Từ điển tiếng Việt của GS Nguyễn Lân – Phê bình và khảo cứu (kỳ 27)

Hoàng Tuấn Công


○ “thuốc nam đánh giặc, thuốc bắc lấy tin Ý nói: Thuốc nam công hiệu, còn thuốc bắc thì đắt tiền”.

Giải nghĩa theo kiểu phỏng đoán, lấp lửng nên không rõ ý ra sao. Vậy, thuốc Bắc chỉ “đắt tiền” chứ không “công hiệu” chăng? “Đánh giặc”, nghĩa bóng ở đây là “chữa bệnh”. Câu tục ngữ được diễn giải là: Các vị thuốc chữa bệnh thực chất là thuốc Nam (sẵn có và rẻ), nhưng lại mang danh thuốc Bắc để lấy tiền (giá cao). Thực tế, xưa kia (kể cả hiện nay), các thầy thuốc Bắc, hoặc thương nhân Trung Quốc sang Việt Nam hành nghề, thường mua dược liệu Việt Nam đem về nước sơ chế (hoặc bào chế tại chỗ), rồi lại bán sang nước ta với với cái tên thuốc Bắc giá đắt gấp nhiều lần. Ví dụ: binh/tân lang/– 檳榔 (hạt cau già), trần bì – 陳皮 (vỏ quýt rừng), sinh khương – 生薑 (gừng sống), can khương – 干薑 (gừng phơi râm mát), Nam khiếm thực – 南芡實 (củ súng), liên tử – 蓮子 (hạt sen), long nhãn – 龍眼 (cùi nhãn), v.v. Đại hồi – 大茴, quế chi – 桂枝, củ mài (hoài sơn – 淮山), ý dĩ nhân – 薏苡仁 (hạt bo bo), nhân sâm 人蔘… của Việt Nam, nhiều vị còn tốt hơn cả chính cây trồng bản địa bên Trung Quốc.

Sách Vân đài loại ngữ của Lê Quý Đôn chép: “Ở nước ta, các làng Phù-lưu, Tiên-lễ, thuộc châu Bố-chánh, trấn Nghệ-an, có sản xuất nhân sâm. Cứ đến tháng 4, tháng 5, sâm nở hoa tía, cắt rễ rửa qua, đem đồ, cạo qua, ngày phơi, đêm sấy, cũng có hoành văn (vằn ngang), không khác gì sâm Bắc; vị nó thanh, ngọt, dùng để chữa bệnh nguy cấp, sinh tân dịch, bổ khí, cũng có công hiệu […]. Sâm Nghệ-an không đắt lắm, một lạng trị giá chỉ độ 30, hay 40 đồng tiền. Các lái buôn đem sâm Bắc từ Trung-quốc sang bán, khí chất đã biến hết, mà một lạng giá đến 80 quan, rồi lên giá mãi đến một trăm tám mươi quan; các nhà công hầu, quí thích, dốc tiền ra mua về dùng: Ta bảo: như thế có khác gì chán gà nhà, mà chuốc cò nội?”. Vân đài loại ngữ lại chép: “Sản vật tốt, phần nhiều sản xuất ở Nam-phương. Có nhiều thứ hương dược (thuốc có hương thơm), hoa quả, cây rau, mà Trung Quốc không có. Từ đời Hán, người ta khai thác Giao-chỉ, sưu tầm những thứ quí lạ, rồi sau các thứ kỳ hương, hoặc sinh ở ngoài biển, hoặc sinh ở trong đất, đem bày là liệt ở nơi thiên phủ (cung phủ nhà vua)”.

Hạt cau già (binh lang 檳榔) chủ trị: “Thực tích khí trệ, bụng đầy táo bón, tả lỵ mót rặn, ký sinh vật đường ruột: giun, sán; Trị sốt rét do muỗi truyền.” (trích Danh từ thuật ngữ y-dược cổ truyền). Trong Phủ biên tạp lục, chính Lê Quí Đôn đã chép về việc người Tàu mua vị binh lang của ta như sau: “Gia Định rất nhiều cau. Ngạn ngữ nói: “Gia Định nhất thóc nhì cau”, dân địa phương thường bỏ không thu, cau già lấy hột bán cho người Tàu.” Xem trong “Thần Nông bản thảo kinh” (Đào Ẩn Tích – Chu Tước Nhi dịch, NXB Hồng Đức, 2012), sẽ thấy rằng, có hàng trăm vị thuốc Bắc rất sẵn có ở Việt Nam, được gọi với cái tên khác. Ví dụ: cát căn 葛根 (sắn dây); bồ công anh 蒲公英 (diếp dại, diếp trời); ô tặc cốt 烏賊骨 (mai mực); tục đoạn 續斷 (sâm nam, đầu vù)…

Mà đâu chỉ có các vị thuốc Bắc. Sách “Thế lực Khách trú và vấn đề di dân vào Nam Kỳ” (NXB Hội nhà văn, 2016), phần viết về nghề nghiệp của Hoa Kiều, Kí giả\ Đào Trinh Nhất (1900-1951) cho biết: “Biên Hoà: tỉnh này giồng nhiều chè (tức chè Huế), Hoa kiều mua rồi chế hoá thế nào, làm thành như chè của Tầu, mà lại bán cho ta […]. Nói tóm lại ngay những vật liệu ta thường dùng, trong 100 phần phải ngưỡng cấp (“ngưỡng cấp: trông chờ người khác cấp cho”, chú thích của sách – HTC chú thích) ở Hoa kiều đến 80 phần, chưa kể đến những nguyên liệu của ta mà họ lợi dụng để chế ra các sản vật đem ra bán ở ngoại quốc nữa, thì đủ biết nghề nghiệp của họ phát đạt như thế nào”.

Thông thường, người ta cho rằng, cùng một vị, nhưng thuốc Bắc tốt hơn thuốc Nam. Tuy nhiên, không phải tất cả. Đặc biệt, những vị thuốc khai thác ở vùng giáp biên giới Việt-Trung, như Lạng Sơn, Lào Cai – nơi có khí hậu, thổ nhưỡng tương đương như Trung Quốc, thì nhiều vị thuốc Nam cũng như thuốc Bắc mà thôi. Lẽ dĩ nhiên, qua công đoạn bào chế của người Tàu, hạt cau già (thuốc Nam), sẽ trở thành vị binh lang 檳榔 (thuốc Bắc). Mà làm giả, làm nhái là sở trưởng của người Tàu từ xưa đến nay. Vậy chẳng phải “Thuốc Nam đánh giặc, thuốc Bắc lấy tiền” là gì?

Như vậy, có thể hiểu “Thuốc Nam đánh giặc, thuốc Bắc lấy tiền ý nói, các vị thuốc nguồn gốc bản địa của ta (thuốc Nam), được người Tàu thu mua, bào chế, rồi mang tên chữ thuốc Bắc, giả làm thuốc Bắc. Bệnh khỏi là do thuốc Nam của ta, nhưng tiền thu về lại bỏ vào túi thương nhân Tàu, thầy thuốc Tàu.

Tham khảo: Theo sách “Hà Nội chỉ nam” (tác giả Nguyễn Bá Chính, ấn hành lần đầu 1923, NXB Hội nhà văn tái bản 2016), mục “Các hiệu thuốc Bắc- 亞籍葯店” (Á tịch dược điếm), cho biết ở Hà Nội có tới 18 hiệu thuốc Bắc, tập trung ở các phố Hàng Buồm, Hàng Bông, Hàng Quạt, Hàng Đào…Ngoài ra còn có hai hiệu của “Các ông lang Khách – 中華醫生” (Trung Hoa y sinh), ở ngõ Sầm Công và Hàng Buồm. Trong khi đó số hiệu thuốc của “Các ông lang Ta – 本國醫生” (Bản quốc y sinh), không bằng một nửa “lang Khách” (tổng số 9 hiệu thuốc) ở các phố Hàng Dầu, Hàng Vải Đen, Hàng Đào, Hàng Giấy, Hàng Bông, Hàng Gai…

○ “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi Cách dạy cũ là dùng roi vọt, nhưng ngày nay cách dạy đó là lỗi thời vô nhân đạo, vì dạy con không phải biến con thành một kẻ nô lệ”.

Từ điển không phải là diễn đàn bàn về biện pháp giáo dục, có chăng chỉ là nói thêm. Mặt khác GS Nguyễn Lân mới chỉ nghĩ đến nghĩa đen của câu tục ngữ. Hiểu theo nghĩa bóng, “cho roi, cho vọt” là sự rèn cặp, dạy dỗ nghiêm khắc của cha mẹ đối với con cái để chúng nên người; (cũng như) “cho ngọt, cho bùi” được hiểu là việc nuông chiều, bỏ qua cả những lỗi lầm đáng ra phải trách mắng, khiến con cái trở nên hư hỏng. [Ví như câu Thương con cho miếng tiết, giết con cho miếng gan, nghĩa bóng: không nên cho trẻ con ăn gan động vật, vì khó tiêu, chứ đâu nói chuyện “giết con” thật?]. Nhan thị gia huấn 顏氏家訓 viết: “Si nộ phế ư gia, tắc thụ tử chi quá lập kiến – 笞怒廢於家, 則豎子之過立見 [Trong nhà mà thiếu mất việc đánh đòn, trách mắng thì trẻ nhỏ mau chóng mắc lỗi]. “Đánh đòn” ở đây cũng được hiểu theo nghĩa rộng là sự nghiêm khắc trong giáo dục con.

○ “thứ nhất quận công, thứ nhì ỉa đồng (Tục) Ngày xưa người ta thường ra đồng phóng uế và cho là khoan khoái. Nhưng nếp sống văn minh cho việc làm ấy là không lịch sự, là thiếu văn hoá”.

Thành ngữ, tục ngữ phản ánh phong tục, tập quán, dấu ấn lịch sử trong sản xuất và đời sống của nhân dân. Bởi vậy, người biên soạn nên tìm hiểu để giải thích cho đúng với nghĩa dân gian từng dùng, chứ không phải lấy điều kiện kinh tế, quan điểm cá nhân ngày nay để phê phán ngày xưa. Thời Lê mạt, phong kiến suy tàn, tệ mua quan bán tước trầm trọng. Nhà sử học Phan Huy Chú đã phải thốt lên: “Chức phẩm là trọng, không thể mua bán được. Thế mà đem vật quý của nhà nước để làm mối lợi, vốn là việc không nên có ở đời thịnh trị […]. Những chức mà sĩ phu phải vất vả nhiều năm và nhiều trường thi mới được, nay dân thường đều có thể lấy tiền thóc mà đổi ngay được. Thế là việc chọn người bổ quan thành quá lạm, mà nảy ra thói xấu thích hơi đồng. Quan tước cho bừa làm gì mà chả đến tệ như thời Hán mạt, Tấn suy” (Lịch triều hiến chương loại chí). Rất có thể câu “Ỉa đồng một bãi bằng vạn đại quận công”, chính là dân gian mỉa mai, đả kích tình trạng lạm phong chức tước bừa bãi bắt đầu từ thời kì này. Câu “Thứ nhất quận công, thứ nhì ỉa đồng” (dị bản “Nhất quận công, nhì ỉa đồng”) dân gian đem “ỉa đồng” so sánh với “quận công”, đặt “ỉa đồng” chỉ sau “quận công” một bậc, cũng là một cách mỉa mai quan tước thời kì phong kiến suy đồi. Mặt khác, câu này cũng hàm ý: cuộc sống thoải mái, phóng khoáng của người dân quê nơi thôn dã có cái thú riêng của nó, chứ không hẳn cứ phải là kẻ công hầu khanh tướng, mũ cao áo dài; cũng là cách nói thậm xưng, nhằm chỉ sự khoan khoái của cái thú “ỉa đồng”. Bởi trước kia, nhân dân có tập quán coi trọng nơi ăn chốn ở hơn là chỗ vệ sinh, ỉa đái. Những chỗ như chồ xí, chuồng xí, cầu tiêu, từ nhà giàu đến nhà nghèo đều rất hôi thối, mất vệ sinh. Phải ngồi trong đó để đại tiện giống như cực hình. Thế nên, nhân lúc đồng áng, hay gặp dịp “phong thanh, nguyệt bạc”, “ngồi” giữa mênh mang đất trời mà “tận hưởng” cảm giác của một trong “tứ khoái” thì còn gì bằng!

○ “thưa ao tốt cá Ý nói: Nếu không phải chia sẻ nhiều nơi thì hưởng được nhiều hơn”.

Đây là kinh nghiệm “canh trì” (đào ao, thả cá): Muốn nuôi cá cho nhanh lớn, có hiệu quả, nên thả với mật độ vừa phải, đảm bảo cá có đủ dưỡng khí và thức ăn để sinh trưởng. Bởi vậy, điều trước tiên phải giải thích nghĩa đen, và không dứt khoát phải tìm bằng được nghĩa bóng (tục ngữ về kinh nghiệm sản xuất thường không mang nghĩa bóng). Kinh nghiệm điều chỉnh mật độ gieo trồng, chăn nuôi của nhân dân còn được thể hiện qua nhiều câu khác như: Thưa cây, nây buồng; Thưa con lớn trứng…

○ “thương hải biến vi tang điền (Nghĩa đen: Biển xanh biến thành ruộng dâu, chỉ sự thay đổi nhanh chóng. Nghĩa bóng: Tổn hại đến luân thường, hư hỏng cả đạo lý) Lời than phiền của cảnh phi đạo đức trong xã hội”.

Không hiểu nổi tại sao GS Nguyễn Lân lại có thể giải thích nghĩa bóng như vậy? Các dị bản: “Thương hải biến vi tang điền”; Thương hải tang điền – 蒼海桑田 hay Tang điền thương hải, Tang thương biến cải đều có nghĩa đen: Biển xanh biến thành nương dâu; Nương dâu biến thành biển xanh; nghĩa bóng: sự thay đổi lớn của xã hội, sự thăng trầm trong cuộc đời. Cách giải thích “Tổn hại đến luân thường, hư hỏng cả đạo lý của GS Nguyễn Lân vô lý tới mức, người ta cảm tưởng đây là lỗi nhà in. Tuy nhiên, chúng tôi đã so sánh một số bản in từ 1988 đến 2014, 2015, 2016 do các nhà xuất bản như Văn hoá Thông tin, NXB Văn hoá, NXB Thời đại, NXB Văn học,… đều thấy thống nhất nội dung, nên loại trừ khả năng in nhầm.

Comments are closed.