Saxophone giữa chiều không (kỳ 3)

Tiểu thuyết của Phong Linh

4.

Phong gần như nghĩ về cô gái ấy trong suốt khoảng thời gian sau đó, dù anh không thể nắm bắt được những suy nghĩ của cô nhưng anh cảm thấy chắc một điều rằng trong cô đang có nhiều điều day dứt. Nghĩ đến ánh mắt của Thụy Anh, anh biết không ai có thể đoán được cô đang nghĩ gì, bởi cô che dấu quá giỏi, cái ánh mắt vô hồn ấy ai có thể nghĩ là ánh mắt của cô sinh viên năm cuối còn nhiều ham mê. Cô như một chiếc lá buông trôi mình giữa dòng mà chẳng biết rồi sẽ về đâu. Và những suy nghĩ ấy khiến anh không thể nào chịu đựng được nữa khiến cho những ngày này anh quyết định tìm hiểu về cô gái ấy qua Hải Hoa, là một người thân thiết nhất với Thụy Anh mà anh biết. Phải cố gắng lắm anh mới có thể tìm cách gợi chuyện Hải Hoa để biết được rằng, từ ngày mẹ cô mất khi sinh cậu em trai thứ hai, và cha cô tái hôn thì cô dù mới bảy tuổi nhưng đã bắt đầu câm lặng.

– Thuỵ Anh không bao giờ nói cho ai biết những gì chị ấy đang nghĩ đâu. Thuỵ Anh nói chuyện với tớ rất nhiều nhưng khi nào cũng là những chuyện rất vu vơ bên ngoài, hoặc ngồi hàng giờ để nghe tớ tâm sự và trở thành chuyên gia tư vấn cho cô em họ, nhưng Thuỵ Anh không bao giờ nói về mình. Ngay cả việc cô yêu Quân, cũng lặng lẽ và mơ hồ. Đó là người con trai của bạn bố Thuỵ Anh, họ chỉ gặp nhau vài lần và rồi bỗng dưng đến với nhau. Thuỵ Anh thì tớ không dám chắc, nhưng anh Quân thì yêu bà ấy đến si mê. Chăm sóc như một cánh hoa sợ chỉ cần chạm nhẹ sẽ vỡ. Tớ chưa bao giờ nghĩ rằng chị ấy có thể yêu ai, vậy mà từ ngày yêu anh Quân trông chị ấy vui hơn hẳn. Mọi người cũng đỡ lo. Trước đây, khi còn học trung học là khoảng thời gian mà chị ấy khổ sở nhất. Cứ ra vào bệnh viện như đi chợ, và giấy chẩn đoán luôn là suy nhược thần kinh. Tớ không thể nào hiểu được chị ấy, nhưng tớ thật sự yêu quý Thụy Anh, vì Thụy Anh khiến tớ có cảm giác tin tưởng khi ở bên cạnh. Tớ chỉ biết như vậy thôi, nhưng bỗng dưng cậu hỏi về chị tớ làm gì?

– Thì Hoa bảo khi nào kể về Thuỵ Anh nên tớ tò mò hỏi thôi.

– Ừ, ai gặp bà ấy mà chẳng có cảm giác ấy. Hôm nào tớ hẹn chị ấy đi chơi rồi mình gặp nhau nhé. Dù sao với tớ đó cũng là người thân thiết nhất đấy.

– Ừ…….., nhưng cô ấy không nghe saxophone à?

– Không. Tối hôm đó vì mải khoe tài của cậu mà tớ quên mất. Có thể chị ấy giận tớ lắm. Từ hôm đó, tớ có tìm chị ấy nhiều lần mà không gặp. Không hiểu chị ấy đã biến đi đâu nữa.

– Kiểu như cô ấy, cứ bỏ học triền miên như vậy thì phải làm sao?

Hải Hoa nhìn Phong rồi cười. – Với bác tớ, chỉ cần chị ấy sống được bình thường đã là ok rồi.

