Ai mượn mà mượn gì?

– Mượn người… để làm tượng anh Tùy.

Anh Tùy ngẩn ngẩn ngơ ngơ, Khen thay thế sự láo lơ nực cười… Con mắt chợt tinh nghịch.

– Nghe bảo anh Đông đẹp lắm cụ nhỉ?

– Coi lão Hàn như em ruột. Nhưng anh em nhà ấy vô phúc. Phản động cả hai anh em! Theo nhau chết tiệt từ lâu rồi.

– Không phải cụ ơi.

Tôi thoáng thấy một ánh thách thức khi cụ hất đầu nói:

– Tôi lại thấy là phải.

– Anh X. có biết cụ chứ?

Con mắt như ngoắc dài một cái: “Thì sao?”.

– Anh X. chắc bận ít về được. Tôi vội nói.

– Anh em nhà phản động ấy, đứa anh thì làm mối, đứa em thì dọn chiếu giường cho vợ chồng ăn nằm với nhau.

Tôi nắm bàn tay bà cụ:

– Cụ ơi, rồi nhớ lại cả thôi.

– Họ vờ là như không có lọ nước củ khoai, không có Đông có Hàn. Hai anh em nhà này tên rét mướt cả nên mồ tối mả lạnh…

Tự nhiên hai giọt nước mắt lăn từ từ trên má bà cụ. Rồi miệng lẩm bẩm:

– Nàng bảo lúc nào nàng sai nói gì, làm gì thì cứ thế mà làm mà nói,… nàng bênh người oan khổ…

*

* *

Tôi làm pho tượng mải miết. Như cố quên đi một u uẩn cứ lởn vởn trong người và bên người. Bố Tùy hay ra xem tôi đục, trổ, tỉa, gọt. Con mắt ông ngần ngại nhìn chính hình thù mình hiện lên trên các thớ gỗ. Thỉnh thoảng lại thì thào với tôi: “Khúc gỗ này là ở cây mít cạnh chuôi vồ hậu cung đây, tôi thuở bé hay trèo lên nghe trộm người ta ở bên trong thề bồi… Vài lần nghe thấy cả tiếng kẻ gian bị nàng quật chết kêu ôi ối…”. Nghe cụ, tôi chợt thấy tôi đã cho vào bức tượng một vẻ cam chịu mà lại phảng phất thách thức, cái vẻ quen thuộc trên mặt bà cụ Hàn.

Một buổi cụ Tùy bảo tôi:

– Làm xong, anh nhớ dặn xã chớ có thắp hương. Thắp hương là bắt hồn tôi nhập vào trong ấy đấy, ngoài vẫn ăn uống nhưng chỉ còn là cái xác suông. Xưa phường tuồng sắm vai đức Thánh Quan vẫn phải chay tịnh trước ba ngày. Cẩn thận kẻo cứ nghe bọn ăn gian nói dối thì có ngày mất mạng.

Pho tượng sắp xong, ông cụ chỉ đứng ngoài cửa nhòm vào.

– Ghê ghê là….

– Tại sao cụ?

– Trông rõ là mình mà lại cứ thấy gian gian.

*

* *

Ngày hội làng cuối cùng đã tới. Anh X. và vợ về làm cho tất cả nổi đình đám hẳn lên.

Hai người đi bắt tay khắp lượt. Với ai, kể cả lũ Hà Nội chúng tôi, cũng một câu:

– Ô, nom không khác ngày xưa mấy nhỉ.

Ai ai cũng hớn hở vì được lọt vào tầm nhớ. Trong khi cụ Tùy cứ bảo tôi: “Đấy, cái người mặc binh phục trắng lốp kia là anh X. đấy! Ngày xưa anh ấy gầy và đen như thằng bắt ếch câu lươn ấy chứ đâu có béo trắng thế này”.

Chúng tôi về chỗ ở lấy tranh tượng ra cho anh X. lên tặng xã.

Gian chuôi vồ tối om. Tôi nhắm mắt lại rồi từ từ mở ra cho đỡ lóa. Thì giật mình. Pho tượng tôi để ở giữa bàn kia đã không cánh mà bay! Lục tìm, vặn hỏi mấy người xung quanh đều vô ích. Đành ra nói thật. Đồng chí phó bí thư tỉnh theo anh X. về lo liệu ngay:

– Thôi thì anh X. chỉ tặng tranh cướp chính quyền thôi vậy, khi nào tìm lại thấy tượng ta sẽ tính sau.

Vừa kịp đến mục anh X. lên tặng xã quà.

Người xúm đến quanh lễ đài chật ních. Loa phát nhạc cát xét ầm ầm. Cờ bay hồng một vùng bóng muỗm. Anh X. bắt đầu rời hàng ghế, theo sát sau đồng chí phó bí thư tỉnh và chủ tịch huyện dẹp đường.

Đúng lúc ấy, từ sau lễ đài, bà cụ Hàn đi ra. Quấn xà cạp. Cổ đeo một cái còi thoạt trông tôi lại ngỡ cây thánh giá. Hai tay bưng một cái xảo đựng một vật gì có một tấm khăn đen bạc phếch trùm lên. Bà cụ đến trước mặt anh X. chìa cái xảo ra rồi lật tấm khăn.

Tượng Tùy!

Tôi rụng rời.

Theo kế hoạch và theo bản năng, anh X. giơ tay ra đón pho tượng.

Bà cụ hỏi:

– Đồng chí có nhớ tôi không?

– Nhớ quá chứ!

– Vậy là đứa nào đây?

Anh X. bắt đầu nhận ra vẻ khác thường. Khẽ lùi lại.

– Không nhớ ư? Cái Luyến,… vợ thằng Hàn… Cô ơi, luộc khoai nhớ đừng cho nhiều nước nó nhạt khoai, nhớ không?

Bà cụ chợt cao giọng lên, rành rẽ:

– Nàng bảo không phải người này (chỉ vào anh X.) cũng không phải người này (chỉ vào pho tượng). Nàng bảo phải có anh em nhà Đông Hàn mới nên hội nên hè ở đây!

Pho tượng trên tay anh X. rơi đánh thịch một cái xuống đất.

– Cô Luyến! Tiếng anh X. lắp bắp.

– Con Luyến chết rồi. Chết tiệt chết toi hết cả lũ cả đàn rồi. Tiếng bà cụ dõng dạc, hả hê đáp lại.

Chẳng ai vặn nhỏ loa. Nhạc hùng dũng: “Ta đã về đây, ta đã về đây…”. Lại nổ một tràng pháo rất đanh. Toàn hồng, xác pháo phơi phới, mùi khói thơm lừng.

Tôi trân trân nhìn pho tượng. Lời bài ca nhói vào tai thế nào lại hóa ra nàng đã về đây, nàng đã về đây Từ từ ở miệng tượng chảy ra một dòng máu đen đặc. Máu loang đi lặng lẽ như đang lần tìm một cái gì trong đất bẩn. Từ trong đám đông vọt ra bóng cụ Tùy. Hai tay ôm đầu chạy như bị ai đuổi, tiếng nhạc át đi mất tiếng kêu a a a. Mười đầu ngón tay tôi bỗng nhơm nhớp: máu đỉa.

Sau tôi, anh X. đang trần như nhộng, trắng nhễ nhại kỳ lạ, miệng cười ngu ngơ. Chiếc mũ bình thiên cấp tướng trắng tinh với những cành lá kim tuyến vàng rực nằm ngửa ở dưới chân anh, trên một bộ binh phục xếp ngay ngắn gọn gàng mà hàng cúc khéo là đúc bằng vàng thật. Trong mũ võng vãnh máu, mẫu phẩm tượng trưng của máu lính ông đã đưa vào trận mạc…

Rất bản năng tôi nhìn ngược lên. Lại choáng. Tóc anh X đen nhánh nhưng lông chỗ ấy trắng và thô cứng, nom như cái búi rửa bát đĩa bằng hóa chất giả kim loại chỉ thấy có ở nhà đám thủy thủ tàu viễn dương Vosco nhưng lâu ngày đã rụng thưa đi… Lút giữa cái búi xơ xác không được tỉa nhuộm vì không cần tiếp xúc, chim của ông tướng ba quân nhỏ bằng củ lạc, thắt ngẵng lại ở giữa thành hai mẩu con con, meo méo nom ngu nga ngu ngơ chả hiểu để làm gì. Tôi thoáng nghĩ đến hai đoạn hàn vi – khanh tướng một đời người…

Ông bị Nàng lột sạch… Quyền cao chức trọng mà dối như ranh và cái tâm bạc.

1990

(*) Trần Đĩnh vốn tên nhưng chợt thích nhiều bí danh, kiểu các nhà cách mạng hay xã hội đen nên ký truyện này Tôi Đây. Nó cũng có thể là Tôi Đòi, Tội Đồ, Toi Đời, Túng Đói, Tao Đúng, To Đầu, Thủng Đít, v.v. và v.v.

Comments are closed.