Phong rời khỏi lớp khi trong đầu vẫn không thôi nghĩ về người con gái ấy, và cũng tự hỏi không hiểu tại sao chính bản thân anh lại cứ bị ánh nhìn của cô ám ảnh đến như vậy. Anh lang thang và tạt vào một quán cóc ven đường gọi một ly rượu, cùng mấy điếu thuốc rồi ngồi đó ngắm người qua lại. Bỗng nhiên cảm giác có gì đó đè nặng trong người, không hiểu tại trời Hà Nội dạo này trở mùa, cứ nằng nặng muốn mưa mà không thể nên ngột ngạt hay tại nhìn dòng người ngược xuôi vội vàng kia mà anh cảm thấy buồn. Buồn như muốn khóc. Một người con trai có được khóc không? Có vẻ như cảm giác nhàn rỗi lại khiến anh mơ hồ muốn triết lý điều gì đó cho chính lòng mình. “Vì sao? Vì cái cớ gì mà người ta phải bon chen, phải vội vàng đến như vậy. Nhìn những con phố đặc kín người, những dáng hình mỏi mệt, những nụ cười nửa vời kia, bỗng thấy đường phố buồn tênh, chật hẹp. Mọi thứ cứ loãng ra, và vụn vỡ. Đường phố như một dấu buồn mênh mang. Chiều Hà Nội, khi mặt trời hậm hực đổ xuống thành phố, con người cũng như những con đường đều mỏi mệt, ngàn ngạt những âu lo. Tự dưng thèm được hít hà chút gió trời, thèm được ngả lưng xuống bãi cỏ ven đê nơi quê nhà, thèm biển, nhớ Hải Phòng…. Đến thế cơ à?”, anh tự nhủ, “thôi ngồi đây cho đến khi đường vắng rồi sẽ đi. Đi tiếp đi, như mình buộc phải làm thế”. Anh trở về nhà khi đường phố đã vắng, có thể lúc bấy giờ những con người bon chen khi nãy đã an toàn về đến nhà và đang chuẩn bị được thưởng thức một bữa cơm nóng hổi cùng với gia đình rồi. Còn anh chỉ có thể ngồi im trong căn phòng của mình nghĩ ngợi gì đó, rồi lôi cây saxophone của mình ra thổi những khúc nhạc của Trịnh, bởi tự nhiên anh thấy lòng mình cũng già nua như người nghệ sĩ họ Trịnh ấy. Anh học saxophone là do một người anh cùng lớp cấp ba dạy. Ban đầu chỉ vì một niềm ham thích vu vơ và trẻ con, và cũng vì muốn trốn tránh sự yếu đuối sợ hãi của mình nhưng rồi dần dần saxophone như một cứu cánh đối với anh. Chỉ cần cầm kèn lên là mọi cảm giác đau đớn sẽ qua đi, chỉ còn lại anh và cây kèn với những nốt nhạc thân quen, tê tái trong đau đớn nhưng lại tĩnh lặng diệu kì. Trong cái thế giới ấy, anh cảm giác được sự tồn tại của mình, chỉ riêng mình, như chạm được vào từng cung bậc cảm xúc của mình, vào tâm hồn mình như được ở bên cạnh một người tri kỉ. Vậy mà lúc này đây khi cầm cây kèn trong tay anh bỗng nhớ Thuỵ Anh, vẫn không thể hiểu tại sao cô lại phản ứng mạnh với saxophone như vậy, chỉ đơn giản là không thích hay còn có lý do nào khác. Đêm mong manh trong tiếng saxophone nhưng lại gợi nhớ những nỗi niềm thẳm sâu trong tận cùng tâm hồn anh. Mùa thu này và cuộc gặp gỡ vô tình ấy tại sao lại để lại cho anh nhiều suy nghĩ đến như vậy.

Những ngày tháng mười trôi đi chậm chạp như chính những con gió chiều vẩn vơ không chịu trở về bên mùa. Tháng mười, hoa cúc nở ngày càng nhiều. Những con đường vàng, ấm áp. Mùa thu gieo vào tâm hồn những hạt nắng như những người tri kỉ lặng lẽ cười với nhau trong khoảnh khắc nào đó bắt gặp nhau. Hà Nội mênh mang buồn trong những đêm hoa sữa rơi trắng cả những con phố. Mùa thu trôi vào trong từng giấc mơ của Thuỵ Anh thứ hương thơm dìu dịu của những ngày thơ ấu. Cô đã đi qua mùa thu bằng trái tim của một đứa trẻ bảy tuổi, non nớt, mỏng manh, hồn nhiên. Cô níu giữ tất cả những giây phút đẹp nhất của mùa thu cuối cùng bên mẹ và chỉ như thế thôi, cô sắp xếp chúng vào một nơi sâu nhất của tâm hồn, không ai có thể chạm vào hay làm vụn vỡ nó được, và cô đã đi qua những năm tháng của mình bằng những thứ ít ỏi còn lại đó. Mùa thu của mười lăm năm sau, mùa thu cô hai hai tuổi, cô đắm chìm trong kí ức của một đứa trẻ lên bảy tuổi, mơ giấc mơ của nó, khóc nức nở, cười trong trẻo hệt như nó ngày xưa…, nhưng dù có cố gắng đến thế nào, cô vẫn không thể dấu nổi ánh mắt đã hoàn toàn vô cảm ấy.

Những ngày tháng mười một cô hoàn toàn biến mất khỏi mọi người, để hàng đêm cha cô vẫn âm thầm đợi, và ánh mắt của dì hai ngày một sâu thêm…. Ngay cả Quân cũng hoàn toàn không thể liên lạc được với cô nhưng anh im lặng, im lặng đợi cho đến khi cô trở lại. Nhưng Thụy Anh lúc này không đủ can đảm để nói chuyện hay gặp gỡ ai nữa. Cô chìm sâu vào thế giới của riêng mình, như một cái hố rất sâu, rất kín không có lối ra, không có lối vào. Thụy Anh cũng bị nhốt trong đó. Cô không quẫy đạp nổi mà chỉ càng ngày càng chìm đi, cứ chìm mãi đi trong cái miền kí ức ấy.

Tháng mười một có một lần duy nhất cô đã tới tìm anh. Căn nhà Quân đang ở là nhà anh thuê khi bắt đầu đi làm vì không muốn ở chung với bố mẹ nữa. Thuỵ Anh hoàn toàn như người xa lạ. Vẫn dửng dưng như chưa hề có những ngày cô rời xa anh. Cô cười, nói rồi cứ như thế ngồi bó gối, im lặng xem những đĩa phim mà cô và Quân đã từng xem. Quân cũng chỉ có thể im lặng ngồi bên cô. Thỉnh thoảng đặt lên môi cô những nụ hôn rất nhẹ, và giật mình khi thấy đôi môi lạnh ướt. Khi anh chạm vào môi cô, anh cảm thấy cả thân thể cô run lên bần bật như bất chợt có cơn gió lạnh lùa vào căn phòng của anh. Cô lặng lẽ nép mình vào anh, lặng lẽ như một bóng ma. Quân chỉ biết ôm chặt cô trong tay và bế cô đặt lên giường, đắp cho cô một tấm chăn mỏng rồi nhẹ nhàng nằm xuống cạnh cô, ôm chặt tấm thân gầy của cô để làm cô ấm hơn. Anh nhẹ nhàng vô cùng như sợ làm cô tỉnh giấc. Thuỵ Anh nhắm mắt, nép chặt vào anh mong giấc ngủ sẽ kéo đến, mong những cử chỉ âu yếm, vuốt ve nhẹ nhàng của anh, thân thể anh sẽ làm nỗi cô đơn tan chảy trong cô, để cô được trần trụi dâng hiến tâm hồn mình cho anh, nhưng anh không thể làm được điều đó, cũng như cô, nằm bên cạnh anh cô vẫn không thôi cồn cào. Quân quá tốt, quá tử tế, quá hiền lành. Anh chăm lo cho cô khiến bạn bè phải ghen tị, nhưng anh chưa bao thuộc về cô. Họ hoàn toàn là hai tâm hồn xa lạ. Họ ở bên cạnh nhau nhưng Thuỵ Anh luôn cảm thấy điều gì đó rồi sẽ phải xảy ra, như không còn cách nào khác, buộc phải như thế.

Sáng tỉnh dậy khi Quân vẫn còn ngủ, Thụy Anh vội vàng mở cửa và bước ra phố để cố tìm kiếm một chút không khí thật sự để có thể thở. Cô thấy mình không thể nào chịu đựng được sự ngột ngạt của căn phòng ấy nữa, nó khiến cô cạn kiệt. Cô trở về nhà, im lặng khóa trái cửa phòng, mở máy tính, ngồi im, lần mò, suy nghĩ, rồi vu vơ. Thụy Anh nhận được mail của Hải Hoa rủ đi tụ tập với những em sinh viên năm một ở trường Hoa học. Cô chán ngán nhưng vẫn nhấn phím reply “đồng ý”, “vì lúc này đây mình cần làm một việc gì đó để thoát khỏi nơi này, khỏi cái không khí khó thở này”, và rồi một lần nữa cô gặp lại Phong, vào những ngày cuối cùng của tháng mười một.

Hôm đó Phong đã cố tình đến nói với Hoa để anh đi đón Thuỵ Anh. Anh đứng trước cửa ngôi nhà ba tầng cũ kĩ ấy chờ đợi, và lần đâu tiên anh cảm thấy tim mình đập nhanh đến như thế. Cho tới khi Thụy Anh mở cổng đi ra, vẫn nụ cười xa xôi ấy, vẫn chỉ một câu chào lơ đãng mỏi mệt. Phong thấy bồn chồn trong người, nhưng Thuỵ Anh ngồi sau xe của anh mà không hề có ý định nói một câu nào cho tới khi Phong rẽ vào một con đường khác không phải đường đến kí túc xá của anh.

– Tôi tưởng Hải Hoa nói chúng ta đến kí túc xá.

– Tôi muốn dẫn chị tới một nơi trước khi đến đó. Chị hãy chỉ ngồi sau tôi và đừng nói gì cả.

Nghe giọng nói kiên quyết có phần giá lạnh của Phong, cô đã muốn nói một câu gì đó nhưng rồi không hiểu tại sao chỉ ngồi yên lặng.

Dòng sông Hồng vào mùa nước cạn nhưng lại ngập đầy gió. Gió mênh mang xao động. Tiếng đêm thì thầm trong những mơ hồ còn lại. Tim Thuỵ Anh nghẹn lại khi Phong đỗ xe trên cầu Long Biên. Cổ họng nghẹn đắng lại, cảm giác choáng váng lan khắp thân thể cô, như có điều gì đó đang níu cô xuống dòng sông Hồng lẳng lặng trôi kia. Hai bên cầu người qua lại vẫn đông đúc, vậy mà trái tim cô bỗng dưng buốt lạnh. Cô buộc phải ngồi xuống vì không thể tiếp tục trụ trên đôi chân của mình, chúng không còn nghe theo lý trí của cô nữa, cô cũng không thể nói gì với Phong. Mọi ngôn từ thoát ra đều có thể trở nên vô nghĩa trong cái không gian mà cô đang phải chịu đựng. Phong quan sát tất cả những hành động của cô và im lặng dõi theo cô. Những ngày vừa qua anh đã luôn theo cô, nhìn thấy cô đứng hàng giờ ở đúng nơi đây cho đến tận khuya mới trở về, cùng với mùi khói thuốc ám vào người. Anh đã cố để mình không lại gần cô và ôm cô vào lòng. Những khi ấy anh mới chợt nhận ra rằng trái tim cô gái có vẻ lạnh lùng này thực ra lại vô cùng yếu đuối. Cô kìm nén tất cả mọi thứ trong trái tim bé nhỏ của mình. Bởi không thế nào đủ chỗ cho mọi thứ nên chúng luôn thét gào đòi cô phải giải phóng, nhưng cô nhẫn nại, chịu đựng, tâm hồn cô cũng như những chiếc đập ngăn sóng ở đây, dù cố gắng chống cự lại nhưng khi sức nước quá mạnh, nó sẽ vỡ và không còn cách nào có thể làm lành lại. Anh thấy anh cần phải lại gần cô hơn nữa. Anh không muốn chỉ đứng ở xa để nhìn cô đau khổ như một kẻ ngốc, anh muốn được ở bên cạnh cô, dù là gì đi nữa, chỉ cần được ở bên cạnh.

Thụy Anh ngồi im lặng một lúc lâu rồi mới có thể nói:

– Tại sao lại là nơi đây?

Thuỵ Anh nhìn Phong bằng cặp mắt vô hồn và cố gắng lên tiếng nhưng Phong im lặng, im lặng lại gần, ôm cô vào lòng, siết chặt cô trong vòng tay rắn chắc của anh. Thuỵ Anh lặng người đi, cô không còn có thể nghĩ gì, chỉ còn lại giây phút này, cô thấy trái tim mình tan ra thật sự, mọi thứ trở nên mềm nhũn, cô chỉ muốn được anh ôm thật chặt, dù đó là của một người mà cô chưa bao giờ nhớ tới, nhưng trong khi cảm giác cô độc xâm lấn tâm hồn mình, cô chỉ biết tâm hồn người con trai ấy thật sự đang tan hoà trong tâm hồn cô. Dù cảm giác ấy có chỉ diễn ra trong một khoảnh khắc, cô vẫn níu giữ nó, nép chặt vào nó, để nỗi cô đơn không thể thiêu đốt mình. Cô chỉ muốn nhắm chặt mắt lại, trôi đi và không có một ý nghĩ gì nữa. Phong nhận ra rằng Thuỵ Anh bắt đầu khóc. Cô khóc như một đứa trẻ tủi thân không biết dấu nỗi buồn của mình đi đâu khi có người nhìn thấy nó. Nước mắt của cô rơi ướt cả vai áo anh, nhưng anh cứ để cô khóc và ôm cô thật chặt trong lòng mình. Còn cô cũng không còn một chút sức lực nào để có thể giấu giếm nữa. Cứ mặc cho mình trôi đi thôi. Cứ như thế cho tới khi cô mệt nhoài và cảm thấy cổ họng khô khốc, cô ngồi xuống dựa lưng vào thành cầu im lặng đốt thuốc. Anh cũng ngồi xuống bên cạnh cô, chờ đợi bởi anh hiểu cô gái ấy chỉ cần anh ở đây để im lặng và theo dõi.

– Cậu ấy đã chết cách đây mười ngày, bốn năm trước khi chúng tôi mười tám tuổi. Một buổi tối tháng mười một âm u, ngột ngạt. Mùa thu không còn hoa sữa, không có hoa cúc, chỉ có những đám mây ngân ngấn nước, chực khóc……

Thuỵ Anh dừng lại đưa mắt chăm chú nhìn xuống dòng sông xoáy nước đỏ ngầu như máu bên dưới. Im lặng một khoảng thời gian quá lâu, rồi tiếp tục, xa lạ:

– Cảm ơn vì hôm nay Phong đã ở đây, nhưng tôi cảm thấy không còn sức để tiếp tục điều gì nữa. Dù sao cũng khuyên cậu một câu “đừng để ý tới tôi nữa”

– Nhưng ngay từ đầu tôi đã không thể làm như chị nói được. Tôi không thể dừng việc để ý đến chị, dù là bất kì lúc nào.

– ……..

– Tôi hiểu Thuỵ Anh đang nghĩ gì, nhưng hãy cứ để thế này thôi. Chị cứ để tôi im lặng ở bên cạnh thế này thôi.

Cứ như vậy họ ngồi lặng lẽ bên nhau cho tới khi sương rơi ướt đẫm vai áo. Lặng lẽ tìm kiếm tâm hồn nhau trong những im lặng của một đêm tháng mười một khô khan gió.

– Họ đã cố gắng tìm kiếm cậu ấy sau khi đọc được lá thư tuyệt mệnh ấy. Nhưng ai cũng hiểu rằng đó chẳng qua chỉ là một hành động vô nghĩa. Giữa mênh mông sông nước này, khi những con nước đang vào mùa gió, làm sao có thể tìm thấy cái xác nhỏ bé của cậu ấy. Người con gái vừa bước vào tuổi thiếu nữ ấy đã tính toán hết, và thật sự đã chuẩn bị đầy đủ cho cái chết của mình. Một lá thư trăn trối, một cú nhảy liều mạng, và như vậy, mọi thứ sẽ tan vào trong lòng nước thẳm sâu, đó là nơi trú ẩn tuyệt vời nhất, không ai có thể tìm ra cậu ấy nữa…. Mãi mãi, người bạn của tôi không trở về với cát bụi mà hóa thành những giọt nước đỏ như máu kia kìa……

Thụy Anh vừa nói vừa nhìn xuống dòng nước đỏ ngầu bên dưới. Cô nói như một cái máy và đôi mắt không hề có một giọt lệ rơi, ráo hoảnh kì lạ.

– Cậu ấy không thể thích nghi được với môi trường đại học? Tôi đã tự hỏi mình như vậy, nhưng hóa ra chính bản thân tôi lại phải ngỡ ngàng khi biết rằng cậu ấy đã thật sự xuất sắc, và cậu ấy viết cho bố mẹ rằng “con ra đi vì con cảm thấy đã sống đủ ở nơi đây, mười tám tuổi, cười, nói, hạnh phúc, tuyệt vọng…., tất cả, như vậy là đủ rồi, hãy để cho con được sống ở nơi khác”, và gửi cho tôi chỉ một dòng tin ngắn ngủi trước khi ra đi “……. Tớ sẽ đợi cậu, bao lâu cũng vẫn đợi nên đừng sống vội nhé.” . Cậu ấy thật tàn nhẫn, cậu ấy thậm chí còn không bao trước cho tôi biết. Cậu ấy đã bỏ tôi ở lại một mình, chỉ còn lại một mình thôi. Những gì đã xảy ra trong những ngày ấy làm tôi không bao giờ có thể quên được cậu ấy, không thể nào quên hai từ Phương Hoài cũng như sẽ không quên được những ngày tháng mười một ấy. Tôi hận Hoài, vì cậu ấy đã bỏ tôi lại một mình. Đến bây giờ tôi không dám gọi cậu ấy bằng cái tên đó nữa. Chỉ dám nhắc với mọi người một người tên Phương. Tôi cũng đã biết rằng từ ngày cậu ấy ra đi tôi vĩnh viễn sẽ một mình, nhưng dần dần tôi không còn hận cậu ấy nữa, tôi chỉ thấy nhớ và thầm khâm phục cậu ấy. Phương Hoài, phải rồi, cậu thật can đảm, thật tài giỏi, bởi đã biết mình sống đủ mà dừng lại, để không phải sống thừa thãi, sống vô nghĩa như cái cách mà tôi đang sống. Sống để rồi hoang mang cực độ trong những mất mát xót xa. Sinh nhật 18 tuổi, người bạn gái thân thiết nhất ấy đã nói với tôi rằng “Tớ không muốn ấy cứ quay đầu nhìn lại quá khứ của mình nữa. Ấy hãy học cách như tớ đây này, tớ rất sợ quay đầu nhìn lại, vì sợ sau lưng mình là biển hồ của sự mất mát và kiếm tìm”. Có lẽ vì vậy cô ấy đã bước đi, không cần phải bước đi đâu nữa trong cuộc sống này nên đã bước vào một cuộc sống khác, ở một nơi khác.

Nói rồi đột nhiên Thụy Anh đứng dậy không kịp để phong nói gì:

– Về thôi!

Phong không phản đối gì trước lời đề nghị đột ngột của Thụy Anh mà lặng lẽ quay xe. Thuỵ Anh ngồi trên xe nhưng vẫn quay đầu lại rất lâu nhìn dòng sông ây. Đây là lần đầu tiên sau bốn năm Phương Hoài mất, cô mới cảm thấy lòng thực thà và yên ổn.

Họ im lặng cho tới khi xe Phong dừng lại trước cửa nhà cô. Thụy Anh cảm ơn rồi hôn nhẹ lên má Phong tạm biệt. Đôi môi lạnh ngắt của cô khiến Phong muốn choàng tay ôm cô vào lòng mình. Trong làn gió hơi khô của mùa này, cô quay đầu bước đi như đoán được ý nghĩ của anh. Bước đi vội vã như bao nhiêu lần trước cô gặp anh. Không hiểu sao mỗi lần gặp Phong, Thụy Anh luôn bị rơi vào trạng thái cảm xúc của những mảnh kí ức mà cô đã cố chôn vùi thật sâu. Kí ức mênh mang chưa bao giờ cũ đi theo năm tháng mà mãi mãi cứ sống dậy từng ngày như những cơn gió không đổi mùa.

Còn lại một mình trên con đường trở về nhà, đầu Phong thật sự trống rỗng. Những mảnh vụn mà anh chắp ghép được về cô gái ấy càng làm cho anh khao khát được gần bên cô hơn. Anh không xác định cho mình thật sự đó là tình cảm gì, nhưng anh chỉ muốn được ở gần Thụy Anh bởi chính anh cũng cảm nhận được rằng, người cô cần chính là anh chứ không phải là một ai khác. Anh cũng biết cô yêu Quân. Nhưng anh có cảm giác, rất mơ hồ rằng họ chưa bao giờ thuộc về nhau.

Tháng mười một trôi đi trong đi chậm chạp như một con ngựa già mỏi mệt không muốn làm nhiệm vụ. Kí ức của tháng mười một đậm đặc trong những ly café đêm của Thụy Anh. Cô vừa muốn vùng vằng thoát khỏi những ngày này lại vừa cố như để níu giữ từng khoảnh khắc. Cô nhớ như in hình ảnh một cô bé Phương đã từng cười hồn nhiên khi hai đứa cùng nhau đi ngắm những bông hoa cúc còn lẫn hơi sương của tháng mười một, rồi mua thật nhiều cúc về cắm (dù cho cô nàng không thích hoa cúc lắm, nhưng lại luôn nhắc Thụy Anh : – Tớ mua cúc về cắm để cậu thoải mái ngắm). Những ngày sống bên cạnh Phương cũng là những ngày còn lại duy nhất một chút đẹp đẽ trong lòng cô từ khi mẹ ra đi, nhưng rồi ngay chính Phương cũng bỏ cô mà đi. Hình ảnh cuối cùng còn lại trong cô về Phương vẫn là nụ cười thật tươi, thật giòn và giọng nói thật trong veo khi hai người dong duổi xe đạp trên phố cổ. Vậy mà chỉ hai mươi giờ đồng hồ sau, cô vĩnh viễn không thể tìm thấy Phương một lần nữa. Nhưng cô đón nhận chuyện này lặng lẽ cứ như mình đã nhìn ra rằng rồi sẽ có ngày mọi chuyện diễn ra hệt như vậy. Bạn bè thân thiết của hai đứa còn tự hỏi tại sao Thụy Anh lại hờ hững trước cái chết của Phương như vậy. Nhưng rồi không ai có thể biết rằng, cả đêm hôm đó Thụy Anh đã chỉ im lặng đứng trên cầu Long Biên, nhìn về phía sông Hồng đỏ ngầu kia. Không có một giọt nước mắt nào, không có một thanh âm nào,…chỉ còn gió. Tiếng gió gào thét như quất vào mặt cô. Lạnh buốt, đau rát. Cô vẫn câm lặng. Đêm đó dài vô tận trong những khoảnh gió, và cho tới tận những giây phút ấy cô biết rằng chẳng còn gì để níu giữ cho ngày mai.

“Dù sao cậu vẫn hạnh phúc vì cậu biết rằng cậu đã sống đủ. Còn tớ, tớ chẳng biết đâu là đủ, đâu là thiếu. Mọi người bảo thỉnh thoảng phải dừng lại một chút để biết mình đang sống. Tớ cũng muốn dừng lại, nhưng tớ không biết tớ phải dừng lại ở đâu, dừng lại như thế nào. Tớ sợ lắm. Chỉ cần tớ dừng lại, có thể là không đúng cách, tớ sẽ trôi đi mà không thể trở về được. Cậu hạnh phúc vì cậu biết cậu đã sống đủ. Còn tớ, tớ thấy mình cứ thiếu mãi, vơi dần đi mọi điều. Mẹ đi, tớ đã mất một lần. Và rồi cậu bỏ tớ ra đi. Cái còn lại trong tớ vơi đi rất nhiều nữa. Tớ phải làm sao để biết mình đã sống đủ, khi mà càng sống tớ càng khuyết thiếu. Nhìn lại đến bây giờ, tớ còn gì?….. Đôi khi tớ sống cứ như mỗi lần mình bước sang đường vậy, chậm chân một chút, lơ là một chút thôi sẽ chạm ngay phải chiếc xe ô tô đang lao tới. Nó lướt qua mình rất vội vã, và mình bước hụt, vậy là tất cả sẽ chấm dứt. Không phải, nó lướt đi trước mặt mình và nó không kịp nhớ ra đã bắt gặp mình trên cuộc hành trình của nó. Rồi tiếp, tiếp nữa, nó sẽ quên, quên mất đã bắt gặp rất nhiều điều trong cuộc hành trình của nó. Chỉ còn lại tớ và những người như tớ, khi chiếc ô tô lao đi thì không biết mình phải đi đâu về đâu tiếp. Lại bơ vơ, và rồi lại nhớ tiếc, lại cứ nghĩ mãi về chiếc ô tô đã lao đi rất xa….”

Và Thụy Anh bắt đầu khóc. Cô không còn có thể nức nở, bởi nước mắt không còn ở hình hài của những giọt cầu tinh mặn mà đã đóng băng thành những khối sần sùi đâm vào lồng ngực nhức buốt. Nó nghẹt cứng trong họng khiến cô không thể thở, không thể nói, và đôi mắt mờ dần. Trong mơ hồ khi ấy, Thụy Anh như nhìn thấy hình ảnh của mẹ bên cây kèn saxophone cùng với những bản nhạc của thời thơ ấu. Lúc này cô không lẩn tránh những cảm giác ấy mà chìm vào đó, như đợi bàn tay của mẹ ôm lấy mình. Mười tám tuổi, một lần nữa trong bước ngoặt của cuộc đời mình cô không còn có mẹ bên cạnh. Nhưng đêm đó, cô chìm trong cảm giác về mẹ, về một miền kí ức khi cô còn là một đứa bé bảy tuổi, có mẹ và những mùa đông đầy hoa cúc.

Những ngày này Hà Nội đậm hơi sương và lẩn khuất đâu đó trong những khối nặng trĩu ấy là một miền kí ức sáng tươi kì lạ. Trước những năm bảy tuổi, những năm có mẹ bên cạnh, cô đã sống cuộc sống đủ đầy những yêu thương, tròn vẹn những nỗi nhớ. Đôi lúc cô nghĩ, nếu mình chỉ dừng lại cuộc đời ở năm bảy tuổi đó thôi, có lẽ mình sẽ biết mình đã sống đủ. Nhưng rồi, những ngày tháng mười một lặng lẽ với cầu Long Biên và dòng sông Hồng cạn khô này, cô biết mình vẫn phải sống, bởi nếu không cô sẽ không thể ngắm nhìn mảnh đất này, không thể sống với những cảm giác thân thuộc khi ở bên cạnh Phương. Cuộc sống trôi nổi trong những ngày tháng vô nghĩa, nhưng rồi bỗng dưng ùa tới những khoảnh khắc sâu đến tận cùng mà chỉ nhờ có nó thôi cũng đủ để sống cả ngàn năm sau. Thụy Anh đang sống những ngày như vậy, với kí ức về mẹ, về Phương, và tháng mười một Hà Nội, chỉ với những khoảnh khắc ít ỏi đã qua từ rât lâu rồi.

Và bỗng dưng Phong xuất hiện. Lần đầu tiên có một người đứng cùng cô trên cây cầu ấy để nhớ về Phương. Lần đầu tiên có người đã im lặng ôm cô, im lặng để cô khóc. Và lần đầu tiên cô thấy mình thật thà đến như vậy. “anh là ai?”. Thụy Anh cứ tự đặt cho mình câu hỏi ấy để rồi tự kéo mình vào những rối bời. “Những cuộc gặp gỡ với anh ta là tình cờ hay bởi một sự sắp xếp khéo léo nào đó. Tại sao bỗng dưng người đó lại xuất hiện trong cuộc đời mình từ một giây phút nhói lên những nỗi đau vốn đã khuất từ lâu”. Cô đã nghĩ nhiều đến Phong. Đã luẩn quẩn trong cái suy nghĩ và hình ảnh của người con trai rất trẻ ấy. Và đôi lúc cô tự mình tìm cách trốn chạy. Cô sợ Phong sẽ nhìn thấy tâm hồn cô. Sợ như một đứa trẻ làm việc xấu sợ bị phát hiện. Sau đêm cuối của tháng mười một ấy, cô tránh Phong. Cô trở về bên Quân. Lại cười, nói với những gì đang diễn ra xung quanh, như chưa bao giờ có khoảng thiếu của tháng mười một. Không một ai hỏi bởi biết quá rõ, sẽ chỉ nhận được sự im lặng hoàn toàn từ người con gái ấy. Quân mỉm cười khi cô đến, và vẫn vậy, vẫn dịu dàng ôm lấy bờ vai gầy, mảnh của cô “cảm ơn vì em đã trở về”, “em vẫn luôn ở đây mà”, “trưa nay mình sẽ ăn gì em”, “bún chả nhé. Em sẽ nấu”. Quân cười dịu dàng. Hạnh phúc với những gì mình đang có. Hạnh phúc vì biết Thụy Anh đang là của anh, hiện hữu ngay bên cạnh anh với những điều bình dị của một cuộc sống thường ngày. Với anh chỉ như thế là quá đủ.

P.L.

(Còn tiếp)

Comments are closed